Chương 14

1916-1920
-Học trò các trường Nhà Nước đã đông
-Chữ Quốc-ngữ đã thông dụng. Chữ Hán đã bắt đầu bị chữ Quốc-ngữ và chữ Pháp thay thế.
-1919, Sắc chỉ của Vua bãi bỏ các kỳ Thi Hương, Thi Hội (Hán-học)
-"Đèn Huê-kỳ"
-Đèn đá ngoài đường.
-Xe kéo của Quan Tuần-Vũ
-Học trò đi dự lễ tế Đức Khổng-Tư?
-Dân chúng rủ nhau đi xem chiếc máy bay đầu tiên của Pháp xuất hiện trên vòm trời Việt-Nam.
Trần anh Tuấn đỗ bằng Thành Chung trường Quốc Học Huế tháng sáu năm 1918. Chàng mới có 16 tuổi. Kể từ lúc 8 tuổi cặp sách đến trường tỉnh học lớp Năm, cho đến bây giờ thi đỗ "diplôme", chàng đã học được chín năm, và sức học Pháp ngữ của chàng cũng đã khá vững rồi. Tuấn chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng lúc bấy giờ Tuấn thuộc vào lớp "trí thức" do học trường Pháp mới đào tạo để làm việc cho Nhà nước Bảo-hộ. Riêng ở tỉnh nhà, Tuấn là người đầu tiên thi đỗ bằng "Diplôme" ở trường Quốc học Huế. Cho nên Tuấn được tiếng tăm là một tay "học thức cừ khôi" nhất trong tỉnh, và được ông Công Sứ Pháp, chủ tỉnh, rất thương mến.
Bạn học cũ của Tuấn ở trường tỉnh, thi đỗ bằng sơ học đều được bổ dụng làm việc ngay tại các Sở: Lục lộ, Kiểm lâm, Giây thép, nhà thương, kho bạc, v.v... Với sức học còn ít oi, tiếng Pháp viết chưa đúng mẹo, nói chưa đúng câu, hiểu chưa hết lời, các bạn thiếu niên ấy vẫn được tạm bổ dụng tại các cơ sở mới vừa thiết lập, và vẫn làm được những công việc thường, do các "quan tây" chỉ bảo lần hồi. Riêng Trần anh Tuấn được ưu đãi, nhờ học lực của chàng. Chàng được ông Sứ tin dùng, cho lên ngay địa vị "Thông Phán hạng nhứt", còn Ký Thanh trước kia là người thân tín của "cụ Lớn Công Sứ", bây giờ chỉ còn làm thơ ký thường thôi.
Tuấn và Thanh, tiêu biểu cho hai hạng thanh niên "trí thức" Việt Nam thời bấy giờ, tuy cũng là những phần tử trước tiên do học đường Pháp đào tạo,cũng bỏ Hán-học nhẩy qua Tây-học, cũng ra làm việc cho "nhà nước bảo hộ", cũng dần dần theo nếp sống của "văn minh Pháp", nhưng "đầu óc" của hai người vẫn khác nhau như mặt trời mặt trăng. Lê văn Thanh, thì các bạn đã biết rồi. Từ tư cách, cử chỉ, hành vi,, ngôn ngữ, chàng đã tỏ ra là một kẻ hoàn toàn xu phụ theo Tây, dựa vào thế lực của Tây để hiếp đáp đồng bào, để ăn hối lộ và hách dịch với mọi người. Cả thành phố, và cả tỉnh, ai cũng sợ, nhưng ai cũng ghét.
Trần anh Tuấn thì khác hẳn. Tuy là con nhà nghèo - cha làm nghề thợ mộc - và tuy được "quan Sứ" tin cậy và thương mến vì học lực của chàng tương đối khá hơn cả trong tỉnh, thông thạo tiếng Pháp hơn, và có nhiều khả năng hơn, nhưng chàng không vì thế mà hãnh diện. Trái lại, Trần anh Tuấn luôn luôn vui vẻ, nhã nhặn với mọi người, làm việc rất thanh liêm, hành vi và ngôn ngữ lúc nào cũng trung thực và sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ, bao bọc cho dân chúng mỗi khi họ có việc phải đến "hầu Toà".
Về bề ngoài, ai cũng phải công nhận "thầy thông Phán Tuấn" là một người rất hiền lành, tử tế. Từ "quan Công Sứ", quan Phó Sứ, các quan An Nam cho đến cả ông Hương, ông Xã khắp các phủ huyện trong tỉnh, và những anh "dân quê", tất cả đều có cảm tình với Trần anh Tuấn. Được người trên thương, kẻ dưới trọng. Thấy Phán Tuấn vẫn không bao giờ lấy đó làm hiêu-hiêu tự đắc đối với các bạn đồng nghiệp trong Toà, hay là bất cứ với ai.
Hơn nữa, trong đầu óc Trần anh Tuấn, có những ý nghĩ thầm kín mà không mấy khi Tuấn muốn thố lộ ra ngoài. Nhờ có đi học ở Huế, và nghe biết rõ nhiều chuyện về Vua Hàm-Nghi, và Vua Duy-Tân, cả hai bậc Minh quân còn trẻ tuổi, hai đấng thanh niên anh dũng của nước nhà, Trần anh Tuấn được thấm nhuần tư tưởng "ái quốc" của hai nhà Vua ấy. Có những đêm vắng vẻ, một mình một bóng, dưới túp nhà tranh của chàng ở Cửa Bắc, Tuấn nhớ đến vụ Hoàng đế Duy-Tân và nghe người ta kể lại vụ Hoàng đế Thành Thái, Hoàng đế Hàm Nghi, cả ba đều chống lại Tây, rồi bị bắt, bị đày xa quê hương. Tuấn suy nghĩ, xúc cảm, buồn rầu rồi tự nhiên nằm khóc âm thầm trong đêm tối...
Lúc bấy giờ không ai hiểu được Tuấn. Chung quanh toàn là thế lực và uy quyền của người Pháp, nịnh Pháp sợ Pháp, đa số coi người Pháp như thần thánh, Tuấn vẫn lặng yên, âm thầm nhẫn nại, ngày hai buổi đi làm việc của mình, không tỏ ra một dấu hiệu gì bất mãn cả. Chàng được các quan tin cậy lắm, và các quan "An Nam" kính nể, tuy chàng còn trẻ tuổi quá, mới 17 tuổi, một thiếu niên vừa tốt nghiệp trường Quốc Học ở Kinh đô. Thời kỳ Trần anh Tuấn là một "quan Phán đầu toà" ngoan ngoãn hiền lành, chính là thời kỳ chàng im lặng, âm thầm, chưa tiết lộ tâm chí của chàng còn bao nhiêu bí ẩn...
Nói đúng ra, từ ngày Trần anh Tuấn vào làm việc trong toà Sứ, hoàn cảnh của gia đình Tuấn đã thay đổi khá nhiều. Dĩ nhiên, hoàn cảnh mới cần phải thích hợp với địa vị mới của chàng và chàng đã được công nhận là một thanh niên trí thức Tây học, đứng đầu trong toà Sứ, cũng như đứng đầu trong cả tỉnh, chưa ai so sánh kịp. Chiều theo lời cầu khẩn của Tuấn, chú Ba thân sinh của chàng, không làm nghề thợ mộc nữa.
Không phải Tuấn chê cái nghề ấy là hèn hạ. Tuấn không bao giờ có ý nghĩ trưởng giả như thế. Trái lại, sinh trưởng trong gia đình bình dân. Tuấn luôn luôn có tư tưởng bình dân, và thích thân cận với giới bình dân hơn là giới thượng lưu phong kiến. Nhưng số lương bỗng mỗi tháng của Tuấn có thể cung cấp đầy đủ cho gia đình mức sống hàng ngày có thể tăng lên phần nào, khỏi cần phải ra sức làm việc lao động của người cha già như trước nữa. Tuy đã được thấm nhuần sớm hơn và sâu đậm hơn cái phong trào văn minh tinh thần và vật chất của người Pháp đang lan tràn các từng lớp xã hội Việt Nam, Tuấn vẫn giữ được căn bản tinh hoa của giống nòi mà lúc bấy giờ người ta thường gọi là "Quốc Hồn Quốc Túy" của dân tộc Việt Nam.
Tuấn thường nói với cha: "Thưa cha, hồi con còn nhỏ dại, cha phải làm việc cực nhọc để nuôi sống gia đình, nay con đã đi làm có tiền, con có thể phụng dưỡng Cha Mẹ và nuôi em con. Cha mẹ cứ nghỉ chơi cho khoẻ, để dưỡng tuổi già".
Bà con hàng xóm và trong làng, trong tỉnh, đều khen Tuấn là có hiếu. Họ rất tán thưởng ý nghĩ của Tuấn, và cũng khuyên chú Ba nên nghỉ nghề thợ mộc. Chú Ba nể lời ( anh Phán nó ) - chú thường gọi Tuấn như thế - và cũng nghe lời bà con lối xóm làng, không còn xách cái giõ đựng cưa, bào, chàng, đục, ống mực, cây thước, đi làm thuê và cưa cây đóng bàn cho thiên hạ, để kiếm vài trăm quan tiền như trước nữa.
Nhưng bây giờ, nhờ lương bổng của Tuấn, có dư dả ít nhiều, và tiện tặn góp-nhóp được vài ba chục đồng bạc, chú Ba đem khả năng nghề nghiệp của mình điều khiển một số thợ mộc em út để xây cất một căn nhà mới cho gia đình của chú, và tự chú đóng thêm bàn, ghế, tủ, giường, toàn mới cả.
Nhà mới vẫn phải lợp tranh, vì giá gạch, ngói còn đắt, nhưng gian nhà mới bằng gỗ đã được rộng lớn hơn túp nhà lụp-xụp thuở trước, sáng sủa hơn, sang trọng hơn.
Và đôi liển thiên hạ đi mừng tân gia, mừng thầy Thông Phán đầu toà, toàn bằng chữ Nho, treo la liệt kín hết các vách tường bằng ván.