Dưới đây là cuộc trao đổi giữa bạn đọc Tuyển tập thơ văn ÁO TRẮNG và nhà văn ÐOÀN THẠCH BIỀN. Bài đã được đăng trên ÁO TRẮNG số tháng 3 - 1993. 1. Tại sao những nhân vật nữ trong truyện của anh đều ở lứa tuổi áo trắng, anh có viết về các đối tượng khác? HOÀNG NGÂN (Cần Thơ), TRẦN ANH DŨNG (Mỹ Tho), MINH KHIÊM (Ðức Trọng) Những đối tượng khác, tôi cũng đã viết nhưng không thành công nên quay về lứa tuổi áo trắng. Ðối với tôi màu trắng thật khó hiểu (vì như ánh sáng, nó tổng hợp của bảy màu) và tâm lý của lứa tuổi áo dài trắng cũng vậy. Tôi thích viết về những gì còn khiến mình thắc mắc muốn tìm hiểu, chứ hiểu rõ rồi (như "bản thân tôi" chẳng hạn) thì chán lắm! 2. Anh thường viết truyện về tình yêu, vậy anh có thể định nghĩa tình yêu là gì? LẠC THƯ (Cần Thơ), YẾN NHI (?) Tôi rất thích câu định nghĩa của nhà văn St. Exupéry: "Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng". Và tôi chỉ muốn thêm vào chút xíu: "Nhưng thỉnh thoảng cũng nên nhìn vào mắt nhau, để giúp nhau lấy đi những hạt bụi trong mắt". 3. Anh có thể cho biết lý do tại sao anh đổi bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh thành Ðoàn Thạch Biền? CÚC VI (Huế), NGUYỄN XUÂN (Nha Trang), VŨ QUANG THÁI (Hố Nai) Ðây là chuyện rất riêng tư, nhưng vì có nhiều bạn thắc mắc nên tôi phải trả lời. (Xin lỗi trước những bạn không thích chuyện riêng tư, đừng cười). Ngày xưa tôi ký bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh vì đã yêu một cô sinh viên tên Nguyễn Thị Trịnh. Rồi cô ấy đi nước ngoài. Ðợi mãi không thấy cô ấy trở thành Việt kiều hồi hương "đầu tư xây dựng đời tôi", tôi đành "chuyển hệ" yêu cô Ðoàn Thị Biền bán cơm sườn ở ngay đầu ngõ và ký bút hiệu Ðoàn Thạch Biền. Vái trời đừng bắt tôi phải đổi bút hiệu lần nữa. Vì ai mà không đau lòng xót ruột khi phải chia tay với... những dĩa cơm sườn. 4. Cách viết truyện ngắn của anh đã chịu ảnh hưởng của nhà văn nào? MINH LÂN (Q. 10) Ngay khi còn học trung học tôi đã sưu tầm cắt dán vào tập vở những truyện vui cười đăng trên báo. Có lẽ chịu ảnh hưởng từ đó nên truyện tôi viết thường nhiều đối thoại, kết thúc bất ngờ và tếu. Bạn cứ đọc truyện vui cười sẽ thấy, nhiều khi chỉ cần hai câu đối thoại ngắn gọn, tác giả đã làm bạn phải suy nghĩ và bật cười. Thật đáng tiếc tôi chưa đủ tài viết ngắn gọn như vậy và truyện ngắn của tôi vẫn còn dài lòng thòng. 5. Những nhân vật trong truyện của ông thường đối thoại rất tếu, chắc ở ngoài đời ông cũng nói năng tếu như vậy? LÊ DŨNG (Q. 3), NGUYỄN THỊ THÚY (PTTH An Lạc) Nếu được như các bạn nghĩ thì thật phúc đức cho tôi. Ở ngoài đời tôi nói năng như "dùi đục chấm mắm cáy" nên dễ mất lòng người. Vì vậy, tôi thường im lặng và bị hiểu lầm là lúc nào cũng trầm ngâm suy tư những vấn đề cao siêu! Ðể bù lấp khuyết điểm của bản thân, tôi đã cố "gò" viết cho nhân vật của tôi đối thoạt thật nhiều và thật dí dỏm để độc giả lầm tưởng đó là... tôi. 6. Ðọc truyện của ông, em thấy xúc động và buồn một cách kỳ lạ... Ðối với ông có phải cái gì đẹp thì thường mong manh và hạnh phúc thì thường ở trong sự ray rứt và tìm kiếm? CHI MAI (Biên Hòa) Tôi thường viết truyện tếu để giúp độc giả có được nụ cười trong cuộc sống có nhiều chuyện đáng mếu, không ngờ lại khiến em "buồn một cách kỳ lạ". Như vậy chứng tỏ tay nghề của tôi bị... trục trặc. Ðối với tôi vẻ đẹp cũng như hạnh phúc thường mong manh và điều quan trọng là làm thế nào để mọi người hiểu và quí trọng sự mong manh đó. Hãy biến nó thành "Và một ngày dài hơn thế kỷ" như tên một tác phẩm của Aimatôp. 7. Những truyện tình ông viết đều có vẻ không thật. Vậy chứng tỏ ông là người rất "ba xạo". Ðúng như người ta thường nói "Nhà văn nói láo..." phải không? TRÚC PHƯƠNG (Sông Bé), HUỲNH THỊ THƯƠNG (Mũi Né), BẢO QUYÊN (Diên Khánh) Bạn chỉ quen ăn thịt gà luộc, nếu lần đầu tiên được nếm các món: gà gói giấy, gà hấp bia, gà nướng chao... người đầu bếp giới thiệu đó là thịt gà, bạn sẽ nói ông ta "ba xạo". Với con gà (chuyện thực tế) tùy theo khả năng nấu nướng mà người ta có thể chế ra nhiều món lạ miệng, nhưng đó vẫn là thịt gà. Vấn đề là món ăn đó có làm bạn khoái khẩu hay không. Nếu bạn khoái khẩu thì chắc chắn món ăn đó có thật. Như tình yêu vậy mà. Nếu đang yêu, bạn sẽ tin có hình bóng người yêu ở trong tim. Nếu không yêu bạn sẽ nói chuyện "ba xạo", trong tim chỉ có máu đen và máu đỏ. 8. Nhân vật nữ trong truyện của anh thường xưng hô "ông" với "em". Có phải đây là bút pháp riêng của anh không? TRÂN XUÂN NỞ (ÐHTH), BĂNG TÂM (Q. 10), CẨM PHƯƠNG (Củ Chi) Nhân vật nam của tôi (chứ không phải tôi) khi gặp nhân vật nữ, thường không còn trẻ để cô bé gọi "anh", nhưng chưa già để gọi "chú". Tôi muốn cô bé gọi hắn là "ông", để giữ một khoảng cách an toàn đối với người xa lạ (là hắn chứ không phải tôi). Còn chuyện họ đã quen nhau và chia tay như thế nào qua cách xưng hô đó, thì độc giả đều đã biết. 9. Trường Phan Châu Trinh Ðà Nẵng nơi chú học hồi xưa có để lại kỷ niệm nào cho chú không? MINH THU (Ðà Nẵng) Ngôi trường đó đã cho tôi kiến thức căn bản đồng thời cũng giúp tôi hiểu về tình bạn, tình yêu và tình thầy trò. 10. Là một trong những người thực hiện Tuyển Tập Áo Trắng, điều làm chú cảm thấy lo lắng và tâm đắc nhất là gì? Chú có nhận xét gì về những cây viết trong lứa tuổi áo trắng? Chú có thể giúp cháu và các bạn đang tập viết văn một vài kinh nghiệm được không? CÔNG TÂM (Phan Rang), TRUNG NGHĨA (PTTH Hùng Vương) Ðiều làm tôi lo lắng nhất là không thấy bài viết của bạn đọc gửi về. Ðiều tâm đắc nhất là tôi đã được đọc những bài viết rất hay của những độc giả chưa hề quen biết gửi về. Những cây viết lứa tuổi áo trắng, một số người viết truyện đã thành công, còn về thơ, chưa có mấy ai nổi bật. Kinh nghiệm viết văn, thú thật (không phải tôi khiêm tốn hay "giấu nghề" đâu) tôi cũng đang trên đường tìm kiếm. Vậy các bạn cùng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm viết văn của các nhà văn kinh điển Việt Nam cũng như thế giới. 11. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều muốn mình có ít nhất là một tác phẩm lớn "để đời" (như Victor Hugo với "Những người khốn khổ"). Anh đã có tác phẩm nào gọi là "để đời" chưa? TRẦN ÐĂNG TÀI (Cần Thơ) Anh có dự tính sẽ viết về một đề tài lớn, ngoài những truyện tình áo trắng? ÐỨC HẢI (ÐHTH) Tôi chưa bao giờ may mắn có được một món tiền lớn, một mối tình lớn vì vậy tôi chọn những thứ gì nho nhỏ ở trong tâm tay với của mình. Tôi không thích làm "con nhái muốn to bằng con bò" như trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Tôi chỉ cố gắng viết tác phẩm cho độc giả mua và để vào tủ sách, còn "để đời" thì tôi đã "đi đời" rồi. Ðối với tôi không có đề tài lớn hay nhỏ mà chỉ có viết hay hoặc dở mà thôi. Người ta thường chê những người viết truyện ma quỷ và truyện trinh thám nhưng cả thế giới đã khâm phục Bồ Tùng Linh và Simenon. Vì vậy một tô cháo hành nấu ngon, tôi vẫn thích hơn một tô cháo gà nấu dở. 12. Anh có xúc động khi đọc câu thơ của Nguyễn Vỹ: "Nhà văn An Nam khổ như chó"? HÀ HUY HOÀNG (Quảng Ngãi) Trong "cơ chế thị trường" hiện nay, đời sống của nhà văn có túng thiếu lắm không? NGUYỄN ÐĂNG BÌNH (ÐH Pháp Lý) Nếu bạn nghĩ trời sinh ra ta có hai bàn tay "chỉ để" viết văn thôi thì bạn sẽ khổ. Ðôi bàn tay còn có thể làm được nhiều việc khác nữa. Hiện nay chẳng mấy ai dùng tivi một hệ mà toàn "đa hệ". Vì vậy ngoài viết văn, tôi còn viết báo, viết kịch bản phim và ở nhà có cho thuê truyện của tôi, để khỏi phải than đói. 13. Trong truyện dài "Long lanh lệ thầm" chú có viết: "Người ta chỉ thật sự khóc một lần trong đời, những lần trước người ta tập khóc còn những lần sau người ta khóc vì thói quen". Vậy chú đã thực sự khóc một lần nào chưa? THANH HẰNG (Long An) Tôi đã thật sự khóc một lần khi giặt quần áo, vô tình vò nát tấm vé số bỏ quên trong túi áo. Tấm vé số đó đã trúng độc đắc 50 triệu, nhưng người ta không cho lãnh vì bị nhàu nát. Từ đó tôi chỉ khóc vì thói quen. Ăn ớt cay: khóc. Xem phim "Người giàu cũng khóc": khóc. Áo Trắng bán ế: khóc. Và để ngăn mình khỏi khóc tôi đã viết truyện cười. 14. Anh có thể chép tặng em bài thơ Pháp có câu: "Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây"? Có phải bài thơ đó đã tạo cảm hứng cho anh viết đoạn kết truyện "Tình nhỏ làm sao quên"? HỒ NHẬT (ÐHTH) Ðó là bài thơ "Seuls Comprennent les Fous" (Chỉ những người điên mới hiểu được) của Pierre Emmanuel - một nhà thơ Pháp hiện đại - Thơ của ông mang nhiều suy tư triết học. Quả thật bài thơ đó đã giúp tôi giải quyết vấn đề trong TNLSQ. Vì bài thơ quá dài, không thể chép tặng em nguyên tác. Em có thể đọc bản dịch đăng trong tuyển tập Áo Trắng này. 15. Anh đã từng dạy học ở Phan Rí, khi rời xa, anh có luyến tiếc không? Có kỷ niệm gì dễ thương không? VIỆT TRÚC, NGÔ KIM ÐOAN (Phan Rí Cửa) Ở đó, tôi đã gặp những người bạn tốt, giúp đỡ tôi thời khốn khổ. Con người và bối cảnh ở đó đã tạo cảm hứng cho tôi viết những truyện ngắn đầu tiên. Khi rời xa, tôi rất nhớ những đồi cát và những con dông. Mùi hương nước mắm nhỉ đã thật sự quyến rũ tôi hơn mùi hương hoa hồng. 16. Tác phẩm đầu tay được in khi chú bao nhiêu tuổi? Từ đó đến nay chú đã in được bao nhiêu tác phẩm và tác phẩm nào chú tâm đắc nhất? TRẦN THU HOÀI (Hà Nội), NGÔ KIM NƯƠNG (Biên Hòa), MÂY HỒNG (Bảo Lộc) Tập truyện đầu tay "Ví dụ ta yêu nhau" được in khi tôi 25 tuổi. Từ đó đến nay, tôi đã in được 7 cuốn truyện. Các nhà phê bình nhận xét cuốn "Tình nhỏ làm sao quên" là khá nhất. Còn tôi thích cuốn truyện đầu tay "Ví dụ ta yêu nhau" hơn. Nó giống như mối tình đầu đã mất. Tuy còn ngây ngô, vụng dại nhưng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên. 17. Làm nhà văn chú đã "được" gì và "mất" gì? MY HOÀN (Ðà Nẵng) Tôi đã được những nhân vật nữ trong truyện và mất những nhân vật nữ ngoài đời. Ðộc giả cứ tưởng tôi là nhân vật nam trong truyện, đến khi thấy rõ bộ mắt thật của tôi, họ đã chán nản, về nhà đốt hết những cuốn truyện của tôi. Thật tội nghiệp cho... cả hai! 18. Anh đã viết "Tình nhỏ làm sao quên" trong hoàn cảnh nào? Có chủ đích gì? So sánh giữa tiểu thuyết và bộ phim? Anh có định trở thành diễn viên điện ảnh? (43 thư) Tôi đã lên Ðà Lạt viết kịch cho một nhóm bạn, tình cờ tôi đã gặp một cô bé mất trí bên bờ hồ. Nghe người ta kể về hoàn cảnh của em, tôi không tin và lý giải sự mất trí của em theo suy nghĩ của tôi. Chủ đích của tôi là chúng ta thường quan tâm đến những chuyện "lớn", nhưng chuyện nhỏ nếu tìm hiểu đến cùng, nó cũng khiến ta ray rứt khó quên. Như ông bà nói "Ðừng khinh lỗ nhỏ, lỗ nhỏ đắm thuyền". Nếu chúng ta dễ dàng quên những chuyện nhỏ thì chúng ta cũng dễ dàng quên được chuyện lớn. Bộ phim đã hấp dẫn hơn tiểu thuyết của tôi. Nó đã diễn tả được giọt nước mắt nhưng thiếu nụ cười như trong truyện của tôi. Trong phim tôi đóng một vai phụ. Vai thằng đểu lừa gạt cô bé "mát". Khi xem "nháp" bộ phim, không thấy hình ảnh của mình, tôi cự nự đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Anh cười nói: Ðóng vai thằng đểu mà cậu diễn thành người tốt thì tôi phải cắt. Thế là giấc mơ trở thành diễn viên điện ảnh của tôi bị tan tành. Làm người tốt không đúng chỗ cũng dễ bị chê! Tôi tức mình về viết tiếp kịch bản phim "Tôi thương mà em đâu có hay", trong đó có vai người tốt và tôi sẽ dành đóng vai này. Cầu trời tôi sẽ không diễn xuất thành thằng đểu! 19. Về vở kịch "Ðêm của cỏ", tại sao anh nhẫn tâm để nhân vật Minh từ bỏ người anh thân yêu, đi theo nhân vật Tấn thô bạo? Tại sao và tại sao? (27 thư) Qua vở kịch tôi chỉ muốn nói: Tình yêu thật kỳ lạ. Nó đã làm cho một người xa lạ lại được yêu thương hơn người thân thiết. Con người gồm tâm hồn và thể xác. Tấn đã giúp Minh bay lên bằng tâm hồn (qua những lời đường mật) và bay lên bằng thể xác (qua những lần dìu bước đi và những nụ hôn). Vì vậy Minh đã yêu Tấn hơn. Nếu gọi đây là vở kịch "cảnh giác" chắc các bạn sẽ dễ dàng thông cảm. Báo Công an thành phố ngày 24 - 2 có đăng chuyện "Tình yêu thời mở cửa". Hai mẹ con cùng yêu một ông ngoại kiều, ông ta yêu cô con gái hơn, người mẹ sợ mất "mối xộp" nên đã chịu làm giấy hôn thú với ông ta, nhưng bước lên xe hoa lại là cô con gái chưa đủ tuổi làm giấy hôn thú. Nếu tôi chuyển chuyện thật đó thành kịch chắc các bạn cho tôi bôi bác hình ảnh người mẹ và lứa tuổi áo trắng! Có lẽ vì kịch gần với đời, cho nên nhà văn Balzac đã đặt tên cho bộ tiểu thuyết nổi tiếng của ông là "Tấn kịch đời" (La comédie humaine). Sau một tuần Áo Trắng số 30 phát hành, tôi đã nhận được 142 lá thư đặt câu hỏi. Tôi thật sự xúc động vì tấm lòng ưu ái của bạn đọc. Những câu hỏi đó đã giúp tôi nhìn lại cách sống và cách viết của mình. Xin cảm ơn tất cả các bạn.
ÐOÀN THẠCH BIỀN