CÁC BÀI TỰA Tôi đã viết 4-5 chục bài tựa cho các tác phẩm của tôi và hai chục bài cho tác phẩm của bạn. Có người nhờ tôi đề tựa cho hai ba cuốn. Hai đã là quá nhiều rồi (hoá nhàm đi), mà phải là 2 cuốn trong hai loại khác nhau thì tôi mới nhận lời. Và tôi cũng chỉ nhận cho bạn văn thôi. Ông Châu Hải Kỳ có lần khuyên tôi nên lựa những bài tựa vừa ý hơn hết, cho vào một tuyển như một nhà văn nào đó của Pháp. Tôi không làm việc đó khiến ông bực mình, nhưng sau sau 1975 tôi cũng lựa ít bài cùng với một số tuỳ bút, hồi ký, cho vô tập: Để tôi đọc lại (không xuất bản)[1]. Tựa tôi viết cho tôi mà tôi lấy làm đắc ý: - Cổ văn Trung Quốc: có giọng cổ văn, hợp với nội dung tác phẩm: gọn, giản, bóng bẩy mà minh bạch, cảm thán thành thực, nửa trên ghi lại một hồi ký thời trẻ, nửa dưới tả tâm sự và tài của cổ nhân.- Thế hệ ngày mai: phần trên cảm động, chép tình của cha mẹ đối với con trong hai buổi học đầu tiên của tôi và của con tôi.- Đại cương văn học sử Trung Quốc: đoạn kết từ “Trăng mới ló dạng” tới cuối lời đẹp và có giọng cảm thán.- Tương lai ở trong tay ta: ví đời người với một cuộc thám hiểm, ai cũng phải tự tìm lấy con đường của mình, như Magellan đi vòng quanh thế giới.- Quảng gánh lo đi: đoạn đầu giọng cũng cảm thán vì đời người là một bể thảm, đúng như Đoàn Như Khuê nói, dù sang hèn, giàu nghèo, ai cũng đáng thương như nhau hết.- Bán đảo Ả Rập: tôi tóm tắt được bi kịch của bán đảo đó trong câu đầu: nó bị Dầu lửa chi phối mạnh hơn Hồi giáo. Lời lưu loát, giọng rất mỉa mai, phẫn uất.- Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười: Tình thương của các bà già miền Nam. Đoạn mở đầu đột ngột.
°
Tựa viết cho các bạn - Úc viên thi thoại của Đông Hồ, có giọng cổ văn. Mở đầu tôi giảng tại sao thi thoại khó viết: phải vừa là nhà thơ vừa là nhà văn, có danh, có uy tín, lịch lãm nhiều, đọc sách nhiều. Đoạn giữa tôi nhắc lại những hồi ức Đông Hồ, chứng tỏ ông có đủ những điều kiện ấy.Vì bài tựa đó bà quả phụ Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Tuyết, nhờ tôi viết khi xuất bản tác phẩm của chồng, nên cuối bài tôi ghi lại việc đó: “Chẳng qua nữ sĩ Mộng Tuyết nghĩ rằng sinh thời thi sĩ coi tôi vào hàng tâm giao, nên cho tôi được ký tên dưới tên thi sĩ đấy. Tấm lòng đó thật cảm động. Xin ghi ơn nữ sĩ”.Thi sĩ Quách Tấn khen bài đó lời rất cảm động, mặc dầu tôi không làm văn. - Đất nước quê hương của Võ Phiến. Bút pháp bài này cũng tựa bút pháp bài trên. Mở đầu tôi cũng xét về thể tuỳ bút: nó rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy, tưởng là dễ viết mà thực ra rất khó; phải có giọng thân mật, hấp dẫn như một câu chuyện thanh nhã giữa những bạn đồng điệu lúc ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà; lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải thay đổi, có ý vị. Đoạn giữa tôi cũng chứng tỏ Võ Phiến có đủ điều kiện đó. Nhưng đoạn kết thì khác: tôi bảo nhờ thượng cấp của ông – ông là nhân viên Nha Thông tin – muốn trừng phạt ông mà ông có dịp đi đây đi đó khắp trong nước, viết được tập Đất nước quê hương. “Vậy trong cái rủi vẫn thường có cái may. Và khi một nhà văn biết lợi dụng nghịch cảnh thì chẳng những có ích cho mình, mà còn có ích cho độc giả, cho văn hóa nữa”.Đông Hồ thường khen với tôi rằng Võ Phiến viết tuỳ bút hay nhất trong Nam. Tôi rất vui được viết bài tựa đó, và khen tuỳ bút của Võ Phiến có phần hay hơn, nhẹ nhàng hơn, nhiều vẻ hơn tuỳ bút của Nguyễn Tuân.- Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu.Bố cục bài này tự nhiên mà lạ. Mới đầu tôi nói về miền Tây Nam Việt; rồi thu lại, nói về miền Hồng Ngự - Cao Lãnh (tôi gọi là miền Hồng Cao); sau thu lại nữa, nói riêng về Cao Lãnh, quê hương của Nguyễn Quang Diêu; lại thu nữa, nói về đời Nguyễn Quang Diêu và ông Nguyễn Văn Hầu tác giả cuốn sách; đây là tâm điểm của bài tựa. Từ tâm điểm đó toả ra, nói về các nhà tân học và cựu học như Nguyễn Văn Hầu, và tự hỏi tại sao Viện Khảo cổ không biết nhờ họ giúp sức cho mau kết quả. Rồi tôi lại toả rộng ra nữa, nói về tất cả các công việc văn hoá khác: khảo cứu địa lý, soạn tự điển v.v…; sao chính quyền không nhờ toàn dân giúp sức mà cứ ôm lấy hết về mình. Và cuối cùng tôi kết: “… khi toàn dân thấy có thể giúp chính quyền trong mọi phạm vi, có trách nhiệm hợp tác với chính quyền trong mọi hoạt động thì lúc đó mới có sự đoàn kết thực sự mà công việc xây dựng quốc gia mới tiến triển mau được”.Như vậy là từ tâm điểm toả ngược ra dần dần, cuối cùng bao cả vòng khởi thuỷ là miền Tây Nam Việt. Văn ba lan, tiến lui như những đợt sóng. Bài tựa đó, ông Đông Hồ khen là “còn hay hơn cả cuốn sách”. Mấy năm sau đọc lại, tôi mới nhận ra rằng bút pháp bài đó giống hệt bút pháp của Tăng Củng trong bài Ký Âu Dương Xá nhân thư mà khi viết tuyệt nhiên tôi không nghĩ tới. Cổ văn thâm nhập vào tôi mà tôi không hay. - Bài được các bạn văn khen hay nhất là bài Tựa tập Qê hương của Nguyễn Hữu Ngư. Tôi tả kỹ dáng người, y phục, cử chỉ, ngôn ngữ của tác giả, tình của ông đối với nước, với nhà, bạn bè; ghi lại những lúc ông bị thất vọng mà hoá điên, đi lang thang khắp nơi, bị cảnh sát nhốt, đánh đập… khiến tôi nhớ tới Từ Vân Trường đời Minh bên Trung Quốc mà Viên Hoàng Đạo cho là “vô chi vi bất kỳ” cho nên “vô chi vi bất kỳ”, vì khác người nên gặp cảnh gian truân. Nguyễn Hữu Ngư quả là một “kỳ” nhân ở nước ta, mà tập Qê hương của ông cũng là một kỳ thư: nội dung thật loạn, đủ các thể, đủ thứ tài liệu, không thể đặt nó vào loại nào được cả.Tôi nhớ hôm ông lại tôi lấy bài Tựa rồi không ra về, mà ngồi bệt ngay xuống dưới mái hiên mà đọc. Tôi ở trên lầu nhìn xuống, đợi ông đọc xong, hỏi: “Sao? Anh vừa ý không?”. Ông cười, đáp: “Ngoài ước vọng nữa”. Ông mất năm 1978, sau khi ở Dưỡng trí viện Biên Hoà về nhà được độ một tháng. Bạn bè ai cũng thương tiếc.- Ngoài ra nên kể bài Tựa cuốn Trần Quí Cáp của Lam Giang do con cháu nhà cách mạng họ Trần nhờ viết; và cuốn Thi văn Hán Việt của Đông Xuyên mà đoạn cuối giọng rất thân mật. DU KÝ Tôi chỉ có hai tập: Đế Thiên Đế Thích[2], và Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười[3] mà tôi đã giới thiệu trong một chương trên. SÁCH DỊCH - Sống đẹp: Xin nói trước hết về tập Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, thuộc loại cảo luận có tính cách triết lý, rồi sẽ xét về các tiểu thuyết sau. Cuốn nào tôi dịch cũng kỹ, nhưng thích nhiều hay ít dĩ nhiên là tuỳ nội dung từng cuốn, tài của tác giả. Lâm Ngữ Đường viết cuốn Sống đẹp bằng tiếng Anh, nhan đề là The Importance of living từ 1937. Khoảng 1957 tôi được đọc bản dịch ra tiếng Pháp L’Importance de vivre của nhà Corrêa, thấy tác phẩm rất hay mà bản dịch kém. Ít năm sau tôi thấy ở nhà xuất bản Á Châu một bản Việt dịch hình như của Trình Xuyên[4] với tên sách Lạc thú ở đời, cũng tầm thường mà lại cắt bỏ nhiều quá, chỉ còn độ một phần ba, như vậy mất hết ý nghĩa của tác phẩm. Từ đó tôi có ý dịch lại, muốn vậy phải có nguyên bản tiếng Anh và phải tra được những nhân danh, địa danh bằng chữ Hán. Năm 1964 tôi viết thư hỏi thẳng tác giả ở Mỹ. Ông hồi âm liền từ Thuỵ Sĩ, nơi ông đang du lịch, vui vẻ cho phép tôi dịch, và cho biết nguyên bản tiếng Anh không còn, nhưng có bản Hoa dịch nhan đề là Sinh hoạt đích nghệ thuật (do Việt Duệ dịch – nhà Thế giới Văn hoá xuất bản – 1940). May sao ông Giản Chi có bản đó và cho tôi mượn. Bản chữ Hán đầy đủ, chép hết những cổ văn, cổ thi Trung Hoa mà Lâm dẫn trong tác phẩm và nhiều khi chép thêm bản dịch những bài đó của Lâm nữa. Thế là tôi có được hai bản: Hoa và Pháp. Tôi so sánh rồi khởi công dịch liền, cuối năm 1964 xong. Trong khi dịch, luôn trong 3 hay 4 bốn tháng, tôi thấy vui gần như hồi dịch cuốn Quẳng gánh lo đi, vì nhân sinh quan nhàn tản của Lâm – mà chính là của Trung Hoa – vì tinh thần nghệ sĩ và hài hước của ông, vì giọng tự nhiên, thân mật, đôi khi như cười cợt, đùa bỡn nữa, không khác một cuộc đàm thoại chung quanh một bình rượu hay một ấm trà giữa những người bạn đồng điệu. Nhờ có những văn thơ bằng chữ Hán, khỏi phải dịch theo bản tiếng Anh hay Pháp, nên tôi biết chắc rằng bản dịch của tôi sẽ được hoan nghênh, độc giả sẽ thích hơn là đọc nguyên tác của Lâm. Cuốn Sống đẹp bán chạy. Nhà Tao Đàn in 2 hay 3 lần mỗi lần ít nhất 3.000 bản, lần đầu vào tháng 3.1965[5]. Nhiều độc giả khen là dịch khéo, trong số đó có Đông Hồ. Một độc giả tôi chưa hề quen, bác sĩ Trần Văn Bảng (học trường Bưởi trước tôi vài năm) thích tới nỗi làm một bài thơ nhan đề là Sống đẹp gởi tặng tôi. Bài gồm 5 đoạn, tôi chép lại đây đoạn giữa:---Đây tư tưởng chín tầng mây siêu việtSang sảng nghe tiếng nói của thánh hiềnNgọc chuốt, châu gieo, lời vàng, ý thépKhiến tâm linh hoan lạc cõi vô biên--- Từ đó chúng tôi thành bạn thân. Ông hồn nhiên, vui tính, hình như sống hơi lôi thôi, thích làm thơ (giọng hoạt chứ không chuốt hay đùa cợt), đánh mạt chược, chắc đã lựa lầm nghề y sĩ. Năm 1977, trước khi qua Pháp đoàn tụ với vợ con, ông lại thăm tôi, xin một bản Sống đẹp để mang theo. Ít bữa sau ông trở lại, lắc đầu, đưa hai tay lên trời, bảo: Ngữ Đường không ưa cộng sản, nên qua Mỹ ở, viết cuốn Secret name (Bí danh) chê cộng độc tài, nên cộng ghét ông, chứ cuốn The Importance of living không đã động gì tới cộng cả. Vài tác phẩm của Lâm viết bằng tiếng Anh được dịch ra 14 thứ tiếng, và có hồi ông làm Trưởng ban Văn nghệ cơ quan Văn hoá Liên hiệp quốc. Mấy năm nay ông Bảng vẫn liên lạc với tôi bằng thư, thỉnh thoảng gởi cho tôi một bài thơ “tếu”. - Chiến tranh và Hoà bình Trong tạp chí Tân Văn 1969, không nhớ tháng nào, đăng bài Tôi dịch Chiến tranh và Hoà bình kể lại do đâu tôi dịch bộ đó và dịch khó nhọc mà vui ra sao. Trong một chương trên tôi đã kể lối dịch bộ đó; trong phần giới thiệu Chiến tranh và Hoà bình tôi cũng đã phân tích nghệ thuật của Tolstoi, đây chỉ xin ghi lại cái duyên văn tự khiến tôi hợp tác với nhà Lá Bối. Tôi thích Chiến tranh và Hoà bình hồi ở trung học, và khoảng 1961-62 tôi đã muốn dịch, đề nghị với hai nhà xuất bản lớn ở Sài Gòn, hễ khi nào thấy có thể in được thì cho tôi hay, tôi sẽ khởi công liền. Tới tháng 9 năm 1966, lời đề nghị đó vẫn chưa được hai nhà đó xét; họ bận quá, chắc quên rồi. Trong bài Đả phá dễ hay xây dựng dễ? đăng trên Tin Văn ngày 15.9.66, tôi nhắc lại đề nghị. Bài đăng được khoảng một tháng thì một hôm một vị mà tôi chưa hề gặp mặt lại thăm tôi, tự giới thiệu là Giám đốc nhà xuất bản Lá Bối, tặng tôi ít cuốn sách, và nhân đọc bài của tôi đăng trên Tin Văn mà nhờ tôi dịch cho Chiến tranh và Hoà bình. Tôi nhận lời, hứa trong hai năm sẽ xong. Nửa tháng sau một nhà xuất bản khác cũng lại nhờ dịch. Về sau nhà xuất bản nữa tỏ ý tiếc rằng không hay trước. Quả đã tới lúc độc giả đòi hỏi sách đó. Nhà sư đó là Đại đức Từ Mẫn, tên thật là Võ Thắng Tiết. Sau thầy cho tôi hay là hồi tôi còn ở Huỳnh Tịnh Của, trước năm 1960, đã có lần đem lại tặng tôi cuốn Duy thức luận của Thạc Đức, tức Thượng toạ Nhất Hạnh sau này, là một cây bút Phật giáo nổi tiếng, tôi quý và mến. Thầy Từ Mẫn lúc đó còn là sinh viên Phật học, bạn của Thạc Đức. Tôi nhớ lại việc đó, hỏi thầy: - Đọc xong Duy thức luận, tôi thấy sáng sủa, hay, có viết thư lên Đà Lạt cảm ơn, khen và khuyến khích tác giả viết về lịch sử Phật giáo từ khởi thuỷ đến nay, mà sao không thấy hồi âm? Tôi lại hỏi: - Đã biết tôi từ mươi năm trước mà sao bây giờ mới lại kiếm tôi? Từ đó, chúng tôi thân với nhau. Thầy trẻ hơn tôi, vui vẻ, thành thực, làm việc cẩn thận, trọng chữ tín, có tư cách, kín đáo mà thân mật. Cả Giản Chi với tôi đều khen là đứng đắn nhất trong giới xuất bản. Tôi khởi công dịch Chiến tranh và Hoà bình liền, dịch rất kỹ, giới thiệu tác giả và tác phẩm cũng kỹ, non một năm rưỡi thì xong. Xoay được đủ vốn, nhà Lá Bối cho in ngay, đầu năm 1969 ra được cuốn I khoảng 750 trang, rồi ba tháng sau ra nốt ba cuốn nữa, do hai nhà in sắp chữ. In 3.000 (hay 5.000?) bản, vốn khá nặng, mấy triệu đồng thời đó. Nhờ báo chí giới thiệu và khen, nhờ Lá Bối có sẵn một số độc giả đông, nhờ quảng cáo trên màn ảnh Sài Gòn, nên sách bán chạy, ba năm sau tái bản, nhưng vừa in xong đủ bộ, gởi trong kho trường Thanh niên phụng sự xã hội, thì quân đội Giải phóng vào khám xét trường, tịch thu hết. Thầy Từ Mẫn bị bắt giam để điều tra, hơn một tháng sau mới được thả. Tôi nhớ lại trong năm 5-6 tháng sắp chữ bộ Chiến tranh và Hoà bình, ngày nào thầy Từ Mẫn cũng lại tôi 2 lần, đưa bản vỗ để thầy và tôi cùng nhau sửa, trước khi trả cho nhà in. Mỗi ngày thầy lái xe Honda đi đi về về không biết mấy lần từ nhà xuất bản đến nhà in, nhà tôi, tính ra tới 50 cây số[6]. Trong số các nhà xuất bản, hợp tác với thầy tôi thấy thích nhất, và chỉ trong 4-5 năm, thầy in cho tôi được khoảng chục tác phẩm, mà hai cuốn quan trọng nữa là Chiến Quốc sách, Sử ký của Tư Mã Thiên[7], cả hai đều bán chạy, tái bản trong một hai năm. Giản Chi và tôi thành những nhà văn có nhiều tác phẩm nhất trong tủ sách Lá Bối. Như có duyên tiền kiếp. Gần cuối năm 1979, thầy Từ Mẫn vượt biên “chui”, tới Thái Lan gởi thư về thăm Giản Chi và tôi, cũng như ông Hồ Hải, nhà Cảo Thơm. Tháng 7.1980 thầy đã qua Mỹ. - Kiếp người Chiến tranh và Hoà bình rất dài và có nhiều chương lý thuyết về lịch sử đọc chán lắm, nhưng tôi giữ trọn, không bỏ một hàng vì tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến thì sẽ cắt bớt. Kiếp người (Of human bodage) của Somerset Maugham chỉ bằng một phần tư Chiến tranh và Hoà bình mà tôi lại cắt đi non một nửa – cắt những đoạn tả phong tục và đời sống bên Anh cuối thế kỷ trước – để tác phẩm bớt rườm rà mà thêm hấp dẫn, vì nghệ thuật của Maugham kém Tolstoi. Chính Maugham cũng nhận Tolstoi là bậc thầy. Tuy nhiên tôi cũng rất thích Kiếp người và vẫn thường say mê đọc lại, ông Giản Chi cũng vậy. Không có một tác phẩm nào tả được nhiều nỗi đau như thế; đau khổ của một đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở nhờ ông bà bác, xa chị vú thân yêu; đau khổ của một kẻ tàn tật, hồi đi học thì bị bạn giễu, lớn lên bị thiên hạ khinh; rồi cảnh khổ ở nội trú, nỗi thất vọng, chua chát khi mất lòng tin Chúa, nỗi chán chường khi phải học một nghề mình không ưa, sau khi phải tranh đấu với ông bác để được phép học được nghề mình thích thì lại thất vọng nhận ra rằng mình không có khiếu về nghề đó; đau khổ, tủi nhục nhất là yêu một con điếm mà nó không yêu lại, bị nó phản với bạn thân của mình, vậy mà vẫn không quên nó được; rồi cảnh đầu cơ nhẵn túi phải lang thang ở ngoài đường, uống nước máy, ngủ công viên, nhịn đói ba bốn ngày, phải bỏ học, nhận một chân chỉ dẫn khách hàng trong một tiệm buôn; sau cùng chỉ nuôi mỗi cái mộng đi du lịch thế giới mà đành phải bỏ, chịu sống cuộc đời vô vọng của một y sĩ trong một vùng quê nghèo. Đó là nỗi khổ của Philip, nhân vật chính. Các nhân vật phụ - trừ gia đình Athelny, nghèo mà hoà thuận, thương người, cứu mạng Philip – cũng mỗi người mang một cây thánh giá: bà bác Philip cô độc, không có con, yêu cháu như con mà nó bỏ bà đi qua Paris để học vẽ; một giáo sư Ý qua Đức dạy tư, đói quá, không giảng được bài; một thiếu nữ, cô Norah, yêu Philip, săn sóc từng li từng tí cho chàng mà chàng không bao giờ yêu lại được; một bác sĩ già, bác sĩ South, giận con gái và chàng rể, mà phải sống cô độc. Lạ lùng nhất là truyện đó Maugham viết hồi bốn mươi tuổi, về già cảnh của ông y như cảnh của bác sĩ South, cũng chỉ có mỗi cô con gái, cũng bất hoà với con rể mà sống một thân một mình. Bao nhiêu nỗi khổ của con người trước thế chiến thứ nhất đã được Maugham tả hết, không sót. Truyện có tính cách hợp nhân tình một cách lạ, đến nỗi tôi tưởng đổi tên người và tên đất đi thì có thể thành một tiểu thuyết Việt Nam thời 1920-30. Nhiều nhân vật điển hình như Philip, Mildred, Altheny, Norah, bác sĩ South… Văn rất giản dị, giọng chua chát, có khi dí dỏm, cảnh vật chỉ tả bằng vài nét đơn sơ mà gợi cảm, điêu luyện. Tác giả không thuyết lý, không dạy đời, mà gợi cho tôi lòng tha thứ kẻ khác, rán yêu đời, hy vọng ở tương lai, tìm hạnh phúc trong một tình thương chân thành và một đời sống giản dị. Triết lý đó rất Á đông. Lần đầu đọc xong tác phẩm, gấp sách lại rồi mà hai ba ngày sau tôi còn thấy một dư âm ở trong lòng, nửa vui nửa buồn, triền miên, bồi hồi. Một bà láng giềng đọc xong chạy qua bảo: “Hay quá”. Cuốn đó tôi dịch xong từ 1961, đưa cho nhà Khai Trí, họ không nhận, tôi cất đi, đợi cơ hội khác. Năm 1962, ông Paulus Hiếu, tôi quen từ hồi ở Long Xuyên, lúc này đã đổi tên là Ngô Trọng Hiếu, làm bộ trưởng Công dân vụ. Ông từ trước vẫn thích văn chương, đã giúp đỡ vài nhà thơ như Vũ Hoàng Chương, Hư Chu, và đã bỏ vốn xuất bản cho tôi cuốn Tổ chức công việc theo khoa học. Ông mời một số nhà văn có tên tuổi lại bộ, yêu cầu họ dịch cho một số tác phẩm có giá trị cho thanh niên đọc. Tôi không tới dự buổi họp, nhưng vì tình cũ, tôi hứa giúp; nhân có bản thảo Kiếp người, tôi đưa ông, ông cho in liền, cuối 1962 hay đầu 1963 đã phát hành, giá rẽ mà không ai mua, gần như chỉ để phát không. Đầu năm 1967, bốn năm sau, tôi tưởng sách đã bán hết, đưa nhà Lá Bối tái bản, thì sách bán rất chạy. Thầy Từ Mẫn nói với tôi: - Ngày phát hành tôi ngại quá. Các nhà sách bảo tôi cuốn đó ế, bản in của Tủ sách Thanh niên Cộng hoà vẫn còn. Nhưng ít tuần sau, tôi thấy sách bán chạy. (Thì ra cái gì của chính quyền thời đó in, dân chúng đều không đọc, của tư nhân in thì đọc. Bản của chính quyền bày ở vỉa hè, giá son có 50đ mà không ai mua, người ta tìm bản của nhà Lá Bối (giá 200 hay 250đ). Năm 1974, Kiếp người được nhà Lửa Thiêng in lại một lần nữa. Lần đó có sửa chữa vài chỗ. - Chiếc cầu trên sông Drina Năm 1971, ông Giám đốc nhà xuất bản Trí Đăng, một giáo sư trung học còn trẻ nhờ tôi dịch cho một tiểu thuyết. Tôi đề nghị cuốn Il est un point sur la Drina của nhà văn Nam Tư Ivo Andritch. Cuốn này cũng hay. Kỹ thuật mới mẻ. Lịch sử trên 300 năm của Nam Tư được kể thành 24 truyện trong 24 chương, chuyện nào cũng liên quan đến một chiếc cầu đá xây cất từ thế kỷ XVI trên sông Drina. Truyện rất hấp dẫn, phân tích tâm lý rất sâu sắc, nhiều nhân vật điển hình, giọng văn khi thì hùng, khi thì hài hước, lắm chỗ nên thơ, triết lý nhẹ nhàng.Ông Trí Đăng sau năm 1975, qua Mỹ, trước khi đi có lại chào tôi, tới Mỹ có gởi lời thăm tôi, hiện nay ông làm cho nhà in Việt ở Los Angeles. - Trước đó, năm 1969, ông Hoài Khanh, thi sĩ kiêm Giám đốc nhà xuất bản Ca Dao, ít vốn nhưng nhiều nhiệt tình, có lý tưởng, muốn lập một tủ sách “Phi châu và Da đen”, nhờ thầy Từ Mẫn giới thiệu với tôi để yêu cầu tôi dịch cho cuốn Cry, my beloved country của Alan Paton, và đưa cho tôi bản Pháp dịch của nhà Albin Michel: Pleure, ô pays bien aimé. Tôi đọc thấy cảm động, tác giả có lòng thương dân da đen và có hồn thơ nên tôi nhận lời. Tôi dịch kỹ, nhan đề là Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu, ráng theo sát cái giọng chất phác của các nhân vật da đen, lại kiếm tài liệu để viết bài Tựa dài 25 trang giới thiệu tác giả và tác phẩm, vạch chính sách vô nhân đạo của thực dân da trắng ở Nam Phi. Sách bán chạy, được một số độc giả khen là dịch khéo[8]. - Sau tôi còn dịch cho nhà Ca Dao cuốn Things fall apart (Quê hương tan rã) của một tác giả da đen: Chinua Achebe. Ông Hoài Khanh tặng tôi một gốc ngọc lan để thay gốc Nguyễn Hữu Ngư cho tôi mười năm trước, vì trốc rễ trong cơn giông mà chết. Sau ngày giải phóng ông lại thăm tôi một hai lần. Ông sống với một khu vườn ở Biên Hoà.°
Nay ôn lại những năm từ 1961 đến 1974, mua được căn nhà ở đường Kỳ Đồng rồi, tôi rút công việc xuất bản tới mức tối thiểu, để toàn lực vào việc viết lách, được vài tờ báo và vài ba nhà xuất bản yêu cầu hợp tác, nhờ vậy mà tôi viết được khá nhiều, trong nhiều lãnh vực, khiến có người phải ngạc nhiên rằng về vấn đề gì tôi cũng bàn được với một tinh thần nghiêm túc, bằng một bút pháp giản dị, sáng sủa. Năm 1975, trên một bài báo, Võ Phiến khen tôi: “Ông Nguyễn có cái tài của một nhà giáo là trình bày ý kiến thật rành mạch, khiến những vấn đề rắc rối, tối tăm nhất cũng hoá ra giản dị, minh bạch”. Có thể nói những năm đó tôi sống đầy đủ nhất, được cảm tình của nhiều độc giả nhất, được thêm nhiều bạn văn nhất, uy tín lên nhất. Những bạn văn đó đều giúp tôi được nhiều, đều lưu lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ hồi tôi đau nặng, nấc cục luôn một tuần, ông Trí Đăng tự ý tìm thuốc Bắc cho tôi uống, và coi vợ chồng tôi như người thân trong nhà. Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm ở gần nhà tôi thì hai ngày lại thăm một lần. Hôm nay trời u ám, nhìn chung quanh, mười bạn chỉ còn vài ba, những người khác hoặc đã thất lộc hoặc ở chân trời góc bể cả. Tôi bùi ngùi nhớ lại câu thơ của Tú Xương: Ta nhớ người xa cách núi sông,Người xa xa có nhớ ta không? Chú thích: [1] Ông Châu Hải Kì đề nghị cụ NHL tuyển các bài tựa viết cho mình và viết cho bạn văn, nhưng cụ chỉ lựa trong số các bài tựa viết cho bạn văn mà thôi. (Goldfish).[2] Đã xuất bản năm 1992, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT)[3] Đã xuất bản năm 1990, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT([4] Trong Hồi kí chép là: Vũ Bằng. (Goldfish).[5] Đã xuất bản (2 lần) năm 1992, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT).[6] Đã tái bản năm 1993, tại Nxb Văn học. (BT).[7] Đã xuất bản năm 1996, tại Nxb Văn hoá-Thông tin (BT)[8] Đã tái bản năm 1996, tại Nxb Văn học (BT).