Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan & Nguyễn Tường Minh
Chương mười bốn

     ối với Shinji mỗi ngày trong mùa mưa chỉ là một ngày cay đắng. Ngay cả thư từ của Hatsue cũng bặt tăm luôn. Chắc hẳn là nhờ đã vớ được lá thư con gái mình viết cho Shinji, ông bố nàng sau khi phá vỡ cuộc hò hẹn ở thần xã Yashiro, đã cấm tuyệt không cho Hatsue viết thư viết từ gì nữa.
Một hôm trước khi mùa mưa chấm dứt, thuyền trưởng chiếc Utajima-maru của ông Terukichi bỗng mò tới hòn đảo. Chiếc tầu ông ta chỉ huy lúc đó đang hạ neo ở cảng Toba.
Thoạt tiên, viên thuyền trưởng đến nhà ông Terukichi rồi đến nhà Yasuo. Cũng đêm đó, ông ta lại đến thăm ông Jukichi, thuyền chủ của Shinji và cuối cùng, tới nhà Shinji nữa.
Viên thuyền trưởng trạc ngoại tứ tuần, đã có ba con. Ông ta dáng vóc to lớn, thường rất tự hào về sức khỏe của mình, tuy nhiên vẫn tỏ ra nhã nhặn với người khác. Là một tín đồ nhiệt thành của Pháp hoa tông, nếu mà tới đảo vào dịp hội hoa đăng Cựu Bồn thì có lẽ ông ta đã thay mặt vị hòa thượng mà tụng kinh trong buổi lễ. Tới hải cảng nào ông cũng kiếm được một cô vợ, những người mà thủy thủ dưới quyền ông thường gọi tên một cách gọn gàng là thím Yokohame, thím Moji vân vân... Bất cứ lúc nào tầu cập bến và dừng lại một trong những hải cảng này, bao giờ ông cũng dẫn toán thủy thủ trẻ măng của mình tới nhà một cô vợ để ăn uống no say. Các “thím” đều ăn mặc theo lối cũ và luôn luôn tiếp đãi bọn thanh niên một cách vồn vã.
Người ta xầm xì rằng cái đầu rụng tóc đến một nửa của ông là kết quả của bao cuộc chơi bời trác táng. Đó là lý do khiến ông luôn luôn đội sùm sụp cái mũ lưỡi trai có viền tua vàng để duy trì oai phong nghi vệ của mình.
Vừa vào trong nhà, ông ta đã bàn ngay công việc làm ăn với bà mẹ Shinji. Shinji cũng có mặt ở đó.
Con trai trong thôn cứ đến mười bảy mười tám tuổi là bắt đầu đi học nghề thủy thủ với tư cách một tay “vo gạo”. Bây giờ Shinji đến tuổi nghĩ tới việc đó. Viên thuyền trưởng hỏi anh chàng có muốn làm một tay “vo gạo” - tiếng dân địa phương dùng để chỉ các thủy thủ tập sự - trên chiếc Utajima-maru hay không.
Người mẹ nín lặng không nói năng gì còn Shinji thì đáp là anh ta sẽ trả lời sau khi bàn tính với ông Jukichi, thuyền chủ của mình. Viên thuyền trưởng cho biết tưởng gì chứ sự thỏa thuận của ông Jukichi thì ông ta đã thu xếp xong xuôi rồi.
Tuy thế câu chuyện xem ra vẫn còn rắc rối. Chiếc Utajima-maru là tầu của ông Terukichi, tất nhiên ông này chẳng có lýí do gì lại dùng Shinji, cái thằng mà ông ghét đào đất đổ đi, làm một nhân viên trong thủy thủ đoàn.
“Không đâu, chính ông chủ cũng nhìn nhận là chú em sẽ trở thành một người khá. Ta vừa nói đến tên chú em là ông chủ bằng lòng liền. Thôi cứ thế mà làm nhé. Cố gắng chăm chỉ lên, chú em nhá!”
Muốn cho chắc bụng, Shinji còn đi theo viên thuyền trưởng tới nhà ông Jukichi và ông ta cũng lớn tiếng thúc đẩy Shinji nhận lấy công việc này. Ông ta bảo kể ra cũng khó khăn cho chiếc Tahei-maru khi thiếu mất Shinji, nhưng ông chẳng thể ngăn chặn tương lai của người trẻ tuổi. Shinji nghe nói, liền nhận lời.
Hôm sau Shinji lại nghe thấy lời đồn đại lạ lùng là Yasuo cũng sẽ làm một tay “vo gạo” trên chiếc Utajima-maru. Người ta bảo rằng thực ra Yasuo chẳng thích làm tay “vo gạo” chút nào, nhưng đã bó buộc phải nhận vì lão Teru có đặt điều kiện là muốn có hy vọng được đính hôn với Hatsue thì phải tập nghề thủy thủ trước đã.
Khi nghe tin này, Shinji vừa thấy lòng mình bứt rứt đau buồn lại vừa thấy hy vọng dâng lên tràn trề nữa.
Anh chàng theo mẹ tới thần xã Yashiro để cầu nguyện cho chuyến đi biển được an toàn, đồng thời còn xin một quẻ thẻ.
Đã đến ngày lên đường. Shinji và Yasuo, hai người cùng đi với ông thuyền trưởng lên chiếc tầu liên lạc Kamikaze-maru để đi về cảng Toba. Có nhiều người ra tiễn đưa Yasuo, kể cả Hatsue nữa, nhưng không ai thấy bóng dáng ông Terukichi đâu cả. Còn Shinji thì chẳng có ai đưa tiễn ngoài bà mẹ và thằng em trai Hiroshi.
Hatsue không nhìn về hướng Shinji lấy một lần, nhưng khi tầu sắp rời bến thì nàng đã thì thầm nói cái gì đó với mẹ Shinji và đưa cho bà một gói nhỏ. Bà mẹ nhận lấy rồi trao lại cho con trai mình.
Mặc dù đã lên tầu rồi nhưng Shinji chẳng có lúc nào rảnh để mở gói ấy ra xem vì lúc nào cũng có viên thuyền trưởng cùng Yasuo cặp kè bên cạnh. Anh chàng nhìn hình ảnh hòn đảo Uta nhạt mờ dần dần ở phía sau. Đến lúc đó anh mới nhận thấy rõ tâm trạng của mình, của một thanh niên ra đời rồi lớn lên trên hòn đảo này, yêu quý hòn đảo hơn bất cứ cái gì khác trên đời, vậy mà lúc này đây lại đang hăm hở xa lìa hòn đảo. Chính vì muốn xa lìa hòn đảo anh đã nhận lời đề nghị của viên thuyền trưởng mà sang làm việc trên chiếc Utajima-maru.
Đến khi hình dáng hòn đảo đã khuất khỏi tầm mắt, lòng chàng thanh niên mới hết xao xuyến. Chẳng giống chút nào với những chuyến ra khơi đánh cá thường ngày sáng sớm ra đi, tối mịt trở về, đêm nay anh không bị bó buộc phải quay về đảo.
“Mình đã được tự do”, anh tự nhủ lòng mình như vậy. Và đây là lần đầu tiên anh mới biết một thứ tự do kỳ diệu đến như thế này.
Chiếc Kamikaze-maru tiếp tục lướt sóng dưới làn mưa bụi lất phất. Yasuo cùng viên thuyền trưởng đã nằm ngủ khì trên chiếc chiếu cói trải trong phòng hành khách tối om. Kể từ lúc hai đứa cùng lên tầu, Yasuo chưa hề mở miệng nói với Shinji một câu nào cả.
Người thanh niên áp mặt vào một khung cửa tròn trên tầu, trên mặt kính những giọt nước mưa đang rơi rả rích. Nhờ ánh sáng lọt qua khung cửa, anh chàng mở cái gói nhỏ của Hatsue ra xem. Bên trong có một cái quẻ thẻ khác, cũng xin ở thần xã Yashiro, một bức hình của Hatsue và một lá thư của nàng. Nàng viết trong thư:
“Từ hôm nay trở đi, mỗi ngày em đều tới thần xã Yashiro để cầu nguyện cho Anh được bình an vô sự. Tim em đã thuộc về anh Shinji của em từ lâu rồi. Anh nhớ giữ gìn cẩn thận đấy nhé và phải trở về khỏe mạnh, bình yên. Em gửi theo đây một tấm ảnh của em để cho em có thể theo chân Anh vượt biển. Ảnh này em chụp ở mũi Dai-oo. Còn về câu chuyện lần này, Ba không hề nói một lời nào cho em hay cả nhưng em nghĩ là Ba phải thấy có lý do đặc biệt nào đó nên mới để anh lẫn Yasuo cùng đi một chuyến này. Em thấy, dù sao chúng mình cũng thoáng thấy một tia hy vọng. Anh ơi, dù có thế nào đi nữa cũng chớ bao giờ dứt hết hy vọng. Anh nhé! Xin anh cứ tiếp tục bên lòng phấn đấu ngoan cường”.
Lá thư đã làm cho chàng thanh niên phấn chấn tinh thần. Sức mạnh tràn đầy trên cánh tay anh và cảm tưởng cuộc đời thực là đáng sống ngập tràn khắp thân thể anh. Yasuo hãy còn ngủ. Nhờ ánh sáng lọt qua khung cửa, Shinji lại lấy bức ảnh Hatsue ra mà ngắm nghía. Trong ảnh, người thiếu nữ dựa lưng vào một cây thông lớn trên mỏm Dai-oo, gió biển đang hất nhẹ chiếc váy, lùa vào bên trong tấm áo trắng mỏng mà nàng mặc từ mùa hè năm qua, rồi vuốt ve mon trớn làn da mịn màng của nàng. Thế rồi anh cảm thấy hăng hái vui tươi khi nghĩ rằng chính mình cũng đã có một lần làm cái việc làn gió biển đang làm trong tấm ảnh này.
Còn tiếc rẻ chưa muốn rời mắt, Shinji liền đem dựng tấm ảnh lên khung cửa kính mờ mịt nước mà ngắm nghía thật mê man trong khi qua làn mưa và khói đằng sau tấm ảnh, đảo Tooshi dần dần hiện hình bên phía trái con tầu... Một lần nữa lòng chàng thanh niên lại xốn xang, xao xuyến. Tuy nhiên, cái trò dằn vặt trái tim bằng hy vọng không còn là điều mới lạ đối với anh chàng nữa.
Lúc họ tới Toba thì trời đã tạnh mưa. Từ các khe hở giữa những đám mây mặt trời rọi xuống những tia sáng trắng bạc đục mờ. Chiếc Utajima-maru trọng tải 185 tấn, nổi bật hẳn lên giữa đám ngư thuyền nhỏ bé. Ba người nhảy xuống sàn tầu lúc này đang lấp lánh nước mưa dưới ánh mặt trời. Trên các cột buồm sơn trắng, nước mưa hãy còn chảy xuống rồng rồng; những cây cần trục đồ sộ đã được ngả xuống, gập khúc trên khoang tầu.
Thủy thủ đoàn được phép lên bờ đi chơi, lúc đó vẫn chưa trở về. Viên thuyền trưởng dẫn hai người thanh niên xuống phòng của họ, một căn phòng trải vừa tấm chiếc chiếu, ngay cạnh phòng thuyền trưởng và nhìn thắng ra chỗ nấu bếp cùng phòng ăn. Ngoài những cái tủ sắt và một khoảng trống nho nhỏ ở giữa trải một tấm chiếu, ở chỗ này chẳng còn gì khác trừ hai dãy giường ngủ hai tầng ở bên trái, một dãy giường ngủ và một cái giường dành riêng cho viên cơ khí trưởng ở bên phải. Trên trần có dán la liệt những hình ảnh tài tử chiếu bóng trông y như là những tấm bùa.
Shinji và Yasuo được xếp đặt cho ngủ tầng thứ nhất dãy giường bên phải. Viên cơ khí trưởng, viên nhất đẳng phó quan, nhị đẳng phó quan, trưởng đoàn thủy thủ, thủy thủ và thợ coi máy đều chen chúc ngủ chung trong một căn phòng nhỏ bé này; tuy nhiên vì thay đổi phiên trực luôn luôn nên lúc nào cũng có đủ giường, ai muốn ngủ lúc nào cũng có chỗ cả.
Viên thuyền trưởng sau khi chỉ dẫn cho Shinji và Yasuo biết cầu tầu, phòng thuyền trưởng, cọc thuyền và phòng ăn, đã để cho hai người ngồi lại trong phòng thủy thủ.
Chỉ còn trơ hai người trong căn phòng giương mắt nhìn nhau. Yasuo thấy nản nên quyết định làm lành:
“Thôi, bây giờ hai đứa mình đã bước đến đây thì nên làm bạn bè với nhau. Đã có nhiều chuyện không hay xảy ra trên đảo nhưng thôi, bỏ qua hết đi nhé. Kể từ nay trở đi, hai đứa mình phải là bạn tốt với nhau mới được”.
Shinji lẩm nhẩm tán đồng và mỉm miệng cười.
Mãi tới tối, thủy thủ đoàn mới trở về tầu. Phần lớn họ đều là người đảo Uta tới nên thoạt nhìn, Shinji và Yasuo đã biết mặt hết ngay. Hãy còn nồng nặc mùi rượu, họ lè nhè trêu ghẹo hai anh chàng mới tới. Thế rồi hai anh chàng được huấn luyện để làm những nhiệm vụ hàng ngày và còn chỉ định làm thêm nhiều công việc khác nữa.
Con tầu sẽ nhổ neo vào khoảng chín giờ sáng. Shinji có nhiệm vụ tháo cái “đỉnh bạc đăng” hay là cái đèn neo thuyền khỏi cột buồm ngay từ sáng sớm hôm sau.
Đèn neo thuyền thực giống như khung cửa kéo của một căn nhà trên đất liền: tắt đèn đi tức là con tầu vừa thức dậy cũng như là kéo cửa ra có nghĩa là căn nhà vừa thức giấc.
Suốt đêm đó, Shinji hầu như không chợp mắt được lúc nào. Sáng hôm sau trước khi mặt trời ló dạng anh đã thức dậy rồi; anh hạ đèn neo thuyền xuống ngay lúc vạn vật mới mờ mờ sáng. Ánh sáng sớm mai quyện chặt trong làn mưa có mây mù và đèn phố cảng Toba chạy thành hai hàng dài từ hải cảng đến nhà ga xe lửa. Từ phía nhà ga, vang lên tiếng còi ồ ồ nằng nặng của một chuyến xe lửa chở hàng hóa.
Chàng thanh niên treo lên cột buồm trơ trụi qua những cánh buồm đã cuộn lại, thường được dùng để thêm sức cho con tầu. Thân gỗ ướt lạnh trong khi sự chuyển động rập rờn của những lớp sóng táp nhẹ vào mạn tầu được truyền thắng lên tới cột buồm. Trong chùm tia sáng đầu tiên của buổi sớm mai, ướt nhẽo vì sương và mưa, đèn neo thuyền chỉ là một màu trắng sữa lờ mờ. Chàng thanh niên với tay nắm lấy cái mỏ neo, như không muốn bị kéo xuống, chiếc đèn mỏ neo lắc lư đưa đẩy, ánh lửa bên trong chụp kính ướt đẫm nước lung linh chập chờn và mấy giọt nước mưa rỏ xuống vào mặt người thanh niên lúc anh chàng ngửa mặt lên nhìn.
Shinji tự hỏi lần tới khi anh phải hạ đèn này xuống thì không biết con tầu lúc đó đã tới hải cảng nào rồi.
Theo hợp đồng ký với công ty chuyên chở Yamagawa, chiếc Utajima-maru sẽ chở gỗ từ Okinawa về Kobe trong khoảng một tháng rưỡi qua thủy đạo Kii và ghé lại Kobe, con tầu trực chỉ hướng tây băng qua nội hải và kiểm dịch ở Moji. Sau đó, men theo bờ bể phía đông Kyushu để xuống hướng nam, dỡ hàng tại cảng Nishinan tại huyện Yamazaki lấy giấy phép xuất cảng. Phía đông bán đảo Osumi trên mỏm nam Kyushu có một vũng bể gọi là vũng Shibushi; vũng biển này trông sang hải cảng Fukushima ở ngoại ô huyện Yamazaki có đường xe lửa chạy từ nhà ga gần đó tới ranh giới huyện Kagoshima. Sau đó con tầu lại ghé bến Fukushima để bốc hàng. Tại đây nó sẽ chở đi mười bốn ngàn thước khối gỗ cây.
Sau khi rời bến Fukushima, chiếc Utajima-maru thực sự trở thành một con tầu đi bể được điều khiển cẩn thận như một con tầu đi bể. Tầu phải tới Okinawa trong khoảng hai ngày hai đêm hoặc hai ngày hai đêm rưỡi.
Trong những lúc rảnh rang hoặc nghỉ ngơi, thủy thủ đoàn hết đứng lại ngồi trên mặt chiếu cói mỏng dính phủ trên khoảng trống trải vừa ba chiếc chiếu tại ngay khu riêng của họ hoặc lắng nghe những bài hát từ một cái máy hát xách tay. Máy này chỉ có vỏn vẹn vài đĩa hát, phần lớn đã cũ rích nên chỉ tiết ra một thứ âm nhạc ồ ề khi cái kim hoen rỉ cọ lên mặt đĩa; đĩa hát nào cũng thu âm toàn những bài dân ca tình cảm nói tới hải cảng, thủy thủ, sương mù hoặc đàn bà con gái, sao Nam thập tự hoặc rượu mạnh hoặc những tiếng thở dài sướt mướt oán than. Viên cơ khí trưởng vốn nặng tai, chẳng bao giờ có thể học thuộc lấy một bài trong cuộc hành trình trên mặt biển và luôn luôn quên tịt những gì mình mới học trước cuộc hành trình tới. Cứ lúc nào con tầu chồm lên hoặc chồng chành một cách bất ngờ thì cây kim lại lướt ngang, vạch một đường dài trên mặt đĩa.
Đêm đến thủy thủ đoàn thường hay thức khuya tán dóc với nhau những chuyện không đâu. Những đề mục như tình yêu và tình bạn, luyến ái với hôn nhân hoặc những chuyện như cơ thể con người có thể chịu đựng được một mũi thuốc tiêm có nhiều chất muối ăn như chất bồ đào đường hay không, cũng đủ làm cho họ có thể trò chuyện dây dưa hàng giờ liền. Kết cuộc thường là anh chàng nào cứ duy trì quan điểm của mình một cách ương ngạnh nhất, cuối cùng thế nào cũng thắng; nhưng lối nghị luận sắc bén của Yasuo từng làm Chi bộ trưởng thanh niên hội thì nghe hợp lý đến nỗi chính những người lớn tuổi cũng phải kính phục. Còn Shinji thì anh chàng luôn luôn ngồi im lặng, ôm chặt đầu gốỉ, mủm mỉm cười mà nghe ý kiến người khác. Viên cơ khí trưởng có lúc phải nói với viên thuyền trưởng:
“Chắc thằng này tính nó khùng khùng”.
Cuộc sống trên tầu hết sức bận rộn. Ngay từ mới mở mắt thức dậy, hai anh chàng mới đến đã luôn luôn phải quét dọn lau chùi sàn tầu hoặc trăm ngàn công việc lặt vặt lạ lùng khác.
Thế rồi dần dần thủy thủ đoàn đều thấy hai năm rõ mười là Yasuo lười biếng hạng chúa. Hắn có cái lối chỉ làm qua loa phần việc của mình để lấy lệ vậy thôi. Ngược lại Shinji chẳng những luôn luôn làm hết phần việc của mình lại còn làm giúp cả phần việc của Yasuo nữa, do đó cấp trên không nhận thấy ngay thái độ lười lĩnh của hắn.
Tuy nhiên một sáng, thấy Yasuo cứ la cà mãi trong phòng máy sau khi đã lẩn trốn không chịu quét dọn lau chùi sàn tầu, viện cớ là bận đi xuống nhà xí, người trưởng đoàn thủy thủ mất bình tĩnh đã mắng cho hắn một trận.
Yasuo đáp lại một cách khó lọt tai:
“Ừ đấy, thây kệ đấy! Trở về đảo thì tớ sẽ thành con rể cụ Teru. Lúc đó chiếc tầu này sẽ thuộc về tay tớ mà”.
Viên trưởng đoàn thủy thủ giận điên người lên nhưng ông ta khôn ngoan dằn được cơn nóng nảy, không nói năng gì, lòng tự nhủ lòng vạn nhất mọi việc xảy ra đúng như lời Yasuo thì cũng khó chơi. Từ đó không bao giờ ông ta mắng thẳng vào mặt Yasuo nữa nhưng qua những lời thì thào của ông ta với các bạn đồng liêu, người ta biết thằng nhóc con tập việc Yasuo đã nói năng láo xược thế nào và kết quả chỉ bất lợi cho Yasuo mà thôi.
Shinji thì đa mang bao nhiêu công việc, chỉ có thể lấy tấm ảnh của Hatsue ra mà ngắm nghía một lúc, vào mỗi đêm trước khi đi ngủ hoặc lúc gần tới phiên trực. Cu cậu chẳng để cho ai nghé mắt nhìn lấy một cái vào tấm ảnh quý báu này. Một hôm trong lúc Yasuo đang khoác lác là hắn sẽ được cụ Terukichi kén làm con rể, Shinji liền chộp lấy cái mà anh chàng cho là phương tiện phục thù diệu kỳ hiếm có. Anh chàng bèn hỏi đốp ngay vào mặt Yasuo là hắn có được một tấm ảnh nào của Hatsue hay không? Yasuo trả lời ngay lập tức:
“Tất nhiên là có chứ”.
Nhưng Shinji biết ngay là hắn nói láo và cảm thấy lòng mình hạnh phúc ngập tràn. Một lúc sau, Yasuo mới hỏi, giọng rất gượng gạo:
“Cậu cũng có một tấm hả?”
“Có cái gì?”
“Ảnh Hatsue”.
“Không, tớ làm gì có tấm ảnh nào!” Có lẽ từ lúc mới lọt lòng mẹ đến bây giờ, Shinji mới nói dối bận này là bận đầu tiên trong đời.
Chiếc Utajima-maru đã tới Naha. Sau khi kiểm dịch thuế quan xong, tầu tiến vào bến dỡ hàng. Con tầu bắt buộc phải hạ neo nằm đây hai ba ngày liền, chờ giấy phép vào hải cảng Unten khép kín, hạn chế tầu bè qua lại. Unten ở mỏm bắc Okinawa là địa điểm đổ bộ đầu tiên của quân Mỹ trong thời chiến tranh. Con tầu tới đó chở sắt vụn đem về nội địa.
Vì không được phép lên bờ, thủy thủ đoàn đành giết thì giờ bằng cách ngồi trên boong ngắm những dãy đồi núi trơ trụi hoang lương. Quân Mỹ đã đốt hết cây cối trên núi khi đổ bộ vì sợ còn có nhiều quả mìn chôn ở đó chưa nổ hết.
Lúc này chiến cuộc Triều Tiên đã chấm dứt nhưng dưới mắt thủy thủ đoàn, hòn đảo vẫn còn dáng vẻ hết sức khác thường. Từ sáng sớm đến tối mịt, tiếng động cơ máy bay chiến đấu cứ ầm ĩ gào thét và có rất nhiều xe hơi bóng lộn dưới ánh nắng hè nhiệt đói chạy như mắc củi trên xa lộ rộng rãi, trải nhựa chạy vòng quanh hải cảng. Đủ mọi thứ xe, xe đưa đón các viên chức, sĩ quan, xe cam nhông và bao nhiêu loại xe nhà binh khác. Hai bên vệ đường, những căn nhà tiền chế dành cho gia đình quân nhân Hoa Kỳ óng ánh màu xi-măng mới trong khi những mái tôn vá víu lụp sụp trên nóc nhà của dân bản xứ nổi bật lên vì vẻ xấu xí, làm mất đi cả vẻ đẹp của phong cảnh.
Người duy nhất được phép lên bờ để tìm viên đại lý cho hãng chuyên chở Yamagowa là viên đệ nhất phó quan phụ tá thuyền trưởng.
Cuối cùng được cấp giấy phép, chiếc Utajima-maru tiến vào hải cảng Unten để bốc sắt vụn lên tầu. Họ vừa làm xong công việc thì có tin cho biết sắp có một trận bão lớn thổi vào trong vòng bán kính Okinawa. Hy vọng thoát được ra ngoài vòng ảnh hưởng của trận bão, sáng sớm hôm sau con tầu giương buồm rời hải cảng thực mau. Sau đó, chỉ còn có một việc mở máy chạy hết tốc lực lên đường về nội địa.
Sáng hôm ấy trời lất phất mưa. Sóng cuộn dữ dội và gió thổi theo hướng Tây nam. Núi đồi biến ngay khỏi tầm mắt đằng sau con tầu và chiếc Utajima-maru phải dùng la bàn mà chạy trong suốt sáu tiếng đồng hồ vì nhìn ra mặt bể mịt mờ hầu như chẳng thấy gì hết. Phong vũ biểu tụt xuống thấp kinh khủng, sóng biển càng lúc càng dâng cao. Khí áp hạ thấp một cách khác thường.
Viên thuyền trưởng quyết định quay trở về Unten. Gió quất mưa tan thành bụi mù, thị dã độ hoàn toàn là một con số không, phải mất sáu tiếng đồng hồ mới trở lại được hải cảng một cách gian nan cực khổ.
Cuối cùng những rặng núi đồi ở Unten cũng hiện ra trước mặt. Viên trưởng đoàn thủy thủ từng quen với địa hình nơi này phải đứng ngay tại mũi tầu mà quan sát. Hải cảng có một vách đá san hô hình cánh cung dài chừng hai hải lý bao quanh, hải lộ lại không có thiết bị các phù tiêu nên thực phải qua trăm ngàn khó khăn mới điều khiển nổi con tầu.
“Ngừng!... Chạy!... Ngừng!... Chạy!...”
Ngừng lại, canh chừng phía trước không biết bao nhiêu lần rồi với tốc độ thực thấp, con tầu len qua những vách đá san hô mà vào hải cảng. Lúc đó đã sáu giờ chiều.
Có một chiếc tầu đánh cá kiên cũng tới tị nạn bên trong vách đá. Lấy thực nhiều sợi thừng buộc chặt lấy nhau hai bên mạn tầu, hai con tầu sóng đôi mà tiến vào hải cảng Unten.
Sóng biển trong cảng không cao lắm nhưng gió vẫn thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Mạn tầu vẫn dựa vào nhau, chiếc tầu đánh cá kiên và chiếc Utajima-maru mỗi chiếc quăng ra bốn sợi dây - hai sợi dây cáp và hai sợi dây thùng lớn - để buộc vào một cái phù tiêu kích thước như một căn phòng nhỏ trải vừa ba tấm chiếu và chuẩn bị để tránh những tai hại của gió bão.
Chiếc Utajima-maru không thiết bị máy vô tuyến đíẹn, chỉ hoàn toàn trông cậy vào la bàn thôi nên chuyên viên vô tuyến trên chiếc tầu đánh cá kiên cứ phải liên lạc qua cầu tầu mà cho chiếc Utajima-maru hay biết những báo cáo về hướng đi và đường đi của trận bão.
Đến đêm, chiếc tầu đánh cá kiên cắt đặt bốn người canh gác trên boong và chiếc Utajima-maru cắt đặt ba người. Họ có nhiệm vu coi chừng những sợi dây thừng và dây cáp lớn vì lẽ chẳng ai biết là chúng có thể đứt phựt đi mất vào lúc nào.
Người ta cũng còn băn khoăn e ngại là không biết chính cái phù tiêu có chịu đựng nổi hay không. Tuy nhiên mối nguy hiểm những sợi dây bị đứt thì có nhiều phần chắc chắn hơn. Những người đứng gác đã phải xông pha nguy hiểm, vật lộn với gió mạnh và sóng lớn không biết bao nhiêu lần để ngâm những sợi dây xuống nước mặn vì sợ rằng nếu để quá khô, chúng có thể đứt phăng bất cứ lúc nào không ai biết trước.
Vào khoảng chín giờ tối hôm ấy, hai chiếc tầu bị bao trùm trong một trận gió thổi với tốc độ 90 cây số một giờ.

*

Đến 11 giờ đêm, tới phiên trực của Shinji, Yasuo và một thủy thủ trẻ tuổi khác. Vừa lóp ngóp leo lên boong tầu, họ đã bị hất ngã tung vào vách tầu. Gió tạt những hạt nước mưa quất mạnh vào má họ đau nhói như là những mũi kim châm.
Họ không làm sao có thể đứng thẳng trên sàn tầu lúc này dựng đứng như một bức vách ngay trước mắt. Các bộ phận trên tầu đều kêu răng rắc. Trong hải cảng, sóng không dâng cao đến độ quét qua boong tầu nhưng bụi nước bị gió táp trở thành một lớp sương mù cuồn cuộn nhấp nhô làm cho họ chẳng nhìn thấy gì hết. Ba người nằm sóng soài mà trườn trên sàn tầu, bò mãi mới lần tới được mũi tầu và bám chặt lấy mấy cây cột ở đó. Hai sợi dây thừng và hai sợi dây cáp lớn một đầu buộc vào cái phù tiêu, một đầu buộc chặt vào những cây cột này.
Họ có thể nhìn thấy cái phù tiêu hiện ra lờ mờ khoảng 25 thước đằng trước, trong đêm tối chỉ hơi lộ bộ mặt xam xám qua màn tối dày đặc. Và tiếp theo tiếng dây cáp ken két nghe như tiếng rít bi thương, một khối gió khổng lồ đổ ụp xuống con tầu, bốc hẳn nó lên cao trong khi cái phù tiêu thì bị nhận chìm dưới vũng sâu thăm thắm, trông nhỏ quắt hẳn lại.
Trong khi ôm chặt lấy những cây cột ở mũi tầu, ba người nhìn mặt nhau không nói một lời. Nước biển mằn mặn quất mạnh vào mặt lại càng làm cho họ không sao mở mắt ra nổi. Tiếng gió hú, tiếng biển gầm, kỳ lạ thay, lại đem tới cho đêm tối mênh mông đang bao trùm lên họ một vẻ êm lặng bạo cuồng.
Họ có nhiệm vụ dán mắt vào những sợi dây buộc chiếc tầu với cái phù tiêu. Căng ra thẳng dẵng, những sợi dây thừng và dây cáp lớn vạch nên một đường thẳng băng thực rõ rệt trong khung cảnh mà mọi vật đều dao động lắc lư, lồng lộn vì gió bão điên cuồng. Cái lối đứng nhìn chăm chăm vào những sợi dây căng thẳng này đã khiến cho họ có một cảm giác giống như sự tin tưởng chắc chắn vững vàng, phát xuất từ sự tập trung ý chí.
Có những khoảnh khắc tưởng như gió đã bất chợt ngừng thổi; nhưng chẳng những không làm họ yên lòng, những giây phút ấy lại còn khiến cho ba người thanh niên khiếp đảm, run bắn người lên. Khối gió khổng lồ lại tức thời đổ ụp ngay xuống làm những cột buồm kêu răng rắc rồi lại ào ào cuốn đi, gầm thét khủng khiếp.
Ba người vẫn cứ lặng lẽ đứng canh chừng mấy sợi dây thừng. Ngay trong tiếng gió thét gào họ nghe thấy cả tiếng mấy sợi dây thừng rít lên từng chập, xoáy sâu, sắc lạnh. Yasuo chợt kêu khẽ:
“Nhìn kìa!”
Một sợi dây cáp cuộn quanh cái cột đàng mũi tầu đang cót ca cót két một cách đáng sợ, dường như đã tuột lỏng ra một chút. Ngay trước mắt ba người là những cây cột buộc thừng và họ nhận thấy trong những sợi dây quấn vào các cây cột ấy đã có một sự đổi thay, chỉ chút xíu nữa thôi nhưng hết sức nguy hiểm.
Đúng lúc ấy, một sợi dây cáp dài đứt tung lao vút trong đêm tối như một làn roi rít rồi quất đánh rầm một cái vào mấy cây cột.
Ba người vội vã nhảy sang một bên vừa kịp tránh khỏi bị sợi dây cáp đứt tung kia quất vào người với một sức mạnh thừa để cắt vào da thịt sâu đến tận xương. Giống như một con vật nào đó chết đi sống lại nhiều lần ngoắc ngoải mãi mà chưa chịu nhắm mắt, sợi dây cáp cứ vừa rít lên vừa uốn éo, vặn vẹo trên boong tầu, giữa màn đêm mù mịt. Mãi sau đó nó mới chịu nằm xuống, đừ ra, cuộn thành nửa vòng tròn, im lìm lặng lẽ.
Sau khi đã xem xét sự thể, ba chàng thanh niên sợ tái xanh mày mặt. Một trong bốn sợi buộc con tầu vào cái phù tiêu đã đứt tuột. Không ai còn biết là mấy sợi dây thừng và dây cáp còn ràng buộc con tầu với cái phù tiêu cũng có thể đứt tuột vào bất cứ lúc nào. Yasuo vừa rời những cây cọc đầu thuyền, vừa nói:
“Phải báo cáo ngay với thuyền trưởng, anh em ạ!”
Lần mò nắm lấy các tay vịn mà bò, ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu lần, Yasuo mới mon men về tới cầu tầu báo cáo với thuyền trưởng.
Ông thuyền trưởng cao lớn lực lưỡng vẫn bình tình hoặc làm ra vẻ bình tĩnh:
“Thế hả? Được, vậy thì mình hãy dùng ngay sợi dây cấp cứu đi. Bão sẽ mạnh nhất vào lúc một giờ sáng, vậy thì bây giờ dùng sợi dây cấp cứu là kế vạn toàn. Ai chịu khó bơi ra cái phù tiêu mà buộc sợi dây cấp cứu vào đó cho tôi nào?”
Ủy cho đệ nhị phó quan coi sóc cầu tầu, viên thuyền trưởng và đệ nhất phó quan đi theo Yasuo trở lại chỗ cũ. Như mấy con chuột nhắt hì hục khuân một cái bánh, họ quấn sợi dây cấp cứu cùng một sợi dây thừng nhỏ thành một cuộn lớn rồi kéo lê từng bước từ cầu tàu tới những cây cột ở mũi tầu.
Shinji và người thủy thủ trẻ tuổi ngửa mặt nhìn dò hỏi.
Viên thuyền trưởng khom mình, lớn tiếng gọi xuống:
“Có đứa nào trong bọn mày chịu khó ra cái phù tiêu buộc sợi dây cấp cứu này không?”
Tiếng gió gào thét che lấp cả sự im lặng của bốn anh chàng trẻ tuổi. Viên thuyền trưởng lại hét lớn:
“Chẳng thằng nào có gan dạ gì hết hay sao?”
Yasuo cắn chặt môi run run, hắn so vai rụt cổ cúi đầu nhìn xuống. Shinji liền nói lớn, giọng thật trong sáng, tươi vui, hàm răng trắng bong lấp lánh trong đêm tối cho thấy là anh chàng ta đang mỉm cười. Anh chàng dõng dạc hét to:
“Để đấy tôi làm cho!”
“Tốt lắm! Làm ngay đi, chú em!”
Shinji đứng dậy. Anh cảm thấy xấu hổ là cứ ngồi thu mình trên boong tầu suốt từ nãy đến giờ, cúi mặt nhìn xuống. Trong tăm tối, gió ào ào cuộn tới, quất mạnh vào mình anh nhưng với một người từng quen với thời tiết ác liệt trên những ngư thuyền nhỏ bé, thì cái sàn tầu chòng chành nhấp nhô này, nơi anh đang đứng giạng cẳng như trời trồng, chẳng qua chỉ là một khoảng đất hơi mấp mô gập ghềnh một chút.
Anh đứng thẳng người, lắng tai nghe ngóng. Gió bão đang ào ạt trên đầu chàng thanh niên can đảm này. Đối với Shinji được mời ngồi vào một chiếu trong cái bữa tiệc cuồng điên này cũng chẳng khác gì được mời vào dự một giấc ngủ trưa êm lặng của thiên nhiên vậy.
Bên trong cái áo mưa anh đang mặc, mồ hôi đổ xuống ròng ròng làm ướt đẫm cả lưng lẫn ngực. Shinji cởi phăng áo quẳng sang một bên. Trong lúc anh làm vậy, bóng anh chân đi đất, mình mặc áo lót, nổi bật trong phong ba tăm tối.
Dưới sự chỉ huy của viên thuyền trưởng, bốn thanh niên buộc một đầu sợi dây cấp cứu vào hàng cột ở mũi tầu, một đầu sợi vào dây thừng nhỏ bé. Bị gió cản trở, công việc tiến hành thực chậm chạp.
Khi đã cho buộc xong những sợi dây rồi, thuyền trưởng đưa cái đầu dây chưa buộc cho Shinji rồi hét vào tai anh:
“Quấn cái dây này quanh thân mình rồi bơi ra ngoài đó. Khi tới chỗ cái phù tiêu thì bám chặt lấy sợi dây cấp cứu mà buộc cho thực nhanh nhé!”
Shinji quấn sợi dây thừng nhỏ hai vòng ngang thắt lưng mình rồi đứng thẳng trên mũi tầu, anh cúi xuống nhìn mặt biển. Bên dưới những làn sóng bạc đầu thi nhau đập vào mũi tầu, những lượn sóng, đen kịt, muôn hình đang uốn mình, vặn vẹo. Chúng cứ vừa chuyển mình vật vã vừa che giấu những hiểm nguy chứa chấp bên trong. Một ngọn sóng vừa mới dâng cao trước mắt thì lại đổ ụp xuống thành một vũng sâu xoáy tít, thăm thẳm, không biết đâu là đáy.
Đến đây, một ý nghĩ chợt thoáng qua óc Shinji. Cu cậu chợt nhớ đến tấm ảnh Hatsue để ở túi áo trong, treo tại phòng thủy thủ đoàn. Nhưng ý nghĩ vơ vẩn này lập tức bị gió đánh tan liền.
Từ mũi tầu, anh nhào xuống mặt nước.
Chiếc phù tiêu ở cách xa khoảng hai mươi thước. Mặc dù tự tin ở sức mạnh đôi tay đã khiến anh có thể bơi một mạch năm vòng chung quanh đảo Uta quê hương của mình, song Shinji vẫn e ngại là mình không đủ sức vượt qua hai mươi thước này.
Có một sức mạnh khủng khiếp đè nặng trên đôi tay chàng thanh niên, một cái gì giống như cây gậy đánh côn cầu giáng mạnh xuống đôi tay trong khi anh lấy hết sức rẽ sóng mà bơi. Tuy vậy sóng dữ vẫn hất tung thân mình anh lên và trong khi tận lực chống chọi vật lộn với sóng biển, anh cảm thấy dường như bao nhiêu cử động của mình đều vô ích như thể mình đang cố đạp chân trên một lớp dầu mà chạy vậy.
Anh tưởng như là chắc chắn cái phù tiêu đã nằm trong tầm tay, thế mà đến lúc trườn mình trên đợt sóng kế tiếp, đưa mắt tìm kiếm anh lại thấy nó vẫn xa lắc xa lơ.
Chàng thanh niên lấy hết sức mà bơi. Thế rồi từng tấc từng tấc, từng bước từng bước, khối nước thù nghịch khổng lồ lui dần nhường lối cho anh. Thật chẳng khác gì cái máy đục đá đang cực nhọc xoáy mũi vào phần cứng rắn nhất của một tảng đá lớn.
Lần đầu anh mó được tay vào cái phù tiêu nhưng không nắm được, lại bị cuốn đi. Nhưng rồi nhờ may mắn, một đợt sóng lại hất anh lên và vào đúng lúc sắp sửa xô anh đập ngực vào cái vòng sắt thì bắt chợt, chỉ quét nhẹ một cái, nó nhấc bổng thân mình anh lên đặt ngay lên cái phù tiêu.
Shinji hít mạnh một hơi dài, gió lùa vào mũi và miệng làm anh tưởng đến ngạt thở. Vào khoảnh khắc này, anh cảm thấy như không sao thở được nữa và anh quên bẵng tất cả những công việc phải làm.
Cái phù tiêu nhấp nhô, lăn lộn, vật vã mặc sức cho mặt biển đen tối dập vùi. Sóng biển không ngừng táp mạnh vào phần nửa phù tiêu rồi lại rút ra thực mau. Nằm úp mặt xuống để khỏi bị gió tạt, Shinji bắt đầu cởi sợi dây thừng nhỏ quấn ngang mình. Cái nút buộc ngấm nước ướt sũng, hết sức khó gỡ. Đến lúc tháo được sợi dây thừng ra rồi anh mới bắt đầu kéo sợi dây cấp cứu.
Bấy giờ anh mới nhìn về phía con tầu lần này là lần đầu tiên. Anh có thể nhìn thấy hình dáng bốn người đang xúm xít quanh mấy cây cột trước mũi tầu. Những người đứng canh trên mũi tầu đánh cá kiên cũng đang chăm chăm nhìn về phía anh. Tuy khoảng cách vỏn vẹn chỉ có hai mươi nhăm thước vậy mà trông thì thấy xa khủng khiếp. Hình ảnh hai con tầu đen kịt nằm hạ neo song song nhấp nhô trồi lên rồi lại thụt xuống giữa những đợt sóng biển.
Sợi dây thừng nhỏ phải chống cự thực vất vả với sóng gió nhưng tương đối, kéo cũng không khó lắm, cuối cùng anh cũng móc được đầu kia. Đó là sợi dây cấp cứu trực kính đến 12 phân mà anh đang ra sức kéo về mình. Shinji dường như ngả hẳn người trong nước biển. Sức gió giật sợi dây cấp cứu mạnh mẽ quá chừng nhưng cuối cùng người thanh niên cũng nắm được một đầu dây trong tay. Sợi dây to đến nỗi bàn tay anh lớn như vậy mà cũng không nắm được vững.
Shinji cuống quít chưa biết phải dùng sức mình ra sao. Anh muốn đứng thẳng hẳn người, đạp chân mà kéo nhưng gió bão chẳng chịu cho anh lấy cái tư thế này. Va đến lúc dồn hết sức lực vào sợi dây thừng thì suýt nữa anh bị cuốn phăng xuống biển. Người anh ướt sũng, lên cơn sốt bừng bừng, mặt mày đỏ gay, hai thái dương nện thình thịch.
Cuối cùng anh cũng loay hoay quấn được sợi dây cấp cứu quanh cái phù tiêu một vòng, từ đó công việc trở nên dễ dàng hơn. Sợi dây lúc này trở nên một điểm tựa cho anh gắng sức, và để thay đổi, anh có thể tựa hẳn người vào sợi dây dầy cộm.
Anh lại cuốn sợi dây một vòng nữa quanh cái phù tiêu rồi cứ thế, tuần tự rất có phương pháp, cuốn nhiều vòng thực chắc thực mau. Anh vẫy tay báo hiệu cho người trên tầu biết là mình đã thành công.
Bốn người trên tầu giơ tay vẫy đáp lại. Chàng thanh niên quên hẳn là mình đã mệt lả cả người. Bản năng khoái hoạt trong con người lại dâng cao và nguồn khí lực vừa nãy suy sụp lại bắt đầu tràn dâng mạnh mẽ. Nhìn thắng bão tố, Shinji hít mạnh một luồng hơi vào trong phổi rồi nhảy ùm xuống biển, bơi về tầu.
Những người trên boong hạ một tấm lưới xuống kéo Shinji lên. Khi người thanh niên đã trở lại boong tầu, viên thuyền trưởng giơ bàn tay hộ pháp vỗ mạnh vào vai anh. Tuy mệt ngất người đi nhưng nhờ khí lực con trai đương độ, Shinji vẫn còn đứng vững.
Thuyền trưởng bảo Yasuo dìu Shinji về phòng và những người khác, ai không bận việc thì lấy khăn lau cho người anh khô ráo. Vào đến giường mình, chàng thanh niên nằm lăn ra ngủ. Không còn một tiếng gào thét nào của bão tố lại có thể quấy rầy giấc ngủ say sưa mê mệt ấy.
Sáng hôm sau Shinji mở mắt ra thì đã thấy ánh mặt trời trong vắt chiếu rọi trên mặt gối của mình. Qua khung cửa tròn trong phòng ngủ, anh ngước mắt nhìn lên bầu trời trong xanh vừa tiễn đưa bão tố ra đi, và anh nhìn đến dãy núi đồi trọc lóc nằm phơi mình dưới ánh mặt trời nhiệt đới cùng mặt biển lung linh lấp lánh êm ả như chưa hề biết qua bão táp là gì.