Chương 10
THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN

I – SỰ HÌNH THÀNH CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
Năm 1771, từ đất Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, một cuộc vùng dậy mạnh mẽ chưa từng thấy đã bùng nổ. sử gọi đó là phong trào Tây Sơn. Xuất phát điểm, Tây Sơn là một phong trào đấu tranh giai cấp, phản ánh cuộc xung đột dữ dội giữa một bên là nông dân với một bên là giai cấp phong kiến thống trị của Đàng Trong. Nhưng càng về sau, quy mô cũng như tính chất của phong trào Tây Sơn càng thay đổi một cách nhanh chóng và sâu sắc.
- Từ năm 1771 đến năm 1783, Tây Sơn thực sự là đội quân nông dân, hành động đúng như lời hịch ban ra lúc mới dựng cờ xướng nghĩa, là: “Tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than”.
- Từ năm 1784 trở đi, khi mà giai cấp phong kiến thống trị ở Đàng Trong đã đi từ chỗ đối nghịch với phong trào Tây Sơn đến chỗ phản bội quyền lợi của dân tộc và cam tâm rước giặc Xiêm La về giày xéo đất nước, phong trào Tây Sơn đã kịp thời chuyển hoá một cách kì diệu, tự phá bỏ ranh giới chật hẹp của cuộc đấu tranh giai cấp, quả cảm vươn lên đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, tấn công không khoan nhượng vào cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), vừa là cống hiến xuất sắc của phong trào Tây Sơn, vừa là trận phản ánh quá trình thay đổi hoàn toàn về chất của chính phong trào này.
- Từ năm 1786 trở đi, phong trào Tây Sơn lan rộng ra cả Đàng Ngoài, trở thành cơn bão lửa quật khởi của nông dân cả nước, hiên ngang tuyên chiến với toàn bộ cơ đồ thống trị của giai cấp phong kiến đương thời. Lần đầu tiên, Tây Sơn đã thực hiện được một nhiệm vụ trọng đại, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân dân là xoá bỏ biên giới sông Gianh, nối liền lãnh thổ Đàng Trong với Đàng Ngoài.
- Năm 1789, một lần nữa, Tây Sơn đã trừng trị đích đáng hành vi cướp nước và tội phản quốc của tập toàn phong kiến thống trị. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa là trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất của Tây Sơn, cũng là trận phản ánh sự hoàn tất của quá trình chuyển hoá “từ một đội quân nông dân thành một đội quân dân tộc”.
- Ngay từ năm 1771, các lãnh tụ của phong trào Tây Sơn đã kết hợp một cách khá hài hoà giữa nhiệm vụ lật nhào chế độ thống trị của giai cấp phong kiến với nhiệm vụ xây dựng một hệ thống chính quyền mới. Từ năm 1778. lãnh tụ của Tây Sơn đã xưng là hoàng đế và từ năm 1786 trở đi, Tây Sơn đã có ba hệ thống chính quyền, quản lí ba vùng khác nhau của đất nước. Tuy đều là thành tựu chung của một phong trào. nhưng ba hệ thống chính quyền của Tây Sơn có xu hướng tách biệt nhau khá rõ nét. Bởi thực tế đó, chúng tôi tiến hành giới thiệu thế thứ của chính quyền Tây Sơn theo từng khu vực một.
II - THẾ THỨ CÁC CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
1 - Nguồn gốc chung của anh em Tây Sơn
Năm 1655, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn đã chủ dộng cho quân vượt biên giới sông Gianh, tấn công vào lãnh địa của chúa Trịnh. Quân Nguyễn đã chiếm được  một vùng đất rộng lớn, gồm từ Nghệ An trở vào Nam, nhưng sau gần 5 năm, xét thấy không thể giữ được, chúa Nguyễn lại cho rút quân về. Cùng với cuộc rút lui này, chúa Nguyễn đã cưỡng ép rất nhiều dân cư Đàng Ngoài di cư vào Đàng Trong. Tổ tiên của anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) là một trong những nạn nhân của cuộc cưỡng ép di cư. Nay ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vẫn còn một khu đất bằng phẳng, tương truyền đó chính là khu mộ tổ của anh em Tây Sơn.
Vào Nam, tổ tiên của anh em Tây Sơn bị đưa về khu vực phía trên đèo An Khê. Sau một thời gian khai hoang, họ đã góp phần tạo ra ấp Tây Sơn, gồm có ấp Nhất, và ấp Nhì (hai đều thuộc huyện An Khê).
Vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, một người của họ Hồ là Hồ Phi Phúc đã di cư về quê vợ của ông là thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Khu Gò Lăng ở xã này, tương truyền, chính là nền nhà cũ của Hồ Phi Phúc. Sau một thời gian cư ngụ tại quê vợ, Hồ Phi Phúc lại chuyển đến ở thôn Kiên Mĩ (một địa điểm cách thôn Phú Lạc không xa).
Từ lúc phải rời đất tổ là Nghệ An để vào Nam cho đến khi ba anh em Tây Sơn chào đời, họ Hồ đã trải bốn thế hệ khác nhau. Họ đã sống ở bốn địa điểm khác nhau là Hưng Nguyên, Tây Sơn, Phú Lạc và Kiên Mĩ. Đến đời thứ tư, không rõ vì sao anh em Tây Sơn lại lấy theo họ mẹ là họ Nguyễn.
Anh em Tây Sơn có nguồn gốc nông dân, nhưng là nông dân khá giả và có được học hành cả văn chương lẫn võ nghệ.
2 - Thế thứ chính quyền Nguyễn Nhạc
a - Nguyễn Nhạc (? - 1793)
- Nguyễn Nhạc là tên thật. Ngoài ra, ông còn có hai tên gọi khác, là ông Hai Trầu. (vì có một thời ông làm nghề buôn trầu) và ông Biện Nhạc (vì có một thời ông làm biện lại là chức dịch của một sở tuần ti, tương tự như nhân viên thu thuế).
- Con trưởng của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng.
- Nguyễn Nhạc sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông lớn hơn em là Nguyễn Huệ khoảng mười tuổi. Có người phỏng đoán ông sinh năm 1743.
- Năm 1771, ông là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
- Năm 1773, ông xưng là Tây Sơn Đệ Nhất trại chủ.
- Tháng 3 năm 1776, xưng là Tây Sơn Vương, đóng đô ở thành Đồ Bàn (ngày nay thuộc tỉnh Binh Đinh).
- Năm 1778, lên ngôi hoàng đế, dặt niên hiệu là Thái Đức, từ đó, đổi gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế.
- Năm 1786, xưng là Trung ương hoàng đế và dời đô về Quy Nhơn.
- Mất năm 1793 vì bệnh.
b - Nguyễn Bảo
- Con của Nguyễn Nhạc, sinh và mất năm nào không rõ.
- Nối ngôi cha năm 1793.
- Sau, Quang Toản (con của Quang Trung) đánh chiếm hết đất, chỉ phong cho Nguyễn Bảo là Hiếu Công, cho thu thuế huyện Phù Li làm lương ăn.
3 - Thế thứ chính quyền Nguyễn Huệ
a - Nguyễn Huệ (1753 - 1792)
- Con thứ ba của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Nguyễn Huệ còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Thơm và Nguyễn Văn Bình. Đương thời, dân địa phương thường gọi là ông Ba Thơm.
- Sinh năm 1753.
- Năm 1771, tham gia khởi xướng và là một trong những lãnh tụ của phong trào Tây Sơn.
- Tháng 3 năm 1776, khi Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong làm Phụ chính.
- Năm 1778, được phong làm Long nhương tướng quân.
- Cuối năm 1784, đầu năm 1785, ông là tổng chỉ huy quân đội Tây Sơn, đánh trận quyết định với quân Xiêm La xâm lược do Nguyễn Ánh rước về và đã thắng vang dội ở Rạch Gầm – Xoài Mút.
- Năm 1786, khi Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, ông được phong làm Bắc bình vương, cai quản vùng đất từ Bến Ván (Quảng Nam) ra bắc.
- Ngày 25-11 năm Mậu Thân (1788) tức ngày 22-12-1788, khi Lê Chiêu Thống rước quân xâm lược Mãn Thanh về giày xéo đất nước, để quy tụ lực lượng vào sự nghiệp chống xâm lăng, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung.
- Xuân Kỉ Dậu (1789), đại phá quân Mãn Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử.
- Từ năm 1787, khi cai quản luôn toàn bộ đất đai Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã có ý định xây dựng kinh đô ở Nghệ An, gọi đó là Phượng Hoàng Tnmg Đô.
- Mất ngày 16 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi.
Hình 2 - Bản đồ Phượng Hoàng Trung Đô
b - Nguyễn Quang Toản (1783 - 1802)
- Con thứ của Quang Trung, mẹ người họ Phạm (mất trước Quang Trung, khi sống được Quang Trung phong là Chánh cung hoàng hậu, khi mất được Quang Trung truy tặng là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ, Chánh hoàng hậu).
- Sinh năm Quý Mão (1783), lúc nhỏ có tên là Trác, do vậy cũng có tên khác lúc nhỏ là ông hoàng Trác.
- Nối ngôi từ tháng 9 năm 1792, ở ngôi 10 năm, sau bị Gia Long bắt và giết vào ngày 7 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802).
4 - Chính quyền Nguyễn Lữ (? - 1787)
- Nguyền Lữ là con thứ tư của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng, không rõ sinh năm nào. Trước khi tham gia phát động và lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, ông còn có tên gọi khác là thầy Tư Lữ.
- Tháng 3 năm 1776, khi Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong làm Thiếu phó.
- Năm 1778. ông được phong làm Tiết chế.
- Năm 1786, khi Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, ông được phong làm Đông định vương, cai quản vùng đất Gia Định (Nam Bộ ngày nay).
- Năm 1787, ông mất vì bệnh ở Quy Nhơn.