Chương kết

Đầu cúi gầm, chàng trai đặt bước đi trên con đường quen thuộc, kể từ ngày đặt chân đến biệt thự cụ Án Bùi. Nỗi buồn thương tràn ngập tâm tư mỗi khi nghĩ đến tin sét đánh sắp sửa đem lại cho nàng Gấm, vợ thầy Danh. Trời ơi! Biết nói sao đây? Trọng Viễn cảm thấy trong lòng rưng rưng, vô cùng ái ngại cho đứa con sắp mở mắt chào đời. Đứa bé bất hạnh không bao giờ nhìn thấy mặt cha nó.
Chàng thanh tra nhè nhẹ đưa tay gõ cửa. Hoàn toàn im lặng, Trọng Viễn xoay quả đấm sứ, đẩy cửa bước vào. Chàng trai ý thức được ngay là không còn cần thiết để báo tin tức chết người ấy cho cô đội Danh biết nữa.
Y hệt một đứa trẻ trong tình trạng đau khổ quá sức chịu đựng, nàng Gấm ngồi trước bàn khóc như mưa như gió, gục đầu vào cánh tay. Nghe tiếng chân người bước vào, cô ngẩng mặt lên, nghẹn ngào nói qua tiếng nức nở:
_ Nhà tôi chết rồi phải không, thưa ông thanh tra?
Chàng thanh tra điếng người không nói nên lời. Nhưng ánh mắt trĩu nặng đau thương của chàng là một bằng chứng hùng hồn đủ cho thiếu phụ ý thức được rằng: không bao giờ nàng còn thấy được mặt chồng. Làn da trên gương mặt đẹp não nùng đã xanh, lại tái nhợt thêm. Nàng Gấm lảo đảo trên mặt ghế dựa. Trọng Viễn kéo một chiếc ghế đẩu lại gần bên, lặng lẽ ngồi xuống. Chàng để yên cho thiếu phụ khóc la thảm thiết. Khóc như thế, nỗi đau trong lòng sẽ được vơi đi rất nhiều. Hơn ai hết, chàng thanh tra biết rõ như thế. Mãi sau, Trọng Viễn mới dịu dàng cất tiếng:
_ Chắc hẳn cô đội cũng biết trước là thầy Danh lúc nào cũng chỉ muốn tìm cái chết?
Nàng Gấm không trả lời, khẽ gật đầu im lặng.
_ Thầy Danh giết cậu Sinh! Tôi muốn biết tại sao? Rồi thầy ấy lại hạ sát cả thằng bé Ngây nữa? Vì lý do gì chứ? Vậy có thể nào cô cứ việc nói cho tôi hay. Giữ bí mật mãi mãi cho riêng mình, một mình mình biết là một điều khổ tâm lắm. Nó trĩu nặng, chận đè ngột ngạt không thể sống nổi đâu. Nếu thực cô còn muốn sống nữa, xin cứ nói sự thật cho tôi nghe.
Đôi mắt thiếu phụ xuân xanh còn quá trẻ tràn đầy biết ơn, dịu dàng đặt tia nhìn lên khuôn mặt đôn hậu của chàng thanh niên thông minh đã hiểu được lòng mình như người nhìn vào trang giấy có chữ. Nàng Gấm lên tiếng nói chuyện… Chăm chú ngồi nghe không bỏ sót một câu chữ nào. Trọng Viễn ngạc nhiên khi thấy nội dung câu chuyện lại hết sức giản dị:
_ Có tới gần một năm nay, cậu Sinh thú thật mối tình tha thiết của cậu đối với tôi. Từ thưở ấu thơ, khi niên thiếu, rồi ngay cả đến lúc tôi lấy chồng rồi, cậu ấy cũng vẫn gọi tôi bằng cái danh từ thân mật: “Gấm! Gấm!”. Nhà tôi thấy vậy lại lấy làm vui vẻ thích thú: “Cậu Sinh con nhà quan mà dễ dãi vui tính, thật là tốt!” anh Danh thường hay nói như vậy. Nhưng rồi, cậu Sinh năng lui tới chỗ chúng tôi ở hơn, nhất là trong những ngày anh Danh vắng nhà. Khi thì cậu đem hoa tới, lúc lại đem cho mật ong, chim muông săn bắn được ở trong rừng, khi không có gì, cậu chỉ đi ngang nhà, nhưng không bao giờ là không nói một câu đùa giỡn: “Thế nào Gấm! Vẫn vui vẻ ngoan ngoãn đấy chứ? Cha Danh khù khờ ngu ngốc thế mà vớ được nàng tiên. Hắn thật tốt số quá” Tôi e ngại không biết dường nào! Chẳng dám đáp lời lại bao giờ. Thế rồi cậu ấy hăm hở, săn đón, trìu mến tôi hơn nữa. Cho đến một ngày kia…
Chàng thanh tra khôn khéo gợi ý:
_ Một ngày kia, không thể kiên gan được nữa cô đáp lại tình yêu cuồng nhiệt ấy?
_ Không đâu, ông thanh tra! Tôi yêu anh Danh, chồng tôi vô cùng. Vả lại cậu Sinh vẫn tỏ ra đứng đắn chưa có điều gì đáng trách, nên tôi tự cảm thấy chẳng có gì đáng gọi là tội lỗi khi không phản ứng mạnh đối với những lời đùa rỡn vô hại của cậu Sinh. Ngờ đâu, cậu ấy lại còn tiến mạnh hơn nữa. Cách đây khoảng một tháng, tôi đã nói thẳng với cậu: “Đứng nên đùa rỡn như vậy, nghe cậu Sinh! Cậu thử nghĩ coi: Tôi hiện là gái đã có chồng lại sắp sửa làm mẹ đến nơi – Cậu ấy đã trả lời: Nhưng Gấm hãy còn trẻ quá! Em mới mười chín tuổi! Mười chín tuổi đầu mà sắp làm mẹ! Vô lý quá!...”. Đó rồi, thưa ông thanh tra, cậu Sinh lại mò tới… Cái ngày 12 dương lịch ấy, cậu đã bảo tôi: “Tối nay anh sẽ đến với em, nghe Gấm! Danh bận đi khám rừng. Ở nhà một mình chắc em sợ… ma lắm. Anh đến với Gấm thì Gấm sẽ hết sợ ngay”. Đáng lẽ là tôi từ chối ngay, nhưng lại cứ im lặng, không nói gì hết. Quả thật, những khi nhà tôi đi vắng nhà cửa sao quạnh hiu quá, đêm cứ kéo dài tưởng chừng như là vô tận. Nhất là từ khi có mang, trong mình đổi khác, tôi càng đâm ra sợ hãi bóng tối vô cùng. Vả lại, tôi cho rằng cậu Sinh có tới chăng nữa, cũng chẳng hại gì vì lòng dạ tôi chung thủy với chồng, trước sau không hề thay đổi. Thú thật với ông thanh tra, buổi tối hôm đó, cũng như những lần khác, tôi không hề có ý nghĩ phản bội anh Danh; không hề có ý định thất tiết với cậu Sinh.
Thế rồi cậu ấy tới, vui vẻ nói cười như mọi lần, bắc ghế trước lò sưởi sáng ấm, bên cạnh tôi… Hỡi ôi! Không biết kẻ ác tâm nào đã báo cho nhà tôi biết? Thì ra, lúc ban ngày anh Danh đã nhận được lá thơ nặc danh. Anh lặng lẽ, giả bộ đi khám rừng, vui vẻ dắt thằng Ngây đi theo như mọi lần trước. Không đầy nửa giờ sau, anh đột ngột trở về. Nhà tôi mở cửa sồng sộc bước vào đúng lúc cậu Sinh đang giở trò lơi lả: “Gấm! Cho anh hôn em một cái đi, một cái thôi mà! Gấm” Sinh vừa nói vừa cười vừa choàng tay ôm chặt lấy tôi… Chao ôi! Thưa ông thanh tra! Trời ơi! Nếu ông được trông thấy tận mắt anh Danh lúc ấy…! Vốn là một người hiền lành nhưng hay đổ quạu, khi nổi giận lên thì… ôi chao!...
Nhà tôi hét lên: “A! Đồ khốn nạn! Khốn nạn thật!”. Và rút súng ra chĩa về cậu Sinh lúc đó cứ đứng ngây ra, lẩy cò như một kẻ điên dại. Thằng Ngây rú lên một tiếng hãi hùng, nhảy choàng vào án ngữ ngay trước mặt cậu Sinh. Tội nghiệp thằng bé! Trời ơi!
Cơn xúc động khiến nàng Gấm nức nở, nghẹn ngào, không nói được thêm nữa. Đôi mắt nhung đẫm lệ nhìn vào khoảng không như đang chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng tái diễn.
Trọng Viễn giơ tay:
_ Thôi, cô có mệt xin hãy tạm nghỉ nói chút đi. Tôi chờ đợi một lát, không sao!
Nàng Gấm lắc đầu bướng bỉnh, tiếp tục nói. Tiếng nàng đứt quãng từng khúc:
_ Thằng bé bị trúng ba phát đạn nhưng vẫn bám chặt lấy cậu Sinh mà chu chéo: “Hông! Hông! Hừng hắng! Hừng hắng!” (không, không, đừng bắn, đừng bắn.) Dứt tiếng kêu, thằng Ngây gục ngay xuống, bất động.
Tròng mắt chàng thanh tra đỏ hoe. Miệng chàng lẩm bẩm, mũi có vị cay xè:
_ “Đúng rồi! Trong tay của thằng Ngây còn cả cái khuy áo vét của cậu Sinh!”
_ Lúc đó, Danh đã mất hết cả lý trí. Còn mấy viên đạn trong súng, anh bắn hết. Đến lượt cậu Sinh đổ máu chan hòa.
_ Thế còn cô? Thầy Danh không nói gì hết sao?
_ Ồ! Thưa ông thanh tra! Đối với tôi, nhà tôi hiểu hơn ai hết là tôi chỉ có yêu chồng, chỉ biết có chồng mà thôi. Lúc ấy, tôi sợ hãi quá, hét lên: “Anh Danh! Anh Danh yêu quý của em! Trời ơi! Anh làm cái gì vậy? Anh điên rồi sao? Trời ơi!”. Rồi tôi ôm chặt lấy nhà tôi mà khóc. Vừa khóc, vừa hôn chồng mà nói: “ Anh thừa biết là giữa em với cậu Sinh không hề có chuyện gì bất chính, ngoài cái tính bờm xơm chớt nhả của cậu công tử con quan này. Trời ơi! Anh còn lạ gì cậu ấy nữa mà lại còn điên rồ như vậy chứ. Trời ơi! Bây giờ thì làm sao đây?”. Lúc đó, nhà tôi mới tỉnh ra. Tỉnh ra rồi, anh ấy kinh hãi lắm, cứ run lên bần bật mà rằng: “Cậu Sinh! Thằng Ngây! Chết rồi! Chết rồi!”. Và ôm chặt lấy tôi, cơn nóng giận không còn, chỉ còn lại là sự khiếp đảm cùng cực. Tôi giấu mặt vào ngực áo nhà tôi nhắm nghiền đôi mắt. Một lúc lâu lắm, anh Danh mới cất tiếng run: “Gấm à! Để anh đi báo Cảnh sát nhé!”. Khổ quá! Thưa ông thanh tra, lỗi cũng tại tôi đã ngăn cản không cho anh ấy đi trình. “Không được! Đừng trình báo gì hết! Người ta sẽ buộc anh tội sát nhân và rồi… con của chúng ta, khi đẻ ra, cũng sẽ khổ cả một đời. Người ta sẽ nguyền rủa nó, vạch mặt chỉ tên nó: “con tên sát nhân”. Không! Anh đừng đi trình báo gì cả, nghe anh! Tai nạn rủi ro xảy ra lúc chúng ta vẫn có mặt ở nhà. Không, anh phải nghe em! Đừng đi trình gì hết. Rồi ta liệu tìm cách khác. Đúng lúc đó, vợ chồng tôi kinh hãi rụng rời, cùng thét lên một tiếng thất thanh. Lý do: cánh cửa ra vào từ từ mở. Tôi sợ quá gục xuống ngất đi. Khi tỉnh lại thì thấy nhà tôi và mụ Phé đang loay hoay cứu chữa. À, tôi quên chưa nói với ông thanh tra biết: Mụ Phé quý mến nhà tôi, coi chàng như một vị thần. Chính anh Danh đã đích thân dựng lều tranh cho mụ Phé ở đó. Củi đun, thịt rừng đều do anh kiếm đến cho mụ hằng ngày. Câu chuyện bí mật, rùng rợn vợ chồng tôi nói với nhau, mụ Phé ở ngoài đã nghe rõ hết. Mụ vào để tính kế giúp chúng tôi. Chỉ hai xác người, mụ bình tĩnh bảo hai vợ chồng đang đứng run như cầy sấy: “Hai người hãy im cái miệng đi, rồi chú Danh giúp tôi một tay. Đem giấu hai cái này đi. Còn thím, thím lo chùi vết máu cho sạch hết trên sàn nghe. Trong khi đó, này chú Danh, làm đi!”. Mụ Phé cởi áo tơi đen quấn kín xác thằng Ngây, ra lệnh cho nhà tôi đem đi. Đi đâu, hai người chẳng cho tôi hay. Rồi đến thi thể cậu Sinh. Trước khi ra về, mụ Phé còn căn dặn vợ chồng tôi rằng: “Không ai nghi ngờ vợ chồng chú thím đâu, nghe chưa! Thà rằng tôi nhận tội giết người thay cho còn hơn là thấy chú thím bị mắc vòng lao lý. Cứ tin ở mụ Phé này nhé, chú thím Danh!”. Nhà tôi có vẻ yên tâm được phần nào. Riêng tôi, suốt đêm ấy không hề chợp mắt, sợ run rẩy trong vòng tay chồng. Anh Danh gượng gạo nói tỉnh để trấn an: “Gọn ghẽ đâu vào đấy cả rồi, còn gì đâu mà em cứ sợ hãi mãi thế! Can đảm lên chứ! Gấm!”. Can đảm lên! Và để có được can đảm, nhà tôi đâm ra uống rượu liên miên. Nhưng, đôi lúc tỉnh rượu, anh ấy lại càng thấy sợ hãi vô cùng.
_ “Gấm à! Nếu chẳng may họ phát giác ra anh là thủ phạm thì… anh sẽ… em nghe rõ chứ?... anh sẽ… sẽ… tự tử mà chết. Chứ… chứ… anh không thể chịu đựng được đâu”. Nói chán rồi anh ấy lại khóc sướt mướt, tội nghiệp vô cùng.
Tiếng ai khẽ gõ nơi cánh cửa ra vào khiến vợ thầy Danh im bặt. Chưa ai kịp lên tiếng, người gõ cửa đã bước vào: cha Xứ. Vị linh mục e ngại làm phiền Trọng Viễn, luống cuống xin lỗi:
_ Ồ, ồ! Ông thanh tra miễn chấp, xin miễn chấp!... Cô Danh! Chút nữa tôi sẽ trở lại vậy!
Chàng thanh tra niềm nở lưu khách:
_ Xin mời cha Xứ hãy nán lại một chút – Chàng cảm thấy đỡ e ngại cho nàng Gấm, lát nữa đây sẽ phải một thân một mình cô quạnh trong gian nhà rộng lớn – Cô Danh đang kể chuyện vì sao thầy Danh lỡ tay…
Nàng Gấm cắt ngang lời Trọng Viễn trong tiếng khóc nức nở:
_ Tự sát! Thưa cha, thảm thiết quá! Liệu người ta có chôn cất tử tế cho chồng con không, thưa cha? Trời ơi… tự sát như thế là phạm tội nặng lắm, nhưng chồng con đã đau khổ quá nhiều rồi và không còn đủ sức chịu đựng được nữa đó, thưa cha! Và anh ấy cũng đã thú tội với cha rồi.
Chàng thanh tra thoáng giật mình khi nhớ lại bóng người trong đêm tối đứng bên cha Xứ trước cửa nhà thờ bữa nọ. Thì ra người bí mật đó là thầy đội Phạm Văn Danh. Thủ phạm, để mọi người không ai nhận ra mình, đã thay bộ sắc phục kiểm lâm để ở nhà, rồi mặc thường phục đến nhà thờ tìm cha Xứ.
Giọng nàng Gấm kể chuyện đều đều:
_ Thưa cha Xứ, như cha đã thấy, từ bữa xảy ra việc ghê gớm ấy, nhà con cứ như người loạn trí không còn biết mình là ai nữa…
Vị linh mục nhìn cô Danh, ánh mắt xót thương:
_ Gấm, con! Chồng con đã phạm tội. Chồng con đã không chế ngự được cơn phẫn nộ, để nó bùng lên như một nghiệt chướng xui khiến chồng con hạ sát một lúc hai mạng người. Y đã không biết rằng: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Để một ý niệm giận dữ đột khởi trong nội tâm, tức khắc, trăm vạn cửa nghiệt chướng sẽ mở rộng. Thế rồi lẽ ra phải thản nhiên chấp nhận hậu quả do cá nhân mình gieo, y lại khờ dại đi tìm can đảm trong men rượu, cái can đảm ấy, thực ra chỉ ở nơi khác mới có. Đức tin y đã sẵn thì đâu có khó gì. Lại mù quáng đi đặt hết lòng tin vào một bà già yếu đuối, nửa khôn nửa dại như mụ Phé. Thế rồi, chồng con lại tự cho mình cái quyền tự do liệng bỏ gánh nặng cuộc đời khi cảm thấy nó nặng quá không còn đủ sức mang nổi nữa. Cha thương mến y, cha thương mến con. Nhưng cha không thể chấp nhận làm phép xác chồng con tại nhà thờ được đâu, con ạ… nếu khi nhắm mắt tắt hơi, chồng con không tỏ ra là đã biết hối hận… May sao, y lại ra đi mang theo sự tha thứ của Chúa. Chồng con đã thú tội trước sự hiện diện của nhân chứng đồng thời chấp nhận sẽ tiếp tục “sống” để cải sửa lỗi lầm. Vậy con đừng buồn khổ, băn khoăn nữa làm gì. Con còn nhiệm vụ nặng nề lắm cần hoàn tất: đứa con sắp ra đời của con, con sẽ phải dạy nó, để sau này khi lớn khôn, nó nguyện cầu cho người cha bất hạnh của nó.
Thấy nàng Gấm lại nước mắt ràn rụa, vị cha Xứ nói thêm:
_ Cả con nữa! Con cũng phải nguyện cầu cho chồng con nữa nghe Gấm! Con phải bảo bọc, giúp đỡ bà Cầm, bà già khốn khổ đã mất đi thằng Ngây, nguồn thương yêu duy nhất. Và cũng đừng quên chàng thanh niên bất hạnh tên Sinh kia nữa nhé. Lẽ ra, đối với chàng ta con phải tỏ ra quyết liệt cứng rắn hơn nữa thì chắc cũng chưa đến nỗi nào. Có đúng thế không?
Lệ nóng vẫn chảy dài theo gò mà mịn đẹp xanh xao, nhưng chậm hơn hồi nãy. Trên khuôn mặt thanh tú, một vài nét thư thái nhẹ nhàng bắt đầu xuất hiện.
Đưa tay phác một cử chỉ mời cha Xứ ngồi vào ghế dựa, bên cạnh mình, Trọng Viễn hướng về nàng Gấm:
_ Cô đội kể tiếp đi!
_ Hai ngày sau, ông tới nơi. Và ông phát giác ra ngay thi thể thằng bé Ngây. Đã có lúc vợ chồng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ nghĩ rằng đã xảy ra chuyện gì ghê gớm lắm giữa cậu Sinh và thằng bé. Nhưng cũng vì con chó săn của ông. Nó tinh khôn quá, anh Danh buộc phải bắn hạ nó. Ồ… - thiếu phụ trẻ tuổi chợt thảng thốt la lên một tiếng khi thấy Trọng Viễn khẽ cau nét mặt – Cũng bất đắc dĩ thôi, anh ấy đâu muốn thế. Đồng thời chồng tôi phải hết sức thận trọng để khỏi làm ông bị thương đó.
_ Cô đội có thể nói cho tôi biết ai đã đến gần cửa sổ trong biệt dinh cụ Án Bùi để bắt chước tiếng chim họa mi hót, nhái giọng thằng Ngây vậy? Và, phải chăng chính cô đã giăng sợi dây thừng thấp ngang mặt đường để gạt tôi vướng ngả bổ chửng?
Nàng Gấm quay nhìn ra cửa sổ, miệng lẩm bẩm:
_ Không phải tôi! Bà Phé đấy! Mục đích làm trì hoãn cuộc điều tra của ông. Mụ Phé lúc nào cũng chăm chú dối gạt ông, lừa cho ông đi vào những đường hướng sai lầm để có thì giờ thủ tiêu hai cái xác người chết. Thằng Ngây đó, bà ấy đã thành công. Trong lúc ông ở lại nhà mụ Phé, anh Danh, khi trông thấy bà Cầm bước ra khỏi nhà, đã nhét xác thằng Ngây vào một cái bao bố rồi giấu sau cánh cửa vựa lúa. Đoạn, trong khi mọi người tập trung đông nghẹt tại sân nhà cụ Án Bùi, anh ấy lôi nó ra, đặt nó trong một chiếc xe “bù-ệt” đẩy tới cửa rừng già. Đêm đến, mụ Phé mò ra kéo cái xác xuống, đem giấu kín vào trong bờ bụi nào đó. Anh Danh lúc nào cũng tin rằng ông không thể tìm được cậu Sinh, và do đó, ai cũng sẽ cho là chính cậu ấy đã bắn chết thằng Ngây. Nhưng đến bây giờ, chuyện đó còn ăn nhằm gì nữa đâu. Dù sao thì cậu Sinh cũng đã chết rồi.
Trọng Viễn hình dung lại nét mặt đau thương của bà Án, ánh mắt của Tường Vân cầu xin chàng ra tay để mở cuộc điều tra truy lùng tung tích chàng trai… Chàng nghiêm nghị nhìn nàng Gấm:
_ Cô cho rằng đặt điều vu khống cho người chết là một sự không quan trọng?
Thiếu phụ trẻ lại ứa nước mắt:
_ Nhưng cũng vì cậu ấy nên mới xảy ra nông nỗi. Thằng Ngây chết oan ức theo rồi đến lượt chồng tôi. Trời ơi!
Chàng thanh tra ngậm ngùi:
_ Mụ Phé đã đoán đúng, hừ!
“Một đứa ngủ, hai đứa ngủ
Đứa thứ ba rồi cũng chẳng sống lâu đâu!”
Kinh dị quá sức mà cũng đúng quá sức! Lại còn:
“Chăn chiên hóa sói đổi nghề”
 
Đúng như thế! Thầy kiểm lâm Phạm Văn Danh, thay vì phỉa bảo vệ cây rừng, bảo vệ người khai thác lâm sản, giúp đỡ việc trồng trọt chăn nuôi, lại biến thành một kẻ sát nhân hung dữ như lang như sói…
Chàng dịu dàng với nàng Gấm mấy câu an ủi chân thành, ngỏ lời tạm biệt vị linh mục, rồi quay ra.
_ Bây giờ quay về hỏi chuyện cô nàng “chính phạm”.
Sau khi gõ cửa, Trọng Viễn đỉnh đạc bước vào phòng cô giáo. Chàng thanh niên mủi lòng trước một Bạch Xuyến đang co rúm người trong chiếc ghế bành, hai hàm răng trắng bóng va vào nhau lộp cộp, hai tay ôm chặt thái dương, sắc mặt nhợt ra như người chết. Nghe tiếng động, cô giáo giương đôi mắt ngây dại ngó Trọng Viễn, đôi mắt lạc thần của một con dã thú khi đối diện với toán thợ săn. Chàng thanh tra vờ đi như không để ý, cất giọng đanh thép. Mỗi tiếng nói của chàng nghe chát chúa như một làn roi quất trên da thịt:
_ Cô Bạch Xuyến! Thì ra một nhà mô phạm như cô lại có cái can đảm thấp hèn để… nói dối! Thì ra chính cô là tác giả lá thư nặc danh gởi cho bà Án, tố cáo mối duyên tình giữa cậu Sinh và cô Liên, cháu ông già Xê. Và cũng chính cô – giọng nói Trọng Viễn trầm xuống nghe thật khủng khiếp – đã viết thơ báo cho thầy Danh là cậu Sinh mò tới nhà thầy ấy. Trời ơi! Hèn hạ không để đâu hết. Và hậu quả là… ba người lăn cổ ra chết vì mối tình tuyệt vọng của cô đối với cậu Sinh!... Cô say mê cậu Sinh lắm, có đúng thế không, cô Bạch Xuyến?
Cô giáo không nói không rằng mà chỉ bật lên một tiếng rên dài như tiếng kêu của một con mèo ốm. Tiếng rên thê thảm ấy khiến chàng thám tử bất giác dịu ngay giọng nói:
_ Rõ ràng là cô đâu có thèm nghĩ đến ai. Cô bất chấp cụ Án Bùi, kệ thây hai cô gái Tường Lan, Tường Vân, rồi mặc kệ luôn cả hạnh phúc của chính người cô yêu say đắm là cậu Sinh kia nữa.
Bạch Xuyến thoáng rùng mình, đôi mắt chợt sáng lên:
_ Quả thật tôi không ngờ thầy Danh hiền lành lại có thể trở thành hung bạo tới mức ấy.
Chàng trai chợt buông tiếng cười nghe đau đớn thấm thía hơn cả một lời trách móc oán than:
_ Khi hờn ghen cô cảm thấy uất hận như thế nào, đau khổ ra làm sao thì người khác khi lâm vào cảnh đó cũng thế. Nhất là người khác ấy lại là thầy Danh, một người yêu vợ hơn tất cả mọi thứ ở trên đời – Trọng Viễn lắc đầu, chép miệng – Quả tình cô tội lỗi quá chừng!
Cô gái lỡ thời, qua tiếng khóc, nghẹn ngào kể lể như tự nói với mình:
_ Ngay đến để ý sơ sơ thôi, chàng cũng không thèm để ý đến tôi nữa. Phần tôi, tôi chỉ sống vì chàng, sống cho chàng. Trong khi đó, những cô gái khác chỉ cần thoáng xuất hiện là đã được Sinh để lọt vào mắt theo đuổi, bám sát, tán tỉnh ngay rồi. Trời ơi! Buồn thảm! Tuyệt vọng biết chừng nào, những giờ phút bồn chồn khắc khoải, rình rập các cuộc hẹn hò du dương của chàng trai tính tình hào hoa bay bướm ấy. Rồi cuối cùng lại đến nàng Gấm, vợ thầy Danh. Không lần nào đi săn là Sinh không tạt vào thăm người đàn bà sắp có con nhưng còn rất trẻ, rất xinh đẹp ấy! Thật là quá lắm, quá sức chịu đựng rồi. Tôi đã trải qua nhiều đêm không tài nào chợp mắt, dù chỉ là một vài phút. Trời ơi! Những kẻ không yêu chàng, hoặc giả có yêu nhưng không chút thực tâm, sao họ lại được tất cả. Riêng tôi, số phận hẩm hiu, lại chẳng có gì hết. Cực chẳng đã, tôi đã lấy trộm một chiếc “găng tay” để được hưởng thụ một chút nào hơi hướm của người trong mộng tưởng… Vâng, đúng như thế, thưa ông thanh tra! Đúng là tôi dã viết thơ tố cáo cậu Sinh cho thầy Danh.
Ánh mắt Trọng Viễn xa vời, phóng qua ô cửa sổ xuống vườn, ngưng lại trên bụi tường vi hoa phô sắc thắm, ba bốn cánh bướm vàng đang bay lượn nhởn nhơ. Chàng trai buồn rầu lẩm bẩm:
_ Để rồi bây giờ, trên lương tâm cô in đậm ba vết đen, cái chết của ba người chắc chắn là không bao giờ nhòa nhạt được.
Lại tiếng rên dài như tiếng kêu của con mèo ốm. Trọng Viễn thấy thương hại thật tình. Chàng quay lại nhìn thẳng nét mặt héo úa của Bạch Xuyến:
_ Chính cô mới là thủ phạm đích thật, thủ phạm duy nhất! Pháp luật không cần trừng phạt cô, nhưng theo tôi nghĩ, nếu còn một chút lương tâm nào chắc hẳn sự hối hận giờ đây sẽ dằn vặt, ray rức cô không thể nào nguôi. Và tôi cho thế là đủ lắm rồi… Ngày hôm nay, tôi phải rời khỏi nơi đây. Tôi sẽ nói rõ với cụ Án biết sau. Cô nghe rõ rồi chứ?
Trên sắc diện già nua bệnh hoạn, chợt lộ nét rung cảm tri ân. Chàng trai biết là Bạch Xuyến muốn nói cám ơn, nhưng nàng ta không còn đủ hơi sức.
Buổi chiều hôm đó, Bạch Xuyến đáp xe đò về xuôi, xuống ga xe lửa. Xe đò lăn bánh, bon bon trên con đường tráng nhựa thẳng tắp, chạy dài mất hút sau lùm cây rừng xanh tốt dọc theo bên vệ đường. Nhìn theo hút xe, chàng thám tử nhẹ nhả một hơi thuốc lá, mỉm nụ cười buồn:
_ Hà! Đời là thế…! Một vài bữa nữa, lại cũng con đường quạnh hiu này, con đường đã tống xuất một Bạch Xuyến buồn rầu, lại sẽ hân hoan dẫn dắt một chàng trai yêu đời tới Phú Hộ, phi trường. Lần này chắc hẳn cụ Án Bùi sẽ thôi, không còn ngăn cản mối tình Lan-Dưỡng nữa…
Cuộc lễ an táng ba nạn nhân được tổ chức ngay sáng sớm hôm sau.
Toàn dân xã Phú Hộ, người trong đồn điền trà, cà phê, đốc công, cai, công nhân, hầu như hết thảy đều có mặt. Ai nấy đều im lặng, một sự im lặng nói lên rất nhiều cảm nghĩ buồn thương.
Lúc xế chiều, chàng thanh tra Phạm Trong Viễn, hành trang gọn ghẽ, xuống phòng khách ngỏ lời giã biệt bà Án Bùi, Tường Lan và Tường Vân.
Ba mẹ con nét buồn lộ rõ trên nét mặt, nghẹn ngào không nói nên lời. Tường Vân, lệ nóng đầy mi, ứa tràn, lăn dài xuống má, chỉ đứng lặng người ngó trân trân. Trọng Viễn rút vội cặp kính đen, đeo lên mắt. Chàng dư biết, những giọt lệ ấy không phải chỉ đơn thuần là nước mắt khóc anh trai.
Cố mỉm nụ cười tươi, chàng nói với bà Án:
_ Nếu có dịp trở lại Phú Hộ công tác một lần nữa, mong bà cho phép ghé lại biệt dinh đây thăm bà và hai cô.
Nữ chủ nhân nhìn chàng trai trẻ, Trọng Viễn thoáng rung động. Ánh mắt bà Án Bùi lộ rõ nét trìu mến thương yêu, dịu dàng như một bàn tay mẹ hiền ve vuốt. Chàng cảm thấy cõi lòng ấm hẳn lại.
_ Không những tôi cho phép mà tôi còn thỉnh cầu ông ghé lại thăm mẹ con tôi, ở lại thật lâu, cho hai cháu đây, nhất là – Bà ngưng lại một giây, mí mắt chớp nhanh, miệng cười thật tươi với nhiều dụng ý, (dụng ý ấy, chàng thám tử nhận thức được ngay)… cháu Tường Vân đây, nó quý ông lắm, như yêu quý anh Sinh nó vậy. Cuộc điều tra của ông thật là vô cùng tế nhị, khéo léo vô cùng.
Qua mắt kính sẫm màu, Trọng Viễn liếc nhìn ánh mắt ướt sũng đang ngó mình đăm đăm, ánh mắt của nàng tiên hiền dịu, có bàn tay đẹp đẽ viết lên những lời châu ngọc trong cuốn nhật ký bỏ … lơ đễnh trên mặt bàn học.
Sau cái ngã đầu lễ phép, Trọng Viễn quay mình bước ra thật nhanh. Gót giày kêu lộp cộp mỗi lúc một nhỏ dần, xa dần như người chạy trốn.
Nửa tiếng đồng hồ sau, bác tài xế Giang đã đưa chàng trai xuôi xuống Phú Bình, xa nơi chốn thân yêu mộng vàng chớm dệt, xa biệt dinh cụ Án Bùi Đình Quang, tòa kiến trúc cổ kính, nơi chàng thiếu chủ hào hoa Bùi Đình Sinh an nghỉ giấc ngàn năm, bên cạnh thằng nhỏ Ngây, gần thầy kiểm lâm Phạm Văn Danh, trong cái nghĩa trang xinh xắn rợp bóng mát cây rừng.
Ánh mắt mơ buồn sau làn khói thuốc, qua ô cửa xe, ngắm nhìn đám ruộng đồng bát ngát, những đồi cà phê, trà, xanh tươi xoải rộng ngút ngàn. Ngắm nhìn thấy, nhưng Trọng Viễn không trông thấy rõ một vật gì ngoài bóng dáng khuôn mặt xinh tươi, đôi mắt ngấn lệ đăm đăm nhìn chàng không thốt nên lời.
Bất giác chàng trai lẩm bẩm một câu gì không rõ. Nhưng qua nét mặt, ánh mắt thiết tha, viền môi tươi tắn, người ta có thể đoán là Trọng Viễn đã nói với cái bóng ấy:
_ Tường Vân! Một ngày không xa, anh sẽ trở lại!
NAM QUÂN
Viết theo “Le Drame de Frileuse” của M. Grand Jean

Xem Tiếp: ----