Sau bốn năm liên tục học ở Huế, và thi đỗ bằng Thành Chung, tháng 6 năm 1918, Trần anh Tuấn về tỉnh nhà được đặc biệt bổ làm thông ngôn ở Toà Sứ. Năm sau, 1919, ba chàng thanh niên đi tùng chinh kia cũng được từ Pháp hồi hương, bình yên vô sự. Cả ba đều vui mừng và hãnh diện. Tính tình cử chỉ ngôn ngữ của họ đều có nhiều sự thay đổi. Nhưng ba giấc mộng tang bồng hồ thĩ đều không thành đạt như sỡ nguyện. Năm Xin không được làm quan Lãnh binh, quan Thống Chế, mà chỉ là chú lính binh nhì. Đàn bà con nít trong xóm làng và trong thành phố nghe chú nói tiếng Tây rằng chú là lính "đơ đèm cờ-lát" (2è classe ) họ cười rộ lên, và gọi ngạo chú là 'đơ đèm cùi bắp". Bọn con nít gọi chú là "đơ đèm cù-léc". Nhưng chú vẫn khoe khoang suốt ngày mang "đôi giầy lính tây" đi vênh vang ngoài phố nện gót giầy độp độp... Ba tháng sau, chú xin vô làm "bồi" cho ông Giám binh và nói rặc "tiếng bồi". Bà đầm sai chú ra chợ mua đồ, chú cũng nói " tiêng Tây " với mấy bà bán ngoài chợ: - Bán cho tui "cách ớp- đờ-cà -na" ( 4 trứng vịt ). Tiếng Pháp canard là con vịt đực, cane là con vịt cái, nhưng chú bồi Năm Xin chỉ biết ca-na là con vịt, thành ra chú vẫn quen miệng nói:"ớp- đờ-cà-na", 4 cái trứng vịt. Mấy ông làng sở tại thấy Năm Xin đi lính bên Tây chỉ là tên lính "đơ đèm cùi-bắp" nên họ vững lòng khỏi sợ y thù oán. Nhưng Năm Xin vẫn hách dịch như thường. Mỗi khi làng có cúng tế ở Đình, Năm Xin diện bộ đồ "Sơn đá" cũ mèm, đến Đình ngồi ngang hàng với các vị hương chức. Họ vẫn sợ chú, vì chú là " bồi " của quan Giám binh. Chú có thể dựa thế quan Tây để bắt nạt làng xóm. Hai Tạ, con ông Bằng, thì được đóng lon cai. Chàng đã 23 tuổi và được ông Công Sứ cho làm cai "Phú-lít " ( Police) lính cảnh sát. Cả ngày chàng cầm cái roi mây đi các đường phố trong tỉnh, ghé vô chợ, vô các tiệm, nạt nộ người nầy, hăm doạ người kia, và mua hàng hoá không trả tiền. Nhưng không một chủ tiệm nào dám đòi, kể các tiệm "các chú" và tiệm An Nam. Thường dân trong thanh phố hay bị chàng đánh hoài, ít người dám kêu-rêu. Chàng sả roi mây vào đầu người ta, quất vào vai, vào mông đít, ít người dám kêu-rêu. Vì tội người ta không dở nón chào "thầy Cai" hoặc lỡ miệng gọi chàng là "chú Cái". Hai Ngoạn, bậc "đại trương phu" môn đệ của Khổng giáo, đi lính cho Tây được đóng lon Ông Ách (Adjudant ), tức là ông Quản. Nhưng chàng ta bị điên, vì có lần chỉ huy một đoàn quân An-Nam-mít vận tải ra mặt trận bị một trái phá đại bác của Đức rơi nổ bên cạnh, chàng xiêu hồn lạc phách rồi từ đó trở thành điên luôn. Về tỉnh nhà, chàng vẫn còn loạn óc, tuy trai trẻ, mạnh khoẻ, và khá đẹp trai. Chàng mới có 24 tuổi. Người ta thường gặp ông Ách vác một cây gậy trên vai, giả làm như cây súng, đi lang thang trong tỉnh, trong làng,vừa đi vừa hô lên một mình:' Ấc, đơ... Ấc, đơ!... Ấc, đơ!... (một, hai! một, hai! ). Có khi chàng cột một tấm giẻ rách, màu xanh, hoặc màu đỏ trên đầu cây gậy, làm như lá cờ. Tụi con nít sợ "ông Ách" lắm. Chàng đi tới đâu, tụi nó trốn tới đó, không một đứa nào dám ló mặt ra. Ông Ách không hề sợ một ai hết thẩy. Ông chỉ sợ mỗi một thứ mà thôi - ông sợ tiếng nổ. Mấy ngày Tết, nhiều nhà đốt pháo, Ông Ách nghe tiếng pháo nổ, vội vàng chạy trốn, tìm chổ chui núp, bất cứ đang ở đâu. Ông Ách thường ưa gặp Trần anh Tuấn, bấy giờ đã thành ra thầy Phán Tuấn. Hể gặp, là ông Ách xổ tiếng bồi: - Me xừ Phán Tuấn ơi, nè luỷ, tồm-bê côm xà: Bùm! Bùm! Tuấn cười hỏi: - Cái gì bùm, bùm? - Cái ô-buýt đại cà-nông luỹ kêu Bùm! Bùm! Chớ cái phuy đi thì luỹ kêu: pầng! pầng! Rồi ông Ách cười: - Vậy mà moã ya-na-pa-pơ! ( tui không sợ! ) Ông Ách lại cười ha hả, đưa tay lên chào Phán Tuấn theo kiểu nhà binh, rồi đi. Chàng thanh niên loạn óc nầy cứ đi lang thang như thế suốt ngày, ban đêm bạ đâu ngủ đó... Ông Ách tuy vậy vẫn không làm hại ai. Chỉ có tụi trẻ nít là sợ ông, sợ ông ghê lắm, nhưng sợ vì thấy ông điên điên khùng khùng chứ sự thật ông đâu có doạ nạt con nít. Ông chỉ cầm gậy đuổi đánh đứa nào chọc ghẹo ông. Chúng nó sợ Ông Ách đến nỗi mỗi một khi có đứa nhỏ nào khóc, người lớn chỉ doạ nó một câu: "Nín đi, ông Ách đến kia-kìa!" là nó nín ngay tức khắc, mắt ngơ ngác nhìn xem ông Ách ở đâu... Hoặc chúng nó đang chơi ngoài đường, vui vẻ, bổng có đứa nào nói gạt: " Ông Ách kìa, tụi bay ơi! " thế là cả bọn chạy biến đi mất tiêu, đứa vụt vào nhà đóng cửa lại, đứa trốn ngoài bụi, đứa chui xuống gầm giường, đứa nấp sau gốc cây. Người lớn thì trái lại, thích gặp ông Ách để gợi chuyện cho ông nói nghe chơi. Ông nói cả chữ Tây lẩn chữ Nho. Vì ông xuất thân là con nhà Nho, lại sang Pháp học lỏm được một mớ tiếng Tây ba-rọi đem về làm quà cho bà con trong tỉnh. Điên thì điên, nhưng mỗi tháng đúng ngày, ông Ách vẫn nhớ lên Toà Kho Bạc để lãnh tiền cấp dưỡng của Nhà nước, hình như được đâu một đồng bạc. Thời bấy giờ, trong nước ta thông dụng hai thứ tiền tệ: của "chính phủ bảo hộ", thì bạc đồng, bạc cắc, và xu ( chưa có giấy bạc ). Đồng bạc tròn, dầy độ 1 millimètre, đúc bằng bạc thật 9 phần 10, nặng trên 27 grammes, ở giữa có hình nổi một bà Đầm Marianne, tượng trưng cho nước Pháp, trên đầu bà có một vòng tủa ra nhiều tia nhọn. Không hiểu sao dân chúng thường gọi "Đồng Bạc Bà Đầm Xoè". Đồng xu thì bằng đồng, ở giữa có lổ nhỏ để xâu, chung quanh cũng có in chữ nổi:"Indochine Francaise" ( Đông Dương của Pháp ) như đồng bạc. Vua ta thì có tiền. Tiền của Vua có hai loại: "Tiền ăn sáu" và "Tiền ăn bá". Một đồng tiền ăn ba cũng được gọi là "đồng điếu" là đơn vị tối thiểu của đơn vị tiền tệ thời bấy giờ. ( Nghèo không có đồng điếu, nghĩa là nghèo xơ nghèo xác, nghèo mạt tệ ). Mười đồng tiền ăn sáu hay là 20 đồng tiền ăn ba, tức là một tiền. 10 tiền ăn sáu hay là 20 tiền ăn ba cột lại với một lật tre, thành một quan tiền. Hầu hết trong dân chúng đều dùng: Loại Tiền ấy. Tiền đúc niên hiệu Gia Long thông bảo, Minh Mạng thông bảo, Thiệu Trị thông bảo, Tự Đức thông bảo v...v... Chỉ có một số ít nhà giàu, hoặc khá giả, mới có bạc đồng. Buôn bán tại các chợ, hoặc trong các tiệm, hầu hết là bằng tiền. Ông Ách lãnh lương của Nhà nước Bảo-hộ cấp dưỡng bằng bạc đồng. Ông đem bạc ra tiệm "các chú" đổi thành tiền. Ông cất tiền trong một cái gói vải nhuộm màu đỏ, mà ông thường đeo lủng lẳng trên vai. Không ai biết số tiền ấy ông đem cho ai, hay ông làm gì, mà tháng nào cũng vậy, cứ vài ba ngày sau hôm lãnh tiền là ông không còn một đồng điếu. Rồi ông cứ đi ăn xin của người ta. Thầy cai phú-lít Hai Tạ, con ông Bằng, ăn lương cũng một đồng, nhưng chàng ta nhờ tiền hối lộ, và các của phi nghĩa giành giựt của thường dân, nhất là của những người buôn bán nên chàng có rầt nhiều tiền. Cả tỉnh chỉ có hai thầy cai phú-lít. Gọi là thầy cai cho oai, chớ sự thực là lính, tức là lính cảnh sát. Chân đi đất, mặc áo cụt trắng hoặc đen, quần vải ta, thắt dây lưng đỏ tòn-ten dưới bụng. Y-phục của người lính phú-lít An Nam năm 1900-1924 cũng y như của thường dân. Chỉ khác hai món để phân biệt: người lính có nón gù đội trên đầu và chiếc roi mây luôn luôn cầm nơi tay. Không có súng lục. Cũng không có dùi-cui. Chỉ có cây roi bổn mạng, dùng để đánh đập người ta. Chú nông dân nghèo và không có học, trước đó hai năm chỉ đi vác cờ, đánh trống, chạy hiệu cho làng, bây giờ đi "tùng chinh" bên nước Đại Pháp trở về được "quan thầy Đại Pháp" cho làm lính "phú-lít", cả làng cả tỉnh đều sợ hắn như sợ cọp. Ông Làng, ông Xã đều gọi hắn bằng "Thầy Đội", "Thầy Cai". Hắn vào nhà ai, chủ nhân phải mời hắn ngồi trên ghế tràng kỷ, mời trầu, mời nước, dạ dạ, thưa thưa. Hắn, cũng như chàng Năm Xin "đơ-đèm-cùi-bắp" đi lính bên Tây về làm bồi cho ông Giám binh, đều hách dịch như nhau cả. Hai người đều nói tiếng bồi để loè với dân chúng à các cô thôn nữ. Họ chưng "địa vị" bồi Tây và lính Cò để hiếp đáp bà con hàng phố, nạt nộ dân làng dân tỉnh. Ở trong đồn Lính Tập, bà Đầm và ông Giám binh sai Năm Xin giặt quần, giặt váy ; ở Sở Cò thì ông Cò Tây chửi Hai Tạ là cu-son, con heo, mẹc, xà-lù, con bò... Thế mà về làng, hai chàng thanh niên này nịt bộ đồ lính Tây rách vá, mang đôi giày lính Tây há mồm, ung dung đến Đình làng vẫn muốn ăn trên ngồi trước, ngang hàng với các cụ bô lão, rồi uống rượu say sưa, xổ tiếng bồi làm ngơ ngác cả làng... Đấy là thành tích của số đông các chàng trai "An Nam" đã tùng chinh bên Pháp được trở về quê nhà sau trận giặc Pháp - Đức, 1914-1918.