Chương 11

Tôi tỉnh lại và thấy mình đang trên giường, giữa một căn phòng quét vôi trắng. Tôi nghe loáng thoáng, câu được câu mất, câu chuyện bằng tiếng Bahrein và tiếng Anh ở quanh quẩn đâu đó. Căn phòng không có cửa sổ, nên không rõ đang là ngày hay đêm. Tay trái của tôi bị xích vào giường. Trong mũi tôi có một ống tiếp dưỡng khí, một ống khác thì được đưa vào họng tôi, có lẽ để rửa dạ dày cho tôi. Tay tôi được chuyền nước.
Tôi không thể suy nghĩ một cách tỉnh táo. Những cảm giác của tôi bị cùn đi, hoặc vì bị gây mê, hoặc do quá kiệt sức. Chỉ để mở mắt tôi cũng phải tốn rất nhiều sức lực và cố gắng. Tôi còn nhớ, khi đó tôi nghĩ rằng, phải chăng, tất cả chỉ là một giấc mơ, và căn phòng trắng này là một chặng nào đó giữa hai thế giới. Tôi chỉ nhớ láng máng rằng tôi đã cắn ống độc dược và thoạt đầu, tôi nghĩ chất độc đã có hiệu quả.
Tôi nằm ngơ ngẩn một thời gian và không nghĩ ngợi gì cả. Tôi như lơ lửng giữa một giấc mộng và sự bất tỉnh, những cảm giác của tôi trở nên đò đẫn và không thể tập trung nổi. Tuy nhiên, dần dần, óc tôi trở lại hoạt động và tôi mở được mắt. Tôi liếc thấy hai y tá ăn vận quần áo Ả Rập truyền thống, họ ngồi cạnh giường tôi và quan sát tôi. Ở cửa phòng, có hai người đàn ông hằm hằm đứng tấn, tay lăm lăm súng máy làm thành một góc 45 độ và ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tôi hoảng hốt tự cấu vào đùi.
Không có gì xảy ra cả. Tôi không mơ.
“Không!” - tôi nghĩ. “Mình còn sống!”
Trong cơn thất vọng, tôi rên lên. Sao tôi không chết đi?! Chắc hẳn tôi không hít đủ lượng độc dược. Rõ ràng là tôi đã từng khá gần tử thần, nhưng như thế chưa đủ.
Tôi không cảm thấy mừng rỡ vì thoát chết. Tôi hiểu ngay rằng những cực hình của tôi giờ mới bắt đầu.
Vừa yếu ớt về thể xác, vừa trong tâm trạng hoảng hốt, thực sự tôi như kẻ nửa tỉnh nửa mê. Tôi thấy trong túi một y tá có thòi ra cái kéo. Tôi muốn vớ lấy nó để tự sát trước khi họ có thể ngăn cản được tôi; có điều, tay tôi bị xích vào giường.
Rốt cục, người ta cũng rút các ống khỏi mũi và họng tôi, lập tức tôi lấy hết sức để cắn lưỡi. Thời thơ ấu, tôi đã nghe những mẩu chuyện kể lại rằng như thế cũng tự sát được. Nhưng tôi chỉ khiến mình đau điếng mà không làm được gì khác. Nhìn lại, có vẻ kỳ quặc khi tôi đã từng tin vào những chuyện cổ tích kiểu ấy.
Sau đó, tôi tìm cách tự ngạt thở. Tôi nhịn thở cho đến khi mặt căng phồng lên. “Một chút nữa thôi - tôi tự nhủ -, tẹo nữa thôi mà!” Có điều, đến giây phút cuối cùng, tôi không chịu được nữa và bắt đầu thở lấy được. Khi ấy tôi không biết rằng nếu tôi mất đi sự tỉnh táo, thế nào cơ thể tôi cũng chiếm phần điều khiển và như thế, tôi lại phải thở.
“Tổ sư! - tôi bực dọc - Sao có tự tử mà mình cũng không làm nổi thế này?!”
Tôi không biết Kim Song Ir còn sống không. Có lẽ là không. Nếu chất độc không khiến ông tắt thở (giả thiết là ông kịp cắn ống thuốc), ngay sự căng thẳng kéo dài từ khi chúng tôi bị bắt cũng đủ để ông qua đời. Chỉ có điều kỳ lạ là tôi vẫn sống sót.
Nghĩ đến Song Ir, tôi lại càng hoảng sợ. Ông chết rồi và thiếu ông, quả thực tôi chỉ còn lại một mình.
“Mình phải cứng cỏi lên - tôi nhủ thầm. - Lãnh tụ kính yêu đã đặt niềm tin vào mình. Mình phải hy sinh cho Tổ quốc, cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Không thể để Tổ quốc lâm nguy được”.
Nhưng có một điều là chắc chắn: chiếc máy bay đã bị hạ.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã không còn cảm thấy tự hào vì nhiệm vụ của mình. Trước khi bị bắt, như đã nói, đa phần tôi chỉ quan tâm làm sao thực hiện được sứ mệnh của tôi, chả mấy khi tôi bị dằn vặt lương tâm. Nhưng giờ đây, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về thân phận những kẻ đã bỏ mạng và tôi cảm thấy mình thật tội lỗi.
Các y tá trò chuyện nho nhỏ và tôi lắng nghe xem họ nói gì. May mà họ nói tiếng Anh nên đại thể tôi còn hiểu được. Họ bảo tôi sống sót, nhưng Kim Song Ir thì chết rồi.
Tin ấy khiến tôi sầu não. Những cảm xúc khác nhau khuấy đảo trong tôi. Tôi đau đớn vì mất Kim, một đồng đội của tôi. Tôi cũng ghen tị vì ông chết rồi, ông không phải trực diện với những gì mà giờ đây tôi phải đối đầu. Và tôi giận ông vì ông nỡ ra đi, để lại tôi giữa ngàn trùng quân thù thế này. Cho dù Song Ir bệnh tật, gần ông, tôi luôn có cảm giác bình an vì kho kinh nghiệm vô cùng rộng lớn của ông. Trong chuyến đi, tôi luôn được dựa vào ông nếu có tình hình gì bất thường xảy ra.
Và khi ấy, tôi đã làm một điều mà cả đời chưa bao giờ tôi làm, một điều thật đặc biệt: tôi cầu nguyện!
Nhớ lại, trước khi em Bamso của tôi ra đi ít lâu, đúng lúc tôi về thăm nhà, mẹ tôi đặt những túi nước trong phòng ngủ, trước bàn thờ do bà tự làm. Phải dũng cảm lắm mới dám làm điều đó vì tại Bắc Triều Tiên, tôn giáo bị cấm ở mức ngặt nghèo nhất. Mẹ tôi đã đi đến cùng để cứu vãn con bà: bà còn mạo hiểm cầu khẩn Đức Chúa trời…
Và bây giờ tôi cũng cầu nguyện. “Con xin Người, dù ở nơi đâu, hãy cho con được chết ngay lúc này. CON XIN NGƯỜI…”
Động thái này cũng thật đau đớn: tôi phải cầu nguyện một thực thể mà tôi không quen biết.
Tôi sợ nhất là nếu sống sót, tôi sẽ không giữ được bí mật nhân thân thực sự của tôi, cũng như nhiệm vụ tôi được trao. Và, trong giây phút đó, khi tôi khai ra tất cả, tôi vĩnh viễn trở thành kẻ phản bội trong mắt các “sếp” và Tổ quốc tôi. Bị bắt chưa có nghĩa là nhiệm vụ của chúng tôi thất bại. Kim Song Ir chết rồi mà ông mang theo bí mật của ông xuống mồ. Nếu tôi cũng có thể lặng im được, có khi tôi còn trở thành người cứu tinh cho Bắc Triều Tiên là đằng khác.
Có điều, óc tôi không hướng về Bắc Triều Tiên. Tôi nghĩ về gia đình. Và tôi nhận ra, khi tôi cầu nguyện lên Đấng bề trên để xin Người rủ lòng thương, tôi đã không cầu khẩn lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành như tôi thường làm cho đến giờ, vì căn cứ vào những hiểu biết của tôi, ông gần nhất với những vị thánh thần!
Thời gian trôi. Một y tá người Philippines đến thay hai người y tá cũ và một nữ cảnh sát cũng vào phòng. Hẳn họ được nhận chỉ thị phải theo dõi nhất cử nhất động của tôi và bằng mọi giá, phải giữ tôi sống. Đến ngủ tôi cũng không được yên. Chắc họ sợ nếu ngủ, tôi sẽ lại bị hôn mê và không tỉnh lại được. Chỉ mới vừa nhắm mắt, cô y tá lại nhào đến giường tôi và tát tát vào mặt tôi:
- Mayumi! Mayumi!
Có vẻ như họ cũng quý tôi, nhưng tôi phải nghĩ rằng họ chỉ làm theo lệnh để rồi bắt tôi khai. Thoạt tiên, tôi chửi rủa họ vì điều này, tôi đòi họ để tôi yên, nhưng rồi tôi vỡ ra rằng người y tá và nữ cảnh sát chỉ muốn cứu một mạng người.
Giờ đây, tôi cảm thấy tiếc vì đã không có lời cám ơn họ vì thái độ dễ chịu này. Tôi, một kẻ giết người hàng loạt, thực sự không đáng để được sống. Nhưng họ không cho tôi chết và bây giờ, trong cuốn sách này, tôi chỉ có thể nói lời tri ân họ.
Khi những giác quan của tôi bắt đầu trở lại làm việc bình thường, tôi cảm thấy đau nhừ tử khắp cơ thể. Chủ yếu tôi đau bên đầu gối phải, cứ cử động là đau ghê gớm. Miệng tôi đầy vết thương vì độc được, lưỡi tôi sưng vù khiến tôi không thể nuốt được. Những cơn ác mộng cứ nối tiếp nhau. Tôi mơ rằng gia đình tôi đi trên chuyến bay số 858. Tôi đặt bom trong khoang để hành lý rồi la hét với gia đình tôi để họ xuống máy bay. Kim Song Ir - khi ấy chỉ còn là một bộ xương, da thịt xanh lè đã rữa - cầm tay và kéo tôi khỏi chiếc máy bay. Tôi muốn thoát khỏi tay ông, nhưng ông không thả tôi ra. Tôi gào như một con rồ với gia đình tôi, nhưng dễ thấy là không ai hiểu tôi muốn gì ở họ. Cuối giấc mơ, Kim tóm lấy tôi và quẳng tôi khỏi máy bay. Tôi rơi tõm và la hét.
- Mayumi! - cô y tá lao đến để dỗ dành tôi. Nhưng nhiều giờ liền tôi chỉ kêu khóc.
Một giấc mơ khác, tôi thấy mình trên một góc núi tuyết phủ. Gia đình tôi tiến đến gần tôi, nhưng họ không để ý đến tôi, như thể tôi là một kẻ xa lạ, mà lại đi ngang qua tôi với cái nhìn ác cảm hay thờ ơ. Nhưng em Bamso thì ở lại sau, nó nắm tay tôi và chúng tôi bay lên trời; trên những đỉnh núi, chúng tôi bay vút như lũ đại bàng. Rồi chúng tôi bắt đầu lượn quanh một miệng núi lửa. Cười khẩy với tôi, Bamso thả tay tôi và tôi rơi rõm xuống cõi hư vô. Tôi lại bừng tỉnh dậy và khóc nức nở.
Tôi đánh mất cảm giác về thời gian. Như thể tôi đang ở nơi chuộc tội. Đôi lúc, tôi tỉnh lại và luôn thấy những y tá và nữ cảnh sát khác nhau ngồi bên tôi. Một y tá da đen, có cặp mắt tuyệt đẹp dịu dàng lau mặt và chải tóc cho tôi, khiến sự nghi ngại và giận dữ trong tôi nhanh chóng bay đi. Cô nắm tay tôi và bảo:
- Chúng ta là bạn của nhau, Mayumi ạ. Hãy tin như thế!
Cô ta nói bằng tiếng Cao Ly. Tôi bất ngờ tới mức chỉ thiếu chút nữa là mở mắt, nhưng rồi tôi kịp định thần. Lập tức, tôi quyết định không thể để lộ xuất xứ dân tộc của mình. Cố nhiên, những người quanh tôi nhiều lần tìm cách, nhưng tôi không phản ứng gì.
Đồng thời, thực sự tôi thấy vui vì được nghe tiếng mẹ để nơi xa xôi này. Nhưng như thế, sự im lặng càng khiến tôi không chịu nổi.
Rồi một giọng Nhật vang lên. Tôi mở mắt. Hai người đàn ông đứng trước mặt tôi: một người từng giữ chúng tôi tại phi trường, còn anh kia (người Nam Hàn) đã vặn hỏi Song Ir ở khách sạn.
Từ đó trở đi, tôi chỉ trả lời những câu hỏi được đặt bằng tiếng Nhật. Anh người Nam Hàn mất bình tĩnh khi tôi không để tâm tới các câu hỏi của anh ta và lẩm bẩm trong miệng, anh ta đi đi lại lại trong phòng.
- Cô này - anh người Nhật nói. - Chúng tôi cần một số thông tin ở cô. Chúng tôi muốn giúp cô, Mayumi-san ạ, nhưng nếu cô cứ im lặng thì chúng tôi bó tay. Chúng tôi chỉ muốn cô lành bệnh nhanh.
Tôi gật đầu nhưng tôi biết, anh ta nghi ngờ tôi. Tôi biết anh ta chỉ làm ra vẻ đồng cảm với tôi và đôi khi, tôi phát hiện ra anh ta ngờ vực nhìn tôi. Được một lúc, hai người nhận ra tôi không muốn cộng tác với họ và họ bỏ đi.
Tôi thở dài. Tôi đã vượt qua thử thách đầu tiên, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu.
Tôi nhận ra rằng đã đến lúc tôi phải tìm một lối thoát nào đó. Tôi sẽ chờ cơ hội để tự sát, nhưng từ giờ đến khi đó, tôi cũng cần phải quyết định là sẽ khai gì với họ. Lần hỏi cung đầu khiến tôi mệt mỏi. Tôi huy động tất cả những thuật về tâm lý học đã được học hỏi và chẳng mấy chốc, tôi đã lấy lại được sự bình tĩnh tinh thần của một điệp viên mật.
Hay nhất, đáng ra tôi phải làm như thể câm điếc. Có điều, tôi đã nói trước các y tá, ít nhất là đã rên rỉ trước mặt họ.
Điều quan trọng nhất là chớ nói tiếng Cao Ly, thành thử nhiệm vụ của tôi đơn giản: tôi chỉ cần quyết định nhập vai một người Nhật hay người Hoa. Những người bắt tôi đã biết rằng hộ chiếu Nhật của tôi là giả mạo, ngoài ra tôi còn quan hệ với Song Ir.
Tôi tính đến chuyện sẽ bị trao trả cho Nhật. Bộ máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên bảo rằng cảnh sát Nhật tra khảo rất dã man và họ thường dùng nhục hình khiến tù nhân phải khai. Tôi cũng còn được nghe rằng, người Nhật đối xử tệ nhất với dân Cao Ly, họ thường thực hiện những cuộc tra tấn một cách khoái trá.
Có điều, dầu như thế vẫn còn hơn bị đưa về Nam Hàn. Người ta nói rằng cảnh sát Nam Hàn thường đánh lòi con ngươi, gẫy răng, hoặc rút móng tay tù nhân. Có lẽ vì vậy mà mỗi điệp viên Bắc Triều Tiên sống sót hồi hương từ Hán Thành đều được coi là anh hùng.
Tôi không thể nào nhập vai một người Triều Tiên hoặc Nhật, như vậy còn lại… người Hoa. Nếu họ tin vào lời khai của tôi và trao trả tôi cho Trung Quốc, khả năng là tôi sẽ được đưa về Bình Nhưỡng vì chính phủ hai nước có mối liên minh mật thiết với nhau. Không có bằng cứ trực tiếp nào để chứng tỏ tôi có dính dáng tới vụ phá hoại, và khi đó tôi tin rằng cũng sẽ không thể có những bằng chứng như thế. Chừng nào tôi chưa đầu hàng những kẻ bắt giữ tôi, chừng ấy mọi sự không đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng.
Tôi tìm cách nghĩ ra cho mình một vỏ bọc có thể tin được. Khi cùng Sukhi làm nhiệm vụ ở Ma Cao, chúng tôi đã đóng giả những phụ nữ Trung Quốc có thực. Như vậy, tôi nghĩ có thể chấp nhận được nếu tôi dùng tên một người - Pai Chui Hui - và khai những số liệu nhân thân và tông tích của một người khác, Vu Eng. Đây không phải là giải pháp thật chắc chắn, nhưng tôi không nghĩ ra cách nào hay hơn.
Sức khỏe tôi ngày một bình phục. Tôi mặc bộ pi-gia-ma màu xanh da trời của viện và đi lại trên chiếc xe lăn mà tôi bị xích vào đó. Các y tá tắm rửa cho tôi và theo tôi cả những lúc đi vệ sinh, khiến tôi cảm thấy phiền phức. Không bao giờ, dù chỉ trong khoảnh khắc, tôi được ở một mình: ngày cũng như đêm, luôn có một tốp lính canh có vũ khí đứng trước cửa phòng tôi. Chẳng bao lâu, tôi bị bắt phải uống một thứ nước gì như là sữa. Tôi nhận ra là chỉ ít lâu nữa, tôi sẽ đủ khỏe để có thể bị hỏi cung một cách chính thức.
Tôi cố gắng tập trung mọi sức lực cho giờ phút ấy!
Nhiều ngày sau đó - tôi không nhớ chính xác là khi nào -, người ta đẩy tôi trên chiếc xe lăn ra chiếc xe cảnh sát đậu ngoài phố. Trời hôm ấy tuyệt đẹp, ấm áp và rạng rỡ, nắng chói chang khiến tôi không thể mở được mắt. Từ khi bị bắt tới giờ, lần đầu tiên tôi được thấy phố phường và cảnh tượng bên ngoài khiến tôi buồn bã. Nó càng củng cố lại một điều mà tôi đã đoán biết khi bị giam ở trong kia: trong khi cả thế giới của tôi đổ sụp, thế giới vẫn điềm nhiên tiếp tục sống của sống của mình. Theo tục lệ Ả Rập, tôi bị trùm khăn bịt mặt và thoạt tiên, tôi nghĩ mình bị tử hình. Nhưng rồi người ta chỉ nâng tôi vào chiếc xe cảnh sát và xe lăn bánh trong thành phố.
Bahrein là một thiên đường điển hình của vùng nhiệt đới. Tôi rất muốn được ra bờ biển, hòa mình vào làn nước, quên đi rằng có thời mình đã là điệp viên, đã làm nổ một chiếc máy bay. Tôi muốn nhớ đến Cuba, nơi tôi và gia đình đã có dịp tắm biển một lần và không phải để tâm đến bất cứ điều gì. Có điều, tôi không còn là một đứa trẻ và gia đình tôi giờ cũng không thể giúp gì được cho tôi. Là một kẻ trưởng thành, tôi sẽ phải trả giá cho những hành động của tôi, tôi sẽ chỉ có một mình và sẽ một mình đi vào cái chết. Mang trong mình bao mộng ước, tôi nhìn những con người hồn nhiên đi lại trên đường phố, cách tôi chỉ vài bước chân về mặt thề xác, nhưng hoàn cảnh chúng tôi lại khác nhau cả ngàn năm ánh sáng! Tôi ghen tị với họ biết chừng nào!
Chúng tôi ra khỏi Manama và đi trên một con đường hẻo lánh. Rồi, xe đến một căn cứ cảnh sát gì đó, có hàng rào bao quanh và ở cửa ra vào có lính gác.
Xe dừng ở đây, tôi được bưng khỏi xe và đưa vào một căn phòng nhỏ tồi tàn, ở đó có một chiếc giường sắt và một bàn làm việc. Chỉ cần liếc nhìn “cảnh vật” ở đây là tôi đủ biết rằng, những khó khăn giờ mới bắt đầu.
Tôi bị đẩy ra giường và còng tay vào đó. Một phút sau, một cặp nam nữ da trắng, tầm trung niên, bước vào phòng. Cả hai đều có mái tóc vàng, mắt xanh, và họ nhìn tôi vẻ tò mò, nhưng không ác ý. Một phút trôi qua, người đàn ông nói tiếng Anh rất chậm và nhấn từng vần một.
- Tôi là Ian Henderson - ông ta nói -, còn đây là nhà tôi, Maria. Tôi là cảnh sát trưởng Bahrein.
Rồi ông ta hỏi tôi khỏe chưa. Maria thì chỉ nhìn tôi, cặp mắt to và xanh và ánh mắt của bà khiến tôi không chịu được. Khi tôi òa khóc, bà lấy ra chiếc mùi-xoa và lau nước mắt cho tôi trên trên mặt.
- Không sao đâu cô ạ, không sao đâu! - bà nói và hôn lên má tôi. - Đừng sợ nữa. - Bà vẫy tay ra hiệu các y tá đang đứng chờ đợi quanh tôi; khéo léo, họ cởi bộ pi-gia-ma bệnh viện khỏi người tôi và mặc cho tôi bộ quần áo Trung Quốc màu xanh.
- Cô ấy thật đẹp! - hai người bảo nhau. Tôi cảm thấy rằng với sự đồng cảm giả bộ ấy, họ chỉ muốn hành hạ tôi. “Lại một cú lừa mới để bắt mình khai đây mà - tôi nghĩ. - Mình phải cảnh giác!”
Dường như Henderson đoán được tôi nghĩ gì.
- Tôi khuyên cô nên hợp tác với chúng tôi - ông nói. - Chính phủ này không ưa gì cô mấy, vì hầu như cô không chịu khai một câu nào.
Trong giọng nói của ông, dường như có vẻ dọa dẫm.
- Tôi phải khai cái gì cơ chứ? - tôi bướng bỉnh hỏi lại.
Ông sa sầm mặt, có vẻ thất vọng về tôi.
- Ngày mai chúng tôi trở lại - ông đứng dậy. - Từ giờ đến khi ấy, cô hãy suy nghĩ về điều tôi vừa nói.
Tôi không nhớ tôi đã ở bao nhiêu ngày tại căn cứ cảnh sát ấy. Cũng như khi ở trong bệnh viện, tại đây, đi đâu tôi cũng bị y tá theo kèm. Ai nấy đều tò mò với tôi, có thể vì tội trạng nặng nề của tôi, hoặc cũng có thể vì tôi là một phụ nữ trẻ.
Hàng đêm, tôi bị ba cảnh sát và một hộ lý canh giữ. Và cho dù khuỷu tay tôi sưng vù vì bị xích và đầu gối tôi vẫn rất đau, nhưng không bao giờ tôi phàn nàn với những kẻ canh giữ. Tôi quyết định, ít nhất cũng sẽ giữ phần “nhân phẩm” còn lại của mình!
Ngày nào tôi cũng được điều trị theo kiểu vật lý trị liệu. Hai giờ liền, tôi phải đi đi lại lại trong căn tiền sảnh, dưới sự theo dõi của các bác sĩ. Dựa vào người y tá, tôi phải nhấc mạnh chân trái. Mỗi giờ, tôi lại được kiểm tra thân nhiệt và mạch; các bác sĩ bắt tôi phải ăn và dùng thuốc.
Một bận, họ muốn lấy máu của tôi và chỉ thiếu chút nữa là tôi lên cơn thần kinh. Ở Bắc Triều Tiên, người ta bảo rằng nếu bị bắt, tôi sẽ bị tiêm một loại thuốc đặc biệt khiến tôi phải khai hết với những kẻ bắt giữ tôi. Người y tá ngạc nhiên quá chừng vì thái độ của tôi, cô ta tìm cách trấn an tôi. Cuối cùng, cô trói tay tôi lại và lấy máu tôi.
Khi ấy, tôi vỡ ra rằng không thể im lặng mãi được nữa. Tôi phải nói cho họ một cái gì đó, bằng không, tôi sẽ bị giam cả đời ỏ đây, trong căn phòng này! Tôi xin họ uống nước và báo cho họ hay rằng khuỷu tay tôi đau quá. Cả cô y tá, cả mấy cảnh sát đang canh gác tôi đều hồi hộp và chỉ trong nháy mắt, cả khu nhà đã biết rằng Maymui đã cung khai!
Hendersen và bà vợ - tôi không biết bà có nhiệm vụ gì, có lẽ sự hiện diện của bà cũng chỉ nhằm mục đích cho tôi khai - chiều nào cũng qua chỗ tôi. Họ mang quần áo và bánh nướng cho tôi, làm tất cả để tôi cảm thấy dễ chịu hơn nữa. Họ trò chuyện về những đề tài thường nhật rồi đột ngột trở về vụ nổ máy bay. Đa phần, tôi không trả lời hoặc tuyên bố rằng tôi chả biết gì cả.
Rốt cục, hai người mệt mỏi và viết vài câu hỏi bằng tiếng Trung để tôi trả lời. Tôi đáp như sau.
Hỏi: Tên cô là gì?
Đáp: Pai Chui Hui
Hỏi: Dân tộc?
Đáp: Trung Quốc.
Hỏi: Cô sinh khi nào?
Đáp: Ngày 27 tháng Giêng 1964
Hỏi: Ở đâu?
Đáp: Thành phố Vuchang, tỉnh Heilung-kiang, Trung Quốc.
Hỏi: Địa chỉ gần đây nhất?
Đáp: 4-10-6 Shibaya, Đông Kinh, Nhật Bản.
Hỏi: Cha mẹ cô còn sống chứ?
Đáp: Không.
Hỏi: Tên anh chị em?
Đáp: Không có.
Tôi bảo họ tôi mồ côi và chả liên quan gì đến vụ nổ máy bay của Korean Air.
- Tôi chả hiểu các ông bà cứ hỏi tôi làm gì? - tôi tìm cách lật lại ván bài. - Đi trên chuyến bay ấy là tội hay sao?
Càng nói nhiều, dễ thấy là họ càng ít tin tôi! Tuy nhiên, họ vẫn đối xử lịch sự với tôi: họ luôn nhấn mạnh rằng họ lo lắng cho tình trạng sức khỏe của tôi.
Một buổi sáng nọ, họ không hỏi tôi có muốn vào nhà tắm không, mà chỉ đưa tôi ra và bảo tôi hãy tự rửa mặt. Tôi phải dùng một tay để vệ sinh cá nhân đôi chút. Rồi người y tá lấy một chút thuốc đánh răng ra bàn chải cho tôi và bảo tôi tự chải răng. Tôi cảm thấy sảng khoái một cách lạ kỳ, và khi trở lại về phòng, họ hỏi tôi muốn uống trà hay cà phê. Tôi chọn trà, nhưng thấy mất bình tĩnh. Chả hiểu trò này nghĩa là sao đây?
Khi uống xong tách trà, vợ chồng Henderson tới và vui vẻ chào tôi. Tôi đang muốn chào lại thì thấy một nhóm người đông đảo sau lưng họ. Tôi nhắm nghiền mắt, bụng đau thắt. Trời ạ, các ký giả!
Vừa bước vào phòng, họ đã chụp ảnh lia lịa. Người ta ra lệnh cho tôi phải theo lời các nhà báo, thành thử tôi phải để họ chụp từ mọi tư thế, góc cạnh. “Giờ đây, mình sẽ phơi mặt trên trang nhất tất cả báo chí thế giới! - tôi nghĩ. - Mọi người sẽ nói về tên sát thủ ác độc đã sát hại 115 linh hồn vô tội”. Gia đình tôi cố nhiên sẽ không hay biết, mặc dù trong lá thư gần nhất, bà bảo cha tôi sẽ đi công tác một tháng ở Angola. Tôi hình dung ra cảnh cha tôi, buổi sáng, bước xuống căn tiền sảnh ở khách sạn, mua một tờ báo và thấy khuôn mặt con gái mình với hàng chú thích: TÊN SÁT THỦ!
Đám ký giả vừa ra, hai điệp viên Nam Hàn đi vào và khám xét mọi ngõ ngách trên cơ thể tôi, như thể tôi là một con vật không bằng! Tôi bật khóc và lấy tay che mặt. Khi hai người Hàn đi, Henderson tới giường tôi và ngồi xuống.
- Mayumi, sao cô lại sợ người Nam Hàn thế?
- Tôi không sợ - tôi chối. - Có điều, cách đối xử của họ thật tệ!
- Nghĩa là cô không ngạc nhiên khi họ tới “thăm” cô?
- Có gì mà phải ngạc nhiên cơ chứ? Các vị buộc tội tôi làm nổ một chiếc máy bay Nam Hàn, dễ hiểu là người Nam Hàn sẽ để tâm đến tôi.
Hôm sau, người Nhật qua chỗ tôi và họ cũng tìm cách để tôi phải mở miệng. Tôi thấy có vẻ họ không hoàn toàn chắc chắn rằng tôi không phải người Nhật, vì thế, tôi cố gắng nói tiếng Nhật thật sõi. Có lẽ tôi đã thành công một phần vì khi đi, họ cũng phân vân chưa biết phải nghĩ sao.
Tôi mệt rã rời, nhưng thở phào nhẹ nhõm. Không hề dễ dàng chút nào cả! Nhưng lúc ấy tôi chưa biết rằng những gì diễn ra sau này mới nhọc nhằn chừng nào!
Sự kiên nhẫn của những kẻ đang giam cầm tôi hẳn đã đến tận cùng: họ mời một nữ phiên dịch viên từ Hồng Công đến. Đó là một phụ nữ người Anh, bạn của Maria, nói thạo tiếng Trung theo thổ ngữ Quảng Đông. Tự giới thiệu mình là Camilla, cô ta cho biết: 34 tuổi, hai năm nay sống với chồng người Hoa tại Bahrein, hai người có ở đó một tiệm ăn Tàu. Đó là một phụ nữ hấp dẫn, tôi ghen tị với cô vì cuộc hôn nhân đơn giản và hạnh phúc của cô ta. Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy một phụ nữ hạnh phúc hơn Camilla.
Trước khi cuộc hỏi cung bắt đầu, tôi đã òa khóc, vì thế những câu hỏi đầu của họ mang tính đồng cảm và đời thường.
- Mayumi à, chúng ta làm lại từ đầu nhé - Camilla nói khi tôi đã hơi bình tâm lại. - Cô chào đời ở đâu?
- Ở Vuchang. Cha tôi là lãnh đạo ở một xí nghiệp xây dựng. Thời cách mạng văn hóa, ông bị coi là “phản bội”. Ông bị tra tấn rồi được thả, nhưng sau đó ít lâu ông tự vẫn. Tôi bị mẹ bỏ rơi, mẹ tôi trốn lên Bắc Kinh làm vợ một người đàn ông khác. Lúc ấy tôi phải ở một mình. - Rồi tôi lại khóc vì thật kinh khủng khi phải nói về cha mẹ, cho dù chỉ là chuyện bịa đặt. Hai người phụ nữ cứ tưởng tôi khóc vì nhớ lại thời thơ ấu cô độc, và kiên trì chờ để tôi hồi lại.
- Tôi không biết phải đi đâu - tôi nói tiếp. - Cuối cùng, bà tôi nhận nuôi tôi: bà bán báo rong ở Kuangzhao, còn tôi kiếm được việc hầu bàn. Khi ấy tôi gặp nữ đồng chí Vu Eng cùng độ tuổi của tôi, và chúng tôi cùng trốn đi Ma Cao với một vài thanh niên khác bằng tàu.
Có vẻ như họ tin tôi. Dần dần tôi cũng tự cảm thấy tin vào những gì tôi nói.
- Ở Ma Cao tôi làm trong một sòng bạc. Tại đó tôi làm quen với Hachija Shinichi, một người đàn ông Nhật đứng tuổi, rất quý tôi. Khi được nghe tôi kẻ về đời mình, ông ấy bảo nếu theo ổng về Nhật, ông sẽ nhận tôi làm con nuôi và cho tôi làm quản gia. Thời đó tôi sống rất khó nhọc, nên đây quả là một cơ hội thực sự. Đằng nào cũng không thể trở về Trung Quốc, vì thế tôi đã nhận lời ông.
Ở Đông Kinh, Shinichi có nhà ở quận Shinbujachu Ebishu. Ông ấy đặt cho tôi cái tên Mayumi và quan tâm đến tôi như con đẻ, nhưng tôi không được rời khỏi nhà. Ông cảnh báo là cảnh sát có thể bắt tôi vì tôi không có giấy phép cư trú, bởi vậy không mấy khi tôi đặt chân ra đường. Shinichi hứa hàng năm sẽ cho tôi đi châu Âu 2-3 lần, có thể đi cả Mỹ nữa. Vài tuần trước đây chúng tôi qua châu Âu. Shinichi lo hộ chiếu và vé máy bay. Và bây giờ tôi bị chết dở vì thế! Người duy nhất có thể xác nhận chuyện của tôi thì đã chết và có vẻ như tôi phải bị trừng phạt vì một tội mà tôi đâu có làm. Tôi sẽ bị đưa về Nam Hàn, ở đó người ta sẽ hành hạ tôi, rồi tử hình tôi nữa! - Tôi bắt đầu khóc và thật lạ lùng là hai người phụ nữ cũng rơi nước mắt. Camilla hỏi cô có thể giúp gì cho tôi, dường như quả thật cô ta lo rằng tôi sẽ bị tử hình một cách vô cớ.
- Chui Hui! - lần đầu tiên, Camilla gọi tôi bằng tên thật -, cô phải đòi để khỏi phải về Nam Hàn. Ở đấy người ta sẽ bắt cô phải khai, dù cô có tội hay không.
- Tôi biết mà - tôi nức nở và trong thâm tâm, cảm thấy tội lỗi vì đã đánh lừa họ. - Nhưng ở đây người ta không thả tôi đâu! - Và tôi nhận thấy rằng, dù tôi không khai cái gì cho họ, nhưng vì tình người trong họ mà tôi vẫn trở nên tốt lên.
Trước mắt, họ chấm dứt việc gạn hỏi và để tôi một mình với toán lính gác. Tôi chìm vào giấc mộng chập chờn. Luôn bị những cơn ác mộng dày vò nên tôi sợ nhỡ nói ra cái gì bằng tiếng Cao Ly. Đêm ấy, tôi mơ rằng tôi đang ở trại huấn luyện Kesong và chuẩn bị để bơi hai cây số. Tôi bơi qua hồ và Pak Chivon, người huấn luyện tôi, thì chèo thuyền ngay trước tôi. Tôi bơi hết sức nhưng không tiến được lên trước, và bặt đầu chìm nghỉm. Nước tràn vào miệng tôi, tôi vùng vẫy như điên và gào lên với Chivon. Anh ta quay đầu lại, và tôi nhận ra đó là… bố tôi, chứ không phải Chivon! Ông thờ ơ nhìn tôi và tiếp tục chèo thuyền. “Cha ơi! - tôi dùng hết sức lực cuối cùng và hét lên. - Cha ơi, con chết mất!”
Cứ nức nở như thế, tôi bừng tỉnh dậy, người ròng rã mồ hôi lạnh. Người y tá vuốt ve để trấn an tôi. Nhưng tôi cứ khóc ròng. Không bao giờ tôi còn được thấy cha tôi, không bao giờ! Không bao giờ tôi còn được là công chúa của cha tôi!
°
Hàng ngày, người phụ nữ canh giữ tôi nhiều lần ấn một nút chuông, rồi trải một tấm thảm Ba Tư ra sàn nhà: cô quay về hướng Tây Nam, tức hướng có Thánh địa Mecca, rồi sụp xuống cầu nguyện trên tấm thảm. Tôi cảm thấy lạ lùng vì cô cầu nguyện một thánh thần mà chúng ta không thể thấy được. Từ khi chào đời, dân Bắc Triều Tiên đã được học rằng tôn giáo là một trò kinh tởm, phản tự nhiên và cái chính nó phản cách mạng. Chúng tôi được dạy rằng những người theo đạo là giả dối, và nếu được nghe từ “tín ngưỡng”, tôi chỉ cảm thấy khinh bỉ. Tôi cảm thấy rằng, vì, bất cứ ai, bất cứ lúc nào, cũng có thể nhìn thấy lãnh tụ vĩ đại, nên việc nhìn thấy ở ông hình ảnh một người anh hùng, một tấm gương là điều “thượng đẳng” và “tỉnh táo” hơn nhiều. Có điều, trên gương mặt người phụ nữ canh giữ tôi, tôi luôn thấy một vẻ nghiêm trang mê mải, nét sùng kính chìm đắm, và tôi ngẫm nghĩ không biết dân Bắc Triều Tiên có thực sự tôn sùng hình ảnh Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đến thế hay không?
Ở lũ trẻ thì đây là điều dễ hiểu vì chúng còn chưa biết nói khi đã bị bắt phải tôn sùng hai lãnh tụ họ Kim. Nhưng đối với người đã trưởng thành thì không đơn giản như thế. Họ chỉ sùng bái họ Kim ở vẻ bề ngoài: sự nhiệt thành của họ đa phần là giả bộ. Họ không mạo hiểm để bị đày ải - hoặc tệ hại hơn -, để bị tử hình. Bởi lẽ, ở Bắc Triều Tiên, có cả một đạo luật cho phép dùng gậy sắt đánh đến chết kẻ nào xúc phạm gia đình họ Kim.
Người lính canh chấm dứt bài kinh cầu, cuốn tấm thảm rồi đến cạnh tôi, và đặt tay cạnh tay tôi.
- Mayumi ạ, chắc chắn cô là người Nhật, vì da cô trắng thế. Cô nhìn đây này, để tay tôi cạnh tay cô mới thấy da tôi sẫm thế nào!
Tôi mỉm cười, nhưng trong dạ tôi hiểu ý đồ của cô ta. Cô ta chỉ làm bộ thân thiện với tôi, nhưng trong thực tế cô coi tôi là tên khủng bố.
Xuất phát từ cách cư xử của vợ chồng Henderson, tôi thấy rằng những cuộc hỏi cung tôi không được “tốt đẹp” như họ hy vọng. Họ phải đổi chiến thuật và đưa đến một nữ phiên dịch viên tiếng Nhật; tôi nhận ra người này. Tôi đã thấy cô ta tại khách sạn nơi tôi và Song Ir ở tại Manama. Tôi còn nhớ đôi lúc tôi phát hiện rằng cô ta để ý chúng tôi tại căn sảnh, hoặc cũng có lúc cô đi theo chúng tôi ngoài đường. Tôi điên người vì không nhận ra ngay cô ta là gián điệp!
Người phụ nữ tên là Okubo này gạn hỏi tôi về thời gian tôi sống cùng “Shinichi” ở Nhật, và tôi cũng trả lời cô ta như với Camilla. Cô ta dịch những câu tôi trả lời Henderson, và dịch những câu hỏi của ông ta cho tôi.
Một bận, Henderson ra hiệu cho Okubo ngừng lại và vừa ngẫm nghĩ, ông vừa bảo tôi:
- Chui Hui à - ông nói chầm chậm - cô phải biết là hiện nay, có vô số điệp viên Nam Hàn đang ở Bahrein và họ đề nghị chúng tôi trao cô cho họ. Chúng tôi làm tất cả để giúp đỡ cô. Nếu cô chịu cộng tác với chúng tôi, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để cô trở về Trung Quốc. Nhưng nếu cô vẫn tiếp tục nói dối chúng tôi, chẳng còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc đưa cô tới Hán Thành. Cô hãy suy nghĩ xem! - Henderson ngừng một chút để tôi hiểu kỹ điều ông nói, rồi ra hiệu cho Okubo tiếp tục.
Khi họ dò hỏi về những chuyến đi châu Âu của chúng tôi, tôi trả lời rất chắc chắn. Tôi đấu trí với Henderson và từng bước, từng bước, tôi cứ phải chịu thua. Khi Henderson hỏi về lúc lên chuyến bay 858, tôi đáp rằng chúng tôi bị kiểm tra rất ngặt nghèo: người ta xem xét rất kỹ cả hành lý, cả người chúng tôi.
Henderson không hề tin rằng tôi vô tội vì cứ mỗi lần nhắc đến “gia đình”, tôi lại òa khóc. Nhưng tồi tệ nhất là khi ông hỏi tại sao tôi lại sử dụng độc dược. Tôi trả lời như thể tôi là một cô nữ sinh ngù ngờ, ngốc nghếch.
- Vì Shinichi bảo tôi thế!
Sau đó, Okubo gạn hỏi: tôi cảm thấy thế nào về Shinichi. Tôi biết trước là thế nào họ cũng sẽ hỏi tôi điều này. Tôi đã nhắc đến chuyện Kim Song Ir là một người rất “trượng nghĩa”, có điều, dầu sao đi nữa tôi vẫn là một phụ nữ trẻ chín muồi và tôi đoán rằng đại diện những nền văn hóa khác cố nhiên sẽ nghi rằng chúng tôi có quan hệ tình cảm với nhau. Nói thực là trước chuyến đi châu Âu đầu tiên, ở Bình Nhưỡng, tôi đã nhắc thượng cấp của tôi về điều này. Ngoài ra, cứ nghĩ đến đi phải công tác là tôi lại mất hồi hộp, và tôi hay e thẹn nên không thể bỏ qua một chuyện như thế. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi, “sếp” của tôi kêu ầm lên.
- Đồng chí nghĩ kiểu gì vậy, chúng ta lấy đâu ra tiền để thuê hai phòng cho các vị?
Rồi ông ta nhìn tôi như thể tôi vừa phạm phải một sai lầm ý thức hệ gì đó. Tôi là điệp viên đặc biệt, như thế tôi có nhiệm vụ phải vượt qua mỗi khi cảm thấy điều gì không chắc chắn.
- Trong những chuyến đi, cô và Shinichi ở cùng phòng phải không? Toi nghĩ là chắc cô và ông ấy không có chuyện gì? - Okubo hỏi.
- Không, tất nhiên là không rồi - tôi nhảy dựng lên. - Ông ấy như là cha tôi mà.
- Phòng cô và ông ấy đặt thường có hai giường, hay một giường đôi?
- Giường đôi.
- Cô thay quần áo ở đâu?
- Trong buồng tắm.
- Khi tắm rửa, cô có khóa cửa?
- Hẳn rồi, sao không?
- Cô thấy Shinichi khỏa thân chưa?
Tôi cứng người vì ngạc nhiên.
- Cái gì cơ?
- Ví dụ - Okubo điềm nhiên tiếp tục hỏi - cô thấy vết khâu sau một ca phẫu thuật ở bụng Shinichi chứ?
- Không, nhưng tôi biết ông ấy có một ca mổ ở bụng.
- Cô này, cho chúng tôi biết - trước mặt Hendersen, Okubo nhìn sâu vào mắt tôi -, ngoài Shinichi, cô đã ngủ với những người đàn ông khác chứ?
Tôi lặng thinh.
- Cô đã đạt cực khoái bao giờ chưa?
Im lặng.
- Là một nữ điệp viên, cô đã từng mồi chài đàn ông phỏng?
Im lặng.
- Trong đời cô, làm tình với Shinichi là sướng nhất hả?
- Tổ sư bố mày! - tôi gào lên bằng tiếng Anh. - Ông ấy già thế rồi, trời ơi!
- Vậy hả? - Hendersen nói xen vào. - Nghĩa là ông ra có cố gắng, nhưng mà không thành?
Trừng trừng nhìn ông ta, tôi giận điếng người. Tôi tìm cách trả lời, nhưng cơn thịnh nộ trong tôi tích tụ đến mức tôi chỉ biết thở ra và lẩm nhẩm một câu gì đó.
- Chán nhỉ? - Okubo nhận xét. - Theo biên bản mổ tử thi thì cái ấy của Shinichi khủng khiếp đấy!
Đây là giọt nước cuối cùng! Không để bất cứ ai kịp làm gì, tôi nhảy qua chiếc bàn và tung một quyền đặc thù của võ thuật vào mũi Okubo. Tôi nghe tiếng xương sụn cô ta kêu “rắc” và máu tung tóe.
Henderson kêu lên và bẻ quặt tay tôi ra đằng sau. Tôi dẫm gót lên ngón chân Henderson khiến ông ta phải để lỏng tay tôi, tôi đấm vào hạ bộ, rồi dùng cùi chỏ thượng vào đầu ông ta. Henderson lảo đảo. Lập tức tôi sấn đến chỗ ông ta, định cướp súng để tự sát tại trận ngay lúc đó. Nhưng đám lính gác đã rượt theo tôi. Đúng lúc tôi giằng khẩu súng lục của Henderson, họ giật tôi ra khỏi ông và khiến tôi không cựa quậy được.
- Đừng bắn! - Henderson thở phì phò. Tôi liếc thấy ông ôm hạ bộ, đứng dựa vào tường. - Cô ta muốn điều đó! Phải bắt sống cô ta!
Tôi biết cách làm sao thoát khỏi đám lính canh. Lại thụi vào hạ bộ người lính đang giữ tôi và ngay sau khi anh ta thả tôi ra, tôi dùng tay kia nắm lấy tóc anh ta, giật như điên về phía sau để chuẩn bị cho một đòn chí mạng. Nhưng khi vừa giơ tay lên, tôi có cảm giác như bị điện giật. Tôi ngã quỵ lập tức, cả cơ thể tê liệt. Tôi xoay người và liếc thấy một người lính canh khác, tay lăm lăm khẩu súng điện. Chưa kịp cử động, người lính thứ ba còng tay tôi ra sau lưng. Tôi bất lực!
Henderson bám tường đứng dậy. Khuôn mặt ông đỏ bừng, thở khó nhọc. Ông nhìn tôi với vẻ kinh tởm và đờ đẫn.
- Vậy là kết thúc, Mayumi ạ - ông nghiến răng. - Cô tự bỏ lỡ cơ hội cho mình rồi. - Rồi ông quay về phía một ai đó mà tôi không thấy rõ. - Hãy đưa cô ta đi. Bây giờ cô ta thuộc về người Nam Hàn rồi!