ố nhiên, Ernest được bầu vào Quốc hội, giữa lúc quần chúng đổ xô theo chủ nghĩa xã hội, hồi cuối năm 1912. Một yếu tố lớn đã giúp cho số phiếu của Đảng Xã hội tăng lên, đó là việc đánh đổ Hearst. Việc này giai cấp tài phiệt coi cũng dễ như trở bàn tay. Mỗi năm Hearst bỏ mười tám triệu đô-la để ra các loại báo khác nhau. Ông ta thu về số tiền đó - còn hơn nữa là khác - là nhờ chỗ giai cấp trung lưu gửi đăng quảng cáo. Nguồn thế lực tài chính của ông ta hoàn toàn trông vào giai cấp trung lưu. Các tơ-rớt không đăng quảng cáo 1. Muốn triệt Hearst, chỉ cần tước hết các quảng cáo của ông ta là đủ. Giai cấp trung lưu vẫn chưa bị tiêu diệt toàn bộ. Bộ xương khổng lồ của nó vẫn còn, nhưng đã hết sức mạnh. Các nhà tiểu công nghiệp và tiểu doanh nghiệp còn sống sót hoàn toàn bị bọn tài phiệt thao túng. Họ không còn cái hồn kinh tế. cũng không còn cái hồn chính trị của họ nữa. Khi bọn tài phiệt ra lệnh, họ liền rút quảng cáo vẫn đăng trên các báo chí của Hearst. Hearst chống lại rất anh dũng. Ông ta chịu lỗ mỗi tháng một triệu rưởi để ra báo. Ông ta tiếp tục đăng quảng cáo mặc dầu không ai trả tiền. Bọn tài phiệt ra lệnh, cho các nhà tiểu doanh nghiệp và tiểu công nghiệp tới tấp gửi thư về đòi ông ta phải thôi không được đăng những quảng cáo cũ của họ nữa. Hearst cứ đăng.Toà án sức về bắt thôi, Hearst vẫn cứ đăng. Ông ta bị sáu tháng tù vì tội khinh thường không tuân lệnh toà án, giữa lúc ông ta vỡ nợ vì bị không biết bao nhiều người kiện đòi bồi thường. Ông ta không thoát ra lối nào được. Bọn tài phiệt đã tuyên án ông ta. Các toà án đều nằm trong tay bọn tài phiệt để thi hành án. Và Hearst đổ thì Đảng Dân chủ mà ông ta vừa nắm được cũng đổ theo. Sau khi Hearst và Đảng Dân chủ bị phá sản, những người theo Hearst chỉ còn hai con đường. Một là vào Đảng Xã hội; hai là vào Đảng Cộng hoà. Thế là bao nhiêu công lao của Hearst làm để tuyên truyền giả danh cho chủ nghĩa xã hội, chúng tôi thừa hưởng hết; vì tuyệt đại đa số những người theo ông ta chạy sang với chúng tôi. Hồi này là hồi các chủ trại bị tước đoạt tài sản. Giá không có Đảng Kho thóc dấy lên hoạt động một cách ngắn ngủi và vô ích, thì chúng tôi còn nhờ thế mà được thêm nhiều phiếu. Ernest và các lãnh tụ của Đảng Xã hội đấu tranh rất quyết liệt để tranh thủ các chủ trại, nhưng việc các báo chí và nhà xuất bản của Đảng Xã hội bị thủ tiêu đã trở thành một trở ngại quá lớn, trong khi việc tuyên truyền miệng chưa được tổ chức chu đáo. Thành thử những nhà chính trị như ông Calvin, bản thân là chủ trại bị tước đoạt tài sản từ lâu, đã tranh thủ được các chủ trại và ném lực lượng chính trị của họ vào một cuộc chiến đấu vô ích. Một hôm, Ernest cười rũ rượi nói: - Khốn khổ thay các ông chủ trại! Các tơ-rớt bịt hết lối tiến thoái của họ rồi! Tình hình quả như thế thật. Bảy tơ-rớt lớn câu kết với nhau, hùn chỗ hàng ế thừa khổng lồ của chúng lại và lập một tơ-rớt trang trại. Từ lâu các công ty xe lửa kiểm soát giá vận tải, cùng với các chủ ngân hàng và bọn đầu cơ chứng khoán, kiểm soát giá thị trường. đã bóp hầu bóp cổ các chủ trại và dồn họ vào thế phải đi vay nợ. Từ lâu bọn chủ ngân hàng, và tất cả các tơ-rớt lớn, đã bỏ ra những món tiền kếch sù cho các chủ trại vay. Các chủ trại đã sa vào lưới. Chỉ còn có việc kéo lưới lên là xong hết và tơ-rớt trang trại đã làm việc đó. Thời kì khó khăn năm 1912 đã gây ra một tình trạng bế tắc khủng khiếp trên thị trường nông phẩm. Giá hàng bị đánh tụt ghê gớm khiến nhiều người vỡ nợ, trong khi đó thì các công ty xe lửa đè gãy lưng con lạc đà chủ trại bằng những giá vận tải cắt họng. Thành thử các chủ trại buộc phải vay nợ ngày càng nhiều trong khi họ không sao trả được những món nợ cũ. Tiếp đó, các văn tự cầm cố hết hạn và họ bắt buộc phải trả nợ. Các chủ trại đành nộp ruộng đất cho tơ-rớt trang trại. Họ cũng chẳng còn cách nào khác. Nộp ruộng đất xong, các chủ trại đi làm cho các tơ-rớt trang trại, trở thành quản lí, quản đốc, đốc công và lao công thường. Họ làm thuê để lấy lương. Nói vắn tắt một câu thì họ thành một lũ nông nô bị trói chặt vào ruộng đất bằng đồng lương để sống. Họ không thể thoát li chủ được, vì chủ họ chính là bọn tài phiệt. Họ không thể ra thành phố, vì ở đó cũng vẫn là bọn tài phiệt nắm quyền kiểm soát. Họ chỉ còn một lối thoát; dời bỏ ruộng đất để đi tha phương cầu thực, tóm lại, để chết đói. Mà ngay lối thoát này cũng bịt nốt, vì Nhà nước đã thông qua và đem thi hành ráo riết những đạo luật nghiệt ngã về việc tha phương cầu thực. Cố nhiên ở một vài nơi, do hoàn cảnh đặc biệt, có những chủ trang trại, thậm chí những tập đoàn chủ trại thoát khỏi cảnh bị tước đoạt tài sản. Nhưng họ chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, không đáng kể, và đến năm sau thì họ cũng chịu chung một số phận như những người khác 2. Vì thế cho nến cuối năm 1912, các lãnh tụ Đảng Xã hội, trừ Ernest, quả quyết rằng chủ nghĩa tư bản đã đến ngày cáo chung, chính là như vậy. Nào là thời thế khó khăn, cơ man nào là người thất nghiệp, nào là tầng lớp chủ trại và giai cấp trung lưu bị tiêu diệt, nào là các nghiệp đoàn bị đánh bại không ngóc đầu lên được nữa; những người xã hội chủ nghĩa đã tưởng chủ nghĩa tư bản đến lúc hết thời, hèn nào họ chẳng thách đọ găng với bọn tài phiệt. Khổ thay, chúng tôi thật đã đánh giá quá thấp sức mạnh của kẻ địch! Ở khắp nơi, những người xã hội chủ nghĩa đều tuyên bố họ sắp thắng trong tuyển cử và nhận định tình hình bằng những lời lẽ quyết đoán hết sức. Giai cấp tài phiệt nhận lời thách thức. Sau khi cân nhắc, tính toán, nó đã dùng thủ đoạn chia rẽ để đánh bại chúng tôi. Chính bọn tài phiệt thông qua bọn tay sai bí mật, đã la lối lên rằng chủ nghĩa xã hội là vô thần, xúc phạm đến Chúa, chính bọn tài phiệt đã kích các giáo hội, nhất là Nhà thờ Cơ đốc, vào một trận tuyến, và cướp của chúng tôi một phần phiếu của nhân dân lao động. Dĩ nhiên cũng chính bọn tài phiệt thông qua bọn tay sai bí mật, đã khuyến khích Đảng Kho thóc, thậm chí đã phát triển Đảng này vào các thành phố lớn, vào hàng ngũ của giai cấp trung lưu đang giãy chết. Tuy nhiên quần chúng đông đảo vẫn đổ xô theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng, đáng lẽ chúng tôi đại thắng và giành được những chức vụ chủ chốt trong bộ máy hành chính và đa số trong các cơ quan lập pháp, thì chúng tôi lại bị thiểu số. Chúng tôi có bầu được năm mươi nghị sĩ quốc hội thật, nhưng khi họ nhận nhiệm vụ vào mùa xuân 1913, họ tự thấy không có một chút quyền lực nào. Tuy vậy, họ vẫn còn may mắn hơn người của Đảng Kho thóc: những người này giành được nhiều chức vụ trong chính phủ của mười hai bang, nhưng không được nhậm chức. Bọn người đang giữ những chức vụ nói trên nhất định không rút lui, mà toà án thì đều nằm trong tay tập đoàn thiểu số thống trị. Nhưng thôi, nói đến những sự kiện này thì sớm quá. Tôi phải kể lại cái thời kì sóng gió vào mùa đông năm 1912 đã. Thời thế khó khăn trong nước đã khiến cho sức tiêu dùng của toàn dân thụt xuống một cách ghê gớm. Lao động thất nghiệp không có tiền mua bán. Kết quả là số hàng ế thừa trong tay giai cấp tài phiệt tăng đến một mức chưa từng thấy. Chúng bắt buộc phải đẩy số hàng ế thừa đó ra nước ngoài và cần tiền để thực hiện những âm mưu khổng lồ của chúng. Vì cố tìm mọi cách để tống số hàng thừa ra thị trường thế giới, bọn tài phiệt vấp phải nước Đức. Các cuộc chạm trán về kinh tế thị trường đưa đến chiến tranh, cuộc chạm trán đặc biệt này cũng vậy. Tên vua chiến tranh nước Đức chuẩn bị, và nước Hoa Kỳ cũng chuẩn bị. Nguy cơ chiến tranh treo trên đầu mọi người như một đám mây đen khủng khiếp. Người ta đã dựng xong sân khấu cho một cuộc thảm hoạ thế giới; vì khắp thế giới đều khủng hoảng, lao động dấy lên, các giai cấp trung lưu phá sản, thất nghiệp đầy rẫy, va chạm quyền lợi ngày càng nhiều trên thị trường thế giới, khắp nơi người ta bàn tán xôn xao cách mạng xã hội chủ nghĩa 3. Tập đoàn thiểu số thống trị muốn gây chiến tranh với nước Đức. Chúng muốn chiến tranh vì nhiều lí do. Chiến tranh nổ ra thì chúng sẽ tha hồ đục nước thả câu, chúng sẽ đánh tráo những con bài quốc tế. sẽ kí kết những hiệp ước và những khối liên minh mới, sẽ tha hồ phát tài. Ngoài ra, chiến tranh sẽ giúp chúng tiêu thụ những hàng ế thừa trong nước, giảm những đội quân thất nghiệp đang đe doạ tất cả các nước và khiến cho tập đoàn thiểu số thống trị có chỗ thở để chúng hoàn chỉnh các kế hoạch của chúng và đem thực hiện. Chiến tranh sẽ giúp cho tập đoàn thiểu số thống trị thực sự nắm được thị trường thế giới. Chiến tranh còn tạo ra một đội quân thường trực lớn không cần phải thải hồi và trong đầu óc nhân dân, khẩu hiệu "nước Mỹ chống nước Đức" sẽ thay thế cho khẩu hiệu "chủ nghĩa xã hội chống tập đoàn thiểu số thống trị". Và nếu không có những người xã hội chủ nghĩa thì chiến tranh đã đưa đến tất cả những kết quả đó thật. Một cuộc hội nghị bí mật giữa những người lãnh đạo phong trào ở miền Tây đã nhóm họp trong bốn gian phòng tí tẹo của chúng tôi, ở phố Pell. Trước hết, hội nghị bàn về lập trường mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải có. Trên thế giới, đây không phải lần đầu tiên những người xã hội chủ nghĩa dập tắt ngọn lửa chiến tranh 4, nhưng ở Hoa Kỳ đây là lần đầu tiên chúng tôi làm như vậy. Sau hội nghị, chúng tôi tiếp xúc với tổ chức toàn quốc của Đảng, và không bao lâu điện mật mã của chúng tôi đánh đi đánh về qua Đại Tây Dương, giữa chúng tôi và Ban Thường vụ Quốc tế. Những người xã hội chủ nghĩa Đức sẵn sàng phối hợp hành động với chúng tôi. Họ có tất cả trên năm triệu người, nhiều người nằm ngay trong quân đội thường trực, và thêm vào đó có quan hệ rất tốt với các tổ chức công đoàn. Ở cả hai nước, những người xã hội chủ nghĩa đều ra một tuyên bố táo bạo chống chiến tranh và doạ tổng bãi công. Và trong khi chờ đợi, họ chuẩn bị tổng bãi công. Không những thế, các đảng cách mạng ở tất cả các nước đều công bố nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về việc giữ hoà bình quốc tế bằng mọi cách, dù có phải khởi nghĩa hay làm cách mạng ở trong nước thì cũng làm. Cuộc tổng bãi công đã thắng lợi lớn lao duy nhất mà những người xã hội chủ nghĩa Mỹ chúng tôi giành được. Ngày 4 tháng 12, đại sứ Mỹ ở thủ đô nước Đức bị triệu hồi. Đêm hôm đó, một hạm đội của Đức tấn công vào Honolulu, đánh đắm ba tuần dương hạm Mỹ cùng với một tàu tuần tiễu hải quân và nã đại bác vào thành phố. Hôm sau, cả hai nước Đức và Hoa Kỳ cùng tuyên chiến, và trong vòng không đầy một tiếng đồng hồ, những người xã hội chủ nghĩa kêu gọi bãi công ở cả hai nước. Đây là lần đầu tiên tên Đức hoàng hiếu chiến phải đương đầu với nhân dân nước y, những người làm cho bộ máy đế quốc của y hoạt động. Không có những người này thì y không thể làm cho đế quốc của y chạy được. Chỗ mới của tình hình là họ làm một cuộc khởi nghĩa thụ động. Họ không tấn công. Họ không làm gì hết, và bằng cách chẳng làm gì hết, họ đã trói chặt tay của tên vua chiến tranh nước họ. Tên vua chiến tranh này không mong gì hơn là tìm được cơ hội tốt để thả đàn chó chiến tranh của y ra cho xông vào cắn xé giai cấp vô sản đang làm loạn ở nước y. Nhưng y không làm được. Y không huy động được quân đội ra mặt trận, cũng không trừng trị được lũ thần dân cứng cổ. Bộ máy đế quốc của y không còn một bánh xe nào hoạt động. Không có lấy một đoàn tàu chạy, không có lấy một bức điện báo truyền trên đường dây bởi vì nhân viên điện báo và nhân viên hoả xa đều đã nghỉ việc cùng với các tầng lớp nhân dân khác. Và bên Đức thế nào thì bên Hoa Kỳ cũng thế! Cuối cùng, giới lao động có tổ chức đã rút được bài học của họ. Bị đánh bại trên trận địa mà tự mình đã chọn lấy, họ đã rời bỏ trận địa đó và chuyển sang trận địa chính trị của những người xã hội chủ nghĩa; vì cuộc tổng bãi công là một cuộc bãi công chính trị. Vả lại, giới lao động có tổ chức đã bị đánh bại một cách hết sức tàn bạo, họ cũng chẳng cần gì nữa. Họ tham gia bãi công cũng vì họ đã hoàn toàn thất vọng. Công nhân vứt dụng cụ và bỏ việc hàng triệu người. Đặc biệt đáng chú ý là anh em công nhân cơ khí. Đầu họ còn bê bết máu, tổ chức của họ rõ ràng đã bị phá tan, ấy thế mà họ cũng xuống đường đấu tranh, cùng với đồng minh của họ là những anh em công nhân ở các ngành luyện kim. Ngay cả những anh em lao công thường và những người lao động không có tổ chức cũng bỏ việc. Cuộc tổng bãi công đã khoá chặt mọi ngành hoạt động, đến nỗi cũng không ai có thể đi làm được. Ngoài ra, chị em phụ nữ đã tỏ ra là những người cổ võ bãi công hăng nhất. Họ kiên quyết chống chiến tranh. Họ không muốn chồng con họ phải đi làm bia đỡ đạn. Rồi thì ý niệm tổng bãi công đã ăn sâu vào tâm lí nhân dân. Nó đập vào óc hài hước của họ. Ý niệm đó lan nhanh như bệnh dịch. Trẻ em bãi khoá ở tất cả các trường, và những giáo viên nào đến dạy cũng đều phải rời các phòng vắng tanh vắng ngắt trở về nhà. Cuộc tổng bãi công diễn ra dưới hình thức một cuộc cắm trại lớn có tính chất toàn quốc. Tinh thần đoàn kết của lao động nổi bật hẳn lên và khêu gợi trí tưởng tượng của tất cả mọi người. Và sau hết thì cái trò chơi khổng lồ này cũng chẳng có gì nguy hiểm. Khi mà tất cả mọi người đều phạm tội thì biết trừng trị ai? Nước Hoa Kỳ bị tê liệt, không còn ai biết là đang xảy ra chuyện gì nữa. Báo chí không, thư từ không, điện tín không. Mỗi địa phương đều bị hoàn toàn cô lập, chừng như có một khoảng hoang vu hàng vạn dặm ngăn cách nó với phần thế giới còn lại. Trong thực tế, thế giới như không còn tồn tại nữa. Và tình trạng này đã được duy trì trong một tuần lễ. Ở San Francisco, chúng tôi không hề biết bên kia vịnh, ở Oakland hoặc Berkeley, đang xảy ra việc gì. Tình trạng này gây cho người ta một cảm giác kì dị nặng như đá đeo. Hình như một thiên thể gì rất lớn nằm chết còng queo ra đó. Mạch của xứ sở đã ngừng đập. Cả nước đã chết thật sự. Không có tiếng cam-nhông, có tiếng điện chạy vo vo trên không, không có ô-tô qua lại, không có tiếng rao của trẻ bán báo, không có gì hết, ngoài những con người thỉnh thoảng lướt đi nhanh như bóng ma và bản thân họ cũng đã bị cái im lặng đè dí xuống và biến thành hư ảo. Và trong cái tuần lễ im lặng đó, tập đoàn thiểu số thống trị đã được nhân dân dạy cho một bài học. Và nó đã học thuộc bài học đó. Cuộc tổng bãi công là một bài cảnh cáo. Không thể để nó tái diễn được. Tập đoàn thiểu số thống trị sẽ để mắt đến việc này. Hết một tuần lễ, chừng như đã xếp đặt từ trước những nhân viên điện báo của Đức và Hoa Kỳ đều trở lại làm việc. Thông qua họ các lãnh tụ xã hội chủ nghĩa ở cả hai nước cùng gửi tối hậu thư cho bọn cầm quyền. Phải chấm dứt ngay chiến tranh, bằng không cuộc tổng bãi công sẽ tiếp diễn. Cũng chẳng phải lâu la gì hai bên mới hiểu được nhau. Bọn cầm quyền tuyên bố xoá bỏ chiến tranh và dân chúng cả hai nước đều làm việc trở lại. Chính việc lập lại hoà bình này đã đưa đến khối liên minh giữa nước Đức và nước Hoa Kỳ. Thật ra đó là một liên minh giữa Đức hoàng và tập đoàn thiểu số thống trị Hoa Kỳ nhằm chống lại một kẻ thù chung là giai cấp vô sản cách mạng ở cả hai nước. Về sau. khi những người xã hội chủ nghĩa Đức lật đổ ngai vàng của tên vua chiến tranh, chính tập đoàn thiểu số thống trị Hoa Kỳ lại giở mặt huỷ bỏ khối liên minh này. Đó cũng chính là cái đích mà bọn thiểu số thống trị trước đây đã từng nhằm: tiêu diệt địch thủ lớn nhất của chúng trên thị trường thế giới. Đức hoàng về vườn rồi thì nước Đức không còn hàng ế thừa bán ra nước ngoài nữa. Do bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Đức sẽ tiêu dùng tất cả những thứ họ sản xuất ra. Lẽ dĩ nhiên họ sẽ có đưa một số vật phẩm họ sản xuất ra nước ngoài đổi lấy những thứ họ không sản xuất, nhưng số hàng này hoàn toàn khác với số hàng ế thừa không tiêu dùng hết. Khi mọi người biết tin bọn thiểu số thống trị trở mặt với Đức hoàng, Ernest bảo: - Tôi đánh cuộc rằng tập đoàn thiểu số thống trị sẽ tìm được cách biện bạch. Cũng như thường lệ, chúng sẽ tin rằng chúng làm như thế là đúng. Và sự thật thì tập đoàn thiểu số thống trị đã tự bào chữa trước công chúng rằng chúng đã hành động như vậy là để cứu nhân dân Mỹ, vì quyền lợi của họ đang bị đe doạ. Chúng đã gạt được tên địch thủ đáng căm ghét của chúng ra khỏi thị trường thế giới và đã tạo điều kiện cho nước Mỹ sử dụng chỗ hàng ế thừa trên thị trường đó. Và Ernest bình luận: - Cái chỗ thậm vô lí trong việc này chính là chúng mình phải khoanh tay ngồi nhìn một bọn người ngu xuẩn quản lí những quyền lợi của mình. Bọn chúng tạo điều kiện cho chúng mình bán thêm hàng ra nước ngoài có nghĩa là chúng bắt chúng mình phải tiêu thụ ít đi ở trong nước. Chú thích Trong cái thời kì hỗn độn đó, giá quảng cáo rất đắt. Chỉ có những nhà tư bản nhỏ cạnh tranh với nhau, cho nên họ phải quảng cáo. Đến khi thành lập các tơ-rớt rồi thì không có cạnh tranh nữa, và thành ra các tơ-rớt không cần phải quảng cáo. Sự sụp đổ của các chủ đất La Mã, xét về mặt tốc độ còn thua xa sự sụp đổ của các chủ trại và các nhà tư bản nhỏ ở Mỹ. Ở thế kỷ thứ 20, có một cái đà quay rất mạnh mà thời cổ La Mã hoàn toàn không có. Một số lớn chủ trại, do tư tưởng bám chặt lấy ruộng đất một cách điên rồ và muốn tỏ ra mình có thể quay trở lại đời sống nguyên thuỷ, đã rút lui khỏi tất cả mọi sự giao dịch buôn bán trên thị trường, những mong thoát không bị tước đoạt tài sản. Họ không bán gì cả. Họ không mua gì cả. Giữa họ với nhau bắt đầu xảy ra một lối trao đổi vật phẩm có tính chất nguyên thuỷ. Họ phải chịu đựng những khó khăn và thiếu thốn ghê gớm, nhưng họ vẫn không nao núng. Trong thực tế, cái đó đã thành cả một phong trào. Họ đã bị đánh bại bằng một biện pháp độc đáo, vừa đương nhiên, vừa đơn giản. Giai cấp tài phiệt, nhờ nắm được chính phủ trong tay, đã tăng thuế. Đó là chỗ yếu trong chiếc áo giáp của họ. Vì không mua không bán, họ không có tiền. Thế là cuối cùng họ phải bán ruộng đất đi để đóng thuế. Người ta nghe thấy những bàn tán xôn xao này từ đã lâu. Ngay từ 1906, nghị sĩ Avebury là một người Anh, đã phát biểu ở Thượng nghị viện Anh: "Tình trạng bất an ở châu Âu, sự bành trướng của chủ nghĩa xã hội và sự xuất hiện của chủ nghĩa vô chính phủ là những lời cảnh cáo đối với các chính phủ và các giai cấp cầm quyền, để cho họ thấy rằng điều kiện sinh sống của giai cấp công nhân ở châu Âu đã đến lúc không thể chịu được nữa, và nếu người ta muốn tránh một cuộc cách mạng thì người ta phải thi hành ngay những biện pháp tăng lương, giảm giờ làm và hạ giá những hàng cần thiết cho đời sống". Tờ "Nhật báo Phố Wall", cơ quan của bọn đầu cơ đã bình luận bài diễn văn của nghị sĩ Avebury như sau: "Những lời này do một nhà quý tộc và là người của một cơ quan bảo thủ nhất ởchâu Âu nói ra. Như vậy nó càng có ý nghĩa. Những lời này chứa đựng nhiều kinh tế chính trị học hơn là hầu hết các sách đã xuất bản. Đó là những lời cảnh cáo. Hỡi các ngài trong các bộ chiến tranh và hải quân, các ngài nên luôn luôn chuẩn bị!" Cùng thời đó, Sydney Brooks đã viết trong "Tuần báo Harper's" ở Mỹ: "Các người không muốn làm sao được? Các nhà chính trị bao giờ cũng nhìn thấy những việc xảy ra ngay trước mắt họ sau những người khác ở trong nước. Họ sẽ chế nhạo tôi, khi tôi báo trước, và báo trước một cách đóng đanh vào cột rằng cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, những người xã hội chủ nghĩa sẽ được trên một triệu phiếu". Tổ chức quốc tế của những người xã hội chủ nghĩa từ lâu đã cân nhắc chính sách của họ đối với chiến tranh. Cuối cùng, ngay khi bước vào thế kỉ thứ hai mươi, họ đã tỏ bày chính sách đó, tóm tắt như sau: "Hơi sức đâu mà lao động nước này lại đi đánh lao động nước khác vì quyền lợi của bọn chủ tưbản?" Ngày 21 tháng 5 năm 1905, khi chiến tranh sắp nổ ra giữa nước Ý, Áo, những người xã hội chủ nghĩa ở ba nước Ý, Áo và Hung đã họp hội nghị ở Trieste và doạ rằng lao động cả hai nước sẽ tổng bãi công nếu xảy ra chiến tranh. Việc này đã tái diễn khi "vấn đề Morocco" đe doạ lôi kéo vào vòng chiến tranh ba nước Pháp. Đức và Anh.