Chương 9

Dịch giả: NGUYỄN VĂN QUANG
Chương 12
BUỒNG CỦA OENLINHTÔNG

    
 nh thức dậy thì rời đã tối, rét run, anh trằn trọc mãi trên giường, làm nhàu chiếc blu đen dưới lưng. Một làn ánh sáng nhạt màu lục lam tưới đẫm các tấm ri-đô che góc phòng anh đang nghỉ.
Anh ngồi lên, lách đầu vào giữa hai tấm ri-đô. Ai đó đã treo lên khuôn cửa hai cái đèn lồng xanh kiểu Vơnidơ. Mới nhìn đảo một lượt, Môn đã nghe ở đầu cầu thang có tiếng bước chân rất khẽ và tiếng thì thầm. anh lại lui vào chỗ ẩn, đôi giày đóng cá chạm loảng xoảng vào những đồ đồng đã bị gạt vào rìa tường. Hú vía, anh gần như nín thở. Tiếng chân lại gần và hai bóng người lướt vào phòng.
- Khẽ chứ – một người nói.
- Hề, thế mà nó kịp thức dậy rồi! – người kia đáp.
- Cậu trang trí phòng nó chưa?
- Đương nhiên là đã! Như các phòng khác vậy.
Gió đập cánh cửa sổ để ngỏ.
- Cậu  chẳng khép cửa sổ lại – tiếng nói thứ nhất – Gió thổi tắt một cái đèn rồi. Phải thắp lại thôi.
- Dào – tiếng đáp lại, lộ vẻ lười biếng và bỗng nhiên chán nản – Chiếu sáng phía này toàn đồng không mông quạnh phỏng ích gì? Ma nào nhìn thấy nào?
- Ma nào đấy ư? Ban đêm khách vẫn còn đến. Từ trên xe ngoài đường, thấy đèn họ sẽ yên tâm.
Môn lại nghe tiếng đánh diêm. Người vừa nói, và hẳn là phụ trách, lại nói tiếp với giọng chững chạc, như kiểu một người phu đào huyệt của Shakespeare – Cậu cho đèn lồng xanh vào buồng Oenlinhtông. Cho cả đèn đỏ nữa… Về chuyện này, cậu không thể thạo hơn tớ.
Im lặng.
- … Oenlinhtông là người Mỹ hả? và màu xanh là một màu Mỹ à? Là nhà hài kịch từng chu du đó đây, hẳn cậu phải biết.
- Cha cha – nhà “hài kịch” đáp lời – từng chu du? Ừm, tôi từng đi đó đây thật. Nhưng chẳng thấy gì hết. Ngồi trong một căn nhà lăn trên bánh xe có mà thấy…
Môn thận trọng nhìn qua khe các ri-đô.
Người chỉ huy là một tôn ông hộ pháp đầu trền lút trong một áo choang mênh mông. Y cầm một cây sào dài treo đầy đèn lồng đủ màu sắc sặc sỡ. Và đứng bắt chéo chân, y thản nhiên nhìn gã kia làm lụng.
Còn nhà hài kịch, thì thân tàn ma dại không tưởng tượng được. Cao lênh khênh, gầy giơ xương, run cầm cập, mắt lác, màu lục lam, râu mép rủ xuống cái mồm, gã trông như một thằng chết trôi vừa được vớt lên đang còn rỏ nước ròng ròng. Gã chỉ mặc sơ-mi trần, nên mấy cái răng còn lại cứ va lập cập. Lời nói và cử chỉ của gã đều để lộ sư khinh bỉ đối với chính mình.
Sau một lát tỏ vẻ suy nghĩ vừa đắng cay vừa hài hước, gã lại gần ông kia, dang hai tay ra và thổ lộ.
-  Anh có muốn tôi nói cho nghe không…? Tôi không hiểu nổi tại sao người ta lại muốn những kẻ nhìn phát tởm như chúng ta vào phục dịch trong một uộc lễ như thế này! Vậy đấy, tôi không hiểu nổi…
Đâu thèm để tâm đến nỗi niềm kia, ông hộ pháp vẫn đứng chéo chân, theo dõi công việc của gã, ngáp dài, lặng lẽ hít vào, rồi quay lại, vác sào lên vai, vừa bước đi vừa bảo:
- Đi thôi! Đến giờ bận trang phục cho bữa chiều rồi!
Gã tứ chiếng đi theo, nhưng khi qua khuê phòng:
- Ông đang ngủ ơi – gã nói với giọng đùa cợt vừa cung kính vừa khúm núm – Xin quý ông dậy thôi, và ăn vận thật sang vào, ngay cả nếu ông cũng ốm o như tôi. Rồi mời ông xuống tham gia hội trá hình, vì đấy là niềm thích thú tuyệt vời của các đức ông và các tiểu thư này!
Gã nói thêm, hết sức tôn kính, với giọng phỉnh phờ như dân buôn ngoài chợ.
-  Anh bạn Maloiô của chúng tôi, tùy viên nấu bếp, sẽ giới thiệu với ông nhân vật Aclơcanh, và người phục vụ ông sẽ giới thiệu nhân vật Pierô vĩ đại!