Ngôi nhà này là của một nhà cự phú tên Hùng Hiệu, tự là Hữu Hạc, Hùng Hiệu cha mẹ chết sớm để lại một gia tài kếch sù, nhưng tánh y trọng nghĩa khinh tài thường hay giúp đỡ kẻ nghèo khó. Vợ là Từ thị tánh tình cũng hiền lương nên ai ai cũng đều mến phục. Hùng Hiệu năm nay trạc độ hai mươi mốt tuổi, vóc người ta lớn, võ nghệ cao cường, văn chương cũng giỏi, nước da bánh mật, đôi mắt sáng như sao, biểu lộ sự thông minh hơn người. Năm trước, Hùng Hiệu thi đỗ võ cử, nhưng khi tiến kinh thi hội rủi bị hỏng, đành phải trởi về vui thú điền viên. Vợ chồng Hùng Hiệu hiền lành phúc đức, nhưng ăn ở với nhau đã mấy năm dư vẫn chưa có con. Hôm nay Từ thị ăn lễ sanh nhựt, nên bà con thấn quyến đến chúc mừng trong ngoài chật ních. Khi tiệc mãn, khách vừa ra về, gia nhơn toan đóng cửa thì Thiếu Hoa và Lữ Trung vừa bước vào. Thiếu Hoa chắp tay xá người ấy và thưa: - Chú cháu tôi đi lỡ đường, lại gặp tuyết rơi lạnh lẽo, xin người làm phước cho chúng tôi nghỉ nhờ một đêm. Tên gia nhơn nhìn chòng chọc Thiếu Hoa hồi lâu rồi nói: - Các ngươi là khách lỡ đường, sao không thấy mang đồ đạc gì hết thì ai dám chứa? Thiếu Hoa lên tiếng cầu khẩn: - Chỉ vì chúng tôi đi đường xa nên không mang gánh theo được, xin người làm ơn cho tôi trú ngụ đỡ một đêm rồi bao nhiêu tiền sáng mai tôi xin dâng đủ số. Tên gia nhơn nổi giận nộ nạt: - Không thể được! Tôn ông nhà nầy là bậc giàu có, tiền của dinh dư có bao giờ biết lấy tiền của ai? Nếu muốn thuê nhà nghỉ hãy đi nhà khác. Tên gia nhơn nói bằng giọng gay gắt, bỗng bên trong có người lên tiếng hỏi: - Sao đến bây giờ chúng bây không đi ngủ, còn cãi lẫy với ai đó? Người ấy lễ phép thưa: - Bẩm lão gia, có hai người lạ mặt xin vào ngủ nhờ, tôi không biết rõ ngay gian nên không cho, họ cứ nài nỉ mãi. Hùng Hiệu nghe nói vội bước ra, Thiếu Hoa trông thấy Hùng Hiệu tướng mạo hiền hòa, liền cúi chào và lễ phép thưa: - Chỉ vì gia thúc tôi tuổi già sức yếu không đủ sức chịu nổi với khí trời lạnh lẽo mà bây giờ đã khuya quá, các nhà khác đều đóng cửa ngủ yên, nên tôi mới cố nài nỉ xin nghỉ nhờ ở đây, chẳng dè làm kinh động đến tôn ông, xin tôn ông vui lòng tha thứ! Hùng Hiệu đứng nhìn Hoàng Phủ Thiếu Hoa một hồi rồi ôn tồn đáp: - Kẻ gia đinh tôi là hạng quê kệch nên buông lời lỗ mãng, xin người chớ chấp nện hắn làm gì. Mời hai ông bước vào trong rồi chúng ta đàm luận. Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Lữ Trung mừng rỡ, liền bước theo Hùng Hiệu. Bước vào một căn phòng sang trọng, Hùng Hiệu lễ phép mời hai người ngồi rồi ôn tồn hỏi: - Chẳng hay nhị vị quên quán ở đâu, quí tánh đại danh là gì, xin vui lòng bày tỏ cho tôi biết với. Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp: - Thưa tôn ông, tôi tên Lữ Lăng, còn gia thúc tôi đây tên Lữ Trung, quê ở Giang Lăng. Chú cháu tôi đi thăm người bà con, rủi đến đây gặp trời tối lại tuyết xuống lạnh lẽo, nếu không nghỉ được nơi đây thì thật là bơ vơ không biết nương tựa vào đâu được! Hùng Hiệu lại hỏi: - Xin lỗi nhị vị, xin nhị vị hãy tha thứ cho câu hỏi quá đường đột của tôi vì tôi tin chắc nhị vị ở Giang Lăng thế nào cũng hiểu rõ sự việc của Hoàng Phủ Nguyên soái, nhị vị hãy thuật lại đầu đuôi việc Nguyên soái đầu hàng địch thế nào và hiện giờ Hoàng Phủ Thiếu Hoa phiêu bạc nơi đâu? Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe hỏi thất kinh, chàng lúng túng hồi lâu mới đáp: - Chúng tôi đây là kẻ quê mùa mộc mạc không đời nào dám bước chân đến nhà bậc quan gia thành thử không rõ gì cả, mặc dù chúng tôi cùng ở một chỗ với Nguyên soái. Hùng Hiệu rót rượu mời hai người uống và tự giới thiệu: - Cái làng này là Tuấn Ngạn thôn, thuộc huyện Bình Giang, còn tôi đây là Hùng Hiệu, tự là Hữu Hạc. Trước kia đã thi đỗ Võ Cử nhơn, nhưng sau thi hội bị thất bại phải trở về. Tôi được thừa hưởng di sản của tổ phụ nên đã lập tâm đem của ấy giúp đỡ cho những người gặp cơn hoạn nạn. Tôi có nghe Hoàng Phủ Nguyên soái tuổi còn nhỏ đã thi đỗ Trạng nguyên lại bao phen bình giặc Phiên, quả là một vị anh hùng hào kiệt, nhưng vừa rồi lại thấy Khâm sai họa hình Hoàng Phủ Công tử dán khắp nơi đặng tìm bắt, tôi lấy làm lạ lắm và thiết nghĩ Hoàng Phủ Nguyên soái là bậc anh hùng dù có bị giặc bắt há lại đi đầu hàng sao? Nhất định việc này có thể là do quan địa phương dọ thám không kỹ rồi đặt điều tầm bậy, vu oan cho người ta, thật đáng thương, đáng tiếc! Ngừng một lát, Hùng Hiệu tiếp: - Tôi ước gì được Hoàng Phủ Công tử đến đây cùng tôi hiệp đi đánh Phiên đặng cứu lấy tánh mạng Hoàng Phủ Nguyên soái về cho người trung lương thoát vòng oan khổ, tôi mới vừa lòng. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe Hùng Hiệu nói bấy nhiêu lời vô cùng xúc động, chàng không thể giữ được trạng thái bình thường, chàng sa nước mắt. Hùng Hiệu nói: - Tôi thấy ngài tướng mạo khôi ngô lại giống hệt hình vẽ Hoàng Phủ Công tử! Bây giờ lại thấy ngài động lòng rơi lụy thì quả nhiên là Hoàng Phủ Công tử rồi, sao ngài nỡ giấu tôi? Nếu quả vậy xin ngài cứ tỏ thật, không có điều gì bất trắc đâu mà sợ; tôi quyết tâm giúp Hoàng gia đó. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thổn thức một hồi rồi cúi thưa: - Tiểu đệ đây chính là Hoàng Phủ Thiếu Hoa vì xét thấy ngài có lòng thương tưởng nên mới tỏ thật tình. Hùng Hiệu nghe nói mừng rỡ, vội bước tới nắm tay Thiếu Hoa ra chiều quyến luyến và nói: - Hôm nay tình cờ gặp công tử đây quả là một điều may mắn, chính là do trời xui khiến đấy! Lúc bấy giờ nỗi vui mừng của hai người không kể sao cho xiết, cả hai đều ngồi cạnh nhau dùng trà đàm đạo. Một lát sau gia nhân bưng rượu thịt lên, Hùng Hiệu khiến dọn riêng một mâm cho Lữ Trung còn một mâm để cho mình cùng ăn uống với Thiếu Hoa. Rượu được vài tuần, Hùng Hiệu nói với Thiếu Hoa: - Chẳng hay vì nguyên do nào mà lịnh đường phải mang tai họa như vậy? Thiếu Hoa thuật lại việc tranh hôn của Lưu Khuê Bích và việc Lưu Tiệp tiến cử cha mình đi đánh quân Phiên mới sanh ra cớ sự ngày nay, chàng còn đoán chắc việc này là do Lưu Tiệp mạo tấu. Ngừng một lát, Thiếu Hoa tiếp: - Vì vậy mà tôi phải tìm đến nhà thân thích để nương dựa rồi sau này sẽ thay tên đổi họ ra đầu quân đi đánh quân thù cứu thân phụ tôi về triều cho tròn trung hiếu. Hùng Hiệu nghe rõ đầu đuôi, vô cùng căm tức tên gian thần Lưu Tiệp, chàng nói: - Chỉ có những kẻ bất lương mới có thể binh con làm xằng như vậy, hành động bất nhân ấy có ngày phải đền tội. Rồi hai người bắt đầu thảo luận đến việc võ nghệ binh thơ, mới biết cả hai đều là tay văn võ toàn tài, Hùng Hiệu nức tiếng khen: - Công tử tài ba như vậy quả đáng mặt là con nhà danh tướng. Hai người càng chuyện vãn, càng cảm thấy tâm đầu ý hiệp, Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói: - Nay em đây là kẻ có tội, nên sáng mai đây em phải lên đường sớm kẻo các quan địa phương hay được thì lụy đến hiền huynh. Hùng Hiệu nói: - Hiện nay quan quân đi dọ tìm công tử rất ngặt, vả lại tướng mạo công tử rất khôi ngô, dung nghi khác hơn người thường thật dễ nhìn, nếu công tử ra đường thì trốn tránh sao cho khỏi trăm ngàn con mắt cú vọ? Chi bằng công tử hãy ở luôn tại đây, một nơi vắng vẻ xa thị thành, chẳng phải tiện hơn sao? Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói: - Em vô cùng cảm phục trước tấm lòng tốt của hiền huynh, song em chỉ sợ rủi ro bại lộ sẽ bị liên lụy đến quí quyến thì lòng em không đành. Hơn nữa, vừa rồi em đã xin ngủ nhờ ở đây một đêm mà bây giờ lại ở luôn, tất nhiên gia nhơn sẽ nghi kỵ. Hùng Hiệu mỉm cười đáp: - Việc ấy không khó chi. Nói rồi Hùng Hiệu kề tai nói nhỏ với Thiếu Hoa và lên tiếng căn dặn: - Công tử cứ việc làm y theo kế ấy sẽ giấu nhẹm được bọn gia nhơn của tôi. Cơm nước xong, Hùng Hiệu sai gia nhơn đưa Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Lữ Trung vào phòng nghỉ ngơi. Khi cửa phòng đã đóng, Lữ Trung nói nhỏ với Thiếu Hoa: - Đường đi còn xa xôi diệu vợi, nếu công tử còn tính việc đi nữa, tôi e bất tiện lắm, vả chăng Hùng Hiệu là người tử tế chân thật lại có lòng quyến luyến công tử, vậy nên ở lại đây thì hay hơn. Thiếu Hoa gật đầu: - Ta cũng dự định như vậy. Sáng hôm sau Hùng Hiệu gọi gia nhơn sửa soạn cơm ăn sáng. Rượu được vài tuần, Thiếu Hoa nói: - Số phần của đệ vô cùng vất vả lại không có anh em gì cả nên đệ muốn cùng hiền huynh kết làm sanh tử chi giao để sau này rủi ro gặp hoạn nạn cùng tương cứu, phú quí cùng chung hưởng, chẳng biết ý hiền huynh nghĩ sao? Hùng Hiệu nghe nói mừng rỡ đồng ý ngay, vội khiến gia nhơn bày bàn hương án cùng với Thiếu Hoa vái trời tuyên thệ. Hùng Hiệu hai mươi mốt tuổi làm anh, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mới mười sáu tuổi nên làm em. Sau đó, Hùng Hiệu gọi vợ mình là Từ thị ra chào mừng Thiếu Hoa. Từ đó bọn gia nhơn của Hùng Hiệu đều yên trí cho rằng tên Lữ Lăng này là em ông chủ của mình chứ không biết Thiếu Hoa nào cả. Hùng Hiệu thấy Lữ Trung là người chơn chất thành thật, lại biết đọc biết viết tính toán thông thạo, nên đem việc nhà giao cho Lữ Trung quản trị. Từ đó tuy Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng có nơi ăn chốn ở song ngày đem trong lòng vẫn áy náy chẳng yên, vì không biết Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ bị bắt về kinh tánh mạng sẽ ra thế nào? Hùng Hiệu biết ý liền sai người đến kinh đô dọ nghe tin tức, đồng thời cũng cho người qua Sơn Đông để ngóng tình hình Hoàng Phủ Nguyên soái nữa. Nói về quan Khâm sai bắt Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ giải về kinh, khi đi ngang qua núi Xuy Đài thuộc tỉnh Sơn Đông, xảy gặp một toán lâu la mai phục, cầm đầu trong bọn có tên Đan Hồng, cỡi ngựa hồng câu, tay cầm giáo. Đang Hồng nhìn xa xa trông thấy toán quân giải hai người đàn bà đi tới, chẳng những Trưởng Hoa Tiểu thơ có nhan sắc xinh đẹp mà thôi, Doãn Phu nhơn tuổi ngoài năm mươi mà dung nhan cũng còn mỹ lệ, Đan Hồng bè quay lại nói nhỏ với lâu la: - Ta vừa thấy phía trước kia có một toán quân giải hai người đàn bà rất xinh đẹp trông giống hai mẹ con. Chúng bây hãy mai phục im lặng, chờ cho chúng đến sát hãy ào ra một lượt bắt hai người ấy cho ta. Trong bọn lâu la có mấy đứa cười khúc khích nói: - Mới hôm trước đây Tân vương có hạ lịnh hễ ai bắt đàn bà con gái thì bị chém, còn ai gian dâm đàn bà, con gái thì bị lột da, tại sao hôm nay tướng quân lại bảo chúng tôi làm vậy, không sợ Tân Vương lột da sao? Đan Hồng nói: - Ta thấy Đại vương năm nay tuổi đang độ xuân xanh làm gì đêm thanh canh vắng lại không buồn? Nên ta tính bắt người con gái đẹp kia đem về cho Đại vương làm áp trại phu nhơn, còn người đàn bà có tuổi kia ta dùng làm vợ. Chúng bây nghĩ coi xử sự như vậy làm gì Đại vương không đẹp lòng. Chúng lâu la nghe nói cả mừng, quyết ý làm theo lệnh của tướng Đan Hồng. Khi tù xa vừa đẩy tới, thình lình hai bên rừng tiếng trống đánh liên thanh, rồi bọn lâu la ó lên một lượt vang trời dậy đất, gươmg giáo sáng ngời, đổ xô ra ngăn cản lại. Đan Hồng giục ngựa phóng tới nạt lớn: - Quan quân nào đây? Hãy nạp cho đủ ba lạng bạc về tiền mãi lộ rồi mới được phép đi qua, bằng không lại chớ mong sống sót. Khâm sai nghe nói nổi giận lướt tới chỉ vào mặt Đan Hồng hét to như sấm nổ: - Chúng bây là quân thảo khấu nào lại dám cả gan đến đây nạp mạng? Nói rồi truyền quân sĩ phải canh phòng từ xa cẩn mật, đoạn rút kiếm ra khỏi vỏ nhìn thẳng vào mặt đối phương gằn giọng: - Kìa bọn cường đồ. Chúng bây có ăn cước cũng phải điều tra cho cẩn thận chứ sao lại mù quáng như vậy? Ta tin cho bây biết ta đây chính là Khâm sai phụng mạng triều đình đi bắt gia quyến phản nghịch giải về kinh trị tội, tiền bạc đâu có mà chúng bây đòi hỏi. Thôi, hãy tranh đường ra cho ta đi, chớ nên ngăn cản. Đan Hồng cười gằn nói: - Nếu người không có tiền của thì phải để tù xa lại đây rồi mau mau về kinh tâu với triều đình đem tiền đến chuộc tù phạm trở lại. Khâm sai nghe nói càng nổi giận xung thiên, xoe tròn đôi mắt nẩy lửa hét: - Tên khốn kiếp kia hãy xem ngọn kiếm của ta đây. Nói dứt lời, liền vung kiếm nhắm ngay đầu Đan Hồng chém tới. Đan Hồng cũng cử giáo gạt ra rồi hai người đánh vùi với nhau. Nguyên quan Khâm sai này là quan văn chưa từng giao phong lần nào thì làm sao có thể chống cự với Đan Hồng là tay võ tướng. Vì vậy chỉ được vài hiệp đao pháp của Khâm sai đã bị bấn loạn, rồi chỉ trong nháy mắt đã bị Đan Hồng cho một giáo té nhào xuống ngựa chết tốt. Bọn lính giải sai thấy chủ mình chết rồi, hoảng kinh bò tù xa chạy hết. Đan Hồng khiến lâu la đẩy tù xa lên núi, đồng thời thâu đoạt được vàng bạc châu báu rất nhiều. Khi đẩy tù xa lên được lưng chừng núi, Đan Hồng lại khiến lâu la mở tù xa tháo xiềng cho Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ. Doãn Phu nhơn thấy vậy nghiêm sắc mặt hét: - Đây là hình cụ của triều đình sao chúng bây dám cả gan xâm phạm đến? Đan Hồng cười ha hả đáp: - Sao các ngươi lại nói vậy? Ta đã ra sức giết Khâm sai cứu tử cho, các ngươi đáng lẽ mang ơn ta mới phải, sao lại tỏ vẻ bất bình? Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ đồng thanh nói: - Ngươi đã ra tay giết chết Khâm sai là người của triều đình, tất nhiên triều đình nghi kỵ ngươi là kẻ tâm phúc của ta, lại càng làm khó dễ cho ta không làm sao giải được nỗi oan ức. Thôi ngươi hãy mau mau thả chúng ta ra, để chúng ta tình nguyện vê Kinh chịu chết chứ quyết không chịu ở đây mà mang tiếng phản nghịch đâu. Bọn lâu la không thèm đếm xỉa gì đến lời nói của Doãn Phu nhơn, cứ việc lùa vào tù xa rồi đẩy tuốt lên núi: Khi đến nơi, Đan Hồng bước vào Tụ nghĩa đường quì tâu với Đại vương: - Hôm nay tôi vừa dắt lâu la xuống núi, bỗng gặp quan Khâm sai giải hai mẹ con một người đàn bà đi ngang qua, tôi đã giết chết Khâm sai và bắt cả hai đem về đây, xin Đại vương định đoạt. Vị Đại vương cau mày nói: - Sao chúng bay lại nhiều chuyện thế? Vả chăng, quan Khâm sai là kẻ vâng mạng của triều đình đi thi hành công sự mà giết chết người ta làm gì? Còn ngươi bắt hai mẹ con người đàn bà ấy về đây có ích lợi gì cho chúng ta đâu? Đan Hồng thưa: - Chỉ vì hai người đàn bà ấy nhan sắc tuyệt vời, nhất là nàng con gái lại có nhan sắc trầm ngư lạc nhạn, nên tôi muốn đem nàng ấy dâng cho Đại vương dùng làm áp trại phu nhơn, còn người đàn bà có tuổi kia xin Đại vương cho tôi đem về làm vợ. Tôi thiết nghĩ làm như vậy đã cứu được cái chết của hai người mà cả tôi và Đại vương đều được vợ cả, chẳng phải tiện hơn sao? Đại vương nghe qua chúm chím cười, nói: - Nếu ngươi lấy mẹ, ta lại lấy con, thì ngươi đương nhiên là cha vợ của ta, thì coi sao cho được? Đan Hồng nói: - Tôi chỉ cầu mong Đại vương cho phép tôi được vợ là quí lắm rồi tôi đâu dám nghĩ đến việc làm cha Đại vương, xin Đại vương chớ nói đến điều ấy tội nghiệp. Đại vương nói: - Thôi hãy gác việc ấy lại đã, ngươi ra dắt hai người đàn bà ấy vào đây cho ta hỏi đặng xem thế nào rồi sẽ liệu. Đan Hồng nghe nói mừng rỡ vội vàng chạy ra hối lâu la dẫn hết hai mẹ con Doãn Phu nhơn và hai con nữ tỳ vào. Hai con nữ tỳ sợ hãi run lẩy bẩy, vừa vào đến nơi đã vội quì xuống, chỉ có Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ vẫn đứng thẳng người và quay mặt nhìn ra ngoài. Vị Đại vương ngồi trên cao nghi6m giọng nói: - Tại sao hai người đã vào trước mặt ta lại không thi lễ? Bằng giọng cao ngạo, Doãn Phu nhơn nói: - Tôi có thể thi lễ đối với viên Tuần tư mà không đời nào chịu khuất phục một vị Đại vương nào cả. Đại vương nghe nói, chúm chím cười: - Sao lạ vậy? Chẳng lẽ ta đây không bằng một viên Tuần tư sao? Doãn Phu nhơn giải thích: - Viên Tuần tư tuy chức nhỏ song là mạng quan của triều đình, còn Đại vương tuy lớn nhưng là một kẻ phản nghịch, đời nào ta lại chịu khuất phục? Vị Đại vương suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu: - Ngươi phân như vậy cũng phải lẽ, nhưng ta muốn biết chồng của nhà ngươi làm quan đến chức chi, phạm tội như thế nào mà gia quyến phải bị bắt giải về Kinh? Người cứ việc tỏ thật đi rồi ta sẽ liệu. Doãn Phu nhơn bèn đem hết sự tình kể lại cho vị Đại vương ấy nghe và xin tha đặng về kinh bó tay chịu chết. Nghe xong, bỗng Đại vương ấy mặt mày tươi vui, ôn tồn bảo: - Thì ra phu nhơn là vợ của Hoàng Phủ Nguyên soái mà tôi không biết, thật đáng trách. Trước kia đã mấy lần tôi nghe danh Hoàng Phủ Nguyên soái đi bình an Phiên tặc, lập nhiều công lao to tát, nay rủi sa cơ lẽ nào lại đầu hàng quân giặc? Tôi tin chắc việc này do bọn gian thần trong triều mạo tấu, tuy vậy nay bà quyết thủ tiết cũng phải, nhưng lịnh ái là nữ sanh ngoại tộc, sao bà nỡ để liên lụy như vậy? Doãn Phu nhơn nói: - Chỉ vì tiện nữ của tôi chưa xuất giá nên vẫn còn xem như người trong nhà, thành thử hắn nguyện theo tôi cùng chết cho tròn chữ hiếu. Đại vương nghe qua gật gù bảo: - Thế thì lịnh ái quả là bậc hiền tử hiếu thảo ít ai bì. Còn việc giết khâm sai hôm nay chắc chắn bọn gian thần nó sẽ vu cáo cho tôi là bè đảng của Nguyên soái, nếu như phu nhơn và tiểu thơ về kinh thì mười phần bị chết oan uổng chớ không mong gì minh oan được. Tôi cũng xin tỏ thật cho phu nhơn biết, tôi chẳng phải là bọn lục lâm cường đạo xuất thân mà là con nhà lương thiện họ Vệ tên Dõng Đạt, cha tôi làm quan đến chức Ngự sử ở tại kinh, tôi ở nhà coi việc điền viên và lo tập tành võ nghệ. Chẳng may cha tôi bị đứa gian thần dèm pha nên triều đình bắt đi cống bên Phiên quốc chưa về, trong cuộc hành trình vô cùng nguy hiểm ấy không biết sống thác ra thế nào nên tôi tính cùng một người lão bộc ra đi dò la tin tức thân phụ, chẳng dè đi ngang qua núi Xuy Đài này lại gặp tướng giặc trên núi là Hàn Hổ chận đàng đoạt hành lý, tôi nổi giận đâm chết. Lúc ấy bọn lâu la phục tài võ nghệ của tôi nên năn nỉ tôi ở lại cầm đầu chúng nó. Tôi lại nghĩ cũng cần ở lại để chiêu tập binh mã kéo đi cứu lấy phụ thân về triều thi hay hơn, nên tôi thuận tình ở lại chốn này, chứ kỳ thực tôi không có ý định làm nghề lục lâm. Ngừng một lát, vị Đại vương tiếp: - Nay tôi muốn tỏ cùng phu nhơn một lời, vả tôi năm nay tuổi đã mười bảy còn tiểu thơ đây cũng chưa gá duyên cầm sắt, chẳng biết có phải trời xui đất khiến đôi lứa gặp gỡ nơi đây chăng. Vậy xin phu nhơn hãy vui lòng gả tiểu thơ cho tôi rồi phu nhơn cũng ở luôn tại đây, đợi lúc nào triều đình đăng bảng cầu hiền để chọn người ra dẹp giặc, chừng ấy chúng ta sẽ đem nhau xuống ứng nghĩa, trước là đi cứu Nguyên soái về, sau lập chút công danh, chẳng biết phu nhơn nghĩ sao? Nãy giờ Doãn Phu nhơn cùng Trưởng Hoa Tiểu thơ đứng cúi gầm mặt xuống không thèm nhìn mặt vị Đại vương; bấy giờ nghe qua mấy lời, cả hai điều liếc nhìn lên trông thấy Vệ Dõng Đạt diện mạo đoan trang, mày ngài, mắt sáng như sao, nước da trắng như tuyết, mười phần đẹp đẽ. Doãn Phu nhơn giật mình nghĩ thầm: “Nếu người này là con gái thì dung nhan kia sánh với con gái ta cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu, thế thì đúng là con nhà quan gia rồi”. Lời Bình: - Hùng Hiệu, một kẻ đã lăn lộn chốn khoa trường mong lập nên chút danh phận với đời, gã lại có con mắt tinh đời nên mới vừa thoáng thấy chàng công tử họ Hoàng Phủ là nhận ra ngay: đây là con người nhà vua đang tầm nã. Nếu y ra tay bắt nạp về triều thì y muốn chức phận gì lại không được? Thế nhưng lương tâm của người trung liệt không cho phép nghĩ đến bước thang danh vọng bỉ ổi ấy, trái lại Hùng Hiệu lại cố tình giúp đỡ giấu giếm cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Vẫn biết làm một việc phạm pháp như vậy khi triều đình hay được thì mang tội không nhỏ, nhưng phàm người trung bao giờ họ cũng hành động theo lương tâm chớ không khi nào họ chạy theo danh lợi một cách mù quáng. Còn Hoàng Phủ Thiếu Hoa, trong lúc giả dạng khách thương và cải danh tánh là Lữ Lăng mong mọi người không để ý đến mình, nay gặp kẻ gọi đích danh mình thì còn gì kinh hãi cho bằng, hơn nữa ở đời những kẻ nham hiểm thường thường tỏ thái độ giống như trượng phu đại độ rất dễ lầm mà đối với Hùng Hiệu, Thiếu Hoa mới gặp lần đầu tiên thì làm sao có thể nhận xét nổi Hùng Hiệu là hạng người nào! Cho nên việc Thiếu Hoa chịu thiệt quả là liều lĩnh trong thế bị vậy. Cho hay ở đời, người trung thường hay mắc nạn mà luôn luôn có kẻ cứu: còn kẻ nịnh tuy lúc gặp thời dọc ngang như vậy, chớ đến lúc gặp nạn thì đừng hòng ai thương.