Chương 6
Không muốn làm chánh trị nhưng không thể thoát

    
rong làng báo Sài Gòn trước năm 1975 có Huỳnh Thanh Vị, chủ báo Đồng Nai, là một nhà báo có xu hướng đối lập. Khi Huỳnh Thanh Vị mời tôi cộng tác, tôi cũng biết anh ta đang làm chánh trị nhưng không rõ là ở nhóm nào, vì tôi không quan tâm đến chuyện nầy khi tôi chỉ chuyên viết tiểu thuyết tình cảm và giải đáp chuyện tâm tình cho độc giả.
Có lần (sau năm 1963, nghĩa là sau khi Dương văn Minh đảo chánh Ngô Đình Diệm), Huỳnh Thanh Vị hỏi tôi vậy chớ chị có quen với Dương văn Minh không? Tôi trả lời nói quen hay không quen đều có thể được. Khi Dương văn Minh còn học ở Chasseloup Laubat thì tôi học ở Gia Long, ngang lớp nhau và cũng có thể cùng tuổi. Chúng tôi cùng ở một đường gần vườn Bờ Rô (nay là Công viên Văn hóa TP.HCM), là đường Lareynière sau đổi tên Đoàn thị Điểm và bây giờ là Trương Định). Dương văn Minh là con một gia đình công chức, đông em, và các em gái của Dương văn Minh đều là bạn học của các em tôi. Minh cũng như tôi, là con lớn trong gia đình. Thì ra Vị là thành viên trong nhóm ba phe (chính quyền miền Nam, Mặt trận Giải phóng và thành phần thứ ba, trung lập) mà tôi thì không làm chánh trị. Ngoài việc nuôi con và làm công tác xã hội, tôi không hề tham gia chuyện chánh trị. Khi viết văn tôi cũng chỉ viết về đề tài tâm lý xã hội mà thôi.
Sau đó Dương văn Minh lại bị một đám quân nhân khác do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu lật đổ với lý do Minh thân Pháp. Rồi Dương văn Minh bị ép phải bỏ nước ra đi sống lưu vong một thời gian. Sau này lại được Nguyễn văn Thiệu cho về và thành lập nhóm ba phe. Khi Huỳnh Thanh Vị hỏi tôi là giai đoạn lúc sau nầy, và tôi trả lời cho Vị như vậy đó.
Huỳnh Thanh Vị nói:
- Dương văn Minh nói có biết chị và bây giờ muốn gặp chị.
Tôi cười:
- Gặp để làm gì?
Tôi bỗng nghĩ lại về thời còn đi học, Dương văn Minh là một trong những người ái mộ tôi trong khi tôi luôn luôn phớt tỉnh.
Vị nói:
- Anh ấy muốn mời chị vào nhóm ba phe.
Tôi lắc đầu:
- Anh thừa biết tôi không hề làm chánh trị, mà dù tôi có là người làm chánh trị đi nữa thì tôi cũng không bao giờ hợp tác với ông Minh.
Vị hỏi:
- Tại sao?
Tôi liền nói, vừa nói vừa xách cặp đứng dậy ra về:
- Khi cờ đến tay mà còn không phất được thì bây giờ có cơ hội nào để làm nữa?
Tôi đã nói bao nhiêu lần là tôi không thích tham gia chuyện chánh trị. Khi dẫn mấy đứa con từ vùng Quảng Ngãi thuộc Liên khu 5 về Sài Gòn, tôi đã tự hứa với lòng là từ đây chỉ làm việc nuôi con, chọn các trường tư thục chớ không dạy trường công, và viết văn làm báo tức là làm nghề tự do.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ một chuyện cũng hơi lạ. Khi tôi đưa mấy đứa con từ Quảng Ngãi về Hội An, rồi từ Hội An ra Đà Nẵng, để từ Đà Nẵng xin giấy tờ đi Sài Gòn, ở Đà Nẵng tôi có bà con bên ngoại nên về ở nhà của dì tôi. Dì tôi góa chồng, còn cô em con dì tôi thì làm hãng Hàng không dân sự. Cô này là thư ký riêng cho ông giám đốc người Pháp, thỉnh thoảng ông ta đến nhà thăm và chuyện trò thân mật, chắc cũng là bồ bịch gì đó. Vì tôi biết tiếng Pháp nên em tôi giới thiệu ông ta. Tôi có nói tôi đưa lũ con từ vùng Liên khu 5 về Sài Gòn vì ở đó tôi không sống nổi do cái đói của những năm 1951-1952. Ông ta hỏi làm sao tôi trốn đi được với một lũ con nhỏ vừa đi vừa khóc như vậy?
Phải rồi, với một lũ con ồn ào như vậy thì làm gì có chuyện trốn đi được? Tôi nói tôi đang dạy cho chính phủ cách mạng và đã xin nghỉ, rồi xin giấy tờ công an Việt minh để về Sài Gòn. Ông ta lấy làm lạ hỏi: “Sao bà lại xin được giấy tờ?”. Tôi nói: “Vì bạn bè của nhà tôi đều làm trong chính quyền, thông cảm cho tình cảnh của tôi nên để cho tôi đem lũ nhỏ đi, còn nhà tôi vẫn ở lại”.
Ông ta đắn đo một hồi rồi nói:
- Tôi có một lời khuyên bà, không biết bà có nghe không?
Tôi liền nói:
- Xin ông cứ nói.
Ông nói:
- Nếu vào Sài Gòn, bà nên tìm những hãng tư mà làm, đừng làm với các cơ quan nhà nước.
Tôi cảm ơn và lúc ấy tôi không khỏi lấy làm lạ tại sao ông ta là người Pháp mà lại khuyên tôi như vậy.
Vào Sài Gòn, tôi ở với cha mẹ tôi ở đường Lương Hữu Khánh và mở lớp dạy Pháp văn và Việt văn tư ở nhà cho tụi học trò theo học chương trình Pháp. Được mấy tháng, vì anh chồng tôi làm chủ báo, các cháu tôi cũng có đứa làm chủ nhiệm báo tuần, nên tôi có đất để hoạt động. Sau đó, tôi lại được các trường tư như Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers mời dạy.
Tôi có một số bạn đang dạy ở trường Gia Long vận động với bà hiệu trưởng lúc bấy giờ là bà Huỳnh Hữu Hội mời tôi vào dạy hoặc làm trong ban giám thị của trường, nhưng tôi thấy không tiện vì đây là trường công lập, phải qua Bộ Giáo dục. Còn ở trường Tôn Thọ Tường mà tôi từng dạy khi mới vào đời thì bây giờ là bà Nguyễn văn Nhã vẫn còn làm hiệu trưởng. Khi tôi vào thăm, bà rất vui mừng sau bao nhiêu năm xa cách và tỏ ý nếu tôi cần thì cứ lên Bộ Giáo dục ghi tên lại, tôi thấy nếu làm cho nhà nước thì đồng lương không đủ nuôi các con, vả lại thì giờ cũng bị ràng buộc. Tôi dạy ở ngoài được nhiều tiền hơn, lại tự do về sự đi đứng và thì giờ.
Mỗi tháng tôi dạy ở các trường tư thục cũng được 10.000đ, lúc bấy giờ bằng hai lượng vàng. Tiền viết cho Phụ Nữ Ngày Mai và Phụ Nữ Diễn Đàn cùng Văn Nghệ Tiền Phong được 15.000đ, tiền viết hai mục ở Tiếng Vang là 12.000đ. Tiền lãnh ở Sàigòn Mới cũng 12.000đ. Tính ra vàng là cả chục cây. Lương như vậy đâu phải là nhỏ.
Tánh tôi lại không chịu nịnh bợ ai, kẹt vô trường Gia Long làm gì? Tôi còn nhớ tuy tôi không nhận lời dạy ở trường Gia Long, nhưng con gái lớn của tôi là Nguyễn thị Thanh Hương, khi ở Quảng Ngãi về thi vô lớp sáu trường Gia Long đã đậu cao và được học bổng. Lúc ấy tôi chưa quen bà Huỳnh Hữu Hội. Nhưng sau đó bà mời tôi đến nhà chơi và trong một cuộc bầu cử hội phụ huynh học sinh trường, tôi đắc cử. Tôi có chút tên ở làng báo và được độc giả ưu ái nên đi đến đâu và bất cứ nới nào có bầu cử là tôi không sao từ chối được. Do đó mà tôi luôn bị đắc cử vào Hội phụ huynh học sinh các trường có con theo học: Gia Long (nay là Nguyễn thị Minh Khai), Võ Trường Toản, Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Lê văn Duyệt (nay là Võ thị Sáu) rồi cả Hội bảo vệ luân lý, được bầu cử ngay sau một lần lên phát biểu ý kiến ở Đại hội, rồi lại được bầu làm cố vấn cho Hội phụ nữ Việt Nam, cho Bình dân học hội - Đây là vào khoảng các năm từ 1956 đến năm 1961.
Làm việc ích lợi chung thì tôi làm, nhưng nếu để phục vụ riêng một nhân vật nào thì tôi không bao giờ chịu làm, do đó cũng có sự mếch lòng với nhiều người vì không lợi dụng tôi được. Hồi đó bà Huỳnh Hữu Hội có một cô con gái học ở Marie Curie, được học bổng đi Anh Quốc. Bà muốn tôi viết bài khen con bà trên báo, và ngỏ ý này với Nguyễn Như Hằng, bạn thân của tôi, đang làm giám học ở trường, nhờ Như Hằng nói giúp với tôi. Như Hằng nói là bạn thân nên rất hiểu tôi, tôi không bao giờ dùng mặt báo cho chuyện riêng tư, nên Như Hằng không chịu nói.
Tôi còn nhớ câu Như Hằng nói với tôi:
- Tao thấy mầy không bao giờ khen ai., nhất là người có chức quyền.
Bà Huỳnh Hữu Hội liền nhờ chị Ngô thị Tý vì chị này cũng là bạn về vai chị với tôi và chị lại làm ở Ban Giám thị trường. Nhân lúc tôi bị bệnh, chị đến thăm cho tôi hai chai nước mắm ngon rồi ngỏ ý tôi nên viết một bài khen con gái bà Huỳnh Hữu Hội. Khen một nhân tài trẻ, một học sinh chăm chỉ thành công thì tôi sẵn sàng viết mấy bài cũng được, nhưng tôi biết con gái bà Hội không phải học giỏi, chỉ vì bà chạy chọt mà cô nầy được học bổng, nên tôi từ chối viện lẽ không thể viết được vì báo không phải là báo của tôi, tôi chỉ viết thuê mấy mục thôi. Bà Hội liền ngỏ ý nếu tôi giúp bà thì bà sẽ cho con gái thứ hai của tôi đang học lớp đệ tam ở trường Đạt Đức vào trường Gia Long. Đây là một sự đổi chác tôi không thích, nên tôi đã từ chối sự ưu ái của bà.
Sự ngay thẳng này của tôi thường bị nhà tôi cho là quá đáng, làm mất cảm tình của bạn bè. Nhưng sau việc này, bà Huỳnh Hữu Hội vẫn tử tế với tôi vì bà rất cần tôi ở Hội phụ huynh (con bà không có thực tài nên qua Anh đã không đậu vào trường Oxford mà phải học ở một trường tư).
Nói để các bạn thấy mua chuộc tôi không phải là chuyện dễ. Tánh tôi như vậy đó nên ít có bạn bè, và tôi thích giúp đỡ người thất thế hơn là giúp những người đã có địa vị còn dựa vào địa vị của mình để đi lên, đi lên mãi.
1. Tại sao được mời làm Hội đồng tỉnh Gia Định mà tôi từ chối?
Khi ông Ngô Đình Diệm ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ ba thì muốn làm ra vẻ dân chủ, cho những liên danh khác ra tranh cử. Lúc bấy giờ có nhiều liên danh ra tranh cử là do chính phủ đương thời đứng bên trong cổ võ để bên ngoài người ta thấy chính phủ Ngô Đình Diệm thật tình là một chính phủ dân chủ. (Nếu tôi nhớ không lầm thì có liên danh của luật sư Trương Đình Du, của một nhà thầu khoán nào đó, rồi của bác sĩ Phan Quang Đán).
Một hôm tôi đang làm việc ở báo Sàigòn Mới thì ông Bùi Đăng Độ, một người bạn vai em của cha tôi, lúc ở Đà Nẵng tôi thường gọi ông bằng “chú”. Lâu lắm mới gặp lại, tôi không khỏi lấy làm lạ vì cha tôi đã mất và từ ngày cha tôi đổi vào Sài Gòn thì không còn gặp chú nữa.
Tôi vui vẻ hỏi chú:
- Lâu quá không gặp chú. Hôm nay chú đến tìm cháu có việc gì ạ?
Chú nhìn quanh tòa soạn rồi hỏi tôi:
- Ở đây chúng ta có thể nói chuyện được không? Vì đây là một chuyện rất quan trọng, và người ta, một nhân vật quan trọng, nhờ chú đến thương lượng với cháu.
- Chú thấy đó, cháu ngồi một mình một phòng. Có việc gì chú cứ nói, nhưng cháu xin nói trước với chú là lúc nầy cháu bận lắm, nếu là cộng tác với một tờ báo thì cháu xin chịu, không thể làm được.
- Không, không phải là chuyện làm báo.
- Thưa chú vậy là chuyện gì?
Chú ngần ngại một lát, rồi hỏi:
- Cháu có biết ông Nguyễn Thế Truyền không?
- Cháu có biết qua tên tuổi nhưng chưa hề gặp. Cũng là một nhà chính trị, đã từng làm cách mạng chống Pháp hồi đó.
- Đúng, nhưng bây giờ ông Nguyễn Thế Truyền muốn ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ nầy.
Tôi vội vàng hỏi:
- Để tranh cử với đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm sao? Ồ, cháu thật tình không biết gì nhiều về chánh trị, nhưng cháu nghĩ rằng một khi ông Diệm còn ra tái cử thì sẽ không có liên danh nào khác đánh đổ ông ta được. Làm chánh trị kiểu độc tài mà chú.
Ông Bùi Đăng Độ nhìn tôi rồi nói:
- Đã đến lúc phải đánh đổ sự độc tài.
- Bằng cách gì? Và Nguyễn Thế Truyền đâu phải là đối thủ.
Ông Bùi Đăng Độ có vẻ sốt ruột:
- Để chú đi ngay vào câu chuyện cho cháu rõ.
- Xin chú nói ngay, cháu nghe đây.
Chú Độ liền nói:
- Ông Nguyễn Thế Truyền ra tranh cử với ông Ngô Đình Diệm, ông cần một Phó tổng thống nên nhờ chú đến mời cháu đứng vào liên danh với ông.
Thật là một chuyện bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi! Tôi ngồi khựng hồi lâu nhìn ông Độ rồi cười:
- Tại sao không mời chú? Chú cũng là một người chống Pháp hồi đó với ba cháu và ông Phan Thành Tài. Chú cũng là một nhà chánh trị, lại là đàn ông. Đàn bà không nên làm chánh trị.
Ông Bùi Đăng Độ thở dài:
- Chú thì tài cán gì! Hồi đó ông Phan Thành Tài cầm đầu phong trào Duy Tân thì ba cháu và chú còn trẻ. Sau này sinh kế, cũng vì trên đầu còn cha mẹ già, dưới gối còn con nhỏ, nên cha cháu cũng như chú phải ra làm công chức, như vậy đâu phải nhà chánh trị, đâu có xứng đáng gì mà ứng cử. Cháu bây giờ là cây bút nổi tiếng, từ thành thị đến thôn quê hỏi đến tên bà Tùng Long ai mà không biết. Cháu giúp ông Truyền một tay đi.
Tôi bật cười:
- Người ta biết tên cháu vì họ là độc giả của cháu. Cháu đang ở trên một lãnh vực khác, người ta đang ái mộ cháu, việc gì cháu đi làm một chuyện khiến người ta chê cười và ghét bỏ.
- Cháu suy nghĩ kỹ lại đi.
- Dù cháu có suy nghĩ cả tháng thì đáp số vẫn là không. Cháu không bàn cãi với chú về chuyện chánh trị, vì cháu dốt chánh trị lắm, vả lại chú là chú của cháu. Nhưng chú cũng thấy, ra tranh cử để làm gì? Làm sao thắng được ông Diệm, một đương kim Tổng thống? Họ có Đảng cần lao, quân đội, công chức... Nội các là của họ. Bên Tây, bên Mỹ thì còn họa may.
Thấy chưa thể thuyết phục được tôi, chú Độ liền nói:
- Cháu hãy về bàn lại với Hồng Tiêu, rồi ngày mai hay ngày mốt chú sẽ đến thăm hai cháu.
Tôi nói ngay:
- Việc của cháu là của cháu, đâu có gì phải bàn với nhà cháu. Làm một việc gì mà thấy trước thất bại thì cháu không làm, huống chi là chuyện chánh trị. Nhà cháu chưa bao giờ can thiệp vào việc làm của cháu.
Chú Độ lắc đầu rồi ra về, có vẻ tiếc rẻ cho tôi có một cơ hội như vậy mà lại từ chối.
Thì ra nổi tiếng trong chuyện viết lách, có một số độc giả ái mộ cũng là một lợi khí để người ta bước vào con đường chánh trị. Lúc ấy tôi đang nổi tiếng thật, làng báo đã trải thảm đỏ cho tôi đi, độc giả đã bao quanh tôi một tấm lụa hồng danh vọng, mọi người đều biết đến tôi như là một cây bút đúng đắn, chủ tâm xây dựng một phong trào lành mạnh cho giới trẻ, cho chị em phụ nữ đương thời.
Sau đó tôi đem chuyện này kể lại cho nhà tôi nghe thì nhà tôi nói:
- Em không chịu nghĩ kỹ rồi hãy trả lời. Một chuyện quan trọng như vậy mà tại sao em không bàn với anh, lại từ chối ngay vậy? Nhà chú Độ ở đâu, để anh đến hỏi kỹ chú xem sao.
- Hỏi kỹ cái gì?
- Nguyễn Thế Truyền ra ứng cử là dựa vào ai?
Tôi cười và nói:
- Dựa vào ai mặc kệ. Em không cần đứng vào cái danh sách ấy để có tên làm trò cười cho thiên hạ mà rồi làng báo sẽ cuốn mất tấm thảm đỏ mà họ đã trải cho em đi, độc giả sẽ xoay lưng lại em.
Nhà tôi lắc đầu:
- Em cứng đầu thật đấy. Em chả hiểu gì về chánh trị cả.
- Thì ra đã bảo là em không làm chánh trị mà.
Ngày hôm sau, nhà tôi ra tòa soạn và kể lại chuyện ông Độ đến mời tôi đứng vào liên danh ông Nguyễn Thế Truyền mà tôi không hỏi ý kiến của nhà tôi và anh chị tôi, đã từ chối dứt khoát.
Anh Bút Trà liền mời tôi vào phòng chủ nhiệm, rồi cũng bằng cái giọng của nhà tôi, bảo:
- Sao chuyện quan trọng như vậy mà thím không vào bàn ngay với tôi?
Anh Bút Trà rất nể tôi vì nhiều lẽ: tôi có học, giúp anh chị tôi được nhiều việc: thư ký, thông dịch viên cho chị tôi, thay mặt anh tôi đi dự những buổi họp báo ở dinh Thống đốc, ở Sở mật thám Catinat để nghe cấp lãnh đạo của tụi Pháp phê phán đường lối các tờ báo. Anh Bút Trà thường lánh mặt để tôi đi dự vì bọn Pháp hay nể đàn bà, lần nào họp mấy ông chủ bút chủ nhiệm gì cũng đứng cả, chỉ có tôi và chị Thụy An là được ngồi.
Trước câu hỏi của anh chồng tôi, tôi nhìn thẳng vào mặt anh và nói:
- Thưa anh, em tài cán gì mà ra tranh cử chức Phó Tổng thống trong liên danh Nguyễn Thế Truyền? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai: Nguyễn Thế Truyền làm sao thắng được Ngô Đình Diệm, đương kim Tổng thống? Điều thứ ba và cũng là điều định đoạt: Em không muốn làm chánh trị.
- Thím nói hết chưa?
- Dạ rồi.
- Vậy bây giờ đến phiên tôi giải thích cho thím. Thím nói thím không làm chánh trị là thím không hiểu thế nào là làm chánh trị. Thím viết bài hô hào chị em phải có nghề nghiệp để khỏi bị nam giới khinh rẻ, thế không phải là làm chánh trị sao? Thím hô hào phụ nữ phải tham gia công tác xã hội, tranh đấu quyền lợi làm người, bình quyền bình đẳng với nam giới, rồi hô hào bảo vệ phụ nữ, nhi đồng, chống áp bức, nghèo đói, vậy không phải là làm chánh trị sao?
- Em làm việc xã hội.
- Thím để tôi nói. Làm việc xã hội là bắt nguồn để làm chánh trị. Thím hãy nhìn qua các nước trên thế giới, những nước kém mở mang như nước mình. Khi dân tình còn dốt nát, đói rét thì ai nói gì họ nghe nấy, miễn có cơm ăn áo mặc. Và khi được đi học để mở mang dân trí, thì họ làm gì thím cũng biết chớ. Họ đòi đủ thứ quyền khác, rồi đòi nước được độc lập, đòi xua đuổi bọn thực dân phong kiến. Tôi nói ít thím hiểu nhiều, và bây giờ thím còn khư khư tuyên bố không làm chính trị nữa không?
Tôi làm thinh thì anh tôi lại nói thêm:
- Ông Nguyễn Thế Truyền đã là một chính khách từng vào tù ra khám, chạy ra các nước khác để tranh đấu độc lập cho Việt Nam. Tuy ông ta thất bại, không được may mắn như ông Ngô Đình Diệm, nhưng cũng là một người đáng kính. Bây giờ thấy mình già rồi mà không làm được điều gì, cuộc đời sắp tàn, ông ta muốn vùng vẫy một phen, được hay không cũng phỉ nguyền ước vọng. Chuyện thành công hay thất bại ở đời khó luận. Hiện giờ dân chúng không còn sùng bái Ngô Đình Diệm như hồi ông ta mới về nước, mà bị mang tiếng là độc tài, gia đình trị, làm tay sai cho Mỹ. Ông Truyền cũng có tham vọng lắm chớ.
- Vậy sao ông ta không mời một người có thành tích chính trị, hay mời anh, mời các nhà báo có tên tuổi, mà mời em, một phụ nữ chỉ biết viết văn để nuôi con?
- Bởi vì thím là một phụ nữ, mà phụ nữ là hơn một nửa quốc dân. Thím được phụ nữ và cả nam giới ái mộ nữa, thím chưa có một vết bẩn gì về chuyện lợi dụng đảng phái này đảng phái nọ để làm bàn đạp tiến thân. Cũng có nhiều phụ nữ có tài nhưng họ không có một công chúng to lớn như thím. Các bà luật sư Nguyễn Xuân An, Huỳnh Ngọc Anh, giáo sư hiệu trưởng Tăng Xuân An, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, lại đang ở trong đoàn thể này đoàn thể kia, còn thím, thím là một nhà văn, một nhà giáo độc lập, thím không hiểu như vậy sao? Thím có mất mát gì đâu, người ta lo hết cho thím, chỉ khi phải nói trước công chúng, thím mới ra sức, ra tài. Với nghề nghiệp, sức học của thím, thím dư sức thuyết phục những cử tri độc giả của thím.
Thấy bộ mặt lạnh lùng và cương quyết của tôi, nhà tôi nãy giờ cũng có mặt ở đó, liền nói:
- Anh đừng thuyết phục Bạch Vân vô ích. Chính ông nhạc của tôi cũng đã nói là vợ tôi lì lắm. Một khi đã quyết định việc gì - ngay từ khi còn nhỏ - thì không chịu nghe ai nói cả.
Anh Bút Trà cũng vốn là tay kinh tài, nên định đáng vào chuyện tiền bạc để cầu may:
- Còn một việc này nữa. Nhiều khi ông Truyền bị mua chuộc, thím hiểu không?
- Bị mua chuộc?
- Có thể như thế này: Như nhiều nhà độc tài khác trên thế giới, ông Diệm không muốn ra ứng cử một mình, sợ mang tiếng là độc tài. Nên ông mới bày ra chuyện hô hào các liên danh khác ra tranh cử, rồi bỏ tiền cho các liên danh này in áp-phích, đi cổ động... Ông Truyền sẽ có một số tiền và tên ông, tiểu sử của ông lại một phen được nhắc lại, sau đó có tiền sống những ngày già đỡ vất vả...
Tôi lắc đầu chán nản nhìn nhà tôi, và nhà tôi hiểu ngay là tôi rất ghét cái trò làm vật hy sinh cho người khác.
Tôi liền nói:
- Thưa anh, nếu vậy thì em từ chối rất phải. Đứng trong một liên danh như vậy thì sau nầy còn gì tên tuổi của em? Và em sẽ nói sao với các con em về việc làm vụ lợi vô lý này? Em cần gì? Tiền bạc nuôi con nên người phải do em làm một cách lương thiện. Hiện giờ em đâu đến nỗi nghèo đói, em dạy học và viết văn cũng đủ sức nuôi con rồi. Tên tuổi ai không muốn, nhưng tên tuổi tạo nên bằng cách lừa đảo, gian dối, vụ lợi, làm trò bung xung thì em không cần.
Anh tôi chịu thua:
- Vậy tùy thím. Nhưng tôi rất tiếc cho thím.
Sau đó liên danh Nguyễn Thế Truyền tìm một người khác làm Phó tổng thống ra ứng cử, tôi không để ý nên quên mất cái tên rồi. Lẽ dĩ nhiên là thất cử.
Thế rồi, lại xảy ra một chuyện khác: Tỉnh trưởng Nguyễn Đức Xích của tỉnh Gia Định lúc bấy giờ mời tôi đến dự một cuộc họp tại dinh tỉnh trưởng cùng vài nhân vật khác trong quận để nói về chuyện Tổng thống Ngô Đình Diệm tái ứng cử nhiệm kỳ 3. Sau đó ông ngỏ ý kiếm những người có tâm huyết đứng ra cổ động cho Ngô Đình Diệm. Sau buổi họp nầy, ông Xích còn mời riêng từng người đến nhà riêng ở Gò Vấp vào một buổi tối, làm ra vẻ bí mật không tiết lộ cho ai biết, để giao việc... Thế là tôi bị ở thế kẹt! Nhưng tôi nói với nhà tôi là anh đừng lo, người ta lấy thế lực, quyền uy ép mình, nhưng mình cũng có cách từ chối hoặc chỉ thi hành theo mệnh theo ý mình.
Nhà tôi lắc đầu:
- Đó, em thấy chưa? Em không muốn làm chánh trị người ta cũng không để yên cho em đâu.
Mỗi cổ động viên phải nói chuyện trước một đám đông, ở một địa điểm riêng nằm trong cơ quan nhà nước.
Tôi không rõ ngoài tôi ra, các cổ động viên khác là ai. Tôi phải nói trước một số phụ nữ đại biểu từ các tỉnh khác về dự, để rồi khi về khu vực của họ, họ sẽ phổ biến lại. Đây là một việc làm đầy hình thức và cũng thật buồn cười, cổ động dân chủ theo lối lấy vải thưa che mắt thánh. Những người đến dự là những người do chính quyền địa phương cử đến, trong phong trào Phụ Nữ Liên đới của bà Ngô Đình Nhu, hoặc trong phong trào Cần lao Nhân vị, Thanh niên Cộng hòa của Ngô Đình Nhu. Nhưng sau khi tôi nói chuyện xong và xuống tiếp xúc riêng với họ thì họ mới nói: “Chúng em đến để biết mặt bà, mấy lâu nay đọc bài của bà viết mà chưa một lần hội kiến. Chúng em chỉ ao ước có từng ấy việc”.
Rồi ngày bầu cử đến, lẽ dĩ nhiên liên danh của Ngô Đình Diệm tái đắc cử nhiệm kỳ ba.
Tôi vẫn vùi đầu vào công việc ở nhà báo, ở các trường, và dạy dỗ các con, nên cũng không lưu tâm nhiều về chuyện người ta đang ăn mừng thắng lợi chính trị, đây là vào khoảng đầu năm 1962. Nhưng họ không quên tôi, người đã bị họ đưa ra đi cổ động cho liên danh đắc cử. Tôi được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn ở dinh tỉnh trưởng Gia Định đãi những người có công. Toàn là nhân sĩ trong tỉnh cùng với đại diện chánh quyền. Khi ngồi vào bàn, tôi được ông Phó tỉnh trưởng Thiệp mời mở một cái giỏ bày trên bàn trước khi vào tiệc và ăn món chim bồ câu ra ràng rôti. Không quen với tiệc tùng linh đình, tôi mở cái giỏ thì một cặp chim bồ câu bay thoát ra khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, và có lẽ vẻ mặt của tôi lúc ấy buồn cười, ngộ nghĩnh lắm hay sao mà ai cũng vui vẻ thật sự.
Tôi còn nhớ trong buổi tiệc ấy có anh Văn Hoàn, một nhà báo cùng tuổi với anh Bút Trà, và anh Thiếu Sơn, một nhà văn có khuynh hướng cộng sản. Tôi đâu ngờ hai người này cũng cùng một cảnh ngộ như tôi là cổ động viên cho liên danh Ngô Đình Diệm. Anh Thiếu Sơn thì đường lối chính trị rõ ràng như vậy, còn anh Văn Hoàn cũng là một cây bút có tài, có lập trường, thực học, không phải con người chạy theo chính phủ. Tôi ngồi ở đầu bàn bên nầy nên không có dịp nói chuyện với hai anh ấy, lại nữa tôi không thích kẹt vào cái thế nầy, nên hôm ấy không được vui. Ông Xích thấy vậy để ông Thiệp, phó tỉnh trưởng, ngồi bên tôi trong khi ông phải ngồi ở ghế chủ tọa. Thấy tôi không vui, ông Thiệp kiếm chuyện hỏi về công việc đi dạy và viết lách của tôi, cùng các việc khác. Sau đó hết chuyện nói, ông Thiệp hỏi tôi tại sao tôi có cái tên Tùng Long, có phải nhà tôi tên là Tùng Long không? Vì vậy mà lẽ ra chỉ ký Tùng Long lại đèo thêm chữ bà. Sẵn đó tôi mới giải thích tên tôi là Lê thị Bạch Vân mà trong văn chương chữ Hán có câu Văn Tùng Long, Phong Tùng Hổ (mây theo rồng, gió theo cọp). Tôi tên Vân nên lấy bút hiệu là Tùng Long, ai tên Hổ thường lấy bút hiệu Tùng Phong. Nhà tôi tên thật là Nguyễn Đức Huy, bút hiệu Hồng Tiêu. Còn lý do tại sao tôi không ký Tùng Long như các nhà văn khác ký Minh Đức, Thủy Tiên, Ngọc Anh..., tôi trả lời ông Thiệp rằng phụ nữ viết văn đã có người ký Đam Phương nữ sĩ, Lam Đài nữ sĩ, Manh Manh nữ sĩ; nhưng cũng có người ký bà Phương Lan (vợ của Bùi Thế Mỹ, một cây bút cùng thời với nhóm Tự lực văn đoàn, anh Đào Trinh Nhất, ông Phan Khôi...). Sau nầy chị Lan Phương, vợ của anh Nguyễn văn An, đôi khi cũng ký Bà Lan Phương. Trước tôi cũng có bà Phan thị Bạch Vân dùng tiếng “bà” đặt trước bút hiệu. Là vì hồi đó những cây bút phụ nữ đếm trên đầu ngón tay, nên người ta sợ lộn với tên các nhà văn nam mới ký như vậy. Còn tôi, lúc mới cầm bút chập chững đi vào làng văn làng báo, tôi không dám nghĩ mình là một nhà văn, một nữ sĩ, mà tôi nghĩ mình có thể như bà Stael bên Pháp khi viết những bài báo về tâm lý giới trẻ hay viết những bài có tính cách giáo dục thanh thiếu niên thường ký Mme Stael. Còn một cây bút phụ nữ khác chuyên viết về giáo dục phụ nữ hay thanh thiếu niên cũng ký Mme Maintenon. Tôi nghĩ mình ký Bà Tùng Long ở các mục Gỡ Rối Tơ Lòng, Tâm Tình Cởi Mở cũng không sao, mà rồi sau này thành thói quen ai cũng gọi tôi là Bà Tùng Long, và bất cứ bài báo nào, tiểu thuyết nào của tôi họ cũng muốn tôi ký như vậy.
Sau bữa tiệc ấy mấy hôm, ông Nguyễn Đức Xích cử ông Thiệp đến nhà tôi, vừa để xem qua nhà cửa của tôi, vừa cho biết tỉnh Gia Định sẽ thành lập một Hội đồng tỉnh gồm các nhân sĩ để cùng với ông tỉnh trưởng lo cho sự phồn thịnh của tỉnh, phúc lợi của dân. Ông ngỏ ý mời tôi tham gia Hội đồng tỉnh. Tôi biết đây là một cách trả ơn về chuyện tôi có trong nhóm cổ động cho ông Diệm, và cũng để gom góp hết các nhân sĩ trong tỉnh lại cho dễ bề kiểm soát và sai khiến, vì khi đã ăn xôi chùa làm sao khỏi nghẹn họng?
Tôi nói:
- Xin anh cho tôi suy nghĩ lại. Nếu phải nhận chức Hội đồng tỉnh Gia Định thì tôi phải thu xếp nhiều vì tôi bận lắm. Với đám con chín đứa, tôi phải làm cật lực mới đủ nuôi chúng.
Lúc ấy ông Thiệp nói:
- Chị ở căn nhà này có vẻ chật hẹp quá. Hay chị để chúng tôi giúp chị một căn nhà ở một cư xá khác rộng rãi hơn. Chị nghĩ sao?
Phải rồi, nếu tôi chịu lòn cúi một chút thì tôi cũng có thể có nhà rộng, có xe hơi như các chính khách thời bấy giờ và không biết chừng nào họ còn cho tôi làm chủ một tờ báo. Nhưng tánh tôi lại không thích như vậy.
Nhà tôi nói:
- Em làm sao từ chối đây?
- Thì cứ từ chối, có cách để từ chối, vì người ta bảo để trả ơn cho mình thì quá dễ để từ chối.
Nhà tôi nói:
- Để xem em làm sao đây.
Rồi anh còn ngạo:
- Làm bà Hội đồng oai đấy chứ! Vậy là em sắp làm chính trị chính em rồi đó.
Tôi rất bực mình về chuyện nầy và suốt mấy đêm tôi không sao ngủ được. Ba hôm sau, ông Thiệp lại đến và khoe với tôi là ông đã tìm ra cho tôi một căn nhà trong dãy nhà mới cất ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Dãy nhà gồm một trệt, hai lầu, đầy đủ tiện nghi của bà Hứa Phước Mỹ và bà sẵn sàng nhường cho tôi một căn. Tôi nói với ông Thiệp về việc nầy tôi sẽ đến gặp ông Tỉnh trưởng để trả lời cụ thể. Ông Thiệp thấy rõ là tôi muốn từ chối và nhìn tôi một các kinh ngạc như tôi là một người ở hành tinh khác. Một chức vị Hội đồng tỉnh, với bao sự giúp đỡ của chính quyền, một căn nhà khang trang và còn bao nhiêu chuyện khác có lợi cho con cái tôi sau nầy... mà tôi có thể từ chối ư? Bao nhiêu người van xin cầu lụy mà dễ gì có. Ôi! Thì ra trên đời này còn có người ngu dại ngông cuồng như tôi, chắc ông ta đang nghĩ như thế. Riêng tôi, tôi bỗng nghĩ rằng mình viết báo chỉ để nuôi con, khăng khăng cứ nghĩ như thế nào ngờ nhờ cây bút mà gây được sự ưu ái của độc giả, và đo đó lại bị chính quyền lợi dụng uy tín của mình để đưa mình vào con đường mà họ cho là danh lợi, tiến thân. Phải, ngay các ông đàn ông còn khó có thể từ chối, còn đưa hai tay ra chấp nhận, nữa là một người đàn bà đang lao tâm nhọc trí làm hết mình để nuôi con. Thế mà tôi từ chối! Thật sự là vậy chớ không phải là chuyện bịa đặt.
Ngày hôm sau, tôi đến dinh Tỉnh trưởng Gia Định gặp ông Xích. Ông ta nguyên là một sĩ quan quân đội được phái về giữ chức tỉnh trưởng, lại nghe đâu là con đỡ đầu của ông Ngô Đình Diệm. Ông ta hãy còn trẻ, nhỏ tuổi hơn tôi, người miền Trung. Ông tiếp tôi rất lễ độ nhưng có sự dè dặt. Tôi nói ngay vào mục đích của tôi đến đây và cảm ơn ông đã nhờ ông Thiệp đến gặp tôi mấy lần. Tôi hỏi ông Xích:
- Thưa ông Tỉnh trưởng, việc tôi cổ động cho liên danh Tổng thống, ông Tỉnh trưởng cho là một công lao lớn phải lkhông? Và kẻ có công theo ông phải được trọng thưởng phải không?
Ông Xích đưa tay ra nói:
- Thưa bà, tôi phải nói ngay đây, không phải chỉ là đền ơn mà còn chọn vào guồng máy xã hội một người có tài có đức như bà.
- Thưa Tỉnh trưởng, vậy tôi xin hỏi: Người tốt bụng cho ơn huệ, vậy thì người được cho có quyền nhận hoặc từ chối phải không?
Ông Tỉnh trưởng có vẻ lúng túng:
- Vâng, đó là quyền của bà.
- Tôi không dám nói hai tiếng từ chối mà xin nói rằng tôi không thể nhận lời. Vì tôi có nhiều lý do để trình bày ra đây. Điều thứ nhất, tôi có một gia đình gồm một ông chồng và chín đứa con tôi phải lo. Chừng đó chuyện đã thu hút gần hết thì giờ của tôi rồi. Lo cho gia đình, tôi phải làm việc. Như ông thấy đó, tôi viết cho sáu tờ báo ngày và tuần, tôi còn phải làm công tác xã hội. Và như ông đã biết, cấp trên nhận thấy Hội phụ nữ Việt Nam của bà Bút Trà kết nạp toàn những chị em mà chánh quyền thấy lai lịch không được rõ ràng lại không có học thức nhiều, nên mới buộc bà Bút Trà tìm những người khác thay thế. Bà Bút Trà phải đưa chị Lê Quang Kim vào làm Phó Chủ rịch, rồi phu nhân của các ông trong chánh phủ vào làm cố vấn và còn đề cử tôi làm Tổng thư ký thì Hội phụ nữ Việt Nam của bà Bút Trà mới được tồn tại. Rồi chính ông tỉnh trưởng tiền nhiệm của ông đã đưa tôi vào làm trong phong trào Phụ nữ Liên đới miền Đông dưới quyền của phu nhân tướng Văn Thành Cao. Tôi lại phải có chân trong Hội bảo vệ luân lý, các hội chống mù chữ, hội phụ huynh học sinh các trường mà con tôi đang học. Nếu làm Hội đồng tỉnh trường Gia Định thì tôi làm sao có thì giờ nữa? Như ông thấy đó, vì nhiều lý do tôi không dám nhận. Xin ông tìm một phụ nữ khác nếu ông cần thấy có một phụ nữ trong Hội đồng. Lương Hội đồng cao lắm chỉ mười lăm nghìn. Hiện phải viết và dạy cật lực tôi mới kiếm được trên năm mươi nghìn đồng để đủ nuôi con và lo cho gia đình.
Ông Xích cười:
- Bà có thể kiếm nhiều món tiền khác với chức vị Hội đồng của bà.
Tôi cũng cười:
- Tôi nghĩ đại diện cho dân là phải lo quyền lợi cho dân, chớ còn kiếm tiền do chức vị này là gì tôi không hiểu. Tôi ngu dốt về chuyện làm tiền lắm.
Ông Xích thấy nói thế nào tôi cũng khăng khăng từ chối, từ chối một cách hết sức lễ độ và thành khẩn, nên ông nói:
- Ngày ra mắt Ban Hội đồng cận kề quá, chúng tôi làm sao tìm được một phụ nữ thay thế cho bà? Bao nhiêu phụ nữ có học thức và tài đức đã bị kết nạp vào phong trào Phụ nữ Liên đới của bà Nhu rồi.
Nhưng rồi ông Thiệp vẫn tìm ra một phụ nữ: bà Trần thị Xá, một người công giáo và là giáo viên dạy tiểu học.
Tôi đã từ chối thẳng thừng nhưng tỉnh Gia Định không thể làm gì tôi được vì họ phải nể mặt tôi, và bất cứ ngày lễ lạc gì của tỉnh, họ đều mời tôi, và trong thâm tâm của các nhà cầm quyền vẫn nể nang tôi, phục tôi là khác.
Ngày Ban hội đồng ra mắt, tôi được mời đến dự và đích thân Tỉnh trưởng Xích đã mời tôi vào hàng ghế đầu, nhưng tôi chỉ ngồi vào hàng ghế sau. Khi bầu cử, anh văn Hoàn trúng ghế chủ tịch, còn anh Thiếu Sơn thì là ủy viên của một ban gì đó. Tôi thấy vẻ mặt của hai người có vẻ nghiêm trọng, không vui. Khi ra mắt Ban hội đồng xong, tôi xin phép ông tỉnh trưởng ra về, cả ông Xích lẫn ông Thiệp đều nói với tôi: “Lẽ ra cái ghế chủ tịch của ông Hoàn là của bà”. Tôi cảm ơn và nói:
- Tôi cũng rất tiếc nhưng thì giờ không cho phép.
Khi tôi đi ngang qua chỗ anh Hoàn và anh Thiếu Sơn thì cả hai đều nói:
- Chị Tùng Long, tại sao chị không nhận?
Tôi chỉ đọc một câu để đùa với họ: Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp.
Cả Thiếu Sơn và Văn Hoài đều làm thinh. Tôi biết họ ở cái thế bị ép và không tiện từ chối...
Trong khi làm báo và dự các buổi họp về phụ nữ hay xã hội, tôi gặp và quen chị Khánh Trang, giám đốc công ty bảo hiểm Hưng Việt. Chị đi du học về và là vợ của anh Hoàng Minh Tuyn, một sáng lập viên của tờ Bách Khoa. Công việc của chị đang làm ăn khá thì chị được và Ngô Đình Nhu mời làm bí thư cho bà. Những lần gặp tôi, chị ân cần vui vẻ cứ mời tôi đến nhà chị chơi. Thấy chị lịch sự, dễ thương, quen biết đông, tôi cũng mến chị và có lần đi ngang nhà chị, tôi ghé lại thăm, nói năm ba câu xã giao, hỏi thăm sức khỏe của chị rồi tôi lại đi. Những buổi lễ, ngồi trên khán đài, chị Khánh Trang thường đưa tay chào tôi.
Một bà bạn nói với tôi:
- Bí thư của bà cố vấn đó, chị quen lúc nào vậy? Mọi việc đều qua tay bà ta trước khi đến và cố vấn.
Tôi cười hỏi:
- Vậy sao?
Lẽ dĩ nhiên chị Khánh Trang đã biết tôi không nhận lời đứng trong liên danh của Nguyễn Thế Truyền, từ chối chức Hội đồng tỉnh Gia Định, nhưng tôi có chân trong Hội phụ nữ Việt Nam, tôi lại có chân trong phong trào Phụ nữ Liên đới miền Đông với chức Phó chủ tịch. Chị tin chắc lần hồi rồi thế nào chị cũng có thể dùng tình cảm để lôi kéo tôi vào chuyện chánh trị.
Ngay như chị Nguyễn Phước Đại, một luật sư nổi tiếng thời bấy giờ, không thích tham gia việc gì dù là việc xã hội chớ đừng nói là chánh trị. Vậy mà với cái vốn cả Anh văn lẫn Pháp văn, thoạt đầu chị được “nhờ” tiếp những nhân vật nữ đến Việt Nam như và Suxanne Labin, những nữ luật sư ở châu Âu, những đại diện cho Usom, Usaid. Được nhờ như vậy, chị làm sao từ chối được. Rồi vì có một việc rắc rối đến chính quyền do một người thân trong gia đình chị, vì sức ép của thân mẫu, chị phải nhờ đến bà cố vấn, nên sau đó để đền đáp công ơn, chị phải nhận ra tranh cử bổ sung một dân biểu đang nửa nhiệm kỳ 2 đã qua đời. Vì vậy chị thành nữ dân biểu của khóa 3 Quốc hội.
Đầu tiên chị Khánh Trang chỉ nói với tôi về Hội phụ nữ Việt Nam do bà Bút Trà làm chủ tịch. Nhờ có tờ Sàigòn Mới trong tay nên bà Bút Trà cổ động rất mạnh cho Hội phụ nữ, mở mỗi tỉnh một chi hội và mỗi năm vào tháng chạp, liên kết với Bình dân học hội cũng do bà làm chủ tịch mà mở ra cây mùa Xuân, vận động đi xin quà các tiệm buôn vải, các chị em có lòng từ thiện, rồi phân phát cho trẻ em nghèo. Việc làm này rất có ý nghĩa, vì vậy bà Bút Trà rất được chị em tán thưởng và lẽ dĩ nhiên trong hội của bà toàn là chị em bình dân, nên những người có tư tưởng chống thực dân bắt đầu len lỏi vào và để tìm cơ hội tuyên truyền chống Pháp.
Khi Hội mới ra đời thì chị Ái Lan, một đảng viên cộng sản (hoạt động ngầm) làm thư ký. Sau đó chị bị bắt và chị Lê thị Quí lên thay thế. Chị này cũng có cảm tình với cộng sản. Chị em trong Hội, như chị Lê Quang Kim, chị Ana Lê văn Cang, và nhiều chị em khác có tên trong ban trị sự là để che mắt chánh quyền mà thôi. Thật sự chị Lê Quang Kim làm chủ tịch Chi Hội phụ nữ Quốc tế ở Việt Nam, thỉnh thoảng mới đi họp bên Hội phụ nữ Việt Nam. Còn chị Ana Cang thì bận ở báo Tin Điển của cha chị nên thỉnh thoảng mới đến họp, vả lại cái lối ăn mặc kỳ dị của chị, lúc nào cũng chiếc áo dài đen phết đất, nói thì toàn tiếng Pháp, nên chị chả được lòng ai. Lúc bấy giờ tôi vừa từ Liên khu 5 đưa mấy đứa con về Sài Gòn, lo tìm sinh kế để nuôi con, chị tôi cũng mời tôi dự một chân trong Hội. Nhưng tôi còn nghèo, phục sức nửa quê nửa tỉnh, lại thêm chưa quen với cách tiếp đón các nhân vật trong chính quyền, nên chị Bút Trà chưa cho tôi xuất đầu lộ diện ở những buổi lễ, mà chỉ giúp chị trong việc sổ sách, viết diễn văn... Lần lần thấy tôi quen việc và tên tuổi được nhiều người biết nên chị mới đối xử với tôi như các bà khác. Lại thêm khi có khách ngoại quốc đến viếng Hội, chị phải cần đến tôi để làm thông dịch. Đến khi tôi được bà Nhu chú ý, được tỉnh Gia Định giới thiệu vô phong trào Liên đới miền Đông gồm 13 tỉnh, lúc ấy chị mới thật sự nể tôi và mỗi khi có các cuộc họp báo chí, các cuộc lễ lớn, chị đều nhờ tôi đi dự. Chớ trước đó chị không dám đưa tôi ra vì sợ bắc cầu cho tôi qua. Trong các cuộc họp báo, mặc dù tôi phục sức rất giản dị, lúc nào cũng mặc bộ áo dài trắng và không có một món nữ trang nào ngoài chiếc nhẫn cưới, trong khi các bà khác đều áo quần lòa loẹt, hột xoàn sáng giới, mặc dù họ chỉ là bà Văn Cầm, vợ một chủ rạp hát, hay bà Trần văn Khiêm, vợ một thương gia. Sau này, tôi có tên tuổi trong làng báo, mặc dù phục sức giản dị, mặc dù không có hột xoàn, nữ trang quí giá, trong các cuộc họp họ vẫn mời tôi lên ngồi hàng ghế trước, có khi còn mời tôi lên bàn chủ tọa, phát biểu ý kiến rồi bị ép vào các hội như Hội bảo vệ luân lý, Nghiệp đoàn ký giả miền Nam... thì chị Bút Trà mới thấy có muốn ém tài tôi cũng không được. Đến khi chị thấy tỉnh Gia Định đối xử với tôi rất tử tế, mời tôi vô Hội đồng tỉnh mà tôi từ chối, rồi lại trúng vào Ban Chấp hành Hội phụ nữ liên đới của miền Đông, thì chị đã thay đổi thái độ. Và sau đó vì Hội phụ nữ Việt Nam của chị lúc bấy giờ có nhiều chị em hoạt động cho cộng sản nên bị nhà cầm quyền kêu lên kêu xuống như chị Ái Lan, chị Quí, bà Phụng, bà Phạm Xuân Lạng cùng nhiều chị em khác ở các tỉnh, họ là những người nằm vùng hoạt động cho phong trào cách mạng. Rồi có những chị em bị bắt kêu án tù như chị Ái Lan, nên nhà cầm quyền đã bắt đầu để ý đến Hội phụ nữ của chị, vì vậy khi chị thấy tôi được mời vào Hội phụ nữ Liên đới của bà Nhu thì năn nỉ tôi đừng từ chối, để có gì tôi có thể lên tiếng nói minh oan cho Hội phụ nữ Việt Nam.
Tôi sở dĩ nhận vô Hội phụ nữ Liên đới một phần là để che chở cho Hội phụ nữ Việt Nam, phần khác tôi đã từ chối Hội đồng tỉnh rồi, không thể viện lý do gì khác để từ chối một chân ở Hội phụ nữ Liên đới. Biết đâu dựa vào hội nầy tôi có thể giúp chị em được nhiều việc. Lại nữa, thật ra với cái chức Phó chủ tịch phong trào Liên đới miền Đông, tôi cũng chẳng làm gì ngoài các buổi họp hằng tháng hay đi dự những buổi tiếp tân nầy nọ. Nhiều người bạn khuyên tôi không nên từ chối những việc ấy nếu muốn được yên thân để nuôi con.
Lúc ấy lại xảy ra chuyện ông Phan Ngô, giám học trường Tân Thịnh nơi tôi dạy, bị bắt cùng với anh Thiên Giang, một giáo sư dạy sử địa của trường. Anh Phan Ngô vốn là Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, tôi không biết lúc ấy anh có còn hoạt động không. Nhưng còn anh Thiên Giang chính là cộng sản, đã từng vào tù ra khám từ lúc còn ở ngoài Trung. Việc các anh ấy bị bắt không có gì đáng lạ vì họ có hoạt động chính trị, nhưng sau đó khi qua mấy tháng điều tra, họ được thả về thì các anh Phan Ngô và Thiên Giang đền nói riêng cho tôi biết là khi lấy cung hai người, họ đều hỏi về tôi: “Có phải bà Tùng Long là cộng sản không? Tại sao bà ấy ở Liên khu 5 lại được chánh quyền ở đó cho bà dẫn các con về Sài Gòn?”
Anh Phan Ngô nói với tôi là anh đã trả lời: “Bà Tùng Long không thể là một người hoạt động chính trị được vì bà có cả một lũ con nheo nhóc, lo làm nuôi chúng còn không có thì giờ thì còn thì giờ đâu mà làm chính trị. Tất cả những việc bà làm đều là công tác xã hội để có thể có thêm tiếng tăm mà viết báo và dạy học”. Còn anh Thiên Giang thì cương quyết là tôi không hề làm chính trị, mà chỉ dạy học và viết tiểu thuyết.
Cả hai người đều khuyên tôi nên dè dặt. Họ nói: Ngay Thiếu Sơn là một cộng sản nằm vùng dậy mà khi người ta mời anh làm Hội đồng tỉnh Gia Định anh còn không từ chối, thì chị làm sao là một phụ nữ lại không gia nhập vào phong trào Liên đới khi người ta đã để ý mời chị?
Tôi đã nói rõ trong các bài người ta phỏng vấn tôi vì lẽ gì tôi phải đem các con về Quảng Ngãi năm 1943 và rồi kẹt ở đó cho đến năm 1952 mới được phép đưa các con về lại Sài Gòn. Bọn Pháp nghi tôi cũng có lý do vì tại sao chánh quyền cộng sản lúc đó lại để tôi chính thức ra đi khi tôi đang làm Liên hiệu trưởng ở Nghĩa Kỳ. Chỉ vì lẽ các con tôi đói, nạn đói hoành hành ngoài Bắc ngoài Trung, người người chết như rạ, vì lẽ ấy họ cho phép tôi đi, gặp không biết bao nhiêu gian nan vất vả tôi mới về đến Sài Gòn và làm lại tất cả từ đầu để nuôi dạy một bầy con nên người và để cho nhà tôi có thể ngồi yên ngâm thơ, không hợp tác với Pháp, với Nhật và sau đó với Mỹ.
Lúc tôi về Sài Gòn được vài ba năm và đã viết báo, đi dạy, tham gia vài công tác xã hội, làm vài hội phụ huynh học sinh nơi các trường có con tôi học, thì những người hoạt động cho cách mạng chắc cũng đã theo dõi công việc của tôi nên thỉnh thoảng cũng có người nằm vùng rải rác ở các nhà báo, các nhà in, nhà xuất bản thường đến gặp tôi bàn chuyện in sách hay mời viết những truyện nhi đồng... Việc gì làm có tiền để nuôi con thì tôi nhận thương lượng, ký giao kèo. Nhưng khi các anh em đến rủ tôi vào Hội truyền bá Quốc ngữ, một Hội mà tôi biết có nhiều người hoạt động ngầm, thì tôi từ chối vì phải lo cho các con, không có thì giờ rảnh. Xét cho cùng tôi không nghiêng về phía nào cả, tôi không thích làm chánh trị. Phía Quốc gia thời Ngô Đình Diệm cũng có những hoạt động không phải hoàn toàn có lợi cho nhân dân miền Nam. Bọn tham ô cậy thế cậy quyền ở đâu cũng có, mà Ngô Đình Diệm thì như kẻ ngồi trong tháp ngà, mọi việc đều bị mấy người em thao túng. Làm chính trị theo tôi nhận xét không thể không tàn nhẫn, mạnh tay, và cứ nói vì quyền lợi quốc dân mà không cần biết quốc dân có đồng ý hay không.
Mỗi năm cứ đến ngày Tết, tôi lại nhận được một tấm carte gửi qua bưu điện do Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng và khuyến khích. Hai ba năm liên tiếp như vậy - chắc của những người hoạt động ở thành phố Sài Gòn - Gia Định gửi, không có địa chỉ. Tôi nhận và cất kỹ, và có lẽ do những việc này mà nhà chức trách lúc khai thác ông Phan Ngô và ông Thiên Giang đã hỏi đến tôi, nhưng không có bằng chứng gì nên không đếm xỉa nữa. Còn không thì họ đếm xỉa đến tôi bằng cách mời tôi tham gia vào Hội đồng tỉnh Gia định, cổ động cho liên danh ứng cử của Ngô Đình Diệm, tham gia phong trào Phụ nữ miền Đông để theo dõi, kiểm soát sự đi đứng của tôi.