Hải phòng, ngày 15 tháng 09 năm 1999Anh chị Minh kính mến.Nhận được thư của anh vào lúc gia đình có chuyện buồn riêng (ông anh “cọc chèo” với tôi vừa mất); nên hôm nay mới trả lời thư của anh.Điều đầu tiên chúc mừng anh chị cùng các cháu có ngôi nhà mới, an cư lạc nghiệp lâu dài trên thành phố ngàn hoa. Sau nữa kính chúc anh chị cùng các cháu vui, khỏe, hạnh phúc và gặp mọi sự may mắn, tốt lành.Còn ngoài này vợ chồng tôi cùng các cháu nhờ trời vẫn bằng an, quấn túm bên nhau để chống chọi với mọi giông bão của cuộc đời. Quán triệu câu phương ngôn Tây “Aide toi le ciel t’ aidera” để tự cứu mình thôi.Qua thư anh, tôi hết sức xúc động về tình bạn bè, tình đồng đội hơn 40 năm qua khi anh an ủi, động viên tôi khi biết tin tôi bị khai trừ Đảng. Giữa tôi và anh không có điều gì phải tranh luận cả, những dòng tôi sắp gửi tới anh chỉ là những suy ngẫm riêng của cuộc đời tôi.Để nói lên những suy ngẫm hôm nay, tự tôi cũng muốn “ôn cố tri tân” một chút. Hàng chục thế kỷ đen tối của thời trung cổ, nếu sử sách không trung thực, không được truyền tụng và “tán phát” thì ngày nay ta và con cháu ta không biết Cô-péc- ních và Ga-li-lê là ai? Làm gì? nói gì với đời sau. Nếu như thời nhà Lê cấm “tán phát và lưu truyền” hoặc xuyên tạc lịch sử thì ta cũng không biết đến vụ án “Lệ chi viên” và nỗi oan của Nguyễn Trãi. Không có “tán phát” thì ta và con cháu đâu còn được học và noi gương khảng khái, trung thực của một ông thầy đồ bình thường Chu Văn An với bản “Thất trảm sớ”. Nếu không thế thì phương trâm của Nguyễn Trường Tộ mang theo suốt cả cuộc đời là “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa.” để rồi ngậm ngùi mang theo bao hoài bão xây dựng một đất nước văn minh xuống suối vàng và ngay những năm tháng của chúng ta sống đây, nếu không có “tán phát và lưu truyền” thì ta cũng không được biết đ/c Trường Chinh từng đập bàn chỉ vào mặt đ/c Kim Ngọc Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc mà mắng: “Các anh lại đòi khôn hơn trung ương à? Các anh muỗn quay lại chủ nghĩa tư bản hay sao mà đòi khoán...” Rồi anh Kim Ngọc cũng buồn phiền chết trong oan ức, tức tưởi. Sau cái sự mắng chửi ấy những năm của thập niên 80, người ta cho ra nghị quyết, “cái sự khoán” như Kim Ngọc đã làm và quá khứ đã được bới tìm để tặng thưởng huân chương cho người đã chết!... Nhưng có lẽ không có loại huân chương nào bằng lòng dân quê anh Kim Ngọc khi họ xin được lập đền thờ, thờ Anh như một thành hoàng làng. Chả lẽ khi đất nước Việt Nam xuất khẩu được 3,5 triệu tấn gạo ngày hôm nay không phải là kết quả của sự “mắng mỏ” năm xưa hay sao!? Và có lẽ cái tội “tán phát” lớn nhất phải là hàng vạn nông dân Đồng Nai (Nam Bộ) của Thọ Xuân (Thanh Hóa), của Uy Nỗ Đông Anh (Hà Nội) và hào hùng nhất là sự phẫn nộ được “tán phát” của nông dân Thái Bình vài vạn nông dân chống loại bọn tân tham quan cường hào ác bá. Sự “tán phát” này không phải như những tài liệu của Trần Độ và các bạn của ông trong lặng lẽ, âm thầm mà nó làm rung chuyển cả nước, đến trẻ con cũng biết. Nếu nói là “vô nguyên tắc” thì phải khai trừ toàn thể nông dân Thái Bình ra khỏi nước Việt Nam này thôi!Chuyện đời kim cổ nếu còn nêu ví dụ e sẽ là 2001 (hai ngàn lẻ một) chuyện.Lan man phần trên để đi đến chuyện suy ngẫm về hiện tượng Trần Độ. Không hiểu nơi cao nguyên xa xôi ấy anh Minh có được đọc nhiều và hiểu nhiều về Trần Độ không? có 1 vị lão thành, bạn tôi khi nghe phổ biến của tuyên huấn về Trần Độ, ông chửi um Trần Độ, cho là Trần Độ già rồi còn ngu, chót đời rồi mà còn “chống Đảng”! khi tôi cho ông xem “bản kiến nghị của Trần Độ” gửi Đảng - Chính Phủ - Quốc Hội, ông nói: “Thế này thì có gì mà lên án Trần Độ” dù ông còn sợ không dám đồng tình nhưng bỏ ngay phần “phê” bậy.Tôi năm nay cũng gần 70 tuổi rồi sắp tới cái ngưỡng xưa nay hiếm. Tóc đã bạc gần hết, đã qua nhiều thăng trầm, dâu, bể, ngọt, bùi, cay, đắng. Cũng không còn non trẻ, sốc nỏi, bồng bột, dại dột ngây thơ gì, nên khi đã suy nghĩ một điều gì, đã nói một điều gì thì không còn hối tiếc. “Tôi đã đến thăm anh Trần Độ, người thủ trưởng cũ của tôi, một ông già 77 tuổi, hai chân gần như liệt di chuyển phải dùng xe đẩy. Là một vị trung tướng, từng là ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa, là phó chủ tịch Quốc hội, là tư lệnh của sư 312 anh hùng, là phó tư lệnh quân giải phóng Miền Nam. Sở dĩ tôi nêu nhiều chức tước như vậy, không phải là kể công cho ông mà là hàm ý với các chức vụ như vậy, lộc nước đãi ngộ ông không thiếu, già rồi cứ ngồi đấy mà hưởng, cứ “ngậm miệng ăn tiền” nói làm gì, kiến nghị làm gì cho khổ thân! Thì ra mình là kẻ “Tiểu nhân” nên nghĩ vậy, Cái sự mũ cao, áo dài cái “sự bổng lộc” cái “sự miếng cơm, manh áo” không phải mục đích của đời ông, và đã 2 lần ở trong tù của đế quốc, ông cầm bát cứt ăn để tỏ rõ tấm lòng trung kiên của người cộng sản. Nói tới hai từ “cộng sản” mà đau đớn, vì hôm nay ông đã là “ông quần chúng ngoài đảng” rồi! Bản kiến nghị, Trần Độ gửi Đảng, gửi chính phủ và dùng quyền của một công dân theo hiến pháp, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, có quyền được thông tin... với bạn bè sao gọi là “tán phát” có điều nào trong hiến pháp, trong luật pháp khi đưa tin về suy nghĩ của cá nhân mình cho bạn bè là phạm pháp không? sắp hết thế kỷ thứ 20 rồi, thế kỷ của khoa học kỹ thuật, của văn minh tiến bộ nhưng có gì trái ý, trái tai, chẳng đưa vào Hiến pháp, vào điều lệ Đảng cứ qui bừa là “vô nguyên tắc”. Câu châm ngôn của ông Tây thực dân mũi lõ có lẽ hợp với hoàn cảnh này chăng.La raison du plus fort est toujours la meilleure!(Cái lý lẽ của kẻ mạnh luôn luôn đúng)Tôi cũng đựơc gặp một số bạn bè đến thăm anh Độ như: Anh Hoàng Hữu Nhân- nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, anh Nguyễn Văn Đào - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, anh Hoàng Minh Chính, anh Lê Hồng Hà, anh Trần Dũng Tiến đại tá CCB... Khi tiếp xúc với các anh đó, tôi có cảm nghĩ: tuổi tác các anh ấy là bậc đàn anh, về học vấn, về lý luận và hiểu biết vào bậc thầy, về đức độ và nhân cách xứng đáng để tôi kính trọng cảm phục. Về nắm pháp luật và nguyên tắc Đảng thì các anh ấy hơn tôi mấy cái đầu. Với những người như vậy chắc họ phải đầy bản lĩnh biết mình phải làm gì khi lên tiếng bảo vệ quan điểm đúng đắn của Trần Độ. Còn nhiều người khác: Lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức, văn nghệ sĩ như: Bác Lê Giản - đảng viên lão thành, người có chức vụ về công an cao nhất khi ở cạnh Bác Hồ trước năm 1945. Là đại tá Phạm Thế Dương - chính trị viên năm xưa ở Điện Biên Phủ từng là tổng biên tập tạp chí lịch sử quân đội, là đại tá nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết là các CCB Phạm Vũ Sơn, Trần Bá, là nhà văn Hoàng Tiến... đều lên tiếng bảo vệ Trần Độ từng mức độ. Người này xin ra Đảng trả lại thẻ Đảng, huân huy chương, người kia trả lại huy hiệu 40, 50 năm tuổi Đảng cùng vài chục cụ Lão thành CM khác ở Hà Nội cũng đều lên tiếng bảo vệ Trần Độ. Chả lẽ những người đáng kinh như vậy cũng mắc sai lầm như Trần Độ sao? Tôi với anh cũng đã từng học về Mác - Lê, dù sao trình độ cũng không đầy đủ và chắp vá thì đã đành. Có điều lạ và đáng để ta suy nghĩ là những người vào bậc thầy về “Mác - LêNin - học”, đã từng hàng chục năm du học tại “đất thánh triết học Mác Lê” tại Mascơva, toàn là các “đệ tử chân truyền” đều muốn đánh giá về tính hiện thực của Mác - Lê trong giai đoạn hiện tại. Lịch sử đã đánh giá Mác - Lê là những danh nhân vĩ đại, điều này không ai dám phỉ nhận. Nhưng dù sao danh phận một con người dù vĩ đại của cái hôm qua không nhất thiết phải là cái vĩ đại hôm nay và ngày mai, không thể là cái “dĩ thành bất biến”. Không còn gì phải bàn! Nhưng khoa học vốn không có giới hạn cuối cùng, vì khi có Anhstanh thì mới thấy Niu Tơn không thể đưa nhân loại vươn dài cánh tàu vào vũ trụ xa xăm. Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi mà việc tranh cãi này vượt khỏi tầm suy nghĩ nông cạn và dốt nát của tôi. Tôi chỉ nghĩ một điều giản đơn là một triết học, một chủ nghĩa, một ý thức hệ không phải là luật pháp không nhất thiết mọi người phải theo dù triết học đó, chủ nghĩa đó, ý thức hệ đó của một đảng cầm quyền. Vì hiển nhiên 5 triệu tín đồ “catholique”, hàng chục triệu tín đồ “Bouddhique” và gần 70 triệu người không phải là Marxisme - Léninisme. Vậy thì sao? Vậy thì phải được đưa ra bàn luận công khai, trước toàn thể nhân dân Việt nam về chủ nghĩa Mác - LêNin để 80 triệu nhân dân thông hiểu sẽ đi với Đảng tới cùng trời cuối đất đến chủ nghĩa cộng sản. Xin trích mấy dòng của một triết gia trong một cuộc thảo luận góp ý với “Hội đồng lý luận nghiên cứu” để giúp cho việc chẩn bị Đại Hội Đảng sắp tới:“... Như vậy, nếu Mác quan niệm một xã hội cộng sản phát triển cao đến mức đó là “vương quốc của tự do”. Vương quốc tự do đó mà chúng tôi đọc trong bộ Tư bản Mác viết bằng tiếng Đức. Sau này dịch ra thì có những câu rất quan trọng mà bộ Tư bản bằng tiếng Pháp không có. Trong đó có câu: “Trong vương quốc tự do” đó, thời gian tự do là hình thức sản phẩm của cải cơ bản của xã hội! Và nếu theo quan niệm Mác như vật thì “thời gian tự do” mới là của cải của xã hội cộng sản, còn cái bàn, cái ghế không phải. Mà “vương quốc tự do” xây dựng trên một nền tảng công nghệ cao, cao đến mức mà cái bàn, cái ghế ta dùng đây coi, như tự nhiên cho không ta... Đi tàu tự nhiên cho không như thở khí trời vậy! Còn cái mà con người coi như tài sản của xã hội đó là “thời gian tự do cho sự phát triển của trí tuệ”! Nếu quan niệm của Mác đúng như vậy thì xã hội của chúng ta đây “còn xa lắm” mới đến được xã hội Cộng sản và xa lắm mới bỏ được kinh tế thị trường...” Võ Đại Lược Đọc qua nội dung trích rất ngắn của ông Võ Đại Lược thì chắc ông không dám nói thẳng ra Các Mác là nhà triết học của cái “không tưởng”, kể cả lẩm cẩm nữa. Vậy có bao giờ anh Minh nghĩ toàn nhân loại trong đó có nhân dân Việt Nam ngày nào đó sẽ đi đến một “xã hội thiên đường” trên cả thiên đường!Tôi lại xin trích dẫn một số tư liệu để anh cùng tham khảo:- Chủ nghĩa Mác là “những gì người ta phải suy ngẫm” chứ không phải là “những gì mà người ta có thể tin!”- Mác chỉ ra “cái-có-thể” (le possible) tức là những khả năng của sự phát triển lịch sử - xã hội thông qua hoạt động của con người dựa trên những điều kiện lịch sử cụ thể của hoàn cảnh của nó ở vào mỗi thời kỳ lịch sử.- Mác không phải là người theo “quyết định luận” và ông phê phán gay gắt những người có quan điểm này!.- Các văn bản của Mác không hề có từ “qui luật của lịch sử”(Mác, nhà tư tưởng của cái có thể) của giáo sư tiến sĩ Michel Vadée đang trong tạp chí thông tin công tác tư tưởng tháng 6/1997.- Đảng chính trị Bolchevik của LêNin đến nay đã không còn nữa, vì từ cuộc chính biến 1991, Đảng này đã biến chất, nó đã tự mình xóa bỏ mình với tư cách một đảng chính trị của những nhà hoạt động cách mạng chân chính và chỉ còn là tổ chức của một nhóm người làm nghề cai trị và đa số trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động xô viết đã quay lưng lại với nó!- Với LêNin “... Người đòi hỏi bản thân mình hàng ngày phải đối mặt với thực tại và trình bày nó công khai thẳng thắn, bộc trực và điều này chắc hẳn sẽ làm cho những người kế tục ông xấu hổ...”- Đã có bao nhiêu nhà chính trị ở các cấp tiếp sau Lênin đã dám công khai trước công chúng nhận những sai lầm phải trả giá đắt mà mình đã phạm phải...(Bàn về LêNin) của Danny Goldstick, giáo sư triết học Canada đăng ở tạp trí thông tin công tác tư tưởng số tháng 7 –1997. Và nhân dịp đồng chí tổng bí thư chỉ thị về “chỉnh đốn Đảng”, tôi cũng muốn đóng góp một số ý kiến. Tôi cũng xin lại được trích một số tư liệu trong bài nói chuyện của đ/c Tổng bí thư trong một hội nghị về chỉnh đốn Đảng và ý kiến của đ/c Hữu Thọ đăng trong tạp chí TTCTTTT số tháng 7 –1999 để anh cùng nghe:- … Các đồng chí cũng nhất trí về sự suy thoái đang là vấn đề cấp bách của Đảng ta hiện nay, không phải nói như thế là bôi đen Đảng, Tự ta bôi đen ta...-... Nhân dân kết luận là chủ nghĩa cá nhân trong người cán bộ, đảng viên đang phát triển và lộng hành...-... Có người còn nói: nếu chúng ta cứ giữ tình trạng như hiện nay mà không sửa các bệnh đã nêu trên nên lập Đảng khác, lập một Đảng cộng sản Việt Nam trong sạch...-... Anh Võ Viết Thanh (thành phố Hồ Chí Minh) có nói: nếu căn cứ vào kết quả điều tra phân loại đảng viên thì 90% là trong sạch, vững mạnh, nhưng thực chất chỉ có 10 % mới là trong sạch, vững mạnh: 30% là không trong sạch, vững mạnh...- Về đoàn kết, mấy chục tỉnh mất đoàn kết...- Về tham nhũng: xây dựng sân bay Nội Bài có 19 triệu đô la mà vống lên tới 47 triệu đô la. Hỏng một cái càng máy bay giá có 300.000 đô la mà vống lên 2,6 triệu đô la. Tiền tham nhũng đó họ gửi nước ngoài... ( nhân chuyện này tôi nêu một số tư liệu mà tôi tham khảo được: theo John Shapiro (thống kê mậu dịch quốc tế) tiết lộ:Việt Nam có: 700 quan chức có tài sản từ 100 - 130 triệu đô la. 2000 quan chức có tài sản từ 50 - 100 triệu đô la. Tổng số tiền chuyển ra gửi nước ngoài khoảng 20 tỷ đô la.Một con số khổng lồ đáng để ta suy nghĩ. Còn ông Hữu Thọ, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương thì nêu một số hiện tượng trong tự phê bình và phê bình trong chỉnh đốn Đảng như sau:-... Đó là trạng thái “dĩ hòa vi quý” đang diễn ra khá phổ biến. Có đồng chí đã ví trạng thái này là một “sự yên ắng, trong bùng nhùng”... làm cho phải lẽ đúng kỳ hạn, chưa kể đây là cơ hội để tăng bốc nhau, nịnh bợ nhau, trạng thái thứ 2 không kém phần, nguy hiểm là “chưa vào cuộc đã tuốt gươm ra khỏi vỏ đâm chém nhau, mạt sát nhau không thương tiếc”, thậm chí những người ngoài Đảng nhìn vào cũng không thể hiểu là tại sao trong Đảng cộng sản mà lại thù hằn nhau đến mức như thế, hơi một tí là chụp mũ và dồn nhau tới chân tường!-... Phê bình cấp trên thực tiếp, người đứng đầu là rất khó. Bởi vì rất dễ bị trù úm, thậm trí bị mất việc, có người đã khuyên: “sức ông chẳng mang lại lợi ích gì lớn cho Quốc gia thì ông cũng có giữ lấy nồi cơm cho con!” Gay go như thế đấy!-... Nếu người ta chưa nói đã bị “bịt miệng” thì sẽ không ai dám nói... Càng đọc, càng biết nhiều càng “nản” ghê gớm! Toàn tư liệu “xỉn” cả, trích dẫn từ những báo chí “chính thống” trong luồng. Tôi không có thói quen nghe đài nước ngoài (mà ta trước đây gọi là “đài địch”) nên không hề bị ảnh hưởng gì của “diễn biến hòa bình”! Tôi cứ phân vân tự hỏi: không hiểu vì sao đang từ một Đảng anh hùng, vĩ đại mà đến hôm nay trở thành Đảng bệnh đã vào tận lục phủ, ngũ tạng nói như các danh y Tàu là bệnh đã vào tới “cao hoang”, đến nỗi bác Phạm Văn Đồng phải lên tiếng: “Tôi thì mắt không nhìn rõ nữa, nhưng tai thì nghe rõ lắm, tôi vẫn nghe đấy, không phải chỉ nghe ở hội nghị, mà nghe tiếng nói của người dân lương thiện về sự suy thoái của đảng nghiêm trọng vô cùng mà nó lại đang phát triển...” Bác còn nói thêm về vụ Ep co - Minh Phụng, Tân Trường Sanh” phải làm thế nào chứ, một sụ án bây giờ có tới 80, 90 bị cáo, trong đó một nửa là cán bộ, Đảng viên ra tòa? Thế giới ít có số vụ án, số bị cáo là viên chức đông như thế đứng trước vành móng ngựa... ” Tại hội nghị lần này (tức hội nghị 6), Trung ương phải biểu quyết một nhận định mà chúng tôi đau lòng nói với nhau về “8 chữ đen” tức là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống “có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”.Căn bệnh của Đảng ta nặng như thế mà không hiểu sao cứ có một ai góp ý kiến để “Đảng khỏi bệnh” thì cứ bị vu cho là phát tán, là vô nguyên tắc?...Với những gì tôi “nhặt nhạnh” được của đời, lòng tôi rối như tơ vò và tôi muốn làm một người trung thực nên tôi xin ra Đảng. Rất tiếc việc ra Đảng của tôi lại “vinh dự” được chỉ đạo từ thành ủy tới quận ủy rồi tới chi bộ cơ sở không cho tôi ra Đảng mà giữ lại trong Đảng rồi thi hành kỷ luật với “mức cao nhất” là khai trừ! May sao thời này không có ông Bao Công, giá Ông ấy hỏi “nhà ngươi đã tâm phục, khẩu phục chưa?” e rằng, tôi rất khó trả lời! Anh rất tiếc cho việc tôi bị khai trừ khỏi Đảng và “phê” tôi xin ra Đảng là một hành động tiêu cực không có chỗ để đấu tranh! Khổ thân tôi, tôi xin ra Đảng là tỏ rõ lòng trung thực với Đảng, không muốn là “một phần tử cơ hội” ở trong Đảng không ẩn núp trong Đảng khi lòng tin đã bị sói mòn. Cách đây có dễ 30 năm rồi khi tôi xem vở kịch nói “khúc thứ 3, bi tráng” có tả một nhà bác học bạn thân của Lê Nin xin ra khỏi đảng. Lê Nin hỏi: “Vì sao anh lại xin ra Đảng?” Nhà bác học trả lời: “Tôi là Đảng viên Đảng Cộng Sản Liên Xô nhưng lại không tin vào Đảng mình, tức là không tin vào chính sách “tân kinh tế” (NEP) của đồng chí. Là một Đảng viên mà không còn tin vào Đảng của mình mà vẫn còn đứng trong Đảng thì chỉ là một tên vô liêm sỉ...” Vở kịch đi xem đã quá lâu rồi, tôi nhớ mang máng như vậy. Tôi không có hoang tưởng dám ví mình như nhà bác học đó vì tôi chỉ là một hạt bụi ở dưới gót giày ông, nhưng cố là một hạt bụi có lòng tự trọng.Anh Minh kính mến! Ôi tôi ba hoa với anh như thế này là quá dài và làm cái việc “múa rìu qua mắt thợ” “đánh trống qua cửa nhà sấm” cũng bởi tôi muốn thanh minh với anh, tôi “suy ngẫm” hơi quá đà. Tôi biết anh là một đại tá phụ trách tuyên huấn của Hội C.C.B. Đà Lạt khó có thể đồng tình với những suy ngẫm của tôi. ở trong chăn mới biết trong chăn có “rận”, anh ở quá xa nên không rõ cái chăn tôi đang đắp, xin anh cho phép tôi cứ được đắp cái chăn của tôi. Một trong những cái quý nhất của nhân loại và cũng là niềm khát vọng của mọi người. Đó là Tự Do. Mà tự do: “Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do!” VoltaireTôi chỉ là một con sứa nhỏ, vô cùng nhỏ bé vô cùng mong manh và yếu đuối phó thác tấm thân trôi nổi tự do giữa đại dương mênh mông đầy bất trắc để suy ngẫm. Nếu chẳng may gặp cá dữ thì không đủ một miếng đớp.Lục thập nhi nhĩ thuận. Theo Khổng Tử dạy tuổi sáu mươi tai nghe điều gì cũng thấy thuận, không còn muốn tranh cãi một điều gì. Tôi sinh ra như một anh “lý sự cùn”. Hay tranh cãi, hay lý sự nên nhiều khi cũng phiền. Cái phiền nhất chính là 38 năm chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng bỗng nhiên thành hư vô, tôi tự nhiên ước gì Đảng ta hiện thân biến thành một đấng thần linh cụ thể, chẳng hạn như Đức chúa Giê su hoặc Thích Cà Mâu Ni thì tôi sẵn sàng đến quỳ xuống mà ôm chân người mà xin người rằng: mỗi thế kỷ, mỗi thể chế rồi sẽ qua đi cùng với các thứ nghĩa, các ý thức hệ nhưng Tổ Quốc và Nhân Dân là vĩnh hằng, mong Đảng lãnh đạo mang lại no ấm thực sự, dân chủ tự do thực sự, hạnh phúc thực sự như buổi đầu cách mạng tháng tám Đảng đã hứa!Anh Minh ơi! Anh ở nơi cao nguyên có thành phố Ngàn Hoa, tôi ở miền duyên hải cát gió mặn mòi chẳng biết có dịp nào được gặp lại anh. Hơn 40 năm trước cùng học khóa I trường sĩ quan pháo binh, rồi cùng ra mặt trận, ngực đưa ra đằng trước hứng đạn bao lần may mà không chết. Nay trở về, tình bạn, tình đồng đội vẫn như xưa nhưng suy nghĩa về cuộc đời này thì anh và tôi đã khác nhau rồi. Đời mà, anh cũng đừng suy nghĩ và lo cho tôi lắm.Với anh, chiến tranh đã lùi xa không còn lo bom đạn. Còn tôi thì vẫn còn lo làn đạn bắn từ sau lưng. Cũng là đời mà!Lá thư này đã quá dài rồi, đã đến lúc chia tay trên con chữ. Tôi muốn nói dài, rất dài nữa với anh nhưng tiệc nào vui mấy cũng phải tàn. Vả lại “ý tại ngôn ngoại” mong anh hiểu cho tôi.“Thế sự du du nại lão hà”. Cụ Đặng Dung khuyên con cháu đời này chuyện đời còn dài dằng dặc, già rồi đừng nghĩ nữa! có phải thế không anh?Xin tạm biệt, chỉ mong anh nghĩ về tôi như một con người sống đúng nghĩa của một con người.Vòng tay ôm ông bạn già của tôi rất lâu và rất chặt.Hải Phòng, ngày 15 tháng 9 năm 1999