Cây sầu riêng tứ thời

" Em Tân,
Chị lên thành phố họp hôi nghị những người làm ăn giỏi, nhân thể ghé vô thăm vợ chồng bay. Chèng ơi, bay cực, bay khổ sao không nói cho chị hay. Trước chị nghèo còn nuôi anh em được, giờ có ăn có để không lẽ để mặc tụi bay sao. Chị biết mà... bay thương chị bay để trong bụng, gặp chị bay mắc cỡ với người đời. Bay học cao, sợ xin chị rồi mang tiếng chớ gì? Đời chị khổ cực đã nhiều, bay bỏ chị, chị còn khổ hơn. Bay còn thương chị Tư thì nhớ về để chị đỡ tủi, Tân à... "
Trang giấy đẫm nước mắt làm nhòe thêm mấy dòng chữ xiêu vẹo. Tân cầm lá thư trên tay ngồi lặng người nhìn giỏ bàng đựng trái cây để trên bàn. Mùi sầu riêng thơm lựng. Lại thêm một mùa trái cây mà anh vẫn chưa về thăm miệt vườn Tam Phước An. Tân hỏi vợ giọng đượm buồn:
- Sao em không giữ chị Tư ở lại chơi?
- Em có giữ nhưng chỉ không chịu. Còn biểu: Chị giận thằng Tân, chị muốn nó về dưới coi thử cái mặt khác ngày trước bi nhiêu. Anh có bà chị kết nghĩa thiệt dễ thương, vừa viết thư vừa khóc nhưng ăn nói rất dữ dằn. Sao lâu nay không thấy anh nhắc đến chỉ?
Tân lúng túng, không thể nói hết một lúc mọi chuyện cho vợ hiểu về chị Tư Trang, anh trả lời qua loa:
- Chị là cơ sở của anh hồi ở rừng em à?

*

Vào thời kỳ bọn Phượng Hoàng hoành hành nhất, anh Tư - người giao liên của huyện ủy - hy sinh. Anh về Tam Phước An nắm tình hình, ghé nhà thăm vợ chưa cưới, đến gần sáng vượt qua lộ đụng phải ổ phục kích của lính sư đoàn 18. Anh bị mìn " cơlâymo" quét dập hai chân, vẫn nằm tại chỗ bắn đến viên đạn cuối cùng. Tám giờ địch cho nhà báo chụp ảnh, tổ chức họp báo ngay tại hiện trường để tuyên truyền. Ba tên lính vừa lật xác anh lên, một tiếng nổ kinh người. Anh chết còn kéo được cả thảy năm thằng đi theo...
Buổi chiều, tổ trinh sát của Tân gác ở gần bìa rừng căn cứ bắt được một phụ nữ còn trẻ, môi son má phấn, quần áo là lượt như đi hội, mùi nước hoa bay thoang thoảng. Trên gương mặt đẹp, đôi mắt ẩn giấu một nỗi đau buồn thăm thẳm. Chị nói muốn tìm anh Bảy Bí thư huyện ủy. Tân cho hai chiến sĩ ở lại canh chừng động tĩnh rồi dẫn chị đi vào rừng. Dọc đường, chị bắt chuyện khá tự nhiên:
- Bộ chú em mới ngoải vô hả?
- Biết tôi bao nhiêu tuổi mà dám gọi bằng chú em?
- Biết chớ! Chú em tên Tân, mười chín tuổi, sinh viên sư phạm Hà Nội.
- Ơ, chị biết tên tôi thật sao?
- Trong cứ có ai tôi biết hết trơn...Anh Tư ảnh kể cho tui nghe nhiều chuyện lắm...
Chị bỗng nấc lên. Tiếng khóc của người đãừ cố nén nhịn giờ mới có dịp bật ra. Tân phải khoác súng dìu chị đi nốt chặng đường còn lại. Vừa trông thấy chị, anh Bảy Bí thư đã vội bước ra khỏi lán:
- Trời đất! Tư Trang hả? Vô đây mần chi, em?
- Anh Tư chết rồi... Em muốn vô đây thay ảnh...

*

Tối hôm sau nhờ sự dẫn đường của Tư rang, anh Bảy và Tân trở lại Tam Phước An. Địch vẫn chưa biết gốc tích người hy sinh ngoài lộ. Tư Trang cắn răng nhìn bọn chúng đem xác anh đi chôn cất. Cái hầm bí mật đào hồi chín năm vẫn còn chắc. Anh Bảy quyết định trụ lại địa bàn, giao cho Tư Trang giữ thế hoạt động hợp pháp, còn Tân thay anh Tư làm giao liên, đi đi về về theo lối chỉ dẫn của người chị kết nghĩa ở miệt vườn.
Phong trào cách mạng khởi sắc nhờ anh Bảy chỉ đạo sâu sát, anh Bảy tồn tại nhờ Tư Trang che chở ngay dưới nền nhà. Khi biết mình có bầu, kết quả lần gặp nhau cuối cùng với anh Tư, chị quyết định tạo dư luận bằng cách lân la trò chuyện với đám lính và những tên cán bộ bình định nông thôn. Nhà chị lúc nào cũng nườm nượp, khách đủ các sắc lính. Chúng tán tỉnh ve vãn Tư Trang, thậm chí còn sàm sỡ nữa. ở dưới hầm anh Bảy nghe thấy hết và hiểu hết mọi cay đắng mà chị phải chịu đựng. Bà con trong ấp bắt đầu tránh xa chị, lúc chị sinh nở không ai đến thăm... Dịp ấy bọn địch bắt đầu đánh hơi được sự có mặt của " Tên Bảy Bí thư, đầu sỏ Việt Cộng nằm vùng ". Chúng xăm khắp vườn, khắp nhà, chỉ trừ mỗi ô đất dưới giường bà đẻ nằm là bị bỏ qua. Căn hầm anh Bảy đang trú ẩn ở ngay dưới nồi than.

*

Ngày giải phóng, trước cuộc mít tinh mừng chiến thắng, anh Bảy phát biểu thanh minh cho Tư Trang:
- Thưa bà con, thằng bé Tuấn con cô Tư Trang là con của một đồng chí liệt sĩ. Cô Tư đã sinh ra đứa con của cách mạng và cũng sinh ra Bí thư huyện ủy lần thứ hai.
Huyện điều chị Tư lên làm cán bộ Hội phụ nữ, Tân chuyển ngành đi học tiếp Đại học sư phạm ở thành phố.Về thăm, thấy chị xuân sắc còn mặn mà, tình cảnh hai mẹ con đơn chiếc, anh lựa lời động viên:
- Coi ai có thương thì tính bước nữa để thằng cháu có cha, chị Tư à.
Tư Trang thở dài, không nhìn Tân cười ngượng nghịu:
- Mình thương người ta không muốn lấy. Người ta muốn lấy mình không thương!
- Ai chịu cứ lấy, rồi thương sau cũng được chị ạ.
- Trời đất ơi, thương mới khó lấy khó gì - Chị cười pha trò - Chị Tư thương bay, bay có dám lấy không?
- Chị nói chuyện kỳ cục quá - Tân bất lực giơ tay lên như người đầu hàng rồi làm bộ bí mật - Nè,em biết có người thương chị đứt ruột mà không dám nói ra. Gương mặt chị Tư Trang thoáng ửng hồng bối rối, vẫn cố khỏa lấp bằng giọng cà rỡn vốn có:
- Chị biết rồi, bay định nói anh Bảy chớ gì. ảnh làm sao lấy được chị. Vợ con ảnh chình ình ra đó để cho ai, làm Bí thư huyện ủy sức mấy dám có vợ bé!
Tân vẫn đùa:
- Thế chị làm Hội trưởng phụ nữ thì dám làm vợ bé người ta?
- Tao sợ gì, tao bỏ tuốt luốt tao đi làm bé - Hình như câu này chị nói có vẻ như nửa đùa nửa thật.

*

Tân ra trường hơn mười năm, hai vợ chồng dạy học ở thành phố nhưng cuộc sống riêng vẫn chật vật trong căn hộ đơn sơ ở khu chung cư. Nuôi hai đứa con nhỏ ăn học, đồng lương eo hẹp đến mức họ không dám đi đâu chơi một chuyến. Hằng năm, mùa trái cây chín, chị Tư vẫn gửi đến trường cho Tân một giỏ xách làm quà. Anh lặng lẽ đem về, vợ con hỏi, anh trả lời qua loa không muốn kể về người chị miệt vườn Tam Phước An xa xôi.
Chị Tư Trang đã bỏ cơ quan huyện về nhà chăm vườn, làm ruộng. Ai hỏi lý do, chị nói:
- Lương không đủ ăn, về miệt vườn sống đỡ qua ngày.
Chị em thân tình ghé thăm, chị xuê xoa:
- Tui không làm cán bộ được, làm dân quen rồi!
Sau đó, khắp cơ quan huyện xôn xao tin Tư Trang sinh đôi hai đứa con gái không có cha. Chẳng ai ghét chị như ngày xưa chiến tranh, hiểu lầm lẫn lộn nhưng không ai muốn gần gũi. Lớp anh chị em cùng hoạt động coi chị như đồ bỏ...
Tư Trang lặng câm làm ruộng, buôn bán nuôi con, cả ba đứa đều khôn lớn được ăn học tử tế. Riêng Tân, mỗi lần nhận giỏ trái cây của chị anh cứ băn khoăn, biết chị không dám gặp mặt nhưng tấm lòng đối với anh vẫn nguyên vẹn là người chị ân cần. Anh buồn, thương chị nhiều hơn là giận chị. Chẳng thà chị lấy phải người chồng không ra gì... Đời người còn chút danh thơm vợ liệt sĩ, sao nỡ xúc phạm vong linh anh Tư đến mức ấy...
Đó là lý do anh ngại kể chuyện cho vợ con biết và cũng ngại về thăm miệt vườn.
Vợ Tân dịu dàng nhắc anh:
- Chị Tư không bỏ mình, mình đừng bỏ chỉ, anh à. ý chỉ muốn anh về dưới cho tiền để thêm chút vốn liếng làm ăn. Anh tính sao?
- Anh có giúp được chị bao giờ. Ngày xưa nhờ vả, nay lại nhờ vả, kỳ lắm. Nhưng nhất định anh sẽ về thăm. Đọc thư chị Tư, anh thấy ân hận quá.

*

Vợ chồng Tân về Tam Phước An bằng xe đò liên tỉnh. Mùa trái cây đang chín rộ, miệt vườn đông vui hẳn lên nhờ khách tham quan Vũng Tàu tấp vào. Cây sầu riêng chị Tư, anh Bảy và Tân trồng đúng ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm ở trước sân đã vươn cao, cành lá sum suê, trái đeo lủng lẳng tận ngọn. Đây là cây hiếm độc nhất, ra hoa cho trái quanh năm. Chị Tư bảo nó là giống sầu riêng tứ thời. Nhà nào đàn bà cô quả mới có...
Nhìn gương mặt hai đứa cháu gái sinh đôi, Tân bổng nhận ra đường nét quen thuộc của mẹ chúng và của người cha xa vắng. Anh hiểu chị Tư đã chịu đắng cay để nuôi con một mình nhưng chị cũng không muốn giấu diếm niềm hạnh phúc với người đó... Đêm khuya, hai chị em còn thức trò chuyện, Tân hỏi thẳng người chị kết nghĩa không quanh co:
- Chị Tư à, cháu Yến,cháu Thanh là con của anh Bảy phải không?
- Bay biết rồi còn hỏi mần chi? Giọng chị thản nhiên rành rọt như kể chuyện người khác - Hồi làm việc trên huyện thấy anh Bảy săn sóc quá chị lo đổ bể ra thì mất cả hai người. Đảng cần ảnh, chị cũng biết ảnh cần chị. Nghĩ mãi, chị quyết định bỏ hết, về nhà để cho ảnh được vẹn toàn. Chị dám chịu hết một mình, Tân à. Ngày trước chị đã chịu một lần rồi, giờ thêm một lần nữa cũng ráng thôi.
- Ông Bảy là đồ hèn - Tân bực bội thốt lên - Thế rồi ổng bỏmặc chị phải không?
- Tội nghiệp, lâu lâu ảnh cũng có lên thăm sắp nhỏ!Anh chị vẫn hẹn gặp nhau hoài - Chị Tư cười buồn buồn - Cứ như hồi hoạt động bí mật... Tính nết chị kỳ lắm. Thương ảnh mà bỏ không dứt. Đâu phải tại anh Bảy em, tại chị chớ.
Tân vẫn còn ấm ức:
- Sao hôm nay có vợ chồng em về đây, chị không kiếm cớ nhắn anh Bảy về cùng cho vui?
- Đừng trách ảnh làm chi. Sắp đại hộõi Đảng bộ,anh Bảy phải giữ gìn. Năm ngoái, bà vợ vay ngân hàng chơi hụi, bể chuyện nợ gần hai chục triệu, tưởng chuyện này làm cho ảnh mất hết trọi trơn. Chạy khắp nơi mới trả đủ để giữ uy tín. Chị cũng thấy tội quá lén đưa cho hai cây vàng...
Tân nhỏm người la lên:
- Vợ chồng họ làm họ chịu, can chi chị ghé vai vô? Trời ơi! Chị thừa tiền cho mấy người tham lam...
Chị Tư xua tay ra hiệu để Tân bớt lớn giọng:
- Chồng người ta nhưng là cha của con mình. Đời chị thấy người mình thương cực, mình không đành, em ạ.
Ngoài vườn lại có tiếng sầu riêng chín rụng. Chị Tư soi đèn đi lượm. Tân nhìn theo bóng người chị thấp thoáng giữa những thân cây, đôi vai gầy tần tảo so lại vì cơn gió đang làm muôn cành lá xào xạc. Chị như cây sầu riêng tứ thời trước sân nhà, ra hoa quanh năm, cho trái quanh năm, lặng lẽ đơn côi giữa cuộc đời...
1992