Yêu cầu của Maljarius, một lời yêu cầu đầy thuyết phục và khiêm tốn, không thể không được ủy ban sáng lập chấp nhận với thiện cảm. Mọi người đã nhất trí tán thành, và nhà sư phạm xứng đáng ấy, người mà danh tiếng khoa học còn lớn hơn cả chính bản thân ông ta tưởng, đã được nhận chức vị nhà nghiên cứu tự nhiên trong thành phần của đoàn thám hiểm. Còn nói về điều kiện do Tuyđor Braun đưa ra khi đóng góp hai mươi lăm nghìn curon thì ngay từ phút đầu bác sĩ Svariênkrôna và Brêđêzhor đều muốn gạt đi, nhưng khi tìm lý do để từ chối thì họ cảm thấy rằng điều đó không đơn giản tí nào. Và thực tế họ có thể viện lý do gì xác đáng trước ủy ban sáng lập để yêu cầu từ chối một món tiền đóng góp to như vậy? Một lý do như thế khó mà tìm được. Phải, Tuyđor Braun đã mang đến cho bác sĩ một bằng chứng về cái chết của Patric Ô Đônôgan, thế mà bây giờ hóa ra Patric Ô Đônôgan vẫn còn sống. Nhưng ở đây lấy đâu bằng chứng về sự độc ác của Tuyđor Braun? Đó là điều chính đáng mà ủy ban đặt ra trước khi định từ chối một món có thể giúp cho đoàn thám hiểm vượt qua nhiều khó khăn. Tyuđor Braun chứng minh sự thành khẩn của mình chả khó gì. Chẳng phải hành vi cuối cùng ông ta đã khẳng định điều đó sao? Có thể ông ta muốn kiểm tra xem Patric Ô Đônôgan đã bị chết thật trên tuyến đường Mađâyra chưa, hay anh vẫn còn nguyên vẹn ở vùng duyên hải Xibir! Thậm chí nếu nghi ngờ Tuyđor Braun có âm mưu độc ác gì đó thì theo dõi, trông chừng sát sao hắn sẽ không tốt hơn ư? Và, cuối cùng sẽ xảy ra một trong hai điều: Hoặc là hắn không làm cái gì mới rắc rối cho việc điều tra và những người bạn đỡ đầu của Êrik bấy lâu nay vẫn tiến hành, và như vậy sẽ không có cơ sở để xem hắn như một kẻ chống đối, hoặc ngược lại, có những lợi ích cá nhân nào đó lôi kéo tên chủ tàu "Albatros" này vào việc đen tối ấy thì bấy giờ tất nhiên, sẽ phải tập trung thực lực để theo dõi hành động của hắn và kịp thời ngăn chặn. Đó là lý do tại sao bác sĩ và Brêđêzhor đã quyết định không cản trở việc để cho Tuyđor Braun có mặt trên tàu "Aljaska". Sau đó, dần dần họ đã cố ý muốn sáp tới gần đối tượng lạ lùng ấy hơn để tìm hiểu xem hắn ta cần nhập vào đoàn thám hiểm để làm gì. Còn biết làm sao khác được, nếu không nhận hắn lên tàu với tư cách là một hành khách. Hành trình của "Aljaska" ít ra trong giai đoạn đầu cũng rất hấp dẫn. Bởi vậy, bác sĩ Svariênkrôna, một người rất hâm mộ du ngoạn, đã yêu cầu được tháp tùng đoàn thám hiểm đến biển Đông Trung Hoa thôi cũng được, mọi phí tổn đi đường ông sẽ hoàn lại cho ủy ban sáng lập. Việc làm ấy của ông hóa ra đã lan sang cả Brêđêzhor, một người đã lừ lâu ước mơ được đi đến vùng mặt trời không bao giờ khuất bóng. Và, đến lượt mình, ông đã yêu cầu dành cho ông một phòng cũng với điều kiện như vậy. Mọi người ở Xtốckhôm tin rằng cả giáo sư Hostedt nữa cũng không chịu "tụt lại" sau những người bạn của mình, vì lý do ông am hiểu khoa học và không muốn xa họ lâu. Nhưng, những hy vọng của Xtốckhôm đều không đúng cả. Bị những viễn cảnh của cuộc du lịch quyến rũ, giáo sư phải cân nhắc mọi chuyện "nên" hay "không nên" rất kỹ lưỡng, đến nỗi là ông không thể đi đến một quyết định dứt khoát nào. Cuối cùng, ông phải trông vào việc tung đồng tiền, và số phận đã xui khiến ông phải ở lại. Cuộc xuất phát ấn định dứt khoát vào ngày 10 tháng Hai. Ngày 9, Êrik chờ đón ngài Maljarius. Sung sướng biết bao nhiêu khi chàng gặp ở nhà ga không những chỉ có thầy giáo, mà còn cả bà Katrina cùng với Vanđa nữa. Họ đáp xe lửa đến đây để tiễn chân chàng đi xa! Họ đã khiêm tốn nghỉ chân ở khách sạn, nhưng bác sĩ quyết định yêu cầu họ chuyển ngay về ở trong nhà mình. Kaisa coi những người khách như thế kém thanh lịch, nên tỏ ra rất không vừa lòng. Vanđa sau mấy năm qua đã trở thành cô gái cao ráo, thanh tú, đẹp không ngờ. Cô vừa hoàn thành tốt đẹp kỳ thi khá khó khăn ở Berghen và do đó có thể hy vọng được nhận một chân giáo viên dạy học. Nhưng cô vẫn muốn ở lại Nôrôê với mẹ và chuẩn bị thay ngài Maliarius trong lúc ông đi vắng. Tuy trau dồi được những kiến thức nghiêm chỉnh, nhưng Vanđa không để mất đi đức tính giản dị và khiêm tốn, tính điềm tĩnh và mềm mỏng thường ngày, và tất cả những đức tính ấy gộp chung lại đã tạo cho cô một vẻ duyên dáng đặc biệt nào đấy. Cô gái đẹp trong bộ trang phục Na Uy rực rỡ đã gây nên ấn tượng lạ thường biết bao nhiêu, khi cô biện luận những đề tài khoa học nghiêm túc một cách bình tĩnh và khoan thai hoặc khi chơi dương cầm bản Xônat của Bêtôven với một tài nghệ kiệt xuất! Những, cái đáng yêu nhất ở cô là sự trang nhã bẩm sinh và không chút nào kiểu cách. Cô không tìm cách thu hút sự chú ý đối với bản thân cô và quan tâm đến những ưu điểm của mình chẳng hơn sự quan tâm đối với đôi guốc mà cô đi dưới chân. Vẻ đẹp của Vanđa như thể vẻ đẹp của bông hoa dại được người thầy giáo già đưa từ vịnh về trồng và lớn lên trong mảnh vườn nhỏ phía sau trường. Buổi tối, cả gia đình nuôi của Êrik đã sum vầy ở phòng khách của bác sĩ. Trong bầu không khí thân tình thắm thiết, Brêđêzhor và bác sĩ cùng giáo sư Hosteđt đã chơi xong ván bài cuối cùng. Và họ đã bất ngờ phát hiện ra rằng cả ngài Maljarius cũng rất lão luyện trong lối chơi bài thanh tao này. Tài nghệ được phát hiện đột ngột ấy của ông hứa hẹn khỏa lấp những thời gian rảnh rỗi trên tàu "Aljaska". Nhưng, thật không may hóa ra thầy giáo đáng kính, lại bị bệnh say sóng, lên tàu là buộc phải nằm gần như suốt ngày trong buồng. Chỉ có sự gắn bó với Êrik kết hợp với ước mơ ôm ấp lừ lâu muốn bổ sung vào các tiêu bản thực vật của một số loài thảo mộc trước nay chưa biết, mới có thể thôi thúc ông tham gia cuộc du hành trên biển. Sau khi chơi bài, họ quyết định nghe nhạc. Kaisa đã hạ cố chơi một điệu valse thịnh hành với vẻ vênh váo thường ngày của cô ta. Vanđa đã diễn tấu một bản dân ca cổ vùng Scanđinav. Sau đó, khi trà được bưng ra, tất cả những người họp mặt đều uống cạn một cốc to rượu phách (punch - loại rượu pha đường, chanh hoặc trái cây khác) để chúc mừng cho đoàn thám hiểm thành công. Êrik nhận thấy Kaisa thậm chí đã không đụng đến cốc rượu. - Thế chẳng nhẽ Freken Kaisakhông muốn chúc mừng chúng tôi thượng lộ bình an à? - Êrik khẽ hỏi cô ta. - Chúc cái điều mà mình không tin thì chúc làm gì. - cô ta trả lời. Sáng sớm hôm sau, tất cả những người ra đi đều đã có mặt trên tàu trừ có mình Tuyđo Braun thôi. Từ sau bức thư bảo đảm ấy, chẳng thấy tăm hơi ông ta đâu nữa. Mười giờ tàu phải rời bến. Đúng giờ qui định thuyền trưởng Marsilas ra lệnh nhổ neo và gõ cồng để cho những người tiễn lên bờ. - Tạm biệt, Êrik! Vanđan kêu to và âu yếm hôn chàng. - Tạm biệt, con trai bé bỏng! - Bà Katrina nói thầm, ghì chặt chàng trung úy vào lòng. - Còn cô Kaisa, chẳng lẽ cô không nói với tôi điều gì trước lúc chia tay sao? Êrik hỏi, định bụng cũng sẽ hôn cô ta. - Tôi chúc anh không bị cái lạnh làm hư mũi và mong được biết rằng anh là hoàng tử cải trang. - cô ta đáp với vẻ nhạo báng. - Thế nhỡ sự việc hóa ra lại đúng như thế thì khi ấy tôi xứng đáng được cô có thiện cảm chứ? - chàng nói, cố nén dưới cái vui giả tạo một nỗi đau đớn do câu nói đùa tàn nhẫn kia gây nên cho chàng. - Không nhẽ anh lại nghi ngờ điều đó sao? - Kaisa đáp sau khi quay mặt về phía người bác của mình, ra điều muốn cuộc chia tay thế là xong. Phút cuối cùng đã đến. Những tiếng cồng mỗi lúc một trở nên quyết liệt hơn. Những người đi tiễn ùa xuống cầu tàu để xuống các xuồng đã chờ sẵn. Trong cảnh nhốn nháo chung, hầu như không ai để ý đến một hành khách đến trễ đang đi trên boong tàu, tay xách vali. Một phút nữa trôi qua, sau hai-ba hồi còi lanh lảnh kéo dài, chân vịt của tàu bắt đầu làm việc, sau đuôi tàu, bọt nước sục sôi trắng xóa, và “Aljaska" uy nghi rẽ làn nước xanh của biển Bantich rời Xtốckhôm. Còn những người ra xem tụ họp trên bờ thì tiễn đưa tàu bằng những tiếng hô reo vang dậy, vẫy khăn, vẫy mũ náo nhiệt. Êrik đứng trên cầu chỉ huy ra mệnh lệnh. Brêđêzhor và bác sĩ chống khủy tay trên lan can mạn tàu bên trái chào Kaisa và Vanđa đang đứng trên đập chắn sóng. Maljarius cảm thấy trong người nôn nao khó chịu đã vội vàng trở về buồng của mình. Hoàn toàn bị chi phối về ý nghĩ cuộc chia ly diễn ra, cả hành khách lẫn những người ra tiễn không để ý đến sự xuất hiện của Tuyđor Braun. Bởi vậy bác sĩ không khỏi ngạc nhiên khi quay lại bỗng thấy ông ta đang đi lên boong trên. Ông ta đi tới, tay đút túi quần, vẫn mặc bộ quần áo kỳ quái ấy, vẫn đội chiếc mũ hình trụ như bị xoáy chặt cứng lấy đầu. - Thời tiết tốt quá. - Tuyđor Braun lẩm bẩm thay cho lời chào. Thái độ suồng sã ấy làm cho bác sĩ phân vân. Ông im lặng hồi lâu, hy vọng cái gã kỳ cục này ít nhất cũng phải xin lỗi và thanh minh về cách xử sự của mình. Nhưng, sau khi chắc chắn sự chờ đợi của ông bằng thừa, bác sĩ chuyển sang thái độ tấn công. - Như vậy đó, thưa ngài, té ra là Patric Ô Đônôgan đâu đã chết như ngài quả quyết! - bác sĩ kêu lên với tính nóng nảy vốn dĩ của ông. - Chuyện ấy còn phải xem cho kỹ đã - người nước ngoài đáp với thái độ bình chân như vại. - Vì thế tôi mới nhập vào đoàn thám hiểm để xác minh điều đó. Rồi Tuyđor Braun xoay lưng lại và cho rằng có lẽ giải thích như vậy là đủ lắm rồi, hắn đi tới đi lui trên boong, vừa đi vừa huýt sáo một điệu hắn ưa thích nhất. Êrik và Brêđêzhor hào hứng theo dõi liên tục cảnh tượng ấy. Lần đầu tiên bây giờ mới thấy Tuyđor Braun, họ nhìn hắn rất chăm chú, chăm chú hơn bác sĩ nhiều. Họ nhận thấy người nước ngoài ấy hình như cố ý nhấn mạnh vẻ lãnh đạm của mình, nên chốc chốc lại đưa mắt nhìn họ như muốn kiểm tra xem hắn đã gây ấn tượng như thế nào. Chẳng hẹn mà cả Êrik và Brêđêzhor đều làm bộ như không để ý gì đến hắn. Nhưng sau đó họ gặp nhau trong phòng khách, nơi các cửa buồng đều quay về đó có, và bắt đầu họp bàn. Tuyđor Braun báo tin Patric Ô Đônôgan chết để làm gì? Và bây giờ hắn tham gia cuộc du hành trên con tàu "Aljaska” nhằm mục đích gì? Nhưng dù thế nào cũng không thoát một điều là: Sự tái xuất hiện của hắn liên quan đến chuyện tàu "Cintia" và "chú bé trên phao cứu hộ". Bởi vì Êrik và những người bạn đỡ đầu của chú quan tâm đến số phận của Patric Ô Đônôgan là do họ phỏng đoán gã phù thủy ấy biết rõ nguyên nhân của tai nạn đắm tàu. Chính vì vậy dẫu sao cũng phải tìm bằng được gã. Còn bây giờ họ đang nhìn thấy trước mặt mình, lúc đầu đã tự đến thông báo cho biết Patric Ô Đônôgan đã chết, rồi sau đó, lại năn nỉ xin tham gia đoàn thám hiểm đi cứu hộ, khi những tin tức của hắn ta không ngờ bị bác bỏ! Từ đó có thể kết luận rằng hắn ta đang đeo đuổi lợi ích cá nhân gì đấy, và tự bản thân hắn đến gặp bác sĩ Svariênkrôna lần trước đã chỉ ra mối liên quan giữa mưu đồ của hắn với những cuộc tìm kiếm mà bác sĩ đang tiến hành. Tất cả những điều đó dẫn đến một điều là trong việc khám phá bí mật về nguồn gốc của Êrik, tên Tuyđor Braun có thể đóng vai trò không kém gì Patric Ô Đônôgan. Làm sao biết được có phải bây giờ hắn đã nắm được chiếc chìa khóa của điều bí ẩn mà bấy lâu nay họ đã công phu tìm kiếm? Nếu quả thật như vậy thì thái độ đối với sự có mặt của hắn trên tàu nên như thế nào - vui mừng hay cảnh giác? Brêđêzhor nghiêng về phía thứ hai: Vì cả cách xử sự lẫn phong thái của gã kỳ cục này đều gợi cho ông ta sự nghi ngại. Bác sĩ thì trái lại, cho những hành vi của Tuyđor là thực thà, hắn ta, với tất cả sự ngông cuồng của mình, có thể theo đuổi những ý đồ lương thiện. - Nếu đích thực hắn đã biết được điều gì rồi - bác sĩ lý giải - thì sự gần gũi với nhau trên chặng đường cùng đi sớm muộn cũng buộc hắn phải nói ra thôi. Nếu vậy thậm chí việc hắn ở đây lại là điều may cho ta! Mà ít nhất thì ta cũng xác minh được điều gì gắn bó với tên người Ailen nếu như ta tìm thấy gã ấy. Còn nói về Êrik thì thậm chí đã không dám biểu thị tình cảm của mình khi nhìn thấy gã. Điều đó không phải là sự kinh tởm, mà là sự căm thù, là ý muốn bản năng nhảy xổ vào hắn và quẳng hắn ra mạn tàu. Chàng trai tin rằng con người này có sự liên quan nào đó rất nguy hại đối với tấn kịch đời của chàng. Nhưng Êrik phải ngượng đến đỏ mặt lên, nếu mình sa vào định kiến và nói rõ ra những ý nghĩ của mình. Chàng chỉ giới hạn ở lời nhận xét rằng, về phần mình, chẳng bao giờ nhận Tuyđor Braun lên tàu cả, nếu như chàng được quyền biểu quyết trong vấn đề này. Vậy phải cư xử sao đây với một hành khách như thế? Về việc này ý kiến cũng rất khác nhau. Bác sĩ cho rằng nên đối xử với Tuyđor Braun tế nhị và thân tình hơn, để buộc hắn tự thổ lộ. Brêđêzhor cũng như Êrik, cảm thấy không chịu được với trò hề như thế, hơn nữa lại cảm thấy khó bảo đảm được rằng chính bản thân bác sĩ đủ khả năng chịu đựng tấn trò hề đến cùng. Bởi vậy quyết định để mặc cho Tuyđor Braun tự do hành động theo ý hướng của hắn. Họ đã không phải chờ đợi lâu. Đúng giữa trưa, tiếng cồng báo giờ ăn vang lên. Brêđêzhor và bác sĩ đi đến căn phòng chung. Tuyđor Braun đã ngồi sau bàn rồi, vẫn đội nguyên mũ trên đầu, không hề tỏ ý muốn tham gia trò chuyện với những người bên cạnh. Sự thô bạo của con người này đã vượt qua giới hạn và gây nên sự phẫn nộ cho mọi người. Hình như hắn ta chẳng có chút khái niệm cỏn con nào về phép lịch sự sơ đẳng cả: Hắn gắp thức ăn bỏ vào đĩa cho mình trước, lựa lấy những miếng ngon, tham ăn tục uống như một kẻ ăn thịt người. Hai, ba lần thuyền trưởng và bác sĩ đã quay sang hỏi chuyện hắn, nhưng hắn hoặc tuyệt nhiên không thèm trả lời, hoặc chỉ miễn cưỡng gật gật đầu. Sau bữa ăn, hắn nằm soài trên ghế bành một cách suồng sã, vừa xỉa răng bằng một cây tăm to tướng, vừa quay sang hỏi thuyền trưởng Marsilas: - Hôm nào thì ta sẽ đến Ghibraltar? - Hy vọng ngày mười chín hoặc hai mươi - thuyền trưởng đáp. Tuyđor Braun rút trong túi ra một cuốn sổ ghi và xem lịch. - Có nghĩa là ngày hai mươi hai sẽ đến Malt, hai mươi lăm - đến Alêchsanđria và cuối tháng thì đến Ađen - hắn ta lẩm bẩm. Rồi gã người nước ngoài rời khỏi bàn, trèo lên boong và đi đi lại lại trên tầng lái. - Ủy ban đã tuyển chọn được một người đồng hành hết biết nói hay sao! - thuyền trưởng Marsilas không kiềm nổi, nhận xét. Brêđêzhor đã định đáp lời thuyền trưởng thì tiếng ồn ào khủng khiếp phát ra ở trên phía cầu thang đã ngắt quãng lời ông. Tiếng kêu la, tiếng chó sủa, tiếng người nói vang lên hỗn độn. Mọi người vội vã leo lên boong. Thủ phạm gây nên sự náo loạn ấy hóa ra lại là Klaas, chú chó to giống Grơnlan của bác Hecsêbom. Chắc hẳn là tướng mạo của Tuyđor Braun không làm cho Klaas có cảm tình. Khi nhìn thấy người lạ mặt dạo bước trên tầng lái, con chó thoạt đầu gầm gừ khó chịu, sau đấy đã định táp vào chân hắn ta. Tuydor Braun đã lập tức rút trong túi ra khẩu súng lục, định bắn con chó, Ôttô đã chạy đến ngăn hắn và đuổi Klaas vào cũi. Một cuộc tranh cãi quyết liệt đã nổ ra. Tuydor Braun người tái nhợt không biết vì tức giận hay vì sợ hãi, hắn muốn dẫu thế nào cũng phải giết con chó. Bác Hecsêbom đến cứu giúp, nhất định phản đối cách trừng trị như thế. Thuyền trưởng đã chấm dứt cuộc tranh cãi, sau khi đòi Tuyđor Braun phải cất súng và từ nay phải xích con chó lại. Những ngày đầu tiên cuộc hành trình trên biển đã được đánh dấu bằng chuyện bất thường ngộ nghĩnh ấy. Dần dần mọi người quen với cái vẻ lầm lì và những trò rởm của Tuyđor Braun. Khi ngồi bên bàn chung, người ta thản nhiên chẳng để ý đến hắn, coi như hoàn toàn không có hắn ở đó. Mỗi người tìm cho mình một việc làm và cách giải trí theo sở thích. Maljarius nằm trên giường đôi ngày và bắt đầu ăn được một chút và chẳng bao lâu đã có thể tham gia những ván bài liên miên với bác sĩ và Brêđezhor. Êrik bận việc túi bụi, lúc rảnh lại đọc sách. “Aljaska" chạy theo đúng hành trình đã định, không hề bị chậm trễ. Ngày 11, những hòn đảo Aland đã lùi lại phía sau. Ngày 12, đi qua Zunđ. Ngày 13, đến Skaghêrak. Ngày 14, đến Gelgôlanđ. Ngày 15, vượt Pađơkalơ và ngày 16, vòng qua mũi Agơ. Đêm hôm sau Êrik đang ngủ trong buồng của mình, bỗng thức dậy vì sự im ắng khác thường và để ý thấy chân vịt không phát ra tiếng kêu hàng ngày nữa. Chàng không có gì phải lo ngại cả, bởi vì đã có trung úy Kiêlkist trực phiên. Nhưng vì tò mò, chàng đã trèo lên trên để biết điều gì đã xảy ra. Qua báo cáo của thợ máy chính, chàng được biết thân máy bơm tăng áp bị hỏng và buộc phải tắt nồi hơi. "Aljaska" bây giờ đang chạy bằng buồm theo hướng gió tây - nam thổi yếu ớt. Việc xem xét kỹ lưỡng không giúp tìm ra nguyên nhân sự cố. Thợ máy đề nghị cho tàu ghé vào một cảng gần nhất để chữa máy bơm. Thuyền trưởng Marsilas, sau khi đích thân xem xét chiếc máy bơm bị hỏng, đã chấp nhận ý kiến ấy. "Aljaska" đang ở cách Brest ba mươi hải lý. Tàu đã được lệnh thẳng hướng tới cảng lớn này của nước Pháp.