Ngu Tiểu Tư người huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông), làm nghề buôn bán. Vợ là Hạ thị đi thăm cha mẹ trở về, thấy ngoài cửa có người đàn bà dắt đứa con gái nhỏ khóc lóc rất bi ai. Hạ hỏi thì gạt lệ trả lời, mới biết chồng bà ta tên Vương Tâm Trai, cũng là con cháu nhà quan, nhà sa sút không đủ ăn, nhờ người làng bảo chúng vay tiền nhà giàu họ Hoàng để tập đi buôn, giữa đường gặp cướp, tai bay vạ gió mất sạch cả tiền, may mà không chết. Về tới nhà, Hoàng qua đòi nợ, tính cả vốn lẫn lãi không dưới ba mươi lượng vàng, thật không sao trả nổi. Hoàng thấy con gái là Nân Châm xinh đẹp, định lấy làm thiếp, sai người bảo chứng tới đòi nợ rồi tỏ ý, nếu chịu sẽ tiếp tục cho thiếu, ngoài ra vẫn đúng giá cô gái mà trả tiền. Vương bàn với vợ, vợ khóc nói "Nhà ta tuy nghèo nhưng vốn là dòng dõi trâm anh, kẻ kia là tiện dân mới giàu lên, sao dám cưới con gái ta làm thiếp? Vả lại Nân Châm vốn đã hứa gả rồi, chàng đâu thể làm chủ được nữa?". Trước có Cử nhân họ Phó người cùng huyện chơi thân với Vương, sinh được một trai là A Mão, lúc còn bồng ẳm đã hứa làm thông gia với nhau. Sau Phó vào đất Mân (vùng Phúc Kiến) làm quan, hơn năm thì chết, vợ con không về được, tin tức qua lại thưa dần, nhưng vì cớ ấy nên Nân Châm mười lăm tuổi vẫn chưa lấy chồng. Nghe vợ nhắc lại chuyện ấy Vương không biết nói gì, chỉ tính cách làm sao trả nợ. Vợ nói "Bất đắc dĩ thì thiếp phải bàn với hai đứa em". Đại khái vợ Vương họ Phạm, ông nội từng làm quan trong kinh, hai cháu trai còn nhiều ruộng vườn. Hôm sau vợ Vương dắt con về nói với hai em trai, hai người mặc cho khóc lóc, không nói một lời an ủi giúp đỡ. Phạm gào khóc trở về, vừa lúc gặp Hạ hỏi han bèn vừa kể vừa khóc. Hạ thương xót, nhìn tới cô gái thì thấy mặt mũi sáng sủa đáng yêu, càng thêm mủi lòng bèn mời vào nhà cho ăn uống, an ủi rằng "Hai mẹ con đừng lo, thiếp xin hết sức giúp đỡ”. Phạm còn chưa kịp cám ơn, cô gái đã khóc lớn lạy phục xuống đất, Hạ càng thêm xót xa. Hạ ngẫm nghĩ rồi nói "Tuy nhà có chút của cải, nhưng ba mươi lượng vàng cũng không phải dễ, phải cầm bán mới có”. Hai mẹ con lạy chào ra về, Hạ hẹn ba ngày sẽ có tiền. Chia tay xong tính toán đủ cách, cũng chưa dám nói với chồng, qua ba ngày cũng vẫn chưa đủ số, sai người qua hỏi mượn mẹ thì mẹ con Phạm đã tới, bèn kể thật rồi hẹn lại hôm sau. Tối mịt thì gia nhân đem tiền mẹ cho mượn về, Hạ dồn cả vào túi đặt dưới gối. Đến khuya có tên trộm khoét vách theo ánh đèn mò vào, Hạ tỉnh giấc hé mắt nhìn, thấy một người tay cầm đoản đao, mặt mũi hung dữ sợ quá không dám kêu, cứ giả vờ ngủ say. Tên trộm tới gần cái rương, đã toan mở nắp nhưng nhìn thấy bên gối Hạ có cái túi bèn cầm lấy tới cạnh đèn mở ra xem, kế giắt vào lưng rồi không mở rương lục lọi nữa, bỏ đi luôn. Hạ bèn vùng dậy la lớn, trong nhà chỉ có một đứa tớ gái nhỏ đập vách láng giềng báo, láng giềng họp lại đuổi theo thì tên trộm đã chạy xa rồi. Hạ ngồi trước đèn sụt sùi khóc lóc không bao lâu đứa tớ gái thiếp đi, Hạ thắt dây vào song cửa sổ treo cổ tự tử. Đứa tớ gái tỉnh dậy trời đã sáng bạch, mới gọi người vào cởi dây thì thân thể đã lạnh ngắt. Ngu hay tin vội chạy về, hỏi đứa tớ gái mới biết sự tình, sợ hãi khóc lóc lo chôn cất mà thôi. Lúc ấy mùa hè nhưng xác Hạ không cứng cũng không thối, qua hơn bảy ngày mới liệm. Chôn cất xong, Nân Châm lén ra khóc lóc cạnh mộ, chợt có cơn mưa rào đổ tới, sấm sét ầm ầm đánh xuống vỡ mộ, cô gái cũng bị chấn động chết luôn. Ngu hay tin vội tới xem thì quan tài đã bật nắp, vợ đang rên rĩ ở trong bèn bế ra, thấy xác cô gái không rõ là ai, Hạ nhìn kỹ mới biết, vô cùng kinh ngạc. Không bao lâu Phạm thị tới, thấy con gái đã chết gào khóc nói “Vốn đã ngờ là nó ở đây, quả đúng thế! Từ hôm nghe phu nhân tự tử, nó cứ kêu khóc suốt ngày đêm, đêm nay mới nói với ta là muốn ra thăm mộ, mà ta chưa cho”. Hạ cảm vì nghĩa bèn nói với chồng, bèn lấy quan tài chôn mình để chôn cất cô gái, Phạm lạy tạ. Ngu cõng vợ về. Phạm cũng về kể với chồng. Chợt nghe nói phía bắc thôn có một người bị sét đánh chết giữa đường, trên xác có hàng chữ "Thằng giặc trộm tiền của Hạ thị", kế nghe láng giềng có tiếng đàn bà khóc, mới biết người chết là chồng chị ta, tên Mã Đại. Người trong thôn lên báo quan, quan sai bắt người đàn bà lên hỏi cung, thì ra Phạm thấy Hạ vay tiền giúp mình cứu con gái nên cảm động khóc lóc kể cho người ta nghe, Mã Đại là kẻ cờ bạc vô lại nghe thấy nổi dạ bất lương. Quan bèn sai giải người đàn bà về nhà lục soát, chỉ còn hai mươi lượng, lại tìm trên xác Mã Đại được bốn lượng nữa, quan phán bán người đàn bà đi bù vào chỗ thiếu trả cho Ngu. Hạ càng mừng rỡ, đưa hết số tiền cho Phạm trả nợ. Chôn cô gái được ba ngày, đêm đến mưa gió sấm sét lại nổi lên đánh vỡ mộ, cô gái cũng sống lại nhưng không chạy về nhà mà tới gõ cửa nhà Hạ thị, đại khái vì nhận ra ngôi mộ, ngờ là Hạ đã sống lại. Hạ nghe tiếng gọi hoảng sợ vùng dậy, cách cánh cửa hỏi vọng ra, cô gái nói "Phu nhân quả nhiên đã sống lại rồi, con là Nân Châm đây”. Hạ sợ cho rằng là ma, gọi người đàn bà láng giềng cùng ra hỏi han, đến khi biết là nàng sống lại, mừng rỡ mở cửa đưa vào nhà. Cô gái nói xin theo hầu hạ phu nhân, Hạ nói "Như thế là nói ta mất tiền để mua tớ gái sao? Chôn ngươi rồi thì nợ cũng đã trả xong, đừng ngờ vực gì!”. Cô gái càng cảm động khóc lóc, xin thờ như mẹ, Hạ chưa ưng thuận, nàng lại nói “Con biết làm lụng, cũng không đến nỗi ngồi ăn không đâu”. Sáng ra báo cho Phạm thị biết, Phạm mừng rỡ vội tới, cũng chiều lòng con gái, lập tức gởi gắm luôn cho Hạ. Phạm đi rồi, Hạ ép đưa cô gái về nhà, cô gái cứ khóc lóc nhớ Hạ. Vương Tâm Trai bèn đích thân dắt nàng tới đưa vào cổng rồi về. Hạ nhìn thấy kinh ngạc hỏi han mới biết nguyên do, bèn mới để nàng ở lại. Ngu vừa tới, cô gái vội quỳ lạy, gọi là cha. Ngu vốn không có con, thấy cô gái dịu dàng khiến người ta thương xót, cũng rất vui mừng. Cô gái học kéo sợi vá may, không nề vất vả. Hạ ốm mấy lần suýt chết, nàng sớm tối hầu hạ, Hạ không ăn cũng không ăn, trên mặt lúc nào cũng có ngấn lệ, thường nói với người ta rằng "Mẹ mà có bề gì thì ta thề không sống nữa", Hạ hơi đỡ mới thấy nàng cười. Đến khi Hạ khỏi bệnh, nghe kể lại rơi nước mắt nói "Ta bốn mươi tuổi mà chưa có con, chỉ cần sinh được một đứa con gái như Nân Châm là đủ”. Hạ từ trẻ không sinh nở, nhưng qua năm sau chợt sinh được một con trai, người ta cho là ở hiền gặp lành. Được hai năm cô gái càng lớn, Ngu bàn với Vương là không thể giữ lời hứa cũ mãi. Vương nói "Con gái ở nhà ông, việc gả chồng là tùy ý ông". Cô gái đã mười bảy tuổi, xinh đẹp vô song, nên lời ấy truyền ra thì những kẻ dạm hỏi nối gót nhau tới cổng, song vợ chồng chỉ trả lời qua quít. Nhà giàu họ Hoàng cũng sai người mối tới, nhưng Ngu ghét giàu mà bất nhân nên ra sức chối từ mà chọn họ Phùng. Phùng là học trò giỏi trong quận, cũng thông minh giỏi văn chương, Ngu báo với Vương thì Vương đi buôn chưa về, bèn cứ ưng thuận. Hoàng vì Ngu từ chối cũng giả đi buôn, tìm tới chỗ Vương trọ bày tiệc mời mọc, lại giúp tiền bạc làm vốn, dần dần quen thuộc thân mật mới nói con trai mình thông minh lanh lợi, xin hỏi cưới Nân Châm, Vương cảm động vì ân cần lại hâm mộ vì giàu có, bèn hẹn ước với nhau. Trở về tới nói với Ngu, thì hôm trước Ngu vừa nhận thư đính ước của họ Phùng, nghe lời Vương nói rất không thích, gọi cô gái ra kể lại mọi việc. Cô gái bực tức nói “Chủ nợ ấy là kẻ thù, bắt con lấy kẻ thù, thì chỉ còn một cách chết thôi” Vương tái mặt, nhờ người nói lại với Hoàng là đã hứa gả con gái cho họ Phùng, Hoàng tức giận nói “Cô kia họ Vương chứ không phải họ Ngu, ta đính ước trước họ Phùng, sao lại bội ước". Bèn đâm đơn kiện lên quan huyện, quan huyện có ý muốn xử cho người đính ước trước, bắt gả cô gái cho Hoàng. Phùng nói "Họ Vương đã gởi gắm con cho ông Ngu, lại nói không dự bàn chuyện cưới gả nữa, vả lại ta đã có thư đính ước còn họ Hoàng chẳng qua chỉ là hẹn ước bên chén rượu mà thôi". Quan huyện đổi ý, phán cho tùy ý cô gái. Hoàng về đem tiền đút lót xin quan xử cho mình được, vì thế hơn một tháng không xử xong. Một hôm có viên Cử nhân lên kinh, đi ngang Đông Xương sai người hỏi thăm Vương Tâm Trai, tới hỏi đúng Ngu, Ngu hỏi lại thì viên Cử nhân ấy họ Phó, tức là A Mão vậy. Sau khi nhập tịch ở Phúc Kiến, mười tám tuổi thi đỗ Cử nhân, vì đã có đính ước trước đây nên chưa cưới vợ, mẹ dặn tiện đường ghé thăm Vương xem cô gái đã lấy chồng chưa. Ngu cả mừng, mời Phó tới nhà kể hết những chuyện đã qua, nhưng vì cưới gả ngoài ngàn dặm nên sợ không có gì làm bằng. Phó bèn lấy ra tờ đính ước hôn nhân của Vương ngày trước, Ngu mời Vương tới xem lại quả đúng, tất cả cùng mừng rỡ. Hôm ấy chính là ngày xét xử lại, Phó đưa danh thiếp ra mắt quan huyện, vụ kiện mới thôi. Phó hẹn ngày làm lễ cưới rồi đi. Thi hội xong, Phó mua lễ vật quay về, ở trong nhà cũ làm lễ rước dâu xong thì có tin thi đỗ Tiến sĩ từ Phúc Kiến đưa tới té ra Phó lại đỗ luôn kỳ thi hội. Bèn vào kinh nhận chức trở về cô gái không muốn xuống nam, Phó cũng vì nhà cửa mồ mả ông bà còn đó bèn một mình trở về Phúc Kiến bốc mộ cha rồi đón mẹ cùng về. Vài năm sau Ngu chết, con trai mới có bảy tám tuổi, cô gái chăm sóc còn hơn em ruột, cho đi học, thi đỗ vào trường huyện rất sớm, nhà nổi tiếng giàu có, đều là nhờ Phó cả. Dị Sử thị nói: Trong đám thần long cũng có bậc hiệp khách ư? Trừng trị kẻ ác làm rõ điều thiện, cứu người giết người đều bằng sấm sét, đó là điệu múa Tiền Đường phá trận° vậy. Ầm ầm giáng xuống mấy lần, đều vì một người, biết đâu Nân Châm lại chẳng phải là Long nữ bị đày xuống trần? °Tiền Đường phá trận: xem Truyện Long nữ sau truyện Chúc Thành, quyển III.222. Hoàn Hầu (Hoàn Hầu) Bành Hiếu Sĩ ở Kinh Châu (tỉnh Hồ Nam) uống rượu nơi khác về nhà, dọc đường xuống ngựa đi tiểu. Con ngựa cúi xuống ngoạm cỏ bên đường, có một bụi cỏ nhỏ xanh tốt rất đáng yêu vừa trổ hoa vàng rực rỡ chói mắt, con ngựa ăn mất quá nửa. Bành nhổ chỗ còn lại ngửi thấy có mùi hương lạ bèn cất vào túi lại lên ngựa đi tiếp, thấy ngựa phi như bay thích chí cũng không tính đường về, cứ để mặc cho nó chạy. Chợt thấy mặt trời lặn xuống sau núi mới kéo cương nhìn quanh thì thấy núi non chập chùng, không biết là chỗ nào. Chợt có một người áo xanh tới, thấy con ngựa đang hí vang, bèn nắm dây cương nói “Trời đã xế rồi, chủ ta mời ông ghé lại". Bành hỏi đây là nơi nào, người ấy đáp "Là đất Lãng Trung (tỉnh Tứ Xuyên)". Bành cả sợ té ra trong nửa ngày đã đi hơn ngàn dặm, nhân hỏi chủ nhân là ai, người kia đáp “Tới nơi sẽ biết". Lại hỏi nhà ở đâu, đáp cũng gần đây thôi, rồi dắt ngựa kéo đi mau. Bành thấy người ngựa cùng như bay, qua một rặng núi thì có nhà cửa phòng ốc trùng điệp ở lưng chừng núi che khuất lẫn nhau. Từ xa nhìn thấy một đám người áo mũ chỉnh tề như đang chờ ai, Bành tới nơi xuống ngựa thì họ đều vái chào rất cung kính. Kế chủ nhân bước ra, khí thế oai mãnh, y phục đều khác người trần, chắp tay nhìn khách nói "Khách hôm nay không có ai xa như Bành quân", rồi vái chào mời Bành đi trước. Bành từ tạ không chịu bước lên, chủ nhân bèn nắm tay kéo đi, Bành thấy tay như bị cùm siết chặt, đau như sắp gãy, không dám tranh cãi nữa bèn đi. Những người còn lại bèn nhường nhau đi trước, chủ nhân đẩy người này kéo người kia, khách đều xuýt xoa rên rĩ muốn quỵ xuống như không chịu nổi, cùng theo lời chủ nhân vào. Tới sảnh đường thấy trần thiết hoa lệ, cứ hai người vào ngồi một bàn. Bành hỏi nhỏ người ngồi với mình rằng chủ nhân là ai, đáp là Hoàn hầu°, kinh ngạc không dám ho hắng, mọi người cũng đều ngồi im. °Hoàn hầu: tức Trương Phi, tướng và là em kết nghĩa của Thục chủ Lưu Bị thời Tam quốc, nổi tiếng dũng mãnh, trấn thủ Lãng Trung, bị bộ tướng làm phản ám sát, thụy là Hoàn hầu. Rượu được vài tuần, Hoàn hầu nói "Hàng năm cứ quấy quả các vị, nên có tiệc mọn để tỏ lòng. Lại được khách từ xa tới, có thể nói là hạnh ngộ, ta muốn xin một vật, nếu thương thì cho, không thì không dám ép”. Bành đứng dậy hỏi vật gì, chủ nhân đáp "Con ngựa của ông đã có tiên cốt, không phải người trần cuỡi được, xin đổi con khác cho ông, có được không?". Bành đáp "Xin kính cẩn dâng lên, không dám đánh đổi”, Hoàn hầu nói “Ta sẽ đền một con ngựa thật tốt, lại tặng thêm vạn lượng vàng”. Bành rời ghế lạy tạ, Hoàn hầu sai kéo đứng lên. Giây lát rượu thịt bày ra la liệt, mặt trời lặn lại sai thắp đèn uống tiếp. Mọi người đều đứng dậy xin thôi, Bành cũng xin cáo từ. Hoàn hầu hỏi “Ông từ xa tới, tối nay về đâu?". Bành nhìn người ngồi cùng bàn với mình nói “Đã xin ông đây cho ngủ nhờ tối nay". Hoàn hầu bèn sai lấy chén lớn rót rượu tiễn khách, nói với Bành rằng "Bụi cỏ mà ông cất, tươi thì có thể giúp người ta thành tiên, khô thì có thể dùng để điểm kim, bảy cọng là được một vạn lượng vàng". Rồi lập tức sai tiểu đồng chỉ cách cho Bành, Bành lại lạy tạ. Hoàn hầu nói "Ngày mai xin ra chợ tới chỗ bán ngựa tùy ý lựa lấy một con, không cần phải trả giá đưa tiền, ta sẽ tính cho". Lại nói với mọi người rằng “Ông khách ở xa, lúc trở về nên giúp đỡ ít nhiều tiền đi đường", mọi người vâng dạ, cạn chén rồi cáo biệt. Trên đường Bành hỏi họ tên thì người ngồi cùng bàn với mình tên Lưu Tử Vựng, cùng đi hai ba dặm, qua rặng núi thì thấy thôn xóm, mọi người cùng đưa Bành về nhà Lưu rồi kể cho nghe chuyện lạ. Vốn là trong làng hàng năm có tế Hoàn hầu trong miếu, giết bò múa hát để cúng đã thành lệ. Lưu là người chủ tế, vừa cúng xong ba hôm trước, trưa nay chợt có người tới từng nhà mời mọi người vào núi, hỏi ai mời thì đều trả lời qua quít nhưng hối thúc rất gấp. Qua khỏi rặng núi thấy lầu gác, mọi người nhìn nhau kinh ngạc, sắp tới cổng người kia mới nói thật, mọi người cũng không ai dám từ chối lui về. Người đi mời nói "Xin cứ họp lại ở đây chờ ta đi mời một người khách xa", tức là Bành vậy. Bành nghe kể rất lấy làm lạ lùng. Trong bọn có người bị Hoàn hầu nắm tay đau quá sợ gãy xương, cởi áo thắp đèn lên nhìn thì thấy da thịt bầm tím, Bành nhìn lại mình cũng thấy thế. Mọi người ra về, Lưu liền mang chăn chiếu ra ngủ chung với Bành. Sáng hôm sau trong làng tranh nhau mời cơm, lại theo Bành vào chợ tìm ngựa, hơn mười ngày chọn qua mấy mươi con mà không có ngựa hay, Bành cũng quyết ý tìm bằng được. Hôm sau lại vào chợ, thấy có một con dáng vẻ rất khỏe mạnh, cưỡi thử thấy đúng là tuấn mã bèn trở vào làng đợi người bán nhưng trở lại thì đã bỏ đi mất. Bành bèn từ biệt người làng trở về, mọi người đều mang tiền tới tiễn tặng, ngựa đi một ngày được gần năm trăm dặm, Bành về tới nhà kể lại chuyện, mọi người đều không tin, đến khi Bành lấy những sản vật ở đất Thục (vùng Tứ Xuyên) ra cho xem mới cùng ngạc nhiên kinh sợ. Mớ cỏ lâu ngày khô dần, còn được bảy cọng, Bành theo cách đã được chỉ dẫn làm phép điểm kim, trong nhà vụt giàu hẳn lên. Bèn tìm tới nơi ấy vào miếu Hoàn hầu cúng tế tạ ơn, chơi với người làng ba ngày rồi về. Dị Sử thị nói: Xem Hoàn hầu mời khách mới tin rằng việc thần Vũ Di mời khách ở Mạn Đình° là có thật. Nhưng chủ nhân kính khách, tỏ tình thân ái mà khiến người ta như bị gãy tay thì có thể biết năm xưa khỏe mạnh tới mức nào. Ngô Mộc Hân kể có Lý sinh môi không che kín miệng, răng vẩu chìa ra ngoài cả đốt ngón tay. Một hôm tới dự tiệc ở nhà nọ, có hai người khách nhường nhau chỗ trên chỗ dưới đến khổ, một người cứ ra sức đẩy lên, một người cứ hết sức trằn lại, dùng sức mạnh quá vung khuỷu tay ra, đúng lúc Lý đứng phía sau bị khuỷu tay thúc trúng miệng rơi luôn hai chiếc răng cửa, máu tuôn như suối. Mọi người ngạc nhiên, hai người kia mới thôi không tranh cãi nữa. Chuyện ấy cũng buồn cười như chuyện Hoàn hầu nắm tay làm khách muốn gãy xương vậy. °Việc thần Vũ Di mời khách ở Mạn Đình: Chư tiên ký chép năm Thủy Hoàng thứ 2 thần núi Vũ Di là Vũ Di quân mời dân làng tới ăn tiệc vào ngày rằm tháng tám trên đỉnh núi, kết lán giăng màn rực rỡ, người ta nhân thế gọi đất ấy là Mạn Đình.