Chương 12

Chính người cai khám trao cho Tân cái thư nhà đã đến trong lúc Tân còn ở trong xà lim. Tân mừng rỡ vì biết là thư của Hường gởi nhưng lo ngại không biết tin dữ hay lành. Phong thư đã nhầu nát với những chữ kiểm duyệt to tướng. Tân oán giận người đã bóc thư xem trước.
Nhìn tuồng chữ quen thuộc của Hường, Tân lim dim mắt tưởng tượng đến người yêu trước mặt:
Huế... ngày... tháng...
"Anh Tân,
" Hôm anh đi thì Ba sốt nặng liên miên hai ngày. Qua ngày thứ ba Ba đã mất. Ba cứ nhắc mãi tên anh khi hấp hối... "
Bức thư rơi khỏi taỵ Tân ngã quỵ bất tỉnh. Một vài anh em bế xốc dậy. Người thì xoa dầu, người khác cạo gió.
Ông già Mau bỏ quyển Tây Du đang xem dở chạy đến bắt mạch và lễ mấy huyệt. Tân tỉnh dần, nhưng lại gục đầu khóc nức nở. Chính hỏi nhỏ:
- Chắc anh có tin buồn phải không?
- Cha tôi đã chết!
- Từ bao giờ?
- Hôm tôi bị đày vào đây.
Chính để cho Tân khóc một hồi và hỏi tiếp:
- Ông Cụ có bệnh gì không?
- Cha tôi bệnh đã hơn một năm. Ở nhà đã chạy đủ phương thuốc nhưng không thuyên giảm.
- Thôi thế thì ông cụ chết như thế cũng khỏe. Nếu sống mà bệnh tật phải nằm một chỗ quanh năm chắc là ông cụ cực khổ lắm!
- Tôi chỉ buồn là không được gần cha tôi lúc chết. Cha tôi đã nhắc đến tôi nhiều lắm!
- Anh thật không may! Nhưng thôi, anh nên bớt buồn phiền và suy nghĩ đến dĩ vãng để lo cho cuộc sống khổ sở hiện tại của chúng mình. Anh có đạo không?
Tân ngẩng mặt nhìn Chính như tìm hiểu. Nhìn vào chiếc thánh giá ở ngực Chính, Tân đáp:
- Nhà tôi theo Phật giáo, nhưng tôi thì chưa quyết định.
- Những giờ phút đau khổ nầy, nếu anh là người công giáo thì anh chỉ cầu xin Chúa và anh sẽ đỡ khổ nhiều lắm.
Tân như muốn vừa lòng người bạn mới:
- Lúc nhỏ cha tôi có cho tôi đi học trường đạo.
- Bây giờ anh nên suy nghĩ lại và quyết định dứt khoát, càng sớm càng haỵ Anh rửa tội thì đời anh sẽ thấy khoan khoái nhẹ nhõm hơn và cuộc sống hiện tại sẽ đỡ khổ cho anh nhiều.
Tân nhìn xa qua khung cửa sắt, nghĩ đến những năm dài đằng đẳng trước mặt phải sống cạnh một người bạn đang tìm cách quyến rũ.
Chính nhìn Tân, chờ đợi câu trả lời. Tân trì hoãn:
- Anh hãy để cho tôi suy nghĩ vì hiện giờ đầu óc tôi trống rỗng. Tôi đau khổ lắm!
- Chính những lúc khổ sở mình mới thấy con đường chính đạo.
Tân nhìn quanh bốn bức tường kiên cố của căn phòng giam án nặng, càng thấy bực tức vì không tìm thấy một góc yên tĩnh nào để đau khổ riêng một mình.
Tân ghét sự chinh phục của người bạn mới.
Khi mà hơn hai trăm mạng người phải sống chen chúc trong một cái nhà giam chỉ có thể chứa được chừng một trăm chỗ, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, thiếu điều kiện vệ sinh. Khi mà người phải nằm la liệt giữa sàn nhà, trên những manh chiếu rách, những mảnh bố tơi ẩm ướt đầy rận rệp, khi ấy thì loài người gần như sống lại cuộc đời ăn lông ở lỗ của tổ tiên.
Vì thiếu vệ sinh cho nên anh em mang đủ các chứng bệnh từ ngoại đến nội thương. Có kẻ trước khi vào đã mang sẵn bệnh. Như Tân bị sốt rét kinh niên chẳng hạn. Thế mà vào nhà lao không có thuốc men gì cả thậm chí đến một miếng bông, một tí thuốc cầm máu, sát trùng cũng không có, hoặc giả có thì cũng để cho quan Tây dùng.
Trong cái tình trạng nguy ngập ấy, trời đã dun dủi cho các anh em phạm nhân có được một vị lương y: ông thầy châm chích. Ở ngoài đời nghe nói đến châm chích hay lể thì ít ai nhận chân giá trị của khoa ấy vì nhiều lý lẽ thừa biết. Nhưng ở trong lao thì quả thật là một chuyện quý hóa và cũng nhờ đấy mà Tân có dịp được nghiên cứu và quan sát khoa châm chích.
Anh em gọi ông già ấy là giáo sự Tên ông ta là Mau, mặc dầu người ông luôn luôn khoan thai chậm rãi. Dáng điệu có vẻ một nông dân trung cấp, nho học, ngoài bốn mươi tuổi. người thấp và gầy, đầu tóc hớt ngắn đã ngả mầu muối tiêu, mắt thỉnh thoảng phải dùng kính viễn thị nhất là mỗi khi châm cứu. Đồ nghề của ông ta là một hộp sắt nhỏ đựng những mảnh chai sắt bén.
Cái hôm ông Mau châm cứu cho Tân thì Tân không biết rõ được tài nghệ lắm, nhưng hôm ông ta cứu một anh bạn trúng gió thì quả thật là mọi người phải thán phục. Hôm ấy cũng như thường lệ, sáu giờ chiều, ăn uống, dọn dẹp xong xuôi là họ điểm danh và nhốt tù vào phòng. Chừng 10 phút sau hơi người bốc ra làm nóng cả gian phòng. Tất cả mọi người đánh trần, mồ hôi nhễ nhại và chen chúc nhau đến hít khí trời ở khe cửa lớn.
Bỗng nhiên một anh bạn ngã lăn xuống sàn dẫy nẩy tay chân, sùi bọt mép. Tất cả anh em rối loạn, xôn xao bàn tán. Thấy cơ sự như thế ai cũng biết là kinh phong hay trúng gió độc nhưng chưa ai biết phải làm gì ngoài sự mở rộng vòng vây chung quanh nạn nhân.
Giữa cơn hoang mang chào xáo ấy, giáo sư Mau xuất hiện, lộ nguyên chân tướng một nhà chuyên môn châm cứu lành nghề. Ông ta ung dung đeo mục kỉnh vào, tay lần hộp mảnh chai trong bao thuốc lá. Sau một phút châm chích vài huyệt quanh mồm là môi anh bạn kia mấp máy được, rồi chân tay cử động. Giáo sư chích thêm vài huyệt ở đầu, ở lưng là mồ hôi anh ấy tháo ra như nước giọt và con bệnh hoàn toàn khỏi.
Nếu trong đời Tân phải có một lần thán phục một nhân vật nào vì một công việc gì của họ, thì lần ấy là lần thứ nhất. Tân quyết định theo sát giáo sư Mau để xin thọ giáo cho bằng được. Tân tin rằng cái khoa châm chích của ông ta phải tuyệt diệu cao siêu và nếu để cho mai một với thời gian, không lưu lại cho hậu thế thì quả là một chuyện đáng tiếc.
Bắt đầu buổi thọ giáo bằng những lời chua chát như muốn làm cho Tân chán nản, những mà Tân nhất định sẽ ghi vào trang " mở đầu" của quyển sách "châm cứu thực hành" tương lai.
- " Lể là bạc cậu ạ! Giáo sư Mau nói Tân. Cậu thấy có ai biết nghề lể mà giàu đâu. Bởi vậy cái nghề lể không ai truyền mà cũng chẳng ai học. Cậu có muốn biết thì tôi chỉ cho cậu ít huyệt gia dụng thôi chứ cũng đừng nên truyền lại cho ai cả.
Lẽ dĩ nhiên cái bệnh đầu tiên mà Tân muốn chữa là cái bệnh kinh phong mà chính Tân đã thấy và đã thán phục. Giáo sư thao thao bất tuyệt, nói:
- Hễ Kinh phong, cấm khẩu thì phải lể ngay Khóa Khẩu, hai huyệt, Nhơn trung, Thừa lương, Lưu điển, hai huyệt, Giáp xa, hai huyệt, vị chi là con bệnh mấp máy môi được. Rồi mới lễ thâm Giáp cốc, Khúc trì, Quỹ Giao, Phong thị, Túc tam lý, Hành giang, cho con bệnh toát mồ hôi là hết.
Tân vừa ghi chép lại vừa vẽ hình để đánh dấu các huyệt. Tân hấp tấp vội vàng như chỉ sợ vì một lý do gì giáo sư tắt tịt không nói nữa thì rất tiếc.Tân tham lam như kẻ vào được kho vàng đang cố chất cho đầy túi.
Từ đấy trở đi không bệnh gì là khỏi qua tay giáo sư điều trị bằng cách châm cứu. Đau đầu ngạt mũi, đau bụng đau lưng, trúng thực, cảm hàn, cho đến cái bệnh sốt rét của Tân cũng được điều trị bằng khoa ấy. Tân không nhớ rõ là giáo sư đã chích những huyệt gì và xem lại quyển sách Tân chép thì không nhắc đến bệnh ấy, song kết là một lần châm chích thì bệnh Tân cũng thuyên giảm được sáu tháng.
Sau khi hoàn thành quyển sách châm cứu ấy, Tân đã nghiền ngẫm nghiên cứu và nhất là đã thực hành tìm huyệt trước sự hiện diện của giáo sư để được chỉ vẽ những chỗ sai lầm. Tân nhất định phải đem cái học hỏi của mình ra mà giúp ích cho thiên hạ ít nhất một lần.
Cái lần ấy đã đến. Không nhớ rõ vào tháng nào năm nào, nhưng địa điểm lại cũng là một cái khám khác. Dĩ nhiên lúc ấy giáo sư Mau không còn ở chung với Tân nữa, Tân mới dám táo bạo thi hành điều học hỏi.
Đêm ấy vào khoảng giữa khuya, trong khám Tân có một anh bạn rên la vì đau bụng. Lật quyển sách châm cứu ra thì có hai thứ đau bụng Tân đều đã ghi chép. Một thứ "thượng thổ hạ tả" vì trúng thực hay thương thực ăn uống không tiêu. Song trường hợp anh bạn ấy thì chỉ trúng gió thôi.
Theo sách thì đau bụng như thế chỉ cần lể một huyệt chính là "sơn điền" dưới rốn một tất của đơn vị châm chích. Xong rồi sẽ lể Thượng Tinh, Án đường, Túc Tam Lý cho ra mồ hôi.
Khi ấy Tân trịnh trọng như là bác sĩ trẻ tuổi mới ra trường lần đầu cầm dao kéo chống với Tử thần, hay là anh lính đầu tiên được cấm súng gác cổng. Chung quanh Tân là những anh em đang im lặng chờ đợi để phục tài.
Họ sẵn sàng thi hành bất cứ một mệnh lệnh gì của Tân ban ra. Kẻ đi đập mảnh chai rồi sát trùng đúng theo phương pháp khoa học. Tân đo rất kỹ lưỡng cái huyệt "Đơn điền". Một anh bạn chăm chú cầm ngọn nến soi sáng bụng của bệnh nhân. Những anh khác ngồi vòng quanh quan sát. Ngọn nến in bóng người lên bốn bức tường trông quan trọng và vĩ đại như một lớp họ giải phẫu tại Đại học đường Y khoa.
Điểm xong cái huyệt ngay lúc Tân vừa đặt mảnh chai xuống bụng là bệnh nhân hét lên một tiếng rồi dẫy nẫy người, la lớ:
- Tôi khỏi rồi!
Không phải vì miểng chai chích nhưng vì ngọn nến đổ xuống bụng quá nóng. Bệnh nhân toát mồ hôi ngồi dậy. Những anh bạn Tân thán phục vì tin rằng Tân lể haỵ Riêng Tân thì Tân quá nghi ngờ không biết mình đã chích trúng huyệt chưa hay chỉ là vì sáp nóng nhỏ xuống làm cho lành bệnh. Song Tân chắc chắn là chưa chích. Dù sao những sự kiện đã xảy ra nhanh chóng quá khiến người ngoài cuộc khó lòng mà biết rõ.
Tân mỉm cười nghĩ thầm:
- Chắc là những thiên tài xuất thế đều đã gặp trường hợp như Tân!
°
Những toán tù ở Huế có án xong lần lượt vào Đà Nẵng để đợi tàu đi đảo hay lưu lại Đà Nẵng tùy theo án nặng nhẹ. Tháng nào cũng có ít nhất là một lần giải bớt tù đi đảo và nhận thêm tù ở Huế vào. Án của Tân lần hồi cũng nhẹ dần và được ban Giám Đốc cho đi hành dịch ở ngoài.
Trong bọn cùng đi làm Tòa sứ với Tân, có Bằng là một học sinh như Tân. Ba người kia là những nông dân và lao công Tân và Bằng làm những công việc nhẹ như quét dọn trong nhà và ngoài vườn, bơm nước và tưới cây. Những việc nặng như bửa củi, trồng cây, khuân vác đều do ba người bạn lực lưỡng kia đảm trách.
Mới đầu gặp nhau Tân và Bằng còn như dè dặt để tìm hiểu nhau. Lần hồi Bằng thấy ở Tân, một người đồng cảnh ngộ mà có thể là đồng chí hướng có thể tin cậy được.
Câu chuyện giữa hai người đi đến khắn khít dần để đi đến táo bạo. Tân đọc rõ tâm hồn Bằng và chắc chắn Bằng là một cán bộ thật sự của cọng sản bị bắt trong một trường hợp nào rõ rệt chứ không phải hạng như Tân.
Qua những lần nói chuyện như thế, Tân ngạc nhiên hết sức khi nghe bình luận cứng rắn một chiều của Bằng. Mặc dầu không được đọc báo chí, nhưng tin tức thời sự quá dồi dào của bạn làm cho Tân nghi ngờ cương vị hắn.
Tân cho rằng rất có thể là một tên lê dương cò mồi như dạo nào Thu đã mắc phải. Nhưng càng lâu Tân càng thấy sự nghi ngờ ấy không đúng và Bằng chỉ là một tên cán bộ đang tích cực hoạt động tuyên truyền để kết nạp thêm đồng chí.
Tân thương hại cho Bằng vì chưa hiểu rõ quá khứ của Tân và dùng những luận điệu tuyên truyền quá trẻ con không mấy thực tế để thu hút Tân. Bằng không biết lòng căm phẫn của Tân đối với tai vạ do Thu và Nhung gây ra cho Tân chưa thể nào mờ phai. Bằng cũng không biết Tân đã từ khu trở về trong trường hợp nào.
Tuy nhiên, Tân sợ Bằng một khi biết rõ Tân hơn và trước sự cương quyết của Tân, thì sẽ áp dụng biện pháp tàn nhẫn, vô nhân đạo, của những kẻ "ăn không được thì đạp đổ".
Đối với Tân Bằng rất có thể trở nên một kẻ thù và xử Tân như một tên phản đảng một khi Tân biết rõ hành vi của Bằng mà không theo Bằng. Tân bực mình vì càng ngày Bằng càng để cho Tân biết rõ quá nhiều về những điều mà Tân không muốn biết. Bằng cho biết rõ tổ chức hoạt động trong lao, nào là ban tuyên truyền, kinh tài, tiếp tế, xã hội, phá hoại, ám sát...
Có hôm Bằng còn đưa nguyên cả tờ báo cấm cho Tân đọc vừa làm cho Tân tin tưởng vừa làm cho Tân khiếp sợ, nhiều lần Bằng dọa Tân với những mẫu chuyện thanh trừng bằng thuốc độc hay vu họa.
Đi làm về Bằng nói khẽ vào tai Tân:
- Ba giờ chiều nay sửa soạn đi trốn với tôi. Mọi sự đã sắp đặt chu đáo cả rồi!
Tân hốt hoảng nhưng cố trấn tĩnh:
- Sao anh không cho tôi biết sớm để tôi còn lo liệu việc gia đình chứ!
- Tôi mới được chị Tám cho hay là trên kia họ đã tổ chức mọi việc cho mình đi trốn. Họ mong gặp anh lắm.
Tân biết Bằng đã nói đưa một câu tưởng để vuốt đuôi Tân. Tân hờ hững:
- Ừ để xem có tiện thì đi. Tôi còn suy nghĩ lại đã!
- Chiều đi làm trả lời cho tôi. Không nên mang theo gì hết!
Những lời nói vắn tắt như một mệnh lệnh càng làm cho Tân thêm bực mình.
Tân tự nghĩ giá mình đừng gặp Bằng thì có đâu những chuyện khó xử như thế nầy. Tân tưởng Bằng là người học thức, có thể giao du trong cảnh khổ, không ngờ sự đối xử tử tế của Tân đã làm cho Bằng cưỡi lên cổ để chỉ huy và ra lệnh.
Tân cương quyết:
- Không thể nào nghe lệnh thằng nhãi con ấy được.
Tân đã phải duy trì sự cương quyết của mình suốt buổi trưa nhưng chỉ trả lời cho Bằng khi ra khỏi cửa lao trong lúc đi làm buổi chiều một cách êm dịu:
- Tôi không thể theo anh hôm nay được vì...
Bằng hơi tức giận vi ngắt lời:
- Được rồi! Tôi sẽ đi với Liễu!
Suốt buổi chiều Tân cố ý làm việc xa Bằng để tránh tiếp xúc với nét mặt khó chịu và hăm dọa.
Tân biết trước hậu quả của Bằng đi trốn là gây khổ cho anh em trong toán và gián tiếp cho tất cả lao. Bởi vì thế nào lão đề lao cũng áp dụng vài biện pháp trả thù và cảnh cáo bọn tù còn ở lại.
Nhưng Tân không ngờ rằng Bằng chỉ đi được một vòng xe kéo ra ngoại ô thì bị bắt đưa về, cạo đầu nhốt vào xà lim.
Khi nghe hai người đi trốn đã bị thất bại, những tù nhân trong tổ chức bí mật đều tưởng là Bằng với Tân. Ban tiếp tế lo gởi thuốc men, thực phẩm vào xà lim. Các chị phụ nữ ở nhà bếp bàn tán với nhau:
- Tội nghiệp anh Bằng và anh Tân. Không biết họ bị đánh nhiều quá có chịu nổi không!
Những người biết mặt Tân, ngạc nhiên khi thấy Tân vẫn tự do ở ngoài xà lim. Lần nầy họ thêu dệt:
- Tân đã đi báo trước cho nên được thả ra trong khi Bằng bị nhốt.
Có người biết Liễu đi với Bằng thì cho rằng:
- Tân đã rút lui để tố cáo hai người đi trốn.
Tân chán ngán hết sức khi trông thấy mọi con mắt trong nhà lao đều nhìn mình với vẻ oán trách và khinh bỉ. Lau những giọt nước mắt tức tối, Tân cố gắng vượt khỏi sự đè nén tầm thường để thương bọn người ang sống trong mù tối của cuộc đời.
Nằm dài trên sạp gỗ, bỏ cả bữa cơm chiều, Tân không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Tân thấy ghét tất cả mọi người. Tân tưởng tượng người nào cũng đang về hùa một bè để nói xấu và khinh miệt Tân. Rồi Tân tự nghĩ:
- Mà sao ta lại đi tránh thiên hạ làm gì để cho họ thêm nghị Biết đâu có kẻ tưởng ta đang ân hận vì bị lương tâm dày vò.
Tân muốn khinh bọn người hiểu lầm Tân nhưng chính bọn ấy lại đang khinh Tân. Tân bực mình.
- Một con chiên sống lẫn giữa đám chiên ghẻ, nếu không thoát ly được bằng một cách nào thì sớm muộn gì rồi cũng lây ghẻ. Bằng cách nầy xã hội đã tự tạo thêm những kẻ bất mãn đối lập với chính thể của mình!
Tân nghĩ đến Bằng đang đau khổ trong xà lim:
- Giá ta đừng từ chối thì chưa chắc Bằng đã thất bại!
Niềm ân hận lại tràn ngập lòng Tân. Tân nhớ lại những lời tâm sự của Bằng từ trước và tự nhiên Tân đâm ra hồ nghi chính mình. Tân nhắm mắt và tưởng tượng con đường Tân đang đi trước mặt, vẫn một chân trời mịt mù đen tối!
Đầu óc tự nhiên choáng váng và mọi vật đều quay cuồng đảo lộn. Một quả bóng tròn ngũ sắc từ xa bay đến và to dần trước mặt Tân. Càng đến gần màu sắc càng chói chang khó chịu. Rồi quả bóng ấy lại vỡ và quả khác tiếp tục lên. Những màu sắc xoay tròn trong không gian theo với quả bóng như mt mũi khoan đâm sâu vào cân não. Tân trằn trọc mãi không ngủ được. Lưỡi nhạt và cổ khô khan nghẹn ngào. Mở mắt ra thì mọi hình ảnh đều biến mất. Tân với tay cầm lon nước lạnh, hớp một miếng cho đỡ khát và nằm xuống cố nhắm mắt ngủ quên.
Một hình ảnh khác lại xuất hiện. Từng khung cửa hình chữ nhật quá cao hơn là rộng, màu sắc phản nhau, nóng nảy, khó chịu, khung nào cũng giống khung nào lồng vào nhau và sắp hàng trong không gian đến tận nơi xa tít trông chán nản như một dãy hành lang vô tận của một thâm cung buồn tẻ trong lúc hoàng hôn. Tân nhìn theo những khung cửa và trí tưởng tượng cứ tiến mãi song không bao giờ đến điểm tận cùng.
Tân nghiêng mình về một bên. Đầu óc bỗng choáng váng, những khung cửa đảo lộn trong không gian, vô trật tự. Những góc cạnh xoay tít, xen kẻ vào nhau, chồng chất ẩn hiện làm thành những tranh ảnh hình học phức tạp. Tân nghiêng mình bên khác, cũng vẫn choáng váng. Cảnh vật xoay tít. Chỉ có mỗi trạng thái nằm thẳng hưởng về đỉnh trần nhà là đầu óc mới dịu một chút.
Tân với tay lấy ve dầu Bạc hà cố mở nút. Đầu ngón tay như không có cảm giác gì nữa. Tân ấn hai ngón tay vào nút chai song không cầm chặt nổi. Tân xoay nút nhưng hình như ve dầu chạy trơn. Tân bảo thầm:
- Cả một sức vóc thanh niên mạnh mẽ là dường nào mà không mở nổi nút ve dầu Bạc hà.
Cơ thể hầu như mềm nhũn, rã rời. Từng đầu khớp xương không dính liền vào nhau, những mối giây thần kinh không nối với nhau nữa. Tân vùng dậy sờ soạng trong bóng tối để xác định vị trí và nhớ lại hoàn
cảnh của mình. Mồ hôi toát lạnh khắp châu thân, môi khô, miệng lạt và cổ rát. Chung quanh Tân, những tiếng ngáy đều đều của các bạn hữu làm cho Tân thèm muốn:
- Có lẽ họ đang mơ những giấc mơ thần tiên!