Người dịch: Lê Văn Viện
QUYỂN HAI - QUYỀN LỰC VÀ TIỀN
Chương 1 & 2

Ông bác sĩ rút kim tiêm dưới da ra một cách thành thục rồi quay sang người thanh niên đang đứng cạnh giường. "Mũi tiêm sẽ giúp ông ngủ, Dax, và giúp ông có đủ nghị lực để chống chọi với cơn khủng hoảng có thể đến vào đêm nay".
Người thanh niên không trả lời ngay. Anh đi đến đầu giường, nhẹ nhàng lau mồ hôi ẩm trên trán bố. "Nhưng ông cũng sẽ qua đời", anh lặng lẽ nói, không ngẩng lên.
Ông bác sĩ ngập ngừng. "Không thể nào  biết được. Lần trước cha anh đã đánh lừa chúng ta. Tất cả đều nằm trong bàn tay của Chúa trời". Ông cảm nhận tác động trong cặp mắt nâu sẫm của người thanh niên. Dax nói.
"Ở trong rừng, chúng tôi có câu, Chỉ cây cỏ mới đặt số phận mình trong bàn tay Chúa trời. Chỉ cây cỏ mới tin vào Chúa".
Giọng anh nhỏ nhẹ và ông bác sĩ vẫn chưa quen với thứ tiếng Pháp nhẹ nhàng, líu nhíu và gần như là không có trọng âm. Ông vẫn nhớ cậu ta phải chật vật với ngôn ngữ như thế nào khi lần đầu tiên ông gặp. Bảy năm trước đây. "Và anh không tin à?"
"Không, tôi đã chứng kiến quá nhiều điều khủng khiếp nên khó mà còn nhiều niềm tin".
Dax lại nhìn xuống bố. Jaime Xenos nhắm mắt, như đang nghỉ. Nhịp thở của ông nặng nề, khó khăn.
"Tôi đi kêu linh mục để làm những lễ tiết cuối cùng", ông bác sĩ nói. "Anh có đồng ý không?"
Dax nhún vai. "Tôi có đồng ý hay không, không quan trọng. Điều quan trọng là bố tôi có tin hay không".
"Tôi sẽ trở lại sau bữa tối", ông bác sĩ nói.
Khi cánh cửa trước của lãnh sự quán đóng lại sau lưng ông bác sĩ, Dax trở vào văn phòng bố. Mèo Bự và Marcel Campion, thư ký kiêm phiên dịch của bố anh, băn khoăn bước tới. Dax lắc đầu, đến bên bàn, lấy một điếu xì gà nhỏ trong hộp, châm hút.
"Anh nên gởi bức điện cho tổng thống", anh bảo Marcel, giọng anh bằng phẳng, đầy kiềm chế. "Cha sắp qua đời. Xin cho ý kiến".
Người thư ký vội vã rời phòng. Một thoáng sau, tiếng lách cách của chiếc máy chữ phảng phất qua cánh cửa đóng kín. Mèo Bự cáu bẳn nguyền rủa "Ôi, Đức Mẹ đồng trinh! Thế là chấm dứt ở đây. Ở cái xứ sở băng giá chết tiệt này!".
Dax lặng thinh. Anh đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài.
Chiều xuống, trời bắt đầu mưa. Mưa làm mềm những toà nhà xám đen bẩn thỉu dọc đường đến Montmartre. Hầu như Paris lúc nào cũng mưa.
Hệt như buổi tối họ từ Corteguay lần  đầu tiên đặt chân đến đây, bảy năm về trước. Trông họ như lũ cả thộn, khăn quàng trùm kín mặt để chống đỡ một cách vô hiệu với mưa tuyết tháng Hai, đứng ngơ ngáo bên lề đường cùng với đống hành lý cao ngất mà tài xế taxi quẳng xuống.
"Cánh cổng chết tiệt này khoá rồi", Mèo Bự nói.
"Bấm chuông nữa đi. Phải có ai ở trong nhà chứ".
Mèo Bự đưa tay lên. Tiếng leng keng ngập cả khu phố nhỏ, dội từ nhà nọ sang nhà kia. Nhưng vẫn chẳng thấy ai trả lời.
"Tôi có thể mở cửa được".
"Thế còn chờ gì nữa?"
Hành động của Mèo Bự quá nhanh, mắt thường không dõi kịp. Khẩu automatic rung lên trong tay hắn và tiếng dội như sấm rền trong đêm.
"Thằng ngu!" Cha Dax giận dữ. "Giờ thì cảnh sát sẽ ập đến và cả thế giới biết là chúng ta không vào được chính lãnh sự quán của mình! Người ta sẽ được một mẻ cười!" ông nhìn cánh cổng. "Mà có được gì đâu. Cổng vẫn đóng".
"Không ạ", Mèo Bự lấy chân hẩy. Cánh cổng mở ra, bản lề kêu ken két. Ông Xenos bước vào, nhưng Mèo Bự giang tay ngăn lại. "Tôi thấy thế nào ấy, như có mùi tử khí. Để tôi vào trước thì hơn".
"Vớ vẩn! Hơn kém cái gì. Mà tại sao lại hơn với chả kém?"
"Quá rõ rồi! Ramizez phải ở đây, vậy mà nhà trống không. Có thể là một cái bẫy. Ramirez có thể đã bán đứng chúng ta".
"Bậy nào. Ramírez không bao giờ làm thế. Tổng thống đã bổ nhiệm anh ta giữ chức này, vì chính ta tiến cử".
Tuy vậy, ông vẫn đứng sang bên, nhường Mèo Bự dẫn đầu trên lối vào toà nhà. Cỏ dại mọc lút tất cả, phất những giọt sương ẩm ướt vào chân họ. Một cách vô thức, giọng Dax chỉ còn là tiếng thì thầm. "Cậu có cho là cửa trước cũng khoá không?"
"Để xem", Mèo Bự vẫy tay để mọi người dạt sang một bên, rồi dán bụng xuống đất, hắn cẩn trọng thò tay vào núm cửa.
Cánh cửa êm ái mở ra. Mọi người căng mắt nhìn vào vùng tối bên trong, nhưng chẳng thấy được gì. Khẩu automatic lại bỗng xuất hiện trên tay Mèo Bự. Cặp môi hắn cử động trong một lời thì thầm "Ta đi với Chúa đây!"
Mọi người nghe tiếng hắn vấp ngã trong bóng tối, tiếng chửi thề, rồi tiếng hắn gọi đúng lúc đèn bật sáng. "Không có ai cả".
Mọi người trố mắt nhìn. Cứ như thể một cơn lốc vừa tràn qua đây. Mọi thứ tung toé khắp nơi. Chiếc bàn trong bếp có lẽ là thứ đồ đạc duy nhất còn đứng đủ trên bốn chân.
"Bọn trộm đã qua đây" Mèo Bự nói.
Cha Dax nhìn hắn. Một biểu hiện đau đớn kỳ lạ trong cặp mắt, như thể ông vẫn chưa hiểu được những gì ông nhìn thấy. Cuối cùng ông buồn bã nói "Không phải bọn ăn trộm. Bọn phản bội".
Mèo Bự lặng lẽ cuốn điếu thuốc khi cha Dax nhặt một tờ giấy đấy sàn xem. "Có thể chúng ta vào nhầm nhà", hắn toan an ủi.
Cha Dax lắc đầu. "Không, chúng ta vào đúng nhà rồi". Ông giơ tờ  giấy ra. Một công văn chính thức của Corteguay.
Dax nhìn cha. "Con mệt quá".
Ông già kéo con trai vào lòng, nhìn quanh phòng rồi nhìn Dax. "Chúng ta không thể ở đây. Tôi có thấy một nhà nghỉ ở chân đồi. Đi thôi, không biết họ có gì cho mình ăn không, nhưng ít nhất thì chúng ta cũng có một chỗ qua đêm khả dĩ".
Một cô gái ăn vận gọn gàng nhún chân chào khi mở cửa, líu lo thứ tiếng Pháp của Paris "Xin chào các ông".
Cha Dax chùi chân cẩn thận trên thảm cửa trước khi bước vào. Ông bỏ mũ "Cô có ba phòng ngủ cho đêm nay không?"
Mặt đầy ngạc nhiên, cô ta liếc Mèo Bự hai tay đầy hành lý, nhã nhặn hỏi "Các ông có hẹn không ạ?"
Bây giờ thì đến lượt mọi người bối rối. "Hẹn? có nghĩa là đặt trước à?" Cha Dax cố tìm một từ đúng trong mớ kiến thức Pháp văn hạn hữu của ông. "Có cần thiết không?"
Cô ta mở cánh cửa sang một phòng khách nhỏ. "Xin quý vị đợi một chút ở đây. Tôi sẽ kêu  bà Blanchette".
"Cảm ơn", cha Dax dẫn mọi người vào. Căn phòng được bầy biện tỉ mỉ với thảm dầy sẫm màu, sofa và ghế bành mềm mại. Chiếc lò sưởi đang bập bùng, thật ấm áp. Trên kệ là chai brandy.
Một giọng sung sướng phát ra từ sâu thẳm cổ họng Mèo Bự. "Có thế chứ", hắn nói, bước tới chiếc kệ. Hắn nhìn lại ông lãnh sự. "Tôi rót cho ngài một ly brandy chứ ạ?"
"Không biết có nên hay không, bởi vì chúng ta không biết brandy được bày ra cho ai".
"Cho khách ạ", logic của Mèo Bự thật không chê vào đâu. "Nếu không thì để ra đây làm gì?"
Hắn rót cho ông một ly rồi tợp nhanh ly của mình. "Tuyệt", hắn nhanh nhẹn rót cho mình một ly nữa.
Dax ngã xuống chiếc sofa đặt trước lò sưởi. Sự ấm áp của ngọn lửa như liếm trên mặt. Nó thấy đôi mắt trĩu xuống.
Cửa mở và cô gái đưa một phụ nữ đứng tuổi, mặn mòi vào phòng. Bà vận chiếc váy dài nhung thẫm màu, hai chuỗi ngọc trai trên  cổ và một viên kim cương to đùng gắn trên mặt chiếc nhẫn vàng ở ngón tay.
Cha Dax cúi đầu chào. "Jaime Xenos".
"Ông Xenos", bà liếc Mèo Bự rồi Dax. Nếu bà có ý phản đối Mèo Bự đã tự rót brandy cho mình thì chắc bà cũng chẳng để lộ ra. "Tôi có thể giúp gì cho quý vị đây".
"Chúng tôi cần chỗ ngủ qua đêm" Cha Dax nói. "Chúng tôi ở lãnh sự quán Corteguay trên phố, nhưng chắc có gì trục trặc đó. Không có ai ở đấy cả".
Giọng người đàn bà cực kỳ nhã nhặn. "Thưa ông, tôi có thể xem hộ chiếu của ông được không? ấy là quy định mà".
"Tất nhiên", cha Dax đưa ra các tấm hộ chiếu bọc da màu đỏ.
Bà Blanchette xem qua rồi nhìn vào Dax. "Con trai ông?"
"Vâng. Và tuỳ viên quân sự của tôi".
Mèo Bự sung sướng ra mặt trước sự thăng trật bất ngờ này, và nhanh nhẹn tự thưởng cho mình một ly brandy.
"Ông là lãnh sự mới à?"
"Vâng, thưa bà".
Bà Blanchette trả lại hộ chiếu, lưỡng lự một thoáng rồi nói. "Xin lỗi ngài, cho tôi ra xem lại phòng ốc. Cũng đã muộn mà cũng khá nhiều khách đặt phòng".
Ông lãnh sự lại cúi chào. "Cám ơn lòng tốt của bà".
Bà Blanchette khép cửa lại phía sau, đứng yên một lát. Rồi bà nhún vai, đi xuống, mở cửa vào một căn phòng còn được bài trí cầu kỳ hơn cả căn phòng bà vừa bước ra.
Giữa  phòng là chiếc bàn lớn với năm người đàn ông đang đánh bài. Đứng sau họ là các cô gái trẻ đẹp, ăn vận đồ thời thượng nhất. Hai cô gái khác đang trò chuyện trên chiếc sofa bên lò sưởi.
"Banco", một người chơi bài kêu.
"Khỉ thật!" người kia trả lời, ném bài xuống bàn. Ông ta nhìn lên bà Blanchetted. "Có ai đó hay ho không?"
"Em không biết. Nam tước ạ" bà trả lời. "Đấy là lãnh sự mới của Corteguay".
"Hắn muốn gì? tin tức về cái thằng chó đẻ Ramirez à?"
"Không" bà  trả lời. "Ông ta muốn phòng ngủ qua đêm".
Tay chơi bài, người vừa mua đứt một nhà băng, khúc khích cười. "Gã tội nghiệp này có thể đã thấy dấu tích của ông. Tôi đã bảo ông là chẳng chóng thì chầy cũng sẽ xảy ra mà".
"Sao em không tống khứ hắn đi?" Nam tước hỏi.
"Em không biết" bà Blanchette trả lời, giọng bối rối. "Em cũng toan làm thế, nhưng khi thấy thằng nhỏ…"
"Hắn mang theo con trai à?" Nam tước hỏi.
"Vâng" bà lưỡng lự một lát rồi quay ra cửa. "Có lẽ em chẳng làm gì được".
"Một phủt" Nam tước De Coye đứng lên. "Tôi muốn thấy họ".
"Ông làm sao thế, Nam tước?" Người chơi bài ngồi bên trái hỏi. "Ramizez chơi ông chưa đủ ngay trên chiếc bàn này à? Hắn nợ ông hơn tất cả chúng tôi – ít nhất cũng một trăm ngàn franc".
"Đúng" chủ nhà băng đồng ý. "Thế ông tưởng có thể đòi tay lãnh sự mới à? Chúng ta đều biết Corteguay đang vỡ nợ".
Nam tước De Coyne nhìn đám bạn bè, nói "Các ông là một bọn ưa chỉ trích cay độc. Còn tôi chỉ đơn giản là tò mò muốn xem lần này họ đưa đến cho chúng ta một tay như thế nào mà thôi".
"Thì có khác gì? Bọn chúng giống nhau hết. Tất cả cái mà chúng nó thực sự muốn là tiền của chúng ta".
"Ngài có muốn gặp họ không ạ?" Bà Blanchette hỏi.
Nam tước lắc đầu. "Không, chỉ nhìn họ thôi".
Ông ta theo bà đến bức tường ngăn, rồi bà kéo tấm rèm. Có một ô kính nhỏ ở trên tường. "Ta có thể thấy họ", bà nói,"nhưng họ không thấy được ta. Có gương ở phía họ".
Nam tước gật đầu rồi nhìn vào phòng. Hình ảnh đầu tiên ông ta thấy là cậu bé mặt đầy mệt mỏi đang ngủ thiếp trên sofa.
"Nó đúng khoảng tuổi con trai tôi " ông ta ngạc nhiên nói với bà Blanchette. "Mẹ thằng bé chắc đã chết, nếu không thì nó chẳng đi với bố thế này. Có ai biết Ramirez ở đâu không?"
Bà Blanchette nhún vai. "Người ta đồn là hắn có một chỗ ở vùng Riveria của người Ý, nhưng cũng chẳng ai biết chắc cả. Một đêm vào tuần trước, một chiếc xe tải chuyển tất cả các thứ ở lãnh sự quán đi".
Mặt Nam tước sa sầm. Vậy là vì sao họ phải đến đây thuê phòng. Ông biết thừa là đối với Ramirez thì một mẩu củi cũng chẳng còn. Ông thấy người đàn ông cao lớn bước đến bên sofa, đặt chiếc gối dưới đầu cậu bé. Có một biểu hiện dịu dàng đến bí ẩn trên khuôn mặt sẫm mầu của người đàn ông.
Nam tước bỏ tấm rèm, quay sang bà Blanchette. Người đàn ông tội nghiệp này sẽ hứng đủ phiền hà nếu có tin đồn lan ra là một lãnh sự mới của Corteguay đã đến Paris. "Dành cho họ phòng của tôi. Chắc Zizi không phản đối nếu tôi qua đêm ở phòng cô ấy".
Chương 2
Đã mười giờ sáng mà cứ như thể là nửa đêm khi Marcel Campion nghe tiếng gõ cửa. Anh lăn đi, chụp chiếc gối lên đầu, nhưng vẫn nghe giọng the thé của mụ chủ nhà.
"Được rồi, được rồi!" Anh vừa ke6u vừa ngồi dậy. "Tí nữa quay lại. Tôi sẽ trả tiền nhà, tôi hứa với bà mà!"
"Thưa ông, ông có điện thoại ạ".
"Tôi à?" Marcel nhíu mày cố nghĩ xem ai có thể gọi điện cho mình. "Bảo họ cầm máy. Tôi xuống ngay đây".
Loạng choạng đến chậu rửa, anh vặn vòi rồi táp nước lạnh cóng lên mặt, cặp mắt đỏ ngầu nhìn chằm chằm một cách độc địa vào anh từ trong chiếc gương bé tí. Anh lơ mơ nhớ lại thứ vang gì anh đã uống đêm qua. Loại gì thì loại, nhưng chắc chắn là kinh khủng, bởi nó rất rẻ.
Bà gác dan ngồi sau bàn khi anh cầm điện thoại lên, cố vờ như không nghe, nhưng anh biết là bà chẳng để sót lời nào. "Alo?"
"Ông Campion?" một giọng nữ tươi tắn hỏi.
"Vâng".
"Xin cầm máy. Nam tước De Coyne đang gọi".
Và chưa kịp ngạc nhiên, Marcel đã nghe câu hỏi "Có phải ông Campion đã từng làm việc ở lãnh sự quán Corteguay không?"
"Vâng, thưa ngài" giọng Marcel đầy trọng thị. "Nhưng tôi không còn làm việc ở đấy nữa. Lãnh sự quán đã đóng cửa".
"Tôi biết. Nhưng một lãnh sự mới vừa tới. Tôi cho là anh nên quay lại", giọng Nam tước cụt ngủn.
"Nhưng thưa ngài, ông lãnh sự cũ còn nợ tôi ba tháng lương!"
Rõ ràng là Nam tước không quen đề nghị của mình bị từ chối. "Trở lại làm việc. Tôi sẽ đảm bảo lương của ông".
Nam tước dập máy, để lại Marcel đứng nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại câm lặng. Từ từ, anh đặt nó xuống. Bà gác dan đến bên anh, mỉm cười "Ông trở lại làm việc?"
Anh không đáp, bước đến cầu thang mà lòng còn băn khoăn. Nam tước De Coyne là một trong những người giàu nhất nước Pháp. Tại sao ông ấy lại quan tâm đến cái nước Corteguay bé tí ấy? Hầu hết mọi người còn chẳng biết nó ở đâu.
Chuông điện thoại lại ré lên, bà gác dan nhấc máy, rồi đưa cho Marcel. "Của anh đấy".
"Alô?"
"Campion", giọng cụt ngủn như đã quen ra lệnh, "tôi muốn anh đến đấy ngay!".
Marcel liếc đồng hồ khi anh rẽ vào đường Pelier để lên đồi. Mười một giờ. Thế đã đủ nhanh. Thậm chí đối với Nam tước.
Người bán tạp phẩm dang quét vỉa hè trước cửa tiệm chào anh. "Chào Marcel", giọng ông vui vẻ "Anh trở lại có việc gì thế?"
"Xin chào. Tôi đến lãnh sự quán".
"Trở lại làm việc?" ông bán tạp phẩm nhìn anh một cách cay đắng. "Thằng khốn nạn Ramirez đã trở lại à? Hắn vẫn còn nợ tôi hơn bảy nghìn tranc đấy".
"Ba ngàn francs", Marcel nhắc lại như máy. Anh nhớ mọi thứ theo kiểu ấy.
"Ba ngàn, bảy ngàn, thì có khác gì nhau? Ramirez biến mất và tiền của tôi cũng vậy". Ông bán tạp hoá đứng tựa cây chổi. "Chuyện gì thế?" ông bí mật hỏi. "Anh có thể nói với tôi mà".
"Tôi không biết", Marcel thành thực trả lời. "Tôi chỉ vừa nghe có ông lãnh sự mới tới. Tôi nghĩ là có thể kiếm lại công việc cũ".
Ông bán tạp hoá đầy suy tư. "Có thể tiền của tôi cũng chưa đến nỗi biến mất". Ông nhìn Marcel "Năm mươi phần trăm cho anh nếu như anh đòi được cho tôi. Một ngàn rưởi franc đấy".
"Ba ngàn rưởi", Marcel trả lời như máy.
Ông bán tạp hoá nhìn anh một thoáng rồi nở nụ cười hồ hởi. Ông véo vào cánh tay Marcel. "Ái chà, cái anh chàng Marcel này. Tôi vẫn bảo là phải dạy sớm thì mới thắng anh được mà. Đúng là ba ngàn rưởi franc".
Marcel tiếp tục lên đồi. Giờ thì anh đã thấy toà lãnh sự. Vì một thôi thúc nào đó, anh tạt sang bên lề đối diện. Điều đầu tiên anh thấy là cánh cổng để mở ra, thậm chí từ bên kia đường, anh cũng thấy được chiếc khoá đã  bể. Anh gật gù. Có lẽ họ đã phải đập bể nó để vào. Anh không biết người chủ nhà sẽ nói sao đây.
Điều thứ hai anh thấy là một thằng bé đang cắt cỏ trong vườn trước. Mặc dù trời lạnh, nó chỉ mặc áo lót và những bắp thịt nơi cánh tay nó cứ cuồn cuộn mỗi khi nó vung con dao quắm lên. Mặt nó tập trung đầy vẻ nghiêm trọng.
Marcel nhìn chằm chằm lưỡi dao quắm trong tay thằng bé. Anh chưa từng thấy nó bao giờ. Rồi anh mới nhớ anh đã thấy trong một vài tấm hình mà Ramirez cho anh xem. Thằng bé không phải người Pháp, điều đó thì rõ rồi. Không phải, vì cái cách nó điều khiển con dao quắm thiện nghệ đến thế. Dù là ai chăng nữa thì nó cũng đến với ông lãnh sự mới. Bỗng thằng bé ngẩng đầu lên và bắt gặp cái nhìn của anh.
Cặp mắt sẫm màu của nó đầy vẻ thách thức. Từ từ, thằng bé đứng lên. Tay nó vẫn cầm con dao quắm, nhưng giờ thì Marcel cảm thấy như nó đang nhắm thẳng cổ mình. Cặp môi thằng bé mím lại một cách man rợ mà vẫn để lộ hai hàm răng trắng đều.
Bất giác, Marcel lại run rẩy. Rồi, chẳng cần hiểu vì sao, anh quay xuống đồi. Mãi cho đến chỗ rẽ, anh vẫn còn muốn thề là cặp mắt thằng nhỏ đã xuyên vào sống lưng anh.
Anh nhào vào một quán bar. "Cognac!" anh uống vội rồi kêu một tách cà phê. Trong khi nhấm nháp tách cà phê, anh mới cảm nhận sự ấm áp của ly cognac. Nếu không phải là Nam tước De Coyne đã đích thân bảo thì anh đã chẳng bao giờ trở lại làm việc ở đấy, giữa những kẻ man rợ ấy.
Từ bàn của anh, Marcel thấy thằng bé vào tiệm tạp hoá bên đường. Đầy thôi thúc, anh kêu tính tiền, thanh toán rồi bước sang. Qua cánh cửa ra vào để mở, anh thấy thằng bé chọn hai bánh mì gối, một miếng phó mát và một khúc xúc xích to tướng. Marcel lưỡng lự một thoáng rồi bước vào.
Thằng bé đang mải nhìn ông bán tạp hoá gói đồ cho nó.
"Ba trăm franc", ông bán tạp hoá nói.
Thằng bé nhìn tấm hoá đơn trong tay. Marcel thấy rõ là nó chỉ có hai trăm franc. "Ông phải lấy thứ gì lại vậy", nó nói thứ tiếng Pháp ngập ngừng.
Ông bán tạp hoá thò tay lấy khúc xúc xích thì Marcel nói "Đừng có lừa đảo như vậy chứ. Đây là cách ông tính để đòi tiền của lãnh sự quán Corteguay đấy à?"
Thằng bé như hiểu được từ lãnh sự quán, phần còn lại quá nhanh đối với nó. Nó nhìn Marcel.
"Bận gì đến anh, Marcel", ông bán tạp hoá lầu bầu. Nhưng rồi cũng đặt lại khúc xúc xích và nhét hai trăm franc vào túi.
"Cảm ơn", thằng bé nói rồi ra khỏi cửa hàng.
Marcel đi theo nó trên vỉa hè. "Cậu phải luôn luôn cẩn thận với họ đấy", anh nói tiếng Tây Ban Nha. "Họ sẽ đánh cắp cả răng nanh của cậu nếu như họ cho cậu là người nước ngoài".
Cặp mắt thằng bé đen và sâu thẳm. Nó gợi cho Marcel tới cặp mắt của con hổ mà có lần anh thấy trong vườn thú. Cũng thứ ánh sáng hung hung hoang dã ấy đã loé lên ở đấy. "Cậu làm cho ông lãnh sự Corteguay mới đấy à?"
Cặp mắt thằng bé không chớp. "Tôi là con ông ấy. Anh là ai?"
"Marcel Campion. Tôi từng là thư ký và phiên dịch cho lãnh sự quán".
Sắc mặt Dax không thay đổi nhưng Marcel cảm nhận, hơn là nhìn thấy, một động thái lẹ làng của tay nó. Hình con dao thoáng dưới áo nó. "Tại sao anh lại đứng nhìn tôi?"
"Tôi nghĩ là ông lãnh sự mới có thể sử dụng dịch vụ của tôi. Nếu không…" Anh không nói hết câu, ý nghĩ về con dao được giấu kỹ làm cho anh phát hoảng.
"Nếu không… thì sao?"
"Có chuyện ba tháng lương mà ông lãnh sự cũ thiếu tôi" Marcel gấp gáp trả lời.
"Ramirez?"
"Ramirez." Marcel gật đầu. "Ông ta cứ hứa lần lữa là tuần tới tiền sẽ về. Và rồi một buổi sáng tôi đến làm  việc thì lãnh sự quán đã đóng cửa".
Thằng bé nghĩ một thoáng. "Tôi cho là anh nên đến nói chuyện với bố tôi".
Marcel bồn chồn nhìn xuống tay thằng bé. Nhưng tay nó trống trơn. Anh thở phào nhẹ nhõm. "Tôi sẽ rất vinh dự".
Họ cùng nhau đi lên phố.
Khi họ về đến lãnh sự quán, ông lãnh sự mới ngồi sau chiếc bàn gỗ mảnh dẻ giữa tiền sảnh trống trơn, rộng mênh mông, một đám đàn ông giận dữ,hoa tay múa chân, la thét trước mặt ông.
"Gato Gordo!" thằng bé quát lên, lao thẳng qua đám người, đến cha nó.
Chỉ một loáng, Marcel thấy mình bị quẳng ra ngoài khi một người đàn ông bực on nhẩy từ cửa vào. Anh quay nửa vòng trên không trước khi lấy lại được thăng bằng và khi đứng lên được thì thấy người đàn ông bự con và thằng bé, với những con dao trong tay, đang cùng đương đầu với đám đông.
Không khí ắng lặng bỗng bao trùm cả căn phòng. Marcel thấy những bộ mặt tái dại vì sợ hãi và anh chợt nhận ra rằng mình cũng đã vừa hãi hùng như thế nào. Trong một khoảnh khắc, tất cả bọn họ đang ở một thế giới khác. Một thế giới của chết chóc và bạo lực. Paris đã biến mất.
Và anh hiểu ngay rằng đây không phải là lần đầu tiên người đàn ông bự con và thằng bé phải cùng nhau đương đầu với hiểm nghèo. Đã có nhiều thời điểm như thế này. Anh hiểu được hầu như từ dòng giao lưu không lời giữa hai con người này. Phản ứng của họ như xuất phát từ một não bộ chung. Cuối cùng, một người trong đám đông nói. "Nhưng chúng tôi chỉ cần tiền của mình thôi".
Marcel mỉm cười. Đây là cách khước từ thanh toán mà họ chưa từng nghiệm trải. Còn rất hữu hiệu nữa. Anh mong mình cũng làm được như vậy với các chủ nợ của mình.
Ông lãnh sự từ từ đứng lên. Marcel trố mắt kinh ngạc. Ông ta cao hơn nhiều so với người ta tưởng. Mặt ông buồn rầu và mệt mỏi, cái mệt mỏi tinh thần chứ không phải thể chất.
"Nếu các ông chờ ở bên ngoài", ông nói, giọng mệt mỏi. "Tôi sẽ thảo luận về những hoá đơn của các ông, với từng người một".
Các chủ nợ quay ra, lặng lẽ xếp hàng sau Marcel. Khi người cuối cùng đã ra, anh nghe giọng thằng bé "Đóng cửa lại, Marcel".
Đấy không còn là giọng của một thằng bé nữa,đấy là giọng của một chiến binh đã quen với mệnh lệnh của mình được phục tùng. Marcel lặng lẽ đóng cửa lại. Khi anh quay lại, những con dao đã biến mất, chỉ còn thằng bé ngồi sau bàn, cạnh cha nó.
"Bố có sao không?" nó hỏi với giọng đầy yêu thương. Marcel không hoàn toàn lĩnh hội nổi, trên một bình diện nào đó, thằng bé hầu như lại là cha và người cha lại là con.

Truyện Những kẻ phiêu lưu Lời bạt cũng là lời tựa QUYỂN MỘT - Chương 1 & 2 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN HAI - QUYỀN LỰC VÀ TIỀN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN 3 – TIỀN VÀ HÔN NHÂN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 QUYỂN BỐN – HÔN NHÂN VÀ THỜI TRANG
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 QUYỂN 5 – THỜI TRANG VÀ CHÍNH TRỊ
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 QUYỂN 6 – VỀ VỚI CÁT BỤI
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 Chương 25 & 26 Chương 27 & 28 Chương 29 & 30 Chương 31 & 32 Chương 33 & 34 Chương 35 & 36 Tái bút