- Không… Con không có quyền làm như thế. Tiếng bà My vang lên khiến ông Đang Trình đang đọc báo cũng phải bỏ dở nửa chừng chạy lên phòng con trai xem sự tình.− Có chuyện gì mà bà la lớn dữ vậy? – Ông Đăng Trình hỏi khi nhận thấy nét mặt giận dữ của vợ - Con nó có gì sai phải từ từ mà dạy chớ.− Không giận sao được. Tôi hỏi ông, công sức bao năm tôi và ông nuôi nó ăn học thành tài, giờ nó đòi bỏ ngang, có tức không chứ?− Nhưng mà là chuyện gì mới được? Bà nói tôi nghe coi.− Làm một bác sĩ trẻ, tương lai xán lạn, là một tay mổ nổi tiếng với danh hiệu “bàn tay vàng”, được bệnh viện cử sang Mỹ du học để nâng cao tay nghề, học hỏi điều hay ở nước bạn… Vậy mà đùng một cái, nó đòi hủy bỏ chuyến tu nghiệp này, thử hỏi có tức không chứ? Biết bao người ao ước được bệnh viện cử đi tu nghiệp mà không được. Nó được đi lại đòi hủy bỏ. Mấy năm mới có một lần. Hơn nữa, đâu phải lúc nào vận may cũng đến với mình.Trường Huy đau khổ nói:− Xin mẹ hãy thông cảm và hiểu cho tình cảnh của con. Mai Nguyễn hiện giờ sống không ra sống, chết cũng chẳng phải chết. Con còn tâm trí gì nữa mà đi tu nghiệp nước ngoài. Ai sẽ chăm sóc cho cô ấy?− Thì mẹ sẽ thay con làm điều đó. – Bà My dỗ ngọt con trai mình.− Mẹ còn phải cơm nước cho ba, lo toan trong gia đình… thời gian đâu mà mẹ có thể lo cho cô ấy vẹn toàn được. Hơn nữa, mẹ làm sao có thể khơi lại ký ức đã mất của cô ấy cho được, khi giữa mẹ và cô ấy không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ như với con.− Vậy con có nhiều thời gian lắm nhỉ? Con không đi làm, đi trực hay sao? – Bà My vẫn giữ ý định của mình.− Nếu con có đi làm hay trực đi nữa, thì con cũng còn được gần bên cô ấy, vẫn có thể lo cho cô ấy khi có việc cần. Thời gian còn lại, con có thể ngồi bên cô ấy, kể cho cô ấy nghe những gì xảy ra chung quanh mà cô ấy chưa biết đến. Con có thể nhắc lại những ký ức khó phai mà chúng con có cùng nhau trong suốt thời gian hơn ba năm quen biết. Con là bác sĩ, con có thể biết tình trạng cô ấy tiến triển đến độ nào, khả năng thành công bao nhiêu? Vả lại, dù gì con cũng là vị hôn phu của cô ấy, thì việc chăm sóc cho cô ấy là lẽ đương nhiên.− Thế con không phải là con của ba mẹ sao? Con có thể bỏ mặc ba mẹ ở nhà sống chết mặc tình, để con ở biền biệt trong bệnh viện luôn ư?− Ba mẹ thì vẫn là ba mẹ của con. Mẹ có ba lo lắng thương yêu. Thỉnh thoảng con sẽ nhờ Uyển Nhi sang đây trò chuyện với mẹ cho đỡ buồn, hoặc để cô ấy lo cho Mai Nguyễn, con về với mẹ một chút. Thế cũng vẹn toàn đôi bên.− Mẹ bệnh sao con không lo cho mẹ? Mai Nguyễn nằm đó có biết những gì con làm hay không? Mất Mai Nguyễn, con buồn chứ mất mẹ, con vui lắm, phải không?− Sao mẹ lại nói những lời như thế? Mẹ thừa hiểu con yêu quý và kính trọng ba mẹ biết dường nào. Ai trong hai người có mệnh hệ nào, con đau khổ gấp trăm ngàn lần hơn thế nữa. Nhưng xin mẹ hãy hiểu… bệnh tình của mẹ chỉ cần đừng quá xúc động sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Mẹ cứ vui sống, cứ ăn uống điều độ vào thì sẽ khỏe mạnh. Còn Mai Nguyễn, cô ấy có muốn vui sống bên mẹ, bên con cũng không được. Cô ấy có muốn được như những người bình thường như chúng ta có được đâu. Sao mẹ không thương cho cảnh tình của cô ấy, thương cho chúng con? Dù cô ấy vẫn nằm đó không biết nhận thức những gì xung quanh, nhưng con tin những việc con làm vì cô ấy vì tương lai của chúng con, cô ấy cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Chính những việc con làm sẽ là động lực giúp cô ấy trở lại người bình thường như trước. Như vậy, con bỏ công sức của mình ra đâu có uổng phí, thưa mẹ.− Nhưng con không thể đánh mất cả tương lai của mình như thế được. Con đi tu nghiệp ba năm về, chưa chắc Mai Nguyễn đã tỉnh lại.− Mẹ nói đúng. Có thể ba năm con đi tu nghiệp, cô ấy chưa tỉnh lại. Nhưng nếu ba năm đó có con kề bên nhắc lại quá khứ, biết đâu cô ấy sẽ vì con mà phục hồi sức khỏe nhanh hơn dự kiến thì sao? Con đã quyết định rồi, mẹ đừng ngăn cản con nữa.− Trời ơi là trời! Con với cái. Nuôi cho khôn lớn, để rồi nó trả treo với mình từng câu như thế này nè.− Bà! Có gì đâu mà bà la dữ vậy? Phải biết chú ý đến sức khỏe của mình chứ. Hơn nữa, con mình nó có phần đúng của nó. Cái lý cái tình nó nêu ra đếu có cơ sở, đều thuận lòng người, thì cớ gì phận làm cha làm mẹ như mình lại không thuận tình cho con trẻ? Nếu đặt trường hợp tôi là con mình, bà có mệnh hệ nào, tôi cũng hủy cả tương lai để lo cho bà bình phục, chứ đừng nói chi chỉ là ba năm tu nghiệp.− Nhưng…− Hơn nữa dù chưa cưới hỏi, mình cũng đã nhìn nhận nó là dâu con trong nhà, chẳng lẽ dâu mình bị nạn mình là phận cha mẹ chồng lại dửng dưng hay sao? Mình không thể giúp nó phục hồi trí nhớ, thì hãy để con mình làm điều đó. Hãy tạo điều phước lành để mai sau con cháu mình hoặc giả mình về già mà thụ hưởng. Trước khi chị ấy qua đời đã gởi con cho thằng Huy, thì nó phải giữ lời hứa với người đã khuất cho chị ấy yên lòng nhắm mắt.− Nhưng chẳng lẽ suốt đời này, con mình phải chăm sóc con bé như thế sao? Chẳng lẽ nó phải ở vậy nuôi vợ trọn đời, gia đình mình không có cháu để bồng ẵm hay sao? Không còn giải pháp nào hay hơn nữa hay sao ông?− Bây giờ không phải lúc để bà đặt những câu hỏi đó. Tất cả bây giờ đều vì sức khỏe của con bé, mọi việc hẵng tính sau. Biết đâu nhờ sức mạnh tình yêu của con mình mà con bé có thể mau bình phục. Đó là phương thuốc thần kỳ mà không vị bác sĩ nào có thể cứu được, ngoại trừ con mình, bà hãy vững tin. Những người không làm điều chi lỗi đạo, ắt hẳn sẽ có kết quả tốt đẹp ngoài mong muốn.Bà My có vẻ xiêu lòng trước những lời ông Đăng Trình nói. Trường Huy nhìn ba biết ơn, ánh mắt anh dấy lên nỗi vui mừng. “Mai mốt có gì rối, con sẽ nhờ ba làm thuyết khách”.Ông Đăng Trình hiểu ý con, nheo mắt lại như để nói: “Con có thể yên tâm tin tưởng nơi ba. Ba luôn ủng hộ cho tình yêu của con hết mình”.− Con cám ơn ba mẹ đã chịu hiểu và cảm thông cho con. Ba mẹ đã vì con quá nhiều, con sẽ không để ba mẹ thất vọng, cả Mai Nguyễn cũng vậy. Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe, thỉnh thoảng con về với mẹ.− Ừ, con vào lo cho con bé đi, rảnh mẹ sẽ ghé thăm hai con. Mong con bé mau bình phục, để con có được trọn vẹn nụ cười.Ánh mắt biết ơn của anh nhìn ba mẹ một lượt rồi bước nhanh ra cổng. Anh đang nóng lòng muốn vào với Mai Nguyễn ngay.“Mai Nguyễn ơi! Em hãy mau phục hồi trí nhớ để chúng mình còn kết hôn, để ba mẹ không vì chúng ta mà buồn rầu nữa.”