Dịch giả: Hằng Hà Sa và Bích Ty
Phần thứ nhất - I & II & III & IV & V
CUỐN SÁCH CỦA SỰ CHIẾN THẮNG

     Chiến tranh tiếp diễn; quân Đức tiến dần về đất Nga. Hàng triệu người lại bị lính đưa về miền Oural để chế tạo vũ khí cho Sô Viết. Đó là một miền lạnh lẽo, đâu đâu cũng toàn là những vùng rào kẽm gai, những núi quặng, những đường rầy, những ống khói nhà máy. 
Eddy Thall cũng được chở đến đây, nhưng trong đám nữ tù binh, nàng lại được tên gác dan cho làm việc ở văn phòng, chứ không phải ở trong các hầm mỏ như các tù nhân khác. 
Eddy Thall bắt đầu quét nhà, quét thứ đất xa lạ đã bám vào giày dép của đám người nô lệ, đám người trốn Đức quốc xã, để lại rơi vào tay Sô Viết. Dấu vết tổ quốc họ chỉ còn tượng trưng bằng một ít đất bụi bám vào giày dép. Đó là loại đất toàn thể Âu Châu, nên Eddy Thall vừa quét vừa nhìn chúng qua làn nước mắt tủi thân.
Giữa trưa tên gác dan trở về văn phòng. Hắn đặt bàn tay nặng nề, đẫm mồ hôi và mùi thuốc lá lên vai Eddy Thall; nàng thối lùi nhưng hắn mỉm cười và giao cho nàng chiếc chìa khóa: 
- Cô sang quét phòng tôi bên cạnh. May mắn lắm cô mới được làm việc ở văn phòng đó nghe. 
Nói xong, hắn bỏ đi, Eddy bước vào phòng hắn một mình, một phòng nhỏ vách ván với những bức ảnh cắt ở các tờ báo, một giường ngủ, một lò sưởi; nàng quét thật nhanh xong đóng cửa trở về văn phòng. 
Qua khung cửa sổ, nàng trông thấy rõ những nữ tù đang khiêng các khúc đường rầy trên vai. 
Người gác dan trở lui, hắn tự giới thiệu: 
- Tôi tên là Ivan.
Hắn lại đặt tay lên vai Eddy nhưng nàng thối lùi. Hắn chán nản ngồi xuống ghế, lúc nào hắn cũng đội mũ, trong phút chốc hắn buồn bã lạ lùng; đôi mắt, vầng trán, tối hẳn xuống, nỗi buồn trĩu nặng trên đôi vai, người ta có thể nói không ngoa là niềm thất vọng não nề đó đã làm mềm xương hắn đi. Hắn lại đứng dậy, chậm chạp, mệt mỏi, đưa tay mở cửa phòng bên cạnh và ra lệnh: 
- Có bước vào đi. 
Nhưng Eddy vẫn đứng yên. Hẳn bèn nắm ngực nàng đẩy mạnh vào phòng và khóa trái cửa lại. 
- Tại sao cô không muốn vào phòng tôi?
Eddy bị đẩy vào chính giữa phòng, mở to đôi mắt nhìn đôi tay nắm chặt của Ivan cùng nét mặt, đôi môi thèm khát của hắn. Nhưng hắn vẫn bình tĩnh rút thuốc lá hút, dựa lưng vào cửa. 
- Tại sao cô thích làm việc mười bốn giờ một ngày trong hầm mỏ với cuốc xẻng hơn là ở đây với tôi? 
Ivan cắn điếu thuốc rồi tiếp tục: 
- Tất cả người đàn bà ngoại quốc da trắng, tóc uống, mặc áo như cô ai cũng thích đi xuống hầm mỏ hơn là ở đây với tôi. Tôi muốn hiểu tại sao lại thế. Tôi muốn biết rõ sự thật. Trả lời cho tôi, tôi sẽ không làm gì cô cả. 
Eddy Thall không trả lời.
Ivan hỏi tiếp, răng vẫn cắn chặt điếu thuốc: 
- Nếu cô không nói, tôi cũng bắt cô nói. Nào nếu em nói thật cho tôi biết, tôi sẽ để em đi, tôi hứa sẽ giúp đỡ em. Tôi chỉ muốn biết tại sao những người trưởng giả lại thích sống 14 giờ dưới hầm mỏ hơn là sống với tôi. 
Eddy Thall năn nỉ: 
- Ông làm ơn để tôi đi. 
Ivan dơ tay cao lên. Hắn muốn tỏ ra bình tĩnh nhưng bắp thịt hắn vẫn đưa tay hắn cao lên, những thớ thịt như những cây cung căng lên bởi thù hận. Hắn đánh mạnh vào ngực của Eddy. Nắm tay đó có thể vật ngã một con bò hay giết được một con ngựa, nên Eddy ngã xuống, và trước khi bất tỉnh nhân sự, nàng còn nghe Ivan giận dữ hét lên:
- Có phải tôi xấu xí hơn cả hầm mỏ hay không? Có phải tôi còn đáng sợ hơn hầm mỏ hay không? 
Sau đó nàng không còn nghe thấy gì nữa cả. Hình như xương nàng gãy kêu răng rắc, hệt như tiếng kêu răng rắc của chiếc tàu ở hải cảng Constantza độ nào vào một đêm bão tố. 
Nàng tối tăm mặt mày và có cảm tưởng là không phải Ivan đã đánh nàng mà chính là người đàn ông mang áo choàng da, khăn quàng đỏ, người đàn ông đã la hét ở Kichinev và ở sa mạc.
Bây giờ, Eddy không còn ở trên chiếc tàu sắp chìm ở Constantza nữa, mà là đang ở trên bãi sa mạc mênh mông. Bầu trời, cát, da thịt nàng, tất cả đang cháy thành tro bụi. Sa mạc cũng tiêu thành mây khói. Chỉ còn lại một thứ ánh sáng yếu ớt phát ra từ hai lá phổi của nàng chạy dần đến cằm nàng, một thứ ánh sáng âm ấm chạy trên môi nàng, trên vú nàng, trên thân thể nàng, như một thứ thuốc mở đang phủ lên người nàng. Thân thể Eddy im lìm, bất động, từ lúc máu ở hai buồng phổi chạy dài trên môi, trên má, trên vú, thấm ướt cả áo nàng. 
Eddy chỉ còn cảm thấy một sự mơn trớn nóng hổi, dịu dàng trên người nàng, một thứ mơn trớn trìu mến của chính những giọt máu chảy từ thân thể nàng. Chúng chạy dài trên tay nàng, nhẹ nhàng như một con mèo và êm đêm như sự vuốt ve của một bà mẹ. Nàng không còn sợ hãi nữa. Mà chính là một sự yên nghỉ và ngọt ngào đang bắt đầu. Tất cả đều tan rã, dưới sức nóng của máu nàng, và Eddy muốn đưa tay ra để cầm lấy, nhưng những giọt máu đã lánh xa nàng.
Ivan vẫn còn nói: 
- Tôi không muốn làm em đau khổ. Tôi không phải là một người hung tợn.
II
 
Eddy Thall mở mắt. Nàng nhận ra căn phòng vách ván với những bức ảnh cắt ra từ các tờ báo. Nàng nhận ra chiếc giường nàng đang nằm và nàng đang bị băng bó trên đầu. Nàng nhớ là nàng đã bị đấm ngã nhưng không hiểu từ bao lâu. Hôm qua chăng. Qua khung cửa sổ, nàng trông được những khu rào thép gai, những đống quặng sắt và than đá, qua làn nước mắt, nàng trông rõ bồn tắm, lò sưởi, nền nhà nàng đã từng quét dọn. Bỗng cửa mở Ivan bước vào. Nàng không muốn trông thấy hắn nữa nên giả vờ nhắm mắt, nàng biết rõ hắn đang nhẹ nhàng bước đến và quỳ xuống bên giường. 
- Em hãy tha lỗi cho tôi. 
Đúng là giọng hắn, nhưng lần nầy không còn rắn rỏi nữa.
- Tất cả những người đàn bà trưởng giả đều thích làm việc ở hầm mỏ hơn là chung sống với tôi. Với tôi chỉ toàn là những đàn bà nông dân. Tại sao như thế, chỉ vì câu hỏi đó mà tôi đã mất bình tĩnh. Tôi chỉ muốn, một lần thôi, biết được sự thật đó. Tôi chỉ muốn biết tại sao những người đàn bà trưởng giả đẹp đẻ lại cứ lánh xa tôi. Nếu em nói cho tôi điều đó thì tôi đã để cho em đi, và không đánh đập em như thế nầy. 
Eddy Thall vẫn nhắm mắt nghe hắn nói: 
- Tôi xấu lắm chăng? Tôi làm em sợ hãi ư? Tại sao em cứ muốn bỏ đi? 
Nàng vẫn yên lặng, hắn vẫn quỳ bên giường nàng:
- Nếu em biết là em đẹp, vâng, chưa bao giờ tôi gặp được một người đàn bà đẹp như em. 
Tự nhiên Eddy ứa nước mắt. Chúng tự nhiên trào ra, chạy dọc theo cầm nàng, xuống tận cổ nàng, ra đến tai nàng. Ivan đưa tay chùi nước mắt trên cổ nàng. Đúng là bàn tay đó đánh nàng hôm qua, cũng là bàn tay to lớn, nặng nề nhưng không còn hung dữ như hôm qua. 
- Hãy tha thứ cho tôi đi em. Từ nay tôi sẽ không bao giờ đánh em nữa đâu. Hôm qua, tôi bồng em trong tay, để em lên giường. Em nhẹ như một sợi lông măng. Em thật như những thiên thần, người ta bảo thiên thần không có trọng lượng, em cũng như thế đó. Tôi đã mời y tá bệnh xá đến. Cả hai chúng tôi cùng săn sóc em, người em đầy cả máu. Chúng tôi phải cởi hết áo quần em, và nhờ đó, tôi mới biết là tôi chưa bao giờ gặp được người nào đẹp như em, đẹp như một bức tranh trong báo. Ngực em, chân em hệt như bọt nước trắng xóa. Vai em, tay em hệt như của đứa bé sơ sinh, mà người ta không dám động đến, sợ chúng gãy đi mất.
Eddy Thall hé mắt nhìn chiếc đầu dài của Ivan. Hắn vẫn tiếp tục nói. 
- Suốt đêm tối thức trắng bên em. 
Sau đó hắn đứng dậy, pha một tách trà cho Eddy, rồi nói tiếp: 
- Cô ý ta bảo là em đang đau phổi. Tôi rất sung sướng đã không bắt em làm việc ở hầm mỏ. Đau phổi mà xuống đó thì chỉ vài tuần là chết. Bây giờ em cho phép tôi nhìn đôi chân xinh xắn của em chứ? 
Hắn nhấc chiếc mền lên một chút. Eddy Thall lo sợ thu chân vào trong nhưng Ivan đã nhìn thấy, và hắn sung sướng bỏ đi.
Eddy Thall lại bắt đầu cô đơn. Chưa ai chiêm ngưỡng đôi chân nàng như anh chàng khổng lồ hồi nãy. Nàng cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ rằng người đàn ông đã quỳ bên chân nàng như quỳ trước một điều linh thiêng lại là anh chàng gác dan đã đánh đập nàng hôm qua. Tuy nhiên, sự chiêm ngưỡng đó cũng làm cho nàng sung sướng. Dù sao, hắn cũng yêu nàng, và không người đàn bà nào lại có thể lãnh đạm khi được yêu và được tôn thờ, ngay cả đến người yêu là một kẻ thô kệch. 
Trong khoảnh khắc, Eddy quên khuấy đi mất là nàng bị giải tới miền Oural, nàng bị đưa vào hầm mỏ, quên khuấy đi là nàng từ một bãi sa mạc đến đây và đã bị đánh đập đến thổ huyết hôm qua. Nàng quên mất hết. Tất cả đều mờ đi, chỉ còn một điều chính yếu là có một người đàn ông đã kính cẩn quỳ dưới chân nàng. «Mảnh đất hứa hẹn» mà người đàn bà tìm kiếm không phải là một mảnh đất nhưng chính là lúc mà một người đàn ông nào đó yêu thương nàng hơn hết bất cứ gì trên đời. 
Tuy nhiên lúc Eddy nghĩ đến Ivan, nàng vẫn hổ thẹn, vẫn sợ hãi và ghê tởm.
III
 
Boris Bodnariuk đã được chở vào bệnh viện. Không những đảng không xem hắn là thủ phạm mà còn khen thưởng hắn về hoạt động canh tác sa mạc và thay đổi khí hậu. Trán hắn dần dần lành hẳn, chỉ còn lại một vết sẹo, như hình một chiếc lá. Ở nhà thương, Boris chờ trung ương chấp thuận cho hắn được ra tiền tuyến. Đa số thương binh ở đây đều là những sĩ quan không quân trẻ tuổi, những người hùng đầu tiên trong cuộc chiến chống quốc xã. 
Gặp một hạ sĩ quan không quân còn trẻ, Antola Barsov, Boris đã nói ngay: 
- Cá nhân không thể ở ngoài đoàn thể. Cá nhân ở ngoài đảng sẽ mất thăng bằng hay bị chết bất cứ lúc nào. Với một người cộng sản, không thể có cuộc sống nào ngoài đảng, vì như thế người cộng sản chới với trong khoảng không. 
Antole Barsov chăm chú nghe. Mọi người trong bệnh viện nầy lúc nào cũng chăm chú nghe Boris Bodnariuk nói, vì đó là người hùng đã thử thay đổi khí hậu sa mạc. Hắn vẫn thao thao: 
- Nỗi đau khổ lớn lao nhất của người cộng sản là bị đảng sa thải và bắt buộc sống trong một xã hội trưởng giả. 
Một người y tá gọi Boris vào văn phòng quản đốc, Antole Barsov đứng chờ hắn, nhưng hắn không trở lại nữa. Tại văn phòng quản đốc đã có hai tướng lãnh từ Moscou đến kiếm Boris, trong đêm nay. Đã có một chiếc xe mang huy hiệu tướng lãnh của hồng quân đậu sẵn trong sân bệnh viện chờ để chở Boris đi.
IV
 
Các vị tướng lãnh lần lượt bắt tay Boris Bodnariuk. Họ chăm chú nhìn vết sẹo chạy dài trên trán hắn, rồi một người lên tiếng, một ông già tên Budieny: 
- Tổ quốc Sô Viết đang trải qua những thời kỳ khó khăn. Quân phát xít hiện đang tràn vào Mạc Tư Khoa. Chúng đã chiếm Ukraine. Tổ quốc kêu gọi sự cộng tác của những kẻ có tài. Vì thế nên chúng tôi đã mời đồng chí đến đây để làm tròn sứ mệnh xứng đáng với đồng chí. Đồng chí đã quá thành công trong công cuộc canh tác các đồng cỏ. Tiếc thay chúng tôi phải ngừng kế hoạch đó để dồn sức lực chúng ta vào kỹ nghệ chiến tranh, sau khi chiến thắng, chúng ta sẽ trở lại kế hoạch biến đổi khí hậu và canh tác sa mạc. 
Boris đỏ mặt cảm động. Thế là giấc mộng ra tiền tuyến của hắn có thể thực hiện được. 
- Bộ chỉ huy hành quân đã có ý định phong cho đồng chí cấp tướng lúc nào đồng chí bình phục hẳn và giao cho đồng chí một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. 
Boris nghe chữ «tướng» trong chốc lát, hắn nhớ lại hệt như trong một khúc phim, quãng đời trôi nổi của hắn từ lúc xảy ra tai nạn cho Angelo: Trường võ bị, bộ áo quần nhục nhã, cuộc vượt sông Dniestr, Hàn lâm viện Mạc Tư Khoa, sa mạc đồn điền trên cát, Natacha, bệnh viện, Antole Barsov... Và bây giờ trước mắt hắn, hai vị tướng đang nói với hắn: «Bộ chỉ huy hồng quân muốn phong cho đồng chí cấp Tướng.» Người tướng già tiếp tục:
- Bộ chỉ huy muốn tiền nhanh trong công việc nầy. Quân Đức đã tiến tới như vũ bão. Chúng ta đã có dự định tổ chức lại tất cả hệ thống Hồng quân. Tôi muốn nói là tổ chức lại hệ thống Hồng quân đằng sau phòng tuyến địch. Nếu đồng chí cảm thấy đã bình phục chúng tôi sẽ giao cho đồng chí chỉ huy tất cả lực lượng Sô Viết ở hậu phương. Đến Mặc Tư Khoa, đồng chí sẽ có thêm nhiều chi tiết khác. Lúc đi đường, đồng chí phải thảo ra một kế hoạch. Cần phải sẵn sàng khi đến Mạc Tư Khoa nghĩa là đồng chí phải đi ngang phòng tuyến địch và tạo lập một đội hồng quân khác. Lúc đầu chỉ là một lực lượng nghĩa quân, sau đó sẽ là chủ lực quân. Điều chính yếu là đi tới chiến thắng càng nhanh càng tốt. Đồng chí có thể nghĩ đến, ngay từ bây giờ, địa điểm của bộ tư lệnh – Bucarest hay Varsovie, nơi nào tuỳ ý. Chúng tôi để đồng chí toàn quyền định đoạt. Nào mặc áo quần vào đi và nhớ thảo một kế hoạch.
V
 
Một tháng sau, Boris Bodnariuk đã đến ga Bucarest. Hắn là một vị tướng, nhưng là một vị tướng không quân phục. Hắn là một vị chỉ huy tối cao của lực lượng Sô Viết đằng sau phòng tuyến Đức quốc, nhưng lực lượng đó không hiện hữu, chính hắn phải lập nên. Các yết thị ở ga xe lửa báo tin là quân Đức đã gần đến Mạc Tư Khoa. Boris mỉm cười: 
- Nếu quân Đức tàn sát chủ lực quân Sô Viết, họ vẫn còn phải vất vả lắm với bộ đội bí mật do mình lập nên. 
Hắn đi về phía khách sạn. Ngày hôm sau, hắn ra đường với bộ đồng phục mang cấp bực đại úy Lỗ Ma Ni và bắt đầu thành lập kế hoạch tạo dựng một đội quân bí mật. 
Lúc đầu, hắn gặp toàn là trở ngại. Hình như nhiệm vụ của hắn không thể nào thực hiện được. Hắn đi khắp các nước, gặp hầu hết các tổ chức. Thật quá khó, trên hai chục triệu dân Lỗ Ma ni, chỉ có tám trăm đảng viên cộng sản, tám trăm người đó lại bị theo dõi chặt chẽ. Không thể nào cộng tác với họ được. Ở Hung Gia Lợi, ở Bảo Gia Lợi, và Tiệp Khắc tất cả đều như thế cả. Đảng cộng sản khá nhất lại ở tận vùng núi của Cộng Hòa Serbie. Đó là những đảng viên của thống chế những người Slaves miền Nam. Lại càng không thể cộng tác với ông ta được, ông ta là một kẻ quá kiêu ngạo. Như thế trong nhiều tháng, Boris không thể hoạt động gì hơn đuoc ngoài một vài vụ khủng bố không đáng kể.
Boris Bodnariuk trở về phòng như mọi đêm. Đã gần khuya, hắn muốn đánh một mật điện, nhưng lúc hắn vừa mở máy thì đã có tiếng còi báo động. Vội vàng mặc áo, hắn bỏ ra đường, thường là hắn muốn chứng kiến những kết quả của cuộc oanh tạc, vì đa số bom Sô Viết thả đều không nổ. Boris bước vào quán cà phê. Vừa nghe tiếng động cơ rền, Boris vừa đoán những mục tiêu oanh tạc. Khách hàng nhìn bộ quân phục Lỗ Ma Ni trên người Boris và mỉa mai về những trái bom Sô Viết không hề nổ bao giờ. Boris quay đầu lại và trông thấy một người đàn bà say rượu đang cầm một ngọn đèn bấm. Bà muốn đi ra ngoài, nhưng đã có lệnh không ai được đi trên đường phố lúc có oanh tạc. Nhưng bà không muốn nghe theo, vừa chửi thề vừa bước ra đường phố.
Viên chủ quán muốn phân trần với Boris, vì trong thời chiến vị sĩ quan nào cũng được xem là đủ tư cách để đại diện cho chính quyền. 
- Bà đó là một người tôi tớ, ở cách đây chừng 20 thước. Bà luôn luôn say rượu, có lẽ vì quá buồn phiền. Trước đây bà ở cho một nữ nghệ sĩ Do Thái, lúc nàng bỏ đi, bà không muốn đi làm công cho ai nữa. Bao nhiêu tiền dành dụm được, bà đem đi uống rượu suốt ngày. 
Boris lơ đãng nghe người chủ quán kể chuyện không có gì hào hứng cả, vì đó là một chuyện thường tình như trăm ngàn chuyện khác. 
Có tiếng bom nổ ở gần đây. Cửa kiến rung lên. Nhiều trái khác rơi gần hơn, một căn nhà bị thiêu hủy, rồi tiếng xe cứu hỏa. Khách hàng đã trốn xuống hầm trú ẩn. Boris sực nhớ đến máy phát thanh của hắn và vội vã bỏ đi. Nhà hắn ở trước mặt nhưng đã có lính và cảnh sát vây kín. 
Họ chưa vào lục soát trong nhà. Ngay lúc đó, một trái bom nổ ngay ở khách sạn của Boris. Những căn lầu trên sập xuống. Nhà cháy, nhiều tiếng kêu la hỗn độn mọi người ồ ạt đổ ra đường. Boris đứng bất động hắn chỉ nghĩ đến bộ máy phát thanh của hắn, bởi nếu không có đám cháy, nếu căn nhà không bị hủy, bộ máy đó sẽ rơi vào tay kẻ thù và hắn sẽ tức tốc bị lộ tung tích ngay, nhưng may mắn thay không ai để ý đến gì được cả trong bóng tối đầy chen lấn và la hét ầm ĩ.