Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca và nghệ thuật. Có người cho rằng những cụm từ “Anh yêu em”, “Em yêu anh” dường như đã xuất hiện từ khi con người có mặt trên trái đất. Sự thật không phải như vậy. Đúng là từ thuở hồng hoang, hai nửa nhân loại khác nhau, nhu hai cực âm dương trái ngược thu hút lẫn nhau. Nhưng phải đến khi thế giới nội tâm của hai người đã vượt khỏi trạng thái hoang sơ và đời sống tâm linh của họ vượt khỏi những đam mê nhục thể đơn thuần, thì con người mới bước vào khúc dạo đầu cho bản tình ca muôn thuở. Và mãi sau này mới xuất hiện những ngôn từ xác định mối quan hệ luyến ái nam nữ. Thử hình dung hàng ngàn năm trước trai gái chỉ dám tỏ tình bằng những lời ẩn dụ, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc biết chừng nào khi lần đầu tiên được thủ thỉ bên nhau: “Anh yêu em”, “Em yêu anh”. Đừng vội trách các thế hệ đi truớc rụt rè, cổ lỗ. Cho dù thời đại chúng ta đã bước một bước khá xa trong vấn đề quan hệ nam nữ, thì tình yêu vẫn đòi hỏi hai người phải biết giử một khoảng cách lúc ban đầu. Không tin, xin các bạn hãy nghe câu chuyện này: Có chàng sinh viên nọ nhân dịp nghỉ hè về quê hưởng cái thú êm đềm của miệt vườn xum xuê trái cây. Hàng xóm có cô gái xinh tươi tuổi độ trăng tròn lẻ. Chiều chiều, cô gái cầm cây đèn cầy sang nhà chàng xin lửa về nấu cơm. Mỗi khi ra về, cô khẽ gật đầu chào anh, kèm theo lời cảm ơn nhỏ nhẹ. Cô hồn nhiên chân chất hay có ý tứ gì, ai mà biết được. Còn chàng sinh viên của chúng ta thì lại nghĩ: “Biết đâu duyên phận gì đây”. Mỗi khi cô trở gót, mắt ‘ai’ đau đáu nhìn theo, lòng bồi hồi xao xuyến. Mọi việc lặp đi lặp lại như thế. Đến một buổi chiều khi cô định ra về, chàng sinh viên cầm lòng không đặng, đã chụp cổ tay định kéo cô vào lòng. Cử chỉ quá bất ngờ làm cô hoảng hốt. Thế là một cái tát nảy lửa từ cổ tay cô gái giáng lên chàng trai muốn chụp giật tình yêu. Xin để bạn đọc tự đoán lấy đoạn cuối. Còn dân gian đã tổng kết: Khi yêu nhau thì ‘tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục thất bát sông cũng lội…’ Nhưng nếu chưa có tín hiệu tích cực cả hai chiều, thì chớ vội loạng quạng kẻo mang vạ vào thân. Cách thức bộc lộ tình yêu ở mỗi thời, mỗi nước có khác, song điều tối kỵ là sự thô bạo suồng sã. Khi chàng trai phát ra tín hiệu mà chưa được hồi âm, thì không có gì hơn là tạm đóng vai ‘con bướm liệng vành’, kiên trì chờ đợi… Không có cẩm nang hướng dẫn con đường tình ái cho mọi người. Người xưa đã dành ba chữ ‘phải lòng mặt’ để chỉ tâm trạng những đôi trai gái ưng thuận nhau mà chưa tiện ngỏ lời tâm sự. Thực ra thì họ đã có những giao ước ngầm bằng nụ cười, ánh mắt. Nhưng từ ‘bí mật’ ra ‘công khai’ còn cả một công đoạn tế nhị mà chỉ hai người trong cuộc mới ‘lần’ ra được đường đi nước bước. Thành công hay thất bại thường quyết định ở công đoạn này. Nhiều bạn trẻ ngày nay muốn theo phong trào yêu đương của phương Tây, song vì không đúng chổ, dúng người, nên ‘thông điệp’ gởi đi thường ‘lỡ nhịp’. Tình yêu là ‘cây đàn muôn điệu’. Dù thời nào, ở đâu thì đặc trưng nổi bật nhất của tình yêu là sự mời gọi, giao duyên hoàn toàn mang tính tự nguyện giữa hai trái tim đồng điệu. Còn về cách bộc lộ tâm tình, nếu phương Tây sôi nổi mãnh liệt, thì phương Đông lại kín đáo, nhuần nhị, có khi ‘tình trong như đã mặt ngoài còn e’. Cho nên hai cây đàn phải được ‘so dây đúng nhịp’, dây quá chùng thì uổng công chờ đợi, nhưng căng quá thì đứt… đoạn đường tơ. Về nghệ thuật dò tìm cung bậc của tình yêu, có lẽ khó tìm được phương cách giao duyên đậm đà mà lại văn vẻ như những đôi trai gái Việt Nam thời trước. Chàng trai ‘phải duyên’ một cô gái, đêm trăng gặp cô tát nước, chàng ngỏ lời xa xôi: Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi? Lửng lơ như thế mà nặng tình biết bao! Lời ướm thử ấy như một miếng trầu làm quen, như muốn gợi ý: ‘Nếu phải duyên nhau thì thắm lại!’ Đi ngược dòng văn học cổ điển Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể dẫn ra bao thiên diễm tình mà khởi đầu là những bước đi e ấp rụt rè, nhưng hình như càng e ấp bao nhiêu thì về sau càng đắm đuối thiết tha. Gót ngập ngừng của nàng Thôi Oanh sau bức rèm the đã khiến Trương Quân Thuỵ đê mê chẳng nỡ rời chân. Và cuối cùng thì họ cũng bước qua được ngưỡng cửa tôn nghiêm của một gia đình thế tộc để cùng nhau hẹn ước. Khi hai tâm hồn đồng điệu đã chấp nhận thông điệp của nhau thì điều gì đến ắt là phải đến. Thuý Kiều đoan trang trong trướng màn che, mà dám băng qua chốn rừng khuya mượn cớ bỏ quên cành kim thoa để sang gặp Kim Trọng. Thi hào Nguyễn Du chẳng những đã lưu lại cho đời một áng thơ bất hủ, mà cuộc đời ông lúc thiếu thời cũng từng là sự thể nghiệm một cuộc tình đẹp như những trang Kiều tuyệt tác của ông. Xin muợn câu chuyện gần đây của nhà văn Đắc Trung về mối tình của Nguyễn Du với cô lái đò (báo PNVN số 21/93) để minh hoạ: Hồi còn đi học ở quê với bạn thân là Nguyễn thiệp, chàng khoa sinh họ Nguyễn đã đem lòng mến cái duyên đằm thắm của cô lái đò ngày ngày chở hai chàng sang sông. Rồi một buổi chàng nhờ bạn chuyển cho nàng 4 câu thơ: Ai ơi chèo chống tôi sang Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra Còn nhiều qua lại lại qua Giúp nhau cho mấy để mà… Chàng dụng ý bỏ lửng câu cuối để thử lòng cô gái. Mấy ngày sau tín hiệu đã được hồi âm. Nguyễn Thiệp cho bạn biết rằng cô định lấy hai chữ ‘quen nhau’ điền vào chổ trống. Từ hôm ấy, mỗi chuyến đò tuy hai người vẫn còn ý tứ chưa bắt chuyện nhưng qua ngôn ngữ của ánh mắt, họ đã hiểu lòng nhau. Ít ngày sau, người đẹp lại nhờ ‘sư gia’ Nguyễn Thiệp báo cho tác giả bài thơ biết rằng cô muốn thay hai chữ quen nhau bằng ‘thương nhau’. Còn Nguyễn Du thì dựa vào tình ý đó, gửi một thông điệp thứ hai: Quen nhau nay đã nên thương. Cùng nhau chấp nối tơ vương chữ tình Bến xinh xinh, người xinh xinh Trên trời dưới nước, giữa mình với ta. Vì những lý do ngoài ý muốn của hai người, mối tình bị dang dỡ, song dù sao kỷ niệm đẹp về mối tình đó chắc chắn không bao giờ phai mờ trong ký ức của họ. Vì thứ nhất, những mối tình đằm thắm bao giờ cũng là sự trao đổi thông điệp hai chiều. Đó là những tín hiệu từ xa đến gần, từ thấp đến cao, từ gặp gỡ thân quen đến yêu thương gắn bó. Tần số yếu mạnh, cung bậc thấp cao là tuy theo đối tượng, nhưng bao giờ cũng đi từ tiệm tiến đến đột biến. Tình yêu là sự hoà hợp giữa hai tâm hồn đồng điệu. Nhưng cuộc phiêu lưu tình ái bằng những bước mạo hiểm thường dẫn đến sự đổ vỡ đáng tiếc, mà nguyên nhân chính là xuất phát từ một quan niệm thô thiển về tình yêu. Còn khi cả hai người cùng ‘chọn mặt gửi vàng’ thì sớm muộn gì thông điệp gửi đi cũng có hồi âm thuận lợi. Nét đẹp thứ hai của những mối tình được truyền tụng đến nay là cả hai trái tim cùng hoà điệu, nhưng họ có thể đắm đuối mà không mù quáng, nhất là người con gái. Cho nên ngay cả khi tơ duyên bị dang dở, họ vẫn giữ được ‘tiết sạch trong’ và những kỷ niệm ngọt ngào suốt đời không phai lạt. Biết giử một khoảng cách cần thiết, đó là tôn trọng lẫn nhau và cũng là bí quyết củng cố cho tình yêu bền vững. Tình yêu chân chính không có con đường tắt dẫn đến hạnh phúc lứa đôi. Cho nên xin đừng vội trách yêu nhau mà sao phải ‘bài bản’ đến thế. Có hạnh phúc nào hơn khi tuổi trẻ hôm nay được tự do tìm hiểu lẫn nhau, chẳng sợ người đời xét nét, nhưng mọi sự sa dà đều dẫn đến những hậu quả không lường hết được. Suy ngẫm về cái cốt cách đạo lý nhân bản của những thiên diễm tình thuở trước chính là tiếp sức cho sự nảy nở những mối tình đẹp hôm nay.