Súng nổ đều trời trong những ngày Tết năm ấy. Chiến tranh đã tới đây rồi tôi mừng quá đỗi. Thằng út Mặt Mâm này muốn thành phố lộn tùng phèo lên hết.Tôi chạy ra đường nhưng không thấy gì cả. Các trận đánh còn ở xa, ngoài ngoại thành, ở khu trung tâm này người ta vẫn đi lại nhởn nhơ ăn uống cười đùa như không có chuyện gì xảy ra. Tôi mò ra chỗ căn chòi để xe ngựa của cha Năm Mạnh thấy vắng tanh, chiếc xe ngựa nằm chỏng chơ, con ngựa chắc đã bứt dây chạy ra đồng rồi. Tôi chạy về nhà tìm cách dò hỏi bà Tư nhưng bà chỉ nạt đòi đốt nhà thế là tôi lại chạy đi nữa. Tôi phải tìm cho ra điều tôi muốn biết. Từ lâu tôi đánh hơi biết mẹ cô và cha Năm Mạnh làm công chuyện gì rồi, không biết đích xác nhưng cũng gọi là biết. Tôi nhớ lại những lần gặp mẹ cô ở trong xóm Năm Từng cũng như lần mẹ cô đứng nói chuyện với thằng cảnh sát gác đường ở một ngã tư đường, mẹ cô dẫn nó đến quán đối diện với tòa nhà ở đường Nguyễn Trãi. Hôm đó tôi đã rình đi theo mẹ cô, cho vui thôi, tôi đã rình theo ai có trời mới phát hiện ra.Nhưng tôi phải ra chặn ngoài đầu ngõ xóm Năm Từng cái đã. Xóm Năm Từng đường sá chằng chịt nhưng chỉ có một lối vào duy nhất, đầu ngõ có cây trứng cá không của nhà ai tàng tròn xoe, rộng đủ chỗ cho vài ba đứa con nít leo núp. Tờ mờ sáng xóm chưa ai thức dậy, tôi ra leo lên, núp ở đó, mang theo khúc bánh mì khô nhai nhóc nhách cho đỡ buồn. Tôi núp rất kỹ khó ai có thể nhìn thấy nhưng hôm đầu tiên có lão vá xe đạp đẩy chiếc xe lọc cọc đi ngang không biết mắc mớ gì dừng lại ngước nhìn lên thấy tôi liền la lên: "Thằng trời đánh mày rình mò cái gì đó, có xuống không tao đập một mỏ lết bể đầu bây giờ". Hôm sau có bà bán cháo lòng mê thằng cha vá xe đạp đi bám theo sau, bà không nhìn thấy tôi nhưng tôi thấy gai mắt liền "hù" một tiếng bà quăng gánh cháo lòng bỏ chạy la "ma ma" inh ỏi. Tới hôm thứ ba thì tôi gặp mẹ cô.Mẹ cô cùng đi với mấy người nữa, âm thầm lặng lẽ, họ vừa qua khỏi tôi liền quăng khúc bánh mì tuột xuống đi bám theo. Mẹ cô ăn bận thật gọn gàng, những người con trai bận áo chim cò rộng thùng thình, ra tới đường lớn họ bắt đầu trà trộn vào với người đi đường bắt đầu túa ra, vào giờ đó là dân lao động, dân quét rác, mua gánh bán bưng, thợ làm công nhựt hoặc đủ thứ dân vô công rỗi nghề đi tìm việc làm. Và nhiều nhất vẫn là đám con nít, nhiều đứa nhìn ra tôi nhưng tôi làm mặt lạ đi bám theo tốp người của mẹ cô. Họ đi vào một căn nhà hình như là một ga ra xe hơi và rồi chỉ có mình mẹ cô đi trở ra. Tôi lại đi bám theo mẹ cô. Mẹ cô đi đến ngã tư đứng từ xa cười với thằng cảnh sát. Điều tôi ước đoán đã gần với sự thật rồi, mẹ cô rủ thằng cảnh sát đến quán trước cửa tòa nhà thôi. Tôi chạy trước tới đó. Tôi đường hoàng đi vào quán kêu ly cà phê đen gói thuốc thơm rồi cứ thế ngồi gác tréo chân hút thuốc phà khói uống từng ngụm cà phê một cách điệu nghệ. Nhiều người trong quán trừng mắt nhìn tôi, tôi cũng trừng mắt nhìn lại. Trời sáng dần rồi nắng lên, bánh mì khô nở căng ra trong bụng tôi. Có mấy tên lính bước vào quán. Lính trận đàng hoàng, quần áo rằn ri, chắc đám trốn trại đi chơi đêm về đây. Chúng uống bia khui bằng đế giày, bom pháo nổ ùng oàng chung quanh chúng vẫn cứ uống, đứa này đứa kia tranh nhau kể chuyện chơi gái, chuyện đánh nhau chỗ này chỗ kia. Việt cộng đã chiếm được nhiều chỗ trong thành phố, chúng nói thế. Nhưng bọn chúng cũng đã chiếm lại được nhiều chỗ, chúng lại nói. Quân Mỹ bao vây vòng ngoài để chặn Việt cộng, bọn Mỹ không khi nào tin vào quân lính người Việt. Nhưng tụi Mỹ lại cũng có kế hoạch bỏ chạy ra ngoài Vũng Tàu, cái bọn chó đểu thế."Không giữ được Vũng Tàu chúng đi đâu?". Một đứa hỏi."Đi đâu kệ chúng". Đứa khác đáp. "Mày lo cho tụi Mỹ à?'.Mẹ cô đến lúc nắng đã lên cao, độ hơn chín giờ. Một bầy trực thăng bay ngang ầm ầm trên đầu. Mẹ cô đứng lại ở cửa ngước nhìn lên đám trực thăng rồi nhìn vào khách ngồi trong quán. Mẹ cô nhìn thấy tôi liền đi thẳng tới kéo ghế ngồi xuống giọng thật tự nhiên, như những lần khác mẹ cô nói chuyện với tôi:"Em làm gì ở đây? Em rình theo chị phải không?"."Em uống cà phê". Tôi đáp."Không, đúng là em rình theo chị. Em hư lắm!"."Em đâu biết chị làm chuyện gì?"."Em không biết nhưng chị là người lớn, em là con nít không được rình mò theo chị"."Lâu rồi chị không vô trong xóm Năm Từng hả?"."Chị bận lắm! Súng nổ đều trời em không thấy sao? Bây giờ em chịu về chưa? Hay không chịu về?"."Em uống cà phê cái đã"."Em uống cà phê đen à? Chị cũng muốn uống một ly, chị buồn ngủ quá! Mấy hôm rày chị đâu có ngủ nghê gì được, chị ước chi được rảnh rỗi ngủ vài ngày cho đã. Hay là như vầy: nếu em không chịu về chị nhờ em một việc"."Việc gì?"."Em thấy mấy thằng lính rằn ri kia không? Chị không ghét gì chúng nhưng chị có người bạn làm cảnh sát gác đường có chuyện muốn bàn với nhau nhưng sợ mấy thằng rằn ri kia phá đám. Bọn chúng đâu ưa nhau. Em lôi thằng rằn ri kia đi chỗ khác dùm chị được không?"."Được thôi"."Chuyện đó quá dễ với em mà, phải không? Nhưng em uống cà phê đi cái đã".Mẹ cô cũng uống cà phê, bỏ rất ít đường, ngó quanh, rồi coi đồng hồ. Suốt nãy giờ mẹ cô cứ coi đồng hồ liên tục, như nó chết máy vậy. Vừa lúc đó tên cảnh sát bước vào quán và tôi bước qua mấy bàn mấy thằng rằn ri làm công việc của tôi.Chúng vẫn còn uống bia cười đùa. Dễ ợt, tôi nghĩ bụng, tôi lôi cả đại đội chúng đi cũng được. Tôi chọn lấy một thằng có vẻ say hơn cả chọc vào nách nó."Nhậu quá vậy cha nội?". Tôi nói. "Không chừa đường về hả?"."Ê nhột!". Tên lính cười sằng sặc túm lấy cổ tôi. "Ê thằng nhỏ như con chuột lắt tụi bây ơi! Mày rình mò cái gì đây? Định móc túi hả?"."Mình biết nhau quá mà". Tôi nói, kề vào tai tên lính. "Kiếm chút sái không? Hay gái?"."Có không?". Tên lính lại cười sằng sặc. "Mày biết chỗ hả?"."Đi với tôi"."Đi tụi bây ơi!".Tôi dẫn chúng đi. Đúng ra chúng giành nhau đi bám theo tôi. Tôi tiếc chúng không có cả đại đội để tôi làm oai với đường phố. Tôi dẫn chúng đến đó. Tôi biết tất cả hang ổ ăn chơi của bọn chúng, của lính say cũng như lính không say. Tên lính say cứ ôm lấy đầu tôi cười sằng sặc nói: "A tao khoái thằng nhỏ này quá! Phải chi tao có thằng con như mày, cha con cùng một giống ma quỉ như nhau". Tôi dẫn chúng đến một chỗ gần đó thôi nhét chúng vào đó dễ dàng tìm cách tốn trở ra ngoài. Trước khi ra khỏi cửa tôi còn kịp thấy một thằng ma cô đang móc túi tên lính say.Tôi trở lại quán từ đằng xa nhìn thấy mẹ cô và thằng cảnh sát đi ra. Mẹ cô đi trước, chân sải dài, mặt tái xanh dưới ánh nắng. Thằng cảnh sát đi theo sau với những bước đi lóng nga lóng ngóng. Một chiếc xe tải nhỏ chết máy đậu phía bên kia đường, người tài xế lăng xăng với đầu máy còn đám thanh niên bận áo chim cò ngồi sau thùng xe thì đập tay thình thình vào thành xe la hét inh ỏi. Mẹ cô đứng bên này đường nhìn qua, ngó dáo dác hai đầu đường, chỉ có tôi đứng đằng này núp sau một thân cây mẹ cô không thể nhìn thấy được. Mẹ cô tìm kiếm ai vậy? Một đám trực thăng nữa lại bay ngang, mẹ cô ngước nhìn lên như lấy cớ để chờ đợi. Rồi mẹ cô đi băng qua đường. Thằng cảnh sát vẫn bám theo sau. Gần tới cổng tòa nhà hai người đi rẻ ra, mẹ cô đi về hướng bót gác còn thằng cảnh sát đi về chỗ chiếc xe chết máy, vừa đi vừa lên tiếng rầy rà giọng ỉu xìu như chính nó là người có lỗi chớ không phải chiếc xe.Người tài xế cười giả lả ra sức đẩy chiếc xe đi tới nhưng lóng ngóng thế nào lại đưa chiếc xe vào gần bót gác hơn. Thằng cảnh sát thấy vậy bèn bước vào đẩy tiếp nhưng chiếc xe bây giờ hư thêm bộ phận thắng nữa, nằm chết dí một chỗ. Có mấy thanh niên trên xe cũng xuống phụ tiếp nhưng chỉ làm vướng víu thêm mà thôi. Một tên lính gác từ trong bót gác bước ra chống súng đứng nhìn. Mẹ cô cười với tên lính gác, nó cũng cười lại. Có vẻ như hai người đã quen nhau. Rồi mẹ cô bước tới tên lính gác chỉ về phía chiếc xe như phân bua điều gì. Rồi nhanh như chớp mẹ cô áp sát vào người tên lính gác đẩy nó đi vào trong bót gác.Đó là những gì tôi thấy vào lúc đó, tại chỗ đó. Tôi biết chuyện gì xảy ra rồi. Tôi phải đi lo việc của tôi. Phải nhanh chóng vào tòa nhà để được thấy những gì tôi muốn thấy. Không thể đột nhập thẳng vào cổng, chỉ còn con đường từ nghĩa trang leo qua. Tôi chạy ra cổng nghĩa trang như hai tên gác cổng dữ dằn quá, tôi xin vào ngủ trưa một chút chúng dọa đá đít tôi. Tôi chạy trở qua cổng tòa nhà thì đám thanh niên chim cò đã biến mất, người tài xế cũng vậy, chỉ còn chiếc xe chết máy đậu trơ ra ở đó. Lặng thinh lặng ngắt. Rồi bỗng thấy đám lính gác chạy túa ra, có thằng cảnh sát nữa, chúng chạy trong lặng thinh không thấy đứa nào hé miệng nói ra điều gì. Và rồi vắng lặng trở lại, tòa nhà câm lặng chìm trong ánh nắng tôi đứng bên này cố nhìn sang nhưng không thấy được gì.Và rồi tôi gặp được một người. Đó là một người đàn ông cao lớn trắng trẻo từ xa đi bươn tới nhưng khi tới gần thì dừng lại đi thong thả, chắp tay sau đít như người nhàn tản đi dạo mát."Chú em đứng đây chơi hả?". Người đó hỏi tôi. "Nãy giờ có thấy gì không?"."Ông muốn tôi thấy gì?". Tôi hỏi lại. Tôi không dễ để ai hỏi chặn tôi."Thành phố lộn xộn quá!". Người đàn ông nói lấp lửng. "Súng nổ khắp nơi nhưng ở đây yên quá hả? Chiếc xe của ai vầy nè?"."Xe của ai người nấy đi thôi". Tôi đáp. "Tôi đâu thấy gì, tôi mới ở bên nghĩa trang bị tên lính đá đít chạy qua đây"."Vô nghĩa trang làm chi? Ngủ hả? Hay đánh bài?"."Muốn đánh bài cũng không có tiền"."Nghèo quá hả? Nhà ở đâu nói thử coi?"."ở đây thôi". Tôi đáp. "Chẳng cần nhà cao cửa rộng ở đâu chẳng được".Chúng tôi nói chuyện bâng huơ như vậy và rồi tòa nhà vẫn lặng câm chúng tôi đường ai nấy đi. Tôi chạy qua chỗ nghĩa trang, hai tên gác cổng không dọa đá đít nữa mà chỉa súng vào bụng tôi:"Tao cho mày một phát thì sao? Mày chưa chết vì súng đạn lần nào hả?"."Tôi chết một lần rồi"."Mày nói dóc hả?"."Tôi ngủ quên trong lỗ huyệt bị người ta lấp đất lại"."Mày nói dóc quá đi"."Tôi ngủ trong nghĩa trang này hoài mà"."Nhưng bữa nay không được. Thiết quân luật rồi"."Tôi có phải là lính đâu. Súng mới quá ta!". Tôi đưa tay sờ nòng súng của tên lính. "Mới lãnh trong kho ra hả?"."Súng Mỹ mà mậy"."Của tụi Mỹ bên kia tòa nhà cho hả?"."Tao không dính líu với tụi ấy"."Dính líu tới chúng làm chi. Nhưng đồ của chúng mình cứ xài. Ông cho tôi vào nghĩa trang ngủ một chút tôi leo qua bên kia kiếm ít đồ hộp ông đem về cho vợ con"."Tao không ham"."Xài đỡ thôi. Đồ hộp của chúng tanh rình ăn cái gì. Nhưng rượu khá lắm. Uống rất mau say. Thuốc thơm cũng được. Hay để tôi kiếm cho ông mớ dao cạo râu, xà bông rửa tay, tấm trải giường ông đem về cho con vợ bé cắt ra làm tả cho con"."A, tao nhớ gặp mày ở đâu rồi! Thằng ôn dịch!"."Tôi ngủ đêm ở đây hoài mà. Bữa nay tôi ngủ trưa tới đêm gác thay ông đi chơi gái được không?"."Thôi mày đi đi. Đi về nhà hay vô nghĩa trang cũng được. Mày ở đây một lát chắc tao phải tốn một phát đạn cho mày quá".Tôi chạy tọt vào trong. Có một đám con nít bu lấy tôi. Tôi nói:"Đứa nào muốn ăn đồ hộp đưa tay lên! Tụi bây canh đám lính gác tao leo qua bên kia lấy đồ hộp cho tụi bây ăn ỉa chảy chơi".Tôi leo qua bờ tường một cách dễ dàng nhưng cảnh vắng lặng bên tòa nhà khiến tôi hơi hoảng. Sao không thấy động tĩnh gì như thế này? Chắc mẹ cô và đội biệt động đã đánh sâu vào bên trong rồi.Tôi chạy băng qua khoảng rộng của sân bóng không gặp trở ngại gì. Tới thềm nhà tôi lách mình vào cửa chính. Một hành lang dài hun hút, như nghiêng xuống phía dưới, chắc là xuống từng hầm. Tôi ngán từng hầm lắm. Cả đời chui rúc dưới hầm mộ cũng đủ cho tôi rồi. Không có điện đóm gì cả, hành lang tối om. Tôi đi mò mẫm, nhưng đi một lúc rồi cũng thấy sáng dần ra. Đã bắt đầu nghe tiếng nổ nhưng nghe văng vẳng, lục bục như từ đâu dưới lòng đất vọng lên. Tôi đi cặp sát bờ tường, cẩn trọng dòm trước dòm sau, tôi không muốn lãnh một phát đạn ngay trong những bước đầu tiên như thế này. Tiếng nổ vẫn dai dẳng, nghe vừa xa vừa gần, có lúc nghe như sát bên nhưng tôi bước tới không nhìn thấy gì cả. Càng lúc tôi càng thấy sợ hơn, không biết vì lẽ gì. Việc đột nhập vào một tòa nhà như vầy đâu phải khó khăn quá đối với tôi. Tôi đã từng vào nhiều kho hàng của tụi Mỹ khó gấp mấy lần như thế này, có khi cùng ăn ngủ với chúng cả mấy ngày trong đó. Tôi nghĩ nếu tôi là một chiến sĩ đặc công tôi sẽ là một chiến sĩ đặc công giỏi. Dĩ nhiên trong việc rình mò lén lút như thế này thôi. Tôi tiếp tục đi qua dãy hành lang tối om, qua những dãy phòng cửa đóng kín mít. Vẫn không thấy có gì cả, không có dấu vết gì chứng tỏ có trận đánh nơi tôi vừa đi qua. Cuối cùng tôi gặp được một cầu thang và tôi đi lên từng trên. Cảnh vẫn y như vậy, tuy có sáng hơn một chút, tôi vẫn không nhìn thấy gì cho đến lúc bất ngờ tôi gặp được một người.Người đó đã chết rồi. Đó là một chiến sĩ trong đội biệt động, chiếc chim cò anh bận tôi không thể lầm lẫn được. Anh ngồi dựa vào tường chân duỗi dài, mắt khép hờ, khẩu súng tiểu liên báng ngắn kẹp sát nách. Như anh chọn dáng ngồi thật thoải mái trước khi chết. Một bàn tay anh đang nắm chặt vật gì đó. Một cái chốt lựu đạn! Anh bị trúng đạn rồi còn kịp quăng trái lựu đạn hay sao? Hành lang trước mặt dài hun hút, các dãy phòng đều đóng kín, không thấy có phòng nào có khói rỉ ra. Anh ném trái lựu đạn vào đâu, và tụi Mỹ từ đâu đã bắn chết anh? Anh còn trẻ lắm, chừng hai mươi tuổi. Tôi chưa gặp anh bao giờ chưa từng thấy anh vào trong xóm Năm Từng. Chiếc áo chim cò không hợp với anh chút nào, trông anh quê mùa lắm, như từ dưới quê mới lên, hoặc ở một xóm Năm Từng của tôi. Khẩu súng của anh đã hết đạn, lựu đạn ở thắt lưng cũng không, chỉ còn cái chốt lựu đạn trong tay đó thôi. Tôi nhìn kỹ trong bóng tối mờ mờ và giờ đã sau hai mươi năm rồi tôi dám chắc tôi vẫn còn nhớ mặt anh. Tôi lục trong người anh thấy không có giấy tờ gì cả, một chiếc khăn tay cũng không. Tôi muốn ngồi lại với anh một chút. Tôi đợi trận đánh đi lên xa hơn nhưng thật tình tôi muốn ngồi lại với anh. Tôi nói:"Tôi ngồi với anh một chút rồi tôi phải đi. Tôi không có công việc việc gì ở đây. Nhưng đã vô tới đây rồi tôi phải đi cho tới cùng. Tôi phải thấy cái gì tôi muốn thấy. Tôi có quen một chị trong đội mấy anh tôi muốn gặp chị ấy. Chị ấy dạy tôi học chữ nhưng tôi không học. Đúng ra nếu tôi học thì cũng lẹ thôi bởi chữ nghĩa của chị ấy cũng không có được bao nhiêu. Tôi ân hận lắm. Tôi phải gặp để nói cho chị ấy biết điều đó. Thôi tôi đi đây. Tôi giữ cái chốt lựu đạn của anh nghen?".Tôi nhìn anh chiến sĩ lần nữa rồi đứng dậy lần theo bờ tường đi tới, lên một cầu thang rồi một cầu thang nữa. Vậy là đã từng lầu thứ ba rồi, tôi cố ghi nhớ trong đầu. Có tiếng loảng xoảng đâu đó như đồ đạc bể đổ rồi một loạt đạn nổ chát chúa trước mặt, không biết từ đâu bắn tới. Rồi có tiếng chân thình thịch của người chạy đuổi nhau. Vẫn không thấy có ai hiện ra, như một cuộc rượt đuổi của những người vô hình vậy. Tôi tìm thấy một hốc nhỏ trong tường đựng bình chữa lửa nằm sát phía dưới liền chun vào đó.Chiếc hốc tối om. Tôi ngọ ngoạy tìm chỗ ngồi cho thoải mái, chợt có cảm giác có người ngồi chung với tôi. Đó là một anh chiến sĩ bị thương, vừa rồi hình như chính anh đưa tay kéo tôi vào."Em đi đâu đây?". Anh thều thào nói, tay ôm lấy chiếc bụng đẫm máu. "Em đi hôi của phải không? Ôi trời ơi là trời!"."Không đâu, em vô đây chơi thôi". Tôi đáp."Chơi bời cái gì ở đây? Em dại quá! Em chạy đi! Chạy lẹ đi được không?"."Tụi Mỹ bao vây bên ngoài rồi". Tôi đáp liều."Đúng rồi. Em bị kẹt rồi. Em dại quá mà"."Anh bị thương hả?". Tôi hỏi"Anh không sao đâu. Nhưng anh không đi được. Anh ngồi đây chờ tụi Mỹ đánh lên anh đánh chặn chúng. Em tìm chỗ nào thật kín trốn đi! Em cầm cái gì vậy?"."Cái chốt trái lựu đạn. Em gặp một anh chết dưới kia kìa!"."Mấy anh chết nhiều lắm, chưa chi mà đã hao quá như vầy! Nhưng tụi Mỹ cũng gần hết hơi rồi!"."Anh cần gì không?"."Cần gì hả thằng quỉ nhỏ? Thôi đi đi, đi đi...".Tôi chạy vọt đi. Các lối đi trong tòa nhà thật kỳ cục, cứ quanh qua ngoặc lại như lối đi dưới âm cung, nhiều khi tôi nghe tiếng súng nổ sát bên nhưng không thể nào qua đó được. Trước mặt tôi giờ đây vẫn là một hành lang dài hun hút, hai bên là hai dãy phòng đóng kín cửa. Tôi đi lần mò không hiểu sao không tìm được cầu thang đi lên. Từng lầu bên trên treo lơ lửng à? Tôi cứ đi. Trước mặt tôi là một khúc quanh và tôi cẩn thận nhô đầu ra từ từ. Không thấy gì hết! Vắng tanh vắng ngắt! Nhưng tôi vừa bước tới mấy bước một loạt đạn nổ cài trước mặt tóe lửa lên khiến tôi té nhào xuống nền gạch. Tôi vội tìm một hốc đựng bình chữa lửa nhưng không thấy đâu cả, bờ tường phẳng lỳ khiến tôi như con cá lội trong bồn. Tôi bèn nép đại vào một góc tường, đúng ra là phơi mình ngay giữa hành lang. Có tiếng chân chạy loạn xạ rồi một thằng Mỹ nhô ra ở đầu kia hành lang, ngó dáo dác rồi chạy bổ nhào về hướng tôi, gần như dẫm đạp lên tôi. Một người chiến sĩ đuổi theo sau. Rồi cả hai mất hút ở đầu này hành lang. Rồi im lặng trở lại, rồi cảnh ấy lại diễn ra lần nữa, nhưng lần này thì ngược lại: người chiến sĩ chạy phía trước, tên Mỹ đuổi theo sau. Rồi cả hai lại mất hút. Tôi không hiểu ra sao cả. Hai dãy phòng hai bên đều đóng kín cửa, họ từ đây chạy ra và chạy đi đâu? Thật cứ như trận chiến của những hồn ma vậy.Lần này tôi cẩn thận hơn, đợi cho thật yên hẳn rồi mới đứng dậy đi tiếp. Lần này tôi không gặp ai rượt ai cả, nhưng lại gặp một thằng Mỹ bị thương.Nó ngồi trong một phòng có cánh cửa hé mở, có lẽ nó đã nhìn thấy tôi từ xa và vì tôi là người còn sống nên nó muốn nhờ tôi cứu giúp. Nó đưa tay ngoắc tôi lại xì xồ cái gì đó, tuy tôi có biết ít tiếng Mỹ do tiếp xúc với tụi Mỹ ở các kho hàng nhưng nó nói không còn ra tiếng người nữa nên tôi không nghe được. Nó bị thương ở bụng chắc là nặng lắm máu loang ra ướt đẫm cả nửa người bên dưới, loang ra cả nền gạch. Nó vẫn xì xồ đưa tay chỉ xuống dưới lầu, chắc muốn nhờ tôi đưa nó xuống dưới đó. Tôi đưa nó đi à, cõng nó trên lưng với cái thân xác to đùng ấy à?Nhưng tôi bỗng nghĩ: được rồi mày muốn chuyện kỳ cục tao sẽ làm chuyện kỳ cục. Tao không cõng mày trên lưng mà xô mày xuống cầu thang cho mày chết lẹ đi cho rồi!". Tôi còn nói lớn lên nữa không sợ nó nghe thấy: "Mày không chịu chết yên một chỗ lại muốn chết lê lết dọc đường, nhưng mày đừng chết liền bây giờ để tao lôi mày xuống dưới sân cho mọi người nhìn thấy một thằng Mỹ khóc như thế nào".Tôi xốc thằng Mỹ dậy, đúng ra là nó đứng dậy theo tôi bởi sức tôi không thể nào khiêng nổi nó dù chỉ là một cái chân của nó. Thằng Mỹ đã hoảng sợ quá mức, nó ngoan ngoãn đi theo tôi với ánh mắt van xin cầu khẩn như tôi là người cứu tinh của nó. Tôi nghĩ có khi nó sẽ chết vì sợ trước khi chết vì vết thương. Nó vẫn ngoan ngoãn đi theo tôi, thở hồng hộc, máu chảy dại thành vệt theo lối đi. Tới đầu cầu thang tôi gần như xô nó xuống nó lăn lông lốc rồi nằm lại một đống dưới chân cầu thang, tôi tưởng nó chết luôn nhưng rồi nó lồm cồm đứng dậy theo tôi đi tiếp. Chúng tôi đi xuống mãi, xuống mãi, có cảm giác không sao đi hết các cầu thang. Không thể tưởng tượng được có ai nhìn thấy tôi ì ạch với thằng Mỹ như thế này."Mày rên rỉ cái gì?". Bỗng dưng tôi đâm bực bội với thằng Mỹ. "Tao vào kho hàng hốt chút ít bột mì tụi mày xả súng bắn đạn còn ghim vào đít tao đây nè, giờ mày bị đau một chút mày phải câm cái miệng mày lại. Mà sao qua đây làm trời làm đất đủ chuyện gì là lúc trời đất hại mày đây".Chúng tôi đi trên một hành lang tối om tôi không nhớ lúc nãy có đi qua hay không. Vẫn hai bên hai dãy phòng đóng kín cửa lặng ngắt. Bỗng tôi có cảm giác có ai đang nhìn mình. Tôi quay lại. Anh chiến sĩ bị thương ngồi trong hốc đựng bình chữa lửa đang nhìn chúng tôi đăm đăm, súng lăm lăm trong tay. Vậy ra tôi đã trở lại đúng con đường cũ, và có lẽ anh chiến sĩ bị thương đã nhìn thấy chúng tôi từ xa. Anh đã nhìn thấy tôi dìu thằng Mỹ đi xuống và anh yên lặng nhìn theo, súng lăm lăm trong tay nhưng anh không hề có vẻ gì muốn bắn cả. "Thằng Mỹ bỏ chạy à? Vậy thì cứ cho nó chạy đi, chạy đi!", dường như anh muốn nói như thế.Thằng Mỹ thấy tôi quay lại cũng quay lại, và nó nhìn thấy y như những gì tôi thấy. Bỗng nó ngồi khuỵu xuống không chịu đi nữa."Sao vậy?". Tôi hỏi. "Mày sợ hả? Ông ấy không bắn đâu".Nhưng thằng Mỹ lắc đầu ra vẻ không phải như vậy."Hay mày không muốn bỏ chạy nữa?". Tôi nói tiếp. "Mày là người lính có kỷ luật mà, phải không? Nhưng như vậy cũng đâu có hay ho gì. Đây đâu phải xứ mày. Mày qua đây quậy phá tùm lum hết rồi làm bộ đàng hoàng, chẳng khác nào phá chùa để đi tu".Thằng Mỹ nhìn tôi trân trân và tôi nói tiếp:"Thôi đành vậy thôi, mày cứ ngồi đó đi tao đi lo công việc của tao. Không lẽ tao ngồi đây nhìn mày chết? Nhưng tao cũng cầu mong mày được sống sót để kể lại chuyện này với anh em của mày".Không còn con đường nào khác tôi đi trở lại chỗ anh chiến sĩ bị thương. Nhưng anh đã chết rồi, khẩu súng vẫn lăm lăm trong tay chỉa thẳng về phía thằng Mỹ. Nó đang nhăn nhó cái gì đằng đó nhưng tôi quay đi không nhìn về nó nữa. Tôi phải đi lẹ lên trên, nơi những người đang chiến đấu.