Hương chủ làng giỗ Đỗ Thế Quỹ và hương quản Nguyễn Văn Thắc đang ngồi trong nhà hội đồng thôn thì tên liên lạc từ bốt Giỗ xuất hiện. Tháo cái mũ sùm sụp trên đầu, quăng xuống mặt bàn, tên liên lạc hé mắt, nhìn hai người, nói nhấm nhẳng nhưng giọng lại như quát: -Ông sếp đội trên bốt cho gọi hai người. Mau mau vào trình diện, kẻo quan đội nổi nóng lên thì khốn. Nhìn thằng lỏi con đang cố ra vẻ ta đây, hai ông hương chủ, hương quản làng Giỗ bỗng thấy ngứa mắt. Người thấp lè tè, vậy mà nó vẫn dệnh dạng học đòi cái lối bước khuỳnh khuỳnh của những thằng mũi lõ. Dáng người bé choắt của nó bơi trong bộ đồ ca ki rộng thùng thình, lủng lẳng toàn túi là túi. Hương chủ Đỗ Thế Quỹ không nhịn được, rút cây đóm châm điếu thuốc lào rồi quăng tàn đóm ra sân: - Này, ông quan lùn! – Hương chủ gọi với tên liên lạc, giọng bỡn cợt – Tôi thật lòng chả hiểu ông là người ta hay người Tây nữa. Trang phục thì rõ ra dáng Tây, nhưng vóc dáng lại là người ta… Thật khó, nhỉ… Đang tít mắt cười, tên liên lạc bỗng sầm mặt. Hắn chỉ tay vào hương chủ Đỗ Thế Quỹ: - Này, ông đừng có giở giọng xỏ xiên để chửi tôi nhá. ý ông muốn chửi tôi là quân giẫm phải cứt Tây, học đòi chứ gì? Học đòi, giẫm phải cứt mà được sung sướng thì tôi cứ gọi là học đòi cả đời. Cần đếch gì, dân ta với dân mình… Đói rã họng lại còn bày trò… - Thôi. Ông tây rởm ạ. Ông cút mẹ ông đi cho dân tôi đỡ ngứa mắt. Mày cứ về bẩm với quan thầy mày, chốc nữa chúng tao lên. Có gì thì nói mẹ nó đi cho rồi lại còn bày trò kêu với gọi, mất thời gian. Cả hương chủ Đỗ Thế Quỹ và hương quản Nguyễn Văn Thắc đều là người của ta cài vào nắm giữ ban tề của làng Giỗ nên hai người rất ác cảm với đám quan đồn. Tống cổ được thằng liên lạc khỏi nhà hội đồng thôn, quay sang hương quản, hương chủ hất đầu: - Chú mày thử đoán xem, nó triệu anh em ta lên có việc gì? - Chắc lại cái vụ bộ đội, du kích mình về hót Camp Phương Điếm đi đấy thôi. Còn chuyện chó gì ngoài việc ấy. Người của mình trong bốt đã chả báo về, từ hôm mất Camp, chúng nó đang lồng lên như chó dại đấy thôi. - Vậy anh em mình vào lần này phải ăn miếng giả miếng với lũ khốn ấy thế nào? - Em nghĩ thế nào chi uỷ mình cũng có chỉ thị rõ ràng cho việc này. Bọn bên bốt Giỗ không bỏ qua chuyện Camp Phương Điếm đâu. Nhất định nó sẽ làm căng đấy anh ạ. - Chờ chi uỷ họp thì lâu quá. Hay anh em ta qua nhà Lân, chẳng gì chú ấy cũng là trưởng ban địch vận kiêm chính trị viên phó xã đội, thế nào chú ấy cũng biết cách đối phó với chúng. - Được rồi, chúng ta qua nhà bà giáo, tìm Lân xem sao. Hai người kéo nhau qua nhà Lân. Bà giáo đang ngồi nhặt rơm chuẩn bị làm mẻ chổi mới, thấy cả hương chủ, hương quản dắt nhau vào, bà cả cười: - Chết chết, sao lại cùng lúc có hai rồng kéo đến nhà tôm thế này? - Tôm tép gì đâu bà giáo ơi! Rồi hương chủ ghé gần bà giáo hỏi nhỏ: - Chú Lân có nhà không cụ? - Em nó có đấy. Để tôi gọi nó ra cho hai bác nhá. Nghe hương chủ, hương quản làng nói chuyện, Lân trầm ngâm: - Ngay sau hôm mình hót trọn Camp Phương Điếm, huyện uỷ, chi uỷ cũng đã bàn bạc, nhất định chúng nó sẽ trả thù. Chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ có điều, nó muốn kiếm cớ cho dân đỡ phản kháng, đỡ la hét là nó đàn áp mà thôi. Giờ mình không thể xin ý kiến chi uỷ ngay được, hai bác cứ sang bốt, xem nó nói gì. Rồi cứ tìm cách khất lần, lát tôi sẽ đi gặp bí thư chi bộ xin ý kiến cụ thể, chiều tôi sẽ qua nhà bác Quỹ. - Chú đi ngay đi. Việc này trọng đấy, không chần chừ được đâu. Nó mà giở quẻ càn nống, san phẳng làng mình là khốn nạn. Rồi là du kích bộ đội làm gì còn chỗ núp mà đánh bốt lâu dài… - Được rồi, tôi sẽ đi nhanh thôi. Cứ thế nhé. ° ° Mảnh sân xi măng trước cửa đồn rợn một màu xám lạnh. Hương chủ Đỗ Thế Quỹ cùng hương quản Nguyễn Văn Thắc chững chạc áo lương, khăn xếp, trịnh trọng bước vào. Tên đội Gầy đang nửa ngồi nửa nằm trên cái xôpha giữa căn phòng rộng, nhìn thấy hai viên đại diện của làng Giỗ vào tới cửa, hắn đứng phắt dậy. Cái gáy để trần của nó đỏ au. Cánh tay nó rậm rịt một thứ lông hung hung như râu ngô vào vụ bẻ, quăn tít. Tên thông ngôn vội đứng dậy theo. Hương chủ, hương quản bước lên thềm, ra vẻ lễ phép, cúi đầu chào: - Chào quan lớn ạ! Chẳng hay có việc gì cần dạy bảo mà quan ngài cho triệu chúng tôi sang giữa trưa giữa buổi thế này? Tên thông ngôn dịch lại. Thằng đội gầy nghiêng đầu. Cái mặt lưỡi cày của nó vênh một bên nhìn như con gà chọi chuẩn bị vào cuộc đá. Nghe thủng những lời hương chủ vừa bẩm, nó nhếch mép cười khiến cái miệng méo xệch sang một bên: - Rõ khéo đường ăn nói. Hai ông đúng là khéo đường ăn nói. Không có việc, tôi cho triệu các ông lên đây làm gì. Thế hai hôm trước đây, dân làng ông làm gì hai ông có biết không? Hay các ông ăn tiền của nước mẹ Đại Pháp rồi chỉ ngồi đánh bạc? - Bẩm quan, dân chúng con lại có gì đắc tội với quan sao? Hương chủ nhún mình… - Không! Mắt tên đội Gầy loé lên như mắt mèo vờn chuột – Dân làng ông có làm gì đắc tội với quan đâu. Chúng nó chỉ dung túng cho bộ đội du kích nửa đêm về hót trọn cái căng Phương Điếm đi thôi. Không lẽ việc tày trời này, các ông cũng không biết? Hử? - Giời ạ! Hương quản Thắc làm ra vẻ ngỡ ngàng – Dân làng Giỗ chúng con xưa nay chỉ biết cun cút làm ăn, quan bảo gì nghe nấy, làng ngay kề bên bốt, đời nào dân con dám chứa chấp bộ đội về đánh Camp? Xin quan lớn đừng nghe bẩm bậy… - ừ, bẩm bậy – Cái mặt tên đội Gầy đang tưng tửng như không có chuyện gì, bỗng bầm lại – Bậy, bậy cái mả mẹ chúng mày. Chúng mày định biến ông thành thằng có mắt như mù hả? Ông truyền đời báo kiếp cho chúng mày, lần này thì xéo, xéo hết… Thông ngôn đâu? Mang lệnh của quan trên ra đây. Tên thông ngôn lập bập mang tờ lệnh ra. Thằng đội Gầy gườm gườm xăm xoi hương chủ, hương quản rồi dõng dạc đọc lệnh đuổi hết nhà dân quanh bốt Giỗ, Camp Phương Điếm đi nơi khác sinh sống, không chừa một ai. Hắn đọc dõng dạc, sự khoái chá thoát cả ra ngoài theo giọng ồm ồm của hắn. Đọc xong, đội Gầy dí tờ lệnh vào mặt hương chủ Quỹ, cười ha hả: - Chúng mày nhìn thấy dấu son ti - nét đây chưa? Không phải ông mày mạo ra đấy nhé. Về mà thúc dân làng Giỗ nhà mày thu dọn đồ đạc đi. Hạn trong hai ngày, chúng mày phải biến hết, không chừa một đứa nào… - Nhưng lí do quan đuổi chúng con sao thấy là lạ… - Lạ gì nữa. Dân chúng mày chứa chấp Việt Minh, để chúng nó vào đánh đồn, không đuổi chúng mày thì để đây làm gì? Không giết, đuổi đi thôi đã là ưu ái chúng mày lắm rồi… - Bẩm quan lớn, mong quan lớn đèn giời soi xét. Dân chúng tôi ở đây làm sao dám chứa chấp Việt Minh. Việt Minh muốn đánh đồn phải kéo về rất đông, súng to súng nhỏ chắc nhiều, quan đồn còn không đánh lại được thì dân chúng con làm sao dám chứa? Trước chúng con sợ phải đi tứ xứ giang hồ, nay nhờ bóng quan lớn, chúng con kéo nhau về làng cũ làm ăn để mong được sự che chở của quốc mẫu, nay quan đuổi chúng con đi thì dân con biết đi đâu, làm gì để sinh sống bây giờ? Giọng hương chủ, hương quản nghe thật thiểu não. - Tao không nghe cái miệng lưỡi chúng mày nữa. nói thì cứ leo lẻo leo lẻo, nhưng chúng mày rước Việt Minh về, bán chúng tao lúc nào không hay. Thôi, cút mẹ chúng mày đi. Bảo nhau mà thu xếp, hai ngày nữa mà còn ở đấy, ông cho đại bác dọn sạch. Thằng đội Gầy vẫy mấy tên quan trong đồn lại. Chúng xúm vào đuổi hương chủ, hương quản của làng về. ° °Chi uỷ Nghĩa Hưng họp gấp. Nếu để quân địch đuổi dân đi khỏi những vùng thuộc vành đai bốt Giỗ sẽ rất khó khăn cho việc đánh bốt, quấy rối quân địch. Bọn Pháp cũng biết, dân là nơi che chở cho bộ đội, du kích và cán bộ nằm vùng chỉ đạo các cuộc đấu tranh. Chúng kiên quyết đuổi dân chính là muốn bóc mảng nguỵ trang tốt nhất của quân ta, muốn tách lực lượng vũ trang ra khỏi dân chúng. Nếu vậy, bộ đội, du kích cán bộ nằm vùng của ta sẽ bị “hở sườn, phơi lưng”, nhất định quân ta sẽ không bám sát được vị trí của quân địch mà chiến đấu. Không thể để quân địch thực hiện được âm mưu thâm độc này. Bàn đi tính lại, Chi uỷ quyết định, vận động nhân dân lên đồn xin khất, xin ở lại để thu hoạch xong lúa, hoa màu… đồng thời tích cực chuẩn bị cho dân đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Chi ủy cũng giao cho đồng chí Nguyễn Đình Lân, trưởng ban địch vận kiêm chính trị viên phó xã đội, cùng đồng chí Nguyễn Hữu Tỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này.
° ° Hai ngày sau. Đúng lệnh đã hẹn với hương chủ, hương quản làng, bọn địch cho một lực lượng lính Âu Phi ùa vào làng Giỗ. Khác với những trận càn khác, lần này, chúng không dồn dân ra đình để điểm mục, không bắt người. Mấy tên lính hung hăng gườm gườm nhìn những mái gianh thấp lè tè rồi nhún vai, đảo mắt nhìn nhau. Chúng alôxô lao đến. Những mái nhà rung lên bầt bật. Cột kèo, rui mè, rạ lạt loáng chốc ngổn ngang. Do đã được tuyên truyền, chuẩn bị trước, bà con ta xông đến. - Lính bốt phá nhà bà con ơi! Tiếng gào thét bật lên. Dân lao vào. Mấy ông bà trung tuổi túm ngang thắt lưng đám lính Tây kéo chúng giật ngược trở ra. Các ông bà già, trẻ con kêu khóc ầm ĩ. Nhùng nhằng mãi như gà mắc tóc. Lính bốt Giỗ gần làng nên cũng ngại, không nỡ giơ súng bắn vào dân. Chúng chỉ ra sức gào thét, doạ nạt. Trên nhà bà Dậu, một tên Âu Phi bám vào tay xà ngang, co người leo lên, ngồi vắt ngang, thõng hai chân xuống như người đưa võng. Nó nhướng người, túm mái rạ quăng xuống từng mảng. Cô bé con bà Dậu chưa đầy mười lăm tuổi, bé loắt choắt nhưng khá rắn rỏi, nhảy choi choi trên nền sân, nước mắt giàn giụa. Tên lính Âu Phi vẫn túm từng mảng rạ trên mái quăng xuống sân. Nếu không ngăn chúng lại, nhất định chúng sẽ thừa cơ dỡ hết số nhà còn lại. Không được. Không được để đám lính thừa cơ làm càn. Hội phụ nữ xã vào cuộc. Mấy bà, mấy chị lao đến, khóc ỏm tỏm. Chị Miền bế thốc con bé, đẩy nó ngồi lên cổ vai mình, hướng về phía tên Âu Phi đang vắt vẻo trên xà nhà. Con bé đã được chị Miền rỉ tai. Nó túm chặt một bên chân của thằng lính, ra sức lôi. Chị Miền vừa gồng mình giữ con bé chắc trên cổ, vừa lùi dần ra xa. Thằng lính lệch người dần. Rồi cả thân hình to tướng của nó nghiêng về một bên. Sợ rơi xuống. Tên lính nhoài người tụt xuống đất. Nó mới chỉ giỡ được nửa mái gianh. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Những vạt nắng hanh heo giữa ngày một chạp khiến da người khô nẻ, rát như phải bỏng. Không thể giỡ được nhà dân. Cũng chẳng còn sức gào thét lại với đám dân như đàn kiến lửa cứ bu lại mỗi khi có tên lính nào đó hăng hái leo lên mái nhà. Vô phúc nếu thằng đó cố leo lên, nếu chẳng may ngã xuống, không chết cũng què. Đám lính ngán ngẩm nhìn nhau, lắc đầu. Không thể khuất phục nổi, chúng thất thểu kéo nhau về bốt. ° ° Ngày hôm sau. Hôm sau nữa. Ngày nào, đám lính bốt Giỗ cũng kéo nhau vào làng. Lính kéo sang ngày một đông. Dân các làng khác cũng lợi dụng lúc tối trời, trà trộn sang, giả làm bà con người làng Giỗ. Lính cứ kéo nhau sang giỡ nhà, dân lại xúm lại van xin kêu khóc. Địch trèo lên mái, bà con lại túm chân lôi xuống. Chúng tức tối, rút súng lên đạn lách cách. Những người già xông lên, chắn ngang đám trẻ. Địch lùi lại. Vòng người quây quanh những ngôi nhà vững như bức tường thành. Thấy quân lúng túng mãi không giỡ được nhà, không đuổi được dân làng Giỗ, tên đội gầy rút súng bắn ba phát chỉ thiên. Nó túm ngực cụ Tung, nghiến răng: - Chúng mày có lùi ra không? Nếu còn ì, ông bắn chết đừng oán hận… Nó đẩy tay, giúi ngực áo cụ Tung khiến ông cụ ngã lăn ra đất. Dân làng ùa đến. Tên đội Gầy vẩy súng. Viên đạn đi sượt qua vai chị Miền. Mùi thuốc súng bốc lên khét lẹt. Lân kéo vai ông Tuyển, ông Tỳ, anh Bạ, Phiệt... Họ trà trộn vào trong đám dân đông như kiến đang vây quanh quân địch. - Căng thẳng quá, không ổn – Bí thư chi bộ nói rất nhỏ vào tai Lân - Cần phải biết lùi để bảo toàn tính mạng cho dân. Ba người tản ra, lẫn vào từng đám dân đang ùn lại. Hương chủ Đỗ Thế Quỹ lại áo the khăn xếp lên đồn. Lần này, tên đội Gầy nhất định không gặp hương chủ làng chỉ cho tên xếp bốt ra gặp. Hương chủ nhìn thằng vào mặt viên xếp bốt, nói đủ nghe: - Thưa xếp! Dân chúng tôi đã về nương nhờ vào bóng các quan lớn, nhưng các ngài đã quay mặt lại, nhất định đuổi chúng tôi đi. Dân ngu khu đen, trong tay không một tấc sắt, chẳng thể làm gì để thay đổi được quyết định của các ngài. thôi thì dân tôi đi. Chỉ mong sếp về thưa lại với ông Đội, cho phép dân tôi được tiếp tục về cầy cấy ở những cánh đồng gần bốt, nhất là được thu hoạch vụ lúa màu này. Ông Đội là người Pháp, chúng tôi bẩm chưa chắc ông ấy đã thông, nhưng ông sếp là người mình, cùng bà con ta cả, chúng tôi tin ông sẽ cho phép dân tôi được làm ăn, kiếm sống trên mảnh đất vốn của mình. ông biết đấy, dân mình rời đất ra sống làm sao nổi. Mong ông làm phúc cho con cái… Không chờ sếp bốt trả lời, hương chủ Quỹ ra về. Nhận được chỉ thị của chi uỷ Nghĩa Hưng, dân làng Giỗ bắt đầu gói ghém đồ đạc, chấp nhận đi sơ tán sang các làng lân cận, trong đó có một nửa dân làng Giỗ tạm tản cư sang Đức Đại. Một số ít sang làng Cuối, Chằm. Một phần bà con làng Giỗ không người thân thích, cũng không thể đi xa, họ tạm dựng lều trên cánh đồng đang lật ải khu vực giáp gianh với xã Gia Hoà… Nhưng quân địch cũng phải chấp nhận để cho dân làng Giỗ về thu hoạch lúa màu và vẫn cày cấy trên cánh đồng gần bốt. Chiều! Những dải sương mỏng như tơ nhện rồi trĩu dần màu nước. Cả cánh đồng ngập dần, ngập dần trong chậu sữa màu trắng đục. Gió lạnh cuộn theo dải khói phất phơ càng khiến không khí thêm tiêu điều. Nhìn những chiếc lều xác xơ, vật vờ trong gió rét, cổ họng Lân xít lại như vừa nuốt phải miếng hồng xiêm xanh còn đẫm nhựa. Nhất định, anh và đồng đội sẽ lấy được nhà cửa cho bà con.