I- Nội dung của pháp quán: Cái chết không thể tránh khỏi. 1. Mọi người đều phải chết. 2. Tuổi thọ của ta đang giảm xuống theo thời gian. 3. Thời gian dùng để tu tập trong đời ta rất ngắn ngủi. Không thể biết khi nào ta chết. 4. Tuổi thọ con người không chắc chắn. 5. Có nhiều nguyên nhân đưa đến cái chết. 6. Cơ thể con người quá mong manh. Thực tế chỉ có tu tập mới có thể giúp chúng ta lúc chết. 7. Tài sản và thú vui không thể giúp ta. 8. Người thân của ta cũng không thể giúp ta. 9. Chính cơ thể của ta cũng không thể giúp ta. II- Quán niệm như thế nào? Nhiều hành giả đang tu pháp thiền quán niệm (Vipassana) có thể chưa bao giờ niệm về cái chết, vì pháp thiền này nhấn mạnh trực tiếp đến những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Khi hành thiền quán niệm bạn không được khuyến khích tư duỵ Tuy nhiên trong thiền quán niệm về cái chết bạn phải sử dụng tiến trình tư duy một cách sáng tạo để tạo ra một trợ thủ cho việc phát triển Tuệ giác. Thật hữu ích khi bắt đầu pháp quán này bằng cách chú tâm vào hơi thở hay tận dụng những kỹ thuật khác để làm tâm bạn an tịnh. Mỗi ngày bạn có thể luyện tập 20 phút. Trước hết là tìm cách tĩnh tâm. Chọn một trong những đối tượng niệm để quán tưởng và đi sâu vào đó. Khi chấm dứt quán niệm ở phần này bạn lướt qua phần khác (xem lại trong bản nội dung ở trên). Cụ thể bạn quán tưởng như sau: Bạn chọn ý tưởng và nói: 'Mọi người đều phải chết'. Rồi bạn đem ý tưởng đó vào trong suy tưởng và quán niệm nó. Đây là lúc việc thực hành trở nên rất sáng tạo. Mỗi người đều có thể thực tập theo cách riêng của mình. Bạn có thể quán tưởng chính bản thân mình hay một người bạn của mình đang hấp hối, hay quán tưởng những nấm mồ của người thân trong nghĩa địa, hoặc bộ xương của chính bạn. Mức độ định tĩnh và tập trung mà bạn có được từ quán niệm có liên quan rất lớn đến chất lượng và kết quả tu tập của bạn. Nếu bạn đã có định lực rồi, bạn sẽ trở nên rất linh hoạt, bạn có thể chất vấn, suy niệm và ngay cả chơi đùa với nó: cái chết.