Chương 11
Ngọc nát và ngói lành

16/2/1967
Trời nhiều mây
Sáng nay đang ở buồng bệnh nhân khoa nội, nhân lúc đi lấy phim X quang, tôi rẽ vào khoa phóng xạ. Ông Mật từng nhiều lần chắc tôi không được hỏi han về ông, nhưng tôi vẫn kiếm cớ để hỏi: "Đã đọc xong film của bệnh nhân nằm giường 54 buồng 3 khoa Nội chưa? Bác sỹ Lý nói là muốn ông Giang Mật đọc giúp."
Một bác sĩ trẻ của khoa phóng xạ cười nhạt: "Bác sĩ Lý của các anh đang khám chữa bệnh ở bệnh viện nào vậy? Cứ như là mới từ Liên Xô về! Ông Mật đã bị bắt mấy hôm nay. Mấy hôm trước nghe nói ở toà án ông ấy bỗng phát điên, rồi nhảy lầu khi tay vẫn đang bị còng. Có lẽ lúc này xác ông ấy đang ở phòng thực nghiệm giải phẫu của trường các vị. Ông ấy đã viết sẵn di chúc: xin hiến xác cho nhà trường để dùng trong giảng dạy."
Tuy tôi đã có linh cảm chẳng lành nhưng khi nghe tin này tôi vẫn thấy hoang mang rất lâu.
Đến trưa tôi lại tạt sang khu văn phòng khoa Dược, hỏi thăm vài câu là biết ngay: mấy hôm trước ông Lưu Tồn Chức đã nhảy lầu tự tử.
Tan tầm trở về kí túc xá, tôi nằm vật ngay ra giường, mắt ngây nhìn trần nhà ố vàng, nằm bất động chẳng biết bao nhiêu lâu, tôi bỏ cả bữa tối. Tôi nghĩ về những chuyện xảy ra bấy lâu, những tưởng mình đã tìm được mảnh đất thần tiên nho nhỏ, nào ngờ những người đồng hành lại chẳng giống như ta!
Thế giới quan của tôi cũng bị lung lay: chẳng lẽ trên đời này có ma quỷ thật hay sao?
Thế rồi, sau lúc nửa đêm tôi lại đến khu nhà giải phẫu.
Đẩy cửa ra, một vùng tối và lạnh rợi thẳm sâu vô tận. Không ai có thể tin nổi mới chỉ đêm trước nơi đây từng đầy ắp những tiếng nói cười vui vẻ, ca vũ tưng bừng cho đến sáng. Tôi đã cuồng nhiệt vui chơi với một bày ma quỷ. Nghĩ đến đây, tôi chợt sởn tóc gáy!
"Đã biết rõ tất cả rồi, tại sao anh lại còn đến đây?" Một giọng nói vang lên, hình như phát ra từ một nơi rất xa, nhưng lại như nói ngay bên tai tôi.
Tôi lại phát hoảng, nhưng không thể nói được một lời. Đèn hành lang bỗng sáng lên, nhưng chỉ lờ mờ, hai bóng người xuất hiện, hình như vừa từ dưới đất "nổi" lên, tập tễnh chầm chậm tiến lại phía tôi, tôi dần nhìn rõ hơn: đó là Giang Mật và Lưu Tồn Chức.
"Khi lần đầu giới thiệu với tôi ở ''Nguyệt Quang xã'', hai vị còn ở cõi nhân gian, tại sao lại"
"Đúng thế, lúc đó chúng tôi vẫn còn sống - tuy sống chẳng thú vị gì, nhưng vẫn là đang sống. Lúc đó nhìn thấy cậu, thực ra là chúng tôi nhìn thấy tia hy vọng. Nhưng rồi bị bắt, bị thẩm vấn mấy lần, nhất là sau khi bị thành phố xử công khai, thì tia hy vọng ấy dần tắt ngấm." Ông Chức buồn rầu nói.
Tôi tưởng tượng thấy cảnh xét xử, hai ông bị hành hạ bị làm nhục, tôi trào nước mắt: "Nhưng, tự sát thì chẳng phải là hành động của kẻ hèn nhát hay sao? Gắng chịu đựng để sống, vẫn cứ là khúc dạo đầu để chờ ngày ta lại đứng lên kia mà!"
"Chúng tôi đều là những người rất giàu lòng tự trọng, coi danh dự cao hơn cả tính mạng, muốn để cho nhạc cổ điển củng cố khí tiết cao cả, cũng tức là để cho chất lãng mạn của nghệ thuật dệt nên những mộng ước hoàn mỹ. Nhưng rồi kết quả lại chỉ là sự yếu mềm không thể cứu vãn được! Hiện thực không chấp nhận thì chúng tôi từ giã hiện thực vậy! Mong anh sẽ nhận lấy bài học từ chúng tôi, không làm những điều dại dột ấy nữa!"
"Đương nhiên tôi sẽ không làm theo các vị, tôi còn phải sống, tôi còn có người yêu, các bạn thân, còn có những người ở ''Nguyệt Quang xã'' - cùng chí hướng nhưng không đi vào ngõ cụt, còn có hôn nhân và gia đình vui vẻ hạnh phúc." Tôi thấy giọng mình hơi lạc đi, chẳng rõ vì thấp thỏm hay vì sợ hãi.
Một giọng cười nhạt từ phía sau tôi vọng đến.
Tôi thót tim, ngoảnh lại rồi kêu lên một tiếng: một đôi nam nữ cao lớn đang sánh vai đứng đó, người đàn ông mặc bộ com-lê màu xanh xẫm đen, người phụ nữ mặc bộ áo dài nhung, nhìn trang phục thì biết ngay là Lăng Hoành Tố và Lạc Vĩnh Phong mới cưới nhau tối qua, nhưng khuôn mặt của họ, trời ơi, khuôn mặt của họ đều dập nát hoàn toàn không thể nhận ra! Những vết nứt đan xen không theo một quy tắc nào, đầm đìa những vệt máu xẫm đen, và còn nhìn thấy lờ mờ xương trắng phía dưới.
"Thì ra các vị đã..."
Ông Mật thở dài: "Cậu Tiêu ạ, lúc giới thiệu cậu tham gia ''Nguyệt Quang xã'', thì ông Chức và tôi vẫn là người đang sống. Tiến sĩ Tố và bác sĩ Phong bị tên Liễu Tinh chỉ điểm đầu tiên, bị hành hạ đủ bề nhưng vẫn nghiến răng không khai ra hai chúng tôi. Vẫn lại là tên Liễu Tinh ấy nằm vùng ở ''Nguyệt Quang xã'' đã chỉ điểm khui ra hai chúng tôi. Mấy hôm trước chúng tôi du ngoạn đến đây để kết giao với cậu, đó là khoảng thời gian giữa khi bị thẩm tra và bị bắt. Cậu bị cướp máy hát đêm hôm ấy, cũng là do các bạn hội viên làm! Vì căm giận tên Liễu Tinh, chúng tôi ngỡ cậu là đồng bọn với hắn nên chúng tôi mới đùa bỡn cậu. Ngờ đâu cậu lại trở thành hội viên duy nhất vẫn còn sống đến hôm nay!"
Tôi nhìn ông Mật, rồi lại nhìn vợ chồng Tố và Phong: "Nhưng, tối qua hai anh chị đã kết duyên..."
Hai vợ chồng nhìn nhau không nói gì. Ông Chức thở dài: "Họ đều tham gia hội từ nhiều năm qua, tâm đầu ý hợp đã lâu, năm ngoái họ đính hôn và dự định tổ chức hôn lễ vào mùa xuân năm nay. Nào ngờ tai bay vạ gió ập đến, cả hai bị quy chụp là đặc vụ - chẳng bị xử tử thì cũng bị kết án chung thân - không thể về sống với nhau. Cả hai đều rất thanh cao giàu lòng tự trọng, cùng nặng lòng với nhau, và chẳng muốn phải chịu đựng cảnh chia ly tan nát. Nếu không thể làm đôi chim chắp cánh bay trên trời thì làm cây liền cành dưới đất vậy! Cho nên họ đã lựa chọn... Khi còn sống chúng tôi đều nêu với nhà trường ý nguyện hiến xác cho phòng thực nghiệm giải phẫu. Cũng chính vì thế mà phần lớn các hội viên đều có thể tái ngộ nơi đây. Với hai vị này, ''người hữu tình đã nên duyên chồng vợ'', âu cũng là niềm hạnh phúc có được từ trong muôn nỗi bất hạnh vậy!"
Cuộc trò chuyện kỳ lạ khiến tôi vô cùng cảm động, lệ rơi lã chã.
Ông Mật nói tiếp: "Cậu Tiêu ạ, tôi nhận ra rằng trong tính cách của cậu cũng có nhiều chỗ yếu mềm. Cậu phải nhớ kĩ: tuyệt đối đừng đi theo lối cũ của chúng tôi. Gian khó chỉ là tạm thời, ánh sáng sẽ là vĩnh viễn! Phải mãi mãi giữ được ánh sáng ấy, mới có đủ can đảm để chiến thắng những cảnh ngộ éo le."
Tôi gật đầu. Đương nhiên tôi sẽ không rẻ rúng cuộc đời, dù chỉ là vì Y Y, vì Kình Tùng thì tôi cũng sẽ vững vàng để tiếp tục sống.
Tôi bỗng nhận thấy mình bơ vơ không nơi nương tựa, vốn nghĩ ''Nguyệt Quang xã'' là ân huệ của thượng đế ban cho, là chốn yên tĩnh để linh hồn tôi đến nương náu, còn gì sung sướng hơn được ở gần các vị bề trên đằm thắm tình người và cao nhã? Nhưng giò đây tôi đã biết sự thật, chẳng lẽ từ nay tôi sẽ gắn bó với một đám hồn ma?
8/3/1967
Trời nắng
Hôm nay là một ngày vui. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Y Y được nghỉ nửa ngày, nàng mất hai giờ đồng hồ ngồi tàu hoả để đến với tôi. Thời gian vừa qua tôi đã hai lần đến bệnh viện tiền tuyến thăm nàng. Đúng thế: nàng đã bị “Máy Kéo” bố trí làm cùng một tổ thực tập. Để xua tan sự ghen tuông của tôi, nàng nói nàng luôn giắt bên người một cái kéo, sẵn sàng liều đối phó với hành vi quá trớn của Máy Kéo. Tuy nhiên, đến nay Máy Kéo vẫn chưa dám một lần mời nàng ăn cơm, vẫn ở giai đoạn quan sát "từ xa".
Hai chúng tôi tâm sự suốt một buổi chiều, âu yếm gắn bó, bịn rịn không nỡ rời nhau. Vừa ăn cơm tối bước ra cửa nhà ăn, đã trông thấy Máy Kéo cùng bọn lâu la thuộc phái "tạo phản". Nhìn thấy cảnh thân mật giữa tôi và Y Y, Máy Kéo mặt sa sầm, hắn hằn học nói: "Hai người còn có vẻ gì là Hồng vệ binh nữa hay không hả? Yếu đuối uỷ mị thì có làm nổi đại cách mạng văn hoá không?"
Tôi lẩm bẩm: "Chỉ thạo cái lối cáo mượn oai hùm!"
Máy Kéo chỉ chờ có dịp, hắn bèn gào lên: "Có ý kiến gì với các đồng chí cách mạng, thì có thể đàng hoàng nói to lên, khỏi cần lí nhí ấp úng thế!"
Y Y cũng bực mình, nhưng nàng không muốn chúng tôi phải cãi nhau, bèn nói: "Đồng chí Máy Kéo, sao các anh cũng về trường thế? Đã nói là nữ sinh tổ thực tập được phép nghỉ, nam giới các anh làm thay kia mà?"
Đôi mắt lòng trắng át cả lòng đen của Máy Kéo điên đảo liên hồi, hắn ôn tồn nói: "Chuyện là thế này Y Y ạ: tôi đến đón bạn về. Đúng là nữ sinh được nghỉ nửa ngày, và nên hiểu chính xác rằng cho đến nửa đêm là hết nửa ngày phép. Nhưng 0 giờ ngày mai bạn đã phải thực tập cấp cứu, đêm hôm khuya khoắt, đường xá xa xôi, thì tôi yên tâm sao được?"
Y Y kinh ngạc trước sự vô liêm sỉ của Máy Kéo: "Nhưng các anh đã nói rằng sẽ làm thay phần việc của chúng tôi..."
Máy Kéo cười khẩy: "Tôi nói vẫn còn chưa rõ ràng hay sao: làm thay, tức là làm thay phần việc hôm nay, việc ngày mai, các bạn vẫn phải làm. Bạn Y Y hãy theo tôi về đi!"
Tôi không thể nhịn được nữa: "Này Máy Kéo, Y Y là cái tên để cho cậu gọi hay sao? Cậu có ý đồ gì, thì ai cũng biết cả rồi, tôi xin cậu thôi đi cho. Cái trò vờ vịt của cậu bốc mùi khiếp lắm, sắp làm cho người đi đuờng chết ngất đến nơi!"
Mấy tháng qua, Máy Kéo đã dần dần trở thành một trong những thủ lãnh của phái "tạo phản" trong trường, nói chung chẳng ai khiêu khích hắn làm gì. Lúc này hắn tái mặt, xấn đến thụi vào ngực tôi. Tôi đã lường hắn xấu hổ quá đâm khùng, nên tôi né người, hắn chỉ "đấm không khí", nhưng lưng tôi bỗng bị đấm thật mạnh, đau thấu tim thấu phổi, biết ngay là đồ đệ của Máy Kéo đã đánh trộm. Y Y kêu lên một tiếng lo sợ cho tôi. Tôi quay lại, thấy hai tên thuộc hạ của Máy Kéo đứng hai bên tả hữu, tôi xông đến tấn công rất mau lẹ. Tôi cũng thấy Máy Kéo ở phía sau cũng không chịu đứng yên, hắn nện tôi rất ác. Tôi nghĩ "phen này mình bị hố to rồi đây."
Bỗng nghe hai tiếng chửi "mẹ kiếp", thì ra hai tên lâu la đã ngã lăn quay, thuận đà này tôi nhún thấp mình, Máy Kéo tiếp tục xuất chưởng đều không trúng. Tôi đá quét ngang, hắn ngã sấp mặt luôn!
Thì ra đã có người kịp thời cứu viện, tôi nhìn lên: chính là Kình Tùng!
Từ bé, Kình Tùng đã chuyên đánh nhau với cả đám đối thủ sống trong khu trường, lẽo đẽo bám theo một thày giáo ở trường thể dục thể thao để luyện quyền cước. Sau khi "đắc thế", Máy Kéo rất muốn lôi kéo Kình Tùng nhưng Tùng vẫn chỉ ậm ừ cho qua chuyện, chủ yếu là vì chơi thân với tôi. Hôm nay Tùng ra tay cũng tức là từ nay anh trở thành cái gai trong mắt Máy Kéo.
Mấy tên lâu la của Máy Kéo hè nhau xông vào tôi, Kình Tùng ngăn tôi lại: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào! Bọn mình rút thôi!". Tôi hiểu Tùng nói có lý, bèn kéo Y Y đi, ba chúng tôi vụt chạy biến luôn.
Y Y không thể chạy nhanh, bọn người kia có thể đuổi đến nơi. Tôi nhanh trí chỉ ngay vào ngôi nhà nhỏ: "Bọn mình nấp vào ngôi nhà kia đi!". Đó chính là nhà giải phẫu.
Kình Tùng thoáng do dự, nhưng rồi cũng ừ. Ba chúng tôi chạy vào khoá cửa lại, rồi đẩy chiếc bàn sắt vẫn dùng để đặt tiêu bản ra chèn cửa.
Tôi hỏi Tùng tại sao anh lại đến đúng lúc như vậy, anh đã đi liên hệ ở miền Tây Nam kia mà? Tùng nói: “Mình đã đi đến nhiều nơi, đã gieo không ít hạt giống cách mạng, nay đã đến lúc phải trở về căn cứ địa”. Trở về trường, anh đã tìm tôi mãi. Nghe nói tôi và Y Y đang gặp nhau, anh bèn tìm đến nhà ăn.
Y Y bỗng cười nhạt: "Có phải anh đang theo dõi bọn em không đấy?"
Tùng cũng cười nhạt: "Anh không chấp bọn con gái các em đâu! Em hỏi cũng bằng thừa!"
Tôi biết quan hệ giữa Y Y và Tùng vẫn thường căng thẳng chẳng đâu vào đâu, đang định nói mấy câu dàn hoà thì bỗng nghe "xình xình xình..." bọn Máy Kéo rất hung hăng, chỉ vài cú tấn công, đã xô hỏng cửa, cái bàn sắt cũng bị đẩy lui vào.
Tùng và tôi ra sức chèn cái bàn sắt, không cho bọn chúng vào cửa. Nhưng chúng đông quân, nên chúng tôi không lại được. Cuối cùng, chiếc bàn sắt bị dạt sang một bên, Tùng và tôi ngã sõng soài, trợn mắt nhìn cánh cửa đã bị mở toang.
Máy Kéo đắc chí cười độc ác, ngông nghênh bước vào. Chúng tôi nhổm dậy vụt chạy đến tận cùng hành lang. Một tên lâu la ở phía sau hô lên: "Cả ba đứa đều là đầu đất hay sao, chỉ biết lủi vào trong thì chạy đâu cho thoát?" Một tên khác nói gọn lỏn: "Đại soái Máy Kéo ạ, ở đây không có ai khác, lại rất yên tĩnh, cứ coi hai thằng nhóc kia là phản cách mạng, ta trấn áp luôn cũng không ai biết đấy là đâu! Mau ra tay làm cho gọn đi! Em nghe nói bên đại học Công nghiệp và đại học Cơ điện đều làm thế, đã tiêu diệt được khá nhiều tên phản cách mạng!"
Tôi thấy kinh hãi, Tùng cũng dừng chân, cả hai chúng tôi đồng thanh: "Chúng mày dám?" Máy Kéo ngẫm nghĩ, rồi nhìn Y Y nói: "Không cần thiết phải quyết liệt đến thế, hôm nay vốn chỉ muốn đón Y Y về đi làm, nếu Y Y chịu theo chúng tôi về, thì chỉ cần dạy cho hai tên này bài học để ghi nhớ là được!"
Bọn thuộc hạ của Máy Kéo hưởng ứng ngay, sáu tên từ từ áp đến, ba chúng tôi đành từ từ lùi lại. Tôi có phần tuyệt vọng.
Bỗng Máy Kéo thét lên một tiếng. Sau tên tuy đang bước lên, nhưng lại giống như đang đi xuống cầu thang, cũng như lại đang bước vào một đầm lầy - đầm lầy đang nuốt chửng tất cả. Càng bước càng đi xuống - rất nhanh, đầu gối đã bị chôn xuống đất, nền hành lang phẳng phiu hình như biến thành bùn lầy lồi lõm vô hình. Mặt bọn chúng đầy vẻ kinh hoàng, chúng kêu gào chửi bới bằng đủ thứ ngôn ngữ tục tĩu bẩn thỉu, khiến Y Y phải đưa tay bịt chặt tai.
Chúng tôi cũng vô cùng kinh ngạc, nhưng nhìn xuống dưới chân, vẫn là nền xi-măng trơ cứng. Tôi thoáng nghĩ, chắc là các hội viên "Nguyệt Quang xã" đang giúp tôi. Lúc này tôi thấy có phần áy náy: từ sau khi biết rõ sự thật về họ, tôi bàng hoàng ngơ ngác, cũng chưa đến lại nơi này và luôn có ý nghĩ sẽ tuyệt giao với "Nguyệt Quang xã".
Chỉ phút chốc bọn Máy Kéo đã bị chôn đến nửa người, chúng ra sức bấu vào mặt đất bên cạnh, nhưng quanh người chúng cũng nhão nhoẹt vô hình, càng vùng vẫy lại càng lún sâu hơn. Cuối cùng, Máy Kéo tuyệt vọng giơ tay cầu cứu chúng tôi.
Tôi và Kình Tùng nhìn nhau, mấy tên này tuy là những kẻ có ý nghĩ tàn độc thật sự nhưng chúng cũng là bạn học cùng khoa, chỉ vì theo đám ăn tàn nên đã lầm đường lạc lối đó thôi, tội không đến mức phải chết. Nhưng liệu chúng có thế như chó sói đớp lại ta không?
Thấy mặt đất đã nuốt đến ngực chúng, tôi bèn tiến lại chìa tay cho Máy Kéo.
Trong chớp mắt, tất cả trở lại bình thưòng, đầm lầy đã biến mất, Máy Kéo và các "chiến hữu" nằm sõng soài trên mặt nền - có vẻ như chưa thể bò dậy được. Chúng nhìn ánh mắt chúng tôi - đang hàm chứa nghi hoặc, sợ hãi, phẫn nộ có đủ cả.
Tôi cúi xuống nói với hắn: "Nếu tôi không muốn cứu, thì cậu sẽ tiếp tục chìm. Cho nên tôi yêu cầu cậu hãy biết điều và nhận lời: đừng nuôi tham vọng đối với Y Y nữa, yêu cầu này không có gì quá đáng chứ?"
Hình như Máy Kéo vẫn chưa thoát khỏi sự kinh hoàng vừa rồi, hồi lâu không nói được. Mãi đến khi ba chúng tôi bước qua bậu cửa cao của nhà giải phẫu mới nghe hắn kêu lên: "Mày giở trò mà quỷ! Ông đây làm cách mạng, ông không sợ trò ma quỷ của mày đâu!"
Sau đấy Kình Tùng và Y Y đều nài nỉ hỏi tại sao tôi lại được sự trợ giúp kỳ quái thế ở nhà giải phẫu, tôi vẫn cố nén không nói gì hết, mặc dù tôi luôn rất tin tưởng ở cả hai người.
3/4/1967
Trời âm u, mưa nhỏ.
Trong tháng hai, nhiều vị nguyên lão khai quốc đã chất vấn "đại cách mạng văn hoá", mong sẽ xoay chuyển càn khôn, nhưng họ đã thất bại, rồi bị gọi là "Dòng nước ngược tháng Hai". Thế là khắp trong trường, ngoài trường rộ lên phong trào phê phán "Dòng nước ngược tháng Hai", sự tàn khốc tanh tưởi lại càng dữ dằn thêm. Nhiều giáo sư và sinh viên trong trường đã bị "đánh đổ", phái "tạo phản" bèn chính thức chĩa mũi nhọn vào những sinh viên "có vấn đề xuất thân". Tôi là một trong số đó.
Họ bắt tôi trình bày "vấn đề xuất thân" của mình, tôi chỉ có thể nói tôi bị đẻ ra, nên không tự quyết định được "vấn đề xuất thân". Chẳng hiểu sao họ tra ra được bố mẹ tôi đang ở nước ngoài, bèn hỏi tình hình của họ hiện nay, và tại sao chỉ mình tôi ở lại. Xu hướng truy hỏi của họ khá rõ ràng, chỉ chưa gọi thẳng tôi là đặc vụ mà thôi! Về mọi chuyện của cha mẹ tôi, bác tôi rất ít nhắc đến với tôi. Tôi giận cha mẹ đã bỏ rơi tôi từ nhỏ nên cũng chẳng thiết hỏi nữa. Bác gái tôi ốm rồi mất, bác trai của tôi từng làm việc cho chính phủ Quốc dân đảng trong một thời gian ngắn, sau đó lại làm đại diện thương mại cho một công ty nước ngoài, cho nên bác bị bắt đi tù. Thế là tôi càng không thể hỏi ai về mọi nguồn gốc của mình.
Những đối tượng đã lọt vào tầm ngắm của uỷ ban cách mạng, thì chắc chắn sẽ bị "đánh đổ"; tôi cũng biết chắc mình sẽ bị phê đấu nên cũng không thiết dài dòng với họ. Tôi nghĩ, tôi cứ một mực khẳng định sự trong sáng của mình thì cùng lắm là bị họ lôi ra trước đám đông "đánh đổ" vài lần. Mọi người thấy tôi chỉ là anh thư sinh yếu ớt chắc sẽ có chút thông cảm.
Trừ phi họ có bằng chứng gì đó chứng minh tôi là đặc vụ, thì hậu quả sẽ thật tệ hại. Chứng minh như thế nào? Đã từng tham gia "Nguyệt Quang xã" - là đủ để đẩy tôi vào thế đối lập với nhân dân ngay lập tức!
17/5/1967.
Trời râm
Hôm nay Y Y đến thăm tôi.
Lâu nay, ngày nào tôi cũng bị tổ điều tra o ép, bắt tôi phải nói về tội trạng "đặc vụ". Mỗi ngày ít nhất tôi bị dồn ép sáu tiếng liền, tôi không thể làm việc ở bệnh viện như mọi ngày, và càng không thể chăm chú đọc sách, thần kinh căng như hễ đụng vào là đứt tùng, người tôi như có thể nổ tan bất cứ lúc nào.
Y Y xuất hiện lúc này, tôi như đang trong đêm khuya tối đen chợt nhìn thấy ngọn đèn bừng sáng.
Khuôn mặt nàng hơi gầy đi, đôi mắt đượm vẻ u buồn, đủ thấy rằng, là bạn gái của tôi, nàng cũng bị tổ điều tra căn vặn không ít. Tôi thấy hổ thẹn áy náy, sau một hồi mới nói được mấy chữ: "Em gầy đi nhiều!". Nhưng nàng lại sờ vào má tôi và nói: "Anh gầy đi còn khiếp hơn!". Nàng trào nước mắt, trái tim tôi se lại.
Y Y chân thực, Y Y thánh thiện và dịu dàng, vì tôi nàng đã phải chịu oan ức.
Bao nỗi đau khổ tôi phải chịu đựng bấy lâu chợt biến mất như làn sương mỏng tan nhanh sau khi ánh dương lên. Nhưng nhìn hai hàng lệ của nàng vẫn không ngừng tuôn chảy, sự phẫn nộ trong tôi lại dâng lên rất lâu không sao lắng xuống được.
"Anh xin lỗi em, anh đã làm em bị liên luỵ." Tôi biết câu nói này thật nhạt nhoà bất lực, nhưng nó vẫn là tiếng của lòng tôi.
Y Y dịu dàng nói: "Sao cứ phải tách bạch ''giữa anh và em'' như thế? Anh từng nói Em là của Anh, Anh là của Em, anh đã quên rồi ư? Tổ điều tra, thật sự đáng ghét, nhưng bọn họ có thể làm gì nổi em? Huống chi, em không hề biết bất cứ chuyện gì về anh! Bọn họ doạ em rằng, em xuất thân cũng không tốt, chỉ còn cách hợp tác với họ thì mới có thể giảm nhẹ nghi ngờ của tổ chức đối với em. Em thừa hiểu là chỉ hù doạ nhau, em cũng không bận tâm."
"Em nói thế này, lòng anh đã nhẹ nhõm hơn nhiều. Bọn họ cũng hết cách đối với anh, nên bắt đầu giở ngón hành hạ thần kinh."
Y Y nói: "Đúng thế! Mỗi khi nghĩ đến anh suốt ngày bị họ căn vặn, lòng em như bị kim đâm dao cắt. Em còn nghe nói tuần sau họ sẽ đưa anh ra xét xử công khai, một lần chưa được thì sẽ làm lần hai lần ba, có thật thế không?"
Tôi gật đầu: "Đúng là bọn họ đã doạ anh như thế, nếu anh không chịu chủ động nói ra thì "hội phê đấu" sẽ chờ anh".
Y Y gật đầu, hình như định nói gì nhưng lại thôi. Tôi im lặng chờ đợi, rồi Y Y mới chịu nói: "Anh có định chủ động nói trước không?"
Câu nói này như tiếng sét đánh khiến tôi kinh hoàng hồi lâu: "Gì thế? Em nói là anh thật sự có vấn đề cần nói ra ư?" Nàng là người mà tôi tin cậy nhất mà cũng...
Y Y nói: "Anh nói vớ vẩn gì vậy? Anh thật ngốc! Trên cõi đời này em sẽ là người cuối cùng nghi ngờ anh! Dù anh tính cả anh Trịnh Kình Tùng!"
Tôi nhận ra câu nói của Y Y dùng theo mẫu câu kiểu tiếng Anh, bèn cố ý trêu chọc: "Gần đây em lén nghe đài địch phải không? Tiếng Anh của em ngày càng khá lên, có lẽ sẽ quên tiếng Trung Quốc mất thôi."
Y Y cười: "Anh hẹp hòi thật, lại trả đũa người ta rồi! Em nói thật nhé: tổ điều tra đã hỏi đi hỏi lại em: anh có liên hệ gì với tổ chức phản cách mạng "Nguyệt Quang xã" gì gì đó không? Em trả lời: Tôi chưa từng nghe nói đến cái tên "Nguyệt Quang xã"; họ nói: tổ chức phản động này mượn danh nghĩa hâm mộ nhạc cổ điển để thu hút các thành viên vào hoạt động phản cách mạng. Cho nên em nghĩ ngay rằng anh vốn rất mê nhạc cổ điển"
Tôi bỗng lặng thinh. Tôi chưa từng nói với Y Y về chuyện "Nguyệt Quang xã", hồi trước ông Giang Mật cũng dặn dò tôi đừng cho bất cứ ai biết, bây giờ tôi mới hiểu cái dụng ý sâu xa trong đó.
Nhưng Y Y vốn rất thông minh, thấy tôi do dự, nàng đã nhận ra ngay: "Chẳng lẽ bọn họ nói là sự thật? Thì ra anh đã dấu em thật!"
Tôi ngớ ra không biết trả lời ra sao, ánh mắt Y Y chứng tỏ dường như nàng đã hiểu rõ tất cả, nàng hỏi giọng hơi run run: "Nhưng dù sao anh cũng phải cho anh Kình Tùng biết, đúng không? Anh em như chân với tay, đàn bà như tấm áo, và rỗng tuyếch như lời nói vu vơ đúng không?" Giữa Y Y với Kình Tùng, có lẽ sẽ mãi mãi khắc nhau như nước với lửa.
Tôi đành cho Y Y biết toàn bộ những điều đã xảy ra trong mùa đông năm ngoái,Y Y thấy mấy tháng nay tôi toàn vui chơi với đám oan hồn, nàng quá kinh hãi, ánh mắt đầy vẻ khó hiểu. Tôi bình thản nói: "Nếu họ lại hỏi nữa thì em cứ nói ra, ít ra em cũng được thanh minh cho gọn chuyện. Huống chi, "Nguyệt Quang xã" thật sự không phải là tổ chức đặc vụ gì hết, anh không việc gì phải hổ thẹn với lương tâm."
Y Y đá mạnh tôi một cái: "Anh coi em là hạng người gì vậy? Tuy "Nguyệt Quang xã thực sự trong sáng, nhưng từ lâu đã bị họ coi là tổ chức phản cách mạng, nếu tổ điều tra anh có quan hệ với "Nguyệt Quang xã" thì họ sẽ theo cái lý khai mà gán tội cho anh, anh chớ dại dột mà công nhận chuyện này!"
Tôi gật đầu: "Tất nhiên là anh hiểu, anh chỉ lo em phải chịu sức ép quá căng. Anh cũng không nói với Kinh Tùng, nghe nói gần đây cậu ấy cũng đang bị điều tra."
"Cũng là vì anh à?"
Tôi gật đầu.
Y Y trầm ngâm một lát, khẽ thở dài: "Anh ấy cũng thực đáng ái ngại. Một con người ngay thẳng đường hoàng như vậy, có lẽ trước đây em đã quá nghiệt ngã với anh ấy."
"Tất cả đều là tại anh." Tôi chợt nghĩ: tại sao những người xung quanh tôi đều bị vướng mắc? Hai vợ chồng bác tôi, Y Y và Kinh Tùng nữa. Phải chăng sự tồn tại của tôi là sai lầm quá lớn?
23/5/1967
Hôm nay tôi bị đưa ra Khu xét xử công khai. Ở trường này, có tôi và hai sinh viên cùng trường đều có "vấn đề xuất thân" nghiêm trọng bị đưa ra "phê đấu"; ngoài ra còn một số sinh viên của một số trường khác cũng bị na ná như vậy, cả thảy là 18 người. Chúng tôi bị quần chúng phê đấu gọi đùa là Thập bát la hán. Giữa chừng cuộc xét xử, một sinh viên trong số này nhảy xuống dưới sàn, tuy không chết nhưng vỡ đầu chảy máu và bị gãy chân.
Khi trở về, cặp kính của tôi bị vỡ, khắp người là nước bọt, đầu gối sưng vù vì bị quỳ khá lâu.
Có lẽ đời người bị làm nhục đến thế này là cùng cực chăng?
Diệp Hinh chìm đắm trong những chuyện xưa cũ ghi trong cuốn nhật ký, cô quên bẵng rằng mình đang ngồi trong bóng tối.
Cô rất xót xa cho vị chủ nhân của cuốn nhật ký, cô thở dài rồi lại thở dài... Và trong lúc cô thở dài thì có một tiếng thở dài khác vọng đến, khiến con tim Hinh như thắt lại.
Một giọng nói ở ngay phía sau gáy cô: "Cô có còn muốn sống nữa hay không?"