Nhà học giả lớn của Trung Quốc, ông Tiền Mục viết: chính trị Tây phương vẫn chịu ảnh hưởng của giáo đường. Chúa Ki tô phán: “Sự việc của César trả lại cho César quản nhiệm, sự việc của Thượng đế do Ta trông coi”. Lời nói ấy mang ý nghĩa: chính trị thuộc hoàng đế, đạo lý thuộc thượng đế. Khi đế quốc La Mã sụp đổ thì hoàng đế lại phải chịu sự phong chức, gia miện của Giáo hoàng. Bởi vậy Tây phương đã trải qua một thời gian khá dài Thượng đế cai quản cả công việc của César. Do đó về sau mới phát sinh ra cách mạng tôn giáo gây thành tình trạng chính quyền và giáo quyền phân lập. Cho đến nay sinh hoạt chính trị Tây phương vẫn chưa ra khỏi vòng luẩn quẩn trên, mặc dầu hiện tượng và danh từ tuy có khác, nhưng bản chất thì không khác chút nào. Chính trị Trung Quốc không có César cũng như không có thượng đế mà chỉ có những người đọc sách (phần tử trí thức). Bởi vậy mọi biến cố chính trị thống nhất đều do phần tử trí thức. Cho nên ở lịch sử Trung quốc người ta thường thấy những hiện tượng: 1- Khi nào chính quyền và phần tử trí thức hợp tác chặt chẽ, xã hội quốc gia sẽ hưng thịnh, yên ổn. 2- Khi nào chính quyền và phần tử trí thức xung đột, xã hội quốc gia sẽ tao loạn. 3- Khi nào phần tử trí thức tuyệt vọng với hiện thực, hoặc chuộng hư văn, xã hội quốc gia sẽ suy yếu. 4- Khi nào phần tử trí thức phấn khởi phát huy tư tưởng, say sưa trở về đồng ruộng giáo huấn đại đa số quần chúng nông dân, xã hội quốc gia sẽ phục hưng. Thời đại Tam Quốc muốn hiểu cho xác thực thì phải lấy Gia Cát Lượng và Tào Tháo là trung tâm. Vì hai người này là đại biểu cho sự diên trường của cuộc đấu tranh giữa phần tử trí thức với bọn hoạn quan. Để chỉnh đốn hàng ngũ, Tào Tháo chủ trương tuyệt đối chống lại phong khí sĩ đại phu cuối nhà Hán. Gia Cát Lượng chủ trương “đạm bạc ninh tỉnh” để sửa lại phong khí sĩ đại phu. Nhờ chủ trương phản đối triệt để ấy mà Tào Tháo đã được những phần tử trí thức tiến bộ quy phục nhiều hơn Gia Cát Lượng. Tiều Chu là một phần tử trí thức nhiều tiếng tăm ở Thục, đồng thời Tiều Chu cũng là điển hình của phần tử trí thức bạc nhược, hư vọng và tuyệt vọng với hiện thực của những năm cuối Tam Quốc. Tiều Chu là người như thế nào? Sách sử chép: “từ lý uyên thâm, vi thế thạc nho”. Tiều Chu đã hành động ra sao? Các nhà phê bình sử hậu thế, coi việc Tiều Chu xui Hậu chủ đầu hàng Đặng Ngải là một hành động tối vô liêm sỉ của người đọc sách. Tam Quốc chí diễn nghĩa kể: Hậu chủ ở Thành Đô nghe tin Đặng Ngải đã lấy được Miên Trúc, mà cha con Gia Cát Chiêm đều chết trận cả rồi, sợ hãi không biết ngần nào, kíp vời văn võ vào thương nghị. Cận thần tâu rằng: Nhân dân ở ngoại thành, già trẻ giắt díu nhau chạy loạn, tiếng khóc vang động xa gần. Hậu chủ kinh hoảng. Sực lại có tiểu mã chạy đến báo rằng: quân Ngụy sắp đến dưới thành rồi. Các quan bàn rằng: Ở đây quân đơn tướng ít, địch sao nổi quân Ngụy, không bằng bỏ Thành Đô chạy sang bẩy quận xứ Nam Trung, đất đó hiểm trở có thể giữ được, nhân thể mượn quân Nam về khôi phục cũng chưa muộn. Quang Lộc đại phu Tiều Chu nói: Không nên. Quân Man vốn là quân phản trắc, xưa nay không có ân huệ gì với ta, nếu ra nhờ đấy tất sinh vạ to. Các quan lại tâu rằng: Thục Ngô đã đồng minh với nhau, nay việc kíp lắm, nên sang ở nhờ Đông Ngô cũng được. Chu lại can rằng: Từ xưa đến nay, không có thiên tử nào đi nhờ nước khác bao giờ. Tôi chắc rằng Ngụy lấn được Ngô chớ Ngô không lấn được Ngụy, nay xưng thần với Ngô là nhục một lần. Ngô bị Ngụy lấn nốt lại đi xưng thần với Ngụy là nhục hai lần. Chi bằng hàng ngay Ngụy đi, Ngụy tất cắt đất phong cho bệ hạ. Như thế trên giữ được tôn miếu, dưới yên được lê dân. Xin bệ hạ nghĩ cho kỹ mà xem. Hậu chủ phân vân chưa quyết, lui vào trong cung. Hôm sau các quan lại hội nghị. Tiều Chu thấy việc đã cấp đến nơi lại dâng sớ cố khuyên hàng. Hậu chủ nghe dịu tai, sửa soạn ra hàng. Sực ở sau cánh bình phong, có một người quát to lên mắng Tiều Chu rằng: Quân hủ nho sợ chết kia. Sao dám nói càn đến việc lớn của xã tắc. Từ xưa có thiên tử hàng bao giờ mà mày nói càn như vậy? Bức thư hàng của Hậu chủ mang những câu rất văn vẻ nhưng lại cũng rất hèn hạ. Hậu thế cho là chính tại danh sĩ Tiều Chu với khả năng văn chương và với một tâm lý tham sinh úy tử mới viết được ra như thế. Người mắng Tiều Chu là Lưu Thầm con thứ năm của Hậu chủ. Thầm mắng Chu vì tiếc cơ nghiệp của ông cha. Tiều Chu xui Hậu chủ đầu hàng để bảo vệ mạng sống cá nhân, địa vị cá nhân. Tuy nhiên qua Tiều Chu, một con người trí thức bậc nhất nước Thục, người ta còn thấy sự sa đọa của toàn bộ trí thức nho cuối đời Tam quốc. Lực lượng quốc gia gốc ở đâu? Ở văn hóa. Lực lượng văn hóa gốc ở đâu? ở khí chất dân tộc. Khí chất dân tộc gốc là gì? Là đạo đức, là sinh mệnh lực và tâm trí lực (morale vitality, mentality) Thời đại Tam Quốc là thời đại mà phần tử trí thức nho nắm giữ vai trò cực quan hệ đối với công cuộc thống nhất nền chính trị, văn hóa, kinh tế, địa dư trong lịch sử Trung Quốc. Gần một trăm năm đấu tranh, phần tử trí thức nho đã tạo nên nhiều công trạng lớn lao mà sau này nhà Đường thừa hưởng. Như chúng ta biết, lịch sử không chuyển đến theo một vạch thẳng, mà tiến hóa vận động theo một đường xoáy trôn ốc, cho nên cuối Tam Quốc phần tử trí thức nho đi từ hư nhược đến tỳ ố. Tại sao lại có tình trạng sa đọa như vậy? Nó là kết quả của ba nguyên do: 1- Tam Quốc thời đại chịu quá nhiều cuộc chém giết, chiến tranh khiến cho nhân tâm kinh hoàng. 2- Tam Quốc thời đại loạn lạc, lưu ly khiến sinh hoạt khó khăn, dân chúng hoài nghi cả sự sống. 3- Huyền học phái hưng thịnh. Lão học quật khởi bằng chủ nghĩa thần bí, chống Nho học đã gây nên thực tiễn điêu tàn trước mắt. 4- Cuối Tam quốc là giai đoạn quá độ của tranh chấp Nho Đạo và Phật giáo tại Trung quốc. Phật giáo do đạo Lão bắc cầu đem vào Trung quốc. Tóm lại ở cuối đời Tam Quốc các chủ nghĩa: Phá hoại, hoài nghi yếm thế phát triển mạnh, nghĩa của nho phái bị bóp méo, ẩn ngụy. Do đó từ đạo đức đến sinh mệnh lực, tâm trí lực của Nho học tại Trung Quốc mỗi ngày mỗi suy yếu. Tình trạng ấy không chỉ thai nghén ra Tiều Chu mà thôi, nó còn tạo ra loạn Ngũ Hồ phân cách Nam Bắc triều, hỗn loạn lục triều sau này.