CHƯƠNG 12
Bản Mèo Sùng Đô

     ó là một đêm trời không trăng không sao, tối đen mù mịt. Đại đội 79 đang huấn luyện khẩn trương thì nhận được mệnh lệnh cấp tốc hành quân, vào lúc mười một giờ đêm, lúc đó mọi xóm làng đã ngủ yên - Các chiến sỹ chỉ được phép bấm nhau dậy rời nhà dân ra đi một cách âm thầm, lặng lẽ như một cuộc tập đêm bình thường, không được chào hỏi gia đình, không được chia tay bạn gái và dặn dò người yêu. Họ lên xe ô tô ray ở một đoạn bờ sông quen thuộc - Chiếc ô tô ray kỳ lạ mà cả đời họ chưa thấy, nên họ rất thích thú, sự thích thú ban đầu này càng kích thích cho họ thấy sự quan trọng và nặng nề của nhiệm vụ sắp tới.
Thời gian gần đây Đen đang làm nhiệm vụ giáo viên huấn luyện cho Đại đội 79  về kỹ thuật và chiến thuật.
Anh chỉ nhận được bức điện khẩn trương từ quân khu gọi xuống.
- Báo cho anh phải làm nhiệm vụ phái viên đốc chiến theo đại đội 79. Anh đang chán ngán với nhiệm vụ huấn luyện quân sự khô khan, thì khi nhận được lệnh, anh vui mừng như mở cờ trong bụng, khoác ba lô theo đội hình đơn vị ngay.
Những ai đã từng đi bộ đội với đôi chân vạn dậm trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh của dân tộc suốt chín năm ròng chống Pháp, và cuộc trường chinh vượt Trường Sơn đi chống Mỹ mười năm, mới thấy hết cái giá trị, cái hiện đại và kỳ lạ của những chiếc xe ô tô vận tải "Mô nô tô ba" của Liên Xô viện trợ hoặc những chiếc xe GMC của Mỹ mà ta cướp được của Pháp, hoặc những chiếc xe Chevrolé của Pháp từ những năm trước bốn mươi lăm của những chủ tư nhân còn lại do ta phục hồi sửa chữa, chạy tòng tọc trên một vài tuyến đường cũ trong vùng kháng chiến của Việt Bắc vào những năm 1951-1952 mới thật là đáng quý, đáng trân trọng.
Toàn bộ các tuyến đường sắt từ năm tiêu thổ kháng chiến 1946 đã hoàn toàn bị tê liệt, kể cả những vùng thuộc Pháp tạm chiếm hoặc vùng tự do của ta cũng không khôi phục được, trừ đường sắt Hà Nội - Hải Phòng do quân Pháp đánh chiếm từ những ngày đầu kháng chiến.
Vậy mà vào khoảng giữa năm 1952, đã có một đơn vị hành quân bí mật vào mặt trận trên đoạn đường trên 100 km bằng ô tô ray, mà đáng lẽ họ phải hành quân bộ mất năm đêm, nhưng chiếc ô tô ray này đã đưa họ chỉ trong năm giờ. Đối với Đen và tất cả cán bộ chiến sỹ của đại đội 79 bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái lúc đó đều lấy làm thích thú, càng thêm tin tưởng vào sức mạnh của ta ngày càng phát triển. Đến nỗi ngồi trên xe có cậu đã bảo:
- Chỉ nay mai chúng ta sẽ đi tàu hoả về giải phóng thủ đô đấy nhỉ?... Mà cậu ta thì chẳng biết thủ đô ở đằng nào, ngược hay xuôi!
Người ta đã kiếm được hai toa xe ô tô ray cũ - Đóng đẹp như những chiếc xe ca chở khách bây giờ. Máy bị hỏng, một xưởng quân giới gần đó cho lắp lên một chiếc máy của xe Mônôtôba, thế là chiếc xe chạy trên đường goòng được khôi phục, và được chạy để vận tải trên tuyến đường sắt Phú Thọ - Lào Cai được vài trăm cây số với tốc độ ban đêm cao nhất khoảng 20km/giờ, bởi không được thắp đèn pha, đề phòng máy bay bắn, mà chỉ thắp một chiếc đèn dầu làm tín hiệu, bởi không được phát quang đường, chiếc xe cứ chui vào những lùm cây um tùm và len lỏi trong đám lau sậy rậm rạp và bởi đường đó đã hư hỏng nhiều không được sửa lại, có đoạn qua cầu còn vừa đi vừa kê kích... có đoạn phải có người đi bộ dẫn đường đi trước...!.
 Trước chiến dịch Tây Bắc mùa khô năm 1952. Người ta cần những đơn vị làm nhiệm vụ mở đường xây dựng cơ sở và bảo vệ hành lang chiến dịch, cần những đơn vị trinh sát võ trang để phát hiện lực lượng địch, để bảo vệ cho đoàn cán bộ của Bộ tổng tư lệnh và các đơn vị chủ lực đi chuẩn bị chiến trường. Những nhiệm vụ "Điếu đóm" đó chỉ có thể được giao cho các đơn vị địa phương, tỉnh và huyện. Đại đội 79 chủ lực tỉnh Yên Bái được tung vào hướng chính của mặt trận trước đó vài tháng, mà ở đó cơ sở ta hoàn toàn chưa cú gì. Đó là hướng Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, Cửa Nhì vào Nghĩa Lộ.

* * *

Chiếc ô tô ray len lỏi trong rừng đêm, trong khi đó các chiến sỹ được tranh thủ ngủ. Đen không sao ngủ được. Niềm vui ra trận làm anh phấn khởi lâng lâng. Anh nhìn ra ngoài cửa xe, trời tối đen mù mịt, đó đây một vài ngôi sao mồ côi, le lói tít chân trời, thỉnh thoảng chiếc xe đi vào những lùm cây rậm rạp như đi vào đường hầm dài tưởng chừng không có lối ra. Dòng sông Thao mênh mông mờ mờ ánh nước, như một giải lụa trắng đang bị chìm xuống dòng nước đục, tuy nhiên chiếc xe lúc chạy nhanh cũng tạo nên một luồng gió mát, làm bớt những oi bức do hơi người trong xe vừa chật vừa kín tạo nên, thỉnh thoảng một làn gió từ sông thổi vào lại làm người mát lạnh, anh cố thò đầu ra ngoài để hưởng chút không khí trong lành và mát rượi, nhưng đôi lúc những cành lá ven rừng mà anh không phát hiện được để tránh, đập vào đầu vào mặt anh, có lúc tối tăm mặt mũi.
Đen nghĩ đến thân phận cuộc đời mình, cũng như con tàu ray này đang thẳng hướng ra mặt trận, không thể đi chệch ra ngoài hai chiếc thanh ray đã định sẵn, nếu chệch ra, con tàu sẽ bị đổ hoặc sẽ bị chật bánh dừng tại chỗ không đi được nữa. Hai chiếc đường ray cũng như lý tưởng cuộc đời anh vậy. Tuy nhiên con tàu có lúc lại phải đi trong tối tăm, không có ánh sáng, có lúc phải chui rúc qua những lùm cây bụi rậm đầy gai góc mà đoạn đường chưa có ai phát dọn, và có khi phải lên dốc, xuống đèo dò dẫm từng bước, kẻo bị trượt lùi về phía sau hoặc lao đầu xuống sông mà đắm chìm.
- Cớ sao cuộc đời anh cứ gặp mãi những nghịch cảnh éo le mà anh đành để cuộc đời cứ nổi trôi theo dòng số phận?.
Trời đêm mênh mông, tiếng đường ray nối nhau phát lên điệp khúc "Xình xịch, xình xịch " đều đều và buồn tẻ. Tất cả những người trong xe đều ngủ yên, kể cả đại đội trưởng và chính trị viên đang nằm bên cạnh anh. Tuy họ đều lớn tuổi, hơn anh hàng chục tuổi sao mà họ vô tư thanh thản làm vậy? Chỉ có mình anh thao thức, suy nghĩ và lương tâm anh tự hỏi và lại tự trả lời để trấn an tư tưởng mình.
- Bởi anh đã đi vào đường ray lý tưởng từ những ngày còn ấu thơ ở quê nhà và đường ray đó chính là quỹ đạo của số phận cuộc đời anh? Anh bỗng mỉm cười, tự chế giễu mình, thì đằng nào cũng phải đi hết con đường của số phận, hãy hăng hái mà đi, để đón nhận những niềm vui, mà chắc hẳn cuộc đời không thể nào thiếu được.
Con tàu dừng lại ở một đoạn gần sát bờ sông. Đơn vị đổ bộ xuống đó. Và Đen lại nhận thấy vị trí nhiệm vụ của anh trong lúc này, người huấn luyện viên của đại đội. Đơn vị phải vượt sông Hồng, mà tiếng địa phương thường gọi là sông Thao, ở đoạn này khá rộng, nhưng nước chảy êm. Đại đội chưa kịp huấn luyện kiểm tra môn vượt sông, đại đội trưởng Chén rất lo lắng, sợ nhiều chiến sỹ bị chìm vì không biết bơi hoặc bơi kém. Đen đã hướng dẫn cho đại đội trưởng biện pháp vượt sông theo tổ ba người. Tất cả đều gói buộc trang bị trong một tấm ni lông vải mưa buộc kín, vừa kết hợp làm phao, ba người một túm lại với nhau, người biết bơi kèm người không biết bơi. Sau khi kiểm tra chuẩn bị xong. Đen xung phong cùng một tổ bơi sang trước để chiếm giữ đầu cầu, vì đồn địch ở cách đấy không xa. Sau khi đại đội trưởng sang tới nơi, Đen còn phải bơi đi bơi lại nhiều lần để cứu kéo một số anh em không biết bơi đang bị dòng nước cuốn trôi, trong đó có chính trị viên Thạch.
Cuộc vượt sông bí mật của đại đội chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy ba mươi phút đã hoàn thành tốt đẹp. Hơn một trăm con người đều được an toàn. Đồn địch ở cách đó chưa đầy 200m mà không hề biết và động tĩnh gì cả. Lúc đó vào khoảng hơn bốn giờ sáng.
Đại đội trưởng Chén lại dẫn đại đội bí mật luồn qua sát chân đồn địch vào trong rừng cách đó vài cây số ẩn nấp và nghỉ ngơi. Đen ở lại đi sau để xoá dấu vết ở bến sông và trên đường, đồng thời đánh chặn bọn địch nếu chúng phát hiện, nổ súng hoặc đuổi theo.
Toán đi sau của Đen đã vào tới khu rừng tập kết trước khi trời sáng. Lúc này anh mới thấy mệt và buồn ngủ, anh nằm lăn ra trên đống lá rừng ngủ một giấc ngon lành.

* * *

Đêm hôm sau rồi ngày hôm sau nữa, họ lại luồn qua đồn Đại Bục, rồi đồn Đại Phác để đi vào khu vực rừng quế Suối Giàng. Bọn địch ở đây thường chỉ chú ý phòng ngự từ xa chúng không thể ngờ Việt Minh lại đi sát chân hàng rào của mình mà chúng không biết.
Lần đầu tiên Đen được thấy một rừng quế bạt ngàn như thế này. Có những cây quế cổ thụ như cây đa cây đề đầu đình làng anh. Hương quế thơm nồng mùi hăng hắc, củi quế cháy nhiều khói và làm cay mắt mọi người. Những cây quế bị sét đánh và bị người chặt làm củi để ngổn ngang, làm Đen thấy tiếc. Một kho báu của đất nước, chắc hẳn sau này khi nước nhà độc lập rừng quế này sẽ là một vốn quý cho đời, còn bây giờ nó bị hoang dại và tàn phá không người chăm chút. Ai có biết đâu từ những cây cổ thụ đến những cành khẳng khiu cũng đền có giá trị cao, cung cấp cho đời một thứ dược liệu và hương liệu quý, không bỏ một cành lá nào. Trong rừng hiếm những cây mà được người đời tận dụng hết một cách quý hiếm. Thế mà bây giờ đây, bà con dân tộc Mán ở đây đã phát nương trên rừng quế để trồng ngô, trồng lúa - Anh em chiến sỹ bàn tán với nhau:
- Tiếc quá các cậu nhỉ, mỗi cậu hãy nhặt đút vào ba lô một mảnh quế, sẽ có lúc dùng đến nó đấy!
- Cây quế quý là thế lúc này thật chẳng có giá trị là bao, nên người ta chặt đi là phải.
- Tuy lúc này ít giá trị thì cũng phải trồng, phải chăm sóc bảo vệ, để đến khi hoà bình, mới có quế già quế chi mà dùng cho cả nước, mà xuất khẩu mới được nhiều tiền...
Con người ta cũng vậy, nếu không biết vun trồng những tài năng sẵn có như cây quế này và rèn luyện bảo vệ nó, thì đến khi cần lấy đâu ra người giỏi giang để phục vụ đất nước và làm thay đổi bộ mặt xã hội tiến lên được. Mỗi cây quế phải trồng hàng chục năm sau mới được sử dụng, quế càng lâu càng già càng có giá trị cao.
Đúng là "Đi một quãng đàng học một sàng khôn" Cuộc sống trong rừng đã dậy cho anh thêm nhiều điều bổ ích.
Ngày hôm sau họ đã đến chân đèo Khâu Vác - Đen vẫn là người chỉ huy tổ tiên phong mở đường trong suốt đội hình hành quân. Anh không nề hà là cán bộ đơn vị hay của cơ quan cấp trên, không nề hà cấp chức hay nhiệm vụ phái viên đốc chiến của mình. Đại đội trưởng Chén lo ngại bảo anh:
- Anh cứ đi cùng chỉ huy của đại đội theo đúng cương vị, việc đi trước mở đường, tôi đã giao cho cán bộ tiểu đội, việc đó nguy hiểm lắm, nhỡ ra...
Nhưng Đen gạt đi và bảo:
- Đại đội trưởng cứ yên tâm! Thà không có hoặc thiếu cán bộ thì phải như thế, nhưng mình có dư cán bộ, tại sao lại để anh em cấp dưới họ phải lúng túng khi gặp tình huống bất trắc.
Nói vậy thôi, chứ người chỉ huy nào lại không muốn có người che chắn cho mình ở phía đằng trước, nhất là đại đội trưởng Chén vốn là cán bộ trung đội mới được đề bạt vượt cấp dưới lên theo chính sách ưu tiên cán bộ người dân tộc ít người thì như được mở cờ trong bụng và rất yên tâm khi có Đen đi cùng và lại đảm nhiệm việc đi trước, mở đường cho đại đội.
Đèo Khâu-Vác nằm trên sườn một đỉnh núi cao trên 2000 m. Đó là một dãy núi đá cao liên tiếp với nhau tầng tầng lớp lớp. Cây cối mọc trên những khe đá và lớp đất xen kẽ rất dầy tạo nên một khu rừng già nguyên thuỷ, núi rừng um tùm và rậm rạp. Đường đi suốt ngày không có ánh mặt trời, suốt đêm ngày mây mù bao phủ, ở dưới chân đèo còn nóng bức phải cởi quần áo, nhưng lên đến đỉnh đèo thì phải mặc áo bông! Đường lên Khâu Vác chẳng khác gì đường lên dốc Cổng trời, cũng toàn dốc cao dựng đứng, người đi trước như bước trên đầu người đi sau, cứ đun đít nhau mà kéo từng bậc từng bậc một, chỉ có cái khác là ở dốc Cổng trời thì quang đãng toàn đồi tranh, đồi trọc, nên đường trên dốc có thể nhìn hết tầm mắt xung quanh, thấy những núi cao bao la hùng vĩ, thấy những khe sâu thăm thẳm mờ mịt. Còn ở Khâu Vác này thì như người đi trong đường hầm, chỗ nào cũng cây cối um tùm rậm rạp, chẳng nhìn thấy trời cao, không nhìn thấy khe sâu vực thẳm, mà tầm nhìn chỉ vài chục mét xung quanh, cứ như người chui trong một chiếc rọ lớn bằng thân cây vậy. Muỗi và vắt cũng là hai đặc sản của rừng, ở đây suốt ngày ẩm ướt, như mưa phùn lại là môi trường thuận lợi cho chúng, những con muỗi to bằng con ruồi, còn những chú vắt khi hút no máu người thì chẳng kém gì con đỉa.
Dưới chân bên kia đèo Khâu Vác là bản Mèo Sùng Đô, một bản dân Mèo lèo tèo chỉ có hơn hai chục nhà dân, nằm rải rác trong một thung lũng, nhà nọ cách nhà kia phải gọi to mới nghe thấy!.
Đại đội đang hành quân, bám thắt lưng nhau mà leo dốc, đội hình đại đội còn đang ở lưng chừng dốc. Tổ của Đen đã vọt lên cao gần tới đỉnh đèo, đang ngồi nghỉ chờ đơn vị. Bỗng một loạt súng nổ, có cả tiếng trung liên và tiểu liên, bắn vào giữa đội hình đại đội. Bọn địch từ trên núi bắn xuống. Trận phục kích bất ngờ làm cho đội hình đơn vị như oằn lên rồi nằm ẹp xuống. Loạt đạn đầu tiên làm hàng chục người bị thương vong. Số còn lại bị đẩy rạt xuống vệ dốc ven đường. Bọn địch tiếp tục bắn tới tấp mà chả nhìn thấy một tên địch nào.
Đại đội trưởng Chén ngay phút đầu tiên đã bị hốt hoảng mất tinh thần vì sợ địch bao vây tiêu diệt hết đại đội, anh lúng túng chưa biết xử trí thế nào, chỉ biết hô anh em nằm im tránh đạn.
Tổ Đen đang ngồi nghỉ bỗng thấy tiếng súng bắn vào giữa đội hình và có cả đạn bắn vào phía mình. Đen hô anh em nằm xuống và chuẩn bị vũ khí, rồi nhanh chóng bắn một loạt đầu tiên về hướng có tiếng súng để áp đảo bọn địch và củng cố tinh thần anh em. Sau đó tổ của anh liền bí mật đi vòng phía sau rồi đánh thọc hẳn lên trên cao, cao hơn bọn địch mới nổ súng xuống lưng bọn chúng. Chúng bị bất ngờ liền rút chạy hết. Đen cố cho anh em đuổi theo nhưng không kịp. Đó là bọn lính Mèo địa phương. Chúng như những con khỉ con sóc trong rừng leo trèo chạy nhảy rất nhanh, xuất quỷ nhập thần, thoắt một cái đã biến đằng nào hết.
Trận đầu tiên bị địch phục kích làm bốn chiến sỹ hy sinh và sáu người bị thương. Đại đội không xuống được bản Mèo Sùng Đô mà chốt lại trên đỉnh đèo Khâu Vác.

* * *

Kiếp luân hồi
Anh tạm biệt quê hương mà nước mắt lưng tròng. Phải hơn hai tuần lễ nữa anh mới từ đồng bằng khu 3, đi bộ lên tới Việt Bắc để tìm về đơn vị cũ. Con đường thẳng, gần nhất qua Hà Nội đã bị chiếm đóng từ lâu không đi được, mà anh phải vòng vào khu Chợ Cháy, rồi đi theo trục đường 22 lên Hoà Bình, vượt qua đường số 6 ở đoạn Đèo Bụt rồi qua sông Đà, lại vòng qua sông Thao đến khu vực Thanh Ba-Vũ ẻn, đó là con đường chiến lược từ khu 4 lên Việt Bắc, mà bọn giặc Pháp cũng thường xuyên phục kích, săn lùng và cho máy bay tuần tra sục sạo bắn phá.
Lại một lần nữa, anh đi tìm đơn vị hết chỗ này đến chỗ khác, mãi một tuần lễ sau mới gặp được Đại đoàn chủ lực của anh ở một căn cứ trung du anh tìm về đại đội 36 mà trước đó anh làm trung đội trưởng ở đây. Chỉ mới sáu tháng trời mà các cán bộ chỉ huy ở đây đã thay đổi gần hết, Đại đội trưởng cũ lên làm tiểu đoàn trưởng, bây giờ chỉ huy đại đội này là một tiểu đội trưởng dưới quyền của anh ở trung đội một trước đây, số chiến sỹ hầu hết là mới bổ xung sau một đợt chiến dịch. Gặp lại anh trở về, đại đội trưởng và một số anh em cũ quen thuộc đều tay bắt mặt mừng chúc mừng anh còn sống trở về, họ tổ chức liên hoan chào mừng anh bằng những nồi khoai luộc và củ sắn lùi bên bếp lửa trại, nghe anh kể chuyện những chặng đường vượt ngục, ai cũng rưng rưng nước mắt thương sót và cảm phục anh.
Nhưng sáng hôm sau đại đội trưởng mời anh lên gặp các thủ trưởng tiểu đoàn, vì đại đội không có thẩm quyền tiếp nhận, chức vụ cũ của anh đã có người khác đảm nhiệm rồi. Anh vác ba lô lên tiểu đoàn, lại một cuộc đón tiếp chào hỏi vồ vập, lại những cuộc liên hoan nhẹ nhàng đầm ấm, những củ sắn lùi và ấm nước chè xanh, những điếu thuốc lá quấn, mà tiểu đoàn trưởng và những bạn cũ ở đại đội 36 và tiểu đoàn 41 này cũng thức trắng đêm cùng Đen. Sớm hôm sau tiểu đoàn trưởng bảo:
- Bây giờ mình giới thiệu cậu lên trung đoàn nhé, tiểu đoàn không có quyền sắp xếp cán bộ, vị trí của cậu đã có người đảm nhiệm rồi, trung đoàn sẽ bố trí cho cậu một vị trí khác xứng đáng hơn.
Thế là Đen lại vác ba lô lên trung đoàn, ở cách xa đó hàng chục cây số. Đến trung đoàn bộ, cũng may gặp ngay tiểu đoàn trưởng cũ hiện nay là trung đoàn phó, trước đây anh rất thích Đen, một sỹ quan có học thức và có bằng cấp, học cơ bản ở trường ra, mọi việc đều có bài bản chính quy khá nghiêm túc một sỹ quan tham mưu có năng lực mà anh đã định rút về cơ quan tiểu đoàn sau chiến dịch đó, nếu Đen không bị mất tích. Anh liền giới thiệu với chính uỷ và trung đoàn trưởng. Rồi lại tay bắt mặt mừng, lại liên hoan nhỏ nhẹ với trung đoàn phó cùng vài trợ lý quen thuộc mấy gói kẹo lạc, gói thuốc lá và ấm chè xanh.
Sáng hôm sau Chính uỷ trung đoàn gọi trưởng tiểu ban cán bộ đến để hướng dẫn Đen làm bản tự khai và hồ sơ thủ tục dành cho các cán bộ và chiến sỹ thu dung bị đào lạc ngũ hoặc bị bắt trở về. Phải mất hai ngày Đen mới làm xong bản tự  khai và hồ sơ lý lịch, vì cứ phải sửa đi sửa lại và bổ xung, trung đoàn phải hỏi thêm nhiều lần. Sau khi xem xong tập hồ sơ của Đen, Chính uỷ trung đoàn liền phê vào góc bên cạnh. Kính chuyển Bộ tư lệnh Đại đoàn nghiên cứu giải quyết!.
Ngày hôm sau, trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn bảo Đen:
- Trung đoàn gửi cậu lên Đại đoàn, để trên đó có thẩm quyền giải quyết cán bộ thu dung, ở  trên đó mới có đủ các cơ quan chức năng để thẩm tra xác minh lý lịch cậu trong thời gian bị bắt. Chúc cậu may mắn, chóng được khôi phục chức vụ và Đảng tịch.
Thế là Đen lại vác ba lô lên Đại đoàn, cách đây 30km. Lên Đại đoàn, anh không được trực tiếp gặp thủ trưởng Đại đoàn, mà phải đến nhà khách nghỉ chờ, và nộp các giấy tờ cho cơ quan phòng chính trị giải quyết. Ba ngày sau, anh mới được một trợ lý cán bộ thuộc phòng chính trị ra gặp, hỏi qua loa lại một số điểm trong hồ sơ và động viên anh chờ đợi.
Hôm sau nữa cũng người trợ lý ấy ra nhà khách và đưa anh một giấy giới thiệu về trạm thu dung Đại đoàn, anh ta nói:
- Theo nguyên tắc, tất cả các cán bộ bị địch bắt, bị lạc ngũ hoặc đảo ngũ trở về đều phải thẩm tra lại lý lịch trong thời gian bị bắt hoặc bị đào lạc ngũ. Cậu phải về trạm thu dung nằm chờ. Bao giờ các cơ quan bảo vệ, tổ chức Đảng và cán bộ thẩm tra xác minh xong, cậu mới được bố trí công tác.
Thế là Đen lại vác ba lô về trạm thu dung của Đại đoàn cách đó 10km, ở một khu vực trong rừng sâu.
Cũng như hàng chục, hàng trăm trạm thu dung các cấp của quân đội lúc bấy giờ. Đen vừa đặt ba lô xuống tối hôm trước thì sáng hôm sau đã được trực ban phân công đi lao động, vào rừng khai thác gỗ làm nhà cho Đại đoàn. Cũng như cái trạm thu dung ở Miếu Cô của tỉnh đội Hà Đông mà mấy năm trước anh đã ở, thực sự đó là một trại cải tạo. Tất cả mọi người đến đây, dù là sỹ quan cấp nào hay chiến sỹ đều được coi là loại đào lạc ngũ tất cả, đã là loại đào lạc ngũ tức là có vấn đề tư tưởng, dao động, bỏ ngũ hoặc nằm ỳ trốn tránh nhiệm vụ chiến đấu mà thôi. "Hắn là loại cán bộ thu dung mà!". "Nó là loại chiến sỹ thu dung mà!" những câu nói châm biếm mỉa mai đó là bao hàm sự khinh bỉ cho những người đã một lần vào đơn vị thu dung, trạm thu dung! Quả tình cũng có những người kể cả cán bộ và chiến sỹ chịu cam phận làm thân con trâu ngựa ở đơn vị thu dung, miễn là không phải ra đơn vị chiến đấu, những loại người đó đã mất hết tinh thần, mất hết nhân cách và lòng tự trọng của người chiến sỹ rồi, "chủ nghĩa cơ hội", dùng đơn vị thu dung để làm nơi ẩn náu trong chiến tranh, trốn tránh được cả ở quân đội và địa phương nhưng khi về vẫn đi trong dòng người chiến thắng, vỗ ngực ta đây đã từng ở quân ngũ bao nhiêu năm...!
Việc lao động đối với Đen thì chẳng có gì đáng ngại dù nặng nhọc cực khổ đến đâu anh cũng chịu đựng được. Điều đáng ngại đối với anh là những con mắt nhìn anh của đồng đội bạn bè và ngay cả những chiến sỹ trong các đơn vị và ngay cả trong trạm thu dung này cũng đều nhìn anh với những con mắt khác lạ, làm anh thấy như mình bị xỉ nhục, bị khinh bỉ với cái từ "Đang cải tạo trong trạm thu dung!" 
Trong khi anh đang lao động vất vả ở trạm thu dung này, thì những bạn bè của anh ở đơn vị cũ, đang được say sưa huấn luyện về chiến đấu, đang được lên cấp lên chức, đang được mừng công khen thưởng. Anh cứ trông thấy họ mà thèm, cứ nghĩ đến họ mà buồn tủi cho số phận mình. Một hôm người ta biểu dương anh trên bảng vì đã có thành tích chặt được nhiều gỗ, và giữ nghiêm kỷ luật không đi chơi bời la cà trong hàng quán hoặc trong làng xóm nhân dân, lá "cá nhân xuất sắc" trong tuần. Anh bực quá cảm thấy như mình bị bêu dương khinh bỉ, anh liền xoá tên anh trên bảng đen đi, và nói to:
- Tôi vượt ngục và đi hàng mấy ngàn cây số về đây không phải để lấy cái biểu dương của các anh đâu! Xin đừng xỉ nhục tôi như vậy!
Mọi người đều ngơ ngác trước thái độ của anh, còn trạm trưởng thì thông cảm với anh, ông liền mời anh vào nhà rồi nhẹ nhàng nói:
- Chuyện của cậu không đơn giản đâu, mình cũng đã đề nghị trên phòng chính trị rồi - nhưng họ bảo - vì cậu không có giới thiệu của chi bộ Đảng trong tù, nên chưa khôi phục Đảng cho cậu được. Đảng viên mà chưa được khôi phục Đảng thì ai người ta bố trí công việc, trả lại chức quyền cho mình. Họ còn bảo: Nếu như cậu có thể lấy chứng nhận của hai Đảng viên cùng bị tù được không? Họ bảo nguyên tắc phải có hai người chứng nhận là được.
- Trời, thế thì họ đánh đố tôi rồi!
- Vậy thì cậu đành phải chịu chứ biết làm sao được.
Nguyên tắc Đảng là như vậy, chứ phải ai đặt ra đâu! Đã là nguyên tắc thì cứ phải nghiêm chỉnh chấp hành mà thôi.
Rồi ông ta còn bảo:
- Mình khuyên cậu cứ ở lại đây, phấn đấu rồi để được kết nạp lại, và rồi sẽ thay mình làm trạm trưởng cái trạm này. Cách đây hai năm mình cũng đã bị thất lạc như thế, rồi chẳng ai xác minh cả, mình đành phải phấn đấu lại từ đầu, rồi được kết nạp lại và làm trạm trưởng ở đây.
- Anh đã ở đây được hai năm - Đen nói vẻ châm biếm - Thì anh cũng nên ở đây suốt đời thôi, còn định đi đâu nữa?
- Mình xin về phục viên!
- Thế thì hết chỗ nói rồi! - Xin chúc mừng anh!
Đen bỏ ra ngoài rừng không muốn nói chuyện với anh chàng trạm trưởng kiểu chán đời này nữa.
Thế là gần một tháng trôi qua, anh ở cái trạm thu dung cải tạo này, mới đầu cách hai ngày một lần, rồi ba ngày, năm ngày, một tuần một lần anh đề nghị trạm trưởng điện thoại lên hỏi Ban cán bộ Đại đoàn, và anh cũng gọi điện thẳng cho chủ nhiệm chính trị Đại đoàn đề nghị giải quyết, nhưng lần nào cũng vậy, trên Đại đoàn đều bảo cứ chờ đợi, nhiều khó khăn lắm chưa thể cử người đi xác minh được, và bảo anh cứ tìm hai người bảo lãnh theo nguyên tắc Đảng đi thì Đại đoàn sẽ giải quyết được ngay. "Trời, một thằng trung đội trưởng chứ nào có phải ông to bà lớn gì đâu mà họ làm quan trọng như vậy nhỉ. Thế thì chỉ đánh đố mình mà thôi!"
Anh lại đi đến nhờ trung đoàn phó là tiểu đoàn trưởng cũ của anh, ông ấy cũng chỉ động viên "Chờ" thế thì chỉ có chờ, chờ và chờ cho đến khi nước nhà độc lập hay sao? Hay chờ cho đến chết. Thà làm một người chiến sỹ phấn đấu lại từ đầu ở ngoài mặt trận còn hơn làm anh sỹ quan phải làm lại từ đầu ở cái trạm thu dung này.
Anh viết đơn tình nguyện xin xuống đơn vị chiến đấu với bất cứ một cương vị gì, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng hay chiến sỹ cũng được - Anh phải cạy cục năm lần bảy lượt, lại phải nhờ cả trung đoàn phó, tiểu đoàn trưởng và nhiều bạn bè cũ vận động hộ nữa. Cuối cùng cấp trên mới chiếu cố đến tinh thần hăng hái xung phong và nhất là chiếu cố tới "Thành tích cải tạo" ở trạm thu dung liên tục trong một tháng qua đạt xuất sắc, nên thủ trưởng Đại đoàn đồng ý chấp nhận đơn của anh, cho anh trở về đại đội 36 cũ chiến đấu, với điều kiện chỉ được làm cấp phó để thử thách - Thế là anh được về làm trung đội phó ở ngay cái trung đội mà anh làm trung đội trưởng. Nhưng oái oăm thay là trung đội trưởng bây giờ lại là một chiến sỹ cũ của anh trước đây. Anh đã làm hết sức mình và tôn trọng trung đội trưởng, nhưng chỉ được ít ngày thì chính trung đội trưởng lại đề nghị cấp trên chuyển anh đi đơn vị khác, bởi lẽ anh ta không thể chịu đựng nổi một người cấp dưới vừa giỏi hơn mình lại vừa là cấp trên cũ của mình! Trong một số công việc Đen đã sửa sai giúp trung đội trưởng và anh ta cho đó là làm hại uy tín của anh ta. Thế đấy! Sự nhiệt tình không  phải lúc nào cũng được hoan nghênh! Đại đội trưởng đành kéo anh lên làm trợ lý đại đội giúp việc cho mình. Anh đã phải tự rút kinh nghiệm lần trước, để có thái độ ứng xử với đại đội trưởng cho thích hợp. Anh không hề tham gia hoặc sửa sai cho đại đội trưởng một tý gì cả, anh chỉ là người truyền đạt cho cấp dưới và báo cáo với cấp trên mà thôi. Đại đội trưởng lấy làm hài lòng, nhưng các hàng ngũ trung đội trưởng lại phản ứng vì cho là anh hay bới lông tìm vết và hay dạy khôn họ, nên họ không thích, chung quy chỉ vì anh giỏi hơn họ. Thế là mấy tháng trời phấn đấu công cốc, anh chẳng được một lời nhận xét nào tốt đẹp từ cái đơn vị cũ của anh cả, từ cái đơn vị cội nguồn của anh, vì nó mà anh đã đổ máu và đã bị bắt làm tù binh, rồi cũng vì nó mà anh đã phải trải qua bước đường hàng ngàn dậm gian khổ khốc liệt để trở về đội ngũ chiến đấu với nó. Và anh đã phải gánh chịu những hậu quả như thế này đây.
Cuối cùng họ lại đuổi khéo anh về trạm thu dung với lý do cho đi tìm nguồn xác minh lý lịch. Anh cũng chán ngán cảnh kèn cựa đố kỵ của các cán bộ đơn vị, nên đành phải chấp nhận phương án về trạm thu dung để chờ một điều kiện khác vậy. Khi thấy anh trở lại trạm thu dung, anh chàng trạm trưởng liền nói khích:
- Đấy nghe tớ có hơn không! Cậu xuống đơn vị mấy tháng trời cũng công cốc, ốc mò cò xơi, cậu ở đây với tớ có phải đã được nửa thời gian phấn đấu rồi không. Thôi cứ yên tâm ở đây mà phấn đấu đi. Tớ sẽ thông cảm ủng hộ và nâng đỡ cậu chứ sao, đừng đứng núi này trông núi nọ nữa!
Thế là anh lại đành phải nhận con dao mác của trạm trưởng đưa cho, để ngày ngày lại lên rừng chặt gỗ, chặt nứa về cho Đại đoàn. Anh còn tham gia làm nhà cho các đơn vị nữa, làm thợ mộc, thợ xẻ cả thợ trát dứng xây tường nữa...
Nhưng rồi thời cơ lại đến với anh, xin cảm ơn chúa. Chúa vẫn còn ban cho anh những niềm vui. Người ta thành lập một quân khu mới ở một vùng rừng núi xa xôi của Tổ quốc, đó là quân khu Tây Bắc có hàng trăm cán bộ các cấp cho cơ quan quân khu, mỗi Đại đoàn chủ lực của Bộ phải cử một số cán bộ bổ xung cho quân khu này.
ở Đại đoàn của Đen, người ta chọn, chọn mãi. Những cán bộ tốt cần phải để lại xây dựng Đại đoàn, người ta chỉ có thể đưa những loại cán bộ kém kể cả về năng lực và phẩm chất và những loại cán bộ có vấn đề để đưa đi bổ xung cho đơn vị khác mà thôi. Nhưng cơ quan cán bộ chọn mãi "Con rô cũng tiếc con riếc cũng muốn", yêu cầu năm người mà chỉ có bốn người, mãi đến ngày sắp lên đường vẫn không đủ. Đến khi Bộ thúc giục mạnh quá, một ai đó trong cơ quan cán bộ bỗng nhớ đến trạm thu dung và thế là Đen được ghi tên là người thứ năm trong danh sách bổ sung cho quân khu Tây Bắc, thuộc diện bộ đội địa phương! Với đầy đủ hồ sơ và giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng.
Người ta tìm lại hồ sơ lưu của anh trước đây và ghi nhận xét thêm vào đó như một cán bộ liên tục ở Đại đoàn. Còn giấy sinh hoạt Đảng thì làm đầy đủ thủ tục chuyển từ đại đội 36, tiểu đoàn 41 trở đi.
Thế đấy, cây quế khi chưa có bệnh thì chưa cần đến nên bị người ta vứt lăn lóc ở xó rừng, nhưng đến khi có bệnh cần đến thì đến cành quế vứt đi cũng được sử dụng như một cây quế cổ thụ.
Tuy nhiên trong số năm cán bộ bổ xung thì có bốn người đều được đề bạt lên một chức, chỉ trừ có Đen vẫn giữ nguyên chức trung đội trưởng từ gần hai năm trước đây. Cả bốn người đều là cán bộ đại đội tiểu đoàn, chỉ có Đen là cán bộ trung đội. Dù sao đó cũng là một niềm vui. Niềm vui đầu tiên từ khi anh tìm về được đơn vị đến nay.
Trên đường hành quân lên Tây Bắc, lòng anh lại rạt rào nguồn vui, anh lại ca, anh lại hát và bài hát "Đường lên Tây Bắc" của anh đã ra đời trong đợt hành quân này, mà hàng chục năm sau bộ đội Tây Bắc vẫn còn hát:
"A, đoàn ta đi Tây Bắc... vượt bao gian nan
Núi rừng quanh co - Ta luôn vui vì nhân dân 
Đoàn ta đi lên, giết tan quân thù...!"

* * *

Nấm mồ trên đỉnh đèo:
Suốt mấy ngày liền bọn địch quấy rối liên tục ngày đêm, làm cho đại đội ăn không ngon ngủ không yên. Đơn vị vẫn phải chốt trên đỉnh đèo Khâu-Vác, chưa thể xuống bản Sùng Đô được. Mỗi ngày lại thêm một vài chiến sỹ bị thương vong. Ban chỉ huy đại đội 79 cứ cuống cả lên. Nhất là đại đội trưởng Chén, anh vừa lo trách nhiệm, vừa sợ hãi thương vong. Mà vẫn lúng túng chưa có biện pháp nào tích cực để tiến lên được cả.
Đến ngày thứ bảy thì đại đội hoàn toàn hết gạo, lương thực mang theo trên vai có mười ngày thì đã mất bốn ngày hành quân và chốt lại tại đây bảy ngày. Tiểu đoàn và tỉnh đội hứa sẽ tiếp tế gạo vào theo kế hoạch kể từ ngày thứ mười. Nhưng nước lũ, suối Giàng và ngòi Lao bị ngập không đi được. Trước tình hình đó, biện pháp duy nhất của đại đội trưởng Chén là phải về nhanh tiểu đoàn để báo cáo. Tiểu đoàn lúc đó nằm ở phía Bắc Đại Bục. Cách Khâu-Vác 3 ngày đường. Anh bàn giao đại đội lại cho chính trị viên Thạch, rồi lấy một tiểu đội để đi cùng, bảo vệ đại đội trưởng về tiểu đoàn báo cáo gấp rồi vào ngay.
Nhưng sau đó sáu ngày, rồi mười ngày cũng không thấy đại đội trưởng vào nữa, phần vì bị địch bao vây cản đường và một phần vì lý do đại đội trưởng cáo ốm không vào được, mà sau này Đen mới rõ, thực chất là Chén đã hoang mang dao động, tìm cách tháo chạy khỏi vùng địch hậu gian nan nguy hiểm này mà thôi.
Quyền chỉ huy đại đội lúc này là chính trị viên Thạch, vì đại đội phó tập huấn ở tỉnh về muộn, rồi cũng không vào nữa. Nên chính trị viên Thạch phải kiêm nhiệm cả chính trị và quân sự. Khốn nỗi chức trách của chính trị viên là lãnh đạo, lãnh đạo chính trị tư tưởng và làm công tác Đảng, chứ có phải là chỉ huy quân sự đâu, vì thế bao nhiêu năm nay anh không hề quan tâm tới quân sự mà phó thác cho đại đội trưởng cả. Lúc này anh mới thấy mình lúng túng vô cùng, và cứ phải hỏi anh Đen phái viên quân khu xem nên làm thế nào?
Đen đề xuất công việc trước mắt cho Thạch là phải củng cố trận địa, tổ chức tuần tra canh gác nghiêm ngặt, săn sóc thương binh và tìm cách chống đói. Đen vừa đề xuất với Thạch đồng thời cũng vừa giúp Thạch việc triển khai đôn đốc thực hiện. Anh cho đào hầm hào công sự và tự mình kiểm tra canh gác và tổ chức thường trực chiến đấu, như một cán bộ chỉ huy quân sự của đại đội. Thạch tổ chức anh em đi đào củ mài củ nâu và tìm các loại hoa quả rau rừng có thể chống đói được. Rồi một hôm Đen và một tổ đi phục kích ở trên đường tiếp tế của địch, đánh bắt được một ngựa thồ ngô hạt mà bọn địch để nuôi ngựa. May mắn quá, thế là sống rồi. Đen đề nghị phải tiết kiệm ăn dè xẻn, để còn chiến đấu lâu dài, nhưng chính trị viên Thạch phấn khởi quá, bốc đồng lên, anh cho mổ ngựa khao quân và cho anh em ăn một bữa no nê thoải mái đề bù vào mấy ngày nay thiếu gạo không có hột cơm nào vào mồm.
- Ôi dào, yên trí cùng lắm là một-hai ngày nữa anh Chén vào, nhất định chúng ta có gạo, tiểu đoàn phải giải vây đưa gạo vào cho bọn mình chứ, cấp trên không thể bỏ rơi bọn mình được!
Niềm tin ở đồng đội, đồng chí và ở cấp trên của Thạch là tuyệt đối là đúng đắn, nhưng thực tế tiểu đoàn cũng đang làm nhiệm vụ khẩn trương hơn và cũng đang bị địch chặn đường tiếp tế ở Đại Bục - Đại Phác rồi mà mãi mấy hôm sau anh mới biết.
Các chiến sỹ làm thịt ngựa chỉ lọc lấy thịt ăn còn toàn bộ lòng ruột, xương, đầu, bốn chân và bộ da lột đều bỏ hết. Y tá còn bắt chôn để khỏi gây ô nhiễm trong "Doanh trại"! - Rồi ngô luộc, ngô rang, ngô nướng, toàn đại đội ăn rả rích suốt ngày, có cậu còn giã ngô luộc để nắm làm bánh ngô giả bánh bao nữa. Thế là một tạ ngô hột trong một ngày đầu tiên đã dã hết  già nửa. Với quân số còn gần một trăm con người, những ngày sau sẽ ăn gì? - Ăn bằng niềm tin của chính trị viên Thạch!
Khi đã giải quyết được lương thực, thực phẩm. Đen đề nghị Thạch cho tấn công vào Sùng-Đô ngay để còn phải tiến về Nậm Mười và Nghĩa-Lộ nữa. Nhưng Thạch sợ không dám tấn công, mặc dầu Đen nhận đảm nhiệm việc chỉ huy quân sự thay Thạch.
- Thì cứ chờ đại đội trưởng Chén vào đã anh ạ, vội gì? Thạch nói với Đen như vậy, vì Thạch sợ trách nhiệm, thắng thì hay, chớ nhỡ bị thất bại thì làm sao? Và thế là Thạch cứ khoanh tay ngồi chờ, nhất định Chén sẽ vào, nhất định gạo sẽ đến. Có gạo, có đại đội trưởng rồi mới tiếp tục hoạt động được.
Hậu quả của cuộc liên hoan thịt ngựa và ngô rang, ngô luộc của ngày hôm đó là toàn bộ đại đội bị đi ỉa chảy hàng loạt. Chính trị viên Thạch tuy kiêng không ăn thịt ngựa, vì dân tộc chỗ quê anh kiêng thịt ngựa thịt trâu mà chỉ ăn ngô nhưng cũng bị đi ỉa chảy vào loại nặng. Y tá cuống lên, có ít thuốc đau bụng nào dốc ra hết cũng không đủ. Thạch còn phải hướng dẫn cho anh em tìm lá thuốc nam theo bài thuốc dân tộc để nấu cho anh em uống nữa. Toàn bộ đại đội mất sức chiến đấu, nằm hàng loạt, cả Đen cũng thế "Giá lúc này địch tấn công thì có lẽ sẽ tiêu diệt gọn được đại đội này!" Thạch và Đen đều nghĩ như vậy. Các chiến sỹ cũng nghĩ như vậy. Tiếc rằng bọn chỉ huy địch lại không thể biết được điều đó.
Hậu quả còn nặng nề hơn, sau trận đi ỉa chảy mãi mấy ngày mới khỏi là trận sốt rét hàng loạt, mà người sốt nặng hơn cả là chính trị viên Thạch.
- "Ông Thạch không bị ốm thì cũng phải sốt thôi, vì ông Chén không vào, gạo không đến, mà số ngô cũng sắp hết rồi! Điện đài liên lạc với tiểu đoàn cũng bị mất tín hiệu. Thế là chúng ta bị bao vây hoàn toàn cô lập - Tiểu đoàn bỏ rơi chúng ta rồi!
Các chiến sỹ xì xào bán tán công khai với nhau như vậy. Còn Thạch thì suốt ngày nằm rên hừ hừ, bên đống lửa, mê man bất tỉnh chẳng cần biết gì nữa!
Hàng chục thương binh nằm rên la, mỗi ngày có ít nhất một người chết, vì vết thương bị hoại thư hoặc vì dịch ỉa chảy, một số anh em đã tìm cách bỏ trốn, nhưng gặp địch bắn có người bị chết, có người bị thương, nên lại phải quay lại co cụm với nhau. Đã có những hiện tượng tranh giành nhau, đánh chửi nhau vì một vài củ gắm và mấy cọng rau rừng...
Trước tình hình đó, Đen với tư cách là phái viên đốc chiến của quân khu, phải đứng ra tổ chức lại. Trước hết Đen triệu tập hội nghị Đảng viên và cán bộ, rồi họp đại đội, để quán triệt nhiệm vụ, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm chiến đấu. Tự mình phải cứu lấy mình, không bi quan dao động, ngồi chờ cấp trên, là tự sát...
Việc đầu tiên là Đen cho kiểm kê và quản lý lại lương thực. Chỉ còn gần năm ki-lô ngô, anh giao cho quản lý phải giữ chặt, chia làm năm ngày, mỗi ngày một kilô, chia đều cho mỗi người, thương binh được gấp đôi. Thế là mỗi người mỗi ngày được chia khẩu phần là hai mươi hạt ngô, nhưng rồi số thương binh nặng phải tăng lên, và số thời gian dự trữ cũng phải kéo dài ra, nên mỗi người chỉ còn được chia rút xuống mười lăm hạt, rồi mười hạt, tám hạt đến năm hạt một ngày là hết sạch, bộ đội hoàn toàn phải ăn rau rừng. Rau rừng xung quanh cũng hết, họ phải đi xa mới có, mà đi xa lại hay gặp địch, lúc này cần có một xọt rau rừng cũng phải đổ máu. Các chiến sỹ bỗng nhớ đến kho thịt dự trữ, đó là số lòng, ruột, đầu xương, và da ngựa đã đem chôn từ mười ngày nay, họ liền đem bới lên. Tuy đã có mùi thối, nhưng không có sâu bọ. Vì ở đây khí hậu lạnh và lại chôn vùi kỹ. Trước đây khi mổ thịt thì cho ăn bừa phứa, nhưng bây giờ những thứ  thiu thối này cũng phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo vệ sinh, để phân phối hợp lý và phòng ngừa bệnh tật, nhất là bệnh ỉa chảy. Đen kiên quyết bắt quản lý và y tá phải giữ kho chặt chẽ và chỉ cho mỗi người ăn ít một, vì thế đã tránh được dịch. Trước đây chính trị viên Thạch kiêng thịt ngựa là thế, mà bây giờ đói quá, anh cũng xin một miếng da ngựa ninh để ăn và lại khen:
- Ngon quá, cả đời mình chưa thấy thịt nào ngon như thế này! Anh em đều cười ồ lên và trách khéo lại anh.
- Giá như anh cứ nghe lời anh Đen thì đâu đến nỗi?
Anh gật đầu rồi nói thều thào:
- Vâng, bây giờ trăm sự nhờ anh Đen, tôi.... ốm....quá!
Cũng không phải chờ đến lúc chính trị viên Thạch nói điều nhờ vả, đó là trách nhiệm của một người Đảng viên? của một sỹ quan? Hay đó là lương tâm của một con người có nghị lực?
- Điện đài đã bắt được liên lạc với tiểu đoàn rồi!
Trong khi mọi người đang tưởng hết hy vọng và buồn rầu chán nản thì một chiến sỹ thông tin từ đỉnh núi chạy xuống reo lên, làm mọi người như bừng tỉnh, chạy xô lại người chiến sỹ đang cầm cuốn sổ điện vừa đi vừa vẫy.
- Có nguồn sống rồi! Có niềm tin rồi!
Ai đó nói lên, làm mọi người đều hồ hởi - Đen bảo người lính thông tin đọc to điện cho tất cả cùng nghe:
"Mật điện gửi C79 khẩn - Tiểu đoàn bị bao vây, Chén không vào nữa, tiểu đoàn chỉ định đồng chí Đen phụ trách đại đội trưởng - Cố gắng tiến công theo kế hoạch - ký tên Long Vân".
Long Vân là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ lực tỉnh này, ngày giờ của bức điện đã ghi cách đây mười ngày, thế mà bây giờ mới chuyển đến nơi, chắc đài chuyển tiếp bị hỏng, hoặc đài của tiểu đoàn phải chạy hoặc một đài nào đó bị địch bắn phá bây giờ mới chuyển đến được.
Sau khi nghe bức điện, mọi người đang vui lại buồn hẳn đi, rồi lại có tiếng bàn tán.
- Gạo chẳng có, thì điện cũng vứt đi - Tiến công, tiến công cái con khỉ, có tiến công xuống mồ thì có.
- Lão Chén thế mà khôn ngoan, lão ấy đánh bài chuồn một cách êm nhẹ, bỏ mặc anh em mình chết ở đây.- Được, nếu còn sống trở về thì phải cho lão ấy biết tay.
- Cái cần hiện nay là gạo, chứ cần gì chỉ huy, ai mà chỉ huy chả được.
- Thế ông Thạch chỉ huy thì sao? Lúc đã có lương thực đang có sức, người còn đông còn khoẻ, ông Đen bảo tấn công lại không dám. Bây giờ thì bảo ông Thạch dậy mà chỉ huy. Chung quy cũng tại cả ông Thạch nữa, nên mới đến nỗi này. Chà, cứ để cho mấy anh thổ mừ ngu dốt mà cầm đầu chúng mình thì chỉ có chết mà thôi.
- Chết! Cậu lại động đến chính sách ưu tiên cán bộ dân tộc rồi, ông ấy mà nghe thấy lại về báo cáo lên trên thì cậu chết!
- Tớ cũng đếch sợ, làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại, theo tớ cứ thằng nào giỏi thì chỉ huy, chẳng cứ gì dân tộc thiểu số hay đa số, đánh trận chứ có phải ăn cỗ đâu, chuyện chết người chứ có phải chơi đâu, bổ nhiệm một ông chỉ huy đại đội mà cứ như chỉ định một cô phụ trách chuồng gà ấy không bằng. Thiếu gì thằng cán bộ dân tộc giỏi như thằng Đào người Thổ, thằng Páo người Mèo ấy, chúng nó không giỏi hơn ối ông người kinh ấy à. Thế mà chúng nó không được bổ nhiệm, chỉ vì cái tội hay cãi bướng và hay chơi gái chứ gì? Sao? Cậu bảo phải đào tạo ư? Đào tạo thì cũng phải từ từ, có bài có bản và cũng phải kiểm tra nghiêm túc chứ; làm tiểu đội trưởng còn chưa thạo mà lại nhảy vọt lên làm đại đội trưởng thì chỉ có nướng quân thôi. Thế đấy hậu quả chính sách cán bộ của mấy ông trên đang đẩy chúng ta vào cái thế chết đói chết rét, rồi bị bao vây tiêu diệt hết thế này đây, thấm thía chưa? Mấy ông ngồi trên có biết gì đâu, chung quy chỉ chết người lính chúng mình thôi!
- Thôi thôi thôi - Xin các ông, chuyện đó để khi nào còn sống thì về mà bàn cãi, mà tranh luận. Còn bây giờ tập trung bàn xem làm thế nào để giải vây, chả nhẽ cứ tiến thoái lưỡng nan chịu chết ở đây à?
- Chịu chết là thế nào, theo tớ cứ tập trung đánh thọc một mũi, thằng nào chết thì chết, còn thằng nào sống thì cao chạy xa bay là xong hết.
- Thế nhiệm vụ tấn công thì ai làm?
- Xuỳ, chết đến đít rồi, mà còn nói tiến công, để mấy ông chỉ huy ở lại mà tiến công!
- Đang cần gạo thì chả bổ xung, lại bổ xung chỉ huy, chả cần chỉ định của tiểu đoàn thì ông ấy cũng phụ trách chúng mình rồi đấy, nếu không có ông Đen thì cái đại đội này cũng đến bị tiêu diệt rồi, ông ấy cần gì cái điện chỉ định ấy.
Phải, người chiến sỹ ấy nói có phần đúng, cái Đen cần lúc này là lương thực cho đại đội, chứ không phải cái chức chỉ huy ấy. Tuy nhiên nếu bức điện này đến sớm mười ngày trước đây thì anh đã có thể thay đổi được tình thế khác rồi. Bây giờ thì đã muộn, nhưng không lẽ đành phải chịu bó tay, đành để cho bọn địch bao vây mãi và để cho kẻ thù vô hình là  khí hậu và bệnh tật, là đói khát tiêu diệt dần mòn hay sao? Tình hình trước mắt anh thật bi đát, - Bộ đội đã mười ngày nay không có một hột gạo hột ngô, chỉ ăn rau rừng. Trừ ốm và bị thương nằm liệt quân số chiến đấu chỉ còn lại một phần ba, nghĩa là chỉ còn chưa đầy ba mươi tay súng, mà lại ốm yếu cả vì đói và bệnh tật. Đơn vị nằm giữa vòng vây của địch, phía Sùng Đô đằng trước là một tiểu đoàn lính dõng người Mèo, phía Suối Giàng đằng sau là một tiểu đoàn nguỵ binh, trong đó có một đại đội lính Mán, đằng sau các đơn vị địch trên là các đồn lính Âu Phi cách đó khoảng 10-15km.
Đáng gờm nhất đối với anh là bọn lính Mèo và lính Mán, đó là dân địa phương rất thạo núi rừng và đều là những tay súng giỏi. Chúng đánh du kích chống lại bộ đội ta còn thạo hơn du kích ta đánh Pháp ở đồng bằng mà trước đây anh đã được tham gia hồi ở quê hương.
Nhưng bù lại là trong hai tuần lễ qua, anh đã cùng một tổ trinh sát, có lúc đi một mình, đã đi trinh sát được toàn bộ các tuyến đường quanh khu vực này, từ Sùng Đô đến Nậm Mười, Cửa-Nhì, Nghĩa-Lộ. Anh cũng đã trinh sát và vẽ được bản đồ hoả lực và bố phòng của các đồn Âu Phi và lính dõng. Anh còn thông thạo đường ngõ trong bản Sùng Đô và Giằng Pằng, mà tên thống Lý Mèo, như  Chánh tổng dưới xuôi trực tiếp làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dõng lại ở bản Giằng Pằng cách Sùng Đô năm kilômét. Anh cũng đã trinh sát được một kho lương thực của chúng vừa tiếp tế đến vào chiều hôm qua, anh cũng nắm được một số quy luật của địch về tuần tra canh gác, và đi lại trên đường, việc liên lạc giữa các đồn bốt với nhau...vv. Đó là những điều kiện để anh có thể hạ quyết tâm cho chính mình. Liệu anh có thể làm chuyển biến được tình hình không?
Không còn con đường nào khác, anh phải tấn công để cứu lấy đại đội và tự cứu lấy mình. Đã gần một tháng trời, một đại đội làm nhiệm vụ trinh sát võ trang chuẩn bị cho chiến dịch mà lại bị kẹt, nằm chết dí ở cái đèo cao và đang sắp bị diệt vong vì chết đói chết rét và bệnh hoạn, bọn địch cũng cao tay, chúng không dám tấn công trực diện, chúng cũng không cần tấn công trực diện, mà chỉ vây hãm, quấy rối và để cho rừng núi làm đồng minh tiêu hao dần đại đội này đây, và anh cũng sẽ nằm xuống đây, bên cạnh 24 nấm mồ đồng đồng đội đã hy sinh ở đỉnh núi này sao?
Hãy thôi không nhắc đến những gì sai lầm qua của những người chỉ huy cũ ở đây, mặc cho anh em đang nguyền rủa đang chửi bới cả trời cả đất, đang kêu đói kêu khát, đang rên la vì đau đớn đang cầu nguyện hay đang cãi nhau. Anh như quên tất cả, chỉ còn một mình anh đang ngồi bên tấm bản đồ trải ở mé rừng bên cạnh 24 nấm mồ. Anh đang cầu những linh hồn của họ để cứu đồng đội và tự cứu mình.