Kichinev, Boris đến viếng thăm trung tâm những người Do Thái tị nạn, và căn cứ theo biên bản hắn có thể tính được số người đến tị nạn mỗi ngày. Hắn yêu cầu trung tâm mỗi tuần phải chở những người tị nạn nầy đến sa mạc. Lúc hắn đến trước khu trường trung học Hoàng gia, Novirok chỉ cho hắn một ngôi giáo đường nhỏ và bảo: - Ngôi nhà thờ nầy đã đổi thành hý viện, một số người tị nạn đã trình diễn bằng tiếng Lỗ ma ni. Boris và Novirok vào bên trong. Một người đàn ông và vài người đàn bà đang làm việc ở đó. Cảnh tượng ở bàn thờ đã thay đổi hẳn, vải bàn thờ đem làm màn che, tượng thánh và thánh giá vất ngổn ngang trên nền nhà. Boris thọc tay vào túi quân tiến lên, khinh khỉnh nhìn các bức tượng, trong lúc đó đôi mắt của các bức tượng thánh đăm đăm nhìn đôi ủng màu đỏ của Boris. Thánh Nicholas, thần Michel và Gabriel, thánh tông đồ Pierre vẽ bằng sơn dầu trên tường cũng đăm đăm nhìn chiếc khăn choàng cổ màu đỏ của Boris. Một thiếu nữ đang ngâm thơ bằng tiếng Lỗ ma ni lúc Boris bước lên sân khấu: Boris chỉ cảnh trần thiết và la lên: - Không đúng theo nghệ thuật của Sô Viết tí nào cả. Nghe thế người thiếu nữ thôi ngâm, trong lúc một thanh niên của đoàn hát trả lời: - Dạ thưa đó là cảnh tượng trưng con sông Prut phân chia tổ quốc Sô Viết với thế giới trưởng giả; bên bờ của trưởng giả là cảnh nô lệ nghèo đói, trong lúc bên bờ Sô Viết toàn là hoa cỏ và thịnh vượng. - Vậy thì những cây cối mảnh khảnh ở bờ Sô Viết có ý nghĩa gì? - Những cây đó giúp cho khung cảnh Sô Viết thêm thơ mộng bởi vì đối với bọn nghệ sĩ tị nạn chúng tôi, bờ sông phía Sô Viết là bờ của tự do. Viên họa sĩ, các nghệ sĩ trên sân khấu và trong căn phòng cũng như Novirok đều sợ hãi nhìn Boris. Họ tưởng Boris là một công chức cao cấp của Sô Viết, số phận của hý viện nầy phụ thuộc vào hắn. Những thánh thần, Đức Mẹ lại bình thản nhìn Boris, vì họ biết số phận của họ đến đây đã chấm dứt. Các bức tượng sẽ được phủ lên một lớp sơn mới, một lớp vôi mới, với những câu cách ngôn mới, của đảng cộng sản vì thế mà họ chẳng sợ sệt điều gì cả. Viên họa sĩ nói tiếp: - Trong vở kịch nầy, nghệ sĩ của gánh hát Eddy Thall sẽ kể lại vì sao chúng tôi đã trốn sự khủng bố của phát xít để tị nạn sang quốc gia tự do Sô Viết. - Thế thì lúc đến bên bờ Sô Viết, anh không để ý thấy những cơ xưởng chế tạo nào cả ư? Tại sao anh chỉ vẽ sông Prut băng ngang qua đồng cỏ và đất đai hoang phế? - Dạ thưa tại tôi muốn diễn tả khung cảnh nên thơ của Sô Viết. Nhưng Boris lại hỏi: - Nước sông chảy ngang qua cây liễu và đồng cỏ hoang có nên thơ hơn lúc chính con nước đó làm quay những bánh xe của một nhà máy điện chiếu sáng bờ sông? Có gì trong một cây liễu và hai con bò mà lại nên thơ hơn một nhà máy cung cấp ánh sáng cho hàng chục làng mạc, cho hàng ngàn ngôi nhà của công dân Sô Viết? Một con bò có nên thơ hơn một nhà máy nước không? Một cây liễu có nên thơ hơn một máy cày không? Viên họa sĩ bắt đầu run rẩy: - Ý của chúng tôi là muốn bày tỏ sự biết ơn đối với những người Sô Viết đã cho chúng tôi đến tị nạn. Tôi đã lý tưởng hóa tất cả những gì ở bờ sông phía Sô Viết. - Anh bày tỏ sự biết ơn của anh bằng cách mời khách ngắm tranh quay lưng lại trước tất cả những công trình xã hội vĩ đại để chỉ nhìn một mảnh đất hoang phế với bò, cừu đang gặm cỏ? - Anh làm cho khách ngắm tranh quên mất những cơ xưởng tân tiến, những cải cách xã hội rồi anh bảo đó là sự biết ơn của anh đối với Sô Viết ư? Tại liên bang Sô Viết, điều đó được gọi là tội phá hoại nghệ thuật và sẽ bị trừng phạt như những tội trạng khác. Người họa sĩ lo sợ bảo: - Chúng tôi sẽ vẽ lại tất cả những khung cảnh ở đây. Thế ngài có muốn nghe một nghệ sĩ tài danh của gánh hát chúng tôi diễn lại một vở kịch không? Eddy Thall trong bộ quốc phục bắt đầu kể chính câu chuyện của nàng. Nàng kể rõ người ta đã đóng cửa hý viện của nàng ra sao, đã tịch thu nhà của nàng như thế nào, kể chuyện Tinka Neva bị buộc ra khỏi nhà nàng, Lidia Petrovici bị đốt trong trại giam, kể rõ trường hợp bị giết của bà Debora Paternik cùng hàng triệu người khác. Nàng cũng nói rõ ý định di cư sang Palestine của nàng cũng như của các bạn đồng hành dù biết rằng sang đó, ở đất Thánh, họ cũng sẽ bị người Anh bắt bớ giam cầm. Họ cũng muốn di cư trong tuyệt vọng nhưng tiếc thay chiếc tàu Adassa đã bị chìm tại biển Đen mang theo bao nhiêu là sinh mạng tài sản Do Thái. Những người may mắn còn sống sót đã quay sang Nga Sô, và nước Nga đã chấp nhận họ cũng như đã bao lần nước Nga tiếp đón những người bị ngược đãi. Thình lình, Boris Bodnariuk hỏi Eddy: - Nhưng tại sao cô lại mặc thứ y phục nầy? Người họa sĩ lại trả lời thay Eddy: - Đó là y phục của Cộng hòa Sô Viết Moldavie. - Người đàn bà Sô Viết không thể mặc y phục đó bao giờ, vì nó thuộc về xã hội thoái hóa. Quốc phục đó là quốc phục của một người đàn bà nô lệ. Vì mặc nó, người nào mà người ta thuyên chuyển. Eddy la to : - Ông đi đâu thì đi, tôi chỉ muốn biết một điều duy nhất là người ta sẽ giữ tôi lại đây bao lâu nữa. - Cô nên nhớ là cô đang được ở trong phòng của một người gác dan. Ngày mai sẽ có người khác đến thay tôi. Cô hiểu chưa? Eddy sợ hãi nhìn hắn. Hắn vẫn nói: - Có nhiều vấn đề còn quan hệ hơn cả chuyện hồi hương nữa. Người thế tôi sẽ dọn nhà đến đây ngày mai. Rồi cô làm gì nữa đây? Cầm mũ đứng dậy, Ivan giải thích thêm: - Nếu cô phải vào làm việc ở hầm mỏ, cô sẽ chết trong vài tuần. Chết, hoàn cảnh cô như thế đó, cô hiểu chưa? Cho nên cô có cần tôi nói với người thế tôi giữ cô ở lại đây hay không? Những điều hắn vừa nói làm hắn khổ tâm nhưng hắn phải nói: - Tôi có thể nói với anh ta điều đó, nhưng cô phải thông cảm cho tôi. Anh ấy sẽ ngủ trong phòng, chứ không ngủ ở bàn giấy để nhường chỗ cho cô như tôi đâu. Nào nói đi, cô muốn làm gì đây? Eddy Thall đứng dậy. Nàng hết cả chóng mặt, hết cả mệt mỏi, hết cả nóng sốt. Nàng vội vã mặc áo quần. Ivan hỏi tiếp: - Sao, cô quyết định thế nào? Nhưng Eddy không trả lời, nàng tiếp tục mặc áo quần vội vã như là nhà sắp cháy. - Cô muốn ở với anh ta hay vào hầm mỏ, chọn lựa đi chứ! Eddy đến trước mặt Ivan, mím môi, mặt đanh lại và thản nhiên trả lời: - Tôi muốn chết. Sau đó, nàng chạy trốn khỏi căn phòng, bỏ đằng sau lưng Ivan, bỏ đằng sau lưng nàng những bức tường có treo những tấm hình cắt trên báo, chiếc giường nằm, bỏ luôn câu nói sau cùng của nàng: «Tôi muốn chết».
X
Eddy Thall cắm đầu chạy giữa những cột dăng dây thép gai, trong gió lạnh như cắt. Tay ôm ngực, nàng chạy mải miết không còn suy nghĩ gì nữa cả, đề cuối cùng ngã lăn trên đống than giá lạnh trong cơn họ không dứt. Có người đến gọi tên nàng và mang nàng đi: - Tại sao cô khóc. Eddy tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường trong một căn lều xa lạ, bên cạnh là hai tù nhân, một Bác sĩ và một sỉ quan tiếp liệu. - Tại sao cô khóc? - Tại vì tôi là người Do Thái. - Thì chúng tôi cũng Do Thái vậy. - Nhưng tại sao người ta lại gởi tôi vào hầm mỏ sau ngày chiến thắng? Hàng triệu người chết để làm gì nếu kẻ nô lệ không được giải phóng sau ngày chiến thắng. Tại sao Churchill uống rượu tươi cười trước các nhà nhiếp ảnh? Viên y sĩ an ủi: - Cô hãy bình tĩnh, chúng ta sẽ được giải thoát. Eddy Thall vẫn hằn học: - Người ta không thể trả tự do cho những xác chết. - Tôi sẽ chích cho cô một liều thuốc, cô sẽ bình tĩnh lại ngay. Nghe viên y sĩ nói thế, đề nghị của Ivan để nàng sẽ trở thành người tình của tên gác dan bèn hiện về trong trí óc nàng. Trong một thoáng nàng ôm đầu chạy ra cửa, vừa hằn học vừa trả lời viên y sĩ: - Tôi không muốn chích vì tôi không muốn bị chà đạp, bị đánh đập, bị nhục nhã. Tại sao lại chích thuốc cho tôi mới được chứ. Tôi không muốn bị ô uế. Mà chích làm gì? Nhưng nàng chưa chạy đến cửa thì đã ngã xuống với một cơn ho dài, miệng đầy máu. Sự ấm áp độc nhất nàng cảm thấy lúc đó là sự ấm áp của chính những giọt máu trong cơ thể nàng. Viên y sĩ chích thuốc xong, nàng mở mắt đứng dậy. Lúc đó nàng mới nhận chân được rằng ngoài chính máu huyết của nàng còn có một sự ấm áp khác trong cuộc đời nô lệ của nàng, đó là máu của đồng bào nàng. Viên y sĩ lên tiếng: - Chúng tôi có một tổ chức chuyên lo cứu giúp đồng bào Do Thái ở các xứ khác. Chỉ có những người Do Thái gốc Ba Lan là có thể trở về cố hương bằng chuyến công voa sắp đến. Chúng tôi có thể mang các bà vợ chúng tôi đi theo. Vậy cô có muốn giả vờ kết hôn với người Do Thái Ba Lan để có thể chính thức từ giã nơi đây không? Eddy tròn xoe mắt ngạc nhiên, trong lúc viên y sĩ giải thích tiếp: - Hàng trăm người đàn bà Do Thái gốc Lỗ Ma Ni, Hung Gia Lợi, Bỉ, của mọi quốc tịch khác nhau có thể rời bỏ nơi đây bằng cách đó. Bạn tôi là Isaac Salomon đang còn độc thân. Cô có thể giả kết hôn với anh ấy để ra đi. Nào, cô có bằng lòng không? Eddy Thall ngạc nhiên: - Xin ông làm ơn lập lại câu hỏi? - Chỉ là một thủ tục giản dị để từ bỏ nơi đây. Mỗi người Do Thái Ba Lan có thể mang theo một người vợ đang ở trong hầm mỏ. Eddy lại khóc. - Tại sao cô còn khóc? - Từ lâu không ai hỏi tôi rằng tôi có bằng lòng không. Đây là lần đầu tiên, từ bao năm nay, tôi nghe được câu hỏi đó. Mọi người buộc tôi làm mà không hề hỏi ý kiến tôi bao giờ. Không bao giờ người ta hỏi xem một tên nô lệ thử nó có bằng lòng hay không. Cho nên nếu còn ai đặt cho tôi câu hỏi đó, nghĩa là tôi không còn là kẻ nô lệ nữa. Vâng, tôi bằng lòng, bằng lòng, bằng lòng.