ó cái gì đau thương lắm nứt rạn trong không khí! Linh cảm vậy thôi chứ mấy ai muốn nhìn thẳng vào sự thật, nhất là sự thật đó không do mình quyết định, nghĩa là mình không chịu trách nhiệm. Ai nấy hy vọng, và trong hy vọng!ẽ cố nhiên người ta cố gạn lọc những gì quá nặng nề, bi đát. Nhưng tội nghiệp, chẳng nỗi buồn vui thời cuộc nào của họ mà chẳng đầy rẫy những mâu thuẫn đau lòng, ánh mắt lân tinh, nụ cười hư ảo, cuộc sống thực, là thường xuyên mình trần nằm trên gai, miệng đắng ngậm thêm mật Trước đây các thứ đồn điền (cao su, cà phê, trà...) của thực dân thì như sao sa, trường học lại chỉ toen hoẻn đơn độc chiếm có một khu nhỏ xíu của Hà Nội thủ đô văn hóa. Và ngày nay họ sống ở miền quốc gia ư? Quân đội viễn chinh Pháp còn kia, chúng chiến đấu và chết cho quyền lợi của chúng, tìm đâu ra chính nghĩa quốc gia bây giờ? Những người Việt ở hai bên trận tuyến cứ việc gục ngã, những người da đen nhược tiểu khác cứ việc gục ngã, những người lê dương không còn to quốc cứ việc gục ngã, những con dân nước Pháp cứ việc gục ngã- (riêng hạng sau này được đền bù xứng đáng hơn cả vì dầu sao họ cũng chiến đấu cho vinh quang xứ sở họ, dù là thứ vinh quang giả trá và đã từ lâu lõa lồ bất chính)- tất cả những người đó cứ việc gục ngã, máu, nước mắt, xương rơi thịt nát của họ đúc kết và tô hồng cho thành quả ngày thêm nặng chĩu trên đôi tay thỏa thuê của Quốc Tế Cộng Sản. Hữu xuống Nam Định dạy học. Khi tờ Văn Hóa ra đời, Hữu liên lạc mật thiết với Khiết và luôn luôn gửi bài về đóng góp ý kiến. Và, vẫn trên tờ Văn Hóa, phần tóm tắt tin chiến sự hàng tuần rập theo thông cáo chính phủ được thay thế bằng những bài phóng sự sống động của Lãng. Những dòng tường thuật đó luôn luôn là lời nói của ngôi thứ nhất kể lại với độc giả những gì mắt thấy tai nghe. Song song với cuộc chiến đấu anh dung của người Việt diệt Pháp ở Điện Biên Phủ (mà thành quả rơi vào tay cộng sản quốc tế) thì lò lửa thứ hai của chiến tranh là miền duyên hải Liên Khu Ba gồm bốn quận Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh (tức Nam Trực) và Giao Thủy họp thành tỉnh Bùi Chu. Nơi đây bộ mặt chiến tranh ở cái thế ngược lại với Điện Biên Phủ, nơi đây những binh sĩ quốc gia đấu trí và đấu súng quyết liệt với du kích và chính quy Việt Minh. Lãng rất bằng lòng được “chiếu ống kính” phóng sự về miền này, miền quê hương của chàng. Như một phỏng viên chiến tranh quốc tế thật sự, Lãng sống sát với hai bộ chỉ huy của hai tiểu đoàn khinh quân rất thiện chiến của tỉnh Bùi Chu: tiểu đoàn 19 đóng ngay ở tỉnh lỵ và tiểu đoàn 16 đóng ở Xuân Trường. Không đêm nàọ là không có cuọc chạm súng. Các chiến sĩ của hai tiểu đoàn trên đêm đêm vẫn về ở lẫn với thường dân để dễ bề phục kích địch. Đồng thời bốn tiểu đoàn địa phương quân mới thành lập đưa về giữ Hải Hậu. Các quận xung quanh nơi nào bất an quá dân chúng đều đổ về Hải Hậu, và đặc biệt tới ở làng Thương Điền - làng của Lãng - nơi an ninh được bảo đảm nhất. (Cách biển có một cây số, nơi này sau ngày ký hiệp định Geneve còn là địa điểm tập trung quan trọng của các đồng bào di cư ). Sớm nào cũng có hai trung đội thuộc tiểu đoàn 16 hay 19 phụ trách việc đi dò min mở đường từ Bùi Chu tới Thương Điền, khoảng hai mươi nhăm cây số. Lần đó, từ đêm hôm trước, Việt Minh đã lẫn vào làng Bích Câu, một làng bên bờ sông Ninh Cơ cách Bùi Chư chừng ba cây số. Họ bí mật huy động một số dân chúng đào hố cá nhân dọc theo con lộ. Từng mảng cỏ được giữ nguyên đặt lên phên đan. Khi năm mươi quân chính quy Việt Minh đã xuống ẩn dưới năm mươi hố cá nhân dọc theo hai bên lề con lộ thì phên cỏ được dặt khí dưới miệng hố. Đó là chiến thuật độn thổ. Bảy giờ sáng hôm sau khi hai trung đội của tiểu đoàn 19 mở đường tới đó, hai khẩu đại liên bên kia bờ sông Ninh Cơ lóe lửa quạt sang, tiếng nổ trầm và mạnh rung chuyển cả vùng, mội đợt gió sớm thổi mạnh tưởng như hai khẩu đại liên đỏ thét ra gió, dòng sông Ninh Cơ gợn sóng tưởng như tiếng đại liên còn gieo kinh hoàng xuống cả lòng sông nữa. Các chiến sĩ tinh thục của tiểu đoàn 19 đã nằm rạp xuống mặt đường. Đàn bà trẻ con làng Bích Câu bị cán bộ Việt Minh nằm lẫn bên trong từ tối hôm trước huy động ra đầu làng bắt phải hò reo ầm ĩ trong khi năm mươi binh sĩ chính quy Việt Minh tự các hố cá nhân vùng lên, cởi trần trùng trục, khí giới dao găm và súng lục. Một anh thiếu úy trung đội trưởng đã nhanh như cẳt vùng đứng lên lia loạt tiểu liên đầu tiên, tiếng anh hô lớn át cả tiếng đại liên bên kia bờ sông Ninh Cơ: - Chiến thuật độn thổ, các anh em! Đoàn quân lão luyện chiến trường đã vùng đứng lên cả, những loạt súng lia đều. Tiếng hô "chiến thuật độn thổ các anh em!” khiến họ hiểu ngay: hai khẩu đại liên bên kia sông Ninh Cơ chỉ là bắn cao trên đầu người để đánh lừa họ phải nằm bẹp xuống, lũ đàn bà trẻ con phải xua ra đứng reo hò ở đầu làng Bích Câu kia cốt để đánh lạc sự chú ý của họ, trong khi đó đoàn quân chính quy Việt Minh năm mươi người độn thổ lật phên cỏ sang bên, nhất tề nhảy lên định dùng dao găm súng lục diệt họ chớp nhoáng. Nhưng còn chớp nhoáng hơn, họ vùng đứng lên thành hai hàng xây lưng vào nhau ở giữa đường và cùng lia súng về hai bên. Bộ phận truyền tinh cũng đã gọi về secteur đóng ở làng Hành Thiện gần đấy. Trận phản phục kích độn thổ đó các chiến sĩ của tiểu đoàn 19 chỉ mất có mười phút lia ngã cả năm mươi Việt Minh, phía họ không ai bị sây sát gì cả. Secteur đã cho mấy chiếc thiết giáp tới bắn trả đũa sang bên kia bờ sông Ninh Cơ khiến hai đại liên bên đó vội vã rút lui. Chiến thắng này làm rạng rỡ lòng người quốc gia nhưng sự rạng rỡ đó cũng chóng như ánh hoàng hôn miền nhiệt đới, lầu chiều sụp đổ ngay, bóng tối ùa vào ngay, bởi đã quen sống trong hoàn cảnh mâu thuẫn xé lòng, họ tự đặt ngay câu hỏi: “Ai hưởng công lao anh dũng đó của những chiến sĩ Việt vùng quốc gia?”- “Thực dân!”. Niềm hân hoan của cả hai miền khi theo dõi chiến cuộc đè bẹp thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ cũng vậy. Ai hưởng mồ hôi, xương máu của hàng vạn chiến sĩ cầm súng và hàng chục vạn dân công? - Cộng sản! Ai nấy cảm thấy mình luôn luôn phải giữ thăng bằng mà tiến dọc theo con đường sắc như lưỡi dao! Cho đến ngày lưỡi dao oan nghiệt quaỵ ngang, thực dân một đầu, cộng sản một đầu, chúng theo cùng một hiệu lệnh ấn xuống xắt đôi nước Việt theo vĩ tuyến thứ 17 thành hai trận tuyến. Trở lại với mặt trận Bùi Chu, phía Việt Minh biết là khó có thể tiêu diệt hai tiểu đoàn 16, 19 tinh nhuệ, thêm nữa bên quận Giao Thủy họ còn bị các chiến sĩ của “tiểu đoàn áo nâu” luôn luôn nắm quyền chủ động đột kích, phục kích, truy kích tơi bời, họ bèn tìm kế xâm nhập làm nội tuyến một trong bốn tiểu đoàn địa phương quận đóng bên quận Hải Hậu. Khi thời cơ nội tuyến đã chín mùi, Việt Minh bất chợt tấn công, thế là ngoài đánh vào, nội tuyến vừa phá trong vừa đánh ra, có một ngày một đêm mà cả bốn tiểu đoàn tan tác, phần còn lại xơ xác đành chạy lên Bùi Chu gia nhập tăng cường cho hai tiểu đoàn khinh quân 16,19. Nói về “tiểu đoàn áo nâu”, cũng gọi là “tiểu đoàn trâu” tung hoành bên quận Giao Thủy, đây là một tiểu đoàn chính quy phần lớn binh sĩ là đồng bào thiểu số người Nùng. Họ sinh hoạt y hệt một tiểu đoàn địa phương quân tự trị. Họ luôn luôn bận quần áo nâu như thường dân - dọ đó cái tên “tiểu đoàn áo nâu”- Không thiết lập những đồn chính cùng đồn phụ cố định, họ lưu động khắp quận đêm nào cũng đi nằm nấp ở các bờ bãi, vô phúc quân đội Việt Minh lọt vào ổ phục kích của họ, chết không kịp trở tay. Thực tình Việt Minh khi biết là chạm trán phải tiểu đoàn áo nâu, lập tức mạnh ai nấy chạy mà thoát thân. Các làng tề theo quốc gia, tiểu đoàn áo nâu không bao giờ đụng chạm tới, nhưng làng tế ấm ớ nào dung dưỡng Việt Minh quấy phá, tiểu đoàn áo nâu thẳng tay tàn sát. Sau mỗi cuộc hành quân thắng lợi tiểu đoàn áo nâu tự động bắt một con trâu của vùng tề ấm ớ về ngả thịt tự khao - do đó cái tên thứ hai: “tiểu đoàn trâu”! Họ thương nhau như anh em ruột, một người ngã xuống họ căm thù, họ phản công, họ gài bẫy, họ truy kích bắt kỳ được đối thủ phải trả món nợ máu tức khắc, một trả mười hay hơn nữa. Tiểu đoàn áo nâu khi thoạt tới quận Giao Thủy, quân số nguyên vẹn gồm 500 người. Rồi xông xáo nay đây mai đó, phục kích tung hoành, quân số hao hụt nhưng họ nhất quyết không chịu bổ xung. Trận oanh liệt nhất của tiểu đoàn áo nâu mà dân chúng quận Giao Thủy thường nhắc nhở đến luôn như một giai thoại là trận tiểu đoàn để lại nơi tạm trú năm bạn đồng đội, đêm đến thắp đèn măng xông sáng chưng, thấp thoáng kẻ đứng người ngồi. Việt Minh ập tới định ăn thua một trận tốc chiến tốc thắng. Chợt ngọn đèn măng xông bị bắn vỡ tan, bóng đêm chụp xuống, năm “con mồi” lẩn xuống hầm bí mật nhường chiến địa cho toàn thệ chiến hữu khác từ bốn bề ập tới làm chủ tình thế tức khắc và tốc chiến tốc thắng gấp mười lần. Xác Việt Minh gục ngã ngổn ngang như dạ mùa. Những chiến hữu trong tiểu đoàn áo nâu có lý do để say sưa lâu dài hương vị chiến thắng, nhưng những người dân bên ngoài vui đấy mà buồn đấy, vui buồn nháp nháy như ánh sao, vì họ không bao giờ quên rằng đó là cốt nhục tương tàn để cho thực dân và cộng sản quốc tế đứng ngoài hưởng lợi, chúng dùng xác những đồng bào ngã xuống làm con bài mặc cả với nhau - ngày đó tin họp hội nghị Genève đã chính thức được xác nhận. Cho đến ngày hội nghị Genève bế mạc, phong trào di cư khởi xướng, tiểu đoàn áo nâu chỉ còn có trên dưới một trăm chiến hữu. Họ tự động giải tán. Nhưng tâm hồn Lãng tràn ngập trữ tình nhất phải kể đến những ngày chàng trở về quê cũ - làng Thương Điền- song hòa đồng với đám người đồng hương trong những ngày di cư và gặp lại ông Phụ. Chiến trường Bùi Chu vào hồi tàn cuộc chỉ còn vài đồn quan trọng nhất để bảo vệ tỉnh lỵ đồn Lạc Quần, đồn Cựa Gà và đồn Trà Trung. Tối hôm đó xung quanh Bùi Chu bỗng yên tĩnh lạ. Khoảng chín giờ tối dân chúng đã đi ngủ như thường lệ. Họ ẩn sớm vào giấc ngủ cho khuây khỏa mối sầu lo luôn luôn đè chĩu tâm hồn họ vào lúc ban ngày; cũng có nhiều người, lo đã nhiều rồi, hoang mang đã hoang mang nhiều rồi, lòng muốn sượng sần thành chai đi. Nửa đêm về sáng họa hoằn mới nghe thấy vài tiếng súng lẻ tẻ vọng lại từ xa. Nhưng sao hai đồn Lạc Quần và nhất là đồn Trà Trung đốt hỏa pháo nhiều thế? về gần sáng có tin sét đánh: quân đội rút khỏi vùng duyên hải này. Tại sao rút? Lời giải: rút lên Hà Nội tập trung lực lượng để rồi sẽ trở về. Tám giờ sáng, quân đội tập trung ở đồn Cựa Gà, một phần xuống tàu ngược sông Ninh Cơ lên Nam Định, phần còn lại theo đường ra biển lên tầu đi Hải Phòng. Những nhà giầu đã nếm mùi cộng sản bán vội gia cơ điền sản theo gót quân đội lên ở hẳn thủ đô hoặc ít ra cũng lên đến Nam Định. Dân chúng trung lưu chần chừ ở lại bèn vào mấy đồn cũ lượm những trái lựu đạn còn sót đem ra sông Ninh Cơ mở kíp ném xuống vớt cá. Nhưng bộ đội Việt Minh đã lác đác tới kia, tức thì miền quốc gia ruỗng nát biến thể thành miền Việt Minh, phi cơ bỗng sà xuống thả bom và bắn phá. Dân chúng thoạt ngơ ngác, nhưng rồi nhận thức ngay hoàn cảnh bị mắc kẹt giữa hai làn lửa. Thế là đa số quyết định thu vén của nả đưa nhau, dẫn dắt nhau, bồng bế nhau đi Nam Định, đi Hưng Yên, đi Hải Phòng, đi Hà Nội. Lúc đó Lãng đã về quê nhà- làng Thương Điền. Chàng còn ờ làng khá lâu nữa để chiếu ống kính phóng sự lên miền duyên hải quê hương cho đến ngày chàng cùng ông cậu xuống bè ra biển lên tầu đi Hải Phòng. Ngoài bãi biển vào một ngày đầu di cư ông Phụ cũng đã tợp hết cút rượu, mặt đỏ gay, đôi mắt hấp háy, ông dời bãi biển đi lên, qua rừng phi lao, leo lên đê cao, nhìn xuống khu ruộng muối màu xám ẩm với những con kênh lấp lánh như bạc, xa chút nữa làng Thương Điền với lũy tre xanh kéo dài trên ba cây số, và khi thầy từng đám người iũ lượt kéo nhau đi, ông cất tiếng cười sảng khoái hét lớn câu khôi hài từ mười năm nay của ông: - Ha ha! Màààn... từ từ.. hạ!!! II Ông Phụ lẽ ra phải là người cộng sản lý tưởng mới phải. Thuở còn là thanh niên Phụ đã có lần cầm đầu đám nhà nông làng chống lại quan Thượng Quá, một trong tứ trụ triều đinh, đòi được dẫn tô nhẹ. Cả miền duyên hải dài một trăm cây số này từ Quần Tròn qua Hạ Trại đến Thương Điền, rồi lại từ Thương Điền qua Văn Lý ngược lên đến Bách Quất Lâm không nơi nào là không có ruộng đát của quan Thượng Quá. Cuộc tranh đấu đòi giảm tô của chàng thanh niên Phụ thất bại vì không ông quan sở tại nào dám đụng đến uy quyền của một vị trong tứ trụ triều đình. Chàng thanh niên Phụ buộc lòng phải bỏ nghề nông sang nghề làm muối. Nghề nông một sương hai nắng bị chủ điền bóc lột, nghề muối vất vả không kém bị nhà đoan bóc lột còn tàn nhẫn hơn nữa. Lề - sân làm muối - của Phụ được miết vôi kỹ nhất, mịn nhất. Cái xêu để vãi cát của Phụ được bào nhẵn nhất, cái trang để vun cật của Phụ được gọt vuông nhất. Rồi kể cả từ cái chạt để lọc nước muối đến cái thống (xống) để dự trữ nước cái của Phụ đều được làm kỹ làm đẹp nhất làng. Sáng ra nhìn ráng mây, xem hướng gió, Phụ có thể tiên đoán thời tiết rất đúng để quyết định công việc trong ngày trước khi bặt lề (quét sân muối) hoặc vãi cát. Xưa người ta dùng quả bầu phơi khô làm gáo vục nước cái từ thống đổ vào lề, vì vậy mà gọi là cái bầu, nhưng bầu nhỏ quá! Chính Phụ có sáng kiến đan bầu lớn bằng tre rồi lấy sơn sống trộn với sắn thuyền phết kín bên ngoài, vục cho nhanh. Mặc dầu là một thanh niên chịu khó, thông minh, giàu sáng kiến như vậy mà đời sống của Phụ vẫn cực nhọc và nghèo xơ nghèo xác. Giận thân giận đời, một sớm kia Phụ đập bầu, đập xêu, đập trang, đập lề, bỏ làng đi! Thì ra Phụ sang làng Xuân Lũy cách đây ba cây số xin một chân tá điền. Trở lại nghề làm ruộng, Phụ lại lãnh đạo anh em đứng lên xin giảm tô, người chủ điền rất biết điều ưng ngay lời đề nghị, đôi bên cùng hỉ hả, chính thái độ lao tư họp tác này (mà yểu tố kích thích là Phụ) đã làm cho làng Xuân Lũy phồn thịnh hẳn. Phụ lấy vợ. Người đàn bà đó không đẹp nhưng hiền thục. Người làng Thương Điền vẫn phải lên Xuân Lũy vớt rong vớt bèo về nuôi lợn, mỗi lần gặp người làng như vậy, thế nào hai vợ chồng Phụ cũng mời bằng được ăn với mình bữa cơm rồi khi về lại biếu thêm ít khoai luộc, sắn luộc, sống hòa thuận mặn nồng với vợ hiền có được hai con trai, sống hòa thuận cởi mở với chủ, với những người xung quanh, với bà con làng nước cũ, làm ăn tuy vất vả nhưng mát mặt, Phụ luôn luôn nhớ ơn vợ về những điểm đó. Hình bóng người đàn bà có đức ấy đồng hóa với khoảng thời gian mười lăm năm hạnh phúc nhất của đời Phụ. Bất hạnh khởi sự trở lại vào năm đói- 1945. Làng Xuân Lũy được chủ điền vui lòng cho mọi người vay thóc ăn cầm hơi đợi vụ chiêm nộp trả. Làng Thương Điền quê hương ông Phụ - kể từ đây phải gọi là ông Phụ - được các hương lý biết cách đòi đổi bông muối lấy bông gạo. Vì vậy trong khi các làng lân cận như Văn Lý, Xuân Hà, Hạ Trại người chết đói ngổn ngang thì riêng hai làng Thương Điền, Xuân Lũy nạn đói chỉ làm lảo đảo một số chứ không ai bị ngã quỵ. Thoạt bà Phụ nhân đức cho thổi một nồi cơm lớn, nắm thành nắm nhỏ để phát cho những nạn nhân từ các làng lân cận đến, nhưng số người ùn ùn tới, nồi cơm như gió thoảng qua nhà trống và cảnh tranh cướp càng khiến hai ông bà đau lòng. Nạn đói làm mọi người có cảm tưởng hạt gạo xốp hẳn, hạt cơm nở bung, nhưng ăn bao nhiêu cũng không thấy no. Nói vậy thôi chứ gia đình nào con cái lớn biết nghĩ mà chẳng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, huống chi hai đứa con trai mười lăm, mười ba của ông bà Phụ lại thuộc vào hạng hiếu hạnh giống mẹ. Rồi gia đình ông Phụ bắt đầu phải ăn cháo. Vườn xu hào cùng những khóm củ giong, củ chóc quanh nhà ông đêm đêm bị những đứa trẻ khá lớn ở truồng tồng ngồng lẩn vào vặt trụi, xu hào ăn cả lá, củ giong, củ chóc nhổ lên ăn sống, lá chóc được tước ra để ăn phần cuống ngòn ngọt... Cả hai ông bà Phụ đều biết đấy, nhưng biết làm thế nào, đến giết họ còn chẳng sợ nữa là đuổi, thôi thì đành “chết một đống còn hơn sống một thằng”- ông bà cũng nghĩ vậy để tự an ủi. Vả vụ chiêm cũng sắp được gặt rồi! Một buổi chiều trên đường tự ngoài đồng về, ông Phụ dừng lại trước cổng làng: dựa vào cánh cổng, một người đàn bà ngửa cổ, há miệng, một bàn tay chìa ra như đương xin, nhưng bà đã chết tự bao giờ, nằm sát bên bà là đứa con gái khá lớn, tròng mắt trừng trừng có động đậy đôi chút nhưng cô bé đã mê man. Quần áo cũng tả tơi rách mủn, cả hai mẹ con một sống một hấp hối đó gần như khỏa thân. Đứa con gái đã được ông Phụ mang về đổ cháo cho ăn cứu sống, (ổng vừa ra thăm đồng về biết chắc vài hôm nữa đã có một đám ruộng gặt tạm được). Hôm lúa chiêm gặt về giời mưa trọn ngày, ông Phụ phải dùng lược tuốt lấy thóc, đổ vào chảo rang cho khô và xay ngay lấy gạo thổi cơm ăn. Buổi rang thóc đó khói hun hai mắt ông xưng húp, thỉnh thoảng trong chảo rang có hạt thóc nào sớm quá độ nóng nở bung trắng như hoa cau ông lại lấy ra đưa cho vợ hay ba con - đứa con gái được cứu sống là con nuôi- nếm thử hạt gạo đầu mùa. Bà Phụ bỗng lên một cái đinh râu. Coi như cái mụn thường, bà soi gương tự nặn lấy. Hôm sau cả một bên mặt bà sưng vù không mở được mắt, cơn sốt lên bừng bừng, thuốc thang không gỡ kịp, năm ngày sau thì mất. Thế là qua được nạn đói khủng khiếp lại chết về đinh râu, đi biển không chết, chết ở rãnh ngòi! Người vợ hiền chết đi mang theo cả linh hồn hạnh phúc, ông Phụ chẳng thiết làm ăn gì nữa bắt đầu rượu chè be bét, tính tình ngang ngạnh dần, rồi văng tục, rồi chửi đổng... Cách mạng tháng tám thành công, có tin con giai cụ Thượng Quận bị làm nhục ở quê nhà vùng Hà Đông, còn quan Thượng ở thủ đô thì vừa lo vừa uất mà chết. Nhớ lại mối thù ngày nào tranh đấu giảm tô thất bại, ông Phụ cười ha hả sặc sụa mùi rượu, hét lớn lần đầu tiên câu: “Màn...từ từ...hạ!” Rồi kể từ đấy câu trên bỗng thành câu tán thán cửa miệng của ông Phụ nhiễm tính chất bi hài. Tất cả những việc lớn nhỏ có tính cách thương hải biến tang điền, đương giàu sang bỗng nghèo hèn, mới đây kiêu ngạo nay bị làm nhục... đều được ông Phụ phê bình gọn trong hơi rượu sặc sụa: “Màn...từ từ...hạ!”. Sau này tất cả người làng Thương Điền đều gọi ông là ông “Màn...từ từ...hạ!” Ông dời làng Xuân Lũy mang ba con trở lại làng Thương Điền nhưng không thích ở trong làng mà dựng một căn nhà nhỏ khoảng giữa đê và rừng phi lao. Thấy vậy người làng bèn ủy cho ông hai việc: coi cống dẫn nước biển vào các kênh quanh ruộng muối và coi rừng phi lao. ông nuôi thêm một đàn dê nữa. Càng ngày ông càng nát rượu, hễ thấy bất cứ ai, bất cứ cái gì ngang ngạnh hay không hợp lý là ông chửi. Hồi Việt Minh mới lên, ông chỉ vào các khẩu hiệu mà chửi đổng, khi chính quyền quốc gia tới ông chỉ và các áp-phích có hình Bảo Đại mà chửi đổng. Việt Minh thắng là “màn...từ từ...hạ” cho những anh quốc gia thối nát; quân quốc gia thắng là “màn...từ từ...hạ” cho những anh Việt Minh gian hùng. Người làng kể là đêm đêm ông Phụ vẫn thường ra rừng phi lao ngồi tựa vào một gốc cây lớn để rồi ngẫng nhìn trời sao mà thủ thỉ thù thì như hệt đương nói chuyện với bà Phụ xưa. Thằng con trưởng của ông vào lính quốc gia rồi tử trận. Từ đấy câu “màn...từ từ...hạ” thường dùng để riễu Việt Minh nhiều hơn. Và ông càng uống rượu. Ấy tuy cả ngày sặc mùi rượu, nhưng việc canh cống và rừng thông thì bao giờ cũng chu đáo. Có những lần nước biển bất chợt dâng lên quá cao, nửa đêm ông cũng chạy về làng báo cho mọi người hay mà chuẩn bị đề phòng, ông đã cải táng cho bà Phụ, ngôi mộ xây gần ngay căn nhà tranh ông ở. Người làng bắt gặp nhiều buổi chiều ông ngồi xếp bằng tròn bên cạnh mộ vợ, ngửa cổ tu cút rượu, tay vê vê hột lạc rang rồi vừa nhấm nháp như vậy vừa thì thầm nói chuyện một mình những gì. Vào những lúc ông tinh tỉnh người làng có đề nghị: “Này ông Phụ, tục huyền đi!” Ông thường cười buồn rầu và lần nào cũng chỉ về phía mộ mà nói: “Gặp ai hiền như bà ấy thì tôi lấy”. Nhưng lời đề nghị trên gặp lúc ông say ông chỉ về phía mộ mà gầm lên: “Màn... từ từ...hạ!” Đàn dê của ông Phụ khi chán khu rừng phi lao leo lên đê rồi mon men đến bờ kênh dẫn nước mặn, đã đôi lần có con sẩy chân sa xuống thống trữ nước mặn. Giống dê hễ nước vào tai là chết, biết vậy ông Phụ cho làm thịt ngay, chia phần thịt sống biếu các anh em bà con thân tình. Khi rượu say rồi ông chửi thằng anh tại sao lại đi lính để chết uổng mà không ở nhà trông đàn dê cho ông, ông chửi thằng em “vô tích sự” chỉ biết đi học không biết trông đàn dê, ông chửi cô con gái nuôi là tu đến mười đời cũng không bén gót mẹ. Chửi chán rồi ông hét lên để chấm dứt: “màn... từ từ...hạ!” Đêm đêm mấy người đánh vó đem cút rượu đến biếu ông để ông chỉ cho biết là con nước như thế thì quãng nào có nhiều cá (cá đối, cá nục, cá vược, tôm rát...) Lũ trẻ con làng cũng thích ông Phụ vì ông hay kể chuyện ma cho chúng nghe. Giang sơn của ông là khu bãi biển Thương Điền, cả khu rừng phi lao ven bãi biển, cả con đê dài với chiếc cống lớn nước biển xuyên qua tiếng réo như tiếng âm hồn, thì làm gì mà ông chẳng nhiều chuyện ma. ông nhắc chuyện mấy năm trước đây có chiếc tàu buôn bị bão đánh đắm ngoài khơi, một số xác chết dạt vào bãi Thương Điền. Người làng mời ông uống rượu rồi nhờ ông chôn cất dùm những xác vô chủ đó. Trong số xác chết ông thấy có hai xác chết ôm nhau, một đàn ông một đàn bà, tất nhiên là hai vợ chồng, ông đặc biệt chôn ưu đãi hai vợ chồng này gần nhau bên một gốc phi lao lớn cách mồ bà Phụ không xa. Ông lại căn dặn con trai và con gái là khi ông chết thi cũng chôn ông gần bà Phụ như thế. ông kể với lũ trẻ con làng Thương Điền là nhiều đêm ông nghe thấy tiếng khóc nỉ non bốc lên từ hai nấm mộ vợ chồng kia rồi một lúc sau thì có hai vầng lửa đỏ bằng hai cái nia dập dìu đi ra tận ngoài khơi rồi lại dập dìu về. Lũ trẻ nhiều khi cũng phá lắm, chúng tập trận giả làm gãy những cây phi lao nhỏ. Ông Phụ cầm dao dọa đuổi, chúng biết tính ông nên chỉ chạy lấy lệ. Ông dọa chúng là tối đến ông sẽ bảo hai vợ chồng ma về bóp cổ chúng, chúng bèn vít cổ một con dê và dọa lại ông là sẽ dìm dê xuống biển cho nước vào tai. ông gầm lên “Chúng bay là những con nhà mất dạy, chúng bay sẽ thấy màn... từ từ..hạ!” Ông gả chồng cho cô con gái nuôi. Khi nhà trai đến rước dâu đi ông khóc nức. Buổi chiều ông uống rượu, ông kể công nuôi “nó” từ năm đói để đến bây giờ là “màn... từ từ..hạ!” Hiệp định Genève ký, dân chúng ùn ùn di cư, ông cũng hả hê một cách không hề có ác ý và nhiều lần hô lớn câu “màn... từ từ..hạ!” Nam Định tiếp thu, đường Hà Nội Nam Định bị vít kín, các sông nhánh đổ ra Hải Phòng bị vít kín, dân chúng các miền lân cận đặc biệt đổ xô về Thương Điền, Hạ Trại vì biển vùng này ăn sâu vào đất liền sóng yên, bãi cát phẳng mịn và rắn không lầy bùn. Một số thanh niên địa phương đã lên Hải Phòng theo các lớp huấn luyện trở về hướng dẫn các đồng bào di cư. Đại diện xã đã biết cách liên lạc với tàu Pháp ngoài khơi để tổ chức thành từng chuyến di cư (lúc này tàu Pháp lại là cứu tinh). Có những bức thư của các bà con đã vào tới Sài Gòn viết ra Hải Phòng, chuyển về Thương Điền, rồi luân chuyển cho cả hàng huyện dọc. Các gia đình tới vùng này mua sẵn bè nứa, hễ thấy bóng tầu xanh xanh ngoài khơi là hàng ngàn người trên trăm bè chèo ra. Có hạng người chuyên đi thu thập những bè hoang dạt vào để bán lại cho những gia đình đến sau. Sổ công an, cán bộ Việt Minh về để cản trở phong trào di cư ngày một đông, cách tuyên truyền đủ cương nhu. Nào đến Hải Phòng thì đồng bào bị đế quốc tiêm vi trùng vào người, tiêm thuốc cho không sinh đẻ được, nào ủy Hội Quốc Tế đã bắt được quả tang đế quốc bỏ thuốc độc vào nước tại trại tiếp cư Hải Phòng, nào đế quốc đưa đồng bào ra giữa biển thì nhấn chim tầu, nào bao nhiêu phi cơ cũ chở đồng bào gặp bão cũng rớt xuống biển nốt, nào trong Nam đảng Bình Xuyên cướp của giết người như ngóe... Cô con gái nuôi ông Phụ lấy chồng làng bên không di cư. ông Phụ cho thằng con trai theo bà con vào Nam lập nghiệp để rồi “liệu mà ra chiếm lại đất Bắc”- ông dặn thế. Anh em bà con giục ông cùng đi ông chỉ lắc đầu, cậu con dục ông đi, ông trừng mắt chỉ về phía mộ: “Tao cũng đi nốt để mẹ mày cho ai? Con nhà bất hiếu bất mục!” Lãng thu xếp cho gia đinh ông cậu đi cùng chuyển với con ông Phụ. Chuyến này cán bộ và công an Việt Minh định làm dữ, có thêm mấy anh du kích cầm súng ngập nghé đứng phía rừng phi lao. ông Phụ vung dao chửi- “Đ.m. chúng bay sao lại muốn giữ người ta lại? Chúng bay có biết hôm qua dân làng Hạ Trại chặt đứt tay mấy thằng xô ra định níu bè lại không? Các anh em hãy rút dao ra!” Những người có dao đều rút ra. Công an, cán bộ Việt Minh lùi lại” Qua tháng 9-1954 bộ đội Việt Minh về nhiều và họ ngăn chặn hữu hiệu những người muốn ra đi. Những ai đi thoát sau này đều phải lẩn về đêm thiên nan vạn nan. Ban ngày tầu Pháp phải đi dọc ngoài khơi và thủy phi cơ cũng bay dọc theo để cứu những chiếc bè phiêu lưu của hàng ngàn đồng bào di cư muộn. Trong số này có những người làng Thương Điền. Họ kể lại với anh em bà con rằng ngày nào ông Phụ cũng ra bờ biển nói lớn giữa lũ cán bộ và bộ đội Việt Minh: “Cửa bể Ba Lạt trên đây thì bồi, vùng này thì lở, rừng phi lao giồng kia đâu có chặn được, rồi chẳng bao lâu cả vùng Thương Điền này thành bể, ha ha, màn... từ từ... hạ!” Cũng nên nói ngay về số phận ông Phụ ở lại. Di cư vào Nam được ít lâu thì cậu con trai của ông nhận được bưu thiếp đầu tiên của người em gái nuôi ở lại nói bóng việc ăn khoai trừ bữa là “làng nhà dạo này vo gạo bằng rỗ” Bưu thiếp thứ hai cô báo tin: “thầy đã được đi học tập miền xa chưa về". Bưu thiếp thứ ba và cũng là bưu thiếp cuối cùng báo tin ngắn gọn: “Thầy đã mất!" Thế là màn đã thật từ từ hạ lên đời ông Phụ, chẳng biết ông chết thế nào, chết ở công trường hay chết vì đấu tố và sau khi chết ông có được toại nguyện chôn bên người vợ hiền xưa?