Phần 4: Những năm tháng trước và sau cách mạng tháng Tám
P4 - Chương 2 đến 4

II. Tiến xuống Lạng Sơn
Mặc dù Tây, Nhật khủng bố ráo riết, nhưng việc tiến xuống Lạng Sơn là một nhiệm vụ chiến lược nhất định phải thực hiện cho bằng được. Nguyên kế hoạch trước là tiến về phía Cao Môn, Bắc Khê, nhưng một hôm, ở một con suối gần Cao Môn, hai đồng chí cán bộ xuống suối tắm, đã để súng và áo quần trên bờ suối, bị bọn lính dõng Cao Môn đi tuần trông thấy từ đường xa, về báo cáo với châu đoàn Thể ở Cao Môn, châu đoàn Thể bắt lĩnh dõng phải canh gác suốt ngày đêm ở dọc biên giới Cao-Lạng. Thế là kế hoạch đánh thông vào Cao Môn, Bắc Khê phải ngừng lại.
Vào khoảng tháng 5-1944, khi về Nhượng Bạn được đọc bài thơ của Bác viết trên một tờ báo Quảng Tây, do Trần Bảo Thương chuyển đến, và nhắn cho biết là Bác đã được khôi phục tự do.
Nguyên thơ bằng chữ Hán, có bốn câu:
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tĩnh vô trần.
Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh,
Giao vọng nam thiên ức cố nhân.
Tạm dịch:
Mây núi chen nhau cảnh trập trùng,
Lòng sông như một tấm gương trong.
Một mình dạo bước Tây phong lĩnh,
Bạn cũ trời Nam những nhớ trông.
Tuy Trần Bảo Thương đã nhắn cho biết là Bác được tự do, nhưng tôi vẫn cố suy nghĩ từng chữ từng câu trong thơ, để tìm hiểu ý tứ thật của nó. Tôi nghĩ: Mây núi chen nhau là nói ý cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp; lòng sông gương sáng là nói ý cách mạng vẫn dào dạt như nước ở dòng sông, và vẫn được vẹn toàn trong sáng; bồi hồi dạo bước bên núi Tây Phong rõ ràng là ý nói Bác đã được tự do; nhớ bạn cũ trời Nam là ý nói Bác muốn về nước. Tôi nghĩ như vậy, và nói ý nghĩ đó với các đồng chí Bác Vọng, Vũ Anh, đồng thời xin thêm mấy chục viên ki-nin để chuẩn bị đi Lạng Sơn. Chúng tôi quyết định chuyến đi này không tiến về Cao Môn, mà đi đường Keo Quí, tiến về Tràng Định, mặc dù đi con đường này phải trèo đèo lội suối rất khó khăn, và có một vài chỗ có bọn tay sai đắc lực của Pháp cản trở, như ở Nà Mèng, Nà Cạo. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua, đến Tà Lừa rồi đến thẳng Thất Khê, một nơi đã có cơ sở từ trước, lúc đồng chí Hoàng Văn Thụ hoạt động ở đó.
Đến Thất Khê, chúng tôi thường ở nhà đồng chí Hoàng Minh Xương ở Bản Chang, đồng chí Trần Đức Hinh ở Toỏng Cọt, từ đó củng cố các nơi đã có cơ sở và phát triển thêm các nơi ở những vùng chung quanh. Trong khi củng cố và phát triển, chúng tôi được sự hợp tác đắc lực của những đồng chí đã biết nhau từ lúc ở lớp huấn luyện bộc phá ở Tịnh Tây như đồng chí Như Ý, đồng chí Lâm, đồng chí Khai Lạc; một số đồng chí đã tham gia Đại hội thành lập Hội giải phóng từ năm 1941 ở Tịnh tây như đồng chí Bế Hà Kinh; và một số đồng chí khác đã gặp nhau ở Long Châu như đồng chí Bế Chấn Hưng, đồng chí Hoàng Văn Kiều; các đồng chí này đều là những người đã được phổ biến đường lối Việt Minh và thông thuộc tình hình địa phương.
Trong mấy năm qua, mặc dù ở Lạng Sơn bị khủng bố nặng, nhưng các đồng chí này đã khôn khéo hoạt động giữ cơ sở và phát triển thêm nhiều. Một số đồng chí đã đánh thông Nà Nhàn, Nà Voài, Nà Cà, thuộc Cao Bằng; Pác Xiếc, Tà Lừa, thuộc Lạng Sơn. Thế con đường xuống Thất Khê đã thông suốt.
Những nơi kể trên tuy đã có tổ chức Việt Minh nhưng chưa rộng khắp, đường qua Keo Quí xuống vẫn phải đi đêm. Keo Quí là một khu rừng cây cối um tùm, các bản dọc đường đi từ bản này đến bản kia phải lội suối, thường người ta đi đêm là phải thắp đuốc, nhưng mình không dám thắm đuốc, phải bắt một ít đom đóm gói vào trong khăn mùi xoa, đeo ở sau cổ người đi trước để cho người đi sau thấy mà đi theo. Có khi qua suối gặp những chỗ khúc khuỷu khó đi thì phải vịn vào người giao thông mà đi, có những bước gồ ghề đặc biệt thì người đi trước phải đưa chân người đi sau đặt vào chỗ bước chắc chắn thì mới bước qua được.
Ở vùng Cao Môn, các đồng chí Đường Văn Thức, Trần Văn Liêm cũng đã nắm được các vùng Khau Chang, Khuổi Nháo, Khuổi Hải Tậu, Khuổi Thó, Khuổi Chăn, Khuổi Phầy, đồng chí Toàn và một số người khác cũng đã gây được cơ sở ở một số nơi.
Ở Thất Khê một thời gian, chúng tôi còn tổ chức được các anh xếp và cai người Việt trong đồn Thất Khê. Xếp Ân quê ở Nghệ An, cai Đài quê ở Cao Bằng là người liên lạc mật thiết. Chúng tôi đã nói chuyện nhiều với anh hai về tình thế cách mạng, đã mời hai anh đến ăn cơm ở nhà đồng chí Trần Đức Hinh, và đã có thể đi thẳng vào chỗ nhà ở của vợ con các anh ấy mà vẫn được an toàn.
Các anh xếp Ân và cai Đài nghị chúng tôi lấy đồn Thất Khê bằng cách nửa đêm đột nhập vào đồn [1], các anh ấy sẽ phối hợp đưa đi bắt tên đồn trưởng người Pháp ở tại phòng ngủ, rồi các anh ấy sẽ hạ lệnh cho lính chuyển súng ống đạn dược ra chỗ căn cứ của ta.
Theo các anh ấy thì hầu hết người Việt ở trong đồn đều muốn theo Việt Minh và sẵn sàng hợp tác với các anh ấy làm việc đó.
Nói thì giản đơn như vậy, nhưng chúng tôi phải tính toán kỹ trước khi khởi sự. Anh Đàm Minh Viễn phải về Cao Bằng để xin Tỉnh ủy một số đạn tốt, vì chúng tôi tuy mối người đều có một khẩu súng bát [2] để hộ thân, nhưng có lần ban đêm gặp lính dõng phải bắn súng thì đạn thối không nổ. Còn tôi thì đi Bố Cục thuộc Long Châu Trung Quốc để liên hệ với quần chúng; phòng trường hợp lấy được đồn rồi, Tây đưa lực lượng các nơi đến phản công, thì phải chuyển bộ đội sang đấy. Bồ Cục là nơi mà năm 1940 khi anh Chu Văn Tấn khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại đã đưa một số bộ đội đến tạm nương náu ở đó, và cũng là nơi mà năm 1941 khi tôi đến lập Biện sự xứ Việt Minh ở Long Châu cũng thường đi lại để liên hệ với quần chúng địa phương và anh em trong nước. Quần chúng Bố Cục giác ngộ cách mạng cao, họ xem cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng của mình nên khi nghe tôi nói ý định muốn lấy Thất Khê thì họ trả lời ngay, nếu ở Việt Nam gặp khó khăn phải qua đây hàng trăm người chúng tôi cũng có thể giúp đỡ được.
Tuy được quần chúng Bố Cục sẵn sàng làm hậu viện cho việc chiếm đồn Thất Khê, nhưng thực ra thì điều kiện chủ quan và khách quan vẫn chưa thật chín muồi. Tôi nghĩ cần đi Tịnh Tây một chuyến gặp Trần Bảo Thương để nối lại mối quan hệ và cũng để tìm hiểu thêm tin tức về Bác. Nghĩ vậy, tôi liền viết một bức điện nhờ người đưa đến Sở bưu chính Long Châu đánh cho Trương Phát Khuê, đại ý nói: Tôi muốn đi đến Tịnh Tây gặp Chủ nhiệm Trần Bảo Thương, mong được sự đồng ý của Trưởng quan.
Hai hôm sau Trương Phát Khuê trả lời “đồng ý”. Tôi dùng bức điện trả lời này như là giấy thông hành đi qua con đường cũ trên đất Trung Quốc: Bố Cục, Long Châu, Khô Cạp, Bảo Hy, Thạc Long, Hạ Lôi, Hóa Động, Tịnh Tây, rồi qua Dường Lầu, Cột Mà về Pác Bó. Đi đường này tuy xa nhưng an toàn hơn và cũng để nhìn lại cái cảnh cũ dã từng quen thuộc trước đây gần hai năm kể từ tháng 8-1942 tôi rời Tịnh Tây về nước.
Đầu tháng 7-1944, tôi lên đường. Khi đến Tịnh Tây, tôi vào Chỉ huy sở của Trần Bảo Thương, ông ta lại vồn vã tiếp đón chuyện trò thân mật, và thết một bữa tiệc rất sang. Trong bữa tiệc, Trần Bảo Thương hỏi nhiều về tình hình Nhật, Pháp và tình hình phát triển của cách mạng Việt Nam. Tôi nói ở Việt Nam ngày nay không phải là người Pháp làm chủ, mà thật sự là người Nhật. Người Pháp cũng vẫn muốn chống Nhật, nhưng họ lại thẳng tay khủng bố đối với các lực lượng Việt Nam chống Nhật. Vì vậy, chủ trương của chúng tôi là phải chống cả Pháp, cả Nhật. Với chủ trương chống Pháp, chống Nhật, các đoàn thể cách mạng đều phát triển rất sâu rộng.
Nói xong tình hình Việt Nam, câu chuyện chuyển sang bài thơ của Hồ Chủ tịch. Trần Bảo Thương hỏi, trước đây tôi cỏ gửi một tờ báo Quảng Tây trong đó có bài thơ viết tay của đồng chí Hồ Chí Minh, chắc anh có được xem. Tôi trả lời: Vâng, tôi có được xem và được đọc cả bài họa của Chủ nhiệm nữa, tôi đang định viết bài thơ của tôi để trình Chủ nhiệm, đồng thời nhờ Chủ nhiệm chuyển đến Liễu Châu cho đồng chí Hồ Chí Minh. Bài thơ như sau:
Bích không vị tảo tận nùng vân,
Nam vãn thiên hà tẩy khát trần,
Thanh khí tương cầu chung hữu ứng,
Đoạn kim tần mộng kiến giai nhân.
Tạm dịch:
Trời xanh chưa quét sạch mây vần,
Khó kéo sông Ngân rửa bụi trần.
Thanh khí đã cầu thì phải ứng,
Chia vàng luôn mộng thấy giai nhân.
Chia vàng luôn mộng thấy giai nhân, đối với Hồ Chủ tịch là có ý nói luôn luôn mong ước được sự chỉ giáo của Bác, mà đối với Trần Bảo Thương là có ý nói luôn luôn mong được sự giúp đỡ. Hai chữ “chia vàng” là lấy ý ở câu “nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim” trong sách cổ của Trung Quốc, nghĩa là hai người cùng một lòng, lợi ích như chia vàng cho nhau. Nghe tôi đọc xong, Trần Bảo Thương khen hay và bảo người đưa bút giấy ra để tôi ghi lại.
Trần Bảo Thương còn cho biết, đồng chí Hồ Chí Minh hiện nay đã được hoàn toàn tự do, đang chuẩn bị, có lẽ không lâu cũng sẽ về nước đấy.
Cuộc gặp Trần Bảo Thương như vậy là rất tốt.
Ngày hôm sau tôi lên đường về nước, lại vẫn qua Dường Lầu nghỉ một đêm, rồi hôm sau đi thẳng đến Pác Bó, chỉ ở nhà Đại Hoa vài hôm rồi đi Nhượng Bạn.
Hồi này Cao Bằng đang bị khủng bố riết, tôi vẫn ở Lũng Voài, nhưng không ở nhà ông Lén như trước, mà phải ở một cái lán ở trên núi đá, thỉnh thoảng mới xuống dưới làng hoạt động. Một thời gian sau gặp anh Vũ Anh, được biết Bác đã về nước và đã phê phán chủ trương phát động chiến tranh du kích mà Hội nghị Cao- Bắc-Lạng vẫn còn ghìm lại chưa giải quyết.
Nguyên trước đây vào khoảng tháng 5-1944, tôi về Lam Sơn gặp Tỉnh ủy Cao Bằng thì cũng gặp cả anh Đồng, anh Giáp và anh Vũ Anh. Anh Giáp dự thảo ra một văn bản như một cương lĩnh hành động để đưa Tỉnh uỷ thảo luận. Trong đó chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao-Bắc-Lạng và một số ý kiến cụ thể về việc tổ chức các đội du kích. Tôi xem văn bản này thấy rằng chủ trương phát động chiến tranh du kích là không đúng, vì có hai điều kiện chưa được giải quyết. Một là chưa có liên lạc quốc tế [3] . Hai là sự liên lạc Bắc-Trung-Nam chưa được thông suốt. Nếu phát động chiến tranh du kích thì sẽ gặp nhiều khó khăn, sẽ bị cô lập. Cố nhiên trong lúc này nơi nào có thể tổ chức đội du kích thì ta vẫn cần tổ chức để luyện tập và lúc cần vẫn có thể đánh du kích.
Anh Giáp nói, đã tán thành việc tổ chức đội du kích thì phải tán thành chủ trương chung là phát động chiến tranh du kích, vì hai việc là gắn chặt với nhau. Chủ trương của anh Giáp được anh Đồng ủng hộ. Tôi lý luận mãi hai anh vẫn không nghe. Sau tôi chỉ dặn anh Vũ Anh phải giải thích để các đồng chí Tỉnh ủy thấy rõ rằng với tình thế hiện nay, đặt vấn đề phát động chiến tranh du kích là không thực tế.
Tháng 7-1944, Hội nghị Cao-Bắc-Lạng họp [4] . Vấn đề phát động chiến tranh du kích được thảo luận sôi nổi. Anh Vũ Anh trình bày chủ trương này là chưa nên, nhiều đồng chí trong hội nghị đều phân vân, cuối cùng hội nghị quyết định hãy tạm gác lại để nghiên cứu thêm. Thế là vấn đề phát động chiến tranh du kích không biểu quyết [5]. Đi đôi với vấn đề phát động chiến tranh du kích, còn có vấn đề thành lập Quân giải phóng. Vấn đề này cũng không có quyết định của Hội nghị Cao-Bắc-Lạng nhưng anh Giáp cứ làm, anh Vũ Anh lấy danh nghĩa ủy viên Trung ương tuyên bố giải tán.
Trong khi đang đấu tranh găng, thì Bác từ Trung Quốc về.
Bác giải thích:
  1. Về vấn đề chủ trương phát động chiến tranh du kích ngay là không đúng, vì với điều kiện hiện nay, nếu phát động chiến tranh du kích thì sẽ gặp nhiều khó khăn không thể giải quyết được. Chỉ nói về mặt quân sự thì cán bộ và vũ khí cũng chưa đủ, chưa có một lực lượng mạnh.
  2. Về vấn đề Quân giải phóng, Bác nói là chưa đến lúc lấy tên là Quân giải phóng mà chỉ nên lấy tên là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tính chất của nó là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội vũ trang tuyên truyền. Đồng thời đối với việc anh Vũ Anh tuyên bố giải tán, Bác cũng phê bình là một việc làm chưa cân nhắc cẩn thận.
Biết rõ ý kiến của Bác, trong lòng tôi như trút được gánh nặng, rất phấn khởi và tin tưởng rằng chủ trương lớn và đại cục đã có Bác làm rường cột, không phải lo nữa. Chỉ cố gắng làm tốt công việc cụ thể trong phận sự của mình.

°

Cao Bằng đang bị khủng bố nặng. Ở Đông Khê, những nơi mới có tổ chức Việt Minh, quần chúng có vẻ sợ sệt. Thí dụ một hôm anh Hoàng, anh Nam và tôi đi tới một nhà quần chúng cơ sở vào khoảng mười giờ đêm, chủ nhà nói trong nhà có người lạ không nên vào, hãy cử tạm ở ngoài lán ở đồng ruộng, để người lạ đi rồi sẽ vào. Chúng tôi biết đây chỉ là một cách từ chối khéo chứ làm gì có người lạ trong nhà. Chúng tôi nói, nếu đúng là người lạ chưa hiểu rõ ra sao thì để chúng tôi lấy tư cách là hào lý địa phương đến xét hỏi. Chủ nhà nói, các đồng chí không cần xét hỏi, bây giờ hãy mời các đồng chí tạm ở trên gác chuồng trâu bên cạnh nhà, đến sáng tôi bảo người lạ đi đi, rồi các đồng chí sẽ vào nhà. Tiếp đó, hôm sau chúng tôi đến một nhà ở gần Nặm Tàn, quần chúng đón tiếp rất thân mật, nhưng cho chúng tôi biết trong làng có ông thầy mo khuyên đừng để các đồng chí ở trong làng. Chúng tôi đề nghị mời ông thầy mo đến nói chuyện. Sau khi nghe giải thích mọi lẽ cho ông thầy mo và cho cả quần chúng nghe, thì họ thấy sự lo sợ là không cần thiết. Ông thầy mo chẳng những đồng ý để chúng tôi ở trong làng mà còn mời chúng tôi đến ở ngay nhà ông ta. Sau khi nghe giảng giải về cách chống khủng bố, chẳng những quần chúng mới được tổ chức đều yên tâm, mà chúng tôi còn phát triển thêm nhiều làng ở vùng Nà Cốc, Khuổi Hoỏng, tổ chức được ba lớp huấn luyện và bồi dưỡng được thêm một số cán bộ mới.
Trong khi chúng tôi đang chỉnh đốn công tác ở vùng Đông Khê thì Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Bộ máy thống trị của Pháp hoàn toàn tan rã, chỉ một số rất ít hào lý và xã đoàn vẫn mù quáng chống Việt Minh, còn nữa thì tỏ ý muốn theo Việt Minh hoặc biết Việt Minh hoạt động cũng làm ngơ. Nắm cơ hội, chúng tôi hoạt động mạnh, cứ mang súng ống đi công khai ban ngày từ làng này đến làng khác. Chúng tôi đi đến đâu đều mở những cuộc mít tinh lớn để nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng và đè bẹp sự hung hăng của một số tên phản động mù quáng.
Hoạt động xong ở Đông Khê, chúng tôi trở lại Xuân Sơn cũng mở mấy cuộc mít tinh lớn như vậy, rồi mới đi về Nhượng Bạn gặp đồng chí Bác Vọng. Vừa khéo lúc đó lại gặp Bác từ Pác Bó trên đường đi về cùng xuôi, tôi cũng cùng đi với Bác một chặng đường. Trong khi đi đường Bác vẫn lên cơn sốt, anh Phạm Việt Tử tiêm ki-nin thẳng vào mạch máu cho Bác, anh nói tiêm như thế mau lành, tôi chẳng hiểu gì về thuốc cũng tin như thế là đúng. Đến năm 1946 công tác ở Khu bốn, tôi bị sốt rét, anh y tá cũng tiêm ki-nin thẳng vào mạch máu cho tôi. Vừa rút kim ra thì tôi ngất xỉu đi, tự cảm thấy mình không thể sống, may được các đồng chí xung quanh lấy nước nóng chườm cho một hồi lâu mới tỉnh lại bình thường. Sau hỏi thầy thuốc được giải thích rằng tiêm ki-nin vào mạch máu là rất nguy hiểm. Bây giờ mới biết trước kia anh Phạm Việt tử tiêm cho Bác mà không xảy ra việc gì, chẳng những may cho Bác, mà cũng là may cho cả dân tộc.
Đi cùng đường với Bác được một hôm thì chia tay, Bác đi về phía Tuyên Quang, tôi đi về phía Đông Khê xuống Lạng Sơn.
Chuyến này tôi đi Lạng Sơn có được thêm một số cán bộ mới. Anh Phan Bội phụ trách điện đài để liên lạc với Trung ương, anh Đàm Minh Viễn và một số đồng chí nam giới như: Hoàng Điền, Quốc Toản, Bảo An, Đức Vinh, Tân Cương, Tuấn Sơn, và một số phụ nữ như chị Nguyệt Nga [6], chị Vũ Bào, chị Yến, chị Thuần, chị Ngọc, chị Bích v.v… Với một số cán bộ mới này công tác ở Tràng Định lại được đẩy mạnh.

°

Sau cuộc đảo chính, quân Pháp tuy đã tan rã nhưng ở Tràng Định không phải mọi sự đều dễ dàng, có nơi còn có một số tên phản động ngoan cố vẫn cương quyết đối lập với cách mạng, và canh phòng rất nghiêm ngặt. Chỉ sau khi tước vũ khí và giải quyết được tên lý trưởng ở Nà Cạo rồi viết thư bắt anh phó lý ở Lủng Bó nộp năm khẩu súng, và đưa bộ đội đi bắt tên phó lý Khen ở Bình Quân, vì tên này trước kia đã chặt đầu anh giáo Lợi nộp cho Tây để lấy mấy chục cân muối, bây giờ vẫn ngoan cố chống Việt Minh. Từ đó thế lực phản động mới rụt cổ lại, quần chúng mới hết lo ngại và hăng hái theo Việt Minh.
Một việc cũng ảnh hưởng khá quan trọng đến tình hình là thổ phỉ từ phía Trung Quốc, nhân khi Pháp đổ, Nhật chưa lập được trật tự vững vàng, cũng nhảy vào quấy rối, cướp trâu bò, bắt phụ nữ, làm cho dân chúng rất lo sợ, chưa tin rằng Việt Minh có thể bảo vệ được an ninh cho mình. Chúng tôi phải tổ chức việc đánh thổ phỉ, đánh được mấy chuyến làm cho thổ phỉ không dám quấy nhiễu nữa thì dân chúng mới tin, bọn châu đoàn và xã đoàn các địa phương mới tự nguyện nghe theo sự chỉ huy của cán bộ Việt Minh.
Một việc lớn là cuộc đánh vào đồn Pò Mã, diệt một tên tổng đoàn ngoan cố, treo cờ Việt Minh lên trên đồn, tước vũ khí và tuyên bố quân đội ai theo Việt Minh, ai muốn về quê nhà thì Việt Minh đảm bảo an toàn và giúp đỡ cho về. Việc này làm cho quần chúng rất phục. Nhưng các đồng chí quân sự đã phạm một sai lầm là say sưa với thắng lợi, cứ đóng quân ở trong đồn luôn nhiều ngày. Sau sửa chữa lại, chỉ treo cờ Việt Minh ở đồn, còn lực lượng vũ trang thì tỏa ra các vùng chung quanh để làm công tác tuyên truyền, tổ chức quần chúng. Đồng thời quy định, dù có quân Nhật đền đồn Pò Mã cũng không đánh, để Nhật khỏi khủng bố nhân dân địa phương, còn mình thì bảo toàn lực lượng để chuẩn bị những cuộc tiến công lớn. Quả vậy, lúc quân Nhật kéo đến Pò Mã, thấy đồn bỏ trống, thì chúng cho là Việt Minh dùng “kế không thành” như Khổng Minh ở Trung Quốc trước kia đã làm, nên chỉ quanh quẩn trong đồn một hồi rồi toàn bộ rút lui về Thất Khê.
Qua các việc nói trên, các châu đoàn, xã đoàn đều tỏ ý nghe theo Việt Minh. Nhưng bước đầu, bộ đội chưa nhiều, chúng tôi không bắt họ nộp súng mà chỉ giao hẹn khi nào bộ đội cần thì sẽ lấy.
Một việc quan trọng nữa là ở xã Kim Đồng có một tên cán bộ Việt Minh hủ hóa, cưỡng bức quần chúng phải quyên tiền và công khai ép một chị phụ nữ đã có người yêu phải ăn ở với mình. Việc này ảnh hưởng trong quần chúng rất xấu. Một hôm chúng tôi đưa một trung đội Việt Minh đến, kêu gọi quần chúng họp mít tinh ở một khu rừng để nghe truyền đạt chính sách. Anh cán bộ hủ hóa đó trong lúc đến trước Đài chủ tịch để báo cáo tình hình thì Đoàn chủ tịch hạ lệnh cho quân đội bắt, tước súng và xét người ngay tại chỗ, thấy trong người còn có mấy nghìn bạc. Đoàn chủ tịch hỏi quần chúng được biết đó là số bạc của quần chúng bị ép phải quyên góp, Đoàn chủ tịch liền tuyên bố số bạc ấy trả lại cho những người đã quyên góp, đồng thời xử bắn tại chỗ anh cán bộ đó. Thế là tiếng đồn vang đi khắp nơi. Bộ máy thống trị của Pháp tự giải thể. Việt Minh hoàn toàn làm chủ trên tất cả các mặt. Nhân dân có việc gì khó khăn hoặc có việc gì mâu thuẫn nội bộ cũng tìm hỏi Việt Minh để giải quyết, trên thực tế, một Chính quyền cách mạng đã hình thành, ở nhiều nơi lý trưởng đã nộp triện, xã đoàn và lính dõng đã tự động nộp súng cho Việt Minh.
Bộ đội vũ trang của Việt Minh đã công khai đi lại giữa ban ngày, đi đến đâu bọn phản động đầu sỏ đều chạy trốn hoặc ra xin đầu hàng, còn nhân dân thì được bảo vệ chu đáo, và tổ chức học tập rộn rịp.
Ngoài Tràng Định ra, các anh Chu Văn Tấn, đã đánh thông từ Bắc Sơn lên đến Tân Trào, các anh Khai Lạc, Bế Chấn Hưng, Hoàng Văn Kiều cũng đã giải quyết xong các đồn Nà Sầm, Đồng Đăng, Văn Mịch, Bình Gia, Điểm He, liên hệ với nhau thành một khối. Các đồn Đông Khê, Pắc Boóc ở Cao Bằng cũng đã theo Việt Minh. Thế là con đường Cao Bằng-Lạng Sơn đã hoàn toàn thông suốt. Đội vũ trang tuyên truyền ở Cao Bằng cũng đã kéo xuống Lạng Sơn và phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang ở đây. Các sĩ quan Pháp và tri phủ, tri châu đều chạy trốn, các xã đoàn và lính dõng đều theo Việt Minh.
Những thành tích đạt được trong mấy năm của các đồng chí Việt Bắc nói chung cũng như của phần tôi nói riêng là nhờ có chủ trương đường lối đúng đắn vạch ra và sự chỉ giáo về cách làm việc khôn khéo của Hồ Chủ tịch từ trước, mặc dù Người đang bị giam giữ ở Trung Quốc từ tháng 8 năm 1942 mãi cho đến tháng 9 năm 1944 mới về nước trực tiếp nắm việc lãnh đạo.
III. Hồ Chủ Tịch bị bắt ở Trung Quốc và những hoạt động của Người
Việc Hồ Chủ tịch đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch là một chủ trương chiến lược rất quan trọng, từ trước đến nay rất ít người biết, có người biết ít nhiều thì cũng vì lẽ này hoặc lẽ khác tránh đi không nói, cũng có người lại nói Hồ Chủ tịch đi Trùng Khánh là cốt để gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không phải dể gặp Tưởng Giới Thạch. Cách suy nghĩ như thế là xuất phát từ chỗ không thấy rõ sự cần thiết của cách mạng Việt Nam trong lúc đó là phải có một vị trí quốc tế, cụ thể là phải có sự quan hệ rõ ràng với Trung Quốc, một nước trong phe Đồng minh chống phát-xít, một nước mà phần lớn đất đai đã bị Nhật chiếm, đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Nhật và đang chuẩn bị việc Hoa quân nhập Việt. Hồ Chủ tịch bị bắt ở dọc đường và giam giữ hơn một năm là việc không ngờ, nhưng với một thái độ chính trị dúng đắn và những hành động khôn khéo, ở Liễu Châu Hồ Chủ tịch đã tranh thủ được sự đồng tình của Trương Phát Khuê và Tiêu Văn, được đưa vào Ban Chấp hành của Việt Nam cách mạng đồng minh hội và được đi về qua lại hoàn toàn tự do. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho Hồ Chủ tịch về nước lãnh đạo việc chuẩn bị khởi nghĩa trước Cách mạng Tháng Tám, và cũng là điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giữa Việt Minh-Việt Quốc-Việt Cách sau Cách mạng Tháng Tám mà Việt Minh là kẻ chiến thắng.
Sự việc có thể tóm tắt vào ba điểm như sau:
  • Hồ Chủ tịch bị bắt và cuộc vận động của ta chống việc bắt Hồ Chủ tịch.
  • Hồ Chủ tịch tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội.
  • Hồ Chủ tịch được tự do về nước.
1. Hồ Chủ tịch bị bắt ở Trung Quốc và cuộc vận động của chúng ta chống việc bắt Hồ Chủ tịch
Việc Hồ Chủ tịch bị bắt ở Trung Quốc cuối năm 1942 là việc chúng ta đã biết, nhưng chỉ biết qua loa. Đến như những hoạt động của Người như thế nào để đạt được kết quả chính trị có lợi cho mình, cho cách mạng thì rất ít người biết. Có người trong lúc đó được biết một đôi chút về Người, khi viết hồi ký lại huênh hoang thêu dệt ra một số tình tiết để tỏ vẻ mình là người biết rõ sự việc, là người được Hồ Chủ tịch tin cậy, dặn dò và giao phó việc này, việc nọ. Thực ra, thời gian ở Liễu Châu khi chưa tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Người chỉ chăm chú rèn luyện thân thể, cặm cụi đọc sách, báo và dịch cuốn Tam dân chủ nghĩa, không nói chuyện chính trị và tiếp xúc với một “nhà chính trị” Việt Nam nào, vì Người cảnh giác đối với các “nhà chính trị” đó. Sau khi tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Người lại rất chan hòa với mọi người, và yêu cầu mọi người phải thật lòng đoàn kết trong mục đích chung là chống Nhật cứu nước. Chính vì thái độ đó mà được Trương Phát Khuê kính nể, tin cậy và cuối cùng để cho được hoàn toàn tự do. Những sự việc cụ thể mà tôi thuật lại trong mục này là đã tham khảo những tài liệu gốc của Quốc dân đảng Trung Quốc trong lúc đó mà gần đây mới sưu tầm được, để chứng minh sự thật một cách rõ ràng, chắc chắn hơn.
Sự thật là sau hơn một năm lãnh đạo công tác ở Cao Bằng, Việt Minh đã phát triển rộng khắp trên các tỉnh Việt Bắc, cuộc chiến tranh chống phát-xít trên thế giới cũng phát triển nhanh chóng, Hồ Chủ tịch thấy cần phải đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch và bà Tống Khánh Linh, Chủ tịch Phân hội phản xâm lược đồng minh Trung Quốc để đặt mối quan hệ chính thức với phía Trung Quốc, một trong năm nước lớn Đồng minh chống Phát-xít.
Ngày 20-8-1942, anh Lê Quảng Ba đưa Bác đi từ Pác Bó đến biên giới Trung Quốc, rồi xếp đặt một đồng chí Trung Quốc đưa Bác đi, còn anh thì lại trở về nước. Khi đến phố Túc Vinh thuộc chuyên khu Thiên Bảo tỉnh Quảng Tây thì Bác bị bắt.
Bác đi Trùng Khánh với danh nghĩa là đại biểu Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam đi gặp Tưởng Ủy viên trưởng để tỏ tòng tôn kính và gặp người phụ trách Phân hội phản xâm lược đồng minh Trung Quốc để thương lượng công việc chống Nhật. Với danh nghĩa như vậy, đáng lẽ nước Trung Quốc đang chống Nhật thì phải tiếp đãi thân mật và hết sức giúp đỡ; nhưng trái lại, đương cục địa phương lại lấy cớ giầy tờ không hợp lệ, tùy tiện bắt giải đi như một người tù mà chẳng cần xét hỏi gì cả.
Việc Bác bị bắt ở Túc Vinh ta chưa biết ngay, mãi đến cuối tháng 10-1942, quần chúng Trung Quốc nhắn cho biết, thì Tỉnh ủy Cao Bằng mới quyết định một mặt vận động các đoàn thể quần chúng và kiều bào hải ngoại liên danh viết thư đòi phía Trung Quốc phải tha ngay nhà cách mạng lão thành Việt Nam đang lãnh đạo phong trào chống Nhật; một mặt phái anh Hoàng Đình Ròng [7] đến biên giới lấy danh nghĩa Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam đánh điện cho Tôn Khoa, Viện trưởng Viện Lập pháp Trung Quốc yêu cầu tha ngay Hồ Chủ tịch. Bức điện bằng chữ Hán, nội dung như sau:
Kỉnh gửi Tôn Viện trưởng: Đại biểu của Hội chúng tôi là Hồ Chí Minh đi Trùng Khánh để dâng cờ tỏ lòng kính trọng đối với Tưởng Ủy viên trưởng, khi đi qua Tịnh Tây thì bị bắt, kính xin Ngài điện cho địa phương tha ngay.
Tôn Khoa nhận được điện liền chuyển ngay cho Ngô Thiết Thành, Bí thư trưởng Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc. Ngày 9 tháng 11, Ngô Thiết Thành điện cho Chính phủ Quảng Tây và Trương Phát Khuê bảo phải xét rõ và thả ngay. Nhưng lúc đó Bác còn bị giải đi trên quãng đường Đồng Chính – Nam Ninh, nên Chính phủ Quảng Tây và Trương Phát Khuê vẫn chưa tìm ra manh mối.
Vào khoảng trung tuần tháng 11-1942, tôi đến Nhượng Bạn gặp các anh Vũ Anh, Bác Vọng, Phạm Văn Đồng đưa vấn đề ra bàn thì thấy rằng chỉ viết thư và đánh điện cho nhà đương cục Trung Quốc chắc không có kết quả, cần phải gây thành một dư luận quốc tế thì mới có sức ép với Quốc dân đảng Trung Quốc. Chúng tôi quyết định viết thư cho các hãng thông tấn lớn trên thế giới. Bức thư gửi cho Trung ương Thông tấn xã Trung Quốc tôi viết bằng chữ Hán; bức thư gửi cho các hãng TASS Liên Xô, UPI Mỹ, Roi-tơ Anh và AFP Pháp thì anh Đồng viết bằng chữ Pháp. Nội dung bức thư như sau:
“Tiền tuyến Trung – Việt ngày 15-11-1942,
“Gần đây giữa cách mạng Việt Nam với đương cục Trung Quốc phát sinh một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng. Đồng chí cách mạng Hồ Chí Minh đại biểu Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam đi Trùng Khánh để dâng cờ tỏ lòng kính trọng đối với Tưởng Ủy viên trưởng và để bàn công việc với Phân hội phản xâm lược đồng minh Trung Quốc. Ngày 2 tháng 9 đi đến quãng đường giữa Tịnh Tây và Thiên Bảo bị đương cục địa phương tùy tiện bắt với lý do là giấy thông hành không hợp lệ.
“Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam, do sự hoạt động của đồng chí Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 1941 bao gồm nhiều đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân với hơn hai mươi vạn hội viên phân bố khắp cả nước, từ Nam kỳ, Trung kỳ cho đến Bắc kỳ.
“Đồng chí Hồ Chí Minh là người có uy tín lớn và rất trọng yếu của Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam, nay bị bắt ở Trung Quốc, đã gây nên một sự bất mãn lớn của những người cách mạng Việt Nam đối với Trung Quốc. Gần đây nhiều đoàn thể nhân dân Việt Nam đã gửi thư tới Trùng Khánh nói rõ vấn đề, nhưng cho đến nay đồng chí Hồ Chí Minh vẫn bị giam giữ. Đề nghị quý Thông tấn xã vận động đương cục Trung Quốc tha ngay đồng chí Hồ Chí Minh.
“Bức điện này nếu quý Thông tấn xã thấy cần thì có thể công bố.”
Khi các thông tấn xã ở Trùng Khánh nhận được bức thư này thì Hồ Chủ tịch đã bị giải đến Quế Lâm, nhưng qua một thời gian mấy tháng, Quế Lâm vẫn không điều tra ra manh mối, nên lại giải về cho Quân khu bốn ở Liễu Châu để Quân khu bốn xử lý. Quân khu bốn coi Hồ Chủ tịch là một người tình nghi chính trị, giữ lại chỗ giam giữ quân nhân, nhưng cung cấp cho ăn uống đầy đủ, được đọc sách bào và không bắt phải làm khổ công. Tháng 7- 1943, Quân khu bốn quan sát biết là một nhân vật hoạt động quốc tế, Trương Phát Khuê liền chuyển về Bộ chính trị Quân khu và giao cho tướng Hầu Chí Minh, phụ trách việc “cảm hóa”.
Đối với Hồ Chủ tịch, Hầu Chí Minh tỏ vẻ kính nể, thường ngồi cùng ăn uống và trò chuyện rất bình đẳng, nhưng tìm hiểu về thân phận thì Hồ Chủ tịch cự tuyệt không trả lời. Sau do sự phát giác của nội tuyến [8] thì mới biết rõ Hồ Chí Minh là Lý Thụy, là Nguyễn Ái Quốc, là Hoàng Quốc Tuấn, là lãnh tụ cộng sản và lãnh tụ Việt Minh.
Tên phản Đảng Trần Báo mách cho đương cục biết rõ lai lịch của Bác, mục đích là cốt để cho Bác mất hẳn tự do hoặc bị giết hại thì hắn mới có thể đứng vững. Nhưng không ngờ sau khi biết rõ thân phận của Bác, Trương Phát Khuê lại càng kính nể và ưu đãi hơn trước. Trong bản báo cáo của Trương Phát Khuê gửi Trung ương Quốc dân đảng hồi tháng 1-1944 có đoạn nói: “Hồ Chí Minh từ lúc dời đến Bộ chính trị Quân khu vẫn được ưu đãi và được cảm hóa với một thái độ kính nể. Lúc đó Trương Phát Khuê đã có ý định tha Hồ Chủ tịch về Việt Nam. Về việc này, bọn phái viên của Tưởng ở Liễu Châu tỏ vẻ rất bực tức, nhưng Trương Phát Khuê vẫn không thay đổi thái độ.
2. Hồ Chủ tịch tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội
Như ở phần thứ ba đã nói, Quân khu bốn định lập Hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam làm cơ quan lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lấy Việt Bắc làm căn cứ, lấy chủ nghĩa tam dân làm cơ sở dựng nước và lập Chính phủ lâm thời Việt Nam để phục vụ việc cho Hoa quân nhập Việt, là những chủ trương không hợp lý mà chúng ta nhân danh Việt Minh đã chỉ vạch ra, Quân khu bốn phải gác lại không bàn chuyện lập Hội phản xâm lược đồng minh nữa. Sau khi hai người Việt Nam Quốc dân đảng là Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ, được Trùng Khánh làm hậu thuẫn, từ Côn Minh đến Liễu Châu thì Quân khu bốn chuyển hướng, chuẩn bị thành lập Việt Nam cách mạng đồng minh hội với ý định hoàn toàn gạt Việt Minh ra ngoài.
Ngày 1-10-1942, Đại hội thành lập Việt Nam cách mạng đồng minh hội [9] chính thức khai mạc ở Liễu Châu. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm bảy người là: Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Báo, Nông Kinh Du, Trương Trung Phụng; mà ủy viên thường vụ là Trương Bội Công, Nguyên Hải Thần, Vũ Hồng Khanh. Xem danh sách thì Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần có địa vị cao, sự thực thì Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ là người của Trùng Khánh nắm ưu thế.
Mong Việt Cách sẽ trở thành một công cụ đắc lực cho việc Hoa quân nhập Việt, Trương Phát Khuê bổ nhiệm Hầu Chí Minh làm Chủ nhiệm Bộ chính trị Quân khu kiêm chức “Đại biểu chỉ đạo Việt Nam cách mạng đống minh hội”.
Ngày 1-9-1943, Hầu Chí Minh định triệu tập một cuộc Đại hội Việt Cách để bàn bạc việc chỉnh đốn nội bộ, nhưng rồi Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nông Kinh Du vẫn mỗi người một phách, vẫn ngấm ngầm tranh giành, chèn ép nhau nên cuộc họp không thực hiện được, mãi đến cuối năm 1943, tình hình Việt Cách vẫn như cũ chẳng có gì thay đổi.
Trương Phát Khuê thấy rõ Hầu Chí Minh là bất lực, bèn tự mình đứng ra trực tiếp nắm lấy quyền chỉ đạo, đồng thời chỉ định tướng Tiêu Văn làm phó. Một văn phòng của Đại biểu chỉ đạo được thành lập do Tiêu Văn làm Chủ nhiệm.
Tiêu Văn trao đổi ý kiến với Hồ Chủ tịch về việc muốn triệu tập một cuộc đại hội để chỉnh đốn Việt Cách bằng cách đưa một số người mới vào ban lãnh đạo, trong đó có Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch nói, hiện nay các thành viên của hội Việt Cách đều là người ở hải ngoại, chưa có đại biểu trong nước; như vậy, gọi là họp đại hội không ổn, có lẽ chỉ nên gọi là hội nghị đại biểu các đoàn thể của Việt Cách ở hải ngoại, thì thích hợp hơn. Đến như việc tôi [10] tham gia Hội Việt Cách như thế nào, thì do Trương Trưởng quan và Tiêu Chủ nhiệm quyết định. Hồ Chủ tịch cũng đề nghị nếu họp hội nghị thì nên để Nguyễn Tường Tam tham gia, vì y tuy là người của Đảng Đại Việt thân Nhật, nhưng là một người có học vấn, nếu được tham gia hội nghị thì sẽ hết sức cảm ơn Trương Trưởng quan và sẽ có thể tự cải tạo thành một người trong hàng ngũ chống Nhật.
Được nghe Tiêu Văn báo cáo những ý kiến trên của Hồ Chủ tịch, Trương Phát Khuê rất tán thưởng và quyết định triệu tập ngay hội nghị để chỉnh đốn lại bộ máy lãnh đạo của Việt Cách.
Hội nghị đại biểu họp tại Liễu Châu từ ngày 25 đến ngày 28-3-1944, gồm 15 đại biểu các đoàn thể, trong đó có đại biểu Hội giải phóng ở Vân Nam là Lê Tùng Sơn vốn đã theo Việt Minh, đại biểu Biệt động quân ở Nam Ninh là Nguyễn Thanh Đồng cũng là Việt Minh, đại biểu Đảng Đại Việt là Nguyễn Tường Tam và đại biểu Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam là Hồ Chí Minh.
Những đoàn thể có đại biểu được mời đến tham dự hội nghị lần này, trước kia đều không có chân trong Việt Cách.
Kết quả việc chỉnh đốn lần này là: Trước kia bảy người trong Ban Chấp hành trung ương có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nông Kinh Du, thì bây giờ ba người này chỉ ở trong Ban giám sát, ba người mới được thay vào là Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật và Trần Đình Xuyên. Hồ Chủ tịch và Nguyễn Tường Tam được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết. Sau một thời gian Trần Đình Xuyên bị gạt, Hồ Chủ tịch được trở thành Ủy viên Trung ương chính thức. Thế là Hồ Chủ tịch đã có một địa vị vững chắc trong Việt Nam cách mạng đồng minh hội.
3. Hồ Chủ tịch được tự do về nước
Việc cải tổ Việt Cách ở Liễu Châu tiến hành xong (28-3-1944) một thời gian thì đầu tháng 6-1944, Tiêu Văn đi Côn Minh để cải tổ Phân hội Việt Cách ở Vân Nam. Kết quả của việc cải tổ là Ban Chấp hành Phân hội năm người thì ba người là Việt Minh [11] ; Ban thường vụ ba người thì hai người là Việt Minh [12] ; Ban giám sát ba người thì có một người là Việt Minh [13]. Kết quả đó làm cho Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ hết sức bất mãn và tỏ thái độ chống đối. Tiêu Văn liền cho bắt ngay Nghiêm Kế Tổ và Vũ Quang Phẩm đang hoạt động ở Đông Hưng và định cho bắt luôn cả Vũ Hồng Khanh đang ở Côn Minh với cái tội “vi phạm kỷ luật, chống phá Phân hội Việt Cách”. Vũ Hồng Khanh được Trùng Khánh che chở nên không bị bắt, nhưng từ đó về sau bị cấm không được trở lại Liễu Châu nữa.
Ngày 9-8-1944, Hồ Chủ tịch được Trương Phát Khuê để cho hoàn toàn tự do để chuẩn bị việc về nước.
Trước khi về nước Hồ Chủ tịch dự thảo kế hoạch công tác và một số yêu cầu viện trợ cụ thể đưa Trương Phát Khuê. Kế hoạch công tác là xây dựng hai căn cứ địa du kích ở dọc biên giới tương đối gần nhau để có thể dễ bề liên lạc. Hai căn cứ địa cần độ 600 khẩu súng; ngoài ra còn cần 400 khẩu súng nữa để tổ chức một số tiểu đội, động thì đánh du kích, tĩnh thì làm vũ trang tuyên truyền. Về kinh phí xin cấp cho hai vạn năm nghìn tiền Đông Dương để chi phí về tiền ăn trong hai tháng đầu và một số tiền Trung Quốc đủ dùng cho trong lúc đi đường từ Liễu Châu về đến Việt Nam.
Về phần cá nhân, Hồ Chủ tịch yêu cầu mấy việc như sau:
  1. Yêu cầu Trương Phát Khuê việt một bức thư gửi các đoàn thể yêu nước Việt Nam.
  2. Yêu cầu có một thư ủy nhiệm của Trung ương Việt Cách phái Hồ Chủ tịch về nước công tác.
  3. Yêu cầu cho một bản địa đồ Việt Nam dùng cho quân sự.
  4. Yêu cầu Trương Phát Khuê cho một chứng minh thư dài hạn để tiện việc đi lại.
  5. Xin một số tài liệu tuyên truyền như quyển Tội ác giặc Nhật và một số tranh ảnh.
  6. Xin một khẩu súng nhỏ để tự vệ.
  7. Xin một số kinh phí cần thiết cho cá nhân trong buổi đầu.
Sau khi nhận được kế hoạch công tác và yêu cầu về cá nhân, Trương Phát Khuê liền cấp cho:
  • Một cái hộ chiếu dài hạn để tiện cho việc đi lại, các thứ giấy tờ cần thiết khác và một số thuốc chữa bệnh.
  • Bảy vạn sáu nghìn tiền Trung Quốc.
Đến như số kinh phí để xây dựng căn cứ địa và một số tiểu đội du kích thì còn nghiên cứu chưa cung cấp ngay.
Ngày 20 tháng 9 năm 1944, Hồ Chủ tịch cùng 18 cán bộ rời Liễu Châu qua Long Châu, Tịnh Tây, Bình Mãnh về Cao Bằng.
Theo hồi ký của đồng chí Mạc Nhất Phàm [14], thì lúc Bác đến Bình Mãnh sức khỏe không tốt, đồng thời trong nước đang bị khủng bố nặng, Bác phải bí mật tránh ở nhà anh Lâm Kiến Thông ở Lũng Y thuộc xã Bình Mãnh. Các đồng chí ở Lũng Y sợ để trong làng dễ bị lộ, phải làm lán trong rừng để Bác ở và phái mấy đồng chí luân lưu thường trực săn sóc và bảo vệ Bác một thời gian rồi mới đưa Bác về Pác Bó.
VI. Hồ Chủ tịch đi Côn Minh gặp tư lệnh không quân Mỹ
Việc Hồ Chủ tịch đi Côn Minh gặp Tư lệnh không quân Mỹ cũng là một việc rất ít người biết, có người biết ít nhiều cũng tránh đi không nói. Tôi thấy đây cũng là chủ trương chiến lược rất quan trọng, cần phải thuật lại đầy đủ để mọi người thấy rõ sự thật. Những sự việc cụ thể mà tôi thuật lại trong mục này cũng đều có tham khảo tài liệu gốc của Quốc dân đảng Trung Quốc trong lúc đó mà gần đây mới sưu tầm được.
Mùa đông năm 1944, Mỹ phái nhiều máy bay từ Trung Quốc qua đánh Nhật ở Việt Nam. Một chiếc máy bay bị Nhật bắn rơi xuống một khu rừng gần thị xã Cao Bằng. Trung úy phi công tên là San (Shan) bị Nhật lùng bắt, được quần chúng địa phương thu dụng, che chở rồi đưa đến vùng biên giới gặp Hồ Chủ tịch. Trong khi đi đường trung úy San được săn sóc và đối đãi rất tốt, chỉ khổ một điều là không hiểu tiếng Việt và tiếng Pháp nên ai nói gì cũng nghe không ra. Khi gặp Hồ Chủ tịch bỗng được nghe một câu tiếng Anh: “Chào phi công, phi công ở đâu đến?” thì anh cảm động quá, ôm chồm lấy Bác và nói: “Tôi nghe tiếng nói của ông y như tiếng nói của bố tôi ở bên Mỹ”. Chuyện trò một hồi rồi Hồ Chủ tịch hỏi: “Bây giờ phi công có yêu cầu gì không?” San nói: “Cơ quan chỉ huy của tôi ở Côn Minh, tôi mong được các ông giúp đưa đến biên giới Trung Quốc, thì tôi sẽ được đón về Côn Minh”. Bác nói, tôi cũng có việc đang định đi Trung Quốc đây. Anh có thể cùng đi với tôi, Trung úy San nói, như thế thì rất tốt, đến Trung Quốc tôi sẽ đề nghị cơ quan chỉ huy của tôi mời ông cùng đi Côn Minh.
Việc lên đường được chuẩn bị gấp. Ann Phùng Thế Tài đưa Bác và Trung úy San đi Côn Minh, cùng đi trên đất Trung Quốc được năm ngày thì đương cục Trung Quốc tách riêng ra, chỉ tiếp đãi và đưa trung úy San đi Côn Minh, còn Hồ Chủ tịch thì để mặc tự mình đi mà không ngăn cản, vì Hồ Chủ tịch đã được tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc mời, mà lại có sẵn hộ chiếu dài hạn do Trương Phát Khuê cấp cho từ trước. Báo cáo của Trương Phát Khuê gửi Trùng Khánh cũng chứng nhận việc Hồ Chủ tịch đi Côn Minh là do Mỹ mời.
Cuối năm 1944, Hồ Chủ tịch đến Nghi Lương ở nhà anh Hoàng Quang Bình, nghỉ ngơi mấy hôm để hỏi han tình hình rồi đi Côn Minh.
Đến Côn Minh Bác ở nhà anh Tống Minh Phương, người đã báo cáo xin biếu cả toàn bộ gia tài cho cách mạng, bề ngoài vẫn là một hiệu bán cà phê, thực tế là trụ sở làm việc để Bác có thể tiếp xúc với những người có quan hệ. Ở đây vợ chồng anh Tống Minh Phương coi Bác như bậc thầy bậc cha, tiếp đãi và săn sóc hết sức chu đáo. Cụ Lê Nhuận Chi, anh Phạm Việt Tử rời Liễu Châu về Côn Minh từ cuối năm 1942 cũng cùng vợ chồng anh Tống Minh Phương hết sức giúp đỡ Bác.
Bác đến Côn Minh với danh nghĩa là ủy viên Trung ương của hội Việt Cách, tất nhiên có trách nhiệm xem xét tình hình Phân hội Việt Cách ở Vân Nam, và giúp đỡ cán bộ về tư tưởng và cách thức làm việc, khiến cho Phân hội trở thành một tổ chức cách mạng được quần chúng tin cậy.
Nhưng mục đích của Hồ Chủ tịch trong dịp đến Côn Minh là liên hệ với quân Đồng minh Mỹ để cách mạng Việt Nam có một vị trí quốc tế rõ ràng trong phe Đồng minh chống phát-xít.
Ở nhà anh Tống Minh Phương không lâu thì Bác đi gặp tướng Chen-nớt-tơ, Tư lệnh không quân Mỹ đóng ở Vân Nam. Chen-nớt-tơ trực tiếp gặp và chuyện trò thân mật.
Qua sự giới thiệu của Hồ Chủ tịch, được biết các tổ chức chống Nhật ở Việt Nam đều gia nhập mặt trận Việt Minh, Chen-nớt-tơ hỏi: Việt Minh có thể tổ chức một cái “trạm cứu hộ” để cứu giúp những phi công Đồng minh nhảy dù xuống Việt Nam được không? [15]
Hồ Chủ tịch trả lời, có thể làm được và sẵn sàng làm để phối hợp với quân Đồng minh đánh Nhật. Hiện nay tổ chức chống Nhật ở Việt Nam phát triển rộng, nếu Mỹ giúp vũ khí đạn dược và phương tiện thì Việt Nam sẽ có lực lượng nhiều hơn để đánh phá quân Nhật. Đến như việc “cứu hộ” quân nhảy dù Đồng minh, thì chúng tôi đã làm, việc trung úy San được cứu hộ và được an toàn đưa đến Trung Quốc là một bằng chứng cụ thể.
Chen-nớt-tơ hài lòng với câu trả lời trên, nhưng không quên đặt vấn đề yêu cầu Việt Minh làm tình báo cho Mỹ. Hồ Chủ tịch nói chúng tôi không làm nhân viên tình báo Mỹ, nhưng chúng tôi có thể thông báo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam cũng như tình hình hoạt động của Nhật ở Việt Nam để phối hợp cùng nhau đánh Nhật. Chúng tôi xem đó là một sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Minh với các nước Đồng minh. Về việc này chúng tôi đã tuyên truyền và giáo dục quần chúng từ năm 1941 sau khi Việt Minh ra đời. Chúng tôi hiểu Việt Nam chỉ phải đứng về phe Đồng minh và hợp tác chặt chẽ với Đồng minh trong việc chống Nhật thì mới có thể giải thoát khỏi ách thống trị của phát-xít Nhật.
Ngoài việc gặp Chen-nớt-tơ ra, Hồ Chủ tịch còn tiếp xúc một số người Mỹ khác để bàn việc cụ thể. Khi rời Côn Minh, người Mỹ tặng Bác khẩu súng bát, hai vạn viên đạn, một số thuốc chữa bệnh và một số tiền. Bác không nhận tiền, chỉ nhận súng đạn, thuốc chữa bệnh, tỏ lời cảm ơn và nói mong sau này Mỹ sẽ giúp nhiều hơn nữa.
Thời gian Hồ Chủ tịch ở Côn Minh cũng là thời gian xảy ra một số việc quan trọng:
  • Ở Trung Quốc, ngày 11-11-1944 Liễu Châu bị Nhật chiếm, Bộ tư lệnh Quân khu bốn phải chuyển về Bách Sắc, một thị trấn không lớn thuộc Quảng Tây. Các “nhân vật trọng yếu” của Việt Cách như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, Nông Kinh Du đã hoảng hốt chạy khỏi Quảng Tây; sáu trăm quân Phục quốc cũng tán loạn, chỉ còn 140 người cùng với Bồ Xuân Luật, Lê Tùng Sơn chạy theo Bộ tư lệnh Quân khu bốn về đến Bách Sắc.
  • Ở Việt Nam, ngày 9-3-1945 quân Nhật đảo chính Pháp, ngày 13-3 Bảo Đại tuyên bố ngoan ngoãn làm tay sai cho Nhật.
  • Ở Pháp, ngày 24-3-1945 Chính phủ Đờ-gôn tuyên bố quyết tâm trở lại cai trị Việt Nam. Chính phủ Tưởng Giới Thạch vì không muốn gây rắc rối trong việc bang giao với Pháp, nên không tỏ thái độ phản đối, thì nhóm Việt Nam Quốc dân đảng ở Côn Minh cũng ngậm tăm, nhưng cũng ở Côn Minh, ngày 7-4-1945 Dương Bảo Sơn được sự chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch, đã nhân danh phân hội Việt Cách họp báo tuyên bố chống chủ trương của Đờ-gôn, trong lời tuyên bố có đoạn nói: “Vận mệnh của Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam quyết định, người Pháp không có quyền can thiệp. Hiện nay nhân dân Việt Nam đã có bộ đội vũ trang, do đoàn thể cách mạng [16] lãnh đạo, đang chiến đấu với kẻ thù”. Buổi họp báo có Tiêu Văn tham gia làm cno người ta hiểu rằng thái độ của Dương Bảo Sơn là thái độ của Quân khu bốn.
Ở đây cũng cần nhắc thêm một việc là, sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, một số tàn quân Pháp chạy đến biên giới Trung Quốc. Trương Phát Khuê đã đưa ra một kế hoạch giải quyết, trong đó có đoạn nói: Đối với quân Pháp, Trung Quốc giữ mối quan hệ đồng minh, cùng nhau chiến đấu; đối với Đảng cách mạng Việt Nam [17] thì hết sức giúp đỡ, sau khi quân Nhật bị đuổi ra khỏi Việt Nam, sẽ do Đảng cách mạng Việt Nam thành lập chính quyền mới, tuyên bố nước Việt Nam độc lập [18]. Thấy kế hoạch có mâu thuẫn, một nhà báo thuộc phe Tưởng hỏi, vì sao đã giúp Pháp lại giúp Việt Nam độc lập? Truơng Phát Khuê trả lời, giúp Pháp là một cách nói hữu nghị, giúp cho Việt Nam độc lập mới là thực chất.
Qua hai việc kể trên, chúng ta có thể thấy rõ, lúc đó Trùng Khánh chủ trương chấp nhận việc người Pháp trở lại thống trị Việt Nam; Trương Phát Khuê và Tiêu Văn thì chủ trương giúp cho Việt Cách lập chính quyền mới; tuyên bố nước Việt Nam độc lập, cố nhiên quan niệm của Trương Phát Khuê và Tiêu Văn là độc lập dưới sự che chở của Trung Quốc. Đó là cái lý do chính mà Trương Phát Khuê không được Trùng Khánh tín nhiệm, việc Hoa quân nhập Việt phải chuyển từ tay Trương Phát Khuê qua tay Lư Hán, đã đành trong việc để cho Lư Hán phụ trách việc Hoa quân nhập Việt còn có một ý đồ quan trọng nữa là để hất cẳng Long Vân ở Vân Nam.
- Tháng 3- 1945, Hà Ứng Khâm, Tổng tư lệnh lục quân Trung Quốc đến Côn Minh để bố trí việc Hoa quân nhập Việt. Ngày 30-3-1945, Tiêu Văn đến Côn Minh gặp Hà Ứng Khâm yêu cầu lúc Hoa quân nhập Việt, vẫn giữ được trách nhiệm giúp Việt Cách thành lập Chính phủ Việt Nam độc lập thân Trung Quốc. Yêu cầu này được Hà Ứng Khâm đồng ý [19] .
Việc khác nhau giữa Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê làm cho chúng ta hiểu được vì sao Hồ Chủ tịch khi ở Liễu Châu, được ưu đãi và được đưa vào Ủy ban Trung ương của Việt Cách (3-1944), được tự do đưa 18 cán bộ về nước (9-1944), được tự do đi Côn Minh gặp Mỹ (cuối 1944) mà không bị ngăn trở, được hoạt động với danh nghĩa Việt Cách ở Côn Minh, được tự do trở về Bách Sắc, rồi lại một lần nữa tự do về nước.
Hồ Chủ tịch ở Côn Minh một thời gian tương đối lâu đến đầu tháng 4-1945 thì mới rời Côn Minh đi Bách Sắc.
Hồ Chủ tịch đến Bách Sắc được hai hôm thì Tiêu Văn cũng từ Côn Minh về Bách Sắc.
Tiêu Văn bố trí cho mấy tốp biệt kích vào Việt Nam:
  • Tốp Bồ Xuân Luật lãnh đạo 50 người vào phía Long Bang.
  • Tốp Trương Trung Phụng lãnh đạo 55 người vào phía Bình Mãnh.
  • Tốp Ngô Quang Hợp lãnh đạo 50 người vào phía Đông Khê, Thất Khê.
  • Hồ Đức Thành cũng mang một số người vào phía Bình Ca.
Trong khi các tốp biệt kích đang chuẩn bị vào Việt Nam thì Hồ Chủ Tịch đã gấp rút lên đường về nước.
Tháng 5- 1945 về đến Việt Bắc, khi gặp các anh Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Bác bảo cần tìm một địa điểm thích hợp để làm chỗ trung tâm liên lạc. Hai anh đi tìm địa điểm đã bàn với anh Song Hào và anh Chu Văn Tấn chọn Tân Trào là chỗ thích hợp nhất, vì đó là một nơi đã có chính quyền nhân dân, có cơ sở quần chúng tốt, có núi rừng hiểm trở mà lại ở xa đường cái lớn.
Bác đến Tân Trào không bao lâu, thì một số người Mỹ, trong đó có thiếu úy Tô-mát (Thomas) nhảy dù xuống một sân bay nhỏ mà chúng ta mới phát một đám rừng và dọn dẹp xong.
Thiếu úy Tô-mát được xếp ở một chỗ trên núi Tân Trào để làm việc liên lạc. Hồ Chủ tịch thường đến gặp nói chuyện thân mật về tình hình thế giới, về tiền đồ của cuộc chiến tranh chống phát-xít. Tô-mát cảm thấy rất thoải mái và tin Việt Minh là thật lòng với phe Đồng minh.
Việc liên lạc với Mỹ như thế là cốt để gây ảnh hưởng trong nhân dân, để tạo uy thế lợi cho việc khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay Nhật. Nhưng Hồ Chủ tịch cũng tính toán lực lượng của ta còn yếu, chưa chắc trước khi quân Đồng minh đến ta đã giành được chính quyền trong phạm vi cả nước, mà quân Đồng minh đến thì nhất định có Pháp, như vậy là ta phải nói chuyện với Pháp. Hồ Chủ tịch thông qua vô tuyến của Mỹ điện cho tướng Pháp Xanh-tơ-ni [20] ở Côn Minh, đề nghị gặp nhau để trao đổi ý kiến, nhưng vì trắc trở không gặp nhau được. Sau Cách mạng Tháng Tám đến Hà Nội, Xanh- tơ-ni là Trưởng đoàn đại biểu Pháp ở Việt Nam đàm phán với Hồ Chủ tịch và ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946.

°

Việc Bác đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch [21], việc đi Côn Minh gặp Tư lệnh không quân Mỹ và việc liên hệ với tướng Pháp Xanh-tơ-ni trước Cách mạng Tháng Tám thật ra ít người biết, có người biết ít nhiều cũng tránh đi không nói, vì họ nghĩ rằng như thế là hữu khuynh, là thỏa hiệp. Cách nghĩ như vậy là không phù hợp với thực tế, không hiểu hết ý nghĩa chiến lược và sách lược của sự việc.
Chúng ta đều biết, từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (5-1941) quyết định lấy Mặt trận Việt Minh thay cho Mặt trận phản đế thì chúng ta đã tuyên truyền là chúng ta đứng về phe Đồng minh chống phát-xít. Chúng ta đã phái 12 người đi học bộc phá và 60 người đi học quân sự ở Trung Quốc là một biểu hiện ta đứng về phe Đồng minh. Quần chúng ta cứu phi công Mỹ và Bác di Côn Minh gặp Tư lệnh không quân Mỹ cũng là biểu hiện ta đứng về phe Đồng minh, Bác có ý muốn bàn bạc với Tướng Pháp Xanh-tơ-ni cũng là biểu hiện ta đứng về phe Đồng minh, vì trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã phân định thành hai phe rệt, phe phát-xít là Đức, Ý, Nhật; phe Đồng minh là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Trong đại hội lần thứ bảy của Quốc tế Cộng sản họp ở Mạc Tư Khoa năm 1935 đã quyết định các Đảnh cộng sản trên toàn thế giới cần lập Mặt trận chống phát - xít là đã chống phát-xít thì khi có phe Đồng minh chống phát-xít là ta phải ủng hộ phe Đồng minh. Việc ủng hộ phe Đồng minh và đứng về phe Đồng minh chúng ta đã tuyên truyền nhiều, nhưng trên thực tế ta chưa trực tiếp liên hệ được với phe Đồng minh. Ta đã biết chắc phát-xít nhất định sẽ thất bạt, Đồng minh nhất định sẽ thắng, ta cần phải có một hình thức liên hệ thực tế với Đồng minh thì khi Đồng minh thắng ta mới có một địa vị, có tiếng nói của mình. Đến như việc muốn liên hệ với Pháp để trao đổi ý kiến, là vì Bác đã biết chắc khi quân Nhật thua, Đồng minh đồng ý cho Pháp trở lại Việt Nam, nếu không có sự chuẩn bị trước thì lúc đó sẽ bị động. Vì vậy việc Bác định gặp Tưởng ở Trùng Khánh, gặp Mỹ ỏ Côn Minh và muốn trao đổi ý kiến với Xanh-tơ-ni là một chủ trương chiến lược rất sáng suốt. Về mặt sách lược, thì Bác biết rất rõ là cách mạng thì phải dựa vào quần chúng, không có quần chúng tức là không có lực lượng, phải tự mình tổ chức vũ trang, không có vũ trang là không thể chiến đấu, vũ trang đó ta có thể lấy ở địch, nhưng ta phải có một cái vốn. Bác cũng biết rất rõ là Mỹ tuy đồng tình Pháp trở lại Việt Nam nhưng Mỹ vẫn muốn hất cẳng Pháp. Tưởng tuy phải thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam nhưng cũng vẫn muốn trong dịp Hoa quân nhập Việt sẽ gây khó dễ cho Pháp. Bác vẫn biết Mỹ và Tưởng sẽ không giúp cho chúng ta gì nhiều đâu, nhưng gặp để tranh thủ ảnh hưởng, tranh thủ được sự giúp đỡ dù rầt ít cũng vẫn tốt, gặp để phân hóa họ, để hạn chế họ.
Đó là vấn đề sách lược. Hãy xem bọn đặc vụ Trùng Khánh khi thấy Trương Phát Khuê để cho Bác tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội, để cho Bác tự do về nước, để cho bác tự do đi gặp Mỹ ở Côn minh mà không ngăn cản, thì chúng rất căm tức, báo cáo với Trùng Khánh phê phán Trương Phát Khuê là tả khuynh, Tiêu Văn là thân Cộng, đồng thời cho việc Bác đi Côn Minh là “liên Mỹ, chống Hoa”, việc muốn liên hệ với Xanh-tơ-ni là “thỏa hiệp với Pháp chống Trung Quốc”. Tất cả những việc đó nói lên việc Bác muốn gặp Tưởng, gặp Mỹ là muốn trao đổi ý kiến với Pháp là những việc có tính chất chiến lược và sách lược đó hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Sự thực lịch sử đã chứng minh như vậy.

[1]lính gác ở cổng đồn và mấy nơi trọng yếu trong đồn đều do các anh ấy phụ trách bố trí người của mình đứng gác
[2]Có lẽ là Coll Bát (súng ngắn Coll, ổ đạn có 8 viên) chăng? BT
[3]ý nói Hồ Chủ tịch còn bị giữ ở Trung Quốc nên chưa hiểu tình hình quốc tế ra thế nào
[4]tôi ở Lạng Sơn không tham gia
[5]hiện nay có một số tài liệu nói Hội nghị Cao -Bắc- Lạng đã quyết định phát động chiến tranh du kích, nói như thế là không đúng sự thật
[6]tức Vân
[7]Hoàng Đình Giong?
[8]nội tuyến ở đây là tên phản Đảng Trần Báo
[9]gọi tắt là Việt Cách
[10]Hồ Chủ tịch tự xưng
[11]Phạm Việt Tử, Lý Đào, Phạm Minh Sinh
[12]Phạm Việt Tử, Lý Đào
[13]Dương Bảo Sơn
[14]người Quảng Tây vào Việt Nam tham gia cách mạng từ năm 1942
[15]Trạm cứu hộ nói ở đây cụ thể là một cái sân bay nhỏ để máy bay trực thăng (máy bay thì đúng hơn vì khi đó, ở Trung Hoa và Đông dương chưa có trực thăng. BT) có thể lên xuống và một chỗ ở cho một số người Mỹ làm việc liên lạc.
[16]mập mờ không nói rõ Việt Minh hay Việt Cách
[17]muốn nói là Việt Cách
[18]nguyên văn trong Việt Nam vững biên của Hình Sâm Châu tháng 7-1947. Hình là đại biểu Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc đóng ở một vùng biên giới Việt - Trung
[19]về tình hình Hoa quân nhập Việt sẽ nói rõ hơn trong mục Những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám
[20]Có lẽ tác giả nhầm, Sainteny J. không đeo hàm tướng bao giờ. BT
[21]không gặp được vì bị bắt ở dọc đường