Chương 12

Uyển Lan ngã bệnh hết một tuần lễ.
Bệnh của nàng chỉ có một nửa thuộc về phần sinh lý, từ lúc dầm mưa trở về, nàng mắc phải chứng cảm mạo rất nặng và bị viêm khí quản, bị sốt liên miên không dứt. Một nửa kia, thuộc về tâm lý, nàng không còn sức sống và tinh thần uể oải. Nằm trên giường, nàng không thể đi làm, chỉ mơ màng nhìn ra cửa sổ. Mùa mưa đã bắt đầu, phía bên ngoài cửa kính, từ sáng đến tối, lúc nào cũng lấp lánh những giọt nước long lanh, trên thềm dưới hiên, lúc nào cũng tí tách tiếng mưa không dứt. Và cây ba tiêu trong vườn, đúng là cũng “sớm tối tiêu điều ngẩn ngơ!”. Uyển Lan nằm trên giường, lặng lẽ, u sầu, ưu uất, buồn bã nghe tiếng mưa rơi.
Bà Sâm ở cạnh bên nàng từ đầu chí cuối, hết lòng hết dạ lo lắng cho nàng. Còn như chuyện gì đã xảy ra cho nàng, bà Sâm đã lục tục biết được đại khái từ miệng nàng. Đêm đó, nàng đi ra với Mạnh Thiều, nhưng lại được Hữu Phong đưa về trong chiếc khăn lông quấn chặt, vừa ướt, vừa lạnh, vừa bệnh, vừa yếu. Đêm đó, trong khi bị sốt, nàng chỉ mơ mơ hồ hồ nói với bà Sâm một câu:
- Mẹ, cả hai mẹ con họ đều không xem con ra gì, chỉ vì con là một đứa con rơi!
Bà Sâm không cần phải hỏi gì nhiều, cũng hiểu được rằng, với cái cá tính mạnh mẽ và bướng bỉnh của Uyển Lan, nhất định là nàng đã có một sự xung đột rất to với nhà họ Mạnh. Bà hối hận sao lúc đầu mình đã quên không dặn dò Uyển Lan một câu, tốt nhất là đừng nên tiết lộ thân thế của mình. Thế nhưng, nghĩ lại thêm một bước nữa, bà đã nuôi dưỡng Uyển Lan hơn hai mươi năm nay, bí mật vẫn có ngày bị bật mí, như vậy, trên cõi đời này, làm gì có bí mật nào giữ kín được mãi đâu? Nếu như đợi đến khi sau đám cưới, mới để cho nhà họ Mạnh phát giác ra sự thật này, cái bà già họ Mạnh khó khăn đó, nhất định là sẽ cho rằng mình bị gạt, thôi thì thà rằng bây giờ cứ “vung đao chặt cỏ”, cho mọi việc sạch sẽ, xong xuôi.
Sau khi nghĩ như vậy, bà bèn yên tâm săn sóc cho Uyển Lan, và tuyệt đối không mở miệng ra nhắc về Mạnh Thiều với nàng nữa. Tự nàng cũng không hề nhắc nhở gì đến chàng, làm như Mạnh Thiều đã biến mất trên cõi đời này, làm như nàng chưa bao giờ có quen với một người tên là Mạnh Thiều. Mà ngược lại, nàng thường hay nói về Hữu Phong, nói về bác Sơn trai và bác Sơn gái, nói về những ngày thơ ấu, những người của gia đình họ Cố đã săn sóc nàng như thế nào, mỗi lần, khi bà Sơn đến thăm nàng, nàng đều vô cùng mừng rỡ, chụp lấy bàn tay của bà Sơn, nàng vẫn thường ngây thơ hỏi rằng:
- Bác Sơn, bác sẽ luôn luôn yêu con như thế này chăng? Bác sẽ luôn luôn thích con như thế này chăng? Có bao giờ, sẽ có một ngày nào đó, bác không yêu con nữa chăng? Không thích con nữa chăng?
Bà Sơn vô cùng hiền từ, dịu dàng và dễ xúc động. Bà ôm lấy Uyển Lan vào lòng, vỗ vỗ vào lưng nàng một cách trìu mến và nói:
- Bé con khùng quá! Sao mà con lại nói những lời như thế này chứ? Bác Sơn chẳng những yêu con, cưng con, mà còn muốn lo lắng cho con suốt cả đời nữa! Bây giờ, con còn gọi ta là bác, vài hôm nữa, con phải sửa lại, gọi ta là mẹ rồi đó nhé! Ồ, Uyển Lan, ta có phước đức mấy đời để lại, mới có được một đứa con dâu như con!
Lúc đó, Uyển Lan mới rưng rưng ngấn lệ mỉm cười. Nhìn thấy tình trạng cười trong nước mắt của nàng, bà Sâm cảm thấy vừa đau lòng vừa tội nghiệp. Vì, từ những sự khao khát về “tình thân” còn nhiều hơn “tình yêu” đó của Uyển Lan, bà có được một thể nghiệm thật sâu xa về những tủi nhục mà Uyển Lan đã phải chịu đựng ở nhà họ Mạnh. Bà Mạnh, đó là một người đàn bà như thế nào? Mà bà ta lại có thể làm cho tất cả lòng tự tin của Uyển Lan, bị quét sạch không còn một mảy may nào.
Mỗi ngày, sau khi tan sở, Cố Hữu Phong đều đến thăm Uyển Lan, có khi đem theo một bó hoa, có khi đem theo một giỏ trái cây. Ngồi bên cạnh giường nàng, chàng nghĩ ra đủ thứ chuyện cười để nói cho nàng nghe, chỉ để cho nàng cười một tiếng. Uyển Lan nằm trên giường, lặng lẽ nhìn chàng, lặng lẽ lắng nghe, khi chàng nói đến chỗ buồn cười, nàng cũng sẽ khe khẽ mỉm cười, thế nhưng, nụ cười đó mang đầy nét rụt rè, mang đầy nét tội nghiệp, chứa đầy nước mắt, chứa đầy sầu khổ. Thế là, có một đêm, Hữu Phong không còn chịu đựng nổi nữa, chàng ngồi bệt xuống dưới đất ngay bên cạnh giường nàng, nhìn thật sâu vào mắt nàng, chàng hỏi:
- Uyển Lan, em làm sao vậy? Nói rõ ràng cho anh biết đi! Đừng xem anh như một thằng ngố, Uyển Lan, anh không đơn thuần và ngây thơ như em nghĩ đâu, sở dĩ em chọn anh, nhất định là phải có nguyên nhân gì đặc biệt lắm...
Chàng nắm lấy đôi cánh tay gầy gò, xanh xao của nàng, nói nho nhỏ:
-... Cái tên Mạnh Thiều đó, hắn ta đã làm cho em đau khổ, phải không?
Uyển Lan cảm thấy trong lồng ngực mình có một luồng hơi nóng, xông thẳng lên tròng mắt, nàng vội vàng quay đầu vào phía trong giường. Thế nhưng, Hữu Phong không cho nàng trốn tránh, quay đầu nàng qua, chàng bắt nàng đối diện với mình, chàng nhìn nàng, thật bình tĩnh, thật dịu dàng, thật thành khẩn và cũng tâm sự trùng trùng, chàng nói:
- Uyển Lan, anh không mong mình là một món đồ thay thế! Thế nhưng, anh muốn có em, anh cũng yêu em, cái tình yêu đó, có thể vượt qua mức tưởng tượng của em rất nhiều. Anh không biết anh chiếm được bao nhiêu chỗ trong trái tim của em, nhưng anh biết rõ một điều là em không hề yêu anh một cách say đắm, điên cuồng. Uyển Lan, tình yêu là một vật rất kỳ lạ, anh có được yêu hay không, trong lòng anh tự biết lấy. Thế nhưng, Uyển Lan, cho dù em không yêu anh, anh cũng một lòng một dạ muốn có em, tại vì, anh biết rằng, sẽ có một ngày, em sẽ yêu anh, nhiều hơn cả tên Mạnh Thiều đó! Ít nhất, anh cũng sẽ tránh không làm cho em đau khổ!
Nàng chớp chớp đôi mi cong, không biết trả lời như thế nào, thế nhưng, nước mắt đã đoanh tròng.
Chàng hôn đi những dấu nước mắt trên mi nàng, khàn giọng nói:
- Đừng khóc! Uyển Lan! Anh sẽ vĩnh viễn không bao giờ hỏi em về chuyện của Mạnh Thiều nữa, anh tin rằng, mọi chuyện đã trở thành quá khứ rồi! Anh chỉ muốn nói với em rằng, anh hiểu được tại vì sao em lại ngã bệnh, tại vì sao em đau khổ, tại vì sao em chảy nước mắt, tại vì sao em lại trở nên yếu đuối và ưu uất như thế này... Uyển Lan! Anh sẽ trị cho em hết những triệu chứng đó! Thế nhưng, hãy hứa với anh một điều!
Nàng dùng ánh mắt dò hỏi, nhìn chàng.
- Nghĩ về anh nhiều một chút, nghĩ về Mạnh Thiều ít một chút!
- Ồ! Hữu Phong!
Nàng kêu lên, nước mắt cuối cùng cũng đã trào ra. Cánh tay nàng choàng qua, vòng lấy cổ chàng, kéo đầu chàng về phía mình, nàng chủ động dâng cho chàng đôi môi mình. Chàng hôn nàng nồng nàn, thâm sâu, cuồng nhiệt, quay quắt, khi ngẩng đầu lên, đôi mắt chàng đã ướt đẫm. Đưa ngón tay lên chạm nhẹ vào sóng mũi nàng, chàng cố ý làm ra vẻ vui vẻ, nhẹ nhàng:
- Ê! Từ đây về sau, em phải vui lên nhé, được không? Vì anh! Nếu như em biết rằng, chỉ cần em hơi nhíu mày một cái, là trái tim anh đau đớn biết mấy, thì em sẽ không nỡ nhẫn tâm mày chau mặt ủ như thế đâu!
Uyển Lan cười lên, tuy rằng nước mắt vẫn còn lấp lánh trong tròng mắt, nhưng nụ cười đó phát xuất từ trong tận cùng trái tim. Ôm chặt lấy cổ chàng một lần nữa, nàng nói nho nhỏ, thì thầm bên tai chàng bằng một giọng cảm kích:
- Hữu Phong, anh an tâm, em sẽ làm một người vợ hiền! Em sẽ dùng hết tâm trí mình để làm một người vợ hiền của anh, Hữu Phong, em sẽ không bao giờ phụ anh!
Đôi môi của Hữu Phong lướt qua khuôn mặt nàng, lại rơi trên đôi môi nàng một lần nữa, cánh tay chàng dịu dàng và tế nhị ôm vòng lấy nàng. Một lúc thật lâu, hai người cứ ôm nhau như thế, cùng nhau nghe nhịp đập của trái tim mình, cùng nhau nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên, cùng nhau nghe tiếng xào xạc chạm nhau của lá ba tiêu. Mãi đến khi phía dưới lầu có tiếng chuông cửa, làm cho họ giật mình, Hữu Phong buông nàng ra, định đứng dậy, thế nhưng, Uyển Lan vẫn nắm lấy bàn tay chàng thật chặt, nói thật nhẹ:
- Đừng đi!
- Anh không đi!
Chàng ngồi xuống bên thành giường, lặng lẽ đưa mắt nhìn nàng, chăm chú.
Phía dưới lầu, hình như có một thoáng huyên náo, tiếp theo đó, giọng nói thô lỗ và không có vẻ thân thiện cho lắm của Triệu Bôi, vang lên thoang thoảng:
- Nó bệnh rồi! Nó không gặp ai đâu! Tất cả cũng tại vì mấy người hại nó, hãy tránh nó cho xa đi!
Trái tim của Uyển Lan đập nghe đánh bình một tiếng, bàn tay nàng đang nắm lấy bàn tay của Hữu Phong bất giác hơi giật lại một chút, Hữu Phong trao đổi với nàng một ánh mắt, trong lòng cả hai đều đã cùng hiểu. Hữu Phong thấp giọng hỏi:
- Muốn anh đuổi hắn đi không?
Uyển Lan ngần ngừ, tiếng huyên náo ở phía dưới lầu càng to hơn, trong đó có xen lẫn tiếng khóc nghe có vẻ quen thuộc của một người đàn bà. Thế là, cái thần kinh bị kéo đến căng thẳng của nàng, hình như lập tức buông thả ra một chút, và một tình cảm khác, khó nói, mâu thuẫn và thương xót, lại tràn ngập vào trái tim nàng. Người đến không phải là Mạnh Thiều, mà là cái “bà bác Niên”! Nàng nghiêng đầu nghe ngóng, Hữu Phong đưa mắt nhìn nàng trân trối, ánh mắt thật sâu, thật sát, sau đó, chàng nhẹ lắc lắc đầu:
- Em vẫn còn đang sốt, em không thể nào chịu sự kích thích được đâu!
Nàng trầm lặng hết giây lát, bà Sâm đã đi lên lầu, gõ gõ cửa phòng, bà đưa đầu vào phòng, cất tiếng hỏi:
- Uyển Lan, bác Niên nhất định đòi cho gặp được con, ý con như thế nào?
Uyển Lan đưa mắt nhìn bà Sâm, nàng nhìn thấy ở đuôi mắt của mẹ, còn long lanh ngấn lệ, và đôi chân mày, cũng đang chau lại vào nhau thật chặt. Đột nhiên, nàng cảm thấy mình cần phải đối diện với vấn đề này, giải quyết vấn đề này. Đột nhiên, nàng hiểu ra, đây không phải chỉ là chuyện tranh chấp của những người lớn với nhau, mà đó cũng là những vấn đề cần thiết mà nàng không thể trốn tránh. Nàng nghĩ đến đêm hôm đó, đến những lời nàng đã nói khi quỳ trước mặt ông bà Sơn:
- Ba mẹ là ba mẹ duy nhất của con, không có một ai khác!
Thật vậy không? Tại sao cái “bà bác Niên” này vẫn làm dao động sợi dây thần kinh nào đó trong nàng, làm cho nàng cảm thấy đau đớn ngấm ngầm? Nàng hơi cắn cắn răng, ngồi dậy từ trên giường, tựa người vào gối nằm để tựa đầu giường, nàng nói bằng một giọng cương quyết:
- Mẹ, mẹ cho bà ấy vào đây, con muốn gặp bà ta!
Bà Sâm hơi do dự, nhưng vẫn quay người đi ra ngoài. Một lúc sau, bà Sơn đã đi cùng với “bà bác Niên” vào phòng, bà bác Niên vừa nhìn thấy Uyển Lan, nửa ngồi nửa tựa vào đầu giường, bà nhào tới như một cơn lốc, bất kể mọi sự, bà dang tay ôm lấy Uyển Lan vào lòng, khóc bu lu ba la:
- Uyển Lan, con sao vậy? Tại sao con lại bị bệnh thế này? Bác mời bác sĩ đến cho con, bác có nhiều tiền lắm, bác có thể cho con ở nhà thật đẹp...
Uyển Lan nhẹ nhàng đẩy “bà bác Niên” ra, nàng hơi nhíu đôi chân mày:
- Bác Niên, bác đừng nên lôi lôi kéo kéo như thế này. Hữu Phong, anh làm ơn kéo hộ em cái ghế qua cho bác Niên ngồi xuống, em muốn nói chuyện với bà một chút.
Hữu Phong nhắc ghế để cạnh giường, bà bác Niên e dè nhìn Uyển Lan một cái, hình như có vẻ sợ nàng, bà lặng lẽ quẹt đi giọt nước mắt còn đọng ở đuôi mắt, sau đó, bà ngồi xuống ghế, rất khép nép, rất hiền lành. Mang theo chút thần sắc bị động, bi thương, bà đưa mắt nhìn Uyển Lan trừng trừng. Bà Sâm đưa mắt nhìn họ, thở ra một hơi dài, bà nói bằng một giọng hiểu biết:
- Hữu Phong, chúng ta xuống dưới lầu một lúc đi, để cho hai người nói chuyện!
Uyển Lan kêu lên thật rõ:
- Không! Mẹ! Mẹ đừng bỏ đi, Hữu Phong, anh cũng đừng bỏ đi! Mẹ, ba đâu rồi?
- Đang đánh cờ với anh Hai con dưới lầu.
Uyển Lan nói bằng một giọng cương quyết:
- Con muốn ba và anh Hai cùng lên đây, hôm nay chúng ta nói chuyện với nhau cho thật rõ ràng! Hữu Phong! Anh đi mời ba và anh Hai lên đây dùm em!
Bà Sâm nói một cách hồ nghi:
- Uyển Lan, con muốn làm gì vậy? Con có tỉnh táo không? Con không bị sốt đấy chứ?
Uyển Lan nói:
- Con rất khỏe, mẹ! Con biết con đang làm gì, và cũng biết đây là việc mà con cần phải làm.
Hữu Phong đã đi xuống lầu rồi. Uyển Lan bắt đầu quan sát “bà bác Niên” này, đây là lần đầu tiên nàng cố ý và tỉ mỉ nhìn người mẹ đẻ ra mình. Trên gương mặt bà, nước mắt vẫn chưa khô, và cho dù son phấn đã bị nước mắt làm cho nhòe nhoẹt đi, thế nhưng, đôi mắt xinh đẹp đó, sóng mũi thẳng đứng đó, và gương mặt tuy rằng đã bị phì nộn ra, nhưng vẫn còn thấy được những đường nét thanh tú của ngày xưa, tất cả đều nhắc nhở cho Uyển Lan một sự thật. Khi còn trẻ, bà nhất định không phải là một người có nhan sắc khó coi, đồng thời, mặt mũi của mình cũng có nét hao hao giống bà. Bà không già lắm, nếu tính theo số tuổi, chẳng qua cũng chỉ mới bốn mươi, thế nhưng trên trán và đuôi mắt của bà, đã mang đầy nếp nhăn, ngay cả lớp phấn trang điểm thật dày trên gương mặt, cũng không che dấu đi được những vết hằn của thời gian. Dấu phong sương và nét dãi dầu mưa gió, đều in đậm dấu trên gương mặt bà. Ngay cả bộ váy đầm bằng nhung đỏ bó sát người mà bà đang mặc, cũng toát ra một thứ mùi vị nào đó không giống ai.
Uyển Lan nhìn bà chăm chú, mơ hồ cân nhắc cái khoảng cách khác biệt giữa nàng và bà. Nàng nghĩ đến những lời nói của Hữu Phong, cái nghiệp mà bà ta đã gây ra, bây giờ bà ta phải trả, chỉ tại định mệnh khắc khe, biết làm thế nào bây giờ! Trong nhất thời, trong lòng nàng nảy sinh ra một tình cảm mạnh mẽ, thương hại và dịu dàng đối với “người mẹ đẻ” ra mình.
Ông Sâm và Triệu Bôi đã vào phòng, Hữu Phong đi theo phía đàng sau. Triệu Bôi vừa vào đến phòng, sắc mặt chàng đã rất khó coi, chàng nhìn thẳng vào “bà bác Niên”, nói không một chút lưu tình:
- Gia đình chúng tôi vốn rất hạnh phúc, rất vui vẻ, bây giờ bà đã phá hoại nó hoàn toàn rồi! Chẳng lẽ bà không thể buông tha cho Uyển Lan hay sao? Bà phải biết rằng, bà không hề có tư cách đến đây để quấy nhiễu gia đình chúng tôi!
Uyển Lan nhíu mày kêu lên:
- Anh Hai! Anh nói ít đi một chút được không?
Triệu Bôi không nói gì nữa, chàng ngồi bệch xuống chiếc ghế bên cạnh bàn học, trừng mắt nhíu mày, bực bội một mình. Ông Sâm đi đến bên Uyển Lan, trông ông vẫn có vẻ bình thản, yên lặng, chỉ có điều là dưới đáy mắt đuôi mày, mang theo một nét ưu tư khó phát giác, ông cất tiếng hỏi thật dịu dàng:
- Uyển Lan, có phải con đổi ý rồi chăng?
- Dạ không, ba!...
Uyển Lan nói thật rõ giọng, nàng quay sang phía “bà bác Niên”:
-... Con chỉ cảm thấy rằng, từ lúc chuyện xảy ra đến nay, chúng ta không hề cùng nhau họp lại để thảo luận, đưa ra cái nhìn từ ba phía. Đêm nay, “bác Niên” đã đến đây rồi, con muốn đem tất cả mọi chuyện ra nói cho thật rõ ràng...
Nàng nhìn thẳng vào “bà bác Niên”:
-... Bác Niên, bác đã thấy ba mẹ con đây, hai mươi mốt năm trước, bác đã “tặng” con cho ông bà, ông bà cũng đã làm đúng theo lời yêu cầu của bác, hoàn thành chuyện tốt đẹp này một cách trọn vẹn, là nuôi cho con khôn lớn. Bác còn nhớ những lời bác viết trên tấm giấy kia không? Bồ Tát sẽ phù hộ cho họ, nếu như trên cõi đời này quả thật có Bồ Tát, thì người thật sự cần phải phù hộ cha mẹ con, vì ông bà đã tận tâm tận lực yêu con bao nhiêu năm nay, đồng thời, con tin rằng, từ đây về sau ông bà cũng vẫn còn tiếp tục yêu thương con. Do đó, bác Niên, tuy rằng bác đã sinh ra con, thế nhưng, bác chỉ có thể vĩnh viễn làm bác Niên của con, chứ không thể làm mẹ của con! Bồ Tát cũng sẽ không bằng lòng, cho hai mươi mốt năm sau của ngày hôm nay, bác lại đến đây giật lấy con trên tay của cha mẹ con như thế! Do đó, bác Niên, nếu như bác yêu con, xin bác hãy để cho con sự bình yên, xin bác hãy để cho con sống lại như những ngày tháng cũ! Con sẽ rất cám ơn bác!
Giọng nàng hạ xuống thật dịu dàng. “Bà bác Niên” rút ra từ trong ví tay một chiếc khăn tay nhỏ, bắt đầu hỉ mũi “rột rột rạt rạt” và khóc bù lu bù loa, bà vừa khóc vừa nói:
- Uyển Lan, bác yêu con mà!
Uyển Lan nói một cách trầm ngâm:
- Con biết. Trước đây, con cứ nghĩ rằng yêu là một sự cho ra, một sự vui vẻ, bây giờ con mới biết rằng, yêu cũng là một sự gánh vác, một sự đau khổ. Ồ, bác Niên, hôm nay trước mặt tất cả những người thân của con, con có thể nói với bác một điều rằng, con rất thông cảm với bác, con cũng yêu thương bác, thế nhưng, con chỉ có thể nhận công ơn dưỡng dục, chứ không thể nhận công ơn sinh thành.
Bà bác Niên khóc òa lên, nói:
- Ồ, Uyển Lan! Ý của con muốn nói là, con không bao giờ muốn gặp lại bác nữa hay sao?
Uyển Lan nói một cách trầm tư:
- Vấn đề là ở chỗ, gặp mặt nhau đối với chúng ta đều chẳng có ý nghĩa gì cả, mà chỉ làm cho cả hai bên cảm thấy ngượng ngập. Con vốn có nghĩ rằng, chúng ta có thể giữ sự qua lại, thế nhưng, bây giờ, con cảm thấy không biết làm sao để đối xử với bác, bác cũng không biết làm sao đối xử với con...
Bà bác Niên cuống quýt ngắt lời nàng:
- Ồ, Uyển Lan, bác biết, bác biết! Bác sẽ cho con một căn nhà lầu, rất nhiều châu báu, ngoài ra còn tiền...
Uyển Lan ngắt lời bà, thanh âm nàng dịu nhẹ như nước, ánh mắt nàng tỏ vẻ thương hại và bi ai:
- Bác Niên! Trước đây bác “cho” đi đứa con gái, bây giờ, bác không thể nào “mua” trở lại được nữa đâu! Giữa hai chúng ta, cái định nghĩa về tình yêu, đã có một sự khác biệt thật to lớn rồi!...
Nàng mệt mỏi ngã người xuống, đầu tựa vào gối, giọng nàng thật nhẹ:
-... Nếu như bác vẫn yêu con, xin hãy giúp con một chuyện, đừng nên đến để làm tăng thêm sự khổ sở, lo lắng cho cha mẹ con! Mẹ con... vì chuyện này, mái tóc đã bạc hết rồi!
Nàng đưa tay nhẹ nhàng kéo lấy tay bà Sâm. Đôi mắt bà Sâm lập tức nóng bừng lên, bà nắm chặt lấy tay con gái, không nói một lời. Bà “bác Niên” đó, rút cuộc cũng đã hiểu được rằng, thời thế đã qua đi, bà loạng choạng đứng dậy, vừa khóc vừa quay người về phía cửa, định xông ra ngoài, Uyển Lan kịp thời kêu lên một tiếng:
- Đợi một chút, bác Niên!...
Bà bác Niên quay người lại.
-... Bác đến đây, con muốn nói với bác một câu!...
Uyển Lan đưa một cánh tay ra, nắm lấy bà bác Niên, kéo bà đến thẳng bên người mình, ngẩng đầu lên, nàng kề miệng vào sát tai bà, nói nho nhỏ:
- Tạm biệt! Mẹ!
Nàng buông tay ra. Bà “bác Niên” đó dùng tay ôm lấy mặt, vừa khóc sướt mướt vừa xông thẳng ra ngoài. Do bởi mẫu tính và bản năng của một người đàn bà, bà Sâm vội vàng rượt theo bà, chạy thẳng theo bà xuống lầu. Ra đến cửa lớn, bà “bác Niên” đó rút cuộc cũng quay đầu lại, nắm lấy tay của bà Sâm thật chặt, bà ứa nước mắt, nói một cách ngậm ngùi:
- Tôi sẽ không bao giờ trở lại để đòi con bé nữa đâu. Bà Sâm, cám ơn bà đã nuôi nó đàng hoàng như thế, bây giờ, tôi cũng đã an tâm rồi! Tôi không hề biết rằng, nó yêu ông bà đến như thế, nó quả thật là một đứa con rất tốt, phải không?
Gương mặt của bà Sâm cũng chan hòa nước mắt:
- Đúng vậy, nó là một đứa con gái tốt nhất trên cõi đời này, còn tốt hơn cả sự mong muốn của tôi!
Bà “bác Niên” đó biến mất trong màn mưa bụi giăng giăng.
o0o
Cùng một lúc với cuộc “họp mặt ba bên” ở nhà họ Đoàn, Mạnh Thiều đang một mình trong phòng nuốt mây thổi khói. Đêm đã thật sâu, thật sâu rồi, chàng tan sở cũng đã lâu lắm rồi, ngồi trên chiếc ghế mây trong phòng, chàng chỉ vặn một ngọn đèn nhỏ ở đầu giường, không ngừng hút thuốc, nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên. Tư tưởng của chàng hỗn độn và mơ hồ, từ lúc chàng đánh Uyển Lan một tát tay làm nàng bỏ đi đến nay, chàng cảm thấy phần lớn ý thức và sinh mạng của mình, đều cũng đã bỏ chạy theo Uyển Lan mất rồi. Thế nhưng, mấy hôm nay, chàng lại không biết làm thế nào để bù đắp lại chuyện này, mẹ và Uyển Lan, tỷ trọng của cả hai trong cuộc đời chàng, ai nặng ai nhẹ? Chàng chưa hề bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ phải vùng vẫy giữa khe hở của hai người đàn bà như thế này. Mẹ! Chàng bất giác ngẩng đầu lên nhìn vào bức ảnh chụp chung cha và mẹ. Uyển Lan! Tận trái tim chàng thoáng qua một cảm giác đau nhói vô bờ, dùng tay chống lên trán, chàng nghe được tận đáy lòng mình, đang điên cuồng kêu lên từng nhịp: Uyển Lan! Uyển Lan! Uyển Lan! Thế là, chàng đã hiểu rồi, trong cái cảm giác phạm tội dâng đầy, chàng lĩnh hội được một điều là, tỷ trọng của Uyển Lan trong cuộc đời chàng, nặng hơn người mẹ đã chịu hy sinh ở góa vì chàng suốt hai mươi mấy năm nay rất nhiều!
Chàng hút hết một điếu thuốc, lại đốt thêm một điếu khác, khắp phòng, khói thuốc giăng đầy. Chàng nhìn ra cửa sổ, nước mưa đang lấp lánh trên cửa kiếng, đèn đường chiếu ánh sáng vào những giọt nước mưa, phát ra từng điểm sáng vàng vọt, yếu ớt. Dần dần, ánh sáng của những ngọn đèn đường càng lúc càng nhạt dần đi, chàng không biết mình ngồi bất động trong phòng đã bao lâu, thế nhưng, chàng biết rằng, bình minh đã từ từ đến với vạn vật.
Chàng nghe có tiếng bước chân, sau đó, có một bóng đen che trước cửa phòng chàng, chàng bất giác ngẩng đầu lên, dưới ánh sáng yếu ớt của buổi sớm mai, cùng với ngọn đèn vàng vọt trong phòng chàng, khuôn mặt của mẹ, mang đầy nét già cỗi và tiều tụy. Chàng nhớ, mẹ bao giờ trông cũng trẻ hơn tuổi thật của bà, đồng thời luôn luôn tươi mát, sung mãn, từ bao giờ, bà lại trở thành một bà lão già tiều tụy như thế này?
Bbà Mạnh cất tiếng nói, thanh âm mang đầy nét yếu đuối và vô hồn:
- Thiều Thiều, con lại suốt đêm không ngủ chăng?
- Dạ!
Chàng nhẹ lên tiếng trả lời, từ miệng lại phun ra một làn khói dầy đặc.
- Con đang làm gì vậy?
Giọng chàng buồn bực:
- Đừng để ý đến con!
Bà Mạnh vịn tay vào cửa, thân hình gầy gò của bà in hằn trên khung cửa, như một cái bóng cắt ra từ một mảnh giấy đen ngòm, không hiểu tại sao, Mạnh Thiều nghĩ đến những câu Uyển Lan dùng để mắng mẹ: bà ở goá đâu phải là trách nhiệm của con bà! Bà là một bà già có một tâm lý bất bình thường! Bà có dám thề rằng suốt hai mươi mấy năm nay bà không hề nghĩ đến đàn ông chăng? Bà muốn độc chiếm con trai bà... Chàng rùng mình lạnh lẽo, nhìn mẹ trừng trừng, chàng cảm thấy bà giống như một nhà độc tài màu đen tăm tối, bà đứng che khung cửa đó, như che đi cánh cửa dẫn chàng đi đến con đường hạnh phúc! Có thể, suốt cả cuộc đời này, mẹ sẽ luôn luôn đứng ở cánh cửa đó, dùng tình yêu của bà, kết thành một mạng lưới, bắt chặt lấy chàng...
Bà Mạnh cắt ngang dòng tư tưởng của chàng, thanh âm của bà bi ai và tuyệt vọng:
- Thiều Thiều, mẹ con mình làm sao vậy? Con có biết không? Mấy hôm nay, con không hề chủ động nói với mẹ một lời nào! Mẹ biết con đang nghĩ gì, con đang hận mẹ! Vì Uyển Lan, con đang hận mẹ!
Chàng chăm chú nhìn mẹ, không nói một câu nào, sự im lặng đó, như một sự chấp nhận thầm lặng, bà Mạnh nhìn con trai thật chăm chú, cả hai người cùng nhìn nhau hồi lâu như thế, trong ánh mắt nhìn nhau đó, cả hai cùng đang đo lường tâm lý của đôi bên, cuối cùng, Mạnh Thiều mở miệng một cách nhạt nhẽo:
- Con đang nghĩ, ít nhất Uyển Lan cũng đã nói một câu rất đúng, mẹ ở góa không phải là lỗi của con. Bao nhiêu năm nay, con không hề nghĩ ra được điểm này, con cứ nhận thấy rằng, mẹ hy sinh vì con, nhưng sự thật là, mẹ ở goá, thủ tiết vì cha đã qua đời, mà việc cha qua đời không phải là lỗi ở con.
Bà Mạnh vịn vào cánh cửa, cả người bà tựa vào khung cửa, bà lẩm bẩm nói, giọng bà như rên rỉ:
- Thiều Thiều, mẹ đã mất con rồi. Mẹ biết. Uyển Lan đã đem biết bao nhiêu là quan niệm tàn nhẫn rót vào cho con, đồng thời, nó lại ăn sâu vào đầu óc con...
Mạnh Thiều chú ý nhìn mẹ, giọng chàng rõ ràng và trầm thấp:
- Mẹ nói cho con nghe! Những lời nói của Uyển Lan, có phần nào đúng sự thật không? Có phần nào nói vào đến tận cùng tâm khảm của mẹ không? Mẹ bắt bẻ Uyển Lan trăm điều, có phải là tại vì bản năng ganh ghét tự nhiên của một người đàn bà, mẹ không chịu được chuyện con có bạn gái? Phải không? Mẹ? Phải không?
Bà Mạnh vừa rên rỉ vừa mò mẫm bước vào, bà ngồi té phịch xuống ghế, dùng tay ôm lấy đầu, vùng vẩy một cách đau khổ:
- Thiều Thiều, chỉ tại vì mẹ yêu con, chỉ tại vì mẹ yêu con!
Rút cuộc chàng cũng bật kêu lên được những lời thống thiết:
- Mẹ! Tình yêu của mẹ sẽ giết chết con! Mẹ có biết không? Uyển Lan đối với con, còn quan trọng hơn cả sinh mạng, chẳng lẽ mẹ không hiểu sao? Mẹ, mẹ yêu con, con biết. Thế nhưng, tình yêu của mẹ giống như một mạng nhện thật to, giăng mắc mọi nơi, nó làm cho con vùng vẫy mãi đến sắp đứt hơi rồi đây!
Chàng nhảy bật dậy, chụp lấy chiếc áo khoác ngoài, xông thẳng ra phía cửa, trời chỉ mới vừa tờ mờ sáng, những giọt mưa vẫn còn giăng giăng mờ nhạt. Bà Mạnh vừa giật mình vừa sợ hãi kêu lên:
- Con đi đâu vậy?
- Đi tìm Uyển Lan!
Bà Mạnh nói thật yếu ớt
- Bây giờ mới có năm giờ sáng!
- Con bất cần!
Khi Mạnh Thiều chạy đến trước cửa nhà Uyển Lan, trời vẫn chưa sáng hẳn. Mặt trời mùa Đông bao giờ cũng lên trễ, những giọt mưa và vầng mây âm u càng làm cho bầu trời tối tăm hơn. Chàng chạy một mạch đến trước cánh cổng to, đứng dừng lại, chàng định làm gì đây? Phá cửa xông vào chăng? Nhấn chuông gọi cửa chăng? Vào lúc năm giờ sáng như thế này chăng? Một trận gió lành lạnh thoáng qua, làm tỉnh lại một số thần kinh nào đó trong chàng, chàng đứng ở đó, lạnh đến độ tay chân cứng nhắc, sau đó, chàng đi đi lại lại ở trước cửa hết một lúc, bước đi rồi bước lại, đợi cho trời sáng. Cuối cùng, chàng đứng tựa vào vì tường ở phía đối diện, ngẩng đầu nhìn lên phía cửa sổ phòng Uyển Lan.
Không biết thời gian qua đã bao lâu, chỗ cửa sổ đó có bóng người thấp thoáng, màn cửa được kéo ra, trong màn sương mờ mờ giăng phủ, bóng dáng của Uyển Lan hiện ra, mảnh khảnh, yêu kiều, mái tóc dài như suối đổ... trái tim chàng đập lên từng nhịp loạn cuồng, chàng không kềm chế được tâm tình của mình, bất kể mọi chuyện, chàng dùng tay bắt loa kêu lên thật to:
- Uyển Lan!
Bóng dáng ngay cửa sổ biến mất, mọi thứ trở nên lặng lẽ.
- Uyển Lan! Uyển Lan! Uyển Lan!
Chàng kêu lên điên cuồng, những nhà lân cận, ùn ùn mở cửa sổ ra nhìn dáo dác, chỉ có cửa sổ của Uyển Lan, vẫn cứ đóng im ỉm, bóng dáng người hiện ra trên song cửa đó, cũng biến mất không còn một dấu vết.
Chàng xông qua phía bên cửa, bắt đầu bấm chuông như điên như dại.
Cửa mở ra, người xuất hiện là bà Sâm với gương mặt hiền từ và dịu dàng. Bà nói bằng một giọng bình lặng, nhẹ nhàng:
- Mạnh Thiều, tạm thời đừng nên làm phiền Uyển Lan, được không? Con bé ngã bệnh rồi, cháu có biết không?
Chàng chấn động bàng hoàng:
- Cháu muốn gặp nàng!
Bà Sâm nói thật từ tốn:
- Bây giờ chăng? Nó sẽ không gặp cháu đâu, nếu như cháu bắt buộc nó phải gặp cháu, cháu chỉ làm tăng sự bất mãn trong nó mà thôi. Bác không biết cháu đã làm gì với nó, thế nhưng, nó vừa nghe tiếng cháu là đã run lên như cầy sấy rồi, nó đang sợ cháu! Mạnh Thiều, hãy chịu khó nhẫn nại một thời gian vậy, để cho nó có chút thời gian phục hồi, nếu không cháu sẽ làm cho tình hình càng lúc càng tệ!
Trái tim chàng nghe đau như cắt, chàng hỏi:
- Nhẫn nại bao lâu?
- Một tháng?
- Cháu không có sự kiên nhẫn đến như thế, bác nói với nàng rằng, ngày mai cháu sẽ lại đến!
Ngày hôm sau, khi chàng lại đến, người mở cửa trở thành Triệu Bôi:
- Em tôi hả? Nó ở nhà của bạn rồi!
- Tôi không tin!
Chàng gầm lên, định xông vào nhà.
Triệu Bôi chận ngay cửa, chàng nói:
- Muốn đánh lộn hả? Hay là muốn tôi báo cảnh sát? Những thằng trồng cây si trên cõi đời này, chưa thấy ai dữ dằn giống như mi!
Chàng trừng mắt nhìn Triệu Bôi, giọng chàng dịu nhẹ lại, xuống nước:
- Tôi nhất định phải gặp cho được nàng!
Thanh âm chàng trầm thấp và tha thiết. Ông Sâm từ trong nhà đi ra, ông nhìn thẳng vào chàng, nói bằng một giọng thành khẩn và thẳng thắn:
- Mạnh Thiều, Uyển Lan quả thật đã đi dến nhà bạn ở rồi, không ai gạt cháu đâu! Nếu cháu không tin, cháu có thể vào nhà mà xem!
Chàng tin ông Sâm, mồ hôi lạnh đổ dọc theo lằn xương sống:
- Thưa bác, xin bác cho cháu địa chỉ của nàng.
Giọng ông Sâm ôn hòa nhưng cứng cỏi:
- Không được, Mạnh Thiều, trừ khi nào con bé đồng ý gặp cháu.
- Chẳng lẽ nàng không đi làm?
- Nó đã xin nghỉ việc rồi!
- Ngày nào cháu cũng sẽ đến.
Nói xong. Chàng quay đầu bỏ đi.
Quả thật, ngày nào chàng cũng đến, thế nhưng, không đầy một tháng sau, chàng nhìn thấy trước cửa nhà họ Đoàn dán hai chữ Song Hỷ thật to, Uyển Lan trở thành cô dâu mới của nhà họ Cố.