Dịch giả: Hoàng Ngọc Tuấn
CHƯƠNG 12
Việc học của chúng tôi

Để học, chúng tôi có cuốn từ điển của Bố và cuốn Thánh Kinh mà chúng tôi tìm thấy ở nhà Bà Ngoại, trên gác xép.
Chúng tôi có những bài học về chính tả, cách làm văn, tập đọc, tính nhẩm, đại số và những bài luyện trí nhớ.
Chúng tôi sử dụng từ điển để sửa lỗi chính tả, để tìm định nghĩa, nhưng cũng để học thêm những chữ mới, những từ đồng nghĩa và phản nghĩa.
Chúng tôi dùng Thánh Kinh để tập đọc, tập viết ám tả, và luyện trí nhớ. Vì thế chúng tôi đã học thuộc lòng nhiều trang Thánh Kinh.
Đây là cách chúng tôi tiến hành một bài tập làm văn:
Chúng tôi ngồi tại bàn trong bếp với xấp giấy có kẻ ô, hai cây bút chì, và Cuốn Sổ Lớn. Chỉ có hai đứa chúng tôi.
Một đứa nói:
— Đề bài của anh là: "Đến nhà Bà Ngoại".
Đứa kia nói:
— Đề bài của anh là: "Công việc của chúng tôi."
Chúng tôi bắt đầu viết. Chúng tôi có hai tiếng đồng hồ để xử lý đề tài và có hai tờ giấy để viết nháp.
Sau hai tiếng đồng hồ, chúng tôi trao đổi những tờ nháp của mình, đứa này sửa lỗi chính tả cho đứa kia bằng cách tra từ điển và viết xuống ở cuối trang giấy: "Tốt", hoặc "Không tốt". Nếu "Không tốt", chúng tôi ném bài văn vào lửa và chúng tôi cố gắng xử lý đề tài đó một lần nữa trong buổi học kế tiếp. Nếu "Tốt", chúng tôi có thể chép bài văn vào Cuốn Sổ Lớn.
Để quyết định là "Tốt" hay "Không tốt", chúng tôi có một quy tắc rất đơn giản: bài văn phải trung thực. Chúng tôi phải miêu tả cái gì có thật, cái gì chúng tôi thấy, cái gì chúng tôi nghe, cái gì chúng tôi làm.
Ví dụ, không được phép viết: "Bà Ngoại giống như Mụ Phù Thuỷ"; nhưng được phép viết: "Người ta gọi Bà Ngoại là Mụ Phù Thuỷ."
Không được phép viết: "Phố Nhỏ thì đẹp", bởi Phố Nhỏ có thể đẹp đối với chúng tôi nhưng xấu đối với người khác.
Cũng thế, nếu chúng tôi viết: "Ông tuỳ phái thì dễ thương", đó không phải là sự thật, vì ông tuỳ phái có thể có những ác ý mà chúng tôi không biết. Do đó chúng tôi chỉ viết: "Ông tuỳ phái cho chúng tôi vài cái mền."
Chúng tôi viết: "Chúng tôi ăn nhiều quả hạnh", chứ không viết: "Chúng tôi yêu những quả hạnh", bởi chữ "yêu" là một chữ không chắc chắn, nó thiếu sự chính xác và sự khách quan. "Yêu những quả hạnh" và "yêu Mẹ" không có nghĩa giống nhau. Dạng thức thứ nhất chỉ một vị ngon trong miệng, và dạng thức thứ hai diễn tả một xúc cảm.
Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.