Không thể tưởng tượng được những lời nói ấy đã gây nên sự ngạc nhiên như thế nào. Glenarvan đứng bật dậy, đẩy chiếc ghế ra và nói to: Ai vừa nói đấy nhỉ? Tôi, - một trong số những người làm của Paddy O’Moore ngồi ở cuối bàn đáp. Anh à, Ayrton? - Người lưu vong sửng sốt, không kém gì Glenarvan. Vâng, tôi, - Ayrton đáp lại bằng một giọng xúc động, nhưng kiên quyết, - Tôi cũng là một người Scotland như ngài, thưa huân tước và tôi là một trong những người bị nạn trên tàu “Britania”. Lời tuyên bố ấy đã gây ấn tượng không sao tả xiết. Mary Grant gần như ngất đi vì xúc động và hạnh phúc, gục đầu vào ngực huân tước phu nhân Helena, John Mangles, Robert, Paganel đứng phắt dậy và nhào tới người mà Paddy O’Moore vừa gọi là Ayrton. Anh ta chừng bốn mươi lăm tuổi, gương mặt khắc khổ, đôi mắt sáng ẩn sâu dưới cặp mày rậm. Tuy gầy gò, nhưng anh ta hẳn là đã có một sức mạnh khác thường. Dường như người anh ta chỉ toàn xương và thần kinh. Anh ta có đôi vai rộng, người tầm thước, phong thái nom thông minh, kiên quyết và đầy nghị lực. Đó là một người đã từng bị nhiều đau khổ, nhưng lại gây được ấn tượng về một con người có khả năng chịu đựng và vượt qua những đau khổ. Thoạt nhìn, Glenarvan và các bạn của ông đã thấy rõ điều đó. Con người Ayrton làm cho người ta kính trọng. Glenarvan, thể hiện những tình cảm chung, đã hỏi anh ta đủ điều. Cả hai người, Glenarvan và Ayrton, có lẽ đều xúc động trước cuộc gặp gỡ này, vì vậy những câu hỏi của Glenarvan lúc đầu khá lộn xộn. Anh là một trong những ngươờ bị nạn trên tàu “Britania”? Vâng, thưa huân tước, tôi là hoa tiêu của thuyền trưởng Grant. Anh đã thoát nạn trong lúc tàu bị đắm cùng với họ? Không, thưa huân tước, không! Trong giờ phút khủng khiếp ấy tôi bị sóng cuốn đi khỏi boong tàu và bị giạt lên bờ. Có lẽ anh không phải là người trong số hai thuỷ thủ được nhắc đến trong thư? Không… Tôi không ngờ có bức thư ấy. Thuyền trưởng đã bỏ thư xuống biển khi tôi không còn trên tàu nữa. Nhưng, tình hình thuyền trưởng ra sao? Tôi cho rằng ông ta đã bị chìm, mất tích, hy sinh cùng với cả đội thuỷ thủ của tàu “Britania”. Tôi thấy hình như chỉ có mình tôi là thoát nạn. Nhưng anh đã nói thuyền trưởng Grant còn sống kia mà! Không, tôi đã nói “Nếu thuyền trưởng Grant còn sống …!” Và anh đã nói thêm “thì ông ta đang ở Australie!” Vâng, ông ta chỉ có thể ở đây thôi. Có nghĩa là anh không biết rõ ông ta đang ở đâu? Không biết, thưa huân tước. Tôi nhắc lại: tôi cho rằng ông ta đã bị sóng nhận chìm hoặc đã bị va vào đã chết. Do huân tước nói nên tôi mới biết rằng ông ta có thể vẫn còn sống. Nhưng như vậy thì anh có biết gì thêm không? Chỉ biết một điều là nếu thuyền trưởng Grant còn sống thì ông ta đang ở Australie. Thế tai nạn đã xảy ra ở đâu? - Thiếu tá Mac Nabbs hỏi. Câu hỏi này dĩ nhiên là đáng lẽ phải được nêu ra ngay từ đầu, nhưng Glenarvan đã quá xúc động và quá vội vã muốn biết thuyền trưởng Grant đang ở đâu và có tin tức gì về nơi tàu “Britania” bị đắm không, nên đã bỏ qua. Câu chuyện từ nãy đến giờ đã diễn ra một cách lộn xộn, thiếu mạch lạc, chỉ mới đả động đến những vấn đề mà chưa đi sâu vào những vấn đề ấy. Nhưng sau câu hỏi của thiếu tá, cuộc nói chuyện đã bắt đầu có tính chất thiết thực hơn, và chẳng bao lâu, những người nghe đã biết rõ ràng mọi tình tiết của câu chuyện bí ẩn ấy. Ayrton đã trả lời câu hỏi của Mac Nabbs như sau: Khi tôi bị sóng cuốn khỏi boong tàu, lúc ấy, tôi đã hạ buồm xuống, thì tàu “Britania” bị giạt vào bờ biển Australie, còn cách đó chưa đầy hai cabeltove. Và tàu đã bị đắm ở ngay đó. Ở vĩ tuyến 37”? – John Mangles hỏi. Ở vĩ tuyến 37”, - Ayrton khẳng định. Trên vùng duyên hải phía tây? Ồ, không, ở phía đông, - Người hoa tiêu đáp lại rất linh hoạt. Thế tàu bị đắm vào lúc nào? Đêm 27 tháng 6 năm 1862. Đúng như vậy. Rất khớp! – Glenarvan kêu lên. Thưa huân tước, ngài thấy đó, tôi có cơ sở để cho rằng, nếu Grant còn sống thì cần phải tìm ông ta ở lục địa Australie và không phải ở đâu khác nữa. Chúng tôi sẽ đi tìm ông ta, sẽ tìm được ông ta và sẽ cứu ông ta, anh bạn của tôi ạ! – Paganel thốt lên. – Chà, thật là một tài liệu quý báu, - nhà địa lý nói với vẻ hồn nhiên chưa từng thấy. Nhưng, những lời ấy của Paganel tất nhiên là không ai nghe thấy cả: Glenarvan và huân tước phu nhân, Mary và Robert, - mọi người đã vây quanh Ayrton và tranh nhau bắt tay anh ta. Dường như sự có mặt của con người ấy là đảm bảo chắc chắn cho việc tìm cứu được thuyền trưởng Grant. Nếu trong khi tàu đắm có một thuỷ thủ còn sống sót, thì tại sao thuyền trưởng lại không thể thoát nạn? Ayrton đã nhắc lại rằng rất có thể là thuyền trưởng còn sống như anh ta. Nhưng thuyền trưởng đang ở đâu thì anh ta không thể nói được. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, thuyền trưởng đang ở một nơi nào đó trên lục địa này thôi. Người hoa tiêu ấy đã trả lời tất cả câu hỏi hoàn toàn chính xác và rõ ràng. Trong lúc anh ta nói, Mary đã nắm lấy tay anh ta. Vì đây là một người bạn đường của cha cô, một trong số những thuỷ thủ của tàu “Britania” kia mà! Anh ta đã cùng sống với Harry Grant, cùng đi trên mặt biển, cùng vượt qua những khó khăn nguy hiểm.... Và Mary đã khóc vì sung sướng, mắt không rời gương mặt khắc khổ của người hoa tiêu. Suốt từ nãy đến giờ không có ai nảy ra ý nghĩ rằng con người tự xưng là hoa tiêu ấy có đúng thực hay không? Và nói chung là có thể tin được lời của anh ta không? Chỉ có thiếu tá và có thể cả John Mangles nữa, những người không dễ dàng bị thuyết phục, là còn phân vân. Cuộc gặp gỡ với anh ta quả là quá bất ngờ, đến nỗi có thể gây nên một số điều đáng nghi nào đó. Đúng là Ayrton có nói đến những sự việc và con số hoàn toàn phù hợp với những điều đã được biết trong lá thư và đã giải thích thêm những tình tiết mới lạ. Nhưng, những tình tiết, cho dù chính xác đi nữa, vẫn không làm cho câu chuyện có thể tin cậy được. Vì trong một số tình tiết của chuyện đã phát hiện thấy sự giả dối. Nhưng Mac Nabbs đã gác lại những điều nghi ngờ của mình mà làm thinh. Còn nói về John Mangles thì, khi viên hoa tiêu bắt đầu kể với cô gái trẻ về người cha của cô, lập tức mọi nghi ngờ của anh ta đều tiêu tan hết, anh ta tin chắc rằng Ayrton đích thực là bạn đồng nghiệp của thuyền trưởng Grant. Rõ ràng là viên hoa tiêu trước đây đã biết cả Mary lẫn Robert, bởi vì anh ta đã từng gặp chúng ở cảng Glasgow trước khi tàu “Britania” nhổ neo. Ayrton nhắc lại cho Mary biết, anh ta đã cùng với hai chị em có mặt trong bữa ăn sáng chia tay do thuyền trưởng đãi bạn bè trên boong tàu của mình. Dạo ấy Robert hơn mười tuổi, được giao cho thuỷ thủ trưởng Dick Turner trông nom, nhưng chú đã vùng bỏ chạy và leo trèo khắp chỗ trên tàu. Đúng, đúng! – Robert xác nhận. Ayrton đã nhắc lại sự việc như thế. Và cứ mỗi lần anh ta dừng lại thì Mary lại khẩn khoản yêu cầu: Ông Ayrton kể nữa đi, kể nữa đi, cho chúng cháu nghe về cha của chúng cháu. Anh ta đã kể theo ý của cô gái. Glenarvan nhiều lần muốn hỏi một số điều cụ thể, nhưng huân tước phu nhân Helena ngăn lại, đưa mắt ra hiệu cho chồng biết Mary còn đang say chuyện. Ayrton đã kể lại toàn bộ hành trình của “Britania” trên Thái Bình Dương. Có nhiều điều anh ta nói Mary đã được biết, bởi vì những tin tức về tàu vẫn cứ đều đặn cho đến tận tháng 5 năm 1862. Trong thời gian ấy, Harry Grant đã đến nhiều đảo. Ông đã ghé lại các quần đảo New Hebrides, New Guinee, New Zealand và New Caledonie. Nhưng, ở đâu ông cũng thấy đất đai đã bị chiếm đoạt hết rồi và thường là bất hợp pháp. Chính quyền Anh sở tại đã gây ra cho ông đủ mọi trở ngại. Nhưng thuyền trưởng Grant cũng đã tìm được trên bờ biển phía Tây Guinee những vùng đất thích hợp. Ông thấy có thể lập ra một vùng di dân Scotland ở đó và vùng này nhất định sẽ phồn thịnh. Và quả là một hải cảng tốt trên tuyến đường giữa các quần đảo Moluque và Philippin, nhất định sẽ thu hút được không ít tàu biển, nhất là khi kênh đào Suez được hoàn thành, sẽ phế bỏ con đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng. Harry Grant là một người đã tích cực đấu tranh ủng hộ sáng kiến của ngài F Lesseps (1), người đặt lợi ích quốc tế cao hơn sự tranh đua về chính trị. Sau khi hoàn thành việc khảo sát vùng New Guinee, “Britania” đã đi Callao để bổ sung dự trữ thực phẩm và nhiên liệu. Ngày 30 tháng 5 năm 1862, nó đã rời cảng này và đi châu Âu qua Ấn Độ Dương và vòng qua mũi Hảo Vọng. “Britania” ra biển được ba tuần thì một trận bão khủng khiếp đã làm cho tàu không điều khiển được nữa và phải chặt bỏ các cột buồm. Hầm tàu bị nước rò không thể bịt lại được. Chẳng bao lâu đoàn thuỷ thủ đã hoàn toàn bị kiệt sức. Không thể dùng máy bơm để hút nước ra. Suốt cả tuần lễ “Britania” trở thành thứ đồ chơi cho bão biển vờn giỡn. Nước trong hầm tàu lên đến một mét tám. Tàu bị chìm dần. Các xuồng đều bị bão giật vỡ. Trong khi cái chết không tránh khỏi đang đe doạ đoàn thuỷ thủ thì bỗng đêm rạng ngày 27 tháng 6 (Paganel đã đoán đúng) họ thấy xuất hiện vùng duyên hải phía đông Australie. Chẳng bao lâu “Britania” đã bị quẳng lên bờ với một sức mạnh khủng khiếp. Ayrton bị sóng cuốn vào vùng nước xoáy và ngất đi. Khi tỉnh dậy anh ta thấy mình bị những người thổ dân bắt giữ. Họ đưa Ayrton vào sâu trong đất liền. Từ đó đến này anh ta không hay biết gì về “Britania” và hoàn toàn có căn cứ để phóng đoán rằng nó đã bị va vào dải đá ngầm ở Twofold-Bay và đã bị đắm cùng với cả đoàn thuỷ thủ và hàng hoá. Đến đây kết thúc phần chuyện có liên quan đến thuyền trưởng Grant. Nhiều lần Ayrton đang nói đã bị những tiếng kêu đau xót chen ngang. Thậm chí đến thiếu tá, công bằng mà nói, cũng không thể nghi ngờ tính xác thực của Ayrton. Bây giờ ta hãy nghe câu chuyện về bản thân Ayrton, có lẽ còn hấp dẫn hơn cả câu chuyện về tàu “Britania”. Vì nhờ có bức thư nên không ai nghi ngờ gì về việc thuyền trưởng Grant cùng vói hai thuỷ thủ còn sống sót sau khi tàu bị nạn, cũng giống như chính Ayrton, và do đó, khi biết số phận của một người thì hoàn toàn có căn cứ để xét đoán số phận của những người khác. Vì vậy, mọi người đã yêu cầu Ayrton kể quãng đời phiêu lưu của anh ta. Anh ta đã làm việc ấy rất đơn giản và ngắn gọn. Người thuỷ thủ thoát nạn ấy sau khi một bộ lạc thổ dân bắt giữ, đã bị đưa sâu vào nội địa, ở vùng châu thổ sông Darling, cách vĩ tuyến 37 chừng bốn trăm dặm về phía bắc. Anh ta đã sống ở đó trong cảnh thiếu thốn nặng nề, bởi vì bản thân bộ lạc đó cũng nghèo đói. Hai năm sống trong cảnh nô lện tàn bạo ấy đã kéo dài lê thê. Nhưng, trong thâm tâm, anh ta vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đấy sẽ được giải thoát. Anh ta đã quyết định chạy trốn, mặc dù biết rằng như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm. Một đêm tháng 10 năm 1864, Ayrton đã đánh lừa được những người thổ dân và trốn thoát vào rừng rặm mênh mông. Suốt cả tháng trời anh bị lạc ở nơi hoang vắng ấy, đào củ rừng mà sống. Ban ngày định hướng đi theo mặt trời, còn ban đêm thì theo sao. Anh ta thường xuyên lâm vào cảnh thất vọng. Cứ như thế, anh ta vượt qua những bãi sình lầy, sông núi, vượt qua vùng đất hoang xưa của lục địa Australie, mà mới chỉ có một số nhà thám hiểm dũng cảm đặt chân tới. Cuối cùng bị kiệt sức, gần như sắp chết, anh ta đã lê được đến nhà ông Paddy O’Moore mến khách này đây. Anh ta xin ở lại làm việc và được sống lại cuộc đời hạnh phúc. Nếu Ayrton hài lòng về tôi, - người Irlande lưu vong nói, khi viên hoa tiêu vừa kể xong, - thì cần phải nói rằng tôi cũng hài lòng về anh ta. Anh ta là một người thông minh dũng cảm, một người làm việc tốt, và nếu anh ta muốn thì mái nhà của Paddy O’Moore sẽ mãi mãi là của anh ta. Ayrton cũi mình tạ ơn người Irlande và bắt đầu chờ đợi những câu hỏi khác. Glenarvan định phác thảo một kế hoạch hành động mới dựa theo tình hình mà Ayrton vừa cung cấp, nhưng lúc ấy thiếu tá đã quay sang hỏi anh ta. Anh đã làm hoa tiêu trên tàu “Britania”? Vâng, - Ayrton đáp ngay không cần nghĩ. Biết rằng câu hỏi của Mac Nabbs là biểu hiện ý nghi ngờ cuối cùng, nên anh ta đã nói thêm: - Tôi còn giữ được nguyên vẹn bản hợp đồng làm việc trên tàu. Và tức thì Ayrton đi lấy ngay bản hợp đồng ấy. Anh ta vắng mặt không đầy một phút, nhưng Paddy O’Moore đã kịp nói với Glenarvan: Thưa huân tước, ngài hãy tin tôi. Ayrton là một người lương thiện. Qua hai tháng anh ta làm việc ở đây, tôi hoàn toàn không có điều gì phải trách cứ anh ta. Đó là một người chắc chắn xứng đáng với sự tin cậy của ngài. Glenarvan định trả lời rằng ông ta không có ý nghi ngờ tính đúng đắn của Ayrton, nhưng vừa lúc ấy viên hoa tiêu đã trở lại và đưa cho Glenarvan bản hợp đồng đã được ký kết đúng thể lệ quy định. Bản hợp đồng do chủ tàu “Britania” thuyền trưởng Grant ký tên Mary nhận ra ngay nét chữ của cha. Bản hợp đồng xác định rằng: “Tom Ayrton, thuỷ thủ hạng nhất, đã được nhận làm hoa tiêu trên tàu ba cột buồm “Britania”” Thế là về con người Ayrton không thể nghi ngờ gì được nữa, bởi vì không thể có chuyện anh ta lại đi giữ một chứng từ mà không phải của anh ta. Còn bây giờ, - Glenarvan nói, - tôi đề nghị mọi người phát biểu, và chúng ta sẽ quyết định ngay những việc cần làm. Ayrton, những lời nói của ông đặc biệt quý hoá đối với chúng tôi và tôi rất biết ơn. Suy nghĩ một chút, Ayrton đáp: Xin cảm ơn huân tước về sự tin cậy mà ngài đã dành cho tôi. Tin rằng tôi sẽ xứng đáng với lòng tin cậy đó. Tất nhiên là tôi có biết đôi chút về vùng ấy, về phong tục tập quán của thổ dân, và nếu như tôi có thể làm được việc gì hữu ích cho ngài thì… Nhất định là có, - Glenarvan đáp. Tôi cũng nghĩ như ngài, - Ayrton nói tiếp, - rằng thuyền trưởng Grant và hai thuỷ thủ đã thoát nạn, mà nếu họ đã không đến một lãnh địa nào đó của Anh và không có tin tức gì về họ thì tôi cho rằng họ, cũng như tôi, đã bị một bộ lạc thổ dân nào đó bắt giữ. Ayrton, anh đang nhắc lại chính những điều mà tôi đã kết luận – Paganel nói. – Rõ ràng thuyền trưởng Grant cùng với hai thuỷ thủ của mình, sau khi thoát nạn, đã bị những người thổ dân bắt. Nhưng liệu chúng ta có thể cho rằng họ, cũng như anh, đã bị đưa lên phía bắc vĩ tuyến 37 không? Có lẽ đúng, thưa ông, - Ayrton đáp, - các bộ lạc thù địch rất không ưa sống ở gần những vùng do người Anh cai trị. Điều đó làm cho cuộc tìm kiếm của chúng ta thêm phức tạp, - Glenarvan băn khoăn nói. – Làm sao tìm được dấu tích của những người bị bắt ấy trên lục địa mênh mông này? Đáp lại câu hỏi đó là một sự im lặng kéo dài. Huân tước phu nhân Helena đã đưa mắt dò hỏi những người cùng đi. Thậm chí cả Paganel, trái với lệ thường, cũng giữ im lặng. Sự sáng trí mọi ngày của ông đã phản lại ông. John Mangles trong lúc bối rối đã sải những bước dài, đi đi lại lại trong phòng, như đi trên cầu chỉ huy của tàu mình vậy. Ông Ayrton, theo ông thì nên quyết định thế nào – Huân tước phu nhân Helena quay sang hỏi viên hoa tiêu. Thưa phu nhân, tôi sẽ quay trở về “Ducan”, đi thẳng đến nơi xảy ra tai nạn đắm tàu. – Ayrton nói với một vẻ linh hoạt. – Còn ở đó tôi sẽ hành đồng phù hợp với tình huống và biết đâu lại chẳng gặp cơ hội may mắn nào đó. Tuyệt lắm! – Glenarvan nói, - nhưng có điều là phải đợi sửa chữa xong “Ducan” đã. À, vậy là tàu của ngài có chỗ bị hư? – Ayrton hỏi. Vâng, John Mangles lên tiếng. Có nặng không? Không, nhưng muốn sửa chữa phải có thiết bị, mà tàu chúng tôi lại không có. Chân vịt có một cánh bị cong và chỉ có thể đến Mebourne mới chữa được. Nhưng chẳng lẽ không thể chạy bằng buồm được sao? – Viên hoa tiêu hỏi. Được chứ. Nhưng nếu bị ngược gió thì hành trình đi đến Twofold-Bay sẽ bị kéo dài, mà đằng nào cũng cần phải đi Melbourne. Vậy thì cứ để “Ducan” đi Melbourne, - Paganel tham gia. – Còn chúng ta đi đến vịnh Twofold-Bay bằng cách khác. Bằng cách nào? – John Mangles muốn biết. Chúng ta sẽ đi qua Australie như đã đi qua Nam Mỹ, cứ bám sát theo vĩ tuyến 37 mà đi. Thế còn “Ducan”? – Ayrton hỏi với một vẻ quan tâm hơi đặc biệt. “Ducan” sẽ đến với chúng ta, hoặc chúng ta sẽ đến với nó, tuỳ theo tình huống. Nếu trên đường đi mà tìm thấy thuyền trưởng Grant thì chúng ta sẽ cùng ông quay trở lại Melbourne. Nếu chúng ta phải kéo dài cuộc tìm kiếm đến tận cùng duyên hải thì “Ducan” sẽ đến đó đón chúng ta. Có ai không tán thành kế hoạch này không? Ý bác thế nào, thiếu tá? Không ai phản đối, - Mac Nabbs trả lời, - nhưng có điều là liệu chuyến vượt qua Australie có thể thực hiện được không? Được lắm chứ, vì thế nên tôi đề nghị cho huân tước phu nhân và cô Mary cùng đi với chúng ta, - nhà bác học nói. Ngài nói điều ấy nghiêm chỉnh đấy chứ, Paganel? – Glenarvan hỏi. Hoàn toàn nghiêm chỉnh, thưa huân tước thân mến. Chặng đường vượt này khoảng 350 dặm gì đó. Mỗi ngày đi 12 dặm thì chúng ta sẽ đi mất chưa đầy một tháng, tức là bằng đúng thời gian dùng để sửa chữa tàu “Ducan”. Nhưng nếu cần vượt qua lục địa Australie xa hơn về phía bắc là nơi rộng nhất Australie, có những vùng sa mạc mênh mông, không có nước, oi bức không sao chịu được, - tóm lại là phải chịu đựng tất cả những gì mà các nhà thám hiểm dũng cảm nhất chưa hề trải qua – đó lại là chuyện khác. Còn vĩ tuyến 37 thì đi qua tỉnh Victoria, qua các lãnh địa của Anh, hầu như nơi nào cũng có dân cư, đường sá, xe lửa. Một cuộc thám hiểm như vậy thậm chí có thể thực hiện được bằng xe ngựa. Giống như một cuộc dạo chơi từ London đến Edimbourg mà thôi, không hơn đâu. Thế thú dữ thì sao? – Glenarvan hỏi, muốn đề phòng trước mọi điều. Ở Australie không có thú dữ. – Còn ở châu Âu thì không được mấy nơi như vậy. Thế nào, ta quyết định được rồi chứ? Ý em sao, Helena? – Glenarvan quay sang hỏi vợ. Ý em cũng giống y mà mỗi người chúng ta đều sẵn sàng nói ra, anh Edward thân yêu ạ. – Helena vừa trả lời vừa quay về phía các nhà thám hiểm khác. Lên đường! Lên đường thôi! Chú thích:(1) Là nhà ngoại giao Pháp, theo dự án của ông năm 1855 - một công ty kênh đào Suez đã được thành lập. Kênh này đã được khai trương năm 1869.