Câu hỏi chúng tôi đặt ra trên kia cho độc giả: Làm sao nhóm lãnh đạo lại có thể, mặc dù lỗi lầm chồng chất, thâu tóm được một quyền lực không có giới hạn như thế? Hoặc nói cách khác: giải thích thế nào sự tương phản giữa trình độ kém cỏi về lý luận của bọn técmiđo và thế lực vật chất to lớn của họ? Câu hỏi ấy bây giờ đã có một câu trả lời cụ thể hơn và chặt chẽ hơn. Xã hội xô-viết không hài hòa. Cái là thói xấu của một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội lại là đạo đức đối với một giai cấp, một tầng lớp khác. Nếu về phương diện các hình thái xã hội chủ nghĩa của xã hội, đường lối của bọn quan liêu làm ta ngạc nhiên với những mâu thuẫn và những cái không hài hòa của nó, nó lại tỏ ra rất nhất quán về mặt củng cố địa vị của nhóm người lãnh đạo mới. Việc Nhà nước dựa vào anh nông dân giàu (1923 – 1928) là một nguy cơ cho tương lai của chủ nghĩa xã hội. Nhưng tầng lớp quan liêu, với sự tán trợ của giai cấp tiểu tư sản, đã trói buộc được bộ phận tiền phong của vô sản và đè nát được phái bônsêvích đối lập. Cái là “sai lầm” theo quan điểm xã hội chủ nghĩa lại là cái lợi ích của lớp quan liêu. Tuy nhiên khi anh kulak bắt đầu đe dọa chống lại lớp quan liêu, lớp người này quay lại chống anh ta. Sự tiêu diệt điên cuồng các nông dân khá giả, lan sang các trung nông, gây tổn thất cho đất nước không kém tai họa một cuộc ngoại xâm. Lớp quan liêu kiên trì củng cố vị trí của họ. Bạn đồng minh hôm qua đã bị đánh bại, họ đem hết sức lực xây dựng một tầng lớp quí tộc mới. Phá hoại chủ nghĩa xã hội chăng? Cố nhiên, nhưng đồng thời là sự củng cố tầng lớp cầm quyền. Quan liêu cũng như mọi đẳng cấp cầm quyền nào khác, sẵn sàng nhắm mắt trước những lỗi lầm thô thiển nhất của những thủ lĩnh của họ về đường lối chính trị chung, nếu những người này tỏ ra tuyệt đối trung thành bảo vệ quyền lợi của họ. Càng lo lắng cho quyền lợi mình, các ông chủ mới càng đánh giá cao những biện pháp đàn áp. Chính dưới góc độ ấy mà một đẳng cấp hãnh tiến đã chọn lựa thủ lĩnh của họ. Bí quyết của Stalin là ở chỗ đó. Nhưng sức mạnh và tính độc lập của tầng lớp quan liêu không thể tăng lên vô hạn độ. Có những nhân tố lịch sử mạnh hơn quyền thế các thống chế và cả các tổng bí thư. Sự hợp lý hóa nền kinh tế không thể tiến hành mà không có sự kiểm kê chính xác. Sự kiểm kê không đi đôi được với sự độc đoán quan liêu. Bọn này buộc phải chăm lo đến việc thiết lập lại đồng rúp ổn định, dù ai là “thủ lĩnh” do cái mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa quyền lực tuyệt đối của quan liêu và sự phát triển của các lực lượng sản xuất trong nước. Xưa kia nền quân chủ chuyên chế không dung hòa được với sự phát triển của thị trường tư bản cũng là như vậy. Sự hạch toán tiền tệ không thể tránh được cuộc đấu tranh công khai giữa các tầng lớp nhân dân khác nhau trong việc phân chia thu nhập quốc dân. Thời kỳ còn những phiếu lương thực, người công nhân gần như thờ ơ với thứ bậc tiền lương, nhưng từ nay đối với anh ta nó lại có một tầm quan trọng lớn; và từ đó đặt ra vấn đề các nghiệp đoàn. Sự bổ nhiệm từ cấp trên các viên chức nghiệp đoàn sẽ gặp một sự phản kháng ngày càng dai dẳng. Cuối cùng, công việc làm khoán sản phẩm buộc người công nhân phải chú ý đến việc quản lý các nhà máy. Người ta thấy những người thợ stakhanốp thường kêu ca nhiều hơn về những khuyết điểm trong tổ chức sản xuất. Thói quan liêu gia đình trị hoành hành trong việc chỉ định các giám đốc, kỹ sư và nhân viên công nghiệp nói chung, ngày càng không thể chịu đựng được. Hơn trước kia, nhiều hợp tác xã và mậu dịch quốc doanh rơi vào sự lệ thuộc người tiêu dùng. Các nông trường tập thể và các nông trường viên thể hiện mối quan hệ của họ với nhà nước bằng ngôn ngữ của các con số. Họ sẽ không chịu đựng mãi để cấp trên chỉ định cho họ những cán bộ quản lý mà thường khi chỉ vì lý do là hợp ý với bọn quan liêu địa phương. Cuối cùng đồng rúp hứa hẹn làm sáng tỏ lĩnh vực bí mật nhất: lĩnh vực những thu thập hợp pháp và bất hợp pháp của lớp quan liêu. Trong một nước bị bóp nghẹt về mặt chính trị, sự lưu hành tiền tệ trở thành phương tiện mạnh mẽ huy động những lực lượng đối lập, báo hiệu sự suy tàn của chủ nghĩa chuyên chế “sáng suốt”. Giữa lúc sự phát triển của công nghiệp và việc đưa nông nghiệp vào diện kế hoạch đòi hỏi vấn đề đưa chất lượng lên hàng đầu, nhiệm vụ của lãnh đạo trở thành cực kỳ phức tạp, giữa lúc đó tầng lớp quan liêu lại giết chết tinh thần sáng tạo và ý thức trách nhiệm, là những yếu tố không có nó không thể có tiến bộ về chất lượng. Những ung nhọt của chế độ khó thấy hơn trong công nghiệp nặng, nhưng chúng ăn ruỗng, cũng như trong hợp tác xã, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, các nông trường tập thể, các công nghiệp địa phương, tức là tất cả các ngành sản xuất gần gũi với nhân dân. Vai trò tiến bộ của tầng lớp quan liêu xô-viết trùng hợp với thời kỳ tiếp thu buổi đầu. Cái công việc to lớn mô phỏng, lắp ghép, di chuyển, thuần hóa được làm trên mảnh đất đã được cách mạng chuẩn bị. Cho đến nay vẫn chưa đặt để vấn đề sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học hay nghệ thuật. Người ta xây dựng những nhà máy khổng lồ theo những mô hình nhập ngoại, dưới sự chỉ huy của lớp quan liêu, và phải trả giá, đúng thế, gấp ba. Nhưng càng đi xa, người ta càng vấp phải vấn đề chất lượng và vấn đề này thoát khỏi tay họ như một cái bóng. Sản xuất hình như bị đóng bằng con dấu xám của sự thờ ơ. Trong kinh tế quốc doanh, chất lượng đòi hỏi tinh thần dân chủ của những người sản xuất và những người tiêu dùng, tự do phê bình và sáng kiến, toàn là những điều không đi đôi với chế độ cực quyền đầy sợ hãi, dối trá và tán tụng. Sau vấn đề chất lượng, còn những vấn đề khác phải đặt ra, lớn lao hơn và phức tạp hơn, mà người ta có thể gom lại dưới đề mục “hành động sáng tạo về kỹ thuật và văn hóa”. Một triết gia cổ đại nói sự tranh luận là mẹ đẻ ra tất cả. Ở đâu không có sự va chạm ý kiến, không thể có sáng tạo ra những giá trị mới. Chuyên chính cách mạng, chúng ta chấp nhận nó, bản thân nó là một sự hạn chế tự do nghiệt ngã. Chính vì thế mà các thời kỳ cách mạng chưa bao giờ thuận lợi cho sự sáng tạo văn hóa, nó mới chỉ là thời kỳ mở đường cho công việc này. Chuyên chính vô sản mở ra cho tài năng con người một chân trời càng rộng khi nó thôi không là chuyên chính nữa. Văn minh xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ tươi nở với sự tàn lụi của nhà nước. Qui luật đơn giản và cứng rắn ấy buộc phải lên án chế độ chính trị hiện hành của Liên-xô, không cách nào cứu vãn được. Nền dân chủ xô-viết không phải là một yêu sách chính trị trừu tượng hoặc tinh thần. Đó là vấn đề sống còn của đất nước. Nếu Nhà nước mới không có quyền lợi nào khác quyền lợi của xã hội dân sự, sự tiêu vong của các chức năng cưỡng bức của nó sẽ phải biến đi dần dần và không rõ nét. Nhưng Nhà nước không phải là thoát xác. Những chức năng đặc biệt tự tạo ra những cơ quan cần thiết. Tầng lớp quan liêu, nhìn toàn bộ, chú ý đến chức năng ít hơn là quyền lợi mà chức năng đó đem lại cho họ. Đẳng cấp thống trị cố gắng duy trì và củng cố các cơ quan cưỡng bức. Nó chẳng tiếc gì, kiêng dè ai, để vẫn được nắm quyền và gìn giữ những lợi quyền của nó. Sự việc càng đi ngược chiều với nó, nó càng thẳng tay không thương xót đối với những phần tử tiên tiến trong nhân dân. Cũng như nhà thờ thiên chúa giáo, nó dựng lên giáo lý không thể sai lầm sau khi sự suy tàn của nó bắt đầu, nhưng nó đã đưa giáo lý ấy lên một tầm cao mà giáo hoàng không thể mơ ước. Sự thần thánh hóa Stalin đến mức ngày càng vô sỉ là cần thiết cho chế độ này, mặc dầu tính chất hài hước của nó. Tầng lớp quan liêu cần có một trọng tài tối cao, bất khả xâm phạm, đệ nhất tổng tài, nếu không phải là hoàng đế và nó kiệu lên trên vai nó con người đáp ứng tốt nhất cho lòng ham muốn thống trị của nó. Tính “kiên quyết” của lãnh tụ mà các văn nhân tài tử phương Tây hết lời ca ngợi, chỉ là cái kết quả tổng hợp của một đẳng cấp sẵn sàng làm bất cứ việc gì để tự vệ. Mỗi viên chức chứng tỏ công khai “Nhà nước là anh ta”. Mỗi người nhận thấy mình dễ dàng ở Stalin. Stalin tìm thấy ở mỗi người hơi thở của tâm thần mình. Stalin là hiện thân của tầng lớp quan liêu và điều đó tạo nên nhân cách chính trị của y. Chế độ độc tài quân phiệt Xêda (hoàng đế La Mã) hay hình thức tư sản của nó là chế độ bônapác, bước vào sân khấu lịch sử khi cuộc đấu tranh khốc liệt giữa hai địch thủ hầu như đẩy chính quyền vượt lên trên dân tộc và bảo đảm cho những người cầm quyền một tính độc lập bề ngoài đối với các giai cấp. Nhưng thực tế chỉ cho họ quyền tự do mà họ cần có để bảo vệ những kẻ có đặc lợi đặc quyền. Vượt lên trên một xã hội bị phân vụn về chính trị, dựa vào cảnh sát và đội ngũ sĩ quan đứng ngoài mọi sự kiểm soát, chế độ Stalin thuộc chủng loại chế độ bônapác kiểu mới, không có loại hình nào tương tự cho đến nay. Chủ nghĩa độc tài quân sự Xêda sinh ra trong một xã hội dựa trên chế độ nô lệ và bị đảo lộn bởi những cuộc đấu tranh nội bộ. Chủ nghĩa bônnapác là một trong những công cụ của chế độ tư bản trong những giai đoạn khủng hoảng của nó. Chủ nghĩa Stalin là một chủng loại của chế độ trên, nhưng lại dựa trên cơ sở của Nhà nước lao động bị giằng xé vì mâu thuẫn giữa một bên là tầng lớp quan liêu xô-viết có tổ chức và được vũ trang, một bên là quần chúng cần lao bị tước vũ khí. Lịch sử đã làm chứng, chế độ bônapác phối hợp khá tốt với phổ thông đầu phiếu và cả với bỏ phiếu kín. Việc toàn dân bỏ phiếu là một trong những biểu hiện dân chủ của nó. Thỉnh thoảng các công dân lại được mời phát biểu ái mộ hay không ái mộ lãnh tụ, và người bỏ phiếu cảm thấy trên thái dương hơi lạnh của một nòng súng lục. Từ Napôlêông III, ngày nay trở thành tay chơi tỉnh lẻ, kỹ thuật bầu cử đã có những cải tiến lạ kỳ. Hiến pháp Liên-xô mới thiết chế bầu cử toàn dân kiểu bônapác là một thành công của chế độ. Cuối cùng chế độ bônapác xô-viết còn do sự chậm trễ của cách mạng thế giới. Cũng một nguyên nhân ấy gây ra chủ nghĩa phát xít trong các nước tư bản. Chúng ta đi đến một kết luận, thoạt nhìn có vẻ bất ngờ nhưng thật ra là chính lý: việc tầng lớp quan liêu bóp nghẹt nền dân chủ xô-viết và những thất bại giáng vào nền dân chủ các nước khác là do sự chậm trễ của giai cấp vô sản thế giới thực hiện nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó. Mặc dù có sự khác nhau sâu sắc về cơ sở xã hội, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa phát xít là những hiện tượng đối xứng. Trong khá nhiều nét, chúng giống nhau như hệt. Một phong trào cách mạng thắng lợi ở châu Âu sẽ làm lung lay tức khắc chủ nghĩa phát xít và cả chủ nghĩa bônapác xô-viết. Còn về đẳng cấp quan liêu của Stalin, nó có lý khi nó quay lưng với cách mạng quốc tế, và làm như vậy nó đã tuân theo bản năng tự bảo tồn. Cuộc Đấu Tranh Của Quan Liêu Chống “Kẻ Thù Giai Cấp” Trong thời kỳ đầu của chế độ xô-viết, đảng làm đối trọng đứng trước tầng lớp quan liêu. Lớp người này quản lý Nhà nước, đảng kiểm soát lại họ. Đảng chăm chú trông xem sự bất bình đẳng có vượt quá những giới hạn cần thiết, đảng luôn luôn đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với bọn quan liêu. Vai trò lịch sử của phái Stalin là làm chấm dứt cuộc đối đầu hai mặt ấy bằng cách bắt đảng phụ thuộc vào các văn phòng của mình và sát nhập các cơ quan của đảng với các cơ quan của Nhà nước. Chế độ cực quyền hiện nay đã hình thành như vậy. Thắng lợi của Stalin được bảo đảm là do công lao to lớn của y đối với tầng lớp quan liêu. Trong vòng mười năm đầu, phái tả đối lập nhắm tranh thủ trong đảng về mặt tư tưởng, không đi vào con đường tranh giành quyền lực. Khẩu hiệu hồi đó là: cải cách chứ không cách mạng. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, tầng lớp quan liêu sẵn sàng làm bất cứ cuộc đảo chính nào để chống lại một sự cải cách dân chủ. Năm 1927, khi sự xung đột trở thành gay gắt, Stalin ở ban chấp hành trung ương, quay về phía đối lập, la lên: “Những cán bộ ấy, các người chỉ có thể cách chức bằng một cuộc nội chiến!” Những thất bại của giai cấp vô sản châu Âu biến lời đe dọa ấy thành một thực tế lịch sử. Con đường cải cách trở thành con đường cách mạng. Những cuộc thanh trừng không ngừng trong đảng và các tổ chức xô-viết có mục đích ngăn không cho sự bất bình của quần chúng được phát hiện rõ ràng về mặt chính trị. Nhưng những sự đàn áp không giết được tư tưởng mà chỉ dồn ép nó lại. Đảng viên và người ngoài đảng có hai niềm tin: một công khai và một bí mật. Sự tố giác và sự “thẩm tra dị giáo” đang tiêu hủy xã hội. Lớp quan liêu, cứ mãi một luận điệu, gán cho các địch thủ của họ là những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Dùng những án từ giả mạo đến mức cách làm này đã đi vào lề thói, họ buộc cho kẻ khác mọi thứ tội ác tày đình tùy theo ý muốn của họ. Lấy cái chết ra để đe dọa, họ ép những kẻ yếu phải nói những lời thú nhận do họ đọc ra, rồi sau đó họ lại đem dùng để buộc tội những người cứng cỏi hơn. Ngày 5 tháng sáu 1936, tờ Sự Thật bình luận bản hiến pháp “dân chủ nhất thế giới” viết “sẽ là ngu ngốc không thể tha thứ được” nếu nghĩ rằng, các giai cấp đã bị thanh toán thì “các lực lượng giai cấp thù địch với chủ nghĩa xã hội sẽ cam tâm chịu sự thất bại…cuộc chiến đấu vẫn chưa chấm dứt”. Vậy những lực lượng giai cấp thù địch ấy là ai? Đó là “tàn dư của những nhóm phản cách mạng, bạch vệ các loại và nhất là chủng loại trốtkít-dinôviép…” Sau lời ghi chú bất hủ “gián điệp và hành động khủng bố phá hoại” (của những người trốtkít-dinôviép!), cơ quan của Stalin hứa hẹn “Chúng ta sẽ tiếp tục thẳng tay tiêu diệt những kẻ thù của nhân dân, bọn rắn độc và bọn điên rồ trốtkít, cho dù chúng ngụy trang khéo cách nào”. Những lời đe dọa ấy, hàng ngày được các báo nhắc lại, đã đi kèm theo với hoạt động của Ghêpêu. Một anh Pêtơrốp (Petrov) nào đó, đảng viên từ 1918, chiến sĩ trong nội chiến, sau đó là kỹ sư nông nghiệp xô-viết và thuộc phái đối lập cánh hữu, vượt khỏi nơi đi đày năm 1936 và ra được nước ngoài, viết về những người “trốtkit” trong một tờ báo của di tản tự do, như sau: “Phần tử cánh tả? Theo đúng tâm lý, đó là những người cách mạng cuối cùng. Chân chính nóng bỏng. Không có gì của thói chạy theo tư lợi, nhờ nhờ xám, không có thỏa hiệp. Những con người đáng phục. Những ý nghĩ ngây ngô... Đốt cháy vũ trụ và các loại ảo tưởng khác…”. Hãy để vấn đề “tư tưởng” ra một bên. Sự đánh giá tinh thần những phần tử cánh tả do những địch thủ cánh hữu của họ biểu lộ một sự thực hùng hồn tự phát. Chính những “người cách mạng cuối cùng chân chính và nóng bỏng” ấy, các tướng tá Ghêpêu đã buộc tội họ là …phản cách mạng vì lợi ích của chủ nghĩa đế quốc. Cơn cuồng loạn của phái quan liêu trút căm hờn vào phái bônsêvích đối lập có một ý nghĩa chính trị nổi bật trước việc xóa bỏ những điều hạn chế các quyền trước kia qui định cho những người nguồn gốc tư sản. Những sắc lệnh hòa giải cho phép họ được có những chức vụ và được đi vào những ngành học cao, xuất phát từ tư tưởng cho rằng, sự chống phá của các giai cấp thống trị xưa kia đã chấm dứt, trong khi trật tự mới đã tỏ ra vững chắc. “Nhưng những hạn chế ấy trở thành thừa”, Môlôtốp giải thích như thế trong phiên họp của ban chấp hành tháng giêng 1936. Cùng lúc, ta thấy những “kẻ thù giai cấp” tệ hại lại xuất hiện trong đám những người suốt đời chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội, bắt đầu từ những người cộng tác gần gũi nhất với Lênin như Dinôviép và Kamênép. Theo lời báo Sự Thật, những người “trốtkit”, khác với giai cấp tư sản, là họ càng “điên cuồng” chống đối hơn khi “các đường nét của xã hội xã hội chủ nghĩa không giai cấp được vạch ra rõ hơn”. Cái triết lý mê sảng đó, sinh ra từ nhu cầu phải biện hộ cho những tình thế mới bằng những công thức cũ, lẽ cố nhiên không thể lừa dối được ai về sự biến chuyển thực tế về những mâu thuẫn xã hội. Một mặt, việc tạo ra những “thân sĩ” mở đường cho những con cháu đầy tham vọng của giai cấp tư sản, bởi vì chẳng có gì nguy hại khi cho những người ấy được bình quyền. Mặt khác, cùng sự việc ấy lại gây ra sự bất bình sâu sắc và rất nguy hiểm của quần chúng, chủ yếu là thanh niên lao động. Và điều đó giải thích chiến dịch chống “bọn rắn độc và bọn điên cuồng trốtkit”. Thanh gươm chuyên chính xưa kia đánh vào bọn phục hồi chế độ tư sản, nay đánh vào những ai nổi dậy chống quan liêu. Nó đánh vào bộ phận tiền phong vô sản chứ không phải những kẻ thù giai cấp của vô sản. Do sự đổi thay cơ bản của chức năng, bộ phận công an chính trị xưa kia gồm những người bônsêvích tận tụy nhất, sẵn sàng hy sinh nhất nay trở thành thành phần hủ bại nhất của bộ máy quan liêu. Bọn tecmiđo bài trừ những người cách mạng với tất cả lòng căm thù vì những người này làm họ phải nhớ lại quá khứ và lo sợ cho tương lai. Những người bônsêvích trung kiên nhất, tinh hoa của đảng, đang bị giam hãm trong các trại cấm cố tập trung ở những vùng heo hút Xibêri và Trung Á. Trong các nhà tù ấy và ở những nơi đầy ải, những người đối lập còn phải đương đầu với những cuộc lục soát, với sự bao vây thư tín, với cái đói. Người ta bắt vợ phải rời chồng, để cho cả hai cùng bị bẻ gẫy và buộc họ phải từ bỏ chính kiến. Sự từ bỏ này cũng không phải con đường cứu sống: một chút nghi ngờ hay một tố giác nào khác, người hối lỗi sẽ bị trừng trị gấp đôi. Sự giúp đỡ những người bị tù đày, dù về phía những người thân, bị coi là tội ác, sự tương trợ bị coi như âm mưu bạo loạn. Trong những điều kiện như thế, tuyệt thực là phương tiện tự bảo vệ duy nhất còn lại của những người bị hành tội. Ghêpêu đáp lại bằng sự bắt ăn cưỡng bức, nếu họ không để cho tù nhân được tự do chết. Hàng trăm nhà cách mạng Nga và nước ngoài trong những năm gần đây, bị đẩy tới những cuộc tuyệt thực nguy hiểm, bị xử bắn hoặc bị dồn tới chỗ tự sát. Trong mười hai năm, chính phủ nhiều lần tuyên bố đã tỉa sạch phái đối lập. Nhưng trong cuộc “thanh trừng” cuối năm 1935 và nửa năm đầu 1936, hàng chục vạn đảng viên lại bị khai trừ khỏi đảng, trong số đó vài vạn là “trốtkit”. Những người hoạt động nhất bị bắt liền cho vào nhà tù hoặc trại tập trung. Đối với những người khác, Stalin ra lệnh cho các chính quyền địa phương, xuyên qua tờ Sự Thật, không cấp cho họ công ăn việc làm. Trong một nước mà Nhà nước là ông chủ duy nhất, một biện pháp như vậy có khác gì một bản kết tội phải chết đói. Nguyên lý cũ: “Ai không làm không ăn” được thay bằng “Ai không đầu hàng không ăn”. Biết bao nhiêu người bônsêvích bị khai trừ, bắt bớ, tù đày, tiêu diệt kể từ năm 1923, năm mở đầu kỷ nguyên bônapác, chúng ta chỉ sẽ được biết khi mở các văn kiện lưu trữ của công an mật vụ của Stalin[1]. Còn bao nhiêu vụ khác nữa nằm trong vòng bất hợp pháp, chúng ta sẽ chỉ biết ngày mà chế độ quan liêu bắt đầu sụp đổ. Hai hoặc ba vạn người đối lập trong một đảng có hai triệu đảng viên thì có quan trọng gì? Về điểm này, sự đối chiếu giản đơn giữa các con số không có nghĩa. Chỉ cần một chục người cách mạng trong một trung đoàn có thể chuyển nó về phía nhân dân, trong bầu không khí sôi động. Không phải là không lý do khi các bộ tham mưu sợ đến khiếp đảm những nhóm nhỏ bí mật và cả những chiến sĩ riêng lẻ. Sự sợ hãi đó nó làm rung chuyển phái quan liêu tay chân của Stalin, giải thích sự tàn bạo của những việc tù đày, phát vãng và sự hèn hạ trong các lời vu khống của họ. Vichto Xécgiơ (Victor Serge) từng chứng kiến ở Liên Xô tất cả các giai đoạn của sự đàn áp, đã mang về phương Tây bức thông điệp kinh khủng của những người bị tra tấn vì trung thành với cách mạng và chống lại bọn đao phủ thủ của họ. Ông viết: “Tôi không thêm thắt gì cả, tôi cân nhắc từng chữ, tôi muốn viết mỗi chữ dựa vào những bằng chứng bi thảm và những tên người…” “Trong đám những nạn nhân và người đối lập, đa số lặng lẽ, một thiểu số anh hùng là những người gần gũi với tôi hơn cả, đáng quí vì nghị lực, vì sự sáng suốt, vì tính kiên cường, sự gắn bó với chủ nghĩa bônsêvích thời cách mạng. Họ chỉ vài nghìn nhập đảng từ buổi đầu, chiến hữu cũ của Lênin và Trốtki. Những người xây dựng các nước Cộng hòa xô-viết khi xô viết còn tồn tại. Chỉ có họ mới còn nêu lên các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội và mới cố gắng đấu tranh, chấp nhận mọi hy sinh, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân…” “Những người bị giam giữ nơi xa ấy sẽ đúng vững đến cùng, cho dù không được thấy mọc lên bình minh mới trên bầu trời cách mạng. Các chiến sĩ cách mạng phương Tây có thể tin vào họ: ngọn lửa sẽ được giữ gìn, dù trong nhà ngục. Họ tin vào chúng ta. Chúng ta cần phải bảo vệ họ, bảo vệ nền dân chủ lao động trên thế giới, trả lại cho chuyên chính vô sản cái khuôn mặt của người giải phóng, trả lại một ngày kia cho Liên-xô tinh thần cao cả của đất nước này và sự tín nhiệm của giai cấp cần lao…” Một Cuộc Cách Mạng Mới Sẽ Không Tránh Khỏi Suy nghĩ về sự tiêu vong Nhà nước, Lênin nói rằng thói quen tôn trọng các qui chế của đời sống tập thể có thể làm chấm dứt mọi sự cưỡng bức “nếu không có gì gây ra sự bất bình, sự phản đối và bạo loạn cần phải đàn áp”. Tất cả là trong chữ nếu ấy. Chế độ hiện nay của Liên-xô, cứ mỗi bước lại gây ra những sự phản đối, càng nhức nhối vì chúng bị bóp nghẹt. Tầng lớp quan liêu không chỉ là một bộ máy cưỡng bức, nó còn là một nguyên nhân thường xuyên gây khiêu khích. Chỉ riêng sự có mặt một đẳng cấp những ông thủ trưởng tham lam, dối trá và vô liêm sỉ cũng đủ gây ra một sự công phẫn ngấm ngầm. Sự cải thiện cho đời sống công nhân không hòa giải được họ với chính quyền, không những thế, khi nâng cao phẩm chất họ lên và mở mang tư duy họ đến những vấn đề chính trị đại cương, nó tạo điều kiện cho sự xung đột của họ với những người lãnh đạo. Những “thủ trưởng” không thể bãi miễn thích nhắc lại sự cần thiết phải “học tập”, “tiếp thu kỹ thuật”, “tự nâng cao văn hóa” và bao điều tốt đẹp khác. Nhưng cả những ông thày học cũng dốt nát, ít văn hóa, chẳng học hỏi gì cho nghiêm chỉnh, vẫn cứ thô lỗ và thiếu trung thực. Cao vọng của họ là muốn bảo trợ toàn thể xã hội, chỉ huy các hợp tác xã hay các nhà soạn nhạc, cao vọng ấy không ai chịu đựng nổi. Nhân dân không thể vươn tới một nền văn hóa cao hơn mà không đạp đổ sự thần phục nhục nhã cái đẳng cấp tiếm quyền ấy. Anh viên chức cuối cùng sẽ nuốt chửng mất cái Nhà nước lao động hay giai cấp lao động sẽ đẩy anh viên chức ấy đến chỗ không còn khả năng tác hại? Đó là câu hỏi đặt ra cho số phận của Liên-xô. Ngay từ bây giờ, tối đại đa số lao động công nhân bất mãn với bè lũ quan liêu, quần chúng nông dân cũng nuôi một mối căm hờn mãnh liệt. Nếu trái lại với nông dân, công nhân lao động không mở ra cuộc đấu tranh, để mặc nông thôn với những lề thói cổ hủ và sự bất lực, điều đó không phải chỉ vì do sự đàn áp: lao động công nhân sợ sẽ mở đường cho sự phục hồi tư bản chủ nghĩa. Những quan hệ hỗ tương giữa Nhà nước và giai cấp công nhân phức tạp hơn nhiều so với sự suy tưởng của các nhà “dân chủ” tầm thường. Không có kinh tế kế hoạch hóa, Liên-xô đã bị đẩy lùi hàng chục năm về phía sau. Duy trì nền kinh tế ấy, phái quan liêu tiếp tục làm một chức năng cần thiết. Nhưng lại làm bằng cách chuẩn bị điều kiện cho sự phá hoại ngấm ngầm toàn thể hệ thống và đe dọa tất cả thành quả cách mạng. Giai cấp công nhân có óc thực tiễn. Họ không đặt ảo tưởng đối với đẳng cấp lãnh đạo, ít ra đối với những tầng lớp lãnh đạo trực tiếp, họ nhận thấy trong lúc này, những người đó là kẻ bảo vệ phần nào những thắng lợi của họ. Họ sẽ không quên tống khứ những kẻ bảo vệ gian dối, láo xược và đáng nghi ấy, một khi họ thấy có khả năng không cần tới. Muốn thế phải có một bầu trời quang đãng hé mở cách mạng ở phương Tây hoặc phương Đông. Bọn phái viên và bè bạn của Kơremlanh coi sự ngừng đấu tranh chính trị như là một “tình trạng ổn định” của chế độ. Thật ra, đó chỉ có nghĩa là một sự ổn định nhất thời cả chế độ quan liêu, sự bất bình của nhân dân đã bị nén xuống. Thế hệ trẻ đau khổ nhất là vì phải mang cái ách một “chế độ chuyên chế sáng suốt,” chuyên chế nhiều hơn sáng suốt… Sự cảnh giác càng ngày càng tăng gia của bọn quan liêu trước mọi ánh chớp của tư tưởng, cũng như sự đề cao quá mức không ai chịu nổi thiên tài của vị “lãnh tụ” tối cao, chứng tỏ sự ly khai giữa Nhà nước và xã hội dân sự và sự tăng gia trầm trọng các mâu thuẫn nội bộ. Những mâu thuẫn ấy đè lên các tường vách của Nhà nước, cần tìm ra một lối thoát và tất nhiên sẽ tìm được. Những vụ mưu sát đại diện của chính quyền có tầm quan trọng và là triệu chứng cho phép đánh giá tình hình một nước. Vang dội nhất là vụ ám sát Kirốp, tay độc tài khôn khéo và vô sỉ của Lêningơrat, một nhân vật điển hình của bè lũ quan liêu. Những hành động khủng bố tự chúng nhất định không thể lật đổ chính thể quan liêu. Một tay quan liêu, xét về cá nhân, có thể sợ súng lục, toàn bộ đẳng cấp quan liêu lại biết khai thác có hiệu quả sự kiện khủng bố để biện hộ cho những hành vi bạo lực của họ mà không quên kết tội những địch thủ chính trị của họ (vụ Zinôviép, Kamênép và các vụ khác).[2] Khủng bố cá nhân là vũ khí của những kẻ cô độc, nóng nảy hoặc tuyệt vọng, thường họ cũng thuộc thế hệ trẻ của giới quan liêu. Nhưng, cũng như dưới các chế độ chuyên chế, các vụ mưu sát chính trị báo hiệu không khí đã tích trữ chất điện tử và dự báo một cuộc khủng hoảng. Ban bố hiến pháp mới, phái quan liêu tỏ ra đã đánh hơi thấy sự hiểm nguy và muốn tránh nó. Đã có những sự kiện chuyên chế quan liêu tìm đường cứu mạng bằng những cải cách có hàm ý “tự do”, nhưng đã chỉ tự làm cho mình suy yếu thêm. Bộc lộ đặc điểm của một chính thể bônapác, hiến pháp mới đồng thời lại đào ra một chiến hào bán hợp pháp để chống lại nó. Sự tranh nhau lá phiếu giữa các bè phái có thể là khởi điểm của những cuộc đấu tranh chính trị. Ngọn roi quay về phía những “cơ quan của chính quyền làm việc kém” có thể lại quay về chính thể bônapác. Mọi dấu hiệu cho chúng ta thấy các sự việc nhất định sẽ dẫn tới sự xung đột giữa các lực lượng nhân dân, mạnh lên nhờ sự phát triển văn hóa, và bè lũ quan liêu. Cuộc khủng hoảng ấy không có giải pháp hòa bình. Chẳng bao giờ người ta thấy con quỷ lại tự ý gọt bớt những nanh vuốt của nó. Giới quan liêu xô viết sẽ không bỏ những vị trí của họ mà không chiến đấu; rõ ràng đất nước đang tiến tới một cuộc cách mạng. Đứng trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng và vốn có sự phân hóa xã hội trong đám các viên chức, sự trì thủ của cấp lãnh đạo có thể rất yếu chứ không như mọi người tưởng. Đó chỉ là những điều phỏng đoán. Dù sao, tầng lớp quan liêu chỉ có thể gạt bỏ bởi một cuộc cách mạng và bao giờ cũng thế, sự hy sinh càng ít nếu người ta biết tiến hành cương quyết và bạo dạn hơn. Chuẩn bị cho hành động và dẫn đầu quần chúng trong một tình thế lịch sử thuận lợi, đó là nhiệm vụ của phân bộ Đệ tứ Quốc tế ở Liên xô, ngày nay còn yếu và buộc phải hoạt động bí mật. Nhưng sự bất hợp pháp của một đảng không phải là đảng đó không tồn tại; đó chỉ là một dạng tồn tại khó khăn của nó. Sự đàn áp là một giải pháp hiệu lực để chống lại một giai cấp đang rút khỏi vũ đài, chuyên chính cách mạng thời 1917 – 1923 chứng minh hoàn toàn điều đó. Sự cầu viện bạo lực để đàn áp bộ phận tiền phong cách mạng không thể cứu được một đẳng cấp đang suy thoái, dĩ nhiên trong điều kiện Liên xô còn có một tương lai. Cuộc cách mạng mà giới quan liêu đang chuẩn bị để chống lại chính chúng sẽ không là một cuộc cách mạng xã hội như cuộc cách mạng Tháng mười 1917; vấn đề sẽ không phải là thay đổi những cơ sở kinh tế của xã hội, thay thế một hình thức sở hữu này bằng một hình thức sở hữu khác. Ngoài những cuộc cách mạng xã hội đã thay thế chế độ phong kiến bằng chế độ tư sản, lịch sử đã từng có những cuộc cách mạng chính trị không đụng đến nền móng kinh tế của xã hội mà vẫn lật đổ những ban chỉ đạo cũ (1830 và 1848 ở Pháp, tháng hai 1917 ở Nga). Sự lật đổ đẳng cấp bônapác lẽ cố nhiên sẽ có những hậu quả xã hội sâu sắc; nhưng nó sẽ chỉ đứng trong cái khung cảnh của một sự biến đổi chính trị. Một Nhà nước ra đời từ một cuộc cách mạng của lao động lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Những giai đoạn nó phải vượt qua chưa thấy ghi chép ở đâu cả. Đúng là những lý thuyết gia và những người sáng lập Liên xô hy vọng một hệ thống mềm dẻo và sáng sủa các xô viết sẽ cho phép Nhà nước chuyển biến hòa bình, và dần dần tiêu vong theo bước tiến hóa kinh tế và văn hóa. Thực tế tỏ ra phức tạp hơn lý thuyết. Giai cấp công nhân lao động của nước hậu tiến đã làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Rất có thể nó phải trả giá cái đặc quyền lịch sử ấy bằng một cuộc cách mạng thứ hai, cuộc cách mạng chống bọn chuyên chế quan liêu. Cương lĩnh của cuộc cách mạng này sẽ tùy thuộc thời điểm nó nổ ra, trình độ mà đất nước sẽ đạt được và trong một chừng mực rất đáng kể, tùy thộc tình hình quốc tế. Những nhân tố chủ yếu của nó được xác định đầy đủ ngay từ giờ, trong suốt các trang của cuốn sách này; và đó là những kết luận khách quan của việc phân tích các mâu thuẫn trong chế độ xô viết. Vấn đề không phải là thay một bè phái lãnh đạo này bằng một bè phái khác, mà là thay đổi những phương pháp lãnh đạo kinh tế và văn hóa. Sự độc tài quan liêu sẽ phải nhường chỗ cho nền dân chủ xô viết. Việc thiết lập lại quyền phê bình và tự do bầu cử thật sự là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Việc thiết lập lại quyền tự do của các đảng xô viết, bắt đầu từ đảng bônsêvích, và sự hồi sinh của các nghiệp đoàn cũng phải bao gồm trong đó. Trong kinh tế, tinh thần dân chủ sẽ kéo theo sự xét lại triệt để các kế hoạch căn cứ vào quyền lợi của những người lao động. Sự thảo luận tự do các vấn đề kinh tế sẽ làm giảm những chi phí do các sai lầm và ngoắt ngoéo của quan liêu gây ra. Các công trình nguy nga tổn phí, cung điện các xô viết, nhà hát mới, đường tàu điện ngầm xây để phô trương sẽ nhường chỗ cho sự xây dựng nhà ở của công nhân lao động. Những “tiêu chuẩn phân phối theo lối tư sản” lúc đầu sẽ trở lại với những tỷ lệ thích ứng với sự cần thiết tối thiểu bắt buộc, để rồi lùi dần về sự bình đẳng xã hội chủ nghĩa, trong chừng mực gia tăng của cải của xã hội. Các phẩm hàm sẽ phải xóa bỏ ngay, các huân chương, huy chương vất đi. Thanh niên sẽ có thể hít thở tự do, có quyền phê phán, nhầm lẫn và trưởng thành. Khoa học và nghệ thuật sẽ trút bỏ xích xiềng. Đường lối đối ngoại sẽ nối lại với truyền thống quốc tế cách mạng. Hơn bao giờ hết, số phận của cách mạng Tháng mười ngày nay gắn với số phận của châu Âu và thế giới. Những vấn đề của Liên xô sẽ được giải quyết ở bán đảo Ibêrich (Tây ban nha), ở Pháp, ở Bỉ. Đến lúc cuốn sách này ra đời, tình hình chắc sẽ sáng sủa hơn nhiều so với những ngày nội chiến ở châu thành Mađơrit (Madrid). Nếu, với đường lối xảo trá của “các mặt trận bình dân”, giới quan liêu xô viết bảo đảm thắng lợi cho phái phản động ở Pháp và Tây ban nha – và Quốc tế cộng sản làm hết sức mình theo hướng đó – Liên xô sẽ đứng trên miệng vực thẳm và cuộc phản cách mạng tư sản sẽ nổi lên là chuyện thời sự hơn là sự nổi dậy của lao động chống lại quan liêu. Nếu, trái lại, mặc dầu sự phá hoại ngầm của bọn cải lương và bọn thủ lĩnh “cộng sản”, giai cấp vô sản phương Tây mở được con đường tiến tới chính quyền, một chương mới sẽ mở ra trong lịch sử Liên xô. Thắng lợi cách mạng đầu tiên ở châu Âu tác động như một tia lửa điện đến quần chúng sẽ thức tỉnh họ, nâng đỡ tinh thần độc lập của họ, làm sống lại những truyền thống của 1905 và 1917, làm suy yếu những cứ điểm của bọn quan liêu và sẽ không kém phần quan trọng đối với Đệ tứ Quốc tế hơn là thắng lợi của cách mạng Tháng mười đối với Đệ tam Quốc tế. Đối với Nhà nước lao động đầu tiên, đối với tương lai của chủ nghĩa xã hội, không còn con đường cứu nguy nào khác, ngoài con đường này. Chú thích:[1] Bukharin, Iagôđa, Kamênep, Bela Kun, Rađêch, Rakôpski, Rưcôp, Xôtnôpski, Tukhatsepski (Toukhachevski) và Zinôviep, mới chỉ kể những địch thủ của Trôtski có ghi tên trong danh sách này, đã bị hành hình hoặc chết trong tù đày. Oocgiônikitdê (Ordjonikidzé) và Tomski đã tự sát. [2] Ám chỉ vụ án đầu tiên năm 1935. Vụ ám sát Kirốp (bí thư đảng ở Lêningơrat) cũng sẽ kéo theo việc mở màn cho các “vụ án Mátxcơva” nổi tiếng. Ngày nay người ta được biết chính Stalin đã tổ chức vụ ám sát Kirốp.(N.D).