Chương 14

    
ắp đến năm mới.
Trên các quảng trường Cách mạng. Manezhnaya và quảng trường Puskyn ngày đêm vang lên tiếng rìu của thợ mộc. Ở đó người ta đang dựng nên những khu chợ Tết vui tươi. Một cây thông khổng lồ mọc lên trên quảng trường Manezhnaya và mặc dù đứng bên cạnh tháp Kreml, nó cũng hoàn toàn không có vẻ thấp bé gì cả. Trên cây mắc la liệt những ngọn đèn nhiều màu và tối đến, khi công nhân cho thử điện và bật sáng tất cả các ngọn đèn, thì cây thông ở giữa quảng trường trông giống như một ngọn núi kỳ diệu bằng pha lê trong truyện cổ tích. Trên các ngả đường phố là không khí sôi nổi, nhộn nhịp trước ngày hội.
Dường như không có băng giá, không một ai nói đến nó hoặc nhận thấy nó. Những chú bé linh lợi vùng ngoại thành đang ra sức rao bán những cây thông ở các nhà ga và trong các cửa hàng sắc vàng chỉ tồn tại một ngày của các cây thông hào nhoáng đang sáng lấp lánh.
Moskva ngào ngạt mùi cây thông và mùi quít. Ở khắp các ngã tư đều thấy bán quít, năm nay quít rất nhiều.
Vào phút cuối cùng người ta mới quyết định (những quyết định quan trọng bao giờ cũng được thông qua vào phút cuối cùng) là không tổ chức những buổi dạ hội của từng khối riêng lẻ, mà tổ chức một buổi dạ hội lớn đón mừng Năm Mới chung cho cả khoa. Buổi dạ hội này dự định tổ chức vào ngày hai mươi tám. Tấm áp phích quảng cáo ở phòng ngoài được viết trên một tờ giấy dài cao bằng cả bức tường có ghi:
HỘI LỚN ĐÓN XUÂN MỚI.
Chương trình buổi tối:
1. “Ca kịch vui“ đặc sắc.
2. Các tiết mục hoà tấu.
3. Đội kịch trình diễn.
4. Sinh viên các trường bạn trình diễn.
5. Nhảy (thời gian có thể suốt năm).
Ngày hôm trước Lena xúc động kể chuyện cho lớp:
- Các cậu chú ý đừng chậm đến dự “ca kịch vui”! Sergei sáng tác phần lời thật tuyệt, chúng mình chi có bỏ ra mà cười, chứ không thể diễn được! Ô, tuyệt thật! Rồi các cậu thấy, hay vô cùng!…
Cô ta vừa mới tham gia đợt diễn tập của đội “ca kịch vui” và những ngày gần đây cô chỉ nói về đội đó thôi.
Tuy vậy Vadim vẫn đến muộn: ngày hôm nay không hiểu sao anh đặc biệt thấy buồn phải xa bà Vera Fadeevna. Anh ngồi lâu bên giường bà và đọc to sách của Veresaev cho đến khi bà phải giằng lấy sách và ra lệnh cho anh phải đến dạ hội. “Mẹ buồn ngủ rồi”, - bà giận dữ nói. Thực ra bà chỉ thương con trai và muốn cho anh được nghỉ ngơi giải trí. Còn Vadim thì hoàn toàn không thấy muốn giải trí, anh bước đến dạ hội với vẻ mặt ủ ê thế nào ấy, chứ hoàn toàn không phải là vẻ mặt của ngày hội…
Mới đền gần toà nhà của trường, Vadim đã nghe thấy tiếng nhạc inh tai và những tiếng cười giòn tan, các ô cửa sổ của câu lạc bộ sáng trưng, cho thấy rõ những tấm lưng và những mái đầu đen đen của những người đang ngồi trên bệ cửa sổ.
Trong phòng, các ghế ngồi đã kín người, sinh viên đứng thành từng đám đông nghịt ở cửa ra vào và ở cuối phòng sau các dãy ghế. Trong số khán giả, Vadim thấy có cả một số các cô gái và các chàng trai từ nhà máy đến dự - thoạt tiên anh không nhận ngay ra họ, vì họ mặc những bộ quần áo ngày hội và những chiếc áo dài lộng lẫy. Andrei Syryk và Kuznetsov cùng ngồi ở hàng ghế cuối và đang làm những động tác mời Vadim lại, những động tác đó chỉ có ý nghĩa tượng trưng thôi - có còn chỗ đâu nữa để mà đến ngồi cạnh họ.
Vadim lách xuống cuối phòng và kiếm được một chỗ ngồi trên bệ cửa sổ. “Ca kịch vui“ đang ở giai đoạn hào hứng. Trên sân khấu là cảnh giáo sư môn lịch sử Nga Stanisyn đang hỏi thi. Chính giáo sư Stanisyn, một ông già cao lớn, tóc bạc, ngồi trên chiếc ghế dựa ngay sát sân khấu: ổng hơi nặng tai và lấy bàn tay che lên tai, ông mỉm cười và lắc lắc đầu. Trong trường mọi người đều yêu mến giáo sư Stanisyn - ông là người rất hiểu biết và có uy tín, nhưng ông nổi bật lên là bởi tấm lòng vô cùng hiền hậu và tính đãng trí. Trong tất cả các phiên họp của hội đồng khoa học, Stanisyn bị trách là theo “chủ nghĩa tự do”.
Chính Palavin đóng vai Stanisyn. Cậu ta mặc chiếc áo trào kiểu cổ có vạt dài, mang bộ tóc giả làm bằng những miếng vải bông. Từ phía sau bàn, cậu ta cất giọng cao cao rầu rĩ hỏi:
- Anh hãy nói rõ vùng biển nào là nơi diễn ra những trận đánh trong thời kỳ chiến tranh Crưm những năm năm ba năm sáu? Và anh hãy nêu lên những mốc thời gian của cuộc chiến tranh đó.
- Vùng biển nào ạ?
- Đúng. Vùng nào?. Nào, nào?. Hắc…
- Hắc Hải ạ, thưa giáo sư!
- Hắc Hải, anh bạn thân mến ạ. Hắc Hải. Hoàn toàn đúng. Các mốc thời gian anh cũng biết chứ? Thế đấy… Bây giờ anh hãy nói rõ, những người nông dân không có ngựa là ai vậy?
- Không có ngựa ạ? Đó là, chắc là… đó là những người…
- Sao, sao? Những người làm sao? Những người không có gì nào?. Ngự…
- Ngựa ạ! - bỗng nhiên anh sinh viên đoán.
- Ngựa, ồ, tất nhiên rồi! - giáo sư thốt lên và mỉm cười xúc động, - Hoàn toàn đúng! Tốt lắm! Anh hãy đưa sổ của anh, sổ gì nào? Sổ đ…
- Sổ điểm ạ!
- Không phải, anh bạn trẻ ạ, - giáo sư nghiêm khắc nói. - Không phải là sổ điểm, mà là sổ ghi điểm. Anh hãy học nói tiếng Nga cho tốt, anh bạn thân mến, nhé!
Khi mọi người cùng cất tiếng cười rộ, thì giáo sư Stanisyn vui đùa giơ nắm đấm lên doạ các diễn viên: “Thế nào tôi cũng cho các anh biết tay!” Các tiết mục tiếp theo của “ca kịch vui” phản ánh hoạt động của ban biên tập, cuộc họp của hội đồng câu lạc bộ, việc phân công công tác và nhiều chủ đề khác trong sinh hoạt của trường và của ký túc xá. “Ca kịch vui“ đã đạt được kết quả. Vadim thấy các cán bộ giảng dạy ngồi ở các hàng ghế đầu cười vang, thấy Miron Mikhailovich Xidov và Rostovtsev - giám đốc nhà trường - ngồi bên cạnh ông cũng mĩm cười. Còn ông phó giám đốc phụ trách quản trị Biryukov, người thấp, nhưng mập, trán hói bóng, thì cười vang bằng giọng cao và dễ lôi cuốn, lấy khăn tay phe phẩy.
Tiết mục cuối cùng có liên quan đến vụ kiện kéo dài giữa nhà trường với xí nghiệp liên hiệp “Cung ứng hoá phẩm” - là cơ quan đang chiếm một phần tầng dưới của toà nhà. Nhà trường đã được pháp luật cho phép buộc xí nghiệp “Cung ứng hoá phẩm” phải chuyển đi nơi khác, vì cơ quan này đã tạm thời chiếm tầng dưới trong thời gian chiến tranh. Trong tất cả các cuộc họp. Biryukov đều tuyên bố rằng “vấn đề sắp được giải quyết, ta sẽ lấy lại tầng dưới”, vậy mà vấn đề kéo dài suốt ba năm nay, xí nghiệp “Cung ứng hoá phẩm” vẫn không hề chuyển đi.
Giữa những tấm vải làm phông trên sân khấu bỗng hiện ra một chiếc loa lớn bằng các tông, và Lesik nói vào chiếc loa đó bằng giọng điều của phát thanh viên Xinhiavsky.
- Bây giờ, chúng tôi bắt đầu tường thuật về trận đấu bóng đá giữa các đội “Chúng ta sẽ lấy lại” của Moskva và đội “Chúng ta sẽ không trả” cũng của Moskva. Trận đấu đã bắt đầu khoảng hai ba năm trước đây, nhưng tỉ số vẫn như cũ, chưa nghiêng về bên nào. Đội “Chúng ta sẽ lấy lại” đang tấn công… Trung phong Rostovtsev đang chuyền bóng chính xác cho Biryukov. Biryukov chuyến tiếp ngay cho Xô-viết Moskva… Biryukov đang nhận một đường bóng tuyệt đẹp của Xô-viết Moskva - sút đi! Ô… sút đi! Sút! Ê. Biryukov đang vờn quanh quả bóng… đang vờn… Cuối cùng - sút!!! Ô, sao vậy! Thôi, thế là ra ngoài mất rồi…
Cứ thế, buổi tường thuật kéo dài khá lâu, và Lesik càng nói, thì khán giả càng tán thưởng một cách sôi nổi.
Trong tiếng cười rộ vang lên khó mà nghe rõ những lời nói cuối cùng của anh. Khi chiếc loa biến mất và những tràng vỗ tay vang lên, thì từ sau tấm phông Lesik và Sergei tươi cười bước ra, vừa nghiêng mình chào vừa chỉ vào nhau. Sergei mặc bộ quần áo mới màu xám nhạt, cà vạt dài và rộng đúng mốt, khiến anh trở nên chững chạc khác thường. Anh giống như một diễn viên nổi tiếng nào đó.
“Ca kịch vui“ kết thúc. Lúc giải lao Vadim ra ngoài hành lang và tìm thấy Andrei và Kuznetsov. Đứng bên cạnh họ là một cô gái tóc hung, rất trẻ, mặc chiếc áo dài màu xanh.
- Vadim, cậu hãy làm quen đi, đây là em gái mình, - Andrei nói, - Eloska.
- Không phải Eloska, mà là Olga, - cô gái nói, nghiêm trang nhìn anh trai.
Cô gái có cặp mắt to, chăm chú, cũng màu xanh giống như Andrei. Nhìn nét mặt thì cô chưa qua mười bảy tuổi.
- Cô thích “Ca kịch vui“ chứ? - Vadim hỏi.
- “Ca kịch vui”, vâng! Em thích lắm! Chỉ có một điều em không thích…
- Điều gì vậy?
- Đó là thái độ của tác giả. Anh ấy tên là gì, anh Andrei nhỉ?
- Palavin, Sergei. Nhưng em hoàn toàn không biết anh ấy! Eloska ạ, em có thói quen phê phán mọi chuyện một cách rất là võ đoán.
- Sao lại võ đoán? Em đã quan sát anh ấy từ trước buổi dạ hội, lúc ở ngoài hành lang kia. Em không thích anh ấy, thế thôi!
- Một lý lẽ tuyệt diệu! - Andrei nói và cười vang, - không thích, thế thôi! Và xin đủ! Cô ấy bao giờ cũng thế…
- Đúng, bao giờ em cũng thế. Em cho rằng ấn tượng đầu tiên là đúng đắn nhất, - Olga nói và bướng bỉnh lắc lắc đầu.
- Thế tác giả của bọn anh đã làm gì khiến em không vui lòng? - Vadim hỏi.
- Anh nên biết rằng anh ấy rất hay đao to búa lởn!
- Có lẽ là hay to tiếng?
- Không, hay đao to búa lớn kia! Em cũng không biết giải thích như thế nào…
- Đấy, đấy! - Andrei cười vang. - Nhà tiên tri thì phán bảo, còn mình thì lại đoán mò theo ý mình.
Olga nói tiếp, thậm chí không nhìn Andrei:
- Cho dù là, có lẽ, anh ấy có được các bạn gái hoan nghênh nhiều đi nữa, phải không? Em hỏi anh là bởi vì anh em không bao giờ để ý đến những chi tiết ấy. Anh ấy tỏ ra cao hơn chuyện này kia.
- Có lẽ thế, - Vadim cười nói. Anh thích cách nói chuyện của cô với anh trai và nói chung anh thích cách nói của cô, nó nghiêm túc theo kiểu thanh niên, và vì vậy mà nó lại hơi hồn nhiên.
- Tôi với anh Sergei từ lâu định đến thăm Andrei. Nếu có dịp nào đó chúng ta cùng họp mặt và cô gần gũi quen biết với Sergei hơn, tôi nghĩ rằng cô sẽ thay đổi ý kiến của mình.
- Có thể. Bởi vì anh ấy là một người có tài năng à?
- Đúng, anh ấy rất có khả năng.
- Một chàng trai có đầu óc đấy, - Kuznetsov khẳng định và gật đầu vẻ nghiêm túc. - Khi bọn tôi họp ở đảng ủy, anh ta nói nhiều hơn cả trong số các anh, và vừa tỏ ra thành thạo, vừa có tính nguyên tắc. Olga ạ, cô bực mình với anh ấy một cách vô ích đấy… - Bỗng nhiên anh mỉm cười và vung vung tay với vẻ khâm phục không giấu giếm. - Còn vở diễn ấy à! Ô, đã lâu tôi không được cười thoải mái đến như vậy. Thú thật!
- Em không biết, có thể thế! - Olga nói nhanh. - Tất nhiên là em cũng cười. Các buổi dạ hội ở chỗ bọn em chưa bao giờ vui như vậy cả.
- Thế cô học ở đâu vậy? - Vadim hỏi.
- Ở trường trung cấp kỹ thuật. Anh Aliosa của các anh bắt chước phát thanh viên Xinhiavsky rất tuyệt!
Hành lang mỗi lúc một đông người. Một đám đông sinh viên và khách mời đứng bên cạnh tờ báo tường xem những bức biếm hoạ Năm Mới.
- Thế người ta phê phán tôi ở đâu nào, ở đâu nào? - Ivan Antonovich len đến chỗ tờ báo, vừa nói vừa mỉm cười sau bộ râu màu hung. - Thế nào nào?
- Thầy đây ạ, thưa thầy Ivan Antonovich! Thầy thấy chưa ạ? - có ai đó vui vẻ nói. - Còn đây là thầy Kodensky!
- Các bạn ạ, khoái thật! Thế các bạn định thể hiện ý gì về thầy Boris Matveyevich trong bộ dạng nhếch nhác này!
- Đây là y phục của các triết gia thời trung cổ ạ! Chúng em dựa theo tuyển tập văn học phương Tây để vẽ lại.
- Thế đấy! Thế giáo sư có tự ái không?
- Dạ, không ạ, giáo sư chỉ cười thôi! Đây là loại biếm hoạ thân tình mà!
- Thân tình, tất nhiên… Thân ái giúp đỡ, các anh nói thế phải không? - Và đột nhiên Kretsetov cất tiếng cười vang và dễ lôi cuốn.
Spartar mặc bộ quần áo mới màu đen thắt kravat màu sáng, khoác tay Su-ra một cách trang trọng đang bước đến. Trông thấy Kuznetsov anh thoắt quên cả vợ, vội nắm lấy khuỷu tay anh ta, kéo anh ta sang một phía. Một phút sau từ đó vang lên giọng nói hăng hái của anh:
- Không, Pavel! Không, không… Cậu hãy nghe đây! Các cậu có thể dễ dàng liên hệ với phòng diễn giảng, nhưng vấn đề không phải là ở đó! Mình nghĩ về chuyện khác…
Đang tiếp tục câu chuyện với Olga, bỗng Vadim nhìn thấy Lena. Cô đang từ phía dưới đi lên, rõ là mái từ căng-tin ra cùng với Mắc và đang nói nhanh với anh ta điều gì đó. Mắc thết Lena món kẹo đựng trong chiếc túi giấy mà anh ta đang ôm bằng cả hai tay ở đẳng trước. Anh ta mặc bộ quần áo trượt tuyết bốn mùa, nhưng lại thắt kravat, không rời mắt ngắm Lena, mỉm cười một cách hạnh phúc, vẻ phụ hoạ, và Vadim có cảm giác là khuôn mặt đỏ ửng lên, thậm chí hơi lắp xấp mồ hôi vì xúc động của anh ta có vẻ ngu ngốc và hân hoan không đúng lúc. Lena không nhìn thấy Vadim, sau đó cô mất hút trong đám đông. Mãi đến bây giờ Vadim mới hiểu ra rằng anh chưa hề thấy Lena. Rõ ràng là cô ta đã biểu diễn những tiết mục đầu tiên mà anh không kịp đến dự.
Lát sau chuông điện vang lên báo hiệu mở đầu buổi hoà nhạc nghiệp dư. Vadim ngồi cạnh Andrei. Trong phòng rất ngột ngạt, mặc dù các ô cửa sổ lớn đều mở toang. Mỗi lúc một thêm ồn ào và chật chội vì nhiều người đã ở căng-tin về và lúc này đang đi lại lung tung trong phòng vừa cười vừa nói ầm ĩ.
Cuối cùng mọi người đã yên vị và người giới thiệu, một cô gái học năm thứ nhất tuyên bố bắt đầu buổi hoà nhạc. Biểu diễn trước tiên là các vị khách - các bạn trẻ Bulgaria - sinh viên nhạc viện Moskva. Họ mặc những bộ quần áo dân tộc sặc sỡ: các cô gái mặc váy hoa dài, các chàng trai thì mặc quần rộng ống và đội mũ cao thành. Trong phòng vang lên những bài hát Bulgaria ngân nga, sau đó là những bài hát Nga vui tươi, các cặp nhảy quay tít theo điều múa dân gian nhiều màu sắc. Mọi người sôi nổi hoan hô các vị khách và luôn luôn hô “bis, bis“ bắt họ biểu diễn lại. Vadim đặc biệt thích những chàng trai cao lớn, răng trắng bóng với những bộ mặt rám nắng và niềm nở. Sau đó các cô gái Bulgaria chạy từ trên sân khấu xuống chỗ khán giả và bắt đầu rảy thứ nước hoa hồng xứ Kazanlyk lên tất cả mọi người. Các sinh viên ngồi ở phía sau đứng vụt cả dậy và lập tức xảy ra một cảnh lộn xộn vui vẻ. Mọi người đều muốn được rảy nước hoa. Trong phòng ngào ngạt mùi hoa hồng và mùi đó cùng với mùi lá thông gắn trên tường tạo nên một mùi hỗn hợp dìu dịu khiến ta nhớ tới hương đồng nội mùa xuân.
- Nữa đi! Nữa đi! - sinh viên, chủ yếu là các bạn gái, kêu lên vui vẻ.
Các cô gái Bulgaria rám nắng, tươi cười giơ những chiếc lọ không lên và dốc ngược miệng lọ xuống…
Tiếp đó còn nhiều tiết mục khác nữa của các nhóm kịch, nhóm múa, nhóm đọc thơ. Và bỗng nhiên Lena bước ra.
Cô mặc chiếc áo lụa dài màu anh đào có những hình trang trí rực rỡ ở cổ, còn tay thì để trần đến tận sát vai. Cô hát những bài tình ca của Zhinka, của Chaikovsky. Giọng cô không khỏe, nhưng mượt mà, dễ nghe (cô gọi nó hình như là “giọng nữ cao trữ tình“) và cô hát… đúng, cô hát rất hay.
Vadim nhìn thấy khuôn mặt hồng hào sáng rực với kiểu tóc chải cao khác thường của cô, thấy đôi môi dịu dàng khẽ rung rung khi hát và cặp mắt mơ màng mở to của cô và anh ngạc nhiên là anh đã ngắm cô một cách thản nhiên như vậy, dường như anh mái thấy cô gái đó lần đầu.
- Đẹp tuyệt! - Olga khẽ nói. - Chị ấy là ai thế?
- Đó là chị Lena Medovskaya, học lớp bọn anh đấy, - Andrei đáp. - Lạy Chúa thế là chúng ta cũng có người được yêu thích.
Vadim cảm thấy tim anh đau nhói sau khi nghe Olga nói. Mắt anh bỗng nhiên mờ đi và anh không nhìn thấy khuôn mặt Lena đâu nữa, nó tan ra, nhoà đi và biến thành một đốm sáng chói lọi.
Một giọng hát trẻ trung không quen biết vang lên một cách man mác, cái giọng đó kể về một điều gì đơn giản và dễ hiểu vô cùng - về một bài hát đang vang lên giữa bầu trời và mặt đất, và về việc sẽ có người nghe bài hát đó, và nhớ tới một người nào đó, rối thở dài… Và bị chi phối bời cái quyền lực đang vang lên đó, Vadim cảm thấy lòng mình ấm áp và lạ lùng - dường như không phải anh đang ở trong phòng họp, mất hút trong đám đông người, mà là anh đang đi đến nơi nào đó một mình, chân đất, dọc theo con đường quang đãng và sôi nổi. Còn cái giọng hát vô hình kia dội xuống anh từ trên cao giữa mặt đất và bầu trời và kêu gọi anh theo nó, và kêu gọi mãi…
Khuôn mặt Lena bỗng dưng hiện lên chói chang đến nhức mắt. Cô cúi đầu chào. Những tràng vỗ tay bùng lên, làm cho cả cái trần nhà trắng sơn bằng loại sơn dính có mắc hai chùm đèn sáng rực như muốn đổ ụp xuống đầu Vadim. Anh không hô to cùng với mọi người “bis, bis”. Bỗng nhiên anh mong sao buổi dạ hội sớm chấm dứt và có thể được thấy cô thật gần, ngay bên cạnh, và nói với cô một điều gì đó tốt lành, âu yếm. Bởi vì ngày hôm nay anh vẫn chưa chào hỏi gì cô cả…
Và rồi phần hoà nhạc cũng chấm dứt. Mọi người bắt tay ngay vào việc kê ghế vào sát tường để chuẩn bị cho phòng nhảy. Lesik với chiếc phong cầm xuất hiện, một người nào đó ngồi vào sau chiếc dương cầm và các điệu nhảy bắt đầu. Olga ra nhảy với Kuznetsov. Đứng bên cạnh anh trông cô như một thiếu nữ rất nhỏ bé mảnh dẻ, nhưng các động tác thì nhẹ nhàng và vững vàng đến nổi có cảm giác như là cô đang nhảy một mình, còn anh thì cao lớn, nặng nề đang vụng về giậm chân bên cạnh cô, như để làm một việc gì đó thì phải. Nhìn đôi má ửng hồng và cặp mắt sáng lấp lánh của cô, Vadim nghĩ rằng có lẽ cô là người trẻ nhất và hạnh phúc nhất trong phòng nhảy lúc này.
Anh không muốn nhảy. Tự nhiên anh đi tìm Lena trong số những người đang nhảy, nhưng chẳng thấy bóng cô đâu cả. Đã bắt đầu những tiết mục thi nhảy cá nhân: một anh chàng học năm thứ nhất người Gruzia nhảy một điệu lezhginka vùng Naurk, Lagodenko “biểu diễn đặc sắc“ điệu nhảy dập gót giày của thủy thủ, nhưng giải thưởng lại rơi vào tay Ivan Antonovich và Olga Markovna, họ là những người nhảy điệu mazhuka theo đúng mọi quy định của nghệ thuật khiêu vũ.
Sergei bỗng hiện ra trong phòng nhảy - anh bước nhanh giữa những cặp nhảy, đưa mắt tìm ai đó. “Cậu ta lại sắp bước đến chỗ mình và nói: Lensky, sao cậu không nhảy thế?” - Vadim nghĩ bụng.
Quả nhiên, Sergei đã nhận ra anh và lao nhanh lại.
- A! Vadim! - Sergei vui mừng nói. - Hệt như Sainder Garon, cau có và mệt mỏi ấy thôi… Sao cậu lại đứng đây?
- Thích thì đứng thôi!
- Phải nhảy chứ! Cậu nhìn xem, - anh vung rộng tay, - xung quanh cậu thật vui vẻ biết bao! Cậu hãy mời cô gái đang cùng nhảy với Kuznetsov kia kìa, thấy chưa? Trẻ, tươi, mắt sáng… Chắc là một cô thợ đứng được nhiều máy và đạt năng suất tới hai trăm phần trăm, - anh nháy mắt với Vadim. - Hãy mời cô ta đi, thật đấy!
- Mình tự biết là cần phải làm gì, - Vadim nói và nắm lấy vai Sergei, quay lưng anh ta về phía mình.
- Hải báo, cậu đúng là một con hải báo! Cậu không nhìn thấy Levtsuc đâu à?
- Cậu ấy ở đâu đây thôi!
- Xidov đang tìm cậu ấy! Bây giờ mình… - và thoắt một cái Sergei lại biến mất trong đám đông, hệt như lúc xuất hiện.
Chợt Vadim nhìn thấy Muxia - cô nhân viên điều độ của phân xưởng 12. Cô bước lại phía anh, nhìn anh từ đầu xuống chân, và sau khi chào anh, cô ngạc nhiên hỏi:
- Thế anh… người ta cũng mời anh à?
- Vâng, tất nhiên rồi, - Vadim mỉm cười nói. - À, thế đồng chí Pherentsuk thế nào rồi?
- Ôi, anh không biết chứ, ông ta chuyền biến trông thấy! Ngay giữa đêm, lúc 11 giờ 30, họ đã chuyển các miếng đệm đến.
Và ông ta cũng vội phóng đến.” Chỉ cần các đồng chí, - ông ta nói, - đừng nghĩ rằng vì cái “Tin nhanh“ chết tiệt ấy mà tôi phải cố gắng. Khuôn mẫu làm xong là chúng tôi giao ngay”. Còn chính ông ta thì chạy đến gặp Guskov: “Các đồng chí hãy lột cái của đó đi! Treo thế là đủ rồi!”.
- Và họ lột đi chứ?
- Tất nhiên là họ lột đi! Nhìn chung ông ấy là một ông chủ tốt, chỉ có điều là rất ngoan cố. Anh hãy nói cho em biết là vì sao em chẳng bao giờ thấy anh ở các cuộc họp cả thế? Chả lẽ anh không ở cùng tổ chức Đoàn với bọn em?
- Không. Muxia ạ, tôi là sinh viên. Chúng ta nhảy đi, và rồi tôi sẽ giải thích cho cô rõ mọi chuyện…
Mãi qua nửa đêm, khi trong phòng nhảy đã vắng qua nửa, thì thấy xuất hiện bác gác cổng Lipatyt đang ngái ngủ. Bác ta tuyên bố rằng đã đến lúc phải tắt đèn. Thế là Vadim không gặp được Lena. Marina nói rằng có người trông thấy Lena mặc áo khoác và đi ra phố ngay sau phần hoà nhạc. Và lúc đó Vadim hiểu rằng từ trong đáy lòng anh vẫn nuôi những hy vọng đặc biệt, thầm kín đối với buổi dạ hội này, những hy vọng mà anh giấu kín ngay cả chính bản thân anh. Và chỉ đến lúc này, khi những ngọn đèn đã tắt và sự ồn ào nổi lên trong phòng treo mũ áo, những hy vọng đó mới biến đi - cũng giống như khi chúng xuất hiện, - thầm lặng, cau có, như là ngượng nghịu với một điều gì đó.
Đêm hôm đó, Vadim ngủ lại nhà Sergei. Trong nhà mọi người đã ngủ từ lâu, Sergei mở cửa bằng chiếc thìa khoá riêng. Sau đó, thấy động cửa, bà Irina Vichtorovna mặc áo choàng đi ra, thì thào chào Vadim và hồi:
- Vui vẻ chứ? Tiết mục “ca kịch vui“ của con thế nào, Sergei, - thành công chứ?
- Thành công, mẹ ạ! Hoàn toàn thành công! - Sergei ngáp to, nói. - Mẹ thu xếp cho chúng con ngủ nhanh lên, mẹ! Vadim phải về xa, cậu ấy sẽ ngủ lại nhà ta. Lấy chăn đệm ở đi-văng của con cho cậu ấy.
Sergei ngã ngã say, và, có lẽ, anh không thấy buồn ngủ. Anh đi đi lại lại trong phòng, chân đất, và vừa hút thuốc vừa nói chuyện với Vadim. Còn Vadim thì cảm thấy mệt mỏi và rã rượi cả người khi anh thấy không muốn ngủ vì đã quá giấc và trời đã sắp sáng mất rồi, nhưng muốn cái gì thì chính anh cũng không rõ. Bất cứ trong trường hợp nào cũng không nên tranh cãi với Sergei.
Câu chuyện mở đầu bằng những điều linh tinh - từ bài tường thuật về xí nghiệp “Cung ứng hoá phẩm”, từ những người cổ vũ môn bóng đá và từ chuyện mỗi người cổ vũ một cách khác nhau như thế nào. Sergei tuyên bố rằng phần lớn những người cổ vũ là những người cuồng nhiệt và vô tích sự, thậm chí còn có hại cho xã hội nữa… Thử nghĩ xem, họ đã tiêu phí biết bao nhiêu là tâm lực và thể lực, để đi đến đâu? Tất cả đều bay theo gió hết!
- Tiện nói thêm, Spartar của chúng ta cũng là một người cổ vũ, - Sergei nói. - Cậu có biết mình quen cậu ta ở đâu không? ở sân vận động. Cậu ấy chìa tay cho mình và nói: “Spartar”, còn mình thì nói “Dinamo”. Ô, cậu ta giận mình ngay lập tức, hà hà hà!. Còn mình cứ nghĩ rằng cậu ta là người cổ vũ cho đội Spartar kia chớ! Thế đấy… Bây giờ thì cậu ta lại lo cho nhà máy. Cậu ấy lo, còn chúng mình thì lên cơn sốt!
- Theo mình, thì chúng ta cũng đều lo hệt như cậu ấy cả. - Vadim nói.
- Ồ, đúng đấy! Thế hôm nay cậu ấy có đến chỗ cậu không? Không à? Thế mà cậu ấy lại đến chỗ mình tới năm lần ấy! Cậu thấy không, cốt để mình tổ chức một buổi nói chuyện ở nhà máy về để tài “Tính cách người thanh niên Xô-viết”. Vì bộp chộp minh đã đến “gáy” ở đó, trong khi ở chỗ đồng chí bí thư đảng ủy nhà máy đang có cuộc họp, - ở đó họ nói, có thể tổ chức buổi nói chuyện đó được, còn Kuznetsov lúc này chắc cũng đang khoái chí vân vê râu mép. Tất nhiên, đề nghị đó khá thông minh, phải nói là nên cảm ơn vì đề nghị đó ấy chứ, đúng không? Cũng không nên dồn mọi việc cho một người. Đáng lẽ phải cảm ơn thì người ta lại trút lên mình thêm một gánh nặng, thế mới chết người chứ…
- Sergei, chính cậu cũng nói là cậu cần xuống nhà máy kia mà.
- Đủ rồi, mình đã xuống rồi. Mình sẽ còn đi hai lần nữa. Mình đã quan sát mọi người.
- Trong vòng có một ngày?
- Thế là đủ rồi! Mình đã quan sát nhà máy ba năm sau chiến tranh. Vì mình đã biết nhà máy, nên tất cả những sự thay đổi diễn ra trong khoảng thời gian đó lập tức đập ngay vào mắt mình. Cậu hiểu chứ! Cậu đừng quên là do công việc của mình, mà mình có dịp đến các nhà máy khác nhau, tiếp xúc với mọi người và đi sâu tìm hiểu quá trình sản xuất. Bởi vì một người thừa hành có trách nhiệm cần phải luôn luôn đi nhiều nơi…
- Thế cậu cũng là một người thừa hành à? Chứ không phải là một cán bộ kỹ thuật?
- Ồ, cán bộ kỹ thuật hay người thừa hành thì cũng thế thôi. Nói đúng hơn thì mình là một người thừa hành có trách nhiệm, nhưng hình thức thì lại như một cán bộ kỹ thuật. Phụ trách ban cán bộ. Vấn đề không phải là ở đấy… Cho nên mình đã quyết định viết truyện.
- Thế cậu có hiểu biết về lao động của những người công nhân không? Chính cậu cũng đã từng làm việc phải không?
- Mình biết chứ, - Sergei ngồi xuống giường. - Nhưng điều quan trọng hơn là phải biết cách viết về người công nhân. Đó là điều chủ yếu. Viết như thế nào? Đó là điều quan trọng nhất, còn những việc khác… Những việc khác không phải là thực chất của vấn đề. - Anh đút một ngón tay vào miệng, rồi phồng má lên và bỏ tay ra - một tiếng rít như tiếng đạn réo hoặc tiếng nút chai phụt ra vang lên. - Cậu hiểu rồi chứ?
Anh khè cười vang, nhích lại sát tường và nhẹ nhàng gõ nhịp trên nền nhà bằng đôi chân trần. Trong bóng tối Vadim không nhìn thấy nét mặt Sergei, nhưng anh cảm thấy Sergei đang nhìn chằm chằm vào anh.
- Thế cậu viết truyện để làm gì? - Vadim hỏi.
- Để làm gì à? - Sau một thoáng im lặng Sergei nói nhỏ: - để cho mình thôi!
“Cậu này say rồi“ - Vadim xác định. Mấy giây im lặng kéo dài, sau đó Vadim hỏi:
- Cậu say đấy à?
- Mình ấy à? Không hề! - Sergei cười vang. - Mình rất tỉnh táo và vững vàng như là nụ hoa vào tháng năm. Nếu cậu là một cô gái… - Anh ta lại cười vang và lại gõ nhịp.
- Cậu nằm xuống ngủ đi. - Vadim nói.
- Mình không muốn ngủ. Mình nói những chuyện tầm thường quá phải không? Có thể! Nhưng vì cậu không phải là một cô gái, như mình đã phải buồn rầu mà nhận xét… Đúng… Cậu, Vadim, cậu hiểu biết mọi người kém qua. Đó là một tai hoạ của cậu đấy!
Sergei ngáp dài và đứng dậy để nhồi một tẩu thuốc. Đúng, cậu ta đã bị say, và Vadim nghĩ rằng cứ tiếp tục câu chuyện này thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Dù sao anh vẫn nói:
- Tại sao cậu lại cho rằng mình kém hiểu biết mọi người nhỉ? Có lẽ là vì mình kém hiểu biết hơn cậu chăng?
- Không đâu, ông anh ạ, không phải chuyện đó. Người ta nói rằng muốn hiểu biết phụ nữ nói chung, trước hết phải hiểu biết được một người đã - đó là vợ mình - Nhưng muốn biết mọi người, muốn hiểu được họ, cần phải có được khả năng biến hoá. Ngoài ra, còn cần phải biết độc lập suy nghĩ nữa.
- Cậu, tất nhiên…
- Mình, đúng thế! Mình cũng đang biến hoá. Và với mình…
- Sergei bước lại gần. Vadim và khua khua bàn tay xoè ra. Như chiếc quạt đen xì trước mặt bạn, - không điều gì là có thể giấu nổi!…
Đột nhiên Vadim bật cười.
- Không, cậu say thật rồi! Hoặc là cậu đã biến thành một người say rất đạt!
- Điều đó không quan trọng. Còn cậu thì không hiểu biết mọi người! - Sergei cất cao giọng nói. - Cậu nói xem, cái quan hệ rối bời với nhà máy đó cần thiết gì cho ai?
- Sao, cần cho ai à? cần cho chúng ta, cần cho họ.
- Nhảm nhí cả! Chỉ cần cho một mình Galuschian thôi, để cho cậu ta được vỗ vai ở quận đoàn và, có lẽ, còn được in lên báo “Sự thật thanh niên” nữa. Cậu ta láu cá lắm! Cậu ta: có cái lưng của một nàng hầu, nhưng lại láu như một con quỉ, - hừ!
- Cậu chỉ được cái ba láp! Spartar là một anh chàng chân thành, trung thực…
- Cậu ta có cái lưng của một nàng hầu láu cá, - Sergei bướng bỉnh nhắc lại. - Vừa hẹp, vừa tròn… Đúng thế đấy, lưng cậu ta thế đấy!
Vadim vùng dậy, nắm lấy vai Sergei và đẩy anh ta xuống giường.
- Nằm xuống và ngủ đi! Mình ớn những chuyện làm nhảm ấy lắm rồi, cậu nghe không?
Sergei không trả lời. Anh ngồi bất động một lúc trên giường, sau đó từ từ đứng dậy và không hiểu vì sao anh rón rén đi đến bên chiếc đi-văng. Ngồi xuống mép đi-văng, anh thận trọng đặt bàn tay lên chăn của Vadim và thì thầm hỏi:
- Cậu hãy nói thật… cậu có yêu Lena không?
- Sao bỗng nhiên cậu lại hỏi thế? - Vadim lắp bắp, người run lên vì bất ngờ.
- À, à, nghĩa là cậu có yêu chứ gì! - Sergei khẽ cười thành tiếng. - Mà nếu cậu yêu thì có nghĩa là cậu tin. Đối với cậu, cô ta, như ngày xưa thường nói, hình như là một người yêu lý tướng, đúng không?
- Với mình, đó không phải là chuyện hình như. Cậu chỉ nói nhảm thôi.
- Thế cậu có biết hôm nay ai đưa cô ta từ chỗ dạ hội đi không? Không à? Một anh chàng ở trường sân khấu. Đầu bù xù, tóc mai vắt chéo thế này này. Cô cậu đến dạ hội bên trường cậu ta ấy mà. Chà, thế sao?
- Cái gì? - Vadim hỏi lại giọng khàn khàn.
Anh thấy nóng bừng và thoáng có cảm giác là buổi nói chuyện lạ lùng này, cái giọng thì thào của Sergei và khuôn mặt trắng bệch không nhìn rõ trong bóng tối, không phải là khuôn mặt nữa, mà là một chiếc mặt nạ - tất cả những cái đó là một giấc mơ nặng nề đang đè nặng lên anh, cần phải giũ bỏ đi.
- Đấy sự hiểu biết mọi người của cậu đấy! - Sergei thì thầm vẻ đắc thắng. - Cô ta cũng như những cô gái khác thôi. Thậm chí, có lẽ còn xoàng hơn những cô khác nữa chứ! Chỉ được cặp đùi, còn tất cả cũng như những người khác thôi. Mà cặp đùi thì cũng chỉ để phô ở bãi tắm được thôi.
- Thứ nhất là cậu không biết cô ấy, - Vadim nói. - Cậu sống sượng qua, Sergei ạ…
- Mình sống sượng? Còn cậu thì chỉ là một con cà giếc duy tâm thôi! Cậu có muốn là mình sẽ chiếm được có ta ngay trong vòng ba tuần không? Không, chỉ cần hai tuần thôi? Nào, cuộc nào?
Vadim im lặng.
- Mình sẽ chứng minh cho cậu biết rằng cô ta cũng như mọi cô khác thôi, dù bố cô ta có đi xe Pobeda đi chăng nữa. Thế nào? Cuộc chứ?
Vadim vẫn im lặng.
Sergei cười khảy và đứng dậy khỏi đi-văng.
- Sống sượng… - anh vừa lầm bẩm vừa lắc đầu. - Mình, có thể, còn trong sạch gấp trăm lần cậu! Mình nói cho cậu biết rằng cậu kém hiểu biết mọi người lắm. Và cũng như là cậu không hiểu Spartar, không hiểu Andrei, không hiểu anh chàng Lagodenko ngốc nghếch lúc nào cũng lầm bẩm những câu nói của thủy thủ…
- Im đi! Hay là… - Vadim nói bằng cái giọng khiến Sergei bỗng nhiên im bặt.
Bước đến bên giường, anh chui vào nằm dưới đống chăn và kéo lên trùm kín đầu. Im ắng cho đến sáng.
Sáng ra thức đậy, Sergei thấy đi-văng trống không và chăn gối đã được xếp cẩn thận trên mép giường. Bà Irina Vichtorovna nói rằng Vadim thức dậy rất sớm, yêu cầu đừng đánh thức Sergei và đã ra về.
- Thậm chí chỉ một tách cà phê cũng không uống hết, - bà phàn nàn. - Vội đi đâu ấy. Chẳng lẽ hôm nay các con phải lên lớp?
- Đấy là ở lớp cậu ấy, - Sergei vặn người lẩm bẩm.
Cơn đau đầu đang hành hạ anh, cổ họng bắt đầu rát như phải bồng. Anh quyết định không đến trường.