Tết Nguyên Đán Ất Tỵ là một cái Tết không vui của mẹ con Thùy Dung. Nhà vắng vẻ, tuy vẫn có đủ mọi thứ của ngày Tết, vẫn nhận được quà và thiệp chẳng kém hơn bất kỳ năm nào. Luân không ở nhà, lý dó đó chưa thật sự quan trọng, quan trọng là tương lai của Luân. Luân đi rồi, Dung bình tĩnh làm một cuộc tính sổ 10 năm. Sơ hở không ít trong từng ấy thời gian họat động song cô tin chắc rằng không có sơ hở nào đến độ bộc lộ chân tướng của Luân cũng như cô. Xét cho cùng, kẻ đáng gờm nhất là John Hing, qua đánh giá của cô chưa vượt qua những dấu hỏi nghi ngờ, phân vân thông thường trước một nhân vật kiểu Luân. Thế thì, điều nguy hiểm chỉ có thể từ hai hướng: một là chính sách Mỹ thay đổi sâu xa, thay đổi ở tầm vóc chiến lược và Luân không phải là con bài đáp ứng cho chiến lược Mỹ tại Nam Việt, Mỹ cần một tay sai ngoan ngoãn đảm bảo trang trí mặt tiền nhằm giảm nhẹ phản ứng của các nguồn dư luận bản địa và quốc tế khi Mỹ đưa một khối lượng thực binh lớn vào đây, biến cuộc chiến tranh ít nhiều mang ý nghĩa nội chiến thành cuộc chiến tranh Mỹ. Luân bỗng nhiên hóa ra một trở lực Mỹ cần thu xếp; hai là các tay sai Mỹ ganh tị, chúng đều tự thấy bé nhỏ trước Luân và cố loại Luân bằng mọi giá để giữ chân độc quyền chấp hành ý muốn của Mỹ - các tay sai quân phiệt này đều liên quan với các công ty Mỹ, với các phe nhóm “diều hâu” Mỹ, đều phần nào ý thức vai trò cai trị mà 10 năm qua Mỹ đã tập tành cho chúng, chúng đích thị là tầng lớp giàu có và không bao giờ chịu rời quyền lực gắn chặt với của cải, giống bọn độc tài Nam Mỹ, châu Phi, một số nước châu Á... Thái độ chính trị của Luân có quá cứng không? Hơn ai hết, Dung hiểu chồng mình: nỗi đau khổ dằn vặt anh là viễn cảnh chiến tranh quy mô và hiện đại tàn phá quê hương, không thu hẹp ở miền Nam và anh tự đặt cho mình ngăn ngừa tai họa ấy, tai họa dân tộc. Nhưng, lãnh đạo hơn một lần dặn Luân: trong mọi tình huống, phải giữ đúng thân phận phần tử quốc gia, thậm chí thân Mỹ, để tồn tại trong lòng địch càng lâu càng tốt, leo càng cao càng tốt. Sự can thiệp của Mỹ ở Nam Việt biến thành cuộc chiến tranh xâm lược, theo Dung, đã quá hiển nhiên. Vấn đề là Luân có thể đóng vai trò một gã hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược ấy, cuộc tàn sát đại quy mô không? Đến tướng Big Minh còn không cam tâm thực hành ý định của Mỹ thì Luân làm sao nhận thân phận tên bù nhìn để mỗi ngày chứng kiến hàng vạn đồng bào mình chết vì bom đạn Mỹ? Luân giữ cá tính riêng: anh phản đối mọi hình thức chiến tranh xâm lược. Trong một bối cảnh nào đó, cá tính của anh phù hợp với mưu toan của Mỹ, nhưng nay thì rõ ràng mưu toan của Mỹ khác xa với quan điểm của Luân từng bảo vệ. Tuy vậy, theo Dung, chiến tranh ở cường độ cao không thể kéo dài. Rồi, Mỹ cũng phải theo các giáo điều của cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn: đánh nhanh; khi không đánh nhanh đươc, một lần nữa, Mỹ sẽ thay đổi chiến lược. Luân có thể ẩn nhẫn chờ thời cơ không? Đáng tiếc, Dung là vợ của Luân, cô giãi bày suy nghĩ chứ không ra lệnh được cho Luân – cô biết, Luân rất tôn trọng kỷ luật. Phần Dung, cô luôn giữ thân phận một sĩ quan cảnh sát mẫn cán, chưa một lần bị khiển trách về công vụ. Thái độ của Mỹ, của các tướng Nam Việt khiến cô yên lòng – không phải yên lòng cho cô mà cho chồng cô. Ít nhất, người ta chưa quyết xóa bỏ Luân bằng một hình thức nào đó. Dĩ nhiên, cần xin chỉ thị của cấp trên, của anh Sáu Đăng hay của chú Thuận. Dung nghĩ cách trực tiếp báo cáo và xin chỉ thị... Giữa lúc ấy, M. George Bundy, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Johnson đến Sài Gòn. Một trong những người mà Bundy đề nghị gặp và làm việc là Dung. Bundy tiếp Dung tại phòng khách đại sứ quán Mỹ. - Tôi rất hân hạnh chào bà. – Bundy mở lời rất nhã nhặn – Tôi nghe tin đại tá Nguyễn Thành Luân sang Washington, nhưng chưa được gặp... Bà đã biết nhiệm vụ của tôi trong chuyến khảo sát tại chỗ tình hình Nam Việt, tôi muốn trình với Tổng thống Johnson một hoàn cảnh Nam Việt thật trung thực. Tôi đã làm việc với đại sứ nước chúng tôi, với tư lệnh Westmorland và phó của ông ta, tướng Throckmorton, với quyền thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Xuân Oánh, với một số tướng lãnh và với đại tá Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia. Nếu bà vui lòng, thưa bà thiếu ta, tôi xin phép hỏi bà một số khía cạnh mà tôi tin bà rất am tường, khía cạnh dính đến ngành mà bà làm việc. - Thưa ông cố vấn đặc biệt, tôi rất sẵn lòng, tuy nhiên, tôi xin thưa trước: sự hiểu biết của tôi có giới hạn... Bundy xua tay: - Trước khi gặp bà, tôi đã được nghe nói về bà... Ta hãy tiết kiệm thời gian. Theo bà, tình hình an ninh Nam Việt hiện nay như thế nào? Tốt, xấu? Tại sao? - Câu hỏi của ông hơi rộng. Thưa ông, nước chúng tôi đang ở trong một dạng chiến tranh, tùy cách gọi của mỗi phía, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh không tuyên chiến” và “chiến tranh chống du kích”... Với thực tế như thế, an ninh cần được hiểu theo nghĩa nào, thưa ông? Bundy mỉm cười: - Bà đúng là một sĩ quan cảnh sát... Tôi xin thu hẹp nghĩa an ninh ở các vùng do chính phủ kiểm soát, chủ yếu, ở các thành thị... - Điều này, có lẽ ông không cần hỏi cũng đã nắm được các diễn biến: chưa lúc nào ở Việt Nam Cộng hòa nhiều cuộc bãi công, bãi khóa, chiếm trường biểu tình và xung đột trên đường phố như lúc này... - Xin lỗi bà. – Bundy ngắt lời Dung - Từ tháng 5-1963 đến chính biến 1-11, xáo trộn chính trị không kém bây giờ... - Ông nhận xét không sai. – Dung nhỏ nhẹ - Nhưng, đó chỉ là nhận xét về hình thức, về cái biểu hiện bên ngoài... - Tôi chưa hiểu ý bà... - Trước kia, xung đột xuất phát từ những bất đồng quan điểm giữa thế lực chống ông Diệm và ông Diệm, trong khuôn khổ chủ nghĩa quốc gia. Còn bây giờ... Bundy chăm chú nghe, gật đầu như đã nắm được ý của Dung. - Còn bây giờ, một sự phân hóa sâu sắc trong cách nhìn vận mệnh Nam Việt. Không ít người cho rằng quân đội Mỹ cần đến Việt Nam Cộng hòa càng đông càng tốt, không giới hạn khu vực và cường độ chiến tranh dưới vĩ tuyến 17, xóa bỏ các hình thức cai trị đất nước bằng bầu cử và dân sự mà có ngay một chế độ độc tài quân sự đủ cứng rắn. Phía khác, đông hơn, cho rằng quân đội Mỹ vào Việt Nam Cộng hòa tức nền độc lập ơ đây bị sứt mẻ, Mỹ khôi phục hình ảnh của Pháp ngày xưa, là quốc gia xâm lăng và để bảo đảm cho ý định xâm lăng Mỹ chỉ dùng những người bản xứ dễ sai bảo... Đáng quan tâm là lối nhìn sau không phải chịu tác động của Việt Cộng, và nó được chia sẻ bởi nhiều giới kể cả giới thượng lưu, tu hành, tầng lớp trí thức, đặc biệt là số trẻ. Dung ngừng nói. Bundy ngó lên trần nhà. - Xin bà nói tiếp... Những lời vừa rồi của bà hết sức bổ ích đối với tôi, chắc chắn nó sẽ là môt bộ phần hợp thành bản báo cáo mà tôi sẽ trình cho Tổng thống Johnson. - Do đó khía cạnh an ninh của Việt Nam Cộng hòa khá phức tạp. Từ hoàn cảnh khách quan xáo trộn nên an ninh và sinh nở các nhân tố mất an ninh có vẻ ngày càng thêm đậm nét và sẽ triền miên. Như ông có thể xác minh, sự ổn định đòi hỏi một loạt điều kiện mà trung tâm phải là đời sống chính trị trở lại trạng thái bình thường, luật pháp với các điều khoản chi tiết hướng đất nước chứ không phải các tuyên cáo, tuyên ngôn, quân luật... Tôi không ngại Việt Cộng quấy rối an ninh – giải quyết vấn đề Việt Cộng là cả một chiến lược lâu dài – mà tôi ngại những xáo trộn từ bản thân chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tôi chưa rõ cấp trên của tôi phát biểu với ông ra sao, riêng tôi, nếu không thu xếp ổn thỏa nội bộ chúng ta, thì, ngành an ninh đành bất lực. Làm sao chúng tôi dám nổ súng vào các đám biểu tình? - Bà có lý... Càng không dám nổ súng vào đám biểu tình khi đám biểu tình chống quân Mỹ đổ bộ lên đây, đất nước đầy ý thức quốc gia. Chỉ có thể ngăn ngừa điều đó bằng một cuộc vận động lớn, rộng rãi, để mọi người Việt Nam Cộng hòa hiểu sự cần thiết phải có mặt quân đội Mỹ... - Nhưng đó không phải là trách nhiệm của ngành cảnh sát chúng tôi. - Tôi hiểu... Bây giờ, tôi xin được hỏi bà một câu hoàn toàn riêng: Bà có tán thành sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa không? Bundy ngó thẳng vào Dung. - Thưa ông cố vấn đặc biệt, tôi chỉ là một sĩ quan cảnh sát trung cấp, một người thừa hành. – Dung tránh đôi mắt của Bundy, làm ra vẻ nghiêm túc. - Bà vẫn có quyền có ý kiến riêng. Bà đỗ cao học luật, một trí thức. – Bundy không rời khỏi mắt Dung. - Thưa ông, nếu thế thì tôi xin nói: tôi không tán thành! - Lý do? - Không cần thiết! - Không cần thiết hay bà cho đó là một hành động xâm lược? Đến lượt Dung ngó thẳng vào mắt Bundy: - Không cần thiết để phải mang tiếng xâm lược. - Nếu tôi hay ai đó chứng minh với bà sự cần thiết có mặt của quân đội Mỹ, chứng minh đầy thuyết phục, bà sẽ nói sao? - Tôi sẵn sàng nghe ông chứng minh! - Tôi không đủ sức làm việc đó. Người khác sẽ làm... Dung mỉm cười. - Bà không tò mò hỏi ai sẽ chứng minh sao? - Không! Vì tôi đã biết... - Ai? - Quân đội Mỹ! - Bà cực kỳ thông minh. - Nhưng, quân đội Mỹ sẽ thuyết phục tôi hay ông, điều đó tương lai sẽ trả lời. - Tôi khâm phục bà, bà thiếu tá! – Bundy đứng lên. - Rất cám ơn ông cố vấn... ... Hôm sau Trần Thanh Bền gặp Dung: - Bundy nể bà lắm, bà Luân... Ông ta bảo không dễ gì có được một trợ tá cỡ như bà. Bà làm tôi vinh dự lây! ... Tờ Ngôn luận và vài tờ báo đăng mẩu rao vặt: “Đồn điền cà phê rộng 20 mẫu gần thị xã Ban Mê Thuột cần bán gấp. Đồn điền đã khai thác mùa thứ hai, có nhà ở, điện nước. Liên lạc với Madame Vũ, 96 Đồng Khánh trong giờ làm việc”. Bốn ngày sau mẩu rao vặt xuất hiện tren báo, trong giờ làm việc, Sa gọi điện thoại cho Dung: - Chào chị! Sáu giờ chiều thứ bảy, mời chị đến nhà tụi em ăn cơm. Dung nén xúc động. - Vụ gì mà mời chị ăn cơm? - Nhà em sinh cháu, có bữa cơm mừng. - Thế à? Tốt quá... Trai hay gái? - Dạ trai... Chị nhớ nhà tụi em không? - Nhớ chứ. Đường Trương Minh Giảng... - Dạ đúng... ... Chiều thứ bảy, Dung dặn chị Sáu hễ ai hỏi thì bảo Dung đi chơi cuối tuần đâu đó, mang Lý gởi nhà bác sĩ Soạn, lái xe qua cầu Trương Minh Giảng. Sa, ăn vận như một sĩ quan bộ binh, đón Dung quá chợ một quãng, thay Dung cầm lái rẽ vào một con đường nhỏ. Xe chui vào một gara. Sau đóng kín cửa gara hai người chuyển sang xe Peugeot, vẫn do Sa cầm lái, phóng lên ngã tư Bảy Hiền. - Có việc gì gấp lắm sao chị nhắn tin trên báo? - Gấp. Chị muốn báo cáo trực tiếp với cấp trên một số tình hình và xin chủ trương. - Anh Luân có tin gì về không? - Có, anh gọi điện cho chị luôn... Ta đi đâu đây? - Suối Cụt. Em định đón chị và đưa đến điểm hẹn. Khi nào em ngừng xe, chị cứ xuống, ngay tay mặt có một con đường đất nhỏ. Chị đường hoàng theo con đường đất, đi chừng non trăm mét, thấy ngôi nhà nào cổng gạch thì vào. Sáng mai, trời mờ mờ, sẽ có người đưa chị bằng ô tô trở ngược về Sài Gòn, em đón chị phía trên ngã tư Hóc Môn... - Chị sẽ gặp ai? - Em không rõ... - Sa lập gia đình chưa? - Thời buổi này, với công tác của em, độc thân dễ xoay sở hơn. - Em có học hành gì thêm không? - Có chớ. Em học trường tư, vừa học kỹ thuật cơ khí vừa học ngoại ngữ. Sắp dự thi theo lối ghi danh để lấy bằng kỹ sư. - Chà, giỏi quá! - Em còn theo lớp hàm thụ điện trường đại học Canberra ở Úc nữa... - Chị mừng cho em. Sống thế nào? - Mỗi ngày em làm thợ nửa ngày trong một xưởng, lương khá. Chỉ mỗi một cái là chưa xoay được giấy miễn quân dịch. Nhưng, thế nào cũng xoay cho xong. - Có tìn gì về Quyến không? - Ảnh lại đi tu nghiệp bên Mỹ. - À! Chị nhớ rồi... Thảo nào! - Sao? - Chổ chị làm có cô thiếu úy, cô ấy với Quyến hình như yêu nhau. Một hôm, tình cờ chị thấy cô ta đọc một lá thư mà phong bì đóng dấy bưu điện Philadelphia. - Em biết. Chị Hằng mà. Anh Quyến đã hứa hôn với chị Hằng... - Hằng hiểu rõ Quyến không? - Không đâu! Anh Quyến giữ nguyên tác kỹ lắm. Say này, thành vợ chồng rồi chắc anh Quyến phải nói thiệt thôi. Nghe đâu chị Hằng tốt... - Cô ấy tốt. Gia đình cũng tốt. Cô ấy là thư ký của chị. - Chà! Ngộ quá há! Vậy là lão Quyến yên chí lớn rồi. Có chị kiểm tra, lão khỏi lo. - Sa thường gặp Hằng không? - Không... Em nghe anh Quyến nói lúc em còn công tác chung, trước khi anh Quyến đi Mỹ. Bây giờ, tụi em sinh hoạt đơn tuyến, không được quyền gặp nhau. Chị Hằng đẹp không hả chị? - Rất đẹp! - Tình hình coi bộ rối quá. – Sa đổi chủ đề - Mỹ vô nước mình đông quá, em lo bên mình vất vả... - Tất nhiên là vất cả rồi. Trời tối. Xe giảm tốc độ đỗ ngay đầu một con đường đất, giữa khu phố đèn leo lét. Dung xuống xe, khuất vào bóng đêm. Xe Sa tiếp tục lao về hướng Trảng Bàng. Dung tìm ngôi nhà cổng gạch không khó – nó nằm thụt sâu trong xóm và là ngôi nhà duy nhất có cổng gạch. Qua khỏi cổng đã có người đón. - À, cô Hai bây về tới rồi... - Giọng một phụ nữ lớn tuổi. Người phụ nữ đó kéo Dung ra phía sau nhà. - Cô vòng phía cửa hông, mấy ảnh đang đợi cô. – Bà nói vào tai Dung. Cửa hông hé mở. Dung lách vào và cửa khép lại. Ngọn đèn điện đủ sáng căn phòng và đủ cho Dung nhận ra ông Thuận, chú cô, đang dang rộng tay đón cô. - Chú! - Con! Chú Thuận trỏ người kia – trạc 40, da ngăm, mặt mũi khôi ngô, mặt đồ bà ba đen. - Đây là anh Chín... Tự nhiên, Dung đoán ra ngay người mà lần đầu cô gặp. - Thưa anh... Có phải anh là Chín Dũng... Người kia cười: - Chà! Bà thiếu tá Tổng nha theo dõi kỹ các nhân vật Việt Cộng quá... Xem hình tôi ở Tổng nha, phải không? Dung bẽn lẽn. Về đây, cô thấy như về nhà, nên không giữ ý tứ. - Ngồi xuống! - Người mà Dung gọi là Chín Dũng mời Dung ngồi trên một trong các chiếc ghế tựa kê quanh một bàn. - Dạ có ảnh của anh... Có khá nhiều báo cáo về anh. - Chúng nói giống gì về tôi? - Dạ, Tổng nha biết anh Chín làm bí thư khu ủy, có chân trong Trung ương Đảng, trong vụ Phật giáo năm 1963, anh Chín đột nhập vào Sài Gòn, nay đóng căn cứ ở vùng Hố Bò. Chúng biết tên thật, quê quán, bí danh của anh Chín. - Vậy là quá đủ! - Anh Chín cười – Cô đã dùng cơm chưa? - Dạ, em ăn rồi. - Có tin gì anh Bảy không? - Dạ, nhà em gọi điện cho em, lần mới nhất hôm thứ năm rồi. Nhà em đang đi các bang phía đông nước Mỹ. - Cháu khỏe không? - Cám ơn, cháu khỏe. - Bây giờ, chúng ta làm việc. Tôi được ủy nhiệm của A.07 gặp cô. Lẽ ra, anh Sáu Đăng cũng gặp, song anh ấy ở xa, được tin cô nhắn khẩn trên báo, tôi nghĩ là cô không thể chờ đợi, nên một mặt báo về trên, một mặt nhờ anh Thuận tổ chức gặp cô. Tôi không dám dùng điện thoại, e mật mã bị phát hiện, nên viết thư tay báo về trên, thơ tay đi hơi chậm. Tôi và anh Thuận sẽ nghe cô. Lúc đầu, tôi định phái anh Thuận vào Thành, song đầu mối đi vắng, đến nhà cô không tiện nên đành mời cô ra. Liệu kế hoạch đi lại của cô đảm bảo không? - Thưa, em nghĩ là đảm bảo. - Dù vậy, cũng không nên ở lâu. Sáng mai cô phải có mặt ở Sài Gòn. Cẩn thận tối đa Mỹ cũng không thừa đâu. Cô có thể nói hết... - Con báo cáo thật chi tiết. – Chú Thuận nói – Anh Chín là người chịu trách nhiệm cao trong Đảng. - Dạ, con biết... - Cô chia thời gian để sau chót hai chú cháu còn nói chuyện gia đình nữa. - Cám ơn anh Chín nhiều. - Trước khi cô thông báo, tôi hỏi mấy việc: Từ khi anh Bảy đi, ai thường liên lạc với cô? - Dạ, John Hing gọi điện mươi lần... - Giục cô chuyển tin tức của nội tuyến, phải không? - Dạ, phải. Nhưng gã quan tâm hơn là em liên hệ với các bạn nhà em. - Các ông bạn đó có điện hay thư từ gì không? - Thư từ thì không. Điện thoại thì có Nguyễn Thành Động, Trương Tấn Phụng, thiếu tướng Lâm, đại tá Tồn, trung tướng Đức, trung tá Dương Hiếu Nghĩa, James Casey... - Trừ James Casey, các ông kia điện đến nhà cô, dễ gây chú ý... - Anh Chín nhận xét. - Dạ, họ chỉ hỏi thăm sức khỏe em và cháu Lý. - Tất nhiên... Song, làm một bảng liệt kê danh sách người ta thấy ngay là đại tá Nguyễn Thành Luân quan hệ thân mật với ai, xu hướng chính trị như thế nào? Thậm chí có người đã đảo chính. – Giọng anh Chín không vui. - Em hiểu, nhưng em làm sao ngăn họ? - Tôi không trách cô. Cô không làm gì được. Chúng tôi sẽ giúp cô... - Cách đây bốn hôm, em gặp George Bundy... - Vậy sao? Tay cố vấn đặc biệt của Johnson gặp cô thì có nhiều ý nghĩa đây... Thôi, bây giờ, cô nói đi, nói từ đầu..... Dung cố gắng tóm tắt các mặt tình hình, đưa ra các nhận xét. Mất đến hai tiếng đồng hồ. Anh Chín và ông Thuận lặng lẽ nghe, thình thoảng hỏi thêm vào chi tiết. Dung trình bày khá thoải mái. - Bây giờ đã gần 10 giờ. Ta giải lao một chút! - Anh Chín bảo, mà mặt vẫn còn trầm ngâm. Ông Thuận gõ nhẹ lên vách. Một mâm cháo gà do người phụ nữ đón Dung ở cổng mang vào. - Sắp tới giờ giới nghiêm rồi. Hễ ăn xong thì đèn tắt. Tôi thay bằng đèn dầu. Chú ý, nghe tôi gõ nhẹ lên vách thì vặn lu đèn, im lặng, bởi tụi dân vệ tuần tra. Còn có động, tôi sẽ dẫn cả ba vào chỗ bí mật. Cứ yên tâm. Bảo đảm trăm phần trăm. Chung quanh, có bảo vệ võ trang, nột quá họ nổ súng... - Người phụ nữ nói mà không ngó Dung. - Gì mà phải nổ súng? - Anh Chín cười – Dân vệ cũng có anh em mình... - Ậy, tôi nói cho hết lý vậy thôi. Tôi với con Út canh cho tới sáng... Cháo gà nấu ngon. Dung ăn cứ ngỡ lần đầu dùng món này. Đèn tắt. Tiếng kẻng giới nghiêm vang trong đêm vắng. Ngọn đèn dầu thay đèn điện. - Ta đợi một chút! – Anh Chín nói – Dân vệ sắp tuần tra. Đúng vậy, độ vài phút sau, bên ngoài vọng vào tiếng giầy khua trên đường, tiếng huýt gió, tiếng cười và chửi thề. - Tôi có vài ý kiến. Cô Dung cố nhớ. À! Mimôsa cố nhờ và truyền đạt bằng cách nào cho Kỵ sĩ. – Anh Chín bắt đầu trình bày suy nghĩ của anh. - Sau chiến dịch Bình Giã, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Nam Việt Nam phá sản. Mỹ không còn hy vọng dùy trì chủ nghĩa thực dân mới nguyên bản nữa. Trước đây, chúng lập luận rằng tiềm năng chống Cộng tại chỗ bị ức chế do chính sách không được lòng dân và không liên minh được các phe phái của Ngô Định Diệm, nên ra tay gạt bỏ Diệm. Chúng vẫn tin vào công thức viện trợ Mỹ cộng với một chính quyền và quân đội tay sai đủ sức dánh bại Mặt trận Giải phóng. Nhưng, với nhóm Dương Văn Minh, chúng thấy nguy hiểm. Kéo dài thêm một thời gian nữa, chính quyền Sài Gòn dễ ngã theo xu hướng thân Pháp, theo hướng trung lập kiểu Cao Miên, Lào thì Mỹ phải thua thiệt. Cho nên, chúng cho Nguyễn Khánh “chỉnh lý”. Đến đây, một yếu tố Mỹ không lường trước nhảy lên vũ đài, tôi muốn nói lực lượng quần chúng Sài Gòn và các thành thị. Trước kia, vì Mỹ còn giấu mặt nên đối tượng đấu tranh của quần chúng là Ngô Đình Diệm, nhưng sau vụ “chỉnh lý”, đối tượng phơi bày mỗi lúc mỗi rõ ràng hơn. Nguyễn Khánh phải nhượng bộ, tức Mỹ phải thay đổi chiến thuật. Thế là vở tuồng “chính phủ dân sự” ra đời. Nhưng, vở tuồng không hấp dẫn. Mỹ lại quay trở về với nhóm quân sự. Cái vòng lẩn quẩn ấy khiến chúng vừa suy yếu về lực, vừa rối loạn về ý chí. Ta lại đánh mạnh. Nội bộ Mỹ phân chia làm hai: duy trì công thức cũ và thay đổi công thức. Phe diều hâu mạnh hơn. Tức Mỹ sẽ đưa quân vào, số lượng chắc chắn đông. Mỹ cần nhóm tay sai lo cung cấp quân hỗ trợ, còn quân chủ công thì Mỹ đảm đương. Mỹ mở rộng phạm vi oanh tạc ra Bắc vĩ tuyến 17, trực tiếp khiêu khích ở Vịnh Bắc bộ. Nói cách khác, chiến tranh sẽ ác liệt. Lực lượng chính trị trong các thành phố đang phân hóa, số tiến bộ lần lần xây dựng thành tổ chức nhưng chưa đủ sức ngăn chặn ý đồ của Mỹ. Chúng ta cần một thời gian sửa soạn đồng thời cũng là thời gian đụng độ thẳng với quân đội Mỹ. Chừng nào, với một số lượng lớn, mà Mỹ không thắng được thì bấy giờ một giải pháp sẽ ra đời. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý thái độ của đông đảo quần chúng các thành thị khi Mỹ vứt bỏ mặt nạ “chỉ hỗ trợ cho chính quyền Nam Việt” mà trực tiếp tham chiến, tức công khai xâm lược nước ta, kéo theo các hậu quả xấu khác về đạo lý, về kiểu sống; quần chúng sẽ được cổ vũ ý thức dân tộc. Đồng thời, nội bộ tay sai cũng vì giành ăn đồng thời một bộ phận chịu tác động ý thức quần chúng sẽ bị chia rẽ nghiêm trọng. Chính giới Mỹ không thể thuần nhất được. Các đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ chắc chắn không hoàn toàn tán thành đường lối của Mỹ. Các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Á như Ấn Độ, Nam Dương sẽ phản ứng. Phe xã hội chủ nghĩa dĩ nhiên càng tăng cường ủng hộ chúng ta, trừ Trung Quốc bắt đầu bộc lộ bản chất cơ hội, về khách quan tiếp tay cho Mỹ. Từ tầm nhìn chung ấy, tôi xin lưu ý Kỵ sĩ và Mimôsa mấy điểm sau đây: cuộc chiến đấu cảu dân tộc ta nhất định phải lâu dài, khó khăn, phực tạp, đòi hỏi nhiều hy sinh và đòi hỏi nhiều sách lược khôn khéo. Trận địa không chỉ ở nông thôn và rừng núi mà cả các thành thị, phương thức không chỉ bằng vũ trang mà cả chính trị, đôi khi chính trị giữ vai trò đột phá ở những thời điểm nào đó. Xoáy sâu vào nội bộ kẻ thù, gây xáo trộn cũng là một cách đánh địch hiệu quả. Cuộc đảo chính 1-11-1963 và các mâu thuẫn bùng nổ trong nội bộ chế độ Sài Gòn trong hơn năm nay đã hủy hoại nghiêm trọng thế lực của kẻ thù. Nay mai, đến lượt quần chúng Mỹ và các nước sẽ tỏ thái độ, chúng ta tin điều đó. Kỵ sĩ và Mimôsa len sâu vào bộ máy ngụy, lại có quan hệ với Mỹ, kẻ cả cơ quan tình báo, nên cố bảo tồn, chỉ hành động khi thật sự cần thiết, khi xét hành động của mình mang lại giá trị chiến lược. Kỵ sĩ đôi lúc thiếu bình tĩnh. Hiện nay, Mỹ và ngụy đánh hơi thấy Kỵ sĩ là mối lo cho chúng, bởi vậy, phải hết sức thận trọng. Ta cần đặt ra nhiều phương án. Nếu bị uy hiếp, thì cả hai lập tức rời Sài Gòn vào chiến khu. Cũng có thể Kỵ sĩ rời Sài Gòn, còn Mimôsa thì tiếp tục bám trụ, tất nhiên với điều kiện an toàn tuyệt đối. Tôi tin là Kỵ sĩ không ở Mỹ lâu, bản thân Kỵ sĩ không thích mà một bộ phận tình báo Mỹ cũng muốn Kỵ sĩ có mặt ở Sài Gòn đóng vai trò đối tượng với các nhóm cầm quyền dù trước mặt Mỹ chưa dùng Kỵ sĩ như con chủ bài. Để bảo vệ Kỵ sĩ, chúng tôi quyết định tuyển chọn một trung đội tin cẩn, hai vệ sĩ, một lái xe và một cán bộ làm thư ký cho Kỵ sĩ. Họ đang lần lượt đăng ký và Dân vệ và Bảo an các tỉnh, chúng tôi sẽ cung cấp danh sách để Kỵ sĩ thông qua thủ tục hợp pháp điều động họ về quanh Kỵ sĩ. Trong hoạt động Kỵ sĩ hẳn cần một số tiền, chúng tôi đã bố trí cách cung cấp cho Kỵ sĩ rất bí mật... Dung chú ý lắng nghe từng lời anh Chín. Khi anh Chín dứt lời thì Dung thưa: - Nhà em nóng ruột quá. Xin anh Chín tìm cách dặn trực tiếp nhà em, coi như mệnh lệnh... Thú thực, em chỉ góp ý thôi còn nhà em bao giờ cũng suy nghĩ và hành động không phải lúc nào cũng trao đổi với em. Anh Chín cau mày, còn chú Thuận thì thở ra. - Tôi hiểu... Anh Bảy rất nhạy bén và cũng dễ kích động. Tôi sẽ gởi thơ cho anh ấy... Nhưng... Anh Chín ngập ngừng một thoáng. Dung chăm chú ngó, chờ đợi. - Nhưng nếu một cái gì đó xảy ra ngoài dự kiến của chúng ta thì tôi mong cô chú mình thật vững. Ý tôi muốn nó tuy vợ chồng, song Kỵ sĩ và Mimôsa nhận hai nhiệm vụ khác nhau, trước kia, Mimôsa trợ thủ cho Kỵ sĩ, từ nay trở đi, mỗi người độc lập tác chiến. Điều này rất khó, tôi biết, song nguyên tắc công tác đòi hỏi hai đồng chí phải chấp hành. Tôi còn băn khoăn cháu Lý. Nên chăng đưa cháu ra Hà Nội? Dung lắc đầu: - Không cần, thưa anh. Vả lại... Mặt Dung bừng đỏ. - À, ông bà sẽ có cháu thứ hai? Dung dạ thật nhỏ: - Khoảng tháng 7 em sinh... - Tùy cô... Không có vấn đề gì. Ta sẽ xoay và đâu rồi vô đó thôi. Toán dân vệ tuần canh đợt hai, vẫn bước chân rào rạo ngoài đường. - Tôi đã nghe và đã nói. Bây giờ, tôi phải về căn cứ. Chúc cô và Kỵ sĩ thắng lợi! Anh Chín bắt tay Thùy Dung thật chặt. - Anh Thuận ở lại với cô. Hai chú cháu cần trò chuyện riêng. Có gì cần dặn thêm, anh Thuận sẽ dặn cô. Anh Chín ra cửa. Dung ngồi yên khá lâu, cho đến lúc tiếng chó cuối xóm ngừng sủa. Từ đó cho đến hết giờ giới nghiêm, hai chú cháu to nhỏ. Rồi Dung, rời Suối Cụt, trên một mô tô do một cô gái đèo, đến chỗ hẹn với Sa, khi quốc lộ đã rộn ràng xe cộ. Một điều mà Dung không biết: Chú Thuận đã giấu cô về tin bố đẻ Dung qua đời... ° Điện khẩn: Nơi gởi: Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa – Sài Gòn. Nơi nhận: Đại sứ Việt Nam Cộng hòa – Washington. Thủ tướng chính phủ quyết định triệu hồi đại tá Nguyễn Thành Luân, tùy viên báo chí của sứ quán. Yêu cầu đại tá Nguyễn Thành Luân về Sài Gòn bằng chuyến bay gần nhất. Lúc nào lên đường, Đại sứ quán điện báo cho biết. ° Phúc trình của Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ gởi Bộ Ngoại giao Sài Gòn: Từ khi đại tá Nguyễn Thành Luân sang Mỹ, ông rất ít đến Đại sứ quán. Các giới Mỹ, trong đó có những giới quan trọng như một số thượng và hạ nghị sĩ, tướng lãnh, nhà chính trị, nhà báo, giáo sư ở nhiều bang mời ông họp mặt, nói chuyện. Ảnh hưởng của ông khá lớn trong dư luận do các cuộc diễn thuyết và một số bài báo của ông. Hiện nay, ông đang ở Cựu Kim Sơn theo lời mời của Thống đốc bang California. Chúng tôi đã điện thoại cho ông báo quyết định của chính phủ. Ông trả lời chưa thu xếp được nhanh. Chúng tôi xin lưu ý ở nhà: Ông cùng đi với vợ chồng tướng hồi hưu Jones Stepp và hình như ông George Bundy từ Sài Gòn về đã hỏa tốc bay đến Cựu Kim Sơn gặp đại tá Luân, có lẽ môi giới cho gặp gỡ giữa đại tá và ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara, không loại trừ ông Colby. ° Điện khẩn: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đệ nhất Phó chủ tịch Hội đồng quân dân gởi Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Thu xếp cho đại tá Nguyễn Thành Luân về Sài Gòn nhanh nhất. ° Phúc trình của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ gởi Hội đồng quân dân: Chúng tôi đã truyền đạt lệnh triệu hồi đại tá Nguyễn Thành Luân về Sài Gòn. Nhưng, hôm qua, văn phòng Bộ ngoại giao Mỹ điện thoại cho chúng tôi: Đại tá Nguyễn Thành Luân còn một cuộc tiếp xúc quan trọng với Ngoại trưởng Mỹ, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống, chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng Mỹ nên chưa thể về nước sớm được. ° Điện khẩn: Gởi Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng hòa - Sài Gòn. Đại tá Nguyễn Thành Luân lên đường về nước chuyến bay thứ nhất của hãng Pan American vào 18 giờ, giờ Washington hôm nay. Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. ° Điện khẩn: Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng hòa gởi Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Chuyến bay mà Đại sứ quán bảo là đại tá Nguyễn Thành Luân về Sài Gòn đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất sông không có mặt đại tá. Yêu cầu xác minh đại tá ở đâu? Trên đường bay, máy bay chỉ ghé Honolulu và không có ai ở lại đó. Danh sách hành khách không có tên đại tá. ° Điện khẩn: Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ gởi Bộ Ngoại giao – Sài Gòn. Chính Đại sứ Trần Thiện Khiêm cùng nhiều nhân viên sứ quán và cả vợ chồng tướng Jones Stepp cùng nhiều quan chức Mỹ tiễn đại tá Luân tận cầu thang máy bay. Chúng tôi đã kiểm tra danh sách ở hãng hàng không. Đúng là không có tên đại tá. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với chúng tôi, đại tá là khách quý của chính phủ Mỹ, do đài thọ riêng của Hãng hàng không khỏi mua vé. Chúng tôi sẽ điều tra và báo cáo sau. ° Mệnh lệnh của Hội đồng quân nhân: Ra lệnh cho đại tá Nguyễn Thành Luân, tùy viên báo chí của sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, trong vòng 24 giờ đồng hồ phải ra trình diện với trung tướng Trần Văn Minh, Tổng tham mưu trưởng tại Bộ Tổng tham mưu. Sài Gòn ngày 15 tháng 2 năm 1965. Ký: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. HẾT Tiểu thuyết Ván Bài Lật Ngửa đến đây là hết.