Phần 4: Những năm tháng trước và sau cách mạng tháng Tám
P4 - Chương 5 đến 6

V. Hội nghị toàn quốc của Đảng và quốc dân đại hội ở Tân Trào
Vào khoảng tháng 6-1945, ở Lạng Sơn chúng tôi đang bàn việc phân phối công tác, các anh Lê Thiết Hùng, Hoàng Điền, Bế Chấn Hưng về phía Hội Hoan để chỉnh đốn và thành lập chính quyền; anh Đàm Minh Viễn, ông Ké Lộc [1] và tôi đi xuống phía Bắc Sơn để cùng các đồng chí địa phương giải phóng tỉnh lỵ Lạng Sơn.
Trong lúc đang chuẩn bị đi Lạng Sơn thì tôi được điện Trung ương gọi về Tân Trào để tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng đang chuẩn bị họp. Tôi giao nhiệm vụ cho anh Đàm Minh Viễn và các đồng chí, còn tôi và anh Hoàng Hữu Nam lên đường đi Tân Trào. Đi Tân Trào chuyến này không phải lén lút, mà đi công khai ban ngày có vũ trang yểm hộ, xuất phát từ Thất Khê, qua Bình Gia, La Hiên, Thượng Lung, Thần Sa, Phú Đô, Quán Vuông, vượt đèo De, đến Tân Trào.
Đến đây anh em liền đưa đi gặp Bác. Bác không ở trong nhà dân, mà ở một cái lán trên núi không xa làng lắm. Cứ vẫn một bộ quần áo chàm như ông già người Nùng, và một cái bàn đánh máy chữ. Bác làm việc không biết mệt mỏi. Lúc này Bác đã khỏe hơn trước, không sốt rét như lúc ở Trung Quốc mới về. Bác hỏi rất tỉ mỉ về tình hình Lạng Sơn. Nghe xong, Bác nói: Tình hình như thế là rất tốt, bây giờ chúng ta đã có đủ điều kiện để khởi nghĩa chính quyền. Vài hôm nữa các đồng chí Bắc, Trung, Nam đến đầy đủ rồi sẽ họp Hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn định. Thời gian là rất khẩn cấp và rất quan trọng.
Tôi biết là Bác đang suy nghĩ và đang làm việc, nên xin cáo biệt, xuống dưới làng để xem xét.
Tôi và anh Hoàng Hữu Nam được xếp ở một nhà dân trong làng. Các anh em dưới xuôi cũng lục tục đến khá đông. Một hôm máy bay Mỹ đến thả dù lương khô và một ít quân trang xuống ngay giữa làng Tân Trào, mọi người hiểu rằng đó là sự tiếp tế của quân Đồng minh, đều rất vui mừng, nhưng vẫn chưa thấy hết sự khó khăn phức tạp do việc quân Đồng minh đến, mà Bác đang phải suy nghĩ, tính toán.
Lúc này ta đã có điện đài nên nắm được tình hình thế giới khá nhậy.
Ngày 2-5-1945, quân Liên Xô đánh thẳng vào Béc-lanh, sào huyệt cuối cùng của phát-xít Đức. Giải quyết xong phát-xít Đức, ngày 8-8-1945, Liên Xô kéo quân vào vùng Đông Bắc Trung Quốc đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật. Nhưng Nhật thua rồi quân đồng minh vào Việt Nam thì sao? Việc Hoa quân nhập Việt đang chuẩn bị riết, Hoa quân nhập Việt thì sao? Cũng có thể là quân Anh, Mỹ, Pháp vào, thì sao? Việc phát-xít Nhật thua là một cơ hội rất tốt để giải phóng đất nước, nhưng việc quân Đồng minh vào lại là một việc rất phức tạp phải tính toán việc đối phó, phải có mưu lược.
Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp do Bác chủ tọa. Những người tham gia Hội nghị ở Bắc có các anh Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, ở Trung có anh Nguyễn Chí Thanh; ở Nam có anh Hà Huy Giáp; ở Việt Bắc có anh Võ Nguyên Giáp và tôi; ở Thái-lan và Lào về có các anh Dương Trí Trung, Trần Đức Vịnh; ngoài ra còn có một số đồng chí khác nay không nhớ rõ tên.
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở nhà một người dân trong làng Tân Trào.
Sau khi nghe báo cáo các nơi, Bác phân tích: Lúc này tuy Nhật chưa đầu hàng, nhưng phát-xít Đức đã đầu hàng Liên Xô đánh thẳng vào Béc-lanh; sáu mươi vạn quân của Nhật ở “Mãn Châu quốc” đã bị quân Liên Xô đánh tan, thì phát-xít Nhật nhất định sẽ phải đầu hàng, đó là việc có thể biết chắc chắn. Phát-xít Nhật đầu hàng thì quân Đồng minh sẽ vào tiếp quản Đông Dương. Quân Đồng minh đây có thể là quân Anh, quân Pháp, cũng có thể là quân Quốc dân đảng Trung Quốc, vì việc Hoa quân nhập Việt đã được chuẩn bị từ năm 1940, 1941. Bất kể là quân nào vào, đứng về mặt quốc tế mà nói là ta không thể cự tuyệt và nói cho đúng là ta cự tuyệt họ cũng cứ vào. Như vậy là ta phải tiếp xúc, phải nói chuyện với họ, và nói chuyện với họ là ta phải có thế mạnh, thế mạnh đó là nước Việt Nam đã giành được độc lập từ tay Nhật. Như vậy là khi Nhật đầu hàng thì ta phải cướp lấy thời cơ làm tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Việc này ta có thể làm được vì ta đã có cơ sở quần chúng trong toàn quốc. Và quân đội của Pháp thì sau khi bị Nhật đáo chính đã tan rã, còn quân bảo an theo Nhật thì phần nhiều đã chịu ảnh hưởng của ta. Hội nghị họp ngắn gọn. Trừ một số đồng chí phải ở lại để tham gia Quốc dân Đại hội, còn nữa là về địa phương và đơn vị để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Riêng tôi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Khu giải phóng ở lại Việt Bắc để tiếp tục củng cố và phát triển chính quyền cách mạng, đề phòng lúc lực lượng ta phải trở lại Việt Bắc.
Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở đình Tân Trào, do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Đại biểu các đảng phái chính trị, các đại biểu đoàn thể nhân dân và đại biểu các dân tộc độ 60 người tham gia. Tôi tham gia Đại hội với tư cách là Ủy viên Tổng bộ Việt Minh.
Ở Quốc dân Đại hội, với danh nghĩa là người lãnh đạo của Việt Minh, Bác phân tích tình hình thế giới và trong nước cũng như đã phân tích ở Hội nghị toàn quốc của Đảng. Đồng thời giới thiệu những chủ trương lớn của Việt Minh là đoàn kết tất cả các lực lượng nhân dân để đánh Pháp, đánh Nhật, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, Nhật đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nên Bác cũng nói đến vấn đề quân Đồng minh vào tiếp quản Đông Dương. Bác đặt câu hỏi, bất kể một nước nào của phe Đồng minh vào thì ta phải thế nào? Nếu ta chống lại, thì có nghĩa là ta cự tuyệt quân Đồng minh, như vậy là về danh nghĩa không thuận. Ta phải nói chuyện với họ, mà nói chuyện với họ thì ta phải có một cái thế mạnh, thế mạnh ấy là chính quyền, là đại biểu của nước Việt Nam đã độc lập. Chúng ta phải gấp rút phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn quốc từ tay Nhật. Nhưng đối với Nhật, chúng ta cũng phải khôn khéo thuyết phục để họ không chống lại ta. Ta có thể làm được như thế vì Nhật đã đầu hàng, vì ta có sức mạnh của nhân dân do Việt Minh lãnh đạo. Ta lại có khu giải phóng, tiến có thể công, lui có thể thủ. Chúng ta phải đoàn kết nhất trí, kiên quyết vượt mọi khó khăn giành lại độc lập cho Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đó là phương châm chung, chúng ta phải nắm vững. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến một tình thế khó khăn nhất có thể xảy ra là, quân Pháp vào với một lực lượng mạnh, bất chấp tất cả một mực liều lĩnh tiến công ta, lại được Anh, Mỹ hết sức ủng hộ cũng có thể được cả sự chấp thuận của Quốc dân đảng Trung Quốc, thì ta phải thế nào? Ta phải đánh, đánh với giáo mác, với tất cả vũ khí thô sơ, thà chết không chịu làm nô lệ. Đồng thời với sự kiên quyết đánh, ta vẫn phải đàm phán với Pháp. Đàm phán thế nào? Để có thể giảm bớt sự hy sinh của ta, để có thể tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân Pháp và dư luận thế giới; ta có thể đòi Pháp phải thừa nhận nước Việt Nam độc lập trong khuôn khổ khối liên hiệp Pháp, có quốc hội, có chính phủ, có quân đội, có tài chính và chính sách ngoại giao riêng; chúng ta đảm bảo quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam; sau năm năm thì nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Ta đặt điều kiện như vậy mà Pháp không chấp nhận hoặc chấp nhận giả dối thì ta kiên quyết đánh, ta tuy yếu nhưng chính nghĩa thuộc về ta, sự đồng tình của nhân dân Pháp và dư luận thế giới thuộc về ta, thì ta nhất định thắng.
Nghe xong, mọi người đều phấn khởi, nhất trí tán thành những chủ trương lớn và mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Việt Minh, đồng thời cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, để kêu gọi và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa.
Quốc dân Đại hội kết thúc, mọi người gấp rút chuẩn bị về địa phương. Các đồng chí Trung ương ở miền xuôi đã về ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng. Anh Võ Nguyên giáp và một số cán bộ quân sự chuẩn bị mang bộ đội về chiếm Thái Nguyên. Bác cũng chuẩn bị về xuôi, còn tôi thì như Trung ương đã quyết định, phải ở lại Tân Trào để củng cố hậu phương làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo đương chuẩn bị bùng nổ.
Về vấn đề đàm phán với Pháp là một vấn đề Bác đã nói rõ trong Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, và sau Cách mạng tháng Tám Bác đã đàm phán với Xanh-tơ-ni đi đến Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946. Nhưng về sau trong tài liệu về Quốc dân Đại hội Tân Trào ta tránh đi không nói đến. Tôi thấy việc này cần nói rõ, đây là một chủ trương rất sáng suốt có tình có lý xuất phát từ chỗ nhìn xa thấy rộng, từ chỗ biết người, biết ta. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi chính là nhờ có sự nhìn xa thấy rộng, sự chỉ đạo sáng suốt vừa kiên quyết chiến đấu vừa có sách lược mềm dẻo của Bác đã tranh thủ được một hoàn cảnh hết sức có lợi cho mình.

°

Cùng ở Tân Trào với tôi có anh Hoàng Hữu Nam, phụ trách điện đài để liên lạc với Trung ương, có anh Lê Giản và chị Châu giúp việc. Được mấy hôm, chúng tôi đang chuẩn bị triển khai công tác, thì được tin quân Nhật ở Thái Nguyên đã giao cho ta một số vũ khí và để cho quân ta tự do đi qua Thái Nguyên về xuôi. Tiếp đó là tin mừng liên tiếp dội đến.
Ngày 19 tháng 8, nhân dân Hà Nội vùng dậy giành chính quyền, đó là ngày mà sau này chúng ta gọi là “Cách mạng Tháng Tám”.
Ngày 21 tháng 8, Việt Minh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại liền đánh điện mời Đại biểu Việt Minh vào Huế tiếp thu chính quyền.
Ngày 24 tháng 8, Bảo Đại tuyên bố xin làm công dân nước Việt Nam độc lập.
Ngày 25 tháng 8, tại Hoàng cung Huế, Bảo Đại làm lễ trao ấn kiếm cho cán bộ Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.
Ngày 30 tháng 8, Bác về đến Hà Nội. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, gồm:
Chủ tịch kiêm Bộ trưởng
Bộ ngoại giao
Hồ Chí Minh
Nội vụ
Võ Nguyên Giáp
Quốc Phòng
Chu Văn Tấn
Tài Chính
Phạm Văn Đồng
Kinh tế
Nguyễn Mạnh Hà
Lao động
Lê Văn Hiến
Thanh niên
Dương Đức Hiền
Giáo dục
Đặng Thai Mai
Tư pháp
Vũ Trọng Khánh
Giao thông công chính
Đào Trọng Kim
Y tế vệ sinh
Phạm Ngọc Thạch
Xã hội
Nguyễn Văn Tố
Tuyên truyền
Trần Huy Liệu
Bộ trưởng không bộ
Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân
Trần Huy Liệu và Nguyễn Văn Xuân trước là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, sau gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày mồng hai tháng chín (2-9-1945), hơn năm mươi vạn quần chúng họp mít tinh ở vườn hoa Ba Đình. Cờ đỏ sao vàng tung bay ngập trời. Đúng ba giờ chiều, Bác bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phối hợp với Hà Nội, và các nơi trong toàn quốc, ngày 24 tháng 8, Sài Gòn cũng vùng dậy, treo cờ đỏ sao vàng khắp thành phố, và ngay đêm hôm đó khâm sai đại thần Hồ Văn Ngà xin giao quyền cho Việt Minh.
Ngày 25 tháng 8 ở thị sảnh Sài Gòn, Ủy ban hành chính Nam bộ, Chủ tịch là Trần Văn Giàu ra mắt nhân dân và kêu gọi toàn thể nhân dân đại đoàn kết.
Ngày 2 tháng 9, hàng chục vạn quần chúng họp mít tinh ở sau nhà thờ Đức Bà để nghe tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch đọc tại Hà Nội.
Ngày 4 tháng 9, một cuộc họp Việt Minh mở rộng tại tòa thị sảnh Sài Gòn, mời đại biểu các đoàn thể nhân dân thành lập “Ủy ban nhân dân Nam bộ”, thay cho Ủy ban hành chính Nam bộ. Trần Văn Giàu hôm trước là Chủ tịch Ủy ban hành chính nay là Ủy viên của Ủy ban nhân dân, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Chủ tịch.
Được những tin tức như trên, chúng tôi rất phấn khởi, nhưng cũng rất nóng ruột. Để nắm tình hình cụ thể hơn, chúng tôi phái anh Hoàng Hữu Nam về Hà Nội, thì anh được lệnh Trung ương bảo ở lại Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ giúp cụ Huỳnh Thúc Kháng mới được Hồ Chủ tịch mời từ Quảng Nam ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay anh Võ Nguyên Giáp. Thế là anh Hoàng Hữu Nam không trở lại Tân Trào nữa. Độ hơn một tuần sau, tôi lại đích thân về Hà Nội vừa gặp lúc năm mươi vạn nhân dân Hà Nội đang biểu tình phản đối việc quân đội Anh giúp Pháp chiếm Ủy ban nhân dân Nam bộ [2]. Tôi đi thẳng vào Bắc bộ Phủ, nơi Chính phủ lâm thời làm việc, gặp Bác và các đồng chí Trung ương để xin ý kiến về công tác. Bác nói: Trọng tâm công tác ngày nay là “bảo vệ chính quyền”, tôi cũng phải thu xếp về Hà Nội gấp để cùng Trung ương nắm vững thời cuộc. Thế là tôi phải quay về Tân Trào thu xếp mọi việc rồi đưa cả anh Lê Giản, chị Châu cùng về Hà Nội.
Về đến Hà Nội, tôi giới thiệu anh Lê Giản và chị Châu với anh Nguyễn Lương Bằng để phân phối công tác, còn tôi thì ở một chỗ với Bác tại nhà anh Trịnh Văn Bô, phố Hàng Đào, sau chuyển đến ngôi nhà số 8 phố Hàng Trống bên cạnh nhà hội quán “Khai trí tiến đức” cũ, trông thẳng ra nhà Thủy Tạ ở hồ Hoàn Kiếm [3].
Không bao lâu, Trung ương quyết định anh Chu Văn Tân về Việt Bắc nắm Khu giải phóng, anh Giáp phụ trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Vệ quốc quân [4], tôi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Ủy viên chính tri Vệ quốc quân toàn quốc.
Lúc này quân Anh đã vào miền Nam gây tội ác. Còn quân Trung Quốc vào Việt Nam thì không phải là quân Trương Phát Khuê như đã chuẩn bị từ năm 1940-1941, mà là quân Vân Nam do tướng Lư Hán chỉ huy. Trương Phát Khuê thì chỉ phái Tiêu Văn [5] vào Việt Nam với danh nghĩa là Đoàn đại biểu chỉ đạo giúp cho Việt Nam cách mạng đồng minh hội thành lập chính phủ ở Việt Nam. Âm mưu của Tưởng Giới Thạch trong việc điều quân Vân Nam vào Việt Nam là cốt để thực hiện việc hất cẳng Long Vân ở Vân Nam cũng như trước kia đã âm mưu hất cẳng Trần Tế Đường ở Quảng Đông, Bạch Sùng Hy ở Quảng Tây v.v…
Việc quân Anh và quân Trung Quốc vào tiếp quản Việt Nam đã tạo nên một tình thế cực kỳ phức tạp sau Cách mạng Tháng Tám.
VI. Những ngày tháng sau cách mạng tháng Tám
Những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám là những ngày tháng rất căng thẳng, chúng ta phải đối phó với quân Nhật, đối phó với quân Anh ở phía nam vĩ tuyến 16 và quân Tưởng ở phía bắc vĩ tuyến 16, đối phó với quân Pháp được Anh, Mỹ ủng hộ trở lại Đông Dương hòng đặt lại nền bảo hộ đối với Đông Dương như trước kia.
1. Về việc đối phó với quân Nhật
Quân Nhật tuy đã đầu hàng vô điều kiện nhưng họ nói là đầu hàng phe Đồng minh chứ không đầu hàng Việt Minh. Họ không chịu giao vũ khí cho ta, cá biệt có chỗ họ còn gây khó khăn cho việc hoạt động của ta nữa.
Đối với quân Nhật, Trung ương chủ trương chủ yếu là dùng phương pháp thuyết phục. Nói cho họ biết Việt Nam là của nhân dân Việt Nam. Trước kia Pháp xâm chiếm, và gần đây Nhật xâm chiếm, nhân dân Việt Nam đều chống lại. Ngày nay nhân dân Việt Nam đã vùng dậy giành tự do độc lập cho mình, thì các ông cần phải ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Các ông không giao vũ khí cho chúng tôi, thì khi quân Đồng minh đến, các ông cũng phải giao cho quân Đồng minh. Như vậy giao vũ khí cho chúng tôi là các ông đã làm một việc nghĩa, các ông sẽ được nhân dân Việt Nam hoan ngênh mà không mất gì hết. Nếu các ông đối chọi với nhân dân Việt Nam thì chúng tôi phải cương quyết chống lại, ít nhiều các ông vẫn phải hy sinh, và hy sinh như vậy đối với các ông ngày nay mà nói thì chỉ là một cái chết uổng trong khi đáng được sống. Nước Việt Nam ngày nay đã là một nước độc lập, các ông nên tỏ ra là người biết điều, ủng hộ nền độc lập của nhân dân Việt Nam.
Cách giải thích này làm cho người Nhật thấy có lẽ phải. Nhưng dù sao họ vẫn phải để vũ khí nộp cho quân Đồng minh. Có nơi họ kín đáo giao cho ta một số, cũng có nơi ta mua họ một số. Còn đại bộ phận là họ giữ thái độ trung lập không can thiệp đến sự hoạt động của ta. Cũng có một số người Nhật sợ bị quân Đồng minh báo thù, nên nhờ ta che chở, cho họ trà trộn vào trong nhân dân ta. Số người này tuy ít, nhưng ở đâu cũng có, có người được chúng ta đối xử tốt, sau này chúng ta kháng chiến chống Pháp, họ còn giúp ta huấn luyện quân sự, hoặc làm một số việc phục vụ như lái xe, sửa chữa máy móc v.v... Một vài người cụ thể mà tôi còn nhớ là Lam Sơn, đại tá quân đội Nhật và Thanh Tùng, trung úy quân đội Nhật đã giúp ta ở Nghệ An khi tôi là Bí thư Quân khu bốn và sau khi về Nhật, họ là nhân vật tích cực trong Hội hữu hảo Nhật – Việt.
Việc đối phó với quân Nhật tuy cũng phức tạp nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Khi quân Đồng minh đến thì thuộc quyền quân Đồng minh, ta không phải đối phó nữa.
2. Về việc đối phó với quân Anh ở miền Nam
Quân Anh nguyên trước kia được sự thỏa thuận của Mỹ, phụ trách chiến khu miền Nam kể từ vĩ tuyến 16 trở xuống, nên khi Nhật đầu hàng, thì tự nhiên là quân Anh có quyền giải giáp quân Nhật trong phạm vi chiến khu của mình.
Ngày 12-9-1945, tức là sau ngày quân Nhật đầu hàng (15-8) gần một tháng, quân Anh do thiếu tướng Gơ-la-xây [6] chỉ huy 1.400 quân [7], phần lớn là người Ấn Độ, đổ bộ vào Sài Gòn.
Ngày 20-9-1945, quân Anh ra thông cáo cấm báo chí Việt Nam không được xuất bản, cấm người Việt không được mang vũ khí.
Ngày 21-9-1945, quân Anh dùng tàu chiến của mình chở quân Pháp vào Sài Gòn, đồng thời ra lệnh thiết quân luật cấm người Việt không được hội họp, không được ra phố kể từ 9 giờ tối cho đến 5 giờ sáng.
Ngày 22-9-1945, quân Anh chiếm Khám Lớn Sài Gòn và thả 5.000 tù binh Pháp trước kia bị Nhật bắt giam giữ, đồng thời cho phép người Pháp lấy súng đạn trong kho vũ khí của Nhật, thay quân Nhật đóng giữ các bến tàu, kho tàng và xưởng đóng tàu Ba Son.
Ngày 23-9-1945, quân đội Anh che chở cho quân đội Pháp chiếm Sở cảnh sát Trung ương, kho bạc; đồng thời chiếm luôn cả Tòa thị chính Sài Gòn, trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ. Thành phố Sài Gòn nói chung là bị quân Pháp kiểm soát.
Ngày 5-10-1945, Pháp phái tướng Lơ-cơ-le [8] đưa quân Âu-Phi tăng viện cho Sài Gòn, đồng thời cho quân nhảy dù xuống Cam-pu-chia và Lào, với mục đích là chiếm lại toàn bộ Đông Dương.
Ngày 12 tháng 10, Pháp tung quân ra chiếm Gia Định, Gò Vấp và Phú Mỹ.
Ngày 23 tháng 10 chiếm Thủ Dầu Một và Biên Hòa [9].
Ngày 29 tháng 10 chiếm Vĩnh Long.
Ngày 30 tháng 10 chiếm Cần Thơ.
Ngày 1 tháng 2 năm 1946, quân Pháp chiếm Ban Mê Thuột, rồi đổ bộ chiếm Nha Trang, Khánh Hòa và Đà Lạt. Mấy hôm sau thì thị trấn các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau đều bị quân Pháp chiếm đóng.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân Nam bộ phải rút về Bến Tre, cắt đứt cầu phà, phá hoại đường sá, tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời còn phải đối phó với một lực lượng tự xưng là quốc gia do một đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng là Nguyễn Hòa Hiệp cầm đầu cướp bóc nhân dân và phá hoại kháng chiến.
Để hỗ trợ cho cuộc kháng chiến miền Nam, miền Bắc đã liên tiếp phái những đội quân Nam tiến do các anh Hoàng Đình Ròng [10], Đàm Minh Viễn và sau là Nguyễn Bình dẫn đầu, sát cánh với nhân dân miền Nam chống Pháp. Các anh này đều đã hy sinh ở miền Nam trong khi làm nhiệm vụ.
3. Về việc đối phó với quân Tưởng ở miền Bắc
Ở miền Bắc hai mươi vạn quân Tưởng do tướng Lư Hán chỉ huy từ Vân Nam vào để giải giáp quân Nhật, và một đơn vị do tướng Tiêu Văn chỉ huy từ Quảng Tây vào với danh nghĩa là đại biểu Trương Phát Khuê giúp cho Việt Nam cách mạng đồng chí hội thành lập Chính phủ. Đây mới là một vấn đề cực kỳ phức tạp.
Cả hai lực lượng của Lư Hán và Tiêu Văn vào Việt Nam với một nhiệm vụ giao phó từ Trùng Khánh là “Diệt Cộng cầm Hồ”, nghĩa là “Diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh” đồng thời dựng lên một chính phủ bù nhìn tay sai đắc lực cho Quốc dân đảng Trung Quốc.
Về bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ thì Lư Hán cũng như Tiêu Văn đều biết từ trước là những người hoạt động với danh nghĩa Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng là người của Trùng Khánh, ở Vân Nam là để theo dõi hành động của Long Vân, cũng như ở Quảng Tây là để theo dõi hành động của Trương Phát Khuê, cho nên lúc Lư Hán đi máy bay vào Hà Nội, Vũ Hồng Khanh xin đi theo, Lư Hán đã từ chối không cho đi theo. Mãi đến cuối tháng 9-1945, Vũ Hồng Khanh mới đi đến thị trấn Lào Cai thì chính quyền ở đó đã vào tay nhân dân và được bộ hạ của tướng Lư Hán là Lý Du Sinh ủng hộ. Vì vậy, Vũ Hồng Khanh không hoạt động gì được, bèn đổi đường đi đến Sa Pa, chỉ đạo cho bọn Triệu Việt Hùng chiếm Sa Pa, thì Lý Du Sinh cho bắt giam bọn Triệu Việt Hùng và giữ luôn cả Vũ Hồng Khanh, chỉ sau khi Trùng Khánh hạ lệnh phải thả, thì mới được thả. Tuy vậy, sau này ở một số nơi như Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Hải Ninh v.v…. chúng vẫn dựa vào sự ủng hộ của quân Tưởng, lập được cơ quan tuyên truyền phản cách mạng trong vòng bao vây của quân và dân ta ở chung quanh.
Ngày 20-10, khi Vũ Hồng Khanh đến Hà Nội thì các đảng viên của Việt Quốc nhưng bấy giờ đã theo Việt Minh như Nguyễn Văn Xuân, Bùi Văn Hách, Phạm Quang Chúc, Trần Ngọc Tuân, Trần Đức Chính đã đứng ra lập “Ủy ban cải tổ Quốc dân đảng”. Bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ tuy không được Tiêu Văn và Lư Hán đồng tình, nhưng được Trùng Khánh ủng hộ, nên vẫn hoạt động ráo riết, đã kết hợp với bọn Nguyễn Tường Tam, Trương Tử Anh, Đỗ Tiến Hỷ, thu hút được một số quan lại, công chức và tư sản vào đảng, bọn này đã dựa vào sự che chở của quân Tưởng mà làm bậy, nên quần chúng rất ghét.
Đến như Nguyễn Hải Thần thì từ đầu tháng 9 đã vào Lạng Sơn, dựa vào uy quyền và lực lượng của Tiêu Văn, đã tước vũ khí của một số đơn vị bộ đội ta và triệu tập bọn quan lại, thân hào nói xấu Việt Minh. Khi đến Hà Nội, được bọn Đại Việt tôn làm lãnh tụ tối cao, lập trụ sở ở đường Quan Thánh và một số nơi khác, do Nhượng Tống làm Bí thư, Nguyễn Triệu Luật làm Chính uỷ, Tạ Nguyên Hối làm Ủy viên kinh tài. Các trụ sở đều treo cờ Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Ngày song thập [11], Việt Nam cách mạng đồng minh hội tổ chức kỷ niệm ở Nhà hát lớn, Tiêu Văn đến tham gia, đã chỉ thị cho Nguyễn Hải Thần chỉ được nói về Cách mạng Tân Hợi, không được nói lung tung ra ngoài vấn đề.
Để Tiêu Văn và Lư Hán bớt lo ngại, ngày 11-11-1945, Hồ Chủ tịch công khai tuyên bố “Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán”, người cộng sản sẽ là những hội viên của “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Về việc này, tôi được phái vào các tỉnh Khu bốn để giải thích cho các Đảng bộ biết, vì thời cục chúng ta phải tuyên bố như vậy, nhưng Đảng vẫn tồn tại, vẫn bí mật hoạt động để lãnh đạo nhân dân đấu tranh.
Việc tuyên bố Đảng cộng sản tự giải tán đã làm cho tình hình bớt căng thẳng.
Ngày 19 tháng 11, Tiêu Văn lấy danh nghĩa là đại biểu Trương Phát Khuê đứng ra tổ chức một cuộc hội nghị hòa giải có Quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Việt Minh tham gia. Sau khi bàn bạc, cả ba phái đều thỏa thuận thành lập một Chính phủ liên hiệp, quân đội các bên không dùng vũ lực giải quyết những vấn đề bất đồng, đồng thời chấm dứt việc công kích nhau trên báo chí, và cuối cùng đồng ý lập một đội quân đưa vào Nam cùng đồng bào miền Nam kháng chiến. Cố nhiên đội quân ấy đều là người Việt Minh.
Chúng ta tán thành việc thành lập Chính phủ liên hiệp. Nhưng đề nghị cứ tiến hành tổng tuyển cử đúng ngày 23 tháng 12 như đã quy định để lập ra Quốc hội, rồi Quốc hội sẽ bầu ra Chính phủ thì dân chủ hơn. Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần lấy cớ chuẩn bị không kịp, đề nghị hoãn. Ta đồng ý hoãn đến ngày 6 tháng 1 năm 1946 sẽ tổng tuyển cử. Nhưng đến ngày đó, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần vẫn nói chuẩn bị không kịp, đòi phải để 50 ghế cho Quốc dân đảng và 20 ghế cho Việt Nam cách mạng đồng minh hội mà không cần phải qua tuyển cử. Ta đồng ý và cứ tiến hành tổng tuyển cử đúng ngày 6-1-1946. Ở miền Bắc cuộc bầu cử rất thuận tiện. Ở miền Nam thì một số thành phố phải bầu cử trong khói lửa, nhưng nhân dân vẫn tích cực tham gia.
Tổng tuyển cử xong, ngày 24-2-1946, do Tiêu Văn dàn xếp một cuộc họp ba phái đã thỏa thuận và ký kết việc lập Chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh là Chủ tịch. Nguyễn Hải Thần là Phó Chủ tịch, Việt Minh và Đảng Dân chủ nắm bốn bộ, còn Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ thì dành cho các nhân sĩ trung lập, không đảng phái.
Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất, thừa nhận 70 ghế của Quốc dân đảng và của Việt Nam cách mạng đồng minh hội và làm một số việc như sau:
  1. Bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm:
    Chủ tịch
    Hồ Chí Minh
    Phó Chủ tịch
    Nguyễn Hải Thần
    Ngoại giao
    Nguyễn Tường Tam
    Kinh tế
    Chu Bá Phượng
    Y tế
    Trương Đình Chí
    Giáo dục
    Đặng Thai Mai
    Tài chính
    Lê Văn Hiến
    Tư pháp
    Vũ Đình Hòe
    Giao thông công chính
    Trần Đăng Khoa
    Nội vụ
    Huỳnh Thúc Kháng
    Quốc phòng
    Phan Anh
    Bộ trưởng không bộ
    Bồ Xuân Luật
  2. Thành lập Ban cố vấn do Vĩnh Thụy [12] là Cố vấn tối cao đứng đầu.
  3. Thành lập Ủy ban kháng chiến gồm 9 ủy viên, Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch, Vũ Hồng Khanh là Phó Chủ tịch.
  4. Thành lập Ban thường trực Quốc hội, Chủ tịch là Nguyễn Văn Tố, thành viên gồm có Lê Tư Lành, Trần Tấn Thọ là đại biểu Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Quốc hội thừa nhận chứ không phải do dân tuyển cử.
Tuy ta đã nhân nhượng như vậy để tranh thủ hòa bình nhưng Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh vẫn dựa vào sự che chở của quân Tưởng chống đối ta ra mặt. Ở đền Quan Thánh bên cạnh Hồ Tây chúng lập đài phát thanh nói xấu Việt Minh suốt ngày. Các ổ hoạt động của bọn Việt Quốc lập ở trường tiểu học Đỗ Hữu Vỹ [13] vẫn hoạt động ráo riết, mặc dù ngày 28-2-1946, Tưởng Giới Thạch vẫn ký hiệp ước thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương mà chúng vẫn không hay biết gì cả. Đến khi quân đội của Tưởng rút, thì chúng cũng lẽo đẽo rút theo. Một số người bị chúng bỏ rơi thì đều đầu hàng ta, ta vẫn để yên, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân Pháp tập kết vào dưới vĩ tuyến 17, một số trong bọn này đã đi theo quân Pháp vào miền Nam.
Vì sao theo mệnh lệnh của Trùng Khánh là phải “Diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh”, mà với hơn hai mươi vạn quân đội vẫn không thực hiện được? Là vì Lư Hán cũng như Tiêu Văn đều biết Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh là phẩm chất không tốt, Nghiêm Kế Tổ là đặc vụ của Trùng Khánh được giao nhiệm vụ dò xét hoạt động của họ. Tiêu Văn là tham mưu cao cấp của Trương Phát Khuê đã chuẩn bị việc Hoa quân nhập Việt từ những năm 1940-1941, nay Tưởng không tin mà để cho quân Vân Nam nhập Việt, nên không thích thú lắm, đồng thời đối với Hồ Chủ tịch cũng đã có lòng kính nể từ lúc còn ở Liễu Châu. Riêng về Lư Hán thì biết rất rõ việc Tưởng Giới Thạch cho quân Vân Nam vào Việt Nam là âm mưu điệu hổ ly sơn để hất cẳng Long Vân và khống chế Vân Nam, nên trong lòng nhiều nỗi bực dọc, làm việc với một thái độ tiêu cực.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã nắm được nhân dân, khi quân Tưởng vào, dọc đường đã gặp phải cảnh tẩy chay của nhân dân. Nếu bây giờ thẳng tay quá, Việt Minh sẽ vận động khắp nơi làm vườn không nhà trống thì quân đội sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn bắt Hồ Chí Minh thì tất sẽ gây một mối hận thù quá lớn, toàn dân Việt Nam sẽ nổi dậy chiến đấu, thì biết đâu lại bị Tưởng Giới Thạch đổ tội vào đầu, cho là bất lực và trừng trị.
Hơn nữa, trong phạm vi toàn miền Bắc, tuy quân Tưởng đã làm nhiều việc ngang ngược, cướp bóc hãm hiếp nhân dân, nhưng cán bộ và nhân dân ta tuyệt đối tin theo Hồ Chủ tịch, tích cực chuẩn bị chiến đầu nhưng tránh tất cả mọi sự khiêu khích. Tôi còn nhớ việc cán bộ một số nơi như ở Chèm, tước súng của một trung đội quân Lư Hán, Hồ Chủ tịch liền phái Anh Nguyễn Đức Quì đến bắt buộc phải trả lại đủ số vũ khí cho quân Lư Hán và thi hành kỷ luật với người cán bộ chủ trương làm việc đó.
Nắm được dân, tích cực chuẩn bị chiến đấu nhưng không nóng nảy trước sự khiêu khích, đồng thời khéo làm công tác với Tiêu Văn và Lư Hán đó là bí quyết để phá tan cái ảo tưởng ngông cuồng “Diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh” của Tưởng Giới Thạch. Phải nói rằng tình thế muôn cân một sợi tóc như thế, nếu không có Hồ Chủ tịch đứng mũi chịu sào, đưa con thuyền Việt Nam vượt qua nhiều thác ghềnh, thì không thể giữ được chính quyền non trẻ, bảo toàn và gây dựng được lực lượng để đối phó với tình thế hết sức phức tạp đang sẵn sàng diễn ra trên buớc đường đi tới của chúng ta.
Rõ ràng việc đối phó với quân Tưởng ở miền Bắc đến đây xem như là đã kết thúc thắng lợi. Nhưng nếu khi Hồ Chủ tịch bị giữ ở Liễu Châu không được Trương Phát Khuê và Tiêu Văn kính nể, không được bầu làm Ủy viên Trung ương hội Việt Cách, không được tự do về nước để kịp thời chuẩn bị tư tưởng cho cuộc khởi nghĩa; đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Tám, trong việc đấu tranh với Việt Quốc, Việt Cách, nếu Tiêu Văn không đóng một vai trò dàn xếp đắc lực, không công nhận vai trò quan trọng của Hồ Chủ tịch trong Chính phủ liên hiệp, thì tình hình Việt Nam lúc đó có thể phát triển theo chiều hướng khó khăn cho cách mạng nhiều hơn. Vì vậy đối với thái độ của Trương Phát Khuê và Tiêu Văn trong lúc đó, đứng về lợi ích cách mạng Việt Nam mà nói, là một thái độ có tác dụng tích cực, cần được đánh giá một cách khách quan.
Tiện đây, tôi thấy cần nói một vài ý nghĩ về Trần Bảo Thương, chủ nhiệm Chỉ huy sở Quân khu bốn ở Tịnh Tây, người đã hạ lệnh bắt tôi hồi cuối năm 1941 theo đề nghị của Nguyễn Hải Thần và Trần Báo. Nếu Trần Bảo Thương như những người Quốc dân đảng phản động khác, thì từ đó tôi đã mất hết điều kiện hoạt động cách mạng. Nhưng Trần Bảo Thương đã coi tôi là một người lãnh đạo của Việt Minh và đối đãi tử tế suốt cả quá trình tôi bị bắt giữ. Cuối cùng Trần đã cấp năm trăm bạc lộ phí và phái người đưa tôi đi Quân khu bốn ở Liễu Châu để giám thị, nhưng không báo cáo gì xấu về tôi. Khi gặp Hồ Chủ tịch ở Liễu Châu, Trần cũng tỏ thái độ kính nể, nhận chuyển bài thơ của Hồ Chủ tịch có kèm theo bài họa của ông về Cao Bằng cho chúng tôi, và thông báo cho biết Hồ Chủ tịch đã được tự do. Tất cả những việc đó tỏ ra Trận Bảo Thương là một người có phong độ chính trị đúng đắn, đặc biệt là mới đây được biết, ở Đài Loan, Trần Bảo Thương đã bị xử bắn vì tội “thân Cộng”. Như vậy, chúng ta có thể nói Trần Bảo Thương là một người tiến bộ, một nhân sĩ dân chủ yêu nước.
4. Bây giờ nói đến việc đối phó với quân Pháp
Như mục V đã nói, khi ở Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, Bác đã nêu vấn đề nếu Đồng minh cho Pháp tiếp quản Đông Dương thì thế nào? Và Bác đã kết luận: Như vậy là ta phải nói chuyện với Pháp, mà nói chuyện với Pháp thì ta phải có thế mạnh, thế mạnh ấy là chính quyền, là đại biểu của một nước Việt Nam đã giành được độc lập từ tay quân Nhật. Bác đánh giá như vậy là hoàn toàn đúng, vì cuối năm 1944 Trương phát Khuê để Bác tự do về nước, Bác đã nhân dịp đưa một phi công Mỹ từ Cao Bằng qua Côn Minh gặp Bộ chỉ huy không quân Mỹ ở đó, đã mong manh biết việc quân Pháp sẽ vào tiếp quản Đông Dương. Ngày 24 tháng 3 năm 1945, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Pháp là Đờ-gôn lại tuyên bố ý đồ muốn trở lại cai trị Đông Dương bằng cách thành lập một liên bang gồm năm xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai-lao, Cao Miên trước kia [14]. Như vậy, việc quân Tưởng vào tiếp quản miền Bắc Việt Nam chỉ là việc nhất thời mà ta cần phải chịu đựng và khôn khéo đối phó nhất thời, chứ đối tượng phải đối phó lâu dài ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương là quân Pháp.
Về phía Pháp, theo sự dàn xếp của Mỹ, cũng có sự bàn bạc thỏa thuận với Tưởng Giới Thạch, để quân Tưởng rút về Trung Quốc, quân Pháp thay thế. Bối cảnh của việc dàn xếp này là vì sau khi quân Nhật đầu hàng, Mỹ muốn Tưởng Giới Thạch tập trung toàn bộ binh lực để tiêu diệt lực lượng của Đảng cộng sản và Quân giải phóng ở Trung Quốc. Muốn thế phải có sự dàn xếp thỏa thuận giữa Pháp-Tưởng. Sự thỏa thuận đó đã đi đến kết quả là ngày 28-2-1946, Tưởng ký hiệp định với Pháp thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, đổi lấy việc Pháp trả lại các tô giới ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Châu, trả lại Quảng Châu Loan và bán lại đường sắt Vân Nam cho Trung Quốc. Còn Tưởng thì cam đoan quân Trung Quốc phải rút khỏi Bắc Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 năm 1946. Cố nhiên quân Tưởng chây lười mãi đến tháng 5-1946 để vơ vét thêm một ít rồi mới rút hết.
Thế là việc quân Pháp tiến vào Đông Dương như Hồ Chủ tịch đã đoán trước từ lúc ở Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự thật đã xuất hiện và cách giải quyết cũng vẫn như Hồ Chủ tịch đã nói ở Quốc dân Đại hội là phải nói chuyện với Pháp.
Qua một quá trình bàn bạc, ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Hồ Chủ tịch và Xanh-tơ-ni, Tổng đại diện của Pháp ở Hà Nội [15]. Hiệp ước nói rõ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do trong Khối liên hiệp Pháp, có chính phủ, có nghị viện, có quân đội và tài chính riêng. Pháp được đưa vào Việt Nam thay thế quân Tưởng để giải giáp quân Nhật ở miền Bắc. Hai bên Việt, Pháp ngừng bắn ở miền Nam tạo không khí thuận lợi để mở tiếp cuộc đàm phán giải quyết vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vấn đề quyền lợi kinh tế văn hóa của Pháp ở Việt Nam. Việc thống nhất Nam – Bắc sẽ do toàn dân quyết định. Bản phụ lục Hiệp định còn nói rõ số quân Pháp đưa vào thay thế quân Tưởng là một vạn năm nghìn người (lúc này quân Pháp không có người Việt mà chỉ có người Âu-Phi), và chỉ được đóng ở một số nơi trên miền Bắc do ta chỉ định. Hiệp định cũng quy định rõ, mười tháng sau khi ký kết, quân Pháp phải dần dần rút hết khỏi Việt Nam nội trong năm năm.
Ý nghĩa quan trọng của Hiệp định sơ bộ là Pháp phải thừa nhận sự tồn tại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phải được sự đồng ý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì mới đưa quân vào và chỉ được đóng quân ở những nơi do ta qui định.
Một ý nghĩa quan trọng nữa của Hiệp định sơ bộ là một vạn năm nghìn quân Âu-Phi của Pháp vào thì hai mươi vạn quân Tưởng phải rút và bọn tay sai là Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Quốc dân đảng cũng phải rút. Bọn tay sai này trước có một bộ phận quấy rối bằng quân sự ở một số nơi, nhưng nay đã mất hết chỗ dựa mà lại không kịp rút đi nên phải đầu hàng ta hoặc bị ta tiêu diệt.
Ta vẫn biết Pháp ký với ta như vậy, mục đích là cốt để được đưa quân vào, rồi sau sẽ từng bước dùng vũ lực mở rộng ảnh hưởng tiến tới lật đổ chính quyền của ta, trở lại thống trị toàn cõi Đông Dương. Nhưng ta vẫn ký như vậy để cho hai mươi vạn quân Tưởng rút khỏi miền Bắc, đồng thời cũng để có hoàn cảnh chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống Pháp một khi chúng không thi hành đúng hiệp định đã ký kết.
Đi đôi với việc ký Hiệp định sơ bộ với Pháp, Hồ Chủ tịch đã có sự bố trí chiến lược tỉ mỉ: Một bộ phận các anh công tác ở các khu căn cứ cũ, nay lại về chỗ cũ để chuẩn bị chiến đấu; anh Nguyễn Lương Bằng đã tháo dỡ một số máy móc chuyển đi Thái Nguyên xây dựng binh công xưởng; tôi được phái vào Khu Bốn bàn với các anh Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị mọi mặt, đồng thời đến Thanh Hóa bàn kế hoạch lập khu căn cứ ở núi Nưa, nơi trước kia Nguyễn Huệ đã dùng làm căn cứ tiến quân ra Thăng Long đánh bại đội quân xâm lược của Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy.
Sau khi ký Hiệp định sơ bộ, Hồ Chủ tịch đã gặp Đắc-giăng-li-ơ ở vịnh Hạ Long và đã thỏa thuận: Quốc hội Việt Nam cử một đoàn đại biểu qua Pháp, đồng thời Pháp cũng cử một đoàn đại biểu qua Việt Nam để cùng với đại biểu Chính phủ ta bàn bạc chuẩn bị mọi việc cần thiết cho việc ký một hiệp ước chính thức ở Pa-ri.
Ngày 16-4-1946, đoàn đại biểu Quốc hội ta do anh Phạm Văn Đồng dẫn đầu lên đường sang Pháp.
Ngày 17-4-1946, đoàn đại biểu Chính phủ ta do anh Võ Nguyên Giáp dẫn đầu, họp hội nghị với đoàn đại biểu Pháp ở Đà Lạt để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức ở Pa-ri, nhưng do sự ngoan cố của Pháp, nên đã không thu được kết quả gì.
Ngày 30-5-1946, Hồ Chủ tịch với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp lên đường đi Pa-ri để thương lượng với Chính phủ pháp giải quyết vấn đề thống nhất Nam-Bắc, vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vấn đề quyền kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam như Hiệp định sơ bộ (6-3) đã quy định.
Nhưng trong khi Hồ Chủ tịch đang trên đường đi sang Pháp thì ngày 1 tháng 6, Cao ủy Pháp ở Sài Gòn tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nam kỳ [16] và thành lập Chính phủ Nam kỳ gồm:
Thủ tướng kiêm Nội vụ
Nguyễn Văn Thinh
Phó Thủ tướng
Nguyễn Văn Xuân
Tư pháp
Trần Văn Trọng
Tài chính
Nguyễn Thành Lập
Công chính
Lưu Văn Lang
Canh nông, Thương mại,
kỹ nghệ
Ưng Bảo Toàn
Giáo dục
Nguyễn Thanh Giang
Lao động xã hội
Khương Hữu Long
và một Hội đồng tư vấn Nam kỳ 12 người, trong đó có 4 người Pháp và 8 người Việt quốc tịch Pháp.
Ngày 6-7-1946, Hội nghị Phông-ten-bơ-lô khai mạc. Trong lời phát biểu của mình, đoàn đại biểu ta đã nghiêm khắc phê bình việc quân đội Pháp làm không đúng Hiệp định sơ bộ đã ký kết. Đồng thời kịch liệt lên án việc thành lập nước Cộng hòa Nam kỳ.
Ngày 9 tháng 7, hội nghị họp lần thứ hai thông qua chương trình hội nghị, mỗi tuần họp hai lần vào ngày thứ ba và thứ sáu; bầu ra bốn ủy ban thảo luận các vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao.
Nhưng đến ngày 2 tháng 8, Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Đắc-Giăng-li-ơ triệu tập hội nghị Đà Lạt có đại biểu Lào là Xa-phung, đại biểu Miên là Châu Long, đại biểu Cộng hòa Nam kỳ là Nguyễn Văn Xuân [17] tham gia, “để xác định nguyên tắc tổ chức Liên bang Đông Dương”.
Đoàn đại biểu của ta ở Phông-ten-bơ-lô tuyên bố: Nếu nhà đương cục Pháp ở Nam kỳ có quyền quyết định vận mệnh của các nước Đông Dương, thì Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 không còn giá trị và Hội nghị Phông-ten-bơ-lô cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Đồng thời tuyên bố tạm ngừng Hội nghị Phông-ten-bơ-lô đến lúc nào sự mờ ám ở Đà Lạt được làm sáng tỏ thì sẽ họp. Đoàn đại biểu ta tỏ lòng hy vọng sẽ có lúc họp lại.
Ngày 14-8-1946, Chính phủ Pháp đưa ra một bản dự thảo thanh minh, thừa nhận Hiệp định sơ bộ 6-3 là cơ sở để bàn bạc, nhưng lại nêu ra một lô vấn đề về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao của Việt Nam đều do Pháp khống chế.
Ngày 18 tháng 8, Đoàn đại biểu ta đưa ra một bản trả lời từng điểm, nêu rõ chủ quyền Việt Nam về các vấn đề, đồng thời đưa ra những đề nghị cụ thể về việc trưng cầu ý dân để nhân dân Nam kỳ tự định đoạt sự quy thuộc của Nam kỳ. Nhưng Pháp không chấp nhận bất kỳ một giải pháp nào của ta.
Đoàn đại biểu ta thanh minh lấy làm tiếc việc Hội nghị Phông-ten-bơ-lô không đạt kết quả mong muốn, rồi rời nước Pháp về nước. Hồ Chủ tịch vẫn còn ở lại để tiếp tục giao thiệp.
Ngày 14-9-1946, Hồ Chủ tịch đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mút-tê [18], Bộ trưởng Bộ thuộc địa, đại biểu Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp ký Tạm ước 14 tháng 9, hứa hẹn tháng Giêng năm 1947 có thể khôi phục Hội nghị Phông-ten-bơ-lô.
Sau khi ký xong Tạm ước, Hồ Chủ tịch cũng về nước.
Ngày 28-10-1946, Quốc hội họp kỳ thứ hai, trao toàn quyền cho Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch để chỉ đạo việc đối phó với mọi tình thế. Đồng thời bầu Ban thường trực Quốc hội để giám sát Chính phủ, gồm 15 người do cụ Bùi Bằng Đoàn là Trưởng ban, hai cụ Tôn Đức Thắng, Phạm Bá Trực [19] là Phó ban. Cụ Tôn Đức Thắng được cử làm quyền Trưởng ban vì cụ Bùi Bằng Đoàn ốm không đến dự được kỳ họp. Tôi cũng được bầu làm một ủy viên trong Ban thường trực Quốc hội.
Ngày 20-11-1946, Pháp gây hấn ở Móng Cái, Tiên Yên, Lạng Sơn.
Ngày 21-11-1946, Pháp gây hấn ở Hải Phòng
Ngày 17-12-1946, Pháp gây vụ thảm sát ở phố Hàng Bún, phố Hàng Than và nhiều nơi khác ở Hà Nội.
Ngày 18-12-1946, Pháp cho quân đội chiếm Bộ Tài Chính và Bộ giao thông. Đồng thời Móc-li-e [20], tướng chỉ huy quân đội Pháp đưa tối hậu thư đòi tự vệ và công an ta phải hạ vũ khí.
Tình thế đã đến lúc ta phải kháng chiến thật sự.
Ta chỉ để lại một trung đoàn bảo vệ Thủ đô, còn Hồ Chủ tịch và cán bộ cao, trung cấp đều quay lại Việt Bắc. Tôi được phái vào Khu bốn với tư cách là Bí thư Khu đảng ủy, Chủ nhiệm Việt Minh và Đại diện Chính phủ Trung ương tại Khu bốn.
Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ Tịch kêu gọi toàn dân đứng dậy chiến đấu. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bắt đầu.
Lần này tôi hoạt động ở Khu bốn với một hoàn cảnh khá thuận lợi là ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh quân Pháp không dám động tới, và được sự cộng tác đắc lực của các anh Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh và các anh trong Khu ủy, Tỉnh ủy, mọi mặt công tác đều được tiến hành tốt. Tháng 3 năm 1948 thì được Trung ương ủy nhiệm qua Thái-lan phụ trách một nhiệm vụ mới.

[1]tức Mạc Nhất Phàm
[2]4 giờ sáng ngày 23-9 quân Pháp chiếm
[3]ngôi nhà này sau đã bị bom Mỹ ném tan nay không còn nữa
[4]lúc này Giải phóng quân đổi tên là Vệ quốc quân
[5]có Nguyễn Hải Thần và hai đoàn bộ binh đi theo
[6]Douglas Gracey (1894-1964). BT
[7]Khoảng 26.000 lính thuộc Quân đoàn Ấn Độ số 20; 1.400 là số quân Pháp đi kèm. BT
[8]Philippe Leclerc de Hauteclocque (22/12/1902 -28/12/1947) BT
[9]quân Anh -Ấn chiếm rồi giao cho Pháp
[10]Hoàng Đình Giong? BT
[11]ngày 10 tháng 10. (Quốc khánh Trung hoa Dân quốc. BT)
[12]tức Bảo Đại
[13]Đỗ Hữu Vỵ? BT
[14]Tuyên bố Brazzaville
[15]Chính xác là: Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Bắc Bắc-kỳ. BT
[16]Nước Cộng hòa Nam kỳ Tự trị.BT
[17]lúc này Thủ tướng là Nguyễn Văn Thinh đã tự sát
[18]Marius Moutet. BT
[19]công giáo
[20]Louis Morliere. BT