hông bút nào tả xiết nỗi thất vọng của ông bà Ngọc-Quang khi chiều hôm đó, sau hai tiếng đồn hồ chờ đợi, ông bà phải nhìn nhận sự thật: ba đứa con yêu quý nhất đời đã mất tích! Ông Ngọc-Quang tưởng vợ sắp phát điên. Suốt đêm hôm đó, hai người ngồi bên nhau lắng tai nghe ngóng, lòng lo sợ trong cảnh vắng lặng của miền sơn cước. Sáng hôm sau, ông Ngọc-Quang đã xuống quận lỵ để trình báo với nhà chức trách. Trên đường về, thấy chiếc thuyền bị lật, ông cho rằng ba đứa con ông đã bị chết đuối. Còn bà Ngọc-Quang thì không muốn tin rằng chúng bị mất tích vĩnh viễn. Trong khi ông tìm kiếm trong hồ thì bà ngồi đợi trước lều, mắt nhìn về phía chân trời. “Nếu chưa tìm thấy xác, ta tin rằng chúng hãy còn sống”, bà tự nhủ. Thương thay! Nguồn hy vọng rất mong manh! Chiếc thuyền bị lật nói lên quá rõ ràng tấn thảm kịch. Bà chỉ còn là cái bóng của chính mình. Mắt bà trũng xuống, nước da bà tái nhợt làm cho ông Ngọc-Quang lo ngại cho tính mạng của bà. Mặc dầu bà vẫn nuôi nguồn hy vọng trong đáy lòng, mỗi giờ trôi qua vô tăm tín lại làm tăng thêm nỗi lo âu hun đốt tâm hồn. Thỉnh thoảng, lắng hai tai, bà tưởng như nghe thấy tiếng gọi của những đứa trẻ. Bà đứng dậy, gọi tên chúng nó; nhưng đó chỉ là tiếng gió trong rừng cây. Và, mệt mỏi thêm, bà lại ngồi xuống để tiếp tục việc canh gác đau thương. Hôm đó, khi bà nghe tiếng gọi “Má ơi! Má ơi!” từ xa vọng lại, bà đã thấy vui mừng. Nhưng bà lại ngồi xuống, cho là một sự ảo tưởng. Nhưng lần này, ảo tưởng đã thành sự thật. “Má ơi, má ơi, chúng con đã về đây” tiếng gọi thất thanh của Hằng vọng tới. Rồi tiếng gọi the thé của bé Tâm: “Má ơi, má ơi!” Không, bà không lầm! Chúng đã về tới nơi, chúng đang leo lên đồi. Bà vội chạy ra trước lều, xông vào đám cỏ lau. Vài phút sau, bà đã ôm chầm ba đứa con vào lòng. - Các con! Các con yêu quí của má! Bà vừa nói vừa khóc vì sung sướng. Bà sờ chúng, vuốt ve chúng, ngắm nhìn chúng để xem có phải thật là chúng hay không. Bà không cần hỏi đầu đuôi ra sao: chúng đã về, chúng còn sống! Thế là đủ, bà không muốn gì hơn. - Thế má tưởng chúng con chết thật sao, thưa má? - Bé Tâm hỏi. Bà không đáp, bà ôm chặt thêm nó vào lòng. Cảm thấy tất cả sự đau khổ vừa qua của bà, ba đứa trẻ cũng ngồi lặng yên, xúc động trước tình mẫu tử bao la đó. Khi nguôi bớt nỗi cảm động, bà mới hỏi các con từ đâu về. - Từ đằng kia má ạ! - Bé Tâm vừa nói vừa chỉ về phía rừng. Hằng vừa nói vừa nép vào người mẹ: - Thưa má, chúng con sẽ kể hết đầu đuôi để má nghe. Chúng con sung sướng biết bao khi thấy má! - Không, không các con ơi! - Bà Ngọc-Quang vội đáp - Trước khi kể cho má nghe, các con phải báo tin để ba biết đã! Chúng ta đã ước hẹn rằng ai có tin tức gì trước sẽ treo một miếng vải trắng lên một cây gậy cao. Việt bèn lấy một cái khăn buộc lên nóc lều. Ông Ngọc-Quang vẫn lo công việc tìm kiếm dưới hồ. Thỉnh thoảng ông ngước mắt trông về phía đồi, rồi không thấy gì, ông lại lắc đầu tiếp tục công việc. Bỗng nhiên, một người thuyền chài kêu lên: - Ô kìa! Ông nhìn xem. Ông Ngọc-Quang vội ngẩng nhìn thì thấy một miếng vải trắng đang phất phới trên nóc lều. Ông vội vàng chèo thuyền vào, nhảy lên bộ và hộc tốc chạy về lều. Rồi đến lượt ông ôm chầm lấy các con. Bà Ngọc-Quang mắt còn ngấn lệ tay run run, bỏ các con ra nói: - Chắc các con vừa mệt vừa đói, vậy mà má quên mất chỉ vì mải ngắm nhìn các con. Bé Tâm hỏi: - Thưa má, có gì ăn không ạ? - Có chứ, nhiều thức ăn lắm. Rồi con sẽ thấy. - Má đã lại xuống chợ quận ạ? Bà Ngọc-Quang không đáp. Sự thật là từ khi ba đứa con mất tích, hai ông bà không thể nào nuốt trôi được một miếng cơm. Bao nhiêu thực phẩm vẫn còn nguyên. Các hộp thịt cá được mở ra, ba đứa ăn như gió. Còn hai ông bà thì quên đói vì vui sướng. Ông bà đã thấy quá đầy đủ khi ngắm nhìn ba đứa con yêu quí mà ông bà tưởng không bao giờ còn gặp lại. Vừa ăn, Việt vừa kể lại cuộc phiêu lưu: Chúng con định đi đến Cầu Mây rồi bị lạc trong rừng. Rồi tiếp tục đến gặp mụ chăn dê và sự ác cảm của dân làng. - May thay - Nó nói tiếp - Y Blơm đã tới … - Y Blơm? - Bà mẹ kêu lên. - Vâng ạ. Y Blơm! Xin má đừng sợ, Y Blơm không giống như người ta phao đồn đâu ạ! Chúng con đã sống mấy ngày với ông ta … Ông ấy tốt biết chừng nào. - Con đã mạng cho ông ấy cái áo - Hằng tiếp. - Ông ấy đã khắc cho con cái tượng - Bé Tâm vừa nói vừa giơ thằng người gỗ ra. Hai ông bà nhìn nhau ngạc nhiên: - Y Blơm? Không thể nào tin được! Các con đã thấy hắn thực à? Vậy mà người ta đồn rằng hắn không ở vùng này! - Bà Ngọc-Quang nói. - Có lẽ cái ông phóng viên khôi hài ấy nói với má chớ gì! - Hằng đáp với vẻ chế riễu. - Hay là ông Đại úy cảnh sát! - Việt phụ hoạ. - Ông đó ác quá má ạ! - Bé Tâm thêm - Ông ta muốn ngăn cản, không cho chúng con về với má, và định dẫn chúng con về quận lỵ kia đấy. Việt tiếp tục kể chuyện đi bộ trong rừng với Y Blơm tới nhà người đốt than. Hằng và bé Tâm thỉnh thoảng lại nói chen vô để sửa đổi hoặc thêm thắt một vài chi tiết. - Anh không kể Y Môh ghen tức à? - Anh không kể ông Y Blơm khắc cho em cái tượng à? - Khoan, khoan, anh sẽ kể hết! Rồi Việt kể đến chỗ cảm động nhất của câu chuyện. Khi nó kể rằng nó đã tới nhà bà mẹ Y Blơm để tìm cách dẫn Y Blơm về thăm bà nhưng việc đã không thành thì đôi mắt bà Ngọc-Quang đã đẫm lệ. - Tội nghiệp bà cụ quá! - Bà vừa lẩm bẩm vừa nhìn các con quây quần chung quanh. - Các con thấy đó - ông Ngọc-Quang nói - Người ta không thể sống vô tội ngoài vòng luật pháp. Theo như chúng con kể lại, Y Blơm có lẽ là ngưòi tốt. Nhưng vì hắn vô ý giết người, hắn muốn trốn thoát những hậu quả của hành động ấy. Từ đó, hắn bị đầy ải ra ngoài lề xã hội. - Thưa ba - Việt nói - Tuy hắn đã giết người nhưng không phải lỗi hắn. - Hắn cần phải chứng minh điều đó - ông Ngọc-Quang giải thích - Vì lẽ ấy mà có toà án và các quan tòa. Y Blơm không may đã mắc tội ngộ sát thì đáng lẽ phải ra đầu thú với nhà chức trách để xin xét xử. Vì trường hợp đặc biệt, có lẽ hắn đã được trắng án và trở lại đời sống bình thường. - Thưa ba, con rất mừng được ba giải thích - Việt thở dài đáp - Con nhận thấy rằng Y Blơm đã chạy trốn là có lỗi, nhưng con không biết cách giải thích cho ông ấy hiểu. Tuy nhiên, ông ấy đã thành người bạn thân của con. Bà Ngọc-Quang mỉm cười nói: - Má sẽ rất vui khi được gặp hắn để cảm tạ hắn đã giúp đỡ các con! Trong khi bà Ngọc-Quang chia trái cây cho các con, bé Tâm nói nó rất mến ông Y Blơm, nhưng thức ăn của ông thì không ngon bằng của nhà. - Má mời ông ta đi - nó nói - và má sẽ làm cho ông ta một chiếc bánh. Con chắc ông ấy sẽ rất thích. - Nhưng tìm ông ấy ở đâu? - Hằng thở dài nghĩ rằng có lẽ không bao giờ chúng lại được gặp ông ta nữa. Cả gia đình nghỉ ngơi buổi chiều, rồi ông Ngọc-Quang dẫn mọi người xuống bờ hồ để gặp những người thuyền chài mà nhiệm vụ lúc này đã kết thúc. Trong khi chờ đợi chủ nhân, họ đã thả câu và bắt được một con cá rất lớn. Họ niềm nở nói: - Con cá này, chúng tôi xin biếu ông bà để mừng ngày trở về của các em nhỏ! Cả gia đình lại trở về lều sớm, vì mấy đứa nhỏ hãy còn mệt. Mọi người đang tụ tập trước cửa lều bỗng bà Ngọc-Quang hỏi: - Có ai nghe thấy tiếng gì không? Hình như có người lên đồi thì phải. Ai vậy? - Có lẽ một người thuyền chài - Việt đáp. - Không phải vậy đâu, có lẽ là … Vừa nói tới đây, ông Ngọc-Quang bỗng im bặt vì tiếng một người thở hồng hộc mới hiện ra. Hắn để đầu trần, tay xách cây súng. - Y Blơm! - Việt reo lên rồi chạy ra đón. Hằng và bé Tâm cũng chạy ra theo. Tên tướng cướp hình như bị xúc động mạnh. - Cảnh sát, hắn nói, họ đuổi theo ta - Họ đã bao vây ngọn đồi - Ta không may đã gặp họ ở gần quận lỵ và họ theo ta tới đây. Và với cây súng này, không thể nào cản bước họ được. Trông thấy người đã cứu con bà đang bị bao vây như con thú dữ, bà Ngọc-Quang thấy tức giận lắm. Bà lay cánh tay ông chồng và nhìn ông với đôi mắt van lơn. Ông Ngọc-Quang hiểu ý bèn đứng dậy và tiến ra gặp tướng cướp. - Ông nên vào ẩn tạm trong lều chúng tôi. Cảnh sát sẽ không dám vào lùng xét đâu. Lẹ lên, kẻo họ tới. Y Blơm do dự một lát rồi nhìn những đứa trẻ. - Vô đi ông, vô đi! - Hằng chắp tay khẩn khoản nói. Y Blơm lẩn vào lều. Cả gia đình ông Ngọc-Quang đứng án ngữ ngoài cửa lều. Vừa kịp, vì ngay lúc đó một cảnh sát viên đã xuất hiện ở bụi rậm gần đấy. Một lát sau, viên Đại úy cũng tiến về phiá lều, theo sau có 6 cảnh sát viên. Trông thấy những đứa trẻ, ông ta chau mày nói: - A đây rồi, những đứa trẻ đã bất lịch sự trốn ta hồi sáng! Nhưng hãy tạm để chúng đó. Bây giờ chúng ta còn việc khác. Thưa ông, một người vừa tới đây! Ông Ngọc-Quang không đáp. Chính ông cũng thấy ác cảm trước thái độ vừa rồi. - Ông không đáp hay sao? - Viên Đại úy gằn giọng. - Thưa ông muốn tôi phải nói gì ạ? Tôi có thể đưa giấy tờ để ông coi một lần nữa nếu ông muốn. - Ông nhạo tôi phải không? - Cảnh sát viên, vào lục soát trong lều này cho ta! Hằng thấy trống ngực đập thình thình. Nhưng ông Ngọc-Quang giơ tay nói: - Thưa ông, cái lều này là nhà của tôi, ông không có quyền xâm phạm nếu không có lịnh của tòa án. - Không có quyền? - Ông lại nói chuyện quyền với tôi à? Rõ là cha nào con ấy! Ông Ngọc-Quang tái mặt đi. Bà Ngọc-Quang ôm lấy bé Tâm và Hằng đứng án ngữ ngoài cửa lều. Các cảnh sát viên đứng vây chung quanh. Trông dáng điệu của họ, người ta nhận thấy họ không tán đồng thái độ của cấp chỉ huy. Nhưng họ không có quyền can thiệp. Viên đại úy mỗi lúc mặt đỏ thêm. Ông vung cây súng trường lên nạt: - Để ta đi qua! Nếu không … - Tôi không quen nhượng bộ trước sự dọa nạt - ông Ngọc-Quang đáp. Viên Đại úy xông tới. Bà Ngọc-Quang kêu thét lên. Như một con quỉ từ đáy hộp lò xo bật lên, tên tướng cướp bỗng hiện ra cửa lều. - Y Blơm! - Một cảnh sát viên kêu lên. Viên Đại úy cười ngạo nghễ. - Hà hà hà! Ta biết là phải tóm được mi mà! Lần này mi đừng có hòng thoát nữa nhé! Dù chết hay sống, ta cũng phải điệu mi về quận lỵ. Đảo mắt nhìn quanh. Y Blơm thu hình lại thủ thế. Với đôi mắt sáng chói như hai tia lửa, trên nét mặt gân guốc đen sạm và đôi môi nhếch lên, trông hắn như một con mãnh thú bị vây sắp nhẩy chồm vào địch thủ. - Bắn! Viên Đại úy ra lệnh cho thuộc hạ. Bắn đi chứ, còn đợi gì nữa? Bọn cảnh sát như bị tê liệt vì kinh ngạc. Những con mắt của họ đều dán vào tên tướng cướp như bị thôi miên. Y Blơm thấy đã đến lúc hành động, hắn phác một cử động. Thấy vậy, viên Đại úy sợ thoát miếng mồi ngon, bèn dơ súng lên ngắm và bóp cò. Viên đạn nổ vang ở phía rừng. Sự gì đã xẩy ra? Việt … Phải, Việt khi thấy tính mạng của bạn mình bị đe dọa, đã nhẩy xông vào giữa hắn và viên Đại úy. Ông này chỉ kịp, trong một tích tắc đồng hồ, chếch mũi súng lên và viên đạn bay qua nóc lều vào trong rừng. Nhanh như chớp, Y Blơm nhảy vọt ra, xô hai cảnh sát viên ngã lăn xuống đất, rồi chạy biến vào rừng mất dạng. - Bắt lấy nó, viên Đại úy hét to. Các anh phải đền tội nếu để nó chạy thoát! Lúc này, các cảnh sát viên bớt kinh ngạc vội đuổi theo tên tướng cướp, trong khi bà Ngọc-Quang mặt tái xanh và run rẩy ôm lấy Việt. Viên Đại úy tiến lại gần thằng nhỏ: - Thằng nhỏ này sẽ phải đền tội! - ông vừa nói vừa giơ quả đấm lên dọa dẫm - Mày phải theo tao về trại giam ở quận lỵ ngay bây giờ. - Xin lỗi ông - ông Ngọc-Quang lạnh lùng đáp - Thằng này là con tôi, và tôi chịu trách nhiệm về những hành vi của nó. Bây giờ nó cần phải ngủ yên suốt đêm nay. - Ông lại muốn trốn tránh pháp luật chăng? - Thưa, không bao giờ; tôi sẽ đích thân đi theo ông nếu cần, và tôi sẵn sàng trả lời trước quan tòa. - Tôi sẽ lập phúc trình cho coi! Tôi sẽ nói rằng ông đồng lõa với tên Y Blơm, rằng ông tán trợ những tội ác của nó! - Ông muốn nói gì xin tùy ý; tôi sẽ dành quyền tái lập sự thật. Viên Đại úy không thể đi khỏi chỗ này, vì còn phải đợi các cảnh sát viên trở về. Nhưng để tỏ vẻ cừu hận với gia đình này, ông ra ngồi thật xa trên một hòn đá, quay lưng trở lại. Một lát sau, những cảnh sát viên trở về. Họ lắc đầu không tìm thấy Y Blơm. Ông Đại úy hăm doạ sẽ trừng phạt họ rất nặng. Ông để lại ba cảnh sát viên để gia đình “gian phi” này khỏi trốn thoát và kéo ba nhân viên kia đi. Việt rất hài lòng, vì trong số ba nhân viên còn lại, có ông lúc sáng đã đề nghị đưa chúng về. Nó kể lại sự việc với ông Ngọc-Quang, ông liền ra bắt tay ông cảnh sát và ngỏ lời cám ơn những thiện ý của ông ta. - Tôi cũng là chủ gia đình - ông cảnh sát đáp - Tôi có ba đứa con từ tám tuổi đến mười hai tuổi, tôi hiểu tôi sẽ cảm thấy gì nếu chúng gặp phải trường hợp tương tự. Rồi ông ta đưa ảnh các con cho mọi người xem, các nhân viên khác cũng vậy, một không khí đằm thắm cởi mở đã tới với mọi người. Bà Ngọc-Quang bèn mời ba ông cảnh sát dùng cơm với gia đình: Con cá lớn mà những người thuyền chài đã tặng sẽ thừa sức cho tám người ăn. Các cảnh sát viên rất vui vẻ nhận lời. Họ không giận gì hành động của Việt mà nhờ đó Y Blơm đã trốn thoát. Trái lại, họ còn khen ngợi thằng nhỏ đã liều mình cứu bạn. - Khi có thể làm được một việc như thế - ông thứ nhất nói - thì không phải là một thiếu nhi nữa mà là một người lớn rồi! - Hy sinh cho tình bằng hữu, đó là một điều cao đẹp nhất trên đời - Ông thứ hai phụ hoạ. Ông thứ ba diễn tả một câu mà họ cho là câu khen ngợi tuyệt tác nhất: - Cậu nhỏ này xứng đáng là con rồng cháu tiên! Trong bữa cơm, dĩ nhiên, mọi người đã nói rất nhiều về Y Blơm. - Tôi biết rõ hắn ta lắm, một cảnh sát viên kể. Thưa ông, đó là một công dân tốt, một người con hiếu thảo, một người làm việc rất giỏi … Ông chưa thấy những cái tượng mà hắn sáng tác ra để bà mẹ mang đi bán. - Bức tượng bằng gỗ mà hắn đã khắc cho bé Tâm - bà Ngọc Quang nói - tôi dám chắc sẽ được hoan nghênh ngay tại thủ đô Sàigòn. - Mặc dầu lời đồn đại của thiên hạ - ông cảnh sát nói tiếp - tôi biết rõ hắn nên tôi không tin là hắn đã giết người. Địch thủ của hắn đã bị giết, đúng, nhưng dân chúng trong buôn đã xác nhận với tôi rằng tên đó đã tấn công trước và Y Blơm đã ở tư thế tự vệ chánh đáng. Khốn thay, vì lòng tự kiêu, Y Blơm chẳng muốn giải thích và đã trốn vào rừng. - Nhưng sau đó - ông Ngọc Quang hỏi - hắn có phạm vào tội ác nào khác nữa không? - Không bao giờ! Nếu một đôi khi hắn có bắt những người đã bóc lột dân nghèo phải hoàn lại số tiền, thì chẳng ai chê trách gì hắn cả, trái lại! Không ai có thể nói rằng Y Blơm đã hành tội ai mà không xứng đáng. - Thưa ông, chính Y Blơm cũng nói thế - Việt vừa nói vừa rất hài lòng vì thấy các ông cảnh sát cũng có cảm tình với Y Blơm. - Thưa ông, chắc ông hiểu rằng, một ông cảnh sát khác nói, tại sao chúng tôi không muốn hạ người đó như một con thú rừng! Nếu chúng tôi bắt hắn, ấy là để hắn được xét xử theo luật pháp: chúng tôi chắc chắn, rằng hắn sẽ được tha bổng. Và ai mà nói xấu hắn thì sẽ coi chừng chúng tôi! - Tôi rất khen ngợi quý vị - ông Ngọc Quang nói - Nhưng ông Đại úy lại nghĩ khác, có phải không? - Ông ấy không phải là người ở đây nên không hiểu rõ vấn đề của Y Blơm.