Suốt buổi sáng Ngọc nghỉ trực bệnh xá. Ở nhà, tôi chẳng nhận được một quyết định nào của nàng về lá thư của Minh, cũng như chẳng nhận được một chén chè nào, mặc dù nàng đã chịu lấy ký đường. Buổi chiều, Minh đến thăm và hỏi kết quả của lá thư. Tôi phải tường thuật lại chi tiết buổi nói chuyện với Ngọc cho Minh rõ và nói em hãy kiên nhẫn đợi chờ. Khi người con gái chịu nhận quà tặng của mình, nhất làquà tặng đó là một ký đường cát trắng tinh, họ đã hơi chấp nhận tình yêu mình rồi. Minh nói - Anh không an ủi em chứ? - Anh không thích người khác an ủi mình, nên anh cũng không thích an ủi người khác. Chúng ta cần sự an ủi khi thất bại, nhưng đã bị thất bại rồi có được an ủi cũng bằng thừa. - Anh muốn nói "Ai chết cho chết luôn" phải không? Tôi cười. - Đâu phải vậy. Nếu anh đã hết sức giúp người ta mà vẫn không thành công thì anh nín luôn. Vì an ủi người khác thật quá dễ dàng. Tự mình chưa thắng được sự đau buồn khi thất bại thì đừng bày đặt đem "gương danh nhân" ra dạy người khác. Nhưng em đã thất bại đâu mà cần đến sự an ủi. - Nếu Ngọc không yêu em, như vậy em chưa thất bại sao? - Trong tình yêu thất bại hay không là do mình. Mình yêu được người ta là thành công rồi. Nếu người ta đáp lại tình yêu đó là một sự đền bù. Không cần phải có sự đền bù chúng ta mới biết được tình yêu. - Vậy theo anh thất tình cũng sung sướng lắm? - Chứ sao. Như sự ngon miệng của một trái me chua. - Anh đã thất tình chưa mà nói nghe ngon quá vậy? - Anh thất tình thường xuyên, có ngày hai hoặc ba lần. - Kẻ thất tình nhiều như anh, đâu có phải là người chung tình? - Đúng. Nếu em hiểu chung tình là suốt đời chỉ yêu một người dù người đó có phản bội ta. Anh không thích cảnh suốt đời ngồi ôm giữ một mối tình đã đổ vỡ, để than van, để cay cú người và cay cú đời. Anh không phải là một người trung thành suốt đời với một người tình duy nhất nhưng anh là người trung thành suốt đời với Tình yêu. - Anh không chấp nhận câu "tình đầu là tình cuối"? - Không, anh yêu dài dài, đến khi sắp chết vẫn còn yêu. Minh bật cười. - Anh đúng là con dê chúa. Sắp chết anh còn yêu ai được nữa? - Sắp chết anh yêu cái chết của mình. Nhờ ngồi quay mặt ra cửa sổ, tôi đã thấy bóng Ngọc thấp thoáng sau những tàng cây ngoài vườn. Tôi chỉ cho Minh thấy và mặt em hơi biến sắc. Minh đứng dậy. - Để em trốn ra sau nhà. Tôi nắm tay Minh giữ em ngồi yên trên ghế. - Can đảm lên nào. Ngọc đâu có phải là con cọp mà em sợ quá vậy. Dù cho nàng có là con cọp cái đi nữa, em đã lỡ yêu nàng thì hãy rán chịu đựng cho nàng ăn thịt. Minh nhăn nhó. - Thấy em lâm nguy mà anh còn chọc quê hả? Tôi cười. - Nguy cái quái gì. Tình yêu đang nhẹ nhàng như cánh bướm đến với em, em hãy mở rộng trái tim đón nó. Nếu em bỏ chạy, Ngọc sẽ buồn vì nàng có cảm tưởng tình yêu của nàng nặng nề như con voi, khiến kẻ khác phải hoảng sợ. Minh phì cười. Khi phì cười người ta không còn sợ hãi nữạ tôi mong lần này tôi sẽ không "suy bụng ta ra bụng chuột". Minh ngồi khuất sau vách nên khi vào nhà Ngọc mới thấy em. Nàng chưng hửng nhìn Minh giây lát rồi cuí đầu e thẹn đặt chén chè lớn xuống bàn. - Có hai người mà Ngọc chỉ cho một chén vậy ai ăn ai nhịn? Nàng nói: - Ngọc không biết có Minh ở đây, để Ngọc về lấy thêm chén nữa. Minh kéo ghế đứng dậy. - Thôi khỏi phiền chỉ. Ngọc, Minh no rồi. Mời chị Ngọc ngồi. Nghe cậu em nói "no rồi" tôi mừng quýnh. Vậy là chén chè đậu xanh ngon lành kia tôi độc quyền khai thác. L’amour cést pour rien. Tình yêu có "cho không biếu không" cái quái gì đâu mà cậu em tôi "no" mau quá vậy hả? Tôi bưng chén chè đúng dậy, Minh nói: - Anh đi đâu đây? - Tôi đi ra ngoài kia ăn chè, để cho hai người tâm tình. Ngọc nói: - Anh cứ ngồi tự nhiên. Để Ngọc về. Tôi nói: - Đâu được. Ngọc hãy bỏ chút thì giờ "vàng bạc châu báu" ngồi lại đây, nghe cậu em tôi nói chuyện rất quan trọng. Tôi nói với Minh. - Em hãy rót nước lọc mời Ngọc uống và pha cho anh một tách cà phê. Minh cười. - Chưa gì mà anh đã 'lợi dụng" hoàn cảnh của em. Ngọc lúng túng ngồi xuống ghế. Tôi bưng chén chè ngồi xuống giường nylon húp sùm sụp. Một lúc, Minh ngồi xuống bên cạnh tôi. Đợi mãi chẳng thấy Minh nói gì, tôi thúc. - Có chuyện gì thắc mắc khiếu nại em nói đi chứ. đùng làm mất thì giờ "vàng bạc châu báu" của Ngọc. Minh ấp úng. - Chị Ngọc... chị Ngọc... chị Ngọc... Đang húp chén chè một cách ngon lành, nghe Minh lập đi lập lại điệp khúc "chị Ngọc" tôi đâm sặc, nên nổi sùng hét: - Chị Ngọc, chị Ngọc, chị Ngọc cái quái gì. Bộ tình em là "tình ngọng" hay sao nói chẳng ra câu. Ngọc bật cười. Khi bật cười người ta không còn e thẹn nữa. Giúp một người hết sợ hãi và một người hết e thẹn, vậy nhiệm vụ của tôi đến đây chấm dứt. Tôi cần phải "vù" ra khỏi căn nhà đang đầy ấp tình yêu này càng sớm càng tốt. Một người bảnh bao như tôi chẳng dại gì để mình thành "kỳ đà cản mũi". Buổi chiều không còn những chuyến xe đò chạy bạt mạng để dành khách dọc đường, một mình trên quốc lộ tôi phóng xe hết ga. Cây kim vận tốc vọt lên đến 80 km rồi đứng yên. ở Sàigòn, thỉnh thoảng tôi vẫn đem chiếc xe Honda 90 phân khối của mình ra xa lộ chạy thả giàn. Khi phóng xe thật nhanh người ta đã bị say tốc độ và có cảm giác lâng lâng hệt như người say rượu. Đấy chính là lý do khiến những người mê phóng xe không còn sợ hãi cái chết. Các nhà phân tâm học cho rằng những kẻ mê tốc độ là những người nhút nhát. Ý kiến đó có đúng với người khác không, nhưng nó rất đúng đối với tôi. Những lúc cảm thấy mình bất lực trước một chuyện gì, chính những lúc đó tôi thèm phóng xe nhanh như người uống rượu tiêu sầu. Nhưng trong buổi chiều này có nguyên do gì khiến tôi phải nhút nhát? có lẽ tôi đã bị nghiện tốc độ như người nghiện rượu, không cần phải có mối sầu mới uống rượu. Chiếc xe lao đi vùn vụt. Hai hàng cây bên đường liền nhau như một bức tường màu xanh. Gió quật vào mặt tôi ran rát và làm nước mắt chảy dài trên mặt. Tôi buồn cười và nghĩ rằng mình đã khóc. A! Nếu người ta luôn luôn khóc được một cách dễ dàng và vui vẻ như vậy, đời sống sẽ dễ chịu biết bao. Phố huyện hiện ra rõ dần. Nơi đây có nhiều người qua lại nên tôi giảm tốc độ xe chạỵ tôi rất sợ hãi nghĩ đến cảnh mình gây ra cái chết cho kẻ khác dù không cố ý. Có lẽ suốt đời tôi sẽ là một người nhút nhát vì không thể nào chấm dứt được mạng sống của một người khác. Đảo vài vòng quanh phố huyện thấy chẳng có gì thích thú, tôi lái xe đến nhà cô bé. Nắng vàng sẫm tràn ngập ở phía balcon và tôi thấy cô bé đang ngồi đọc sách ở ghế mây. Tôi bóp còi xe kêu inh ỏi. Cô bé đúng dậy vẫy tay chào rồi bỏ chạy xuống nhà dưới. Tôi tắt máy, dựng xe trước cửa. Cô bé chạy ra khỏi nhà. - Ông làm gì mà mặt mày lem luốc như "ông hề" vậy? Đưa tay vuốt mặt, thấy bụi đen bám đầy hai lòng bàn tay, tôi cười: - Định đến rủ em đi dự hội hóa trang. - Em không thích hóa trang thành "cô hề". Em thích hóa trang thành nữ sinh. - Vậy tôi sẽ hóa trang thành ông giáo. - Không. Em thích ông hóa trang thành nam sinh. Ông chịu không? - "Xong dồi”. Cô bé vỗ tay reo. - Ông đã hứa thì ông phải làm nghe. Nếu không em sẽ nghỉ ông ra. Tôi chưng hửng hỏi ; - Bộ em tính tổ chức dạ hội hóa trang tại nhà em thật sao? - Đâu có, ngày mốt em đi học. Em muốn ông đi học cùng lớp với em cho có bạn. Chúa ơi, vậy tôi sắp thành "hề" thật rồi. Cô bé mời tôi lên balcon. Có một bộ bàn ghế bằng mây ở đó. Cô bé nói tôi ngồi chơi đợi em đi pha hai ly chanh Rhum. Trong lúc chờ đợi tôi cầm quyển sách trên bàn lên xem. Đó là tập thơ Paroles của Jacques Prévert. Thơ với thẩn. Tôi ngáp luôn ba cái, ném quyển sách xuống bàn rồi đúng dựa lan can nhìn khắp nơi. Nhà cửa nơi đây đều nằm giữa những lùm cây dừa trĩu trái, lá khua động lào xào vì gió biển thổi vào. Trên những mái nhà đó có những cột ăngten trắng bạc nhấp nháy trong ánh nắng buổi chiều. Ở phía tay phải tôi, bên kia sông nước mặn, có một dãy đồi cát đỏ lốm đốm những vạt cỏ màu xanh. Mặt trời sắp lặn, vàng óng như màu trái cam chín trong tranh tĩnh vật của cézanne. - Mời ông uống nước. Tôi quay lại, cô bé đưa tôi ly đá chanh cao cổ màu xanh trong suốt. Tôi khuấy nhẹ những hạt đường chưa tan rồi uống một hơi dài đến hết nửa ly. Mùi rượu thơm mát trong cuống họng khiến tôi uống luôn một hơi nữa cạn ly. Đưa chiếc ly không cho cô bé, tôi nói: - Em pha chanh Rhum ngon lắm. Cô bé cười. - Thường thôi. Nếu ông còn khát, ông uống thêm ly của em. Tôi vốn là người rất thành thật nên chẳng ngại ngùng tí nào khi thành thật cầm ly chanh Rhum của cô bé. Em chỉ dãy đồi cát bên kia sông và hỏi tôi: - Ông thích đồi cát kia không? - Thích lắm. Tôi ước ao vẽ được màu sắc của nó trong buổi chiều nay vào một bức tranh. - Em cũng thích nó lắm. Mỗi chiều em đều đứng nhìn nó cho tới khi bóng tối phủ đầy. Đố ông biết nó trông giống cái gì? - Một con ngựa ngã quỵ giữa lối đi. Như câu thơ của Prévert em đã đọc tôi nghe. - Không phải đâu. Nó chính là nấm mồ. - Một nấm mồ? - Phải. Nấm mồ của mặt trời. Ông nhìn kìa, nó đã chôn mặt trời ở dưới. Đúng như lời cô bé nói: Mặt trời khuất sau dãy đồi cát, ánh nắng vàng úa còn hắt lên trông thật thê thảm. Dãy đồi kia chính là mấm mồ chôn mặt trời rạng rỡ. Nhưng nói chuyện chết chóc là quái gì cơ chứ. Tôi hỏi lảng sang chuyện khác. - Má em có ở nhà không? - Má em bận việc phải trở lên Đà Lạt rồi. - Sao em không trở lên Đà Lạt học tiếp? - Khí hậu trên đó không hợp với sức khỏe của em. Má định cho em vào Sàigòn học, nhưng em đã chán cảnh ồn ào náo nhiệt. Em xin má ở lại đây học trường huyện. Học ở đâu cũng có chữ vậy, phải không ông? - Nhưng em vào học trường Việt có theo kịp không? - Em không biết nữa, nên định học dự thính vài ngày xem sao. Em sẽ vào học lớp 12A. - Vậy em sẽ học chung một lớp với Minh. Cô bé cười. - Với ông nữa. - Sức mấy mà người ta chịu cho tôi vào học. - Những ngày đầu niên khóa chắc họ không kiểm soát kỹ đâu. Ông cứ vào học với em vài buổi cho vui, giúp em khỏi bỡ ngỡ giữa các học sinh chưa quen. Tôi cười nói - "Xong dồi". Tôi sẽ hóa trang thành một nam sinh, bạn em. Cô bé mời tôi ở lại ăn cơm tối với em, nhưng tôi từ chối vì phải về trả xe cho Minh. Tôi hẹn sẽ đến rủ em đi học vào sáng mốt. Tôi phóng xe như bay chạy trở về. Gần đến nhà tôi sang số hai chạy băng qua những rẫy đậu phụng, đậu xanh đã nhổ hết, làm cát bụi bay mù. Bóng tối đã nhập nhòa ở những tàng cây táo rậm rạp trong vườn. Minh đứng đợi tôi ở cửa thấy tôi em chạy ra đón. - Em cứ tưởng anh bị tông xe vì anh cứ hay chạy bạt mạng. - Anh còn yêu đời mà. Sao chuyện của em có khá không? Minh mỉm cười nói: - Hy vọng đã vươn lên. Tôi nói: - Vậy là được rồi. Cứ từ từ mà tiến. Rồi tôi kể cho Minh biết chuyện cô bé sẽ đi học cùng trường, cùng lớp với em và thêm cả tôi nữa. Minh trợn mắt nói: - Anh không đùa chứ? - Thật thế quái nào được. Anh chỉ học đùa ít buổi thôi. Em hãy cho anh mượn một chiếc quần xanh nào mới nhất, anh không muốn bị đuổi ra khỏi lớp trong ngày khai giảng vì tội không mặc đồng phục. Nhưng em nhớ đừng nói cho ai biết chuyện này nghe.