Khi Đồng Đức Tứ thức dậy, y nói với người chủ nhà: “Xin lỗi, những điều người nói vừa rồi ta cứ thấy khó hiểu quá chừng, xa vời, chẳng thiết thực gì cả với ta nên mắt cứ díp lại.’’ Chủ nhà cười: “Mỗ biết các hạ đang có chí khác, tâm còn đang động nhưng không sao cả! Chính những điều mỗ nói đôi khi mỗ cũng còn thấy nghi hoặc, khó hiểu nữa là.’’ Đồng Đức Tứ ngạc nhiên: “Hoài nhỉ! Thế nói làm gì?’’ Chủ nhà cười: “Nhiều khi không thể không nói vậy thôi. Xin hỏi các hạ, thế bây giờ các hạ định đi đâu?’’ Đồng Đức Tứ nói: “Ta muốn đi tầm sư học đạo.’’ Chủ nhà nói: “Mỗ nghe nói ở nơi ấy, nơi ấy... có người ấy... như thế ấy... Xin các hạ thử đến đấy hỏi xem.’’ Đồng Đức Tứ bảo: “Cám ơn người đã cho ăn cơm, lại chỉ đường cho. Vậy ta đi đây!’’ Nói xong y đứng dậy ra đi. Y đi mãi, đi mãi, đến một vùng rừng quả đắng rất ư kỳ lạ thì thấy một bóng trắng đang ngồi luyện chưởng giữa đường. Y hoa mắt, chóng mặt, định thần nhìn kỹ, thì thấy quả thực kỳ lạ khác thường. Đấy mới thực là: Da hơi đen đen, Lại hơi tai tái. Định thần nhìn lại, Tựa miếng thịt trâu. Lún pha lún phún, Mềm mại tóc râu. Loà xoà hai mép, Đen tựa mực tàu. Môi lớn môi bé, Chóp chép nhai trầu. Vui tính hết mức, Đa cảm đa sầu. Cười nhe cả lợi, Điên hết cả đầu. Chỉ ba lạng thịt, Hoá trăm sắc màu. Nghìn vàng khôn chuộc, Đắm chìm khe sâu. Nghiêng thành nghiêng nước, Quỷ khóc thần sầu! Đồng Đức Tứ quỳ mọp xuống, miệng lạy rối rít: “Sư phụ! Sư phụ! Đệ tử bái lạy sư phụ!’’ Người kia dừng luyện công, ngạc nhiên hỏi y: “Ngươi là ai? Đến đây làm gì? Sao lại bái ta làm sư phụ?’’ Đồng Đức Tứ kể lể đại để như thế, như thế... bày tỏ muốn được rèn luyện võ công, mong được công thành danh toại. Người kia cả cười: “Thực là may mắn cho ngươi rồi đó! Ngươi đến đúng lúc ta đang nhàn rỗi, chẳng có công việc gì làm. Thấy ngươi chân tình, ta sẽ cố công bảo ban, rèn luyện cho ngươi để ngươi có thể trở thành một đại anh hùng, làm nên sự tích lẫy lừng ở trên giang hồ. Ta chỉ tiếc rằng ngươi đã cao tuổi, lại còn thất học, nửa quê nửa tỉnh... Chỉ e rằng nếu ta dạy một đằng thì ngươi lại làm một nẻo sẽ phí công ta!’’ Đồng Đức Tứ sụp lạy: “Sư phụ! Sư phụ đừng lo thái quá như thế! Đệ tử xin học, lúc nào cũng một mực thành tâm nhất ý, không dám đơn sai.’’ Người kia bảo: “Được rồi! Ngươi đứng lên đi! Bây giờ ngươi thử trổ hết tài nghệ của ngươi để cho ta xem ngươi đã học được những gì ở người đời, chiêu pháp, quyền pháp ra sao, từ đó ta mới lựa cách bảo ngươi học tập được.’’ Đồng Đức Tứ nghe lời, trổ hết sức lực, tài nghệ ra đi lại những bài quyền và thế võ mà y đã học hỏi được ở trong giang hồ để cho sư phụ của y xem xét. Sư phụ y hỏi: “Cái lối hoa chân múa tay của ngươi là kiểu cách gì thế?’’ Đồng Đức Tứ bảo: “Bẩm sư phụ, đây là kiểu cách gọi là tự do với hiện đại mà nhiều cao thủ vẫn dùng ở trên các võ đài cả nước mấy chục năm nay.’’ Sư phụ y lắc đầu: “Tự do với chẳng hiện đại cái gì. Đây là lối đi tắt loè bịp của bọn háo danh dốt nát nông cạn. Bọn đệ tử Bắc tông rất thích cung cách du dương nỉ non rỗng tuếch thế này, ta chẳng lạ gì. Ta rất muốn ngươi học tập lại từ đầu, bắt đầu từ cổ điển, đi lại đường đi nước bước của các bậc tiền bối ngày xưa: học 18 ban võ nghệ, 36 mưu chước, 72 phép biến hoá thần thông, rồi học được cả các bí kíp, trận đồ, trận pháp v.v... Liệu ngươi có chí học tập như thế hay không?’’ Đồng Đức Tứ không trả lời. Sư phụ y nhìn xuống thì đã thấy y đang nhắm tịt mắt lại. Sư phụ y kéo tai y dậy, bảo rằng: “Ta hỏi thật ngươi, ngươi đi tìm ta, bái ta làm sư phụ, vậy ngươi có thực sự thành tâm học tập hay không mà sao lại cứ nhắm tịt mắt lại như thế kia?’’ Đồng Đức Tứ cuống cuồng sụp lạy: “Bẩm sư phụ, đệ tử thành tâm muốn học. Có điều, một là tuổi tác đệ tử đã cao, hai là đầu óc lại như bã đậu, có học cũng chẳng vào, thứ ba nữa, hễ đệ tử nhìn thấy sư phụ là đệ tử cứ như bị hút mất hồn mất vía, chân tay rậm rựt, cứng cả người lại, chỉ còn một cách là nhắm tịt mắt mới khỏi phân tâm. Vậy đệ tử phải làm gì đây?’’ Sư phụ của y cười sằng sặc, kéo y dậy bảo: “Thôi được rồi, bây giờ có tất cả 18 ban binh khí, ngươi muốn học ban binh khí nào?’’ Đồng Đức Tứ bảo: “Bẩm sư phụ, binh khí nào cũng phải mang vác rất nhọc. Thâm tâm đệ tử chỉ muốn sư phụ dạy cho thứ binh khí gì nhẹ nhàng, ảo diệu mà lại hiệu quả.’’ Sư phụ của y nghĩ ngợi một lát rồi bảo: “Ta cũng chịu ngươi! Thôi thì chỉ còn mỗi một cách là ta sẽ dạy ngươi dùng ám khí, dạy ngươi thuật ném phi tiêu mà thôi. Có hai loại phi tiêu, một loại sáu cạnh, một loại tám cạnh, gọi là “lục bát phi tiêu đại pháp”. Ngươi ít chữ nghĩa nên ta cũng không thể dạy ngươi thật bài bản được, chỉ còn một cách là dạy ngươi nhập tâm, miệng nói tay làm. Cố mà nhớ lấy, nhớ lấy!’’ Đồng Đức Tứ cảm tạ sư phụ của y. Từ đó, hàng ngày y ra sức học tập, rèn luyện, chẳng bao lâu tài nghệ ném phi tiêu của y đã nâng đến bậc thượng thừa, có thể ném trúng con ruồi bay qua hay là trúng lỗ đồng xu tung lên trời. Đấy mới thật là: Trong rừng quả đắng, ngắm qua gai rừng, Đơn giản ảo diệu, thâm hậu võ công! Đồng cỏ hoa vàng, con chim mỏ độc, Tình tang ý nhị, đưa sáo sang sông. Chăn trâu đốt lửa, khói um trên đồng, Chuông chùa thủng thỉnh, giọt nước thinh không. Hoa rong giềng nở, em đi lấy chồng, Hồn nhiên chất phác, đệ nhất anh hùng! Đồng Đức Tứ sau một thời gian luyện tập võ công thành tài, bèn bái biệt sư phụ của y để trở về nhà. Sư phụ y hỏi y theo lối ẩn ngữ: “Gạo giã xong chưa mà đã trở về?’’ Y trả lời: “Gạo giã vẫn còn nhiều trấu nhưng chiều rồi, sốt ruột lắm, không về không được.’’ Sư phụ y thở dài, bảo y: “Ta thấy ngươi bản tính thật thà, trung hậu nên rất yêu mến. Có điều, ta chỉ tiếc ngươi chỉ biết dùng ám khí để đoạt công danh chứ ngươi không có khả năng đàng hoàng sử dụng các loại binh khí khác. Dùng ám khí ắt phải thận trọng, nhiều khi phải liều lĩnh. Ta có mấy câu kệ này dặn dò ngươi, hãy nên ghi nhớ: Không thiện cũng không ác Không chính cũng không tà Hữu vô đều chẳng kể Tự tính chẳng rời xa!. Nhớ lấy! Nhớ lấy!’’ Đồng Đức Tứ sụp xuống lạy sư phụ rồi ra đi. Trong khoảng 10 năm trời, y đến khắp các võ đài, có bao nhiêu giải thưởng lớn nhỏ y đều lấy hết về mình. Công thành danh toại, nhà cao cửa rộng, tiền của đầy nhà, các anh hùng trong giang hồ nói đến tên y ai cũng vì nể. Khi thành tài, Đồng Đức Tứ giao du rất rộng, lại nhớ đến câu “bắt sâu nhổ cỏ” của mẹ mình khi xưa, vì vậy y rất năng chăm chút quan hệ của y đối với mọi người. Ra vào cung đình như vào chỗ không người, chỉ có mỗi hai cái phi tiêu trong túi mà Đồng Đức Tứ làm nên sự nghiệp, có được công danh, Đồng Đức Tứ quả thật là một nhân vật hoang đường bậc nhất trong giới giang hồ. Đấy mới thực là: Ơn sư phụ như trời như biển, Bậc anh hùng công quả kỳ duyên. Muốn xem số phận Đồng Đức Tứ rồi sẽ ra sao, xem tiếp chương 14.