IV

Khi Trần Mừng với Thu Thủy ra đi thì Chúa tàu Kim Qui có nói rằng ít ngày mình sẽ đem tàu trở lên An Giang.
Tuy nói vậy mà Trần Mừng đi rồi, Chúa tàu nghĩ không biết việc tính gả Thu Thủy có thành hay không, nếu việc chưa thành mình lên đó không ích gì, nên lên tới mũi Cần Vố rồi neo tàu tại đó mà chờ Trần Mừng.
Chúa tàu đợi hoài không thấy Trần Mừng, vừa muốn kéo neo lên An Giang, bỗng nhớ sực lại quan Huyện Đông Xuyên khi trước nghe nói đã vinh thăng Tri phủ Tân Thành, vậy nên tính lên đó ra mắt ngài đặng coi người hại mình khi trước nay ra thể nào. Chúa tàu bèn dạy bạn sắm lễ vật một mâm rồi vào viếng quan Phủ.
Quan Phủ một là vì thấy lễ vật nhiều nên chóa mắt, hai là vì nghe Chúa tàu đã làm ơn trên An Giang nên trong bụng kiêng thầm, bởi vậy cho tiếp đãi trò chuyện rất ân cần, có dè đâu ông Chúa tàu giàu có này vốn là thằng Lê Thủ Nghĩa mình đã gạt hồi mười mấy năm về trước. Chúa tàu hỏi thăm vậy chớ quan Phủ trấn nhậm Tân Thành đã bao lâu, quan Phủ lấy tình thiệt mà tỏ rằng mình ngồi Tri huyện Đông Xuyên gần hai mươi năm mới thăng bổ xuống đây.
Chúa tàu liếc xem thì thấy quan Phủ nay tuy tuổi đã già hơn trước, nhưng mà còn bải buôi, giọng cười chẳng đổi chút nào. Nghe nói Tri huyện Đông Xuyên, Chúa tàu mới nói rằng mình có quen với một người ở huyện ấy tên Trần Tấn Thân và hỏi quan Phủ có biết người ấy chăng. Quan Phủ nghe nói tới tên Trần Tấn Thân thì bộ dường như nghi ngại điều chi vậy, bởi vậy cho nên ngó ngay Chúa tàu một cái, nói “tôi biết”, rồi bắt qua chuyện khác mà nói, không muốn nói chuyện Trần Tấn Thân.
Chúa tàu từ giã xuống tàu nằm suy nghĩ hoài, không hiểu tại sao người ta độc hiểm đến thế, ngoài miệng thì lời nói ngọt như đường, mà trong lòng lại ruột cay như ớt. Chúa tàu chờ hơn hai tháng, Trần Mừng mới dắt Cam, Quít với tên Cường xuống tới. Trần Mừng thuật hết đầu đuôi việc Kỉnh Chi cưới Thu Thủy lại cho Chúa tàu nghe, lại nói rằng vì Kỉnh Chi dục dặc hoài nên hơn hai tháng tính mới xong việc. Chúa tàu dạy trả tiền công và cho tên Cường về nhà, rồi kéo neo làm buồm mà chạy lên An Giang.
Chúa tàu tuy nhớ đến cha mẹ với em thì thương nhớ, song cách mấy tháng trước đã viếng thăm mồ mả cha mẹ được rồi, nay lại đền ơn chút đỉnh cho em rể cũng xong nữa rồi nữa, bởi vậy trong lòng hớn hở, tàu lui rồi thì lấy rượu ra mà uống với Trần Mừng, nói nói cười cười, chớ không phải ủ mặt châu mày tối ngày, vào thở ra than sáng đêm như trước nữa. Trần Mừng thấy Chúa tàu hết buồn thì trong bụng mừng thầm, mà lại có nghe Chúa tàu nói trở lên An Giang quyết lập thế mà đòi cho được một trăm bốn mươi nén bạc giùm anh ta thì anh ta tuy không hiểu lập thế làm sao, song tin chắc Chúa tàu hễ nói thì làm được, nên trong bụng lại càng mừng hơn nữa.
Tàu lên tới An Giang, hai chiếc cũng đậu cặp kè nhau như khi trước. Chúa tàu dòm qua bến đò thì thấy người chèo đò nào lạ, chớ không phải Kỉnh Chi. Trần Mừng mặc quần áo đoan trang rồi đi dạo chơi, có ý coi Kỉnh Chi đã cất nhà xong rồi hay chưa; còn Chúa tàu thì ở dưới tàu đặt một lá đơn đặng cho Trần Mừng đứng mà kiện Trần Tấn Thân về sự sang đoạt một trăm bốn chục nén bạc. Trong đơn Chúa tàu kể đủ mọi điều: Trần Mừng gởi bạc đặng đi Biển Hồ, khi trở về Trần Tấn Thân gạt nói quan Huyện đến xét nhà lấy hết bạc ấy, và hăm hễ Trần Mừng về sẽ bắt mà bỏ tù, làm cho Trần Mừng sợ không dám ở mà đòi bạc; Chúa tàu lại kể sự Trần Tấn Thân dạy bạn trong nhà là tên Cam tên Quít đưa Trần Mừng đi cho rồi; mà đi rồi lại nghi cho hai đứa ấy nói lậu ý gian của mình, nên lập mưu với quan Huyện tính cáo hai đứa ăn trộm đồ đặng bỏ tù chúng nó cho ém nhẹm, may nhờ ông đội Sum lấy lòng nhơn mà tha, nên hai đứa ấy khỏi oan ức. Kể xong mọi việc rồi mới xin quan trên đòi chứng là tên Cam, tên  Quít với ông đội Sum mà hỏi, rồi buộc Trần Tấn Thân về tội sang đoạt, buộc quan Phủ Tân Thành về tội a ý với kẻ gian và dạy Trần Tấn Thân phải trả một trăm bốn mươi nén bạc cho Trần Mừng.
Chúa tàu làm đơn vừa rồi thì Trần Mừng đã trở xuống tàu. Trần Mừng nói nhà Kỉnh Chi cất gần rồi, chừng năm mười ngày nữa sẽ dọn về ở được. Chúa tàu đọc lá đơn lại cho Trần Mừng nghe rồi biểu lấy viết mực mà thủ ký. Chúa tàu biểu thế nào thì Trần Mừng làm y như vậy chớ không cãi lẽ, mà cũng không hỏi han chi hết.
Chiều lại Chúa tàu biểu Trần Mừng dắt lên chợ, trước đi hóng mát, sau coi nhà Kỉnh Chi cất chỗ nào, dân sự tuy nhờ có chiếu của Triều đình gởi vô cho phép quan Tổng đốc khai kho mà chẩn bần nên hết đói nữa, nhưng mà cũng hằng nhớ ơn của Chúa tàu cứu cấp lúc đầu, nên thấy dạng của Chúa tàu cả chợ ai cũng vui mừng. Chúa tàu đi ngang qua nhà mới của Kỉnh Chi thấy lợp nóc, làm vách đã xong rồi, duy còn làm cửa nữa mà thôi. Nhà rộng rãi mà lại cao ráo coi đẹp lắm, Chúa tàu thấy vậy chẳng xiết nỗi mừng.
Sáng bữa sau, ăn cơm rồi Chúa tàu kêu Cam với Quít vào phòng mà tỏ trước cho hai đứa đó hay rằng Trần Mừng sẽ vào dinh quan Tổng đốc mà kiện Trần Tấn Thân về sự nó giựt một trăm bốn mươi nén bạc và dạy hai đứa nó phải đi theo mà làm chứng. Hai Cam với Sáu Quít nghe nói vào nha môn thì biến sắc bởi vì xưa nay chưa từng đến cửa quan lớn, đã vậy mà chúng nó lại bị Trần Tấn Thân cáo ăn trộm đồ của nó mà trốn, không biết nay ra mặt có hại chi không. Chúa tàu thấy hai đứa nó sợ thì cười mà nói rằng: “Có ngộ đi nữa mà, hỏng có sao đâu mà sợ. Nị ở tù, ngộ chịu cho”.
Chúa tàu dặn Cam và Quít hễ quan hỏi thì cứ việc thiệt mà nói, biết sao nói vậy, đừng thêm đừng bớt; dặn rồi bỏ lá đơn vào túi và dắt Trần Mừng đi với Cam, Quít mà lên dinh quan Tổng đốc.
Quan Tổng đốc đang ngồi xử kiện, có quan Bố, quan Án ngồi hai bên; phía ngoài thì làng tổng chực hầu đông đầy, Chúa tàu vừa bước vô tới sân, ngài dòm thấy liền sai lính hầu chạy ra mời. Chúa tàu biểu Cam với Quít đứng ngoài cửa, dắt một mình Trần Mừng vô mà thôi. Quan Tổng đốc, quan Án, quan Bố đều mừng rỡ, mời ngồi rồi dạy lính đem nước trà ra mà đãi. Quan Tổng đốc ngưng việc xử kiện để trò chuyện với Chúa tàu. Ban đầu ngài tỏ cho Chúa tàu hay rằng Triều đình mới phê y lời ngài xin, nên ngài đã khai kho mà chẩn bần; tuy vậy mà thiệt cũng nhờ có lòng quảng đại của Chúa tàu, chớ không thì mấy tháng trước nhơn dân chắc là bị khổ hại lắm, Ngài nói việc ấy xong rồi, mới hỏi thăm hai tháng nay Chúa tàu đi đâu, và nay trở lại đây có việc chi thì cứ tỏ thiệt với ngài, ngài sẽ hết lòng lo giùm giúp. Chúa tàu tỏ rằng hai tháng nay mắc đi buôn bán tỉnh Long Hồ, nay có việc ức mới trở lên đây mà cầu quan trên minh oan giùm.
Quan Tổng đốc nghe nói có việc ức liền hỏi coi việc chi. Chúa tàu thưa rằng Trần Mừng là anh em bạn đi với mình đây cách sáu bảy năm trước có gởi bạc cho một người An Nam ở bên Tân Châu bị người ấy giựt hết, việc ức như vậy mà Trần Mừng không biết đâu mà đi kiện, nay mới tỏ cho mình nghe, nên dắt lên đây cầu xin quan trên tra xét giùm. Nói dứt lời liền rút lá đơn trong túi ra mà trao cho quan Tổng đốc.
Quan Tổng đốc đọc hết lá đơn rồi liền hỏi: “Trần Mừng là chú nầy phải không?”. Chúa tàu chỉ Trần Mừng mà nói phải. Quan Tổng đốc nói: “Năm đó tôi chưa nhậm tỉnh này. Quan Bố và quan Án ở đây lâu có lẽ hai quan lớn biết việc này. Vậy hai quan lớn xét coi như có quả Tri huyện Đông Xuyên a ý với tên Trần Tấn Thân mà giựt bạc của người ta thì định tội cho nó rồi tịch biên gia sản của tên Thân đặng lấy bạc mà trả lại cho khách Trần Mừng. Hai quan lớn xét giùm mau mau đặng Chúa tàu đi buôn bán, chớ để dần dà lâu ngày, người ta tổn phí tội nghiệp”.
Quan Tổng đốc nói rồi bèn đưa lá đơn cho quan Bố. Quan Bố trải lá đơn trên bàn; quan Án bước lại gần rồi hai người đọc với nhau. Đọc rồi quan Bố thưa với quan Tổng đốc rằng: “Bẩm cụ lớn, tôi nhớ chắc lúc trên Cao Miên có giặc chẳng hề có dạy Tri huyện Đông Xuyên xét nhà ai bao giờ; mà thuở nay tôi cũng không có thấy Tri huyện Đông Xuyên phúc bẩm về sự đó”.
Quan Án cười gằn mà tiếp thưa rằng: “Bẩm cụ lớn, tôi thường nghe Tri phủ Tân Thành lúc còn ngồi Tri huyện Đông Xuyên hay làm nhiều điều oan ức dân sự lắm. Việc nầy chưa tra mà tôi dám chắc là Tri huyện Đông Xuyên năm đó a ý với tên Thân mà giựt bạc của người ta. Vậy xin cụ lớn để tôi thẩm tra chừng mươi năm bữa ra mối thì biết ai ngay ai gian”.
Quan Tổng đốc gật đầu, quan Án lấy lá đơn rồi day qua hỏi Chúa tàu vậy chớ hai tên đi theo Chúa tàu đó phải là tên Cam tên Quít hay không. Chúa tàu thưa phải, quan Án bèn kêu vô hỏi đầu đuôi, chúng nó biết làm sao thì hai đứa cũng nói y trong đơn không sái chỗ nào hết. Quan Án biểu Chúa tàu với Trần Mừng dắt Cam, Quít xuống tàu mà nghỉ, đợi đòi Tri phủ Tân Thành, Trần Tấn Thân với đội Sum tới rồi sẽ đối diện mà xét.
Ra khỏi dinh quan Tổng đốc, Chúa tàu bèn dạy Trần Mừng với Cam, Quít đi xuống tàu và dặn đừng có đi chơi, vì sợ Kỉnh Chi ngó thấy sanh nghi mà lậu việc. Chúa tàu đi dạo phố phường chơi lần tới nhà mới của Kỉnh Chi, thấy ba bốn người thợ mộc đang đóng ráp cửa rầm rầm, Kỉnh Chi đứng coi cho thợ họ làm, còn Thu Thủy thì ngồi quạt lửa nấu nước và nói chuyện với thợ. Chúa tàu đứng ngoài dòm vô, Kỉnh Chi mắc phụ thợ mà ráp khuôn cửa giữa, nên không ngó thấy, duy có Thu Thủy ngó ra thấy Chúa tàu, vùng la lớn lên một tiếng “húy”. Chúa tàu vùng khoát tay, nháy mắt và lắc đầu, ra dấu biểu Thu Thủy đừng nói.
Kỉnh Chi thấy vợ ngó ra đường mà la, không hiểu việc chi, nên hỏi: “Gì vậy?”, rồi cũng dòm ra ngoài đường. Chúa tàu chấp tay sau đít bỏ đi, Thu Thủy bợ ngợ không biết nói với chồng làm sao, cùng thế bèn hỏi: “Nghe nói Chúa tàu xuất hai trăm nén bạc dưng cho quan đặng mua lúa thí cho dân ăn, phải người đó hay không?”. Kỉnh Chi nói phải, rồi đứng ngó theo Chúa tàu mà cười. Chúa tàu thấy vậy bèn trở lại rồi bước vô nhà.
Thu Thủy đứng sụt vô trong, Kỉnh Chi bước ra chào hỏi, Chúa tàu hỏi nhà nầy của ai, Kỉnh Chi nói nhà nầy của mình cất, Chúa tàu hỏi vậy chớ phải anh ta chèo đò hồi trước đó hay không. Kỉnh Chi nói phải. Chúa tàu và cười và hỏi: “Chèo đò khá lắm hay sao mà cất nhà tốt dữ vậy?”. Kỉnh Chi nghe hỏi mắc cỡ nên ngó xuống đất mà nói rằng: “Tôi mới cưới vợ có vốn chút đỉnh nên cất nhà cho chắc đặng ở buôn bán”.
Chúa tàu cười rồi kiếu từ mà xuống tàu. Chúa tàu mắt thấy Kỉnh Chi đã kết duyên với Thu Thủy, thấy Kỉnh Chi áo quần lành lẽ chớ không phải lang thang lưới thưới như hồi trước nữa, lại thấy Kỉnh Chi cất nhà tử tế tính việc làm ăn thì trong lòng mừng rỡ vô cùng. Xuống đến tàu liền biểu Trần Mừng sai bạn đi mua vịt rượu đem xuống ăn uống vui cười ngả ngớn, hết dàu dàu như khi trước nữa.