Dịch giả: Nguyễn Hữu Lương
Hồi 135
THẠCH ĐẠT KHAI BINH BẠI, CHẠY ĐẾN QUẢNG TÂY

Tăng Quốc Phiên được thám mã phi báo tướng tóc dài Thạch Đạt Khai kéo binh vào Hồ Nam. Đấy vốn là quê quán của Phiên, mồ mả tổ tiên bà con thân thích của Phiên đều ở cả đấy, Phiên giật mình, nỗi lo sợ hiện rõ trên nét mặt.
Phiên vội gởi văn thư thông tư cho tuần phủ Trương Châu là Lạc Bỉnh Chương hạ lệnh phải ráo riết phòng ngự. Chương đã từ lâu vốn không dám sơ hở, nay được thêm tin cảnh báo lại càng lo lắng hơn.
Nhưng không ai ngờ được rằng chính vụ đối phó với tướng tóc dài Thạch Đạt Khai này, lịch sử của Thanh triều đã ghi thêm một đại nhân vật nữa. Đó là Tả Tôn Đường người huyện Tương Âm.
Tả Tôn Đường tên thật Quý Cao là một thanh niên thích tự do phóng dật. Đường thường cho mình sẽ có ngày giúp vua cứu nước. Lạc tuần phủ thấy Đường có tài mời về làm mạc khách, song đãi như một thượng khách. Thuộc liêu có việc trình lên, Chương đều giao cho Đường giải, quyết xét đoán giùm.
Ở đời, kẻ tài sắc thường gặp gian truân. Đó là định lý của ông xanh kia chăng? Chính thế! Đường danh càng cao thì càng bị người gièm báng, quyền càng trọng thì càng bị người. kỵ ghét. Vì thế suýt nữa Đường đã bị Lạc tuần phủ làm cho tiêu đời.
Câu chuyện như sau:
Tổng binh Vĩnh Châu là Phàn Nhiếp tính vốn ương ngạnh hay tự do hành động bất chấp cả lệnh trên. Lạc tuần phủ dâng sớ đàn hặc Nhiếp kiêu căng tự phụ, do đó có chỉ xuống cách chức Nhiếp.
Không ngờ Nhiếp vận động với Đô sát viện tâu lên nói Nhiếp vô tội. Thanh triều hèn hạ chỉ sai tổng đốc Hồ Quảng là Quan Văn tra xét vụ này.
Quan Văn giấu kín chuyện Nhiếp, mật tra về tờ sớ của Lạc tuần phủ. Thế là Văn khui ra cái chuyện Tôn Đường xử lý mọi việc với tự tích đầy đủ, Văn cho triệu ngay Đường tới Võ Xương và khép Đường vào trọng tội.
Lạc tuần phủ dâng sớ khiếu nại không được, bèn viết thư gởi gấp lên kinh cho biên tu Quách Tung Đào, bảo Đào chạy chọt vận động tại dinh đại thần quân cơ Túc Thuận.
Đào vốn có tình đồng hương với Tôn Đường, tất nhiên sốt sắng vận động cho Đường thoát nạn. Đào nhờ cả Phiên Tổ ấm làm hành tẩu Nam thư phòng dâng sớ cứu Đường nữa.
May thay lúc đó Tăng Quốc Phiên cũng như Hổ Lâm Dực từ ngoài dâng sớ tiến cử Tôn Đường, khen Đường có tài đại dụng. Cả trong lẫn ngoài, tất cả mọi nơi đều thiết mưu lập kế cứu Đường, nhờ đó Đường mới được thoát tội về nhà.
Đến lúc Thạch Đạt Khai kéo binh vào Hồ Nam đánh bại bọn tổng binh Lưu Bội Nguyên, Bành Định Thái, công hãm các huyện Hưng Ninh, Nghi Chương, Quế Dương, Lạc tuần phủ vốn quý trọng Đường, tái thỉnh Đường hạ sơn, uỷ thác cho mọi việc quân sự.
Tả Tôn Đường nhận uỷ thác của Lạc tuân phủ, tức khắc truyền lệnh cho bọn Lưu Tràng Hựu, Giang Trung Nghĩa và Điền Hưng Thứ kéo quân từ ba ngả về tiếp viện.
Chỉ trong vòng một tháng, quân binh tề tập đầy đủ được hơn bốn vạn, đào hào đắp luỹ bố trí khắp nơi. Tổng đốc Quan Văn và Hồ Lâm Dực còn thông tư cho tướng Đô Hưng A điều động quân đội từ Cát Lâm, Hắc Long Giang trở về Đát Ngạc, đồn trú miền Tưng Nam, đồng thời phái tri phủ Túc Hãn Khánh thống suất thuỷ sư với ba mươi hai chiếc pháp thuyền khắc kỳ đại hội tại Tràng Sa.
Hồi đó tướng Thạch Đạt Khai kéo binh tới đâu là uy hiếp hết hai bên dọc đường, quân của Khai đông đến hai ba chục vạn, có ý muốn cứ hiểm tự hùng, kéo cờ rạch đôi sơn hà với Hồng Thiên vương.
Lúc đầu Khai đánh Võ Chương, Kỳ Dương nhưng mấy thành này kiên cố quá không hạ nổi, đành quay mũi tấn công Bảo Khánh, lập doanh trại dài tới hơn trăm dặm.
Lưu Tràng Hựu và Điền Hưng Thứ kéo viện quân lục tục kẻ trước người sau, tới nơi tức thì khai chiến. Nhiều cuộc ác chiến xảy ra liên tiếp, cả đôi bên đều tử thương tương đương, lâm vào tình trạng giằng co bất phân thắng bại.
Hồ tuần phủ cho rằng Bảo Khánh là nơi quan trọng, cần phải có một viên tướng tài thống đốc quân đội mới xong, do đó, Hồ bèn sai Lý Tục Nghi đem năm ngàn quân đi khắp nơi gọi về tất cả những đoàn quân tăng viện lẻ tẻ đặt dưới quyền tiết chế duy nhất.
Thạch Đạt Khai vốn kiêng dè oai danh của Nghi, nên khi nghe Nghi tới, liền tuyển lựa những hạn quân tinh nhuệ dũng cảm mang đủ ba ngày lương, thề phá cho bằng được Bảo Khánh mới nghe.
Lý Tục Nghi đem hết tốc lực hành quân, hội thương quân vụ với Lưu Tràng Hựu, dùng kế tránh thực đánh hư để phá địch. Nghi điều động quân binh theo Bắc lộ tấn công, vượt bến đò Tư Thuỷ xuất phát về tây đánh bọc hậu doanh trại của Khai.
Thạch Đạt Khai vừa thề quyết cướp thành, không ngờ bị Nghi đánh thốc vào trại, hoặc cắt ra làm đôi làm ba, hoặc bao vây khoá chặt, hoặc chọc hông đập sườn, khiến Khai không biết mối đầu nào mà sờ nữa, cuối cùng đành phải vừa đánh vừa lui.
Quân Thanh lúc này đã chiếm được thượng phong, bèn hùng hổ truy kích y như một cơn gió lốc thổi mạnh. Khai quay lại chống cự đôi lần nhưng vẫn không ngăn nổi mũi nhọn của quân Thanh trên đường truy kích. Một trận đánh quân tóc dài hao một số, hai trận đánh quân tóc dài lại hao thêm một số Hết lần này qua lần khác, người ta đã thấy quân tóc dài hao hụt đến vài vạn rồi.
Khai thấy khó lòng đứng chân nơi đây, vội truyền lệnh cho đoàn quân chuyển hướng về tây nam rút chạy. Quân tóc dài đã đi xa, đất Hồ Nam hết giặc giải nhiệm.
Lý Tục Nghi quay về Ngạc, Tăng Quốc Phiên nghe quê hương không việc gì lúc đó mới an lòng.
Bỗng Tăng Quốc Phiên nhận được mật chỉ của triều đình giục tiến quân vào Tứ Xuyên chặn lối Thạch Đạt Khai. Phiên chẳng dám trễ lệnh vội huy động quân mã ngược sông tiến lên. Nhưng khi tới Hồ Bắc, Phiên dò la tin tức tuyệt thiên không nghe Khai tới vùng này. Thì ra tin mật báo nọ chỉ là tin bậy làm khổ Phiên một phen lật đật vội vàng mà chẳng có công trạng gì. Mãi về sau Phiên mới được biết Khai không vào Tứ Xuyên mà chạy về ngả Quảng Tây trốn tránh.
Thái Hồ, Tiêm Sơn hai huyện đã được Đa Long A tái chiếm và đuổi hết quân tóc dài. A tiến đánh thêm Phượng Dương, thâu hồi luôn các huyện Thái Bình, Thạch Đại và Kim Luyện.
Tin báo tiệp đưa về như bươm bướm. Tăng Quốc Phiên vô cùng hào hứng, sắc mừng hiện rõ trên nét mặt của một nhà nho dày dạn phong sương, quyết một lòng diệt ngoại đạo đuổi lũ quỷ Tây phương. Phiên thấy quân tình khởi sắc, bèn quyết định tiến đánh An Khánh.
Giữa lúc này, Phiên được tin người em thứ tư là Tăng Quốc Thuyên đã mộ quân nghĩa dũng từ Hồ Nam tới. Phiên liền chia quân cho Thuyên, sai xuất binh ra Tập Hiền quan quyết thu phục cho bằng được An Khánh.
Bỗng một tin động trời truyền tới doanh Tăng Quốc Phiên: đại doanh Giang Nam của quân Thanh tan vỡ hoàn toàn, tướng Trương Quốc Lương tử trận, tướng Hoà Xuân rút chạy về Thương Châu mình bị nhiều vết thương nặng cũng đã chết. Phiên thở dài ảo não, mang thêm một mối lo buồn nữa.
Nguyên lai Hoà Xuân và Trương Quốc Lương hợp nhất thành một đại doanh rồi kéo thẳng tới Giang Ninh quyết chiến với quân tóc dài. Đánh một trận, bọn Lương cướp lại được Mạt Lăng quan. Đánh trận thứ hai bọn Xuân lại đại phá quân tóc dài ở nhiều nơi như Thất Ung kiều, Vũ Hoa đài.
Hồng Thiên vương Tú Toàn được tin cấp báo đại bại, hoảng hồn bạt vía, vội hạ chỉ cho quân tóc dài đóng tại An Huy chiếm lấy thành huyện Lai An để làm thanh viện cho hai miền nam bắc Đại Giang.
Hoà đại thần (tức Hoà Xuân) được tin này liền sai tổng binh Thành Minh hiệp lực với bọn Bát Kỳ đang đêm tập kích cướp lại thành Lai An. Tình hình Giang Ninh đối với Thái bình Thiên quốc vẫn bị nguy ngập. Do đó Hồng Thiên vương lại hạ chỉ cho quân tóc dài đóng rải rác dọc sông xuất binh đi khắp nơi phá quấy. Nhưng quân Thanh đã tiên liệu điều đó, tìm cách chặn đứng âm mưu phá quấy của quân tóc dài.
Thuỷ sư của Thanh triều cược huy động ráo riết đi bố phòng khắp nơi, bọn tổng binh Lý Đức Lân, Ngô Toàn Mỹ chia đều chặn đánh ráo riết.
Hồng Thiên vương được cấp báo bại trận ở nhiều nơi, quân sĩ tổn thất lên tới hàng ngàn, tức bực đến cùng cực. Vương truyền lệnh toàn thể quân tóc dài chia hai đầu xông ra hai cửa lớn Thái Bình và Thần Sách quyết đánh phá đại bản doanh của quân Thanh.
Bọn phó tướng quân Thanh là Trương Ngọc Lương và Phùng Tử Tài cấp kỳ ứng chiến. Lương và Tài phi ngựa vào trong trận cướp lá cờ lớn của quân tóc dài chém bay đầu được mấy tên thủ lãnh, để tỏ rõ thần oai.

Truyện Thanh Cung Mười Ba Triều Tập 1 - Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 & 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Tập II - Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172