Ngày xưa có một người thợ săn trẻ tuổi. Như lệ thường, một hôm anh vào rừng sâu săn thú. Mải đuổi theo một con hươu, không ngờ anh lạc vào một nơi chân mình chưa bước tới bao giờ. Đói và mệt, anh cố tìm đường trở ra. Nhưng anh càng đi lại càng lạc.Cho đến lúc vạch cây rẽ lá lần xuống khe để tìm nước uống, anh mới trông thấy một ngôi nhà bên bờ suối. Mừng quá, anh tiến đến gọi cửa xin nghỉ chân. Một cô gái từ trong nhà bước ra. Cô có vẻ mừng khi nhìn thấy chàng trẻ tuổi. Cô mời anh vào nhà và không giấu giếm ý nghĩ của mình là từ lâu vẫn muốn kiếm một người bạn trai, nay được gặp anh, cô rất vui lòng. Thấy anh đói, cô dọn thức ăn cho anh ăn. Tuy nghi hoặc, nhưng người thợ săn vẫn ăn uống thỏa sức, ăn xong, cô gái nói:- Bây giờ anh hãy theo tôi để đưa đi giấu ở một nơi kẻo nguy hiểm đến tính mạng?Người thợ săn ngạc nhiên, hỏi:- Tại sao lại nguy?Đáp:- Ôi! Anh không biết ư? Mẹ tôi là mụ Chằng, ăn thịt người không tanh. Hôm nay mẹ tôi còn bận đi kiếm mồi. Mẹ tôi mà gặp thì mạng anh khó chu toàn. Nhưng có tôi thì anh chẳng còn phải lo, miễn chúng ta sẽ kết thành đôi lứa. Trong buổi đầu anh hãy tạm ẩn một nơi, đợi tôi khuyên dỗ mẹ, rồi hãy hay.Đoạn, cô gái đưa anh đến một cái hầm, rồi vần đá lấp kín cửa lại.Trời tối hẳn mụ chằng mới về. Đến cửa, mụ khịt khịt mũi nói:- Có mùi thịt người! Có mùi thịt người.Mặc dù con gái có giấu quanh, mụ chỉ tìm một lát là lôi được người thợ săn ra khỏi hầm. Cô gái chạy lại: - Xin mẹ tha nó cho con. Con cần có một người chồng. Mẹ đừng giết nó đi!Mụ Chằng hỏi anh đi săn:- Mày có bằng lòng lấy nó làm vợ không?Trước tình thế bắt buộc, anh đành phải trả lời:- Xin vâng! Xin vâng!Thế là từ đấy anh thợ săn ở lại đây đóng vai con rể mụ Chằng.Hai người ăn ở với nhau được ít lâu. Người thợ săn buồn nhớ làng quê, bụng muốn trốn lắm, nhưng nghe vợ nói mụ Chằng nhiều phép thuật nên còn ngần ngại. Một hôm, mụ Chằng đi kiếm mồi, anh cố dỗ vợ để được xem bảo bối của mụ. Vợ anh dẫn anh đến một gian buồng kín, mở ra và nói:- Cái buồng này luôn luôn khóa kín, mẹ tôi không hề cho ai vào. Hôm nay nhân trộm được chìa khóa mở ra cho anh xem.Trỏ vào một cái gậy, vợ anh bảo:- Đây là cái gậy thần, gõ đầu này thì làm chết người, nhưng gõ đầu kia lại làm cho người chết sống lại.Lại trỏ vào hai cái túi:- Đây là hai thứ bảo bối: một cái có thể làm cho sông biển nổi thành rừng, một cái có thể làm cho núi đồi sụp xuống thành biển, rất mầu nhiệm!Người thợ săn làm bộ nghi ngờ, vợ cố cãi, nói:- Không tin, lúc nào mẹ tôi làm thì anh sẽ biết.- Nếu thế, để tôi thử dùng gậy gõ vào người nàng xem có hiệu nghiệm không, rồi tôi sẽ làm sống lại sau.Cuối cùng vợ anh cũng bằng lòng để cho chồng thử. Chồng vừa gõ vào một gậy, vợ lăn ra chết ngay. Nhưng người thợ săn đã có chủ ý sẵn, anh không làm cho con gái mụ Chằng sống lại nữa, mà cướp lấy chiếc gậy và hai túi đựng bảo bối rồi trốn đi.Anh đi suốt cả một buổi từ sáng đến trưa, không dám dừng lại nghỉ. Khi bóng mặt trời đã ngả về chiều, bỗng nghe có tiếng ào ào đằng sau lưng biết rằng mụ Chằng về trông thấy cơ sự đã đuổi theo kịp mình vì nghe nói mụ có phép rút đất, anh bèn ném mạnh túi bảo bối thứ nhất ra phía sau. Lập tức cả một dãy núi lởm chởm mọc lên, cây cối, tre pheo bạt ngàn sơn dã. Anh lẩm bẩm:- Cho dù có tài phép gì thì vượt được dãy núi này còn bở hơi tai! Nói đoạn lại cắm đầu chạy miết. Nhưng khi mặt trời gác núi, anh đã nghe tiếng mụ Chằng hét ở đằng sau:- Thằng kia, muốn tốt hãy dừng lại!Người thợ săn hoảng quá, nhưng anh cố trấn tĩnh rút ngay túi bảo bối thứ hai ném mạnh về đằng sau. Sau lưng anh vốn đang là một giải đất liền, bỗng hóa ngay thành một biển nước mênh mông, bờ xa tít tắp. Anh lại vừa chạy vừa lẩm bẩm:- Muốn đuổi được ta họa có là bay!Nhưng anh không ngờ rằng mình chạy nhanh là thế, chỉ được một quãng đã thấy mụ đuổi theo gần kịp. Lúc này anh đã mệt quá. Trong cơn nguy cấp, anh đứng lại thủ thế sau một gốc cổ thụ. Khi mụ vượt qua, anh xông ra bất thình lình gõ cho một gậy mụ ngã lăn ra chết quay lơ. Trừ được nạn mụ Chằng, anh ngồi nghỉ cho lại sức. Cuối cùng anh cũng tìm được đường về đến nhà. Bà con xóm giềng thấy anh còn sống ai nấy đều mừng cho anh. Anh không quên dùng gậy phép để cứu giúp mọi người.Buổi ấy, mẹ vua đột nhiên bị một chứng bệnh nguy kịch. Nhà vua là người rất có hiếu, sai rao khắp nước xem ai chữa được sẽ thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin anh thợ săn liền vác cây gậy phép đi vào kinh đô. Nhưng khi vào đến nơi thì mẹ vua chết đã được mấy ngày, sắp làm lễ chôn cất. Anh đến cửa Ngọ môn xin vào chữa. Lính thị vệ cản lại không cho vào. Anh nói:- Tôi nghe nói hoàng đế đang cầu người chữa bệnh cho hoàng thái hậu kia mà.Họ trả lời:- Hoàng thái hậu đã chết cách đây năm ngày rồi, ông vào làm gì nữa.- Chết rồi, tôi cũng chữa được!Nghe nói thế lập tức họ dẫn anh vào cung. Vua sai mở nắp áo quan cho anh làm phép. Chỉ một gậy gõ vào xác, mẹ vua đã ngồi nhổm dậy. Vua và hoàng gia hết sức mừng rỡ, ban thưởng cho anh rất hậu, lại cho làm quan[1].
[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.[2] Theo Báo châu Á, đã dẫn (1889) .[3] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.[4] Theo Truyện cổ Ca-tu, sách đã dẫn.[5] Theo Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt nam, đã dẫn, tập I.[6] Ở chỗ này có lẽ người kể đã lẫn lộn giữa cái bọt biển với cái kỳ lông ngựa.[7] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Truyện cổ tích dân gian ở Ô-véc-nhơ.[8] Theo Đuy-mê-din (Dumézil). Truyện cổ tích La-dơ.[9] Theo Truyện dân gian Miến-điện, sách đã dẫn. [10] Theo Xô-ma Đơ-va (Soma Deva).[11] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn.
KHẢO DỊ
Mô-típ trên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là châu Á. Trước hết, truyện của bộ lạc Giô (Dzo) ở Băng-la-dex (Bangladesh) gần với truyện của ta hơn cả. Một người nhờ phù phép lấy một cô gái là Cun-gô-ri làm vợ. Lấy xong hắn hóa hổ, mang vợ đi mất. Cha cô hứa ai đưa được con mình về sẽ gả cho. Có hai thanh niên là Hơ-pô-tia và Hơ-răng-san nhận đi cứu. Khi đến nơi họ được cô gái giấu vào chỗ kín. Người hổ về nói: "Ta nghe có mùi người". Vợ lấp liếm: - "Chỉ có tôi thôi". Mai sáng người hổ lại đi săn. Một người già bày cho hai anh mang theo các hạt giống lửa, nước và gai góc. Họ nghe lời. Đang chạy thì một con chim mách: - "Chồng nó đang đuổi". Họ ném hạt giống lửa, rừng tự nhiên cháy dữ dội, người hổ không qua được. Lửa tàn, hắn lại đuổi. Chim lại mách. Họ ném hạt giống nước hóa thành sông lớn ngăn cách. Người hổ chờ nước trôi hết lại đuổi. Chim lại mách. Họ ném hạt giống gai góc, gai góc mọc đầy, người hổ mở được một lối, đuổi kịp, nhưng Hơ-pô-tia đã cho một mũi dao, y chết. Đoạn sau xem Khảo dị truyện Thạch Sanh (Số 68, tập II).Truyện Ả-rập (Arabic):Một người có hai con: Một gái, một trai, vợ chết, hắn lấy vợ khác. Hàng ngày đi săn, hắn chỉ được vài con đa đa đem về nấu lên chia nhau. Vợ thấy khẩu phần ít ỏi, bèn xui chồng bỏ hai con lên rừng. Chồng đành nghe lời, nhưng đứa chị nghe lỏm được mưu ấy. Nó bèn bỏ vào rổ của mình một ít thứ quả như chà là, nho khô, hạnh nhân và cám. Sáng hôm sau nó đi cuối cùng, thỉnh thoảng rắc các thứ quả xuống dọc đường, nên cuối cùng chị em lại nhận ra được đường về. Lần thứ hai, bố lại mang con vào rừng sâu. Cô chị lại rắc các thứ quả xuống nhưng vì lần này đứa em đi sau cùng, lần lượt nhặt hết những thứ mà chị nó bỏ xuống, vì vậy hôm ấy không tìm được đường về. Hai chị em đành trèo, lên cây để nghỉ đêm. Sáng dậy gặp một người, chúng nhờ chỉ đường, người kia cho hai cuộn chỉ trắng và đen, dặn đến ngã ba thì tung cả hai lên, hễ cuộn chỉ trắng rơi xuống đường nào thì đi theo đường ấy. Nhưng dọc đường em ném các cuộn chỉ để chơi làm chỉ rối tung rồi đem vứt bỏ. Vì thế, khi đến ngã ba, chúng bị lạc vào nhà một bà Chằng. Sáng mai mụ cầm bình nước đi múc nước chuẩn bị làm thịt hai dứa trẻ. Biết mình sắp chết, chúng nó khóc nức nở. Một con quạ chỉ đường cho chúng trốn, lại cho ba cái túi, dặn khi nào mụ đuổi gần kịp thì lần lượt ném ra sau lưng. Đoạn, con quạ hai lần đánh đổ nước của mụ Chằng để cho chúng có thì giờ chạy xa. Khi biết mất hai đứa trẻ, mụ đuổi theo. Đang chạy, chị bảo em ngoái nhìn đằng sau. "Có cái gì như là một con chim!" - em nói. Một lát lại nói: - "Như con lạc đà". Một lát nữa: - "Mụ Chằng sắp đuổi kịp". Chị bèn ném cái túi đầu tiên, tự nhiên cây mọc rậm rì; nhưng chỉ một lúc sau mụ lại đuổi kịp. Cô chị ném cái túi thứ hai hóa thành sông. Một lúc sau mụ lại đuổi sát nút, cô ném cái túi thứ ba hóa thành một con đường đầy dao cạo và muối. Lần này mụ không đuổi nổi vì dao cạo làm đứt chân mụ và muối làm xót chân. Mụ nói theo: - "Thế là chúng mày thoát rồi đấy. Hãy nghe ta dặn đây: Nếu dọc đường gặp một con cừu nằm ngang bảo cắt hộ lông thì chớ có nghe lời mà chết, lại nữa, nếu gặp hai con chim cãi nhau thì chớ có can, nếu thấy bình nước trong thì chớ có uống". Chúng nó lần lượt gặp các thứ như mụ dặn. Nhưng khi thấy nước, đứa em khát quá đòi uống cho bằng được, mặc dầu chị can mãi. Nó uống xong thì cả người lẫn bình biến mất.Còn một mình chị, sau đó gặp một người chăn cừu, bèn xin mua một tấm da chó, khâu lại rồi mặc vào cho giống con chó. Một hoàng tử thấy chó thì dắt về cho ở một buồng. Đêm đến hoàng tử nghe thấy tiếng ho biết không phải chó, bên rình xem thì hóa ra là một cô gái đẹp. Hoàng tử xin lấy làm vợ. Các ông anh can: - "Sao không lấy người, lại lấy chó". Nhưng khi vua cha thấy cô gái mặc áo quần đẹp vào ra mắt mình, thì cho làm ngay lễ cưới[2].Truyện Ấn-độ ở bán đảo Đê-căng (Déccan):Một người trẻ tuổi bị hung thần (rắc-sa) đuổi. Anh lần lượt ném các vật phép thành sông lớn, rồi núi cao, rồi một dám lửa cháy rừng nhưng hung thần đều vượt qua và cuối cùng đuổi kịp, giết chết.Truyện của người Kiếc-ghi-dơ (Kirghizs) ở Nam Xi-bê-ri (Sibérie):Một người đàn bà trẻ tuổi bị một mụ già độc ác đuổi theo. Chị lần lượt ném một cái lược thành rừng, một cái gương thành hồ lớn để chặn bước tiến của mụ.Ở truyện của người Xa-mô-y-ét (Samoyèdes) thì ba vật báu ném ra sau lưng là: một là hòn đá mài hóa thành sông, hai là đá cò súng hóa thành núi, ba là cái lược cũng hóa thành rừng.Ở một truyện của Thái-lan, vật báu được thay bằng thuốc phép, túi thuốc thứ nhất hóa thành cọc nhọn dựng lên tua tủa, nhưng bà Chằng đã dùng phép phá tan; túi thuốc thứ hai hóa thánh núi cao, cũng thế, túi thuốc thứ ba hóa thành biển. Đến đây bà Chằng hết phép đành phải quay về.Đến truyện của người Ca-phrơ (Cafres) châu Phi thì có khác. Ở đây cô gái con bà Chằng trốn với người mà cô yêu. Bị bố đuổi lần đầu, cô ném một quả trứng hóa thành sương mù dày đặc, lần thứ hai ném một túi da dê đựng sữa hóa thành hồ nước lớn, lần thứ ba ném một cái bình làm cho trời tối tăm mù mịt, lần thứ tư ném hòn đá thành núi lởm chởm.Ở truyện người Man-gát-sơ (Malgasches) có một con chuột mách cho cô gái trước khi trốn mang theo một cái chổi, ném thì hóa thành bụi rậm, một quả trứng hóa thành một cái hồ lớn, một cây sậy hóa thành rừng, và một hòn đá hóa thành núi lởm chởm.Ở truyện người Pô-li-nê-diêng (Polynésiens) ở Xa-moa (Samoa) thì lại là một người con trai mang theo người yêu đi trốn và cũng có tình tiết ném lược thành rừng.Một số truyện sau đây cũng có truyện ném các vật phép thành núi, sông, v.v... nhưng nội dung và kết cấu lại khác.Việt-nam có truyện Con tìm mẹ:Một cô gái sống trong một cái hang trên rừng với một đạo sĩ. Đạo sĩ truyền cho cô nhiều phép lạ. Lớn lên, cô lấy chồng và đi theo chồng ở kẻ chợ. Nhưng khi sinh được một con trai, thì tự nhiên một hôm cô bỏ về ở rừng, và không cho chồng biết chỗ ở của mình. Con lớn lên, một hôm hỏi bố: - "Mẹ con đâu?" Đáp: - "Không biết". Con bèn đến hỏi thầy học. Thầy học vốn có phép độn. liền trỏ đường cho học trò, và dặn: - "Khi tìm được mẹ rồi thì con hãy nhớ: 1) đừng nói với mẹ là ai chỉ đường cho con; 2) nếu mẹ con cho con quả cây gì thì đưa về nhà hãy ăn, hay nếu ăn thì quẳng hột ra sau lưng, đừng quẳng ra phía trước". Đứa bé quả tìm thấy mẹ. Nhưng hắn vốn lơ đãng, quên mất cả những lời dặn dò của thầy. Mẹ hỏi ai chỉ đường, hắn nói thật. Mẹ bèn đùng phép làm cho nhà thầy học cháy để trả thù. Ở nhà, thầy học đã độn biết được việc này nên trước khi đi vắng, dặn người nhà phải dọn đồ đạc cho xong trước canh ba. Nhưng người nhà lại không tin, cứ chần chừ không chịu dọn, nên mọi thứ trong nhà cháy mất cả.Trước khi ra về, người con được mẹ cho một quả cây. Dọc đường đói bụng, hắn lấy ra ăn. Nhưng lại quên lời dặn của thầy, hắn không quẳng hột ra sau lưng, mà quăng ra trước mặt. Tự nhiên những hột này mọc thành rừng. Cây cối bờ bụi dày đến nỗi hắn phải khó khăn mới tìm được đường về, và sau đấy phải bỏ hẳn dự định dẫn bố đi tìm mẹ[3].Truyện của đồng bào Ca-tu Chàng Dưa:Có hai vợ chồng hiếm hoi, ngày nọ làm rẫy thấy quả dưa ngon mắt, bèn hái ăn. Từ đó vợ có mang đẻ được đứa bé không bú, không khóc nhưng lớn như thổi. Lớn lên con ăn rất khỏe, đặc biệt khi nó làm đồ chơi thì những con giống đều biết cử động như thật. Chàng Dưa đi chơi lang thang. Một chúa làng thấy đứa bé có phép lạ liền dọa bắt phải nặn cho hắn thật nhiều voi. Trốn đi, chàng Dưa lại đến một nơi gặp một cô gái đang tắm. Chàng xuống tắm nặn cá to cho lội. Nhưng không ngờ cô gái vốn là con của nữ thần Mặt Trời cũng có phép như thế. Cô nặn một con voi hai đầu, con voi cũng trở thành voi thật. Chàng Dưa rủ cô gái cùng mình trốn về quê. Cô ta đi mang một gùi phép. Hai người cưỡi voi đi suốt ngày đêm. Bị bố mẹ đuổi kịp, cô ném lại đằng sau một hòn đá hóa thành lèn đá dựng chặn đường. Bố mẹ lại đuổi kịp, cô ném một cành tre hóa thành bụi rậm. Lại bị đuổi, cô hóa phép làm thành dãy núi cao (nay là hòn Rơ-gu). Lại bị đuổi nữa, cô hóa phép làm thành con sông lớn (nay là sông Re). Đến đây bố mẹ cô gái dành chịu, phải trở về. Hai người về tới nhà, bố không nhận ra con trai, bèn lấy xôi vắt lại ném vào con, tất cả những vắt xôi đều chui tọt vào mồm hắn - "Đúng là con tôi rồi!" - người bố reo lên. Họ ăn mừng, giết nhiều trâu, bò, lợn, gà đều do hai vợ chồng chàng Dưa nặn ra. Tên chúa làng nghe tin chàng Dưa về thì đến đòi nợ, bắt đắp một con đường sang Lào. Hai vợ chồng nặn một nghìn con voi đi phá đường một lúc xong ngay. Hắn lại bắt làm một cái cầu bắc qua sông Re. Hai vợ chồng làm phép gọi các loại cá tập trung làm thành cầu. Chúa làng rất thích kéo cả họ hàng và các chúa lân cận lên cầu chơi. Hai vợ chồng lại làm phép cho cá lặn hết cả. Bọn chúng đều chết đuối[4].Truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai): Y Rít.Một tù trưởng bắt một chàng trẻ tuổi tên là Y Rít đi tìm cô gái đẹp như tranh do anh vẽ. Y Rít tìm mãi, đến nhà một cô con gái tên là Trát Tô, do một con hổ nhặt được đưa về nuôi kết nghĩa ông cháu. Lúc ấy hổ đang đi vắng. Y Rít rủ nàng theo anh về, Trát Tô bắt một con voi khỏe nhất ra đi, không quên lấy những đồ vật có phép lạ của hổ. Nhưng đi được một chốc, hổ đã đuổi kịp. Cô gái lấy lược phép của hổ cắm xuống thành một rừng trúc. Hổ luồn rừng đuổi theo: cô gái trút ống nước phép thành sông. Nhưng rồi hổ cũng vượt qua được, bắt Y Rít ăn thịt, cõng cháu gái về.Trát Tô xỉa răng cho ông, rơi ra một cục thịt, cục thịt biến thành cây nấm. Từ nấm lại biến thành Y Rít. Hai người lại rủ nhau trốn nhân ông hổ đi vắng, lần này Trát Tô mang theo những vật mầu nhiệm nhất của con hổ. Hổ đuổi theo, cô gái ném viên đá mài làm mọc lên một dãy núi dựng đứng trơn tuột, hổ trèo không nổi đành phải trở lại.Về đến nơi, họ được bà Y Rít là Iă Pôm cho phép lấy nhau. Tù trưởng bắt Y Rít phải đi tìm một bông hoa đỏ bên kia biển, nếu không được sẽ bị mất vợ. Trải bao gian khổ Y Rít lấy được hoa, nhưng bị cá voi nuốt, nhờ dân làng giết cá, mổ bụng cứu được ra. Tù trưởng còn lần lượt bắt chàng phải đi lấy sữa voi, sữa gấu, sữa hổ, lấy dây mây rồi lại bắt chàng đưa cả gia đình xuống hang sâu để lấy chiêng vàng. "ché" bạc. Sóc, nhím, chuột, chồn giúp chàng trong việc cuối cùng này và làm cho tù trưởng và gia đình nó bị chôn dưới đất[5].Truyện Pháp Hoàng tử và con ngựa:Một ông vua một hôm giao cho hoàng tử chìa khóa và bảo: - "Cha bận đi vắng mươi hôm, có đi xem lâu đài thì đừng vào phòng cấm." Hoàng tử đáp - "Vâng", nhưng khi còn lại một mình, thì chàng cứ mở cửa phòng cấm vào xem. Thấy một cái giếng, chàng nhúng thử một ngón tay vào nước. Rút ra, ngón tay vàng khè, chùi không sạch, chàng đành buộc giẻ lại, khi vua cha về hỏi: - "Có vào phòng cấm không?" - "Không" - "Ngón tay làm sao thế?"- "Đứt tay" - "Đưa đây xem". Khi biết sự thật, vua than: - "Không tin con thì biết tin ai bây giờ".Hôm khác vua đi, lại giao chìa khóa cho hoàng tử. Lần này hoàng tử lại vào phòng cấm nhúng áo và đầu vào nước giếng. Trong phòng còn có chuồng ngựa có hai con. Hoàng tử hỏi một con tên là Mo-rô: - "Một bước đi được mấy dặm?" Đáp. - "Mười tám dặm". Lại hỏi con kia là Bay-da, nó đáp: - "Mười lăm dặm". Bèn cưỡi con sau ra đi. Trở về, vua không thấy hoàng tử bèn đi tìm. Hỏi ngựa Mo-rô: - "Con Bay-da đâu?". Đáp: - "Nó đi với hoàng tử". Vua bèn cưỡi lên đuổi theo. Đến đây, tình tiết giống với các truyện trên.Hoàng từ cưỡi con Bay-da đi được khá lâu, bỗng con vật nói: - "Chết mất, đằng sau có hơi thở của con Mo-rô, ông chủ hãy cầm cái bọt biển này quẳng lại đằng sau cho cao cho xa". Bọt biển tự nhiên nổi lên thành rừng. Nhưng chỉ một lát, ngựa Mo-rô lại đuổi gần kịp. Bay-da lại đưa cho chủ cái kỳ lông ngựa bảo ném. Kỳ lông ngựa biến thành sông ngăn cách[6]. Nhưng rồi Mo-rô lại vượt qua. Bay-da lại trao hòn đá ném thành núi cao. Mo-rô đau chân không trèo được đành phải trở lại.Một truyện khác cũng của Pháp sưu tầm ở Ô-vec-nhơ (Auvergne): Cô gái tóc vàng.Một người đàn bà nhà nghèo đông con, bỗng nhiên một hôm có Khổng lồ đến bảo: - "Bà sẽ đẻ một cô gái tóc vàng nhưng phải trao cho ta nuôi thì nó mới sung sướng, nếu không thì khổ". Người đàn bà ưng thuận, khổng lồ nuôi cô con gái rất chăm, không thiếu thứ gì, nhưng hắn cấm cung cô, đặc biệt hàng ngày hắn chải tóc cho cô, đếm kỹ từng sợi. Cô gái sống rất đầy đủ nhưng cũng rất khổ.Một hôm có người thợ săn trẻ tuổi đến lâu đài Khổng lồ lúc hắn đi vắng. Chàng lần đến cửa sổ buồng cô gái trò chuyện rồi xin một sợi tóc. Cô vui lòng nhổ cho. Khi Khổng lồ trở về chải tóc thấy thiếu, hắn mắng cô. Lần thứ hai, lần thứ ba cô vẫn nhổ tóc cho chàng đi săn. Khổng lồ giận, càng canh giữ riết.Một hôm khác, chàng đi săn đưa cô lên ngựa đi trốn. Khổng lồ về thấy mất cô bèn cưỡi ngựa đuổi theo. Sắp đuổi kịp thì cô gái ném một sợi tóc thành một cái hồ. Nhưng rồi Khổng lồ cũng vượt qua. Lần thứ hai, cô lại ném một sợi tóc thành một dòng sông. Khổng lồ cũng vượt được. Lần thứ ba ném hóa thành một lưới lửa, lần này hắn chịu, hai người nhờ đó đi thoát[7].Một truyện của người Jê-or-gi (Géorgie) sưu tầm ở Ba-tum Anh chàng diệt quỷ:Một ông vua có ba con, chỉ dạy cho con cả nghề làm vua. Một hôm vua bắt được quan đầu triều đang ngồi cùng với một phi tần trong cung, bèn hỏi vợ và con nên xử tội thế nào. Vợ đáp: - "Treo cổ quan đầu triều". Người con cả: "Treo cổ cả hai". Người con thứ hai: - "Anh con khôn ngoan hơn, con không biết nói gì hơn". Vua không hỏi con út nhưng nó đáp: - "Không nên treo cổ khi tội chưa rõ". Vua giận, sai đuổi con út ra khỏi nước. Hoàng tử đi mãi đến một nơi gặp một bà già, bèn hỏi đường. Bà nói: - "Đường này đi đến xứ quỷ, có đi không trở về vì chúng biến con thành đá". - "Nhưng con phải đi không thể trở về được". - "Vậy ta bày cho con cách tránh. Hễ thấy người đá chớ mó tay vào, thấy gì quý lạ chớ nhìn. Gặp người già thì chỉ nói mình bị lạc đường. Họ sẽ giao chìa khóa bốn chục căn buồng, nếu mở đúng buồng con cừu thì thoát."Đúng như lời, hoàng tử gặp bọn quỷ hình dạng ông già. Chúng giao cho anh chìa khóa bốn chục căn buồng. Mở được ba mươi tám buồng có đồ đạc quý giá nhưng anh không nhìn ngắm. Vào một buồng khác gặp một cô gái, anh kể chuyện cho cô nghe. Cô bảo anh cố mở buồng con cừu, nhưng mở không được. Cô bảo phải trốn nhanh kẻo bọn quỷ giết chết. Hai người cưỡi lên một con ngựa bạch. Ít lúc sau bọn quỷ đuổi theo, cô rút lược ném hóa thành dãy núi. Quỷ vượt được. Lần thứ hai ném một nắm kim cương, hóa thành bãi đá lởm chởm. Cũng thế. Lần thứ ba ném một chai nước hóa thành biển. Trong khi bọn quỷ nguy khốn giữa biển thì hai người quay trở lại, tìm vào buồng quỷ lấy trộm một gói đất có phép màu nhiệm ném vào người sống thành chết, ném vào người chết thành sống. Sau đó, họ quay ra dùng đất ném chết mụ quỷ canh cửa, rồi lại dùng đất ném cho những người đá sống lại. Mọi người không trở về mà ở lại, tôn hoàng tử làm vua. Anh lấy cô gái làm vợ. Tiếng đồn về chàng diệt quỷ làm cho các vua láng giềng sợ hãi. Bọn này gồm bảy ông vua, hội quân bảy nước đến đánh, nhưng đều thất bại. Trong số bọn vua bị bắt có vua cha hoàng tử, anh chừa lại không giết. Anh vạch cho cha biết mình cũng làm được vua. Tuy nói vậy, sau đó anh nhường ngôi cho anh mình[8]. Truyện Cục thịt của người Miến-điện (Myanmar):Một bà hoàng hậu sinh ra một cục thịt. Vua giận, sai ném xuống sông và bắt cạo đầu hoàng hậu, cho làm người tưới vườn hoa. Một mụ yêu tinh vớt được cục thịt, cục thịt vỡ nhảy ra một em bé trai. Mụ nhận là con. Một hôm mụ đi vắng bảo con chớ có trèo lên tháp nước, chui xuống hang hoặc vào bếp.Ở nhà em bé trèo lên tháp thấy một cụ già bị trói. Cụ kể cho em biết mẹ em là yêu tinh ăn thịt người. Em xuống hang thấy đầu lâu, xuống bếp thấy ba viên thuốc màu nhiệm trong hũ gạo (do cụ già cho biết).Em đi trốn, mụ đuổi theo em ném một viên hóa thành một giải rừng sâu bảy dặm. Mụ vượt được. Em lại ném viên khác hóa bảy ngọn núi cao. Mụ vẫn vượt được. Lại ném viên cuối cùng hóa biển lửa dài bảy dặm. Mụ bị thiêu chết.Nhờ tài bắn, em chiếm được những gói cơm của trẻ chăn trâu thua cuộc. Em lấy cơm đãi thần Na-tơ. Thần trả ơn bằng cách báo cho vua biết. Cuối cùng vua nhận em làm hoàng tử, khôi phục địa vị của hoàng hậu[9].Một loạt những truyện khác tuy cũng có bà con với các truyện trên nhưng hình tượng thì biến cải khá nhiều. Đặc biệt ở đây người đi trốn biến thành một kẻ khác hẳn hoặc thành một vật gì đó dễ đánh lừa người đi tìm. Kể một vài ví dụ:Truyện Pháp Con chim xanh:Một anh chàng con nhà giàu thích dạo rừng. Một hôm đang dạo thấy có con chim xanh đẹp bèn đuổi theo, không ngờ lạc đường. Nửa đêm thấy có ánh sáng bèn đến gõ cửa. Một cô gái ra mở cửa nói ngay: - "Cha tôi là ông Chằng ăn thịt người, sắp về". Đáp: - "Không cần, miễn là tôi được ngủ". Cô gái đành đưa vào. Ông Chằng về bảo ngay: - "Có mùi thịt người". Cô gái chống chế: - "Có một thanh niên. nhưng đừng giết vì nó biết làm nhiều nghề". Sáng dậy, trước khi đi bảo anh phải gỡ rối các sợi chỉ nếu không xong thì ăn thịt. Anh đang bối rối thì cô gái gõ chiếc đũa thần, mọi việc xong ngay. Hôm sau ông Chằng lại bắt anh phân loại một đống lông chim. Lại nhờ cô gái nên cũng làm xong. Hôm sau nữa, khi lão đi vắng, cô gái hỏi xem bố mình bắt anh phải làm việc gì. Anh đáp: - "Không bảo làm gì cả" - "Thế là bố tôi muốn ăn thịt rồi đấy." Bèn dắt nhau đi trốn. Đi được hồi lâu cô gái bảo anh nhìn xem có phải cha mình đuổi theo không. - "Có, đang đi nhanh như gió." Ở đây cô gái không ném gì cả mà hóa làm một cây táo và biến anh thành người đàn bà trảy táo. Ông Chằng đến hỏi: "Có thấy một trai một gái đi qua đây không?". - "Không". Ông Chằng trở về kể lại với vợ. Vợ bảo: - "Thế là ông nhầm rồi: cây táo là con mình, người trảy táo là nó đấy". Ông Chằng lại đi đuổi. Lần này cô gái hóa thành một ngôi đền, anh kia thành một thầy tu quét mạng nhện. - "Có thấy ai qua đây không?". Thầy tu đáp: - "Không". Ông Chằng trở về kể lại, vợ hắn lại cho biết sự thật. Hắn lại đuổi theo. Lần thứ ba cô gái hóa thành cá gáy, anh kia làm sông. Ông Chằng nhảy xuống nước bắt cá bị chết đuối. Hai người sau khi qua khỏi tai nạn bèn kết thành vợ chồng.Người Ấn-độ có một truyện trong sách Biển truyện:Một hoàng tử một hôm đi lạc vào một lâu đài của một lão Chằng (rắc-sa-xa) ở giũa rừng có vua tên là A-nhi-xi-kha. Cô con gái lão lại yêu hoàng tử. Cô nói với bố nếu không lấy được làm chồng, thì sẽ chết. Lão bằng lòng với điều kiện là chàng rể phải làm được bốn việc sau đây trước khi lấy nhau. 1) nhận ra cô gái giữa 100 chị em giống nhau như đúc (cô gái cho anh biết trước cô sẽ buộc trên đầu một chuỗi ngọc nên anh nhận ra ngay). 2) phải cày một đám đất đủ gieo một trăm thúng vừng. 3) nhặt những hạt vừng vừa gieo xong (cô bảo kiến làm giúp), 4) đi mời người em của bố vợ (cô cho một con ngựa phi rất nhanh và những đồ vật mầu nhiệm, dặn hễ mời xong là trốn về ngay, không có nó sẽ ăn thịt).Lão Chằng thấy anh chàng làm xong mọi thử thách lấy làm lạ, bèn gả con gái cho. Ít lâu sau, hoàng tử muốn về quê, vợ hẹn cùng về nhưng phải giữ thật kín. Hai người cưỡi ngựa đi trốn. Chẳng bao lâu lão Chằng biết, đuổi theo. Sắp đuổi kịp, cô gái làm cho chồng và ngựa biến đi, còn mình thì hóa thành một nông phu đang cầm rìu chặt củi. Lão đến hỏi: - "Có thấy một cặp trai gái cưỡi ngựa qua đây không?" - "Không " - "Tại sao mắt ướt"- "Vì vua răc-sa-xa là A-nhi-xi-kha chết, nay phải chặt củi để đốt". Lão về hỏi người nhà, người nhà cho biết vua còn sống. Lão lại đuổi. Sắp kịp thì cô gái hóa thành người đưa thư, ta cầm một phong thư. - "Mày đi đâu'. - "Đưa thư". - "Thư nói gì?" - "Nói vua A-nhi-xi-kha bị tử thương, nay gọi người em đến để giao nước cho". Lão lại chạy về, biết là mình bị lừa nhưng không đi tìm nữa[10].Truyện của bà Ôn-noi Cây cam và con ong:Một hoàng tử lạc đến một xứ Chằng: ở đây có một công chúa cũng bị bắt, hai bên yêu nhau rồi cùng cưỡi lạc đà đi trốn, mang theo chiếc đũa thần. Người xứ Chằng đuổi theo. Lần đầu công chúa dùng đũa thần hóa con lạc đà thành hồ, hoàng tử thành chiếc tàu, công chúa thành bà chúa tàu già. Lần thứ hai, hóa lạc đà làm cột, hoàng tử làm ảnh treo cột, công chúa làm một thằng lùn. Lần cuối cùng hóa lạc đà làm cái thùng, hoàng tử làm cây cam. Công chúa làm con ong bay lượn.Ở truyện của người Thụy-điển (Suède) thì lần đầu hai người hóa thành hai con chuột, lần thứ hai hai con chim, lần thứ ba hai cái cây.Trong một anh hùng ca của người Tác-ta (Tartares) ở Nam Xi-bê-ri (Sibérie) có kể: Người anh hùng Ai To-li-si bắt cóc một cô gái. Ba người em của cô gái đuổi theo. Cô gái làm phép hóa con ngựa thành cây bạch dương, hai người thành quạ đậu trên cây. Ba người em không biết đành trở về không[11].[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.[2] Theo Báo châu Á, đã dẫn (1889) .[3] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.[4] Theo Truyện cổ Ca-tu, sách đã dẫn.[5] Theo Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt nam, đã dẫn, tập I.[6] Ở chỗ này có lẽ người kể đã lẫn lộn giữa cái bọt biển với cái kỳ lông ngựa.[7] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Truyện cổ tích dân gian ở Ô-véc-nhơ.[8] Theo Đuy-mê-din (Dumézil). Truyện cổ tích La-dơ.[9] Theo Truyện dân gian Miến-điện, sách đã dẫn. [10] Theo Xô-ma Đơ-va (Soma Deva).[11] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn.