Tôi nhìn thấy ông ta vài lần mà vẫn còn ngờ vực, không lẽ cuộc đời ngày hôm nay cũng có chuyện cổ tích...?
Lần thứ nhất, tôi thấy ông đi trong đoàn khách khá đông các nhà đầu tư ngoại quốc. Ông nào cũng to béo mặt mũi hồng hào, áo quần chỉnh tề sang trọng. Gương mặt ấy lẫn vào đám đông náo nhiệt nhưng những đường nét hao hao nào đó từ trong ký ức xa xôi hiện về khiến tôi băn khoăn. Trông quen quá, giống một người tôi từng gặp. Đây là một hội nghị quan trọng, tôi không thể bỏ nhiệm vụ cầm cái đèn lằng nhằng dây nhợ chiếu sáng cho anh bạn cùng đài đang quay phim. Trừ mấy nhà báo nước ngoài, nhà báo trung ương ra dáng, cánh nhà báo tỉnh lẻ chúng tôi nom thật nhếch nhác. Có vẻ giống mấy anh dân quân du kích đang chen vào đứng chung với bộ đội chủ lực chính quy. Tôi biết thân phận mình, cái thằng vác chân máy và cầm đèn chiếu sáng chẳng khác nào mấy anh thợ phụ việc trên đời.Vì thế làm sao tôi dám lại gần hỏi thăm quý ông sang trọng quen mặt kia xem đã gặp nhau ở đâu. Thời bây giờ người nước mình khối kẻ giống người nước ngoài khu vực Đông Nam á cũng là chuyện bình thường. Chính tôi đây người Việt gốc Nghệ Tĩnh một trăm phần trăm, có lần lớ ngớ đi qua nơi dành cho mấy người làm hồ sơ xuất cảnh, gặp một cô, còn xinh hơn cả hoa hậu trên tờ lịch treo tường, níu lại làm quen. Tôi bàng hoàng sung sướng đến mờ mắt. Cô ta hỏi địa chỉ rồi tìm đến thăm làm mấy cậu trai tơ ở đài phát ghen, vợ tôi tái mặt muốn ngất xỉu, suýt nữa phải đem đi cấp cứu. Người đẹp thất vọng ra về, tôi bần thần... Ôi chao, sự đời trớ trêu, cô gái tưởng tôi là con lai Mỹ đen... Thì ra muốn giống người nước ngoài chẳng khó khăn gì. Chỉ cần thuở bé ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, mò ốc... mình trần phơi nắng. Làng tôi hiện giờ vẫn có rất nhiều thằng nhóc giống hệt trẻ con lai Mỹ đen. Về thăm, tôi nghe chúng nó dắt trâu đi mồm ngâm nga:
" Thuở còn thơ ngày hai buổi ra đồng
Yêu quê hương qua từng con ốc nhỏ
Ai bảo châu Phi là khổ?
Tôi mơ màng đi xuất khẩu Li-bi..."
Lần thứ hai tôi vô tình nhìn thấy ông ta trên tivi, chương trình giới thiệu khu du lịch tương lai do nước ngoài đầu tư ở một thành phố biển nổi tiếng thơ mộng. Tôi chưa dám tin là người quen nhưng bỗng buột miệng:" Ơ... cái ông này hình như... " Vợ tôi đưa mắt lườm: " Ông này làm sao?". Khổ một nỗi, không biết từ bao giờ tôi đã có sẵn tật nhìn người này thấy giống người kia. Vợ tôi dạy Bổ túc văn hóa cán bộ, thường ở trường không dám trách học trò, bực dọc đem về nhà dồn hết vào đầu anh chồng ngố:
- Chán anh ghê. Thấy người sang bắt quàng làm họ. Em dạy học cho bao nhiêu khóa cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn kế cận. Có khi nào em nhận là người quen đâu. Cái nghề bạc bẽo bấu vào người sang chỉ thêm hèn...
Vợ tôi quá lời. Tôi nào nhờ vả cầu cạnh ai bao giờ. Mà ai cần gì cái thằng cầm đèn chiếu sáng cho người khác ghi hình. Có lẽ cái tật của tôi là do nghề nghiệp tạo ra như một thứ bệnh. Khi đèn chiếu thẳng vào mặt ai phải nhìn kỹ, lơ đễnh một tý cậu quay phim đáng tuổi em nó chửi liền. Càng nhìn càng hay suy nghĩ.Nói lỗi phép, có lần tôi bỗng thấy lòng dạ nôn nao nhớ, khi nhìn mặt một ông nguyên thủ quốc gia. Sao mà giống ông nội tôi thế, từ gương mặt đến dáng đi đứng. Chỉ khác có một điều, ông tôi đã lú lẫn nhiều. Ăn cơm vừa khỏi miệng bảo chưa ăn. áo mặc cả tuần không chịu thay bảo mới mặc. Gọi bố tôi bằng "thằng ", còn cháu chắt cụ lại khiêm nhường chào bằng "ông ". Đôi khi tôi nghĩ quẩn:" Sao mà cụ sống dai thế "! Cả nhà đến khổ sở vì cái tính vừa lẩm cẩm vừa ương gàn của cụ. ấy thế, người ngoài nhìn vào cứ khen nức nở: " Nhà ấy tốt phúc, tứ đại đồng đường! "
Lần thứ ba,tôi đi theo một thằng bạn láu cá chuyên chơi quần vợt đến câu lạc bộ để xem cho biết. Bạn tôi nghèo rớt mồng tơi nhưng là một người có năng khiếu thể thao. Tôi băn khoăn không biết hắn lấy đâu ra tiền để chơi môn bóng nỉ quý tộc. Hắn mỉm cười:" Mày cứ yên chí. Chiều nay tao sẽ bao mày uống bia lon."
Đến cái sân xi măng bóng láng dưới ánh nắng chói chang, tôi chợt hiểu. Hắn sống được là nhờ cá độ. Khối anh trưởng giả học làm sang vốn xuất thân Việt cộng như tôi, bây giờ giàu có thích chơi quần vợt để cho bụng bớt mỡ, cũng là cách giải trí sang trọng sau môùt ngày làm việc vất vả. Đối với các vị này huyết áp ổn định là điều đáng quý nhất.
Thằng bạn tôi đánh với một ông Việt kiều to ngang cái tủ đứng. Hắn vờn đối thủ như mèo vờn chuột. Ông kia thua đậm, rút ví móc tiền trả một nùi. Tôi lại gần nhìn kỹ kẻ thua trận: Hàm râu quai nón, sống mũi sư tử,đôi mắt hơi đỏ vằn tia máu dưới hàng lông mày đen xoắn. Không, lần này thì tôi không thể nhầm lẫn. Hình như ông ta cũng đang nhìn tôi rồi mỉm cười hỏi thân mật:
- Này bạn, có phải hồi nhỏ bạn tên là cu Đen?
Tôi reo lên sung sướng:
- Trời ơi... Đúng rồi. Anh cu Chày con bác chắt Hoe phải không?
Chúng tôi ôm lấy nhau. Người làng sau hai mươi năm gặp lại, niềm vui có thể sánh với niềm vui của những dân tộc bị chia cắt vừa mới được thống nhất.
- Thế mà mấy lần nhìn thấy anh, tôi cứ tưởng là một ông tư bản nước ngoài. Anh phát tướng đến dễ sợ.
- Ô-kê.Nước mình bây giờ cũng có khác chi nước ngoài.Cuộc sống thế nào?
Tôi chỉ cười trừ không trả lời, thằng bạn chuyên cá độ quần vợt nói xen vào:
- Đang sống dưới mức nghèo khổ, ông Li ạ. A...ha, hai người cùng làng hai ngã đường đời hai số phận...
- Vâng chúng tôi là bạn cố tri. Li nói giọng bùi ngùi. Cùng có chung một thời thơ ấu cơ cực và đáng yêu. Thôi, hôm nay mời hai bạn quá bộ về Hotel mừng tái ngộ.
Tôi không tin có Tiên Phật trên đời nhưng nếu có thì có lẽ Tiên Phật chỉ phù hộ độ trì cho mỗi anh cu Chày con bác chắt Hoe, tức là cái ông Li chuyên gia về các nước chậm phát triển, hiện đang đứng trước mặt tôi đây, với tư cách một Việt kiều yêu nước chân chính...
*
Làng tôi tuy nghèo, từ xưa vốn là một làng văn hiến, có nhiều nhân vật nổi tiếng. Họ Trần có ông Nghè làm đại thần, chết trong Kinh, nhà vua thương xót đến mức khóc ra máu, sai quan quân đưa linh cữu về quê an táng. Đám tang đi chậm như rùa, bát nước đầy để trên cỗ thọ không hề sánh ra ngoài một giọt, từ Huế ra đến nơi mất sáu tháng trời. Họ Nguyễn có ông Thám hoa, nghe theo chiếu Cần Vương, bỏ việc quan về làng dấy binh chống Pháp. Quan Thám chết trong khi lâm trận trên đỉnh lèn đá Vũ Kỳ, ngài chết đứng như Từ Hải. Chỗ ngài thăng, hiện còn một gộp đá,đêm trăng sáng dưới làng nhìn lên thấy giống hệt pho tượng vị võ tướng đứng oai phong lẫm liệt. Họ Dương nhà anh Chày nổi tiếng có nhiều đô vật vô địch thay nhau làm chủ sới, đời nào cũng có người tiến thân bằng đường binh nghiệp.
Sau khi quan Thám họ Nguyễn tử trận, nghĩa quân tan rã, ông nội anh Chày trốn biệt tăm lên miền Thượng. Hơn mười năm sau, binh tình yên ắng ông trở về, lục tục dắt theo ba bà vợ cùng đàn con mười hai đứa. Lỡ đường công danh, chuyển họa thành phúc, phát đường thê tử.Theo người làng kể lại, ông cụ là người cũng nổi tiếng bởi có bộ phận truyền giống vừa to vừa dài. Từ xưa người họ Dương vốn vui tính, giàu tự trọng, ít tự ái vặt vãnh và rất thích hài hước. Con cháu tự hào về tổ tiên bằng cách đem của qúy ra khoe theo kiểu tự trào. Chuyện tiếu lâm họ kể đa phần nhắm vào đặc điểm nổi bật của hạ bộ các cụ. Làng tôi có một câu làm người họ Dương cả cười nhưng lại làm cho người họ Trần nổi quạu:" C....họ Dương văn chương họ Trần "!
Khi tôi biết xấu hổ, tức là bắt đầu tuổi dậy thì, anh cu Chày đã là một thanh niên vạm vỡ. Anh không được vào Đoàn chỉ vì tội hay ra sông tắm truồng làm chị em đang giặt ở bến bỏ chạy như vịt. Họp thanh niên người ta phê bình trắng đêm, anh ngồi nghe cười hề hề hoặc ngủ gà ngủ gật, mặc ai muốn nói sao cũng được. Tất nhiên cuối buổi họp anh nhận khuyết điểm rất thành khẩn nhưng sau đó lại quên ngay tiếp tục ra sông tắm truồng. Làm đồng về, mình mẩy mồ hôi nhễ nhại, anh cu Chày chạy xồng xộc xuống bến, hai tay bắc lên làm loa:
- A lô, đồng bào chú ý! Tớ đi tắm đây... Đề nghị các đồng chí Hội phụ nữ tránh xa kẻo mất quan điểm, yếu lập trường... A lô... ùm!
Các cô gái đỏ mặt lấy nón che nghiêng, các bà chị vừa bật cười vừa chửi làu bàu, nghe không ra thích cũng chẳng ra ghét:
- ới cái thằng phải gió. Cái thằng chết nửa đời người kia...
Người ta rủa thế thôi, ai nỡ giận một chàng trai tơ hồn nhiên mộc mạc. Thời buổi đất nước có chiến tranh, đàn ông hiếm hoi vì phải ra trận những gã mới lớn là nguồn vui của hết thảy dân làng. Tuổi thơ của tôi chắc sẽ buồn tẻ lắờm nếu làng tôi không có một tên chuyên bày trò tếu táo tuy đôi khi hơi tục tĩu như anh Chày.Anh cu Chày đã kể cho bọn trẻ nghe rằng: ông nội anh có " cái ấy" dài đến nỗi... Cụ đi kéo vó trời lụt, mót đại tiện quá lại tiếc của không dám bỏ cần vó tìm chỗ kín đáo, đành ngồi ngay giữa đồng ngập nước... Mấy lần vừa thụp xuống đều nghe đánh "tỏm" trước mặt, nước văng tung tóe ướt tận râu. Cụ tưởng có đứa xấu chơi liền chửi toáng: " Tiên sư cha thằng nào ném ông!" Nhỏm người lên nhìn vội xung quanh, nước lụt trắng đồng, không thấy ai, bí quá hóa liều, cụ lại ngồi đại xuống, lại nghe "tỏm" một phát. Mẹ chúng nó chứ, thế này thì tức lắm nhưng mặc kệ. Cụ cúi xuống bỗng nhìn thấy " của quý " ngập nước hơn một nửa liền phì cười: " Té ra là mày! Thế mà tao ngỡ có thằng ném đá!"
Còn người bố anh Chày cũng đi vào văn học tiếu lâm của họ Dương làng tôi. Ông tham gia Việt minh khá sớm, giỏi võ nên được làm vệ sỹ cho một ông thượng cấp lên diễn thuyết hôm ta cướp chính quyền ở Phủ Diễn.Ông vệ sỹ bận quần xoóc Tây ống rộng thùng thình đứng trên sân khấu nên ở dưới bãi nhìn lên thấy bên trong rõ một đùm to tướng. Tiếng cười ồn lên tưởng vỡ đám hội. Thượng cấp ngạc nhiên, ông vệ sỹ vội lên tiếng trấn an, giọng sang sảng:
- Đề nghị đồng bào im lặng giữ trật tự. Chưa hết đâu đang còn một đoạn quan trọng rất dài!
Không may ông mất sớm, lúc cải táng, mở nắp ván thiên ra nhìn thấy bộ xương vàng ươm như tơ tằm, mẹ anh khóc nấc lên vì thương xót. Các cụ già bảo: " Cốt đẹp lắm! Con cháu nhà nó sau này sẽ phổng phát." Khi bắt đầu đậy nắp tiểu sành lại, mẹ anh dứt khoác không cho, bảo còn thiếu xương! Người trong họ ngạc nhiên đếm đi đếm lại từng đoạn từng mẩu thấy đủ hết. Họ trách bà nhiễu sự. Bà cứ khăng khăng còn thiếu. Cả đám việc ngơ ngác nhìn nhau rồi gắt:
- Còn thiếu xương gì? Nói thẳng mẹ ra để chúng tôi còn tìm. Bà gạt nước mắt: " Xương ấy... cái xương.......ông ấy đâu rồi? " Bọn đàn ông trố mắt hết lượt rồi cười bò lăn, có anh ngã lộn cổ xuống lỗ huyệt: - Nó là cục gân nó tan thành đất rồi thím ơi!.
Mẹ anh Chày nín khóc chợt hiểu ra. Bà cười ngượng ngập rồi bỗng ơ hờ gọi chồng một cách thật thà nhưng giọng nghe như hát tuồng:" ới ông ơi! Sao có lúc tôi thấy nó cứng như cái dùi bằng gỗ lim!"
Anh cu Chày được di truyền từ ông cha cái khoản ấy. Tôi học hết cấp hai rồi vẫn mù tịt về chuyện đàn ông đàn bà, tôi tưởng trẻ con đẻ ra từ lỗ rốn người mẹ. Những đêm trăng, nằm canh đồng đuổi bầy vịt trời xuống phá ruộng mạ,anh Chày thường kể cho chúng tôi nghe về đủ thứ chuyện bậy bạ, rồi anh giảng giải tường tận nguồn gốc vì sao tăng dân số. Thì ra ở trường không hề dạy cho nên chẳng đứa nào biết. Chúng tôi tha hồ tưởng tượng về phái nữ còn phái nam đã có giáo cụ trực quan của anh Chày, anh cho bọn trẻ xem và sờ thoải mái. Có một lần anh trổ tài làm tôi nhớ mãi...
Đi bắt cua về đến bến sông, lũ trẻ ùa xuống tắm cùng anh. Tất nhiên là tắm truồng cả đám. Tôi lặn lại gần thò tay vặt vào chổ kín làm anh đau điếng, kêu oái oái. Anh phải nhảy lên bờ bày trò chơi lại:
- Chúng mày đố tao treo các giỏ cua này không nào?
Thấy hay hay, tôi lên tiếng:
- Đố đấy. Treo không được anh mất cái gì?
- Nếu giỏ cua rơi, cho chúng mày cắt béng! Anh rút xoẹt cái liềm chìa ra. Còn treo được chúng mày mất cua.
Bọn trẻ đồng ý đem giỏ cua lại xếp thành một hàng,cái nhỏ trước, cái lớn sau. Tôi khoái trá nghĩ đến cảnh cầm liềm cứa. Chuyến này anh ta sẽ biết tay.
- Nhưng anh không được bỏ chạy đấy.
- Tao mà chạy cho bay đốt nhà!
- Cũng không được xin tha nhé.
- Tao thèm chịu hèn thế!
Cuộc đấu đã thỏa thuận xong. Anh Chày bắt đầu lần lượt treo các giỏ cua vào...... và kỳ lạ thay, chẳng có cái giỏ nào bị rơi xuống đất.
Mặt chúng tôi méo xẹo vì ngạc nhiên và vì tiếc của. Anh Chày hớn hở đổ cua vào cái bì tải đựng phân đạm rồi quăng những chiếc giỏ không lăn lông lốc.
- Nào, ra đồng bắt cua nữa đi các em, kẻo tối về nhà lại bị ăn đòn.
Trưa hôm sau chúng tôi hè nhau bắt cua bỏ vào giỏ vịt to, nặng cả yến đem về bến chờ. Bọn tôi định trị cho anh một trận. Anh đến thản nhiên nhìn cái gỉo vịt nặng trình trịch rồi tụt quần áo xuống tắm.
- Chúng mày đố tao treo cái vịt này hả? Chơi thế là chơi ác! Được thôi. Nếu tao treo được tao sẽ cắt trụi chim cả mấy đứa. Nào... Cả bọn đành thối lui, bởi thua cuộc lần nữa thì mất chim cả xóm. Thực ra chúng tôi sợ cách nói giận dữ của anh. Trò đùa đã đi quá giới hạn vui vẻ. Người hiền lành thường cục tính. Khi nóng lên có thể bất chấp...
ở làng hết lớp này đến lớp khác thanh niên tòng quân lên đường đánh Mỹ. Có đứa khai gian tuổi xung phong đi bằng được. Có đứa sớm mai tập trung quân ngũ,tối còn xin ngủ chung với bà một đêm cho đỡ nhớ. Anh cu Chày xin đi mấy lần nhưng xã không cho. Ông chủ tịch bảo:
- Cái thằng hấp ấy cho mặc quân phục, đội mũ đeo sao sẽ làm ô danh quân đội nhân dân.
Anh xã đội trưởng lắc đầu dứt khoát:
- Thứ đó cho đi mò gái chứ đánh nhau không đáng mặt mang chiến thắng trở về.
Bà Hội trưởng phụ nữ băn khoăn:
- Nó như con trâu đực đến kỳ xỏ ú rồi. Để ở nhà không yên tâm các đồng chí ạ. Không khéo nó làm chị em vợ bộ đội chửa hoang thì nguy. Tôi đề nghị cho đi. Nó ngu nhưng được cái khỏe mạnh. Quân đội là môi trường tốt nhất để cải tạo mọi đối tượng.
Thế là anh được trở thành chiến sỹ bộ binh. Lâu lâu ủy ban xã lại nhận được tin vui: Giấy khen thành tích bắn đạn thật, giấy chứng nhận vô địch cử tạ toàn trung đoàn, bằng dũng sỹ... của anh gửi về. Anh không gửi thư về cho mẹ, chỉ gửi thành tích về cho địa phương.Đó cũng là cách ứng xử cao thượng và đáo để. Các ông coi thường tôi, tôi gửi cho ít giấy khen làm kỷ niệm!
Sau ngày miền Nam giải phóng, trừ những người là liệt sỹ đành chịu nằm tại chỗ, những người còn sống lần lượt về làng. Họẽ nào cũng có người làm nên chuyện vẻ vang. Họ Trần xưa chỉ có quan văn nay có ông Thiếu tướng chính ủy sư đoàn. Họ Nguyễn có một ông đi B từ bao giờ không ai nhớ nữa nay đã lên tới cấp tá bốn sao. Họ Dương tự hào vì có ít liệt sỹ, con cháu trở về khá đông. Nhưng cũng đáng buồn, hoà bình rồi vẫn có giấy báo tử, đồng chí Dương văn Lí tức Chày đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đơn vị không gửi bản sơ đồ nơi chôn cất, nghe đồn anh bị địch thủ tiêu. Di vật chỉ có trong ba lô cóc hai bộ quân phục cũ sờn, một cuốn an-bum ảnh, ngoài bìa hình cô gái nhìn thẳng thì mặc quần áo nghiêm chỉnh, nhìn nghiêng thì nheo mắt cười, trên người rơi hết quần áo. Có người tò mò xem xong thở dài lẩm bẩm: " Thằng này chết vì gái! "
Lễ truy điệu bị chìm lấp trong niềm vui đại thắng. Mãi lúc ấy nhiều người mới biết tên thật của anh cu Chày là liệt sỹ Dương Văn Lí. Cuộc sống ở làng quê sau chiến tranh vẫn tất bật và hình như còn nhiều vất vả nhọc nhằn hơn trước.
*
Trong men bia nồng nàn của bàn tiệc nhỏ ở nhà hàng Thái Bình Dương, tôi cứ ngẩn người ra như lạc vào một thế giới khác thường ngày. Vợ chồng ông Li săn sóc chúng tôi từng tý. Thật xúc động khi người đàn bà kiều diễm còn khá trẻ luôn nhắc chồng:
- Kìa Li, anh nói nhiều quá. Để anh bạn cố hương nói với chứ. Người chồng cười hồn hậu. Vợ ông ta nhìn tôi bằng đôi mắt của nhà hảo tâm nhân từ đang nhìn một em bé mồ côi trong trại tế bần. Tôi cố tránh nhìn vào gương mặt ấy, một nỗi buồn vô cớ dâng lên. Thằng bạn chuyên cá độ quần vợt ăn uống rất tự nhiên có phần hơi quá thoải mái khi nhai các loại thức ăn. Hắn thúc cùi tay sang cạnh sườn tôi:
- Hôm nay coi như mày bao tao. Mai tao bao mày nhé. Hắn nói với tôi mà mắt thì đá lông nheo với người đàn bà rất sành điệu. Tao phải mời nàng nhảy một vài bản cho nhẹ bụng rồi nhậu tiếp. Tôi bấm nhẹ tay hắn có ý cản. Thôi đừng bày vẽ. Nhưng hắn đã đứng lên đặt một tay lên ngang ngực hướng về đôi vợ chồng Việt kiều:
- Xin phép ông Li, tôi rất hân hạnh nếu được mời bà vợ xinh đẹp của ông cùng hòa vào khung cảnh vui tươi của sàn nhảy.
- Ô kê. Rất tuyệt, phải không em? Li hôn vào má vợ, vui vẻ nâng người đàn bà đứng lên. Này em, chiều nay anh ta bắt anh gác vợt đầu hàng đấy.
Mặt người đàn bà vẫn điềm nhiên điểm một nụ cười mơ hồ rất khó đoán là có bằng lòng hay không. Thằng bạn tôi đón lấy bàn tay ngọc ngà,dìu nàng đi về phía tiếng nhạc đang mời gọi.
Chỉ còn hai người, tôi dè dặt hỏi:
- Anh Chày này... à anh Li này, vợ trẻ đẹp thế có sợ mất không?
- Ô hô... từ xưa đàn ông họ Dương chưa ai mất vợ, thường phải lấy thêm. Đây là cô thư ký riêng tôi mới tìm được ở Sài Gòn.
- Vợ anh đâu? Tôi ngạc nhiên
- Đang qua bên Mỹ có công chuyện làm ăn. Li nói thêm. Bà ta lớn tuổi hơn tôi. Đó là người tôi phải chịu mang ơn suốt đời. Không có bà ấy chắc tôi còn sống thì cũng chỉ về làng bám đít con trâu.
Tiếng nhạc dìu dặt, ánh đèn lung linh, những tháng ngày trôi qua,những hồi ức về làng quê nghèo đói của mình, ông Li có trí nhớ cực tốt, không hề quên một kỷ niệm nhỏ.Chứng tỏ lưu lạc phương xa trong hồn người vẫn ẩn chứa thời quá vãng hồn nhiên và cơ cực.Quả đúng anh cu Chày đã mất tích trên một chuyến tàu thuỷ pha sông biển. Nhóm người cướp tàu vượt biên trói gô anh lại chờ ra hải phận quốc tế sẽ ném cho cá ăn. Một người đàn bà cô đơn đã cứu anh. Tên Việt cộng hiền lành đẹp trai có vóc dáng thật lý tưởng, đem giết đi kể cũng đáng tiếc. Chị ta trút hết tư trang vàng bạc xin cho anh được sống. Đến trại tị nạn, họ thành vợ chồng, được định cư ở nước thứ ba.
Tôi tò mò hơn là quan tâm:
- Anh chị sống hạnh phúc chứ?
- Hạnh phúc! Ông Li nhún vai cười mỉm. Hạnh phúc là một khái niệm thật trừu tượng. Có nó hay không là do mình thôi. Vợ tôi được thừa kế một gia sản lớn bên Mỹ, mười mấy năm qua nuôi tôi ăn học nên người. Đối với tôi đó có thể là hạnh phúc. Còn bà ấy, có một anh chồng người Việt trẻ khỏe, mạnh mẽ và dai sức, đó cũng có thể là hạnh phúc.
- Anh đúng là giàu vì bạn sang vì vợ. Tôi bình luận hơi vô duyên về chuyện tình của người cùng làng. Ông Li ngồi thừ ra thở dài nói bằng giọng buồn rầu:
- Cuộc sống xoay vần con người theo ý muốn của số phận. Đừng mặc cảm và cũng đừng ngưỡng mộ thái quá Đen ạ. Đôi khi tôi bỗng thèm cởi truồng đi tắm sông như lũ trẻ ở làng quê. Gut-bai tuổi thơ...!
- Anh đã về thăm quê chưa?
- Về ngay khi máy bay vừa chạm đất. Làng mình vẫn như ngày xưa, nghèo và ngày càng có lắm chuyện đáng buồn. Phải chăng đó là một định mệnh bất biến của bao đời. Tôi xin bà mẹ tấm bằng liệt sỹ đem đi làm kỷ niệm, bà không cho." Bao nhiêu năm qua mày đi theo quân đế quốc, tao sống được là nhờ cái này ". Lên xã tôi gặp tay chủ tịch, không ngờ là người cùng đơn vị, cảm ơn chính quyền và xin trả lại tiền chế độ liệt sỹ bấy lâu nay. Hắn cười:" Coi như việc đã rồi, cho qua. Giờ muốn trả lại làm thủ tục phức tạp lằng nhằng lắm. Vả lại chẳng đáng bao nhiêu, ông chi cho xã một bữa chén coi như liên hoan đón tiếp Việt kiều trở về. Liệt sỹ là liệt sỹ. Việt kiều là Việt kiều, nghe chưa?" Hắn đưa ra một loạt yêu cầu đóng góp xây dựng quê hương làm tôi phát hoảng. Tôi xin được xây dựng lại trạm xá, trang bị đầy đủ phương tiện nhằm kế hoạch hóa sinh đẻ. Cũng là ích nước lợi nhà. Con cháu họ Dương nhà tôi đẻ khiếp lắm. Đông người thế lấy đâu ra ruộng mà cày cấy...
Đôi bạn nhảy đã quay trở lại bàn ăn. Mặt thằng bạn tôi còn hưng phấn tột độ. Người đàn bà vẫn bình thường như làm xong phận sự của ông chủ giao phó. Tôi bỗng thấy buồn cười không tài nào nhịn được, có lẽ do tôi bắt đầu say. Tôi cười nước mắt nước mũi trào ra đầy mặt. Ông Li nói nhỏ với bạn tôi: "Nó đang buồn đấy "! Người đàn bà chợt lay vai tôi với vẻ mặt hơi khó chịu:
- Anh vui tính quá. Sao không chia vui với mọi người?
Trời ơi, khổ cho cái trí nhớ vớ vẩn của tôi. Đây chính là người đẹp cách đây mấy năm đã nhầm tôi là con lai Mỹ đen. Người đã làm tôi ngây ngất, làm vợ tôi suýt nữa phải đem đi cấp cứu..
- Anh cu Chày ơi. Tôi la to khiến nhiều thực khách ngơ ngác. Anh đừng hy vọng kế hoạch hóa sinh đẻ cho dòng họ Dương nhà anh.
Đất nước thời mở cửa để đổi mới có bao nhiêu chuyện lạ giống chuyện cổ tích cá chép rùng mình vượt Vũ môn để hóa rồng. Làng tôi tuy nghèo cũng góp vào câu chuyện: anh cu Chày vốn là liệt sỹ bỗng trở thành ông Li Việt kiều yêu nước từ xa xứ mới trở về.
1994