Đó là cách của Người Đàn Ông Vĩ Đại. Ông chọn thời điểm của mình, và cái tưởng như là một thử thách đối với quyền lực của ông cuối cùng lại đóng góp thêm cho quyền lực đó. Thêm một lần nữa ông tự chứng tỏ mình là bạn của dân tộc, petit peuple, như ông vẫn thích gọi họ, và ông trừng phạt những kẻ chống đối lại. Nhưng Người Đàn Ông Vĩ Đại chưa từng đến thăm thị trấn chúng tôi. Có lẽ, như Raymond nói, những bản báo cáo ông nhận được không chính xác hoặc không đầy đủ. Và thời điểm đó một cái gì đó sai lầm đã diễn ra. Tất cả chúng tôi đều nghĩ đội Vệ binh trẻ là một mối đe doạ và mọi người đều sung sướng thấy họ biến đi. Nhưng chính sau khi giải tán đội Vệ binh trẻ, mọi việc ở thị trấn của chúng tôi bắt đầu trở nên tồi tệ. Cảnh sát và các quan chức của mình bắt đầu gây khó khăn. Họ hành hạ Metty bất cứ lúc nào nó lái xe, ngay cả khi đi rất gần, đến chỗ hải quan. Nó luôn phải ngừng xe, đôi khi bởi những người nó quen, đôi khi bởi những kẻ từng dừng xe nó lại trước đó, và giấy tờ xe bị kiểm tra, cả giấy tờ tuỳ thân của nó nữa. Đôi khi nó phải để xe lại và đi bộ về cửa hiệu để lấy giấy chứng nhận hay giấy tờ gì đó nó không mang theo. Và cũng chẳng ích gì hơn nếu nó có đủ giấy tờ. Một lần, không có lý do gì hết cả, nó bị đưa đến trụ sở cảnh sát, phải lăn dấu tay và – cùng với một số người mất tinh thần khác đã bị hốt đến – phải mất toi một buổi chiều với những bàn tay đen thui trong căn phòng với những chiếc ghế gỗ đen thui, sàn nhà bê tông rạn và những bức tường xanh xấu xí và chiếu sáng từ trên đầu và trên vai cọ vào họ. Căn phòng, mà tôi đã cứu nó ra vào cuối buổi chiều, sau này sẽ ám ảnh nó rất lâ u, nằm trong ngôi nhà nhỏ bằng bê tông cốt thép ở đằng sau toà nhà chính thời thuộc địa. Sàn nhà chỉ cách mặt đất có vài inch, cửa mở, và gà qué kiếm ăn trong cái sân trống trơn. Đơn sơ và ngập ánh sáng chiều như một căn phòng bình thường như thế, nó lại là nhà tù. Có một cái bàn và một cái ghế dành cho sĩ quan phụ trách, những cái thứ đồ nội thất đó càng khiến những người bị nhốt trong đó mất tinh thần hơn. Viên sĩ quan mồ hôi chảy ròng ròng trong bộ quân phục hồ quá cứng, chậm rãi viết vào quyển sổ cái, tô từng chữ một, có vẻ như đang vào sổ các chi tiết từ những mẩu giấy bẩn thỉu đầy vết vân tay. Y có một khẩu súng. Có một bức ảnh Tổng thống đang cầm cây gậy uy quyền, và trên đó, trên bức tường xanh, rất cao ở trên, nơi bề mặt tường không bằng phẳng đầy bụi bặm, có dòng khẩu hiệu Discipline Avant Tout - Kỷ luật là trên hết. Tôi không thích căn phòng này, và tôi nghĩ tốt hơn hết sau chuyện này không để Metty lái xe nữa, tự tôi sẽ tới chỗ nhân viên và môi giới hải quan. Nhưng rồi bọn sĩ quan cũng lại đối xử với tôi như thế. Họ lục lại các tờ khai hải quan cũ, những thứ đã được đóng dấu và được quy định theo mẫu từ lâu, và mang chúng đến cửa hiệu, vẫy vào mặt tôi như những tờ giấy đòi nợ đến hạn phải trả. Họ nói họ đang có áp lực từ thượng cấp và muốn làm lại vài chi tiết với tôi. Thoạt tiên họ còn rụt rè, giống như những thằng bé muốn làm cho tôi một điều tốt nào đó, rồi họ quay ra tức tối, như những quan chức bị chạm nọc. Những người khác muốn kiểm tran kho hàng của tôi xem có gian dối gì so với những lời khai trong tờ khai hải quan và hóa đơn bán hàng của tôi, những người khác nói muốn kiểm tra giá cả. Thật là phiền phức, và mục đích là tiền, và tiền thật nhanh, trước khi mọi chuyện thay đổi. Những người đó đã đánh hơi thấy những đổi thay sắp tới, trong sự giải tán đội Vệ binh trẻ họ đã thấy những dấu hiệu yếu ớt của Tổng thống, chứ không phải là sức mạnh. Và trong tình hình đó tôi không thể cầu viện ai được. Mọi quan chức đều sẵn sàng, để được coi trọng, đảm bảo về đạo đức của mình. Nhưng không một quan chức nào ở chức vụ đủ cao hoặc đủ an toàn để đảm bảo đạo đức một quan chức khác. Mọi việc trong thị trấn vẫn thế - quân đội đóng ở các doanh trại, những bức ảnh Tổng thống ở khắp nơi, tàu thuỷ từ thủ đô đến. Nhưng mọi người đã mất đi hoặc đã vứt đi ý tưởng về một quyền lực nhìn thấu mọi sự, và mọi thứ lại trở nên trôi tuột như ban đầu. Đến lần này, sau bao nhiêu năm hoà bình và hàng hoá đầy trong kho, người ta trở nên tham lam hơn. Điều xảy đến với tôi cũng xảy đến với những người buôn bán khác. Ngay cả Noimon, nếu ông vẫn ở lại, có thể cũng phải chiịu chung số phận. Mahesh âu sầu hơn bao giờ hết. Anh nói "Tôi vẫn thường nói: mi có thể thuê chúng, nhưng mi không thể mua được chúng". Đó là một trong những câu châm ngôn của anh, nó có nghĩa là ở đây không còn có thể có những mối quan hệ thăng bằng nữa, rằng chỉ còn có những bản hợp đồng qua ngày giữa người và người, và trong cơn khủng hoảng đó hoà bình là cái gì đó bạn có thể mua tươi sống hàng ngày. Lời khuyên của anh là chịu đựng đến cùng. Thì chúng tôi cũng chẳng thể nào làm gì khác được cả. Cảm giác của tôi – sự thoải mái bí mật của tôi trong khoảng thời gian này – là các quan chức đã làm rối tình hình và sự điên cuồng của họ tự họ gây ra. Cũng giống như Raymond, tôi ngày càng tin vào sự khôn ngoan trong quyền lực của Tổng thống, và luôn tin ông có thể làm gì đó để đảm bảo quyền lực của mình. Vì vậy tôi nói dối quanh co và không chịu trả tiền, vì nếu trả lần đầu tôi sẽ tiếp tục phải trả mãi. Nhưng sự kiên nhẫn của những tên quan chức đó lớn hơn của tôi. Không có gì quá lời khi nói rằng không ngày nào không có một viên quan chức nào đó rờ đến tôi. Tôi bắt đầu chờ họ gọi. Điều này khiến thần kinh của tôi trở nên căng thẳng. Đến giữa buổi chiều mà vẫn chưa có ai gọi tới là tôi thấy mình mồ hôi đầm đìa. Tôi ngày càng căm ghét và sợ hãi, những khuôn mặt cười cười malin gí sát vào mặt tôi trong một sự thân tình và cứu giúp giả dối. Và rồi áp lực giảm dần. Không phải vì Tổng thống đã hành động gì đó, như tôi từng hy vọng. Nhưng bởi vì bạo lực đã đến thị trấn của chúng tôi. Không là những vụ đánh lộn và giết nhau như kịch trên hè phố mỗi tối nữa, mà là cuộc tấn công định kỳ, hàng đêm vào nhiều khu vực khác nhau tại các trụ sở cảnh sát và bản thân các cảnh sát cùng các quan chức và thợ xây. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, chính các quan chức đã thấy trước được sự việc sẽ đến, trong khi tôi thì không. Chính vì lẽ đó họ đã ra sức vơ vét đến mức có thể. Một đêm bức tượng đức mẹ đồng trinh châu Phi và đứa con ở Khu bị giật đổ khỏi cái bệ của nó và bị phá tan tành, như là ngày trước những bức tượng thời thuộc địa. Từng bị nghiền nát, và tòa nhà bên ngoài cầu tầu cũng vậy. Sau đó các quan chức bắt đầu biến đi đâu hết. Họ thôi không tới quấy rầy cửa hiệu nữa, họ còn quá nhiều việc khác để làm. Và dù tôi không thể nói liệu mọi việc có trở nên tốt đẹp hơn không thì bạo lực vẫn tới, với tôi cũng như mọi người tôi gặp trên phố và các quảng trường, thật lạ, hầu hết chúng tôi lại cảm thấy vui mừng, giống như khi ngắm nhìn một ngọn lửa lớn hoặc một cơn bão. Tại cái thị trấn đang lớn bổng, đông chật người, không có luật lệ của chúng tôi, đã có một số cuộc bạo loạn. Đó là những cuộc quấy rối liên quan đến nước sạch, và trong nhiều trường hợp tại các thị trấn nghèo đói đã từng có những bạo loạn khi ai đó bị xe chẹt chết. Trong điều hiện đang diễn ra vẫn còn cái nhân tố c sự điên cuồng của mọi người, nhưng cũng rõ ràng rằng chúng có tổ chức hơn, hoặc ít nhất nó cũng có một kỷ luật nghiêm hơn. Vài lời dự báo, hình như vậy, đã được tung ra quanh các khu cité và các thị trấn nghèo đói và đã tìm được sự khẳng định torng suy nghĩ của rất nhiều người. Chính vì thế các quan chức đã rời đi. Một buổi sáng, khi mang cà phê đến cho tôi, Metty, trông rất nghiêm trang, đưa cho tôi một mẩu giấy, được gấp lại kỹ càng, bẩn thỉu dọc theo đường viền bên ngoài. Đó là tờ truyền đơn với tiêu đề "Tổ tông gào thét" được xuất bản bởi một tổ chức nào đó có tên là Đội Quân Tự Do. "Tổ tông gào thét". Quá nhiều vị thần giả dối đã đáp xuống mảnh đất này, nhưng không vị nào lại giả dối bằng các vị thần ngày nay. Việc thờ phụng người phụ nữ châu Phi đã làm mờ đi hình ảnh người mẹ thật sự của chúng ta, và kể từ chiến tranh là hoạt động chính trị mở rộng, chúng ta quyết định đôi mặt với Kẻ Thù bằng đụng độ vũ trang. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều đã chết vĩnh viễn. Các bậc Tổ tông đang gào thét. Nếu chúng ta không điếc chúng ta sẽ nghe thấy họ. Chúng ta gọi những thế lực đế quốc, các công ty đa quốc gia và những chính phủ bù nhìn là Kẻ Thù, là những đức chúa giả dối, những kẻ tư bản, những kẻ giáo sĩ và giáo viên đã đưa ra cách diễn giải giả dối. Luật pháp khuyến khích tội ác. Các trường học rao giảng sự ngu dốt và mọi người thực thi sự ngu dốt hơn là yêu thích văn hoá thực sự của mình. Lính tráng và cảnh vệ của chúng ta được cung cấp những ham muốn giả dối và giờ đây ở mọi nơi những người nước ngoài coi chúng ta là những tên trộm. Chúng ta đang mơ hồ về chính mình và đang dẫn mình đi lạc lối. Chúng ta đang bước gần đến cái chết. Chúng ta đã quên mất Những Đạo Luật Sự Thật. Chúng ta – Đội Quân Tự Do, không hề được giáo dục. Chúng ta không in sách và phát biểu. Chúng ta chỉ biết Chân Lý, và chúng ta coi mảnh đất này là mảnh đất của những người mà tổ tông của họ đang phản đối. Dân Tộc Chúng Ta phải hiểu được sự thách thức. Họ phải học cách chết với chúng ta. Metty nói nó không biết tờ truyền đơn này từ đâu đến. Ai đó đã nhét vào nó người đêm hôm trước. Tôi nghĩ nó biết nhiều hơn thế, nhưng không bắt nó nói. Chúng tôi không có nhiều máy in trong thị trấn, và tôi thấy ngay là tờ truyền đơn – được in rất tồi, chữ gãy và lẫn lộn vào nhau – đến từ hiệu in được sử dụng để in tờ báo tuần của đội Vệ binh trẻ. Tờ báo đó, khi còn tồn tại, đã từng là tờ báo địa phương duy nhất ở đây, và là một tờ báo không có ý nghĩa gì – cũng giống như những tờ báo tường của trường học, với những mẩu quảng cáo vớ vẩn của các thương gia, người buôn bán và thậm chí cả những người bán các sạp hàng ở chợ, và một ít gọi là tin tức (đúng ho_nó là những lời hăm doạ gửi chung tới cho mọi người) về những kẻ không chịu theo các quy định đi lại hoặc sự dụng xe cộ của chính phủ như là taxi ban đêm hoặc ngủ ở chỗ không được phép. Còn lạ hơn thế nữa. Các sĩ quan của đội Vệ binh trẻ, khi còn phục vụ Tổng thống, đã từng rất căm ghét những người họ dẫn tới cảnh sát. Giờ đây, bị làm nhục bởi Tổng thống trong bài phát biểu "con khỉ" đó, bị tước mất quyền lực và việc làm, họ hiện ra trước mọi người như là những người bị hắt hủi đau khổ của vùng, như là những người bảo vệ mọi người trong vùng. Và mọi người hưởng ứng. Điều này cũng giống như khoảng thời gian trước cuộc nổi loạn. Nhưng hồi đó không hề có những tờ truyền đơn, không có những lãnh tụ trẻ và có giáo dục đến thế. Và con một cái gì đó khác nữa. Vào thời cuộc nổi loạn thị trấn mới chỉ đang bắt đầu được tái thiết, và những biến lọan đầu tiên bắt đầu từ khá xa, tại các ngôi làng. Giờ đây mọi thứ đều diễn ra trong bạo lực, và đầu tiên dường như chỉ hướng tới các quan chức thì giờ đây đã ngày càng trở nên thông thường hơn. Các quầy hàng và cửa hiệu châu Phi bị tấn công và cướp bóc. Người ta bắt đầu bị giết bằng những cách thức thật rùng rợn bởi những kẻ gây bạo loạn và cảnh sát và các quan chức tại các thị trấn nghèo khổ Thoạt tiên là người châu Phi và các vùng lân cận, tiếp đó là những người nước ngoài và vùng trung tâm – tôi quan sát thấy tiến trình đó ở đây. Nghĩa là, vừa mới thoát được kiểu tấn công của các quan chức mà tôi không thể kêu đâu được, lại một lần nữa tôi phải nghĩ mình đang trơ trọi, không có gì che chắn. Tôi mang nỗi sợ hãi này theo mình trên những đường phố quen thuộc, cái cảm giác mà giờ đây tôi thấy bị tổn thương một cách cụ thể. Đường phố bao giờ cũng nguy hiểm. Nhưng không phải với tôi. Với tư cách một người đứng ngoài, cho đến giờ tôi luôn tách biệt với bạo lực mà tôi chứng kiến. Sự loạn lạc có quy mô thật lợ Nó cắt đứt mọi thứ, và lần đầu tiên tôi nghĩ đến một cuộc tranh đấu. nếu đã từng có một ngôi nhà an toàn chờ tôi về, ở khá xa thị trấn nơi có thể để tôi vào, tôi tin rằng lần này mình đã bị bỏ rơi. Đã từng có một căn nhà, đã từng có nhiều căn nhà như thế. Nhưng giờ đây không còn ngôi nhà nào như thế nữa. Tin tức từ Nazruddin đứt đoạn. Năm đầu tiên của gia đình ông ở Canada bắt đầu rất tệ, ông lại lần nữa hốt cả gia đình đi và lần này thì sang Anh. Thế giới bên ngoài không còn cung cấp chỗ trú ngụ nữa, với tôi nó vẫn là một cái gì đó to lớn không được biết đến, và ngày càng đáng sợ. Điều tôi từng một lần viết một cách giả dối cho Nazruddin giờ đã thành sự thật. Tôi không còn vị thế để hành động nữa. Tôi phải ở lại chỗ mình đang ở. Và, quên mất các mục đích, tôi tiếp tục sống cuộc đời của mình, tôi đã học được điều đó nhiều năm trước từ Mahesh. Và sự việc ngày càng đi sâu hơn, trong những mối quan hệ của tôi với mọi người mà tôi biết, mà tôi đã quên không nghiên cứu khuôn mặt nữa, đã quên đi nỗi sợ hãi của mình. Theo cách này nỗi sợ, cảm giác mà ai cũng có thể thấy và đến vào bất kỳ lúc nào, trở thành nền tảng, một điều kiện của cuộc sống, là cái gì đó bạn buộc phải chấp nhận. Và tôi gần như bình thản với điều mà một người Đức từ thủ đô đến, một người trạc sáu mươi tuổi, nói với tôi một chiều tại câu lạc bộ Hellenic. Ông ta nói "Trong tình hình này, anh không thể suốt ngày sợ hãi như thế. Điều gì đó có thể xảy ra, nhưng anh phải nghĩ nó như là một tai nạn vớ vẩn. Điều gì đó bên ngoài tầm kiểm sóat của anh, điều có thể xảy ra ở bất cứ đâu". Thời gian trôi đi. Không một tiếng nổ nào vang tới, không một động lực nào như tôi đã chờ đợi lúc đầu. Những tiếng súng đã không nổ ở trung tâm, những ý nghĩa của cuộc nổi loạn đã bị giới hạn. Các cuộc tấn công và giết chóc giảm dần, cảnh sát bắt đầu truy bắt, dường như đã có một sự cân bằng nào đó. Hai hoặc ba người bị giết mỗi tối. Nhưng, thật lạ, tất cả dường như diễn ra ở xa lắm. Sự uể oải to lớn và không thể kiểm soát của thị trấn đã bóp nghẹt toàn bộ và chỉ để lộ ra những sự kiện quái đản nhất, mọi người trên đường phố và quảng trường đã không còn chờ đợi tin tức nữa. Tin tức, trên thực tế rất hiếm. Tổng thống không tuyên bố gì, và đài hoặc báo chí từ thủ đô cũng không đưa thêm tin tức gì cả. Tại trung tâm thị trấn của chúng tôi cuộc sống lại tiếp tục như trước. Thương gia đến từ thủ đô bằng máy bay hoặc tàu thuỷ và lại đến ở chỗ Van der Weyden, đến ăn ở những quán ăn nổi tiếng nhất, giải trí ở những hộp đêm nổi tiếng nhất và không hỏi han gì, có thể họ chẳng hề hay biết thị trấn vừa trải qua một trạng thái nổi loạn, rằng cuộc nổi loạn có những kẻ cầm đầu và – dù tên họ chỉ được biết đến trong số chúng tôi – những người tuẫn đạo của nó. Có lúc nào đó, Raymond từng có vẻ một người sợ hãi. Vào một thời điểm nào đó dường như ông đã quyết định mình không thể tiếp tục được gọi về làm sủng thần của Tổng thống nữa, và ông đã thôi không chờ đợi nữa, không còn tìm cách đọc các dấu hiệu nữa. Tại bữa tối ở nhà ông không còn phân tích hay giải thích các sự kiện, ông không còn cố lắp ghép mọi thứ vào với nhau nữa. Ông nói về lịch sử hoặc về Theodor Mommsen. Tôi không biết ông đang nghiên cứu gì, và Yvette cũng không biết, nàng cũng không quan tâm mấy. Một lúc nào đó tôi đã có cảm giác là ông đang đọc những thứ cũ kỹ ông từng viết. Ông nhắc đến một cuốn nhật ký ông viết khi lần đầu tiên đến vùng này. Ông đã quên mất nhiều thứ quá, ông nói, quá nhiều thứ quá u buồn để quên đi. Chúng thường xuyên là một trong những chủ đề tại bàn ăn, dường như ông nhận ra điều đó và bỏ lửng. Sau đó ông nói "Thật lạ khi đọc những dòng nhật ký đó. Hồi ấy bạn thường tự cào da để xem mình có bị chảy máu không". Cuộc nổi loạn làm ông thêm rối trí, và sau khi bức tượng đức mẹ ở Khu bị phá nát ông trở nên rất nóng nảy. Không còn bộ quần áo của Tổng thống hiện ra để hỗ trợ người của ông bị tấn công, ông định cho họ nghỉ việc. Và giờ đây Raymond sống trong nỗi sợ bị cắt chức. Đó là điều đã rơi xuống đầu ông – công việc, chỗ ở, lương thực của ông, sự an toàn đơn giản nhất. Ông là một phế nhân, và ngôi nhà trong Khu giống như nhà của thần chết. Sự mất mát cũng thuộc về phía tôi. Ngôi nhà này rất quan trọng với tôi, như giờ đây tôi đã thấy, ngôi nhà phụ thuộc rất nhiều vào sức lực và sự lạc quan của cả hai người đang sống ở đó. Một Raymond phế nhân không nghĩ gì về những buổi tối của tôi ở đó. Những buổi tối tại ngôi nhà đó là một phân trong mối quan hệ của tôi với Yvette, chúng không thể giản đơn bị chuyển đến một địa điểm khác. Điều này có thể có nghĩa là một bài thơ điền viên, một kiểu thị trấn khác, một kiểu quan hệ khác, không giống như cái mà tôi đã từng có. Cuộc sống của tôi với Yvetten phụ thuộc vào sức lực và sự lạc quan của cả ba người chúng tôi. Tôi lo sợ với phát hiện này. Tôi đã phát hiện nó lần đầu tiên khi đang ở dưới áp lực của các viên quan chức. Tôi muốn giấu nàng điều này. Tôi cảm thấy mình có thể đến với nàng, và được ở với nàng theo cách tôi muốn, mạnh mẽ, như tôi vẫn thường đến với nàng. Tôi không thể để nàng thấy tôi là người bị những người khác giằng xé và làm suy yếu. Nàng có lý do của mình để trở nên nóng nảy, tôi biết điều đó, và tôi không thể chịu được ý nghĩ về sự mất mát sẽ tới cùng với tiện nghi. Đó là lần đầu tiên – như thể chúng tôi hiểu nhau – chúng tôi bắt đầu giãn cách những cuộc gặp. Những ngày đầu không có Yvette, những ngày đầu sống trong sự cô độc, nỗi phấn khích nhỏ bé và viễn cảnh rõ ràng là thật nặng nề. Tôi thậm chí có thể giả vờ mình là một người tự do và do đó có thể sống mà không có nàng. Rồi nàng có thể sẽ gọi điện. Việc nhận ra rằng tôi vẫn còn cần thiết cũng đã là một sự thoả mãn, và có thể được biến đổi, trong khi tôi chờ đợi nàng ở căn hộ, thành sự tức tối và tự chán ghét, nó có thể tiếp tục tiến đến thẳng cái khoảnh khắc khi, sau khi đã đi qua cầu thang bên ngoài, nàng đến phòng khách, mọi sự tức tối của Raymond và những ngày đã qua biểu hiện rõ trên khuôn mặt nàng. Rồi rất sớm sủa, trong tâm trí của tôi, những ngày giãn cách có thể đã biến đi, thời gian có thể lùi xa. Giờ đây về mặt thể xác mà nói tôi biết nàng rất rõ, bất cứ cuộc gặp nào cũng có thể là cuối cùng. Nhưng ý tưởng về tính liên tục đó, tuy vẫn ngự trị ở những thời điểm thân tình, chặt chẽ này, chỉ là một ảo tưởng, tôi biết vậy. Có những giờ và những ngày ở nhà nàng, với Raymond, đó là sự riêng tư rất riêng của ông, và sự tìm kiếm riêng của nàng. Càng ngày nàng càng có ít tin tức đi. Có những sự kiện giờ đây chúng tôi không còn chia sẻ cho nhau, và càng có ít hơn những điều có thể nói với tôi mà không phải giải thích. Giờ đây nàng gọi điện thoại cho tôi khoảng mười ngày một lần. Mười ngày giống như là cái ngưỡng mà nàng không thể vượt qua. Một trong những ngày đó – khi chiếc giường cỏ to đã được duỗi thẳng, nàng trang điểm lại khuôn mặt và nhìn vào những phần của cơ thể trong tấm gương để bàn, trước khi quay trở về Khu – tôi đã nghĩ rằng có cái gì đó thật tệ trong quan hệ của chúng tôi. Dường như tôi là người cha, người chồng tốt, hoặc thậm chí như người bạn của một người phụ nữ, nhìn nàng đang chuẩn bị đến cuộc hẹn với tình nhân. Ý nghĩ như vậy giống như một giấc mơ khủng khiếp, cố định một nỗi sợ mà chúng ta không muốn công nhận, và có hiệu ứng của một khải lộ. Tôi cho rằng, khi nghĩ về sự gay gắt của mình và thất bại của Raymond, tôi đã bắt đầu coi Yvette cũng là một phế nhân, bị cầm tù trong thị trấn, ốm yếu như chính nàng và tài sản bị bỏ phí của cơ thể nàng như là tôi đã phát chán với bản thân vàa những lo lắng của mình. Giờ đây, nhìn Yvette đang đứng trước tấm gương bàn, nhìn nàng rực sáng hơn là tôi đã cho nàng, tôi thấy mình đã sai lầm làm sao. Những ngày trống vắng đó khi nàng ở cách xa tôi, những ngày mà tôi không thể đòi hỏi, nàng có thể làm đủ thứ chuyện. Tôi bắt đầu chờ đợi sự khẳng định. Và rồi, cuộc gặp thứ hai sau đó, tôi nghĩ rằng tôi đã tìm ra Tôi biết nàng rất rõ. Ngay cả đến bây giờ, tôi cũng chưa bao giờ dễ dàng nhìn thẳng vào nàng. Không có cách nào khác có thể có ý nghĩa, không có cách nào khác. Cái nàng lấy đi khỏi con người tôi vẫn là điều lạ lùng. Những câu trả lời của nàng cũng là một phần của món quà tặng, và tôi đã ngày càng quen với chúng, tôi đã học được cách đánh giá chúng một cách tinh tế. Một lần tôi đã có cơ hội biết được ký ức nhạy cảm của nàng về tôi đã bắt đầu khởi động và nối hiện tại với quá khứ. Nhưng giờ đây, vào lúc tôi đang nói, những câu trả lời của nàng đầy lẫn lộn. Có gì đó đã xen vào, một thói quen mới đã bắt đầu hình thành, đã làm ảnh hưởng đến trí nhớ ngày xưa vốn rất tinh tế. Đó là điều tôi đã chờ đợi. Nó phải thế, một ngày nào đó. Nhưng thời điểm này giống như là thuốc độc vậy. Sau đó tới khoảng trống kinh khủng. Chiếc giường cỏ to đã được dọn dẹp lại – công việc của người nội trợ vẫn vậy, sau khi được sử dụng với biết bao đam mê. Tôi đang đứng. Nàng cũng đang đứnjg, ngăm môi mình trong gương. Nàng nói "Anh làm em trông khá quá này. Anh làm gì nếu không có em?" Đó là một sự lịch thiệp đạt tiêu chuẩn. Nhưng rồi nàng nói "Raymond sẽ muốn làm tình khi trông em như thế này". Và điều này rất bất bình thường, hoàn toàn không giống với nàng. Tôi nói "Anh làm em phấn khích à?" "Những người già hơn không ghê tởm như anh nghĩ đâu. Và dù sao đi nữa em cũng là đàn bà. Nếu một người đàn ông làm gì đó với em, em phải phản ứng thôi". nàng không muốn làm tôi bị tổn thương, nhưng nàng đã làm vậy. Và rồi tôi nghĩ, nhưng nàng có thể có lý, Raymond giống như một đứa trẻ bị đánh đòn vậy. Nàng sắp trở về với tất cả những thứ đó. Tôi nói "Anh nghĩ anh đã làm khổ ông ta". "Raymond? Em không biết. Em không nghĩ thế. Ông ấy không bao giờ biểu lộ gì cả. Dĩ nhiên, bây giờ ông ấy có thể, ông ấy có lẽ đã hơi khác". Tôi đì cùng nàng ra tầng đệm, bóng của ngôi nhà trùm lên sân, những cái cây phía trên những ngôi nhà và hàng cây bên ngoài, ánh sáng buổi chiều giát vàng, bụi trong không khí, những lùm cây phượng, mùi đun nấu. Nàng vội vã đi xuống những bậc cầu thang gỗ đến một nơi ánh nắng mặt trời, trải giữa những ngôi nhà, đổ lên người nàng. Rồi, trong tiếng ồn của những cái sân xung quanh, tôi nghe tiếng nàng nổ máy xe. Và chỉ vài ngày sau đó tôi nghĩ thật lạ làm sao khi chúng tôi lại nói về Raymond vào thời điểm đó. Tôi đã nói về nỗi đau khổ của Raymond khi tôi nghĩ về bản thân mình, và Yvette đã nói tới nhu cầu của Raymond khi nàng nghĩ đến những nhu cầu của chính nàng. Chúng tôi đã bắt đầu nói, nếu không phải ngược lại, thì chí it cũng theo cách gián tiếp, biến những dấu hiệu với sự thật đó thành những cái người ta trong các trường hợp khác thấy không cần phải làm. Khoảng một tuần sau, một tối tôi nằm trên giường đọc một cuốn tạp chí bách khoa toàn thư của mình về nguồn gốc "big bang" của vũ trụ. Đó là một chủ đề thân thuộc, tôi thích đọc trong những cuốn bách khoa toàn thư khác. Kiểu đọc đó không phải là để lấy kiến thức, tôi đọc để tự gợi mình lại theo một cách đơn giản và vui vẻ mọi thứ mà tôi không biết đến. Đó là một kiểu thuốc phiện, nó làm tôi mơ mộng về một thời gian tương lai bất khả nào đó, khi đang giữa thời buổi hoà bình thế này, tôi có thể bắt đầu toàn bộc các vấn đề và hiến mình cả ngày cả đêm cho học tập. Tôi nghe tiếng xe. Và tôi biết, trước khi có tiếng chân bước trên các bậc cầu thanh, rằng đó là Yvette, đã đến thật tuyệt vời vào cái giờ muộn màng này, không báo trước. Nàng bước rất nhanh qua các bậc cầu thang, giầy và quần áo nàng tạo thành một loại tiếng động khi đang đi, và nàng mở cửa phòng ngủ. Nàng đã ăn mặc thật cẩn thận, và khuôn mặt nàng hồng hào. Hẳn là nàng đã ở một bữa tiệc nào đó quay về. Ăn mặc như thế, nàng lao đến giường và ôm lấy tôi. Nàng nói "Em thử một vận may. Suốt bữa tối em cứ nghĩ đến anh, ngay khi em có thể chuồn đi. Em phải làm. Em không chắc anh có nhà không, nhưng em cứ thử xem". Tôi có thể ngửi thấy mùi bữa tối và mùi rượu trong hơi thở của nàng. Tất cả đều diễn ra thật nhanh – kể từ lúc có tiếng sập cửa xe cho đến lúc có cảnh như thế này; Yvette nằm trên giường, căn phòng trống rỗng biến đổi, Yvette trong tâm trạng vui vẻ, nồng nhiệt giống như tâm trạng đã có lần đầu tiên khi nàng đến căn hộ buổi tối sau bữa tối ở Khu. Tôi thấy mình đang khóc. Nàng nói "Em không thể ở lại được. Em chỉ có thể hôn và đi thôi". Sau đó nàng nhớ quần áo của mình còn đang khá xộc xệch. Đứng trước gương, nàng kéo váy lên để cho áo vào. Lúc đó, tôi nằm lại trên giường. Ngoảnh đầu sang một bên, nhìn vào gương, nàng nói "Em nghĩ anh lại rơi vào những ám ảnh cũ rồi đấy". Dường như lần này nàng muốn nói cụ thể hơn. Nàng đã đánh mất tâm trạng mà nàng mang theo đến đây. Cuối cùng nàng đã chuẩn bị xong. Khi nàng nhìn thấy tôi trong gương một lần nữa, dù, khá vui sướng với nàng và với tôi, sự vui sướng về một cuộc phiêu lưu nhỏ. Nàng nói "Em xin lỗi, nhưng em phải đi" rồi sắp ra khỏi cửa, nàng lại quay lại mỉm cười và nói "Anh không giấu người đàn bà nào ở trong tủ đấy chứ?" Tôi không thể kiềm chế được nữa. Nó giống như là cái gì đó tôi từng nghe thấy từ những cô gái điếm, những người nghĩ có thể tỏ vờ ra ghen để làm tôi thích thú. Tôi căm ghét cái lúc này. Những đối nghịch: lại mối liên hệ này bở những đối nghịch. Người đàn bà ở trong tủ đó, đó là người bên ngoài. Chuyến đi từ Khu, một chuyến đi trở về. Âu yếm, ngay trước khi phản bội. Và tôi đã khóc. Tất cả bùng nổ, mọi điều được hình thành trong tôi kể từ khi nàng bắt đầu kéo quần áo lên. Và tôi ra khỏi giường, đứng trước nàng và cánh cửa. "Em nghĩ anh là Raymond phải không?" Nàng giật mình. "Em nghĩ anh là Raymond phải không?" Lần này nàng không có cách trả lời. Nàng bị một đòn quá nặng và quá trực diện, thậm chí nàng còn giơ tay lên để phòng vệ, lùi lại và ngã mình xuống sàn nhà. Tôi đặt chân lên nàng, làm điều đó vì vẻ đẹp của đôi giày của nàng, mắt cá của nàng,chiếc váy mà tôi đã thấy nàng kéo lên,chỗ phình ở hông nàng. Nàng quay mặt xuống sàn nhà và giữ nguyên tư thế đó một lúc, rồi với một tiếng thở dài như một đứa trẻ trước khi thét lên, nàng bắt đầu khóc, thoạt đầu còn cố nén rồi sau đó biến thành những tiếng nức nở thật sự, rất to. Và cứ như thế suốt mất phút. Tôi ngồi xuống giữa đống quần áo tôi đã tuột ra trước khi lên giường, trên chiếc ghế bành Windsor có vành dựa vào tường. Lòng bàn tay tôi trở nên cứng đanh, căng ra. Mu bàn tay tôi, từ ngón tay nhỏ đến cổ tay, đau nhức, xương lạo xạo. Yvette đứng lên. Đôi mắt nàng ở giữa mí mắt, màu đỏ và cứng lại với những giọt nước mắt thực sự. Nàng ngồi trên thành giường của chiếc đệm cỏ, ở góc giường, và nhìn xuống sàn nhà, tay nàng đặt trên đầu gối. Tôi cảm thấy rất đau khổ. Sau một lúc nàng nói "Em đến để gặp anh. Em cứ nghĩ làm thế là tốt. Hoá ra là em sai". Rồi chúng tôi không nói gì nữa. Tôi nói "Em đã ăn tối chưa?" Nàng chầm chậm lắc đầu. Buổi tối của nàng như thế là đã hỏng – nàng đã bỏ nó – nhưng mới dễ dàng làm sao! Và cử chỉ lắc đầu đó khiến tôi bước vào sự vui sướng trước đó của nàng, giờ đây đã biến mất. Sai lầm của tôi, tôi đã quá sẵn sàng để cho nàng tự thấy mình là một người thất bại. Nàng cởi giày ra, co hai chân vào nhau. Nàng đứng lên, lại cởi váy ra. Rồi, cứ như thế, với mái tóc đã chải, áo vẫn mặc, nàng đi đến giường, kéo mảnh vải phía trên lên che mình và chuyển đến thành giường bên kia. Nàng vùi đầu vào gối, quay lưng về phía tôi, và cuốn tạp chí bách khoa toàn thư, vẫn ở lại bên kia thành giường, rơi xuống sàn nhà với một tiếng động nhỏ. Và như thế, vào khoảnh khắc vĩnh biệt này, trong sự nhại lại cuộc sống gia đình, chúng tôi cứ như thế một lúc, cảm thấy rất lạ lùng. Sau một lúc nàng nói "Anh không đến à?" Tôi quá nóng nảy để có thể làm hay nói gì đó. Một lúc sau nàng quay lại nói với tôi "Anh đừng có ngồi mãi trên ghế như thế". Tôi bước đến và ngồi lên giường cạnh nàng. Cơ thể nàng mềm mại, uyển chuỷên và ấm áp. Tôi mới chỉ thấy nàng như thế chỉ một hay hai lần trước đó. Và lân này! Tôi nắm lấy hai chân nàng,dạng ra. Nàng nhẹ nhàng đưa chân coa lên – những chỗ lõm êm ái của da thịt ở mặt trong đầu gối – và rồi tôi khạc nhổ vào giữa hai chân nàng cho đến khi không còn chút nước dãi nào nữa. Toàn bộ sự mềm mại của nàng biến mất trong căm hận. Nàng gào lên "Anh không thể làm vậy!" Nàng tát tôi, tay tôi đau nhói sau mỗi cái đánh, cho đến khi nàng nhoài ra phía bên kia giường và ngồi dậy, bắt đầu quay điện thoại. Nàng gọi điện cho ai vào giờ này? Nàng có thể cầu viện đến ai, ai là người mà nàng có thể đặt lòng tin? Nàng nói "Raymond đấy phải không? Ồ, Raymond. Không. Không. Em ổn mà. Em xin lỗi. Em đến ngay bây giờ đây". Nàng mặc váy và đi giầy vào, và qua cánh cửa để mở nàng đi thẳng ra lối ra. Không dừng lại, không ngập ngừng, tôi nghe tiếng nàng rảo bước xuống cầu thang, một âm thanh mới lạ lùng làm sao, vào lúc này! Cái giường, nơi chẳng có gì xảy ra, vẫn đang bị xáo trộn – lần đầu tiên nàng để nó lại trong tình trạng như thế, lần cuối tôi phải làm công việc dọn dẹp. Có những dấu vết của đầu nàng trên gối, nếp quần áo của nàng trên chăn theo cử động của nàng, những thứ giờ đây trở nên hiếm hoi, cực kỳ quý giá với tôi, những tàn tích trên vải vóc sẽ nhanh chóng mất đi. Tôi nằm xuống nơi nàng đã nằm, để thấy lại mùi vị của nàng. Ngoài cửa, Metty nói "Salim?" Nó lại gọi lần nữa. "Salim" và nó đi vào, mặc quần áo ở nhà. Tôi nói "Ồ, Ali, Ali. Tối nay những điều tồi tệ đã diễn ra ở đây. Tao đã khạc nhổ vào người nàng. Nàng đã để tao khạc nhổ lên người". "Lại cãi cọ đây mà. Sau ba năm trời mà lại kết thúc như thế". "Ali, không phải thế đâu. Tao không thể làm gì với nàng. Tao không muốn nàng. Tao không muốn nàng. Đó là điều tao không thể chịu đựng được. Tất cả hết rồi". "Chú không được ở trong nhà. Ra ngoài đi. Cháu sẽ mặc đồ vào và đi dạo với chú. Chúng ta sẽ cùng đi dạo. Chúng ta sẽ ra bờ sông. Nào, cháu sẽ đi với chú" Đi ra sông vào giờ này. Không. Không. "Cháu biết nhiều điều về gia đình chú hơn chú, Salim ạ. Sẽ tốt hơn cho chú nếu đi ra ngoài đó. Cách tốt nhất đấy" "Tao sẽ ở nhà" Nó đứng một lúc rồi đi về phòng. Nhưng tôi biết nó đang chờ và đang nhìn. Toàn bộ mu bàn tay cứng đờ của tôi đau nhức, ngón út dường như đã chết. Da xanh mét từng chỗ - giờ đây giống như một phế tích. Tôi đã sẵn sàng thì chuông điện thoại vang lên. "Salim, lúc đó em không muốn đi đâu. Anh thế nào?" "Khủng khiếp. Còn em?" "Khi đi khỏi đó em lái xe rất chậm. Qua cầu em lái rất nhanh để quay trở lại gọi điện cho anh đây" "Ant biết rằng em sẽ làm thế mà. Anh đang chờ em gọi lại". "Anh có muốn em quay lại không? Đường vắng lắm. Hai mươi phút nữa em có thể tới được. Ôi, Salim. Trông em khủng khiếp lắm. Mặt em trông thật kinh khủng. Em sẽ phải trốn vài ngày." "Nhẽ ra em phải mang cho anh vài viên thuốc an thần. Nhưng lên xe rồi em mới nghĩ đến điều đó. Anh phải cố ngủ đi. Uống một ít sữa nóng và cố ngủ đi. Một thứ đồ uống nóng sẽ tốt lắm. Để Metty đi đun sữa cho anh". Chưa bao giờ gần gũi hơn, chưa bao giờ giống với một người vợ hơn thế. Thật là dễ dàng hơn khi nói ở điện thoại. Và khi mọi điều đã qua, tôi bắt đầu nhìn vào đêm tối, chờ đợi ánh sáng ban ngày và một cú điện thoại khác. Metty đã ngủ. Nó để cửa phòng mở và tôi nghe thấy nó thở. Rồi đến một thời điểm, khi ánh sáng tới, đột nhiên đêm đã thành một phần của quá khứ. Những bụi cây trên khung cửa sổ sơn trắng bắt đầu hiện ra, và vào lúc đó, ở bên ngoài sự đau đớn to lớn của tôi, tôi có một sự bừng tỉnh. Nó không đến bằng từ ngữ, từ ngữ tôi định gán vào nó thật hỗn độn và gây ra sự bừng tỉnh để biến mất. Tôi thấy dường như người ta sinh ra để già đi, để sống trong một gang tay, để có được chút kinh nghiệm. Người ta sống để có được chút kinh nghiệm, giá trị của kinh nghiệm là vô hình, niềm vui và sự đau đớn – và hơn hết, đau đớn – chẳng có nghĩa gì cả, sở hữu sự đau đớn cũng vô nghĩa như là săn lùng khoái cảm. Và thậm chí ngay cả khi sự bừng tỉnh đã biến đi, đã nhỏ bé và chỉ còn vô nghĩa một nửa như một giấc mơ, tôi nhớ rằng mình đã có nó, hiểu biết về ảo tưởng của nỗi đau đó. Ánh sáng bừng lên qua những cửa sổ sơn trắng. Căn phòng bị xáo tung đã thay đổi tính chất. Dường như đã cũ rích. Giờ đây chỉ một chứng tích thực sự còn lại là bàn tay đau của tôi, nếu nhìn tôi sẽ tìm thấy một hoặc hai sợi tóc của nàng. Tôi mặc quần áo, xuống tầng, và từ bỏ ý định đi dạo buổi sáng, bắt đầu lái xe qua thị trấn đang tỉnh dậy. Tôi cảm thấy tươi tắn trở lại bởi màu sắc, tôi nghĩ ngồi sau tay lái buổi sớm này là một việc nhẽ ra tôi phải thường xuyên làm từ trước. Quãng bảy giờ tôi đến trung tâm, đến Bigburger. Những túp lều và hộp đầy rác rưởi nằm trên hè phố. Ildephonse ở đó, chiếc áo khoác của bộ đồng phục giờ đây đã rách rưới như một thứ trang sức. Ngay cả vào cái giờ sớm sủa này Ildephonse cũng đã nhấp giọng rồi, cũng như phần lớn người châu Phi, nó chỉ cần một tí bia địa phương để lên giây cót tinh thần và để treo mình lửng lơ. Nó biết tôi nhiều năm rồi, tôi là khách hàng đầu tiên của ngày hôm đó, nó hiếm khi thấy tôi. Đôi mắt say lờ đờ vì bia của nó nhìn chằm chằm vào tôi trên phố. Nó ngậm trong miệng một cái tăm khéo léo và chính xác đến nỗi nó có thể nói thoải mái, môi dưới rơi xuống đều đều mà không làm rụng cái tăm, giống như một trò diễn vậy. Tôi gọi nó lại, và nó mang đến cho tôi tách cà phê và mẩu pho mát trong cái khay. Tốn mất hai trăm quan, khoảng sáu đô la, cái giá thật là kỳ cục vào những ngày đó. Tám giờ kém một phút, Mahesh đến. Anh luôn tự hào về sự nhỏ bé và gầy gò của mình. Nhưng anh không còn gày gò như trước nữa rồi, tôi đã bắt đầu có thể thấy anh là một người đàn ông béo lùn. Hiệu ứng của việc anh đến lên Ildephonse giống như một tia điện. Cái nhìn lờ đờ biến ngay khỏi mắt nó, cái tăm biến mất, và nó bắt đầu nhảy khắp chỗ, mỉm cười và chào đón những người khách hàng sớm, chủ yếu là khách từ chỗ Van der Weyden. Tôi hy vọng Mahesh có thể nhận ra tình trạng của tôi. Nhưng anh chẳng hề để ý đến điều đó, anh thậm chí còn không có vẻ gì là ngạc nhiên khi trông thấy tôi. Anh nói "Shoba muốn gặp anh, Salim". "Cô ấy thế nào?" "Cô ấy khá hơn rồi. Tôi nghĩ cô ấy khá hơn rồi. Cô ấy muốn gặp anh. Anh phải đến căn hộ nhé. Đến ăn. Đến ăn trưa. Đến ăn trưa vào ngày mai". Zabeth giúp tôi qua được buổi sáng. Đó là ngày đi chợ của cô. Công việc buôn bán của cô đã đi xuống kể từ cuộc nổi loạn, và tin tức của cô trong những ngày này là về cuộc bạo động của dân làng. Đây đó thanh niên bị cảnh sát hoặc quân đội bắt, đó là chiến thuật của chính phủ. Không có gì xuất hiện trên báo chí, cây bụi giờ đây lại tham gia vào cuộc chiến. Dường như Zabeth đang ở bên lề của những cuộc nổi loạn, nhưng tôi không thể chắc được, và tôi cố tỏ ra trung lập đến mức có thể. Tôi hỏi về Ferdinand. Thời gian của nó ở thủ đô với tư cách một học viên hành chính đã kết thúc. Nó hẳn phải có một vị trí tốt sớm sủa, và tin mới nhất tôi nghe được từ Zabeth là nó được coi là người kế nhiệm của vị đại biểu Khu, người mới đây đã bị phế truất sau khi cuộc nổi loạn bùng phát. Tổ tiên lẫn lộn của Ferdinand đã khiến nó trở thành sự lựa chọn tốt cho vị trí khó khăn đó. Zabeth nói về cái danh hiệu to lớn đó một cách trầm tĩnh (tôi nghĩ về quyển sách của trường trung học ngày xưa, và đến lúc khi vị đại diện tỉnh ký tên vào cả một trang như một sự trung thành). Zabeth nói "Tôi cho rằng Ferdinand sẽ là đại diện, Salim ạ. Nếu người ta để nó sống". "Để nó sống hả Beth?" "Nếu người ta không giết nó. Tôi không biết bao giờ tôi mới thích nó nhận công việc đó, Salim ạ. Cả hai bên đều muốn giết nó. Và Tổng thống thì muốn giết nó đầu tiên, như một vật hy sinh. Ông ấy là một người hay ghen tị mà Salim. Ông ấy không để ai nổi lên ở chỗ ông ấy đâu. Chỉ có ảnh của ông ấy ở khắp nơi thôi. Và nhìn vào báo chí mà xem. Ảnh ông ấy to hơn mọi người khác. Nhìn mà xem". Báo hôm trước từ thủ đô đến đang nằm trên bàn tôi, và bức ảnh Zabeth chỉ là ảnh Tổng thống cùng với các quan chức chính quyền tại một tỉnh phía Nam. "Nhìn mà xem, Salim. Ông ấy to lớn quá. Những người khác nhỏ đến nỗi anh chẳng thấy rõ họ. Anh không thể biết họ là ai". Các quan chức bận trang phục giống hệt nhau do Tổng thống nghĩ ra – áo khoác vạt ngắn, ca vát, thay vì áo sơ mi và nơ đeo cổ. Họ ngồi thành hàng chật sát trong ảnh trông rất giống nhau. Nhưng Zabeth chỉ vào một cái gì đó khác cho tôi. Cô không coi bức ảnh là một bức ảnh, cô không hề nói đến khoảng cách và tầm nhìn. Cô quan tâm đến khoảng không gian của mỗi người có mặt trong ảnh. Quả thật, cô chỉ vào cái gì đó tôi chưa bao giờ nhận ra: trong những bức ảnh trên báo chỉ những người khách nước ngoài có được khoảng không gian bằng với Tổng thống. Với người dân Tổng thống luôn được diễn tả là một gương mặt cao vời vợi. Ngay cả khi những bức ảnh cùng kích thước, thì ảnh của Tổng thống sẽ chỉ có khuôn mặt ông, trong khi những người khác thì phải chụp cả người. Thế nên bây giờ, trong bức ảnh của Tổng thống đang hướng đến các quan chức miền Nam, một bức ảnh được chụp từ vai Tổng thống, hai vai của Tổng thống, đầu và cái mũ chiếm gần hết khoảng không gian, còn lại các quan chức ngồi sát kề nhau, ăn mặc hệt như nhau. "Ông ấy sẽ giết những người đó, Salim ạ. Họ đang gào thét trong lòng, ông ấy biết họ đang gào thét. Anh cũng biết, Salim ạ, rằng ông ấy không được tôn sùng đến thế đâu. Chẳng là cái gì cả". Cô nhìn vào bức ảnh lớn trong cửa hiệu, chụp cảnh Tổng thống đang giơ chiếc gậy lên, chiếc gậy được nạm khắc nhiều biểu tượng khác nhau. Đoạn giữa chiếc gậy có hình một khuôn mặt người, một thứ vật thờ đặc biệt. Cô nói "Chẳng là cái gì hết. Tôi sẽ nói cho anh về Tổng thống. Ông ta có một người đàn ông, và người đàn ông này đi trước ông ta mỗi khi ông ta đi đâu đấy. Người đàn ông này nhảy ra khoi xe trước khi xe dừng lại, và mọi điêu xấu cho Tổng thống đều đi theo người đàn ông này và nhờ vậy Tổng thống của chúng ta luôn bình an vô sự. Tôi thấy rồi, Salim ạ. Và tôi sẽ nói cho anh một vài điều gì đó. Người đàn ông nhảy ra và biến vào đám đông là người da trắng". "Nhưng Tổng thống không có ở đây mà, Beth". "Tôi thấy chứ, Salim. Tôi nhìn thấy người đàn ông đó. Anh đừng có nói với tôi là anh không biết". cả ngày hôm đó Metty rất tốt. Không nhắc lại những gì đã xảy ra, nó chăm sóc tôi một cách kính nể (sự kính nể như thể tôi là một người đàn ông hung bạo, đang bị thương) và dịu dàng. Tôi nhớ lại những lúc thế này trong cuộc sống chung của chúng tôi trên bờ biển, sau mỗi cuộc cãi cọ trong gia đình. Tôi cho là nó cũng nhớ đến những khoảnh khắc đó, và cũng đang rơi vào những ký ức cũ. cuối cùng tôi cũng làm theo nó, và điều này có hiệu quả đáng kể. Tôi nghe lời nó về căn hộ vào giữa buổi chiều, nó bảo nó có thể trông cửa hiệu được. Sau đó nó không đến chỗ gia đình nó như thói quen. Nó về căn hộ và kínn đáo cho tôi biết là nó có ở đó, và ở lại. Tôi nghe tiếng nó bước rón rén. Điều đó thực ra không cần thiết, nhưng sự chú ý có lợi cho tôi, và trên cái giường đó, nơi nhiều lúc tôi đã thấy lại những cảnh ngày hôm trước (không, chính là ngày này) tôi bắt đầu ngủ. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình thật hỗn độn. Cả ánh sáng buổi chiều lẫn bóng tối ầm ĩ đều không đúng. Thế là đêm thứ hai đã trôi qua. Điện thoại không hề đổ chuông và tôi cũng không gọi. Buổi sáng Metty mang cà phê đến cho tôi. Tôi đến chỗ Shoba và Mahesh để ăn trưa, tôi thấy dường như tôi đã ở Bigburger và đã nhận lời mời này từ lâu rồi. Căn hộ với những bức rèm hạ xuống để che ánh nắng chói chang, với những tấm thảm Ba tư và đồ đồng đẹp đẽ và toàn bộ những thứ đồ vật nhỏ bé, vẫn như là tôi vẫn nhớ. Đó là một bữa ăn trưa im lặng, không đặc biệt như là bữa trưa hội ngộ hay làm lành. Chúng tôi nói về những sự kiện mới xảy ra. Chủ đề là giá trị tài sản – vào thời điểm nào đó nó đã từng là chủ đề yêu thích của Mahesh, nhưng giờ lại khiến tất cả mệt mỏi – đã không ăn thua gì. Giờ đây chúng tôi chỉ bàn luận về các món chúng tôi ăn. Đến lúc cuối Shoba hỏi về Yvette. Đó là lần đầu tiên cô làm vậy. Tôi nói vắn tắt việc đã xảy ra. Cô nói "Tôi rất tiếc. Một điều như thế sẽ chỉ xảy đến với anh trong hai mươi năm nữa". Và sau đó tất cả những điều tôi nghĩ về Shoba, những cách thức chính quy và sự khôn ngoan của cô, tôi bị mê hoặc bởi sự dễ mến và minh triết của cô. Mahesh lau bàn và chuẩn bị pha Nestcafé – cho đến giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy người hầu nào. Shoba keó một phần rèm ra để lọt chút ánh sáng vào. Cô ngồi, trong ánh sáng rực rỡ, trên chiếc trường kỷ hiện đại – với những tay nắm có hình ông, thấp và chắc chắn – và bảo tôi đến ngồi cạnh. "Đến đây, Salim". Cô nhìn chăm chú vào tôi khi tôi ngồi xuống. Rồi, ngẩng đầu lên một chút, cô hướng mặt nghiêng về phía tôi và nói "Anh có nhìn thấy gì trên mặt tôi không?" Tôi không hiểu câu hỏi Cô nói "Salim!" và quay mặt về tôi, vẫn ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt tôi "Tôi có còn đáng ghét lắm không? Nhìn quanh mắt tôi và má trái xem. Nhất là má bên trái. Anh thấy gì không?" Mahesh đặt những chiếc tách cà phê lên trên chiếc bàn thấp và đứng cạnh tôi, cùng nhìn với tôi. Anh nói "Salim không thể thấy gì đâu". Shoba nói "Để anh ấy tự nói đi. Nhìn vào mắt trái tôi xem nào. Nhìn vào da phía trên mắt ấy, và nhìn vào má nữa". Và cô giữ nguyên mặt ngẩng lên, như thể đang đặt đầu lên đâu đó. Nhìn thật kỹ, nhìn thật kỹ vào chồ cô muốn tôi nhìn, tôi thấy cái tôi nghĩ rằng màu của mệt mỏi hoặc ốm yếu dưới mắt cô cũng thành từng phần rất nhẹ phớt qua trên da, một sự nồng nhiệt yếu ớt trên làn da tái của cô, chỉ có thể nhận được trên gò má trái. Và đã nhìn rồi, sau khi không thấy gì, tôi không thể phát hiện gì thêm nữa, v` tôi thấy sự kinh tởm mà cô đã nói. Cô đã thấy cái tôi thấy. Cô rất buồn, nhẫn nhục. Mahesh nói "Giờ thì tệ quá rồi. Em đã để anh ấy nhìn thấy". Shoba nói "Khi tôi nói với gia đình là tôi sẽ đến sống với Mahesh, các anh của tôi đã doạ sẽ tạt a xit vào mặt tôi. Anh có thể nói là điều đó đã xảy ra. Khi cha tôi chết họ đã gửi cho tôi một bức điện. Tôi coi đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn tôi trở về nhà dự đám tang. Thật là một cách thật tồi tệ để về nhà – cha thì chết, đất nước thì trong tình trạng đó, người châu Phi thật là khủng khiếp. Tôi thấy mọi người bên bờ của một vách núi dựng đứng. Nhưng tôi không thể nói cho họ điều đó. Khi anh hỏi họ đang làm gì, họ có thể vờ rằng mọi cái vẫn tốt, có gì mà phải lo đâu. Và anh cũng phải giả vờ giống như họ. tại sao chúng ta lại thế này? "một sáng tôi không biết cái gì đã xui khiến tôi. Đó là một cô gái Shindi từng học ở Anh – theo như cô ta nói – và đã mở một hiệu cắt tóc. Mặt trời rất chói chang trên các ngọn đồi ở đó, và tôi đã lái xe đi nhiều nơi, thăm lại bạn cũ và chỉ lái xe thôi, rời khỏi ngôi nhà. Mỗi một nơi tôi từng yêu, đến và xem, tôi bắt đầu căm ghét, và tôi phải dừng lại. Tôi cho rằng trong khi lái xe đi vòng vòng mọi cái trở nên bầm lại và sưng tấy lên trên da tôi. Tôi hỏi cô gái Sindhi có thứ kem gì đó mà tôi có thể dùng được không. Cô ta nói cô ta có một thứ. Cô ta từng dùng cái đó. Tôi thét lên bảo cô ta dừng lại. Cô ta đã dùng oxy già. Tôi chạy về nhà với khuôn mặt bị lột. Và ngôi nhà của người chết đó đã thực sự trở thành ngôi nhà phiền muộn đối với tôi. "Tôi không thể ở lại đó. Tôi phải giấu khuôn mặt mình khỏi mọi người. Và rồi tôi chạy về đây, vẫn phải trốn như trước. Ở đây tôi không đi đâu được. Giờ thì tôi chẳng đi đâu được nữa. Tôi chỉ thỉnh thoảng ra ngoài buổi tối thôi. Tôi đã khá hơn. Nhưng vẫn còn phải cẩn thận lắm. Tôi không ra nước ngoài được nữa rồi, Salim ạ. Tôi muốn đi lắm, muốn bỏ đi lắm. Và chúng tôi có tiền. New York, London, Paris. Anh có biết Paris không? Có một chuyên gia thẩm mỹ ở đó. Người ta nói ông ấy làm da giỏi hơn bất cứ ai. Chắc là phải hay lắm, nếu tôi đến được đó. Và rồi sau đó tôi có thể đi khắp nơi. Thuỵ Sĩ chẳng hạn – tiếng Anh gọi là gì nhỉ" "Switzerland". "Anh thấy đấy, sống trong căn hộ này tôi đã quên mất tiếng Anh rồi. Đó chắc là một nơi đẹp lắm, tôi vẫn nghĩ thế, nếu xin được thị thực". Lúc này Mahesh vẫn nhìn vào mặt cô, nửa khuyến khích nửa tức tối với cô. Chiếc áo sơ mi vải cô tông màu đỏ trang nhã của anh với chiếc cổ chật cứng, dáng rất đẹp đang mở rộng trên cổ - đó là một phần của phong cách mà anh đã học được ở cô. Tôi sung sướng khi thoát khỏi họ, khỏi nỗi ám ảnh họ đã bắt tôi tham dự trong phòng khách. Lột da, da – những từ đó làm tôi không thoải mái suốt trên dọc đường về. Với tôi nỗi ám ảnh lớn hơn một khuyết tật về da. Họ đã tự kết liễu đời mình. Một khi họ phải chịu đựng ý nghĩ về những truyền thống cũ xưa của họ (vẫn đến một nơi nào khác, bởi những người khác) giờ họ hoàn toàn trống rỗng ở châu Phi này và không được bảo vệ, chẳng có gì để dựa vào cả. Họ bắt đầu mục nát. Tôi cũng giống như họ. Trừ phi ngay bây giờ tôi phải hành động, nếu không số phận tôi cũng sẽ giống như họ. vấn đề lập đi lập lại về gương và mắt đó, việc bắt người khác phải tìm ra khuyết tật, sự điên rồ trong một căn phòng nhỏ. Tôi quyết định đi vào thế giới, để phá tung cái địa lý chật chội này của thị trấn, để làm trách nhiệm của tôi với những người phụ thuộc vào tôi. Tôi viết cho Nazruddin rằng tôi sẽ tới London thăm ông, chỉ đơn giản vậy thôi. Dù sao cũng là một quyết định ra trò! Khi không có lựa chọn nào khác, khi gia đình và cộng đồng chỉ còn lay lắt tồn tại, khi nghĩa vụ chỉ còn có một ý nghĩa, và không còn ngôi nhà an toàn nào nữa. Cuối cùng tôi cũng đi trên một chiếc máy bay bay trên bờ phía đông của châu lục, trước khi trực chỉ phía bắc. Chuyến bay dừng lại ở sân bay của chúng tôi. Tôi không phải đến tận thủ đô để đi nó. Thế là mãi cho đến giờ tôi vẫn chưa hề biết thủ đô. Tôi ngủ trong cái đêm bay đến châu Âu. Một người đàn bà ngồi ở cái ghế cạnh cửa sổ, đi ra đường đi, dẫm vào chân tôi và đánh thức tôi dậy. Tôi nghĩ: nhưng đó là Yvette mà. Nàng đang ở cùng với tôi. Tôi chờ đến khi nàng trở lại. Và đang tỉnh thức, tôi đợi mười hay mười lăm giây. Rồi tôi hiểu đó chỉ là một giấc mơ. Thật là đau khổ khi hiểu là tôi đang cô độc, và đang bay đến một số phận khác lạ đến thế.