Lụt tháng chín! Nước trắng đồng. Từ Bến bè, đến Bến Đa, bến Đọôc là một màu trắng đục. Chiến khu Cây si thành hòn đảo giữa biển nước mênh mông. Lê Soán mới được bầu làm chủ tịch xã đứng ngồi không yên. Trần Thuận cắt, khâu nối từng miếng vải vụn thành chiếc áo trấn thủ tặng Lê Soán. Chị cấp dưỡng nhẹ nhàng đến bên Chủ tịch xã chép miệng:- Anh ơi! Hết gạo rồi! chỉ còn dăm lon thôi. Lê Soán cài chặt cúc áo, hơi chật một chút. Anh nói với Trần Thuận mà ánh mắt đổ dồn về chị cấp dưỡng.- Hết gạo, mặc chật thế này cho đỡ đói phải không chị?- Lúc này mà anh còn đùa được à?- Tôi không đùa đâu. Còn chút gạo dành cho người ốm, thương binh. Anh em chúng tôi ăn rau, khoai, sắn là được.- Khoai sắn cũng chỉ còn vài bữa thôi! Thường năm, lụt tháng chín dăm ngày là rút nước. Lần này đã nửa tháng mà nước vẫn mênh mông, mưa vẫn như nước trút. Rau, củ, quả có trên đất chiến khu đã ngập sâu trong nước bạc, ngầu bọt. Lon gạo cuối cùng đã pha thành nồi nước hồ cho chín người. Bữa ăn cuối cùng, chín con người nằm dài trên chõng. Chị cấp dưỡng khóc tức tưởi. - Chẳng lẽ chúng ta chết như thế này ư? Trần Thuận nhỏ nhẹ:- Không phải chết mà là hy sinh chị ạ. Chị cấp dưỡng trạc tuổi Trần Thuận, hơn tuổi Lê Soán nhưng lúc nào cũng xưng em. Chị tên là Dịu quê tận ngoài Bắc, thoát chết qua trận đói bốn lăm. Bố mẹ và hai em chết đói rải rác từ Đèo ngang đến Hồ xá. Chị sống sót nhờ bát nước cháo loãng của bà bán bánh ướt ở chợ Huyện. Bà nhận Dịu làm con nuôi. Dịu vào du kích. Địch đánh chiếm Hồ Xá. Chúng không truy bắt được Dịu liền bắn chết bà cụ. Đêm trốn về chôn cất mẹ nuôi, rồi Dịu lên chiến khu. Vùng quê chiêm trũng của Dịu cũng sống ngâm da chết ngâm xương “cũng trắng băng khi mua lũ về. Cơn lũ đi qua tuổi thơ của Dịu như trò trẻ con nghịch nước. Cứ nô đùa, cứ chạy nhảy theo từng con nước cho đến lúc bị mẹ đánh mắng,, kéo về nhà sũng nước. Bây giờ Dịu phải đối mặt với biển nước đục ngầu, phải nhìn từng người nằm lả trên chõng tre. Dịu hỏi Lê Soán:- Chủ tịch này, con người ta nhịn đói được bao lâu nhỉ?- Có thể dăm ngày, một tuần…. chưa biết được…. Dịu thở dài đề nghị::- Tất cả nằm yên, không nói chuyện, không đi lại, cố sống đến lúc nước rút. Thuận chậm rãi:- Tôi đề nghị mọi người ăn mặc chỉnh tề, chải tóc cẩn thận, nằm ngay ngắn. Nếu phải chết chúng ta chết trong tư thế đẹp. Dịu nói to:- Anh Soán, anh Thuận ơi, trong bụi cây có nấm, kia kìa. Lê Soán ngồi dậy:- Chị để tôi…. Soán lê từng bước đến lùm cây to trước mặt, hái đầy một mũ nấm. Không phải là nấm trang, nấm tràm, chẳng phải nấm rơm. Loại nấm này lạ lắm. Tai nấm to tựa nấm cuông, nhưng lại dày như nấm mỡ. Bẻ tai nấm để rửa, nhựa tứa ra màu vàng rồi đỏ sẫm. Chưa biết là nấm lành hay độc. Dịu nấu một nồi đầy. Mỗi người húp thử một thìa nước ăn vài miếng nấm. Ai cũng khen ngon, ngọt. Mỗi người ăn vài bát, tỉnh táo hẳn. Dịu chọn tai tấm to đầy đặn dành cho Thuận và Soán. Thuận bảo:- Dịu san nấm cho anh em, tôi uống nước là đủ rồi.- Tiếng đồng hồ sau, mọi người đau bụng dữ dội, chóng mặt,nôn oẹ. Những người uống nước, nhường phần cái cho bạn bị nặng hơn. Thuận chỉ nôn khan, mặt tím tái, tức ngực, khó thở. Thuận cầm tay Lê Soán đặt lên ngực giọng đứt đoạn.- Trai nam nhi phải chết ở Sa trường sao lại chết oan ức như thế này…. Lê Soán an ủi:- Anh sẽ khỏi thôi mà, đừng nói dại. Dịu khóc tức tưởi:- Em giết các anh rồi. Tội là do em. Tại sao em không biết nấm độc kia chứ! Anh Thuận ơi, tỉnh lại đi anh. Thuận nắm chặt tay Dịu- Dịu không có lỗi. Tội là của giặc, của lụt…. Thuận nấc liên tục, quằn quại. - Soán ôm bạn vào lòng. Thuận chỉ vào góc giường.- Tôi chết…. anh đưa cái tráp này cho vợ tôi, con tôi…. Dịu lay bàn chân lạnh, co quắp của Thuận.- Anh không thể chết như thế này được! Em biết ăn nói với chị, với cháu như thế nào đây! Lê Soán nhìn vào mắt Thuận:- Có phải giữa trận tiền mới biết hy sinh đâu. Vì đói, vì khổ, vì lụt mà chết cũng là hy sinh. Chiến tranh là thế mà. Phải không Thuận. Phải hay không phải nhỉ? Thuận không mở mồm để đối đáp lại với Lê Soán được. Tai ù ù như cối xay lúa. Trước mắt là cánh đồng lúa vàng ruộm. Không phải lúa chín mà nước lụt, vàng như nghệ. Mặt trời đỏ tía như tai nấm ngụp lặn trong đó. Nước cứ táp tai nấm vào ngực đau nhói, vào tai ù đặc. Nước vàng đặc quánh dâng lên cổ, lên mồm. Ngạt thở quá. Ôi sao thằng Đái cứ chạy phăm phăm trên đồng nước vàng úa thế kia? Sao Thục cứ đứng như trời trồng, tay chới với trong nước. Hai mẹ con chạy lại… sao không ngả vào lòng ba…. Thục ơi! Sao em cứ nhìn anh xa vời vợi đến thế. Em ôm lấy con đi. Đừng để con chạy trên đồng lụt như thế. Kìa con rơi xuống nước… kìa …. con tôi….. Hai tiếng “con tôi” bật ra, mắt Thuận hé mở như thu hết khoảng trời đang hoe nắng rồi nhắm lại…. mãi mãi. Năm anh chị em khác cũng nằm lại với chiến khu Cây sy ngày hôm ấy… ngày hoe nắng sau tháng mưa….