15. VỌNG MỸ NHÂN
(Thuật theo chuyện kể của Hòa thượng Trí Nghiêm)

Vào một ngày đẹp trời, vua Pasenadi (Ba tư nặc) xứ Kosala dạo chơi trong vườn ngự. Khi nhìn ngắm những gốc đại thụ ở nơi tịnh mịch, với những tàn lá tỏa rộng che bóng mát thật khả ái, đẹp mắt, vua bỗng nhớ đến đức Thế tôn, và nghĩ: "Những gốc cây khả ái, đẹp mắt, ở nơi vắng vẻ thoáng gió, xa hết mọi tụ hội huyên náo, thích hợp cho trầm tư này, chính là nơi Thế tôn thường ngự tòa. Chúng ta hãy đi đảnh lễ đức Thế tôn." Rồi vua quay sang người hầu tên Kàràyana bảo:
- Này Kàràyana, ta nhớ đức Thế tôn. Ngươi có biết hiện gi? Ðấng Chánh đẳng giác đang ở đâu không?
- Tâu Ðại vương, lành thay đại vương nghĩ đến đức Phật Thế tôn. Ngài cùng với đại chúng du hành khắp nơi, rày đây mai đó không có trú xứ nhất định. Thật là một cuộc đời mây bay hạc lánh khó tìm dấu vết. Nhưng may thay, lúc này Ngài đang dừng chân tại thị trấn Meladumpa, cách đây không xa lắm, có thể đi và về nội trong một ngày.
- Thế thì ngươi hãy cho thắng cỗ xe, để chúng ta đi yết kiến đức Thế tôn.
- Thưa vâng, tâu đại vương.
Vua cùng các quan hầu cận đi đến thị trấn Phật đang trú. Vua đi bộ vào ngôi tinh xá. Lúc bấy giờ một số đông tỳ kheo đang bách bộ ngoài trời, vua hỏi:
-Thưa chư đại đức, đức Thế tôn hiện ở đâu? Chúng tôi muốn yết kiến Ngài.
Các tỳ kheo chỉ vào một gian nhà mà bảo:
- Thưa đại vương, gian nhà cửa đóng kín kia là nơi Thế tôn đang nghỉ. Hãy im lặng đến gần, bước vào hành lang thật nhẹ, sau khi tằng hắng, hãy gõ cửa. Ðức Thế tôn sẽ mở cửa cho đại vương.
Ðến trước cửa, vua cỡi vành khăn đội đầu, và trao thanh kiếm hộ thân cho quan hầu cận. Quan hiểu ý, dừng lại chỗ vua trao kiếm. Vua tằng hắng rồi gõ cửa. Ðức Thế tôn mở cửa. Sau khi bước vào gian nhà, vua quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Phật, lấy tay sờ chân Phật rồi tự xưng tên mình:
- Bạch Thế tôn, con là vua Pasenadi xứ Kosala.
Thế tôn hỏi:
- Do duyên cớ gì mà đại vương hạ mình tột bực trước thân này như thế?
Vua thưa:
- Bạch Thế tôn, trong khi con thấy những sa môn bà la môn các giáo phái khác hành trì phạm hạnh chỉ một thời gian, rồi trở về thụ hưởng dục lạc, thì các vị tỳ kheo đệ tử Phật thực hành phạm hạnh viên mãn cho đến trọn đời. Do vậy con nghĩ: Thế tôn thực là bậc Chánh đẳng giác, Pháp được Thế tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử khéo hành trì.
Lại nữa, bạch Thế tôn, trong các tập thể ở thế gian, con thường thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa, bà la môn cãi lộn với bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ. Trong gia đình, cha mẹ anh chị em cũng thường gây gổ nhau. Còn trong Pháp và Luật của Thế tôn, con thấy các tỳ kheo sống với nhau thuận hòa, không tranh cãi, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng con mắt ái kính. Bạch Thế tôn, con không thấy một nơi nào khác có phạm hạnh viên mãn thanh tịnh như thế. Do vậy con kính ngưỡng Thế tôn.
Lại nữa, bạch Thế tôn, khi du hành, con thường gặp các sa môn gầy gò khốn khổ bạc nhược không đẹp mắt chút nào. Con hỏi, và được họ trả lời rằng, tâu đại vương, chúng tôi bị bệnh gia truyền. Trái lại, con thấy các tỳ kheo đệ tử Phật luôn luôn hoan hỉ, các căn thoải mái, tịch tịnh, khinh an. Do vậy, con kính ngưỡng Thế tôn và nghĩ, Pháp được Thế tôn khéo giảng, chư Tăng khéo an trú trong Pháp ấy.
Lại nữa, bạch Thế tôn, con là vua cả nước, có quyền sinh sát trong tay, vậy mà khi con ngồi xử kiện đôi lúc có người dám ngắt lời con, mặc dù con đã ra lệnh không được ngắt lời. Còn trong khi Thế tôn thuyết pháp, thì không một ai gây tiếng động. Một lần, có một vị cư sĩ ho lên trong khi Thế tôn thuyết pháp, và đã bị người ngồi cạnh khẽ đập vào đầu gối. Con nghĩ, thật là vi diệu, hội chúng của Thế tôn được huấn luyện không cần đến gươm giáo gậy gộc.
Lại nữa, bạch Thế tôn, con thấy nhiều học giả thật uyên bác, muốn đến chất vấn Thế tôn, bàn sẵn những lời kích bác, nhưng khi đến trước Thế tôn, thì họ câm lặng, và sau khi được Pháp thoại của Thế tôn làm cho hoan hỉ, phấn khởi, tất cả đều xin quy y Thế tôn, trở thành đệ tử. Do vậy con kính nguỡng Thế tôn.
Lại nữa, bạch Thế tôn, con có hai quan giữ ngựa, ăn cơm của con, đi xe của con, nhờ con mà sống, chính con đem lại danh dự cho chúng. Vậy mà chúng không hạ mình với con như với Thế tôn. Có một lần, trên đường hành quân, con và hai quan giữ ngựa vào nghỉ đêm trong một căn nhà hẹp giữa rừng. Sau khi cùng nhau thảo luận về Pháp của Thế tôn giảng cho đến quá nửa đêm, họ nằm xuống ngủ, để đầu hướng về nơi mà họ được nghe là Thế tôn đang ngự tòa, và trở chân về hướng con nằm. Bạch Thế tôn, khi ấy con nghĩ, thật sự những người này chắc phải ý thức một sự thù thắng trong giáo lý Thế tôn, nên mới có thái độ tôn trọng tột mức đến nỗi coi nhẹ mạng sống như vậy. Do thế, con lại càng kính ngưỡng đức Thế tôn.
Và bạch Thế tôn, Thế tôn cùng thuộc dòng Sát đế l?i, cùng ở nước Kosala, cùng tuổi tám mươi như con. Do vậy con sẵn sàng hạ mình tột bực đối với Thế tôn và biểu lộ tình thân ái.
Kể xong những lý do trên, vua Pasenadi đảnh lễ Thế tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi kiếu từ. Sau khi vua ra về, Phật kể lại câu chuyện trên cho các tỳ kheo, và dạy:
- Này các thầy, đấy là các pháp trang nghiêm, các thầy nên học tập. Các pháp ấy là căn bản của phạm hạnh.
 
LỜI BÀN: Ðọc xong kinh Pháp trang nghiêm, kẻ hậu bối không khỏi cảm khái vài ý nghĩ.
1. Vua Ba tư nặc trước cảnh đẹp thiên nhiên, phi tần mỹ nữ không nhớ, rượu ngon thịt béo không nghĩ, mà chỉ nhớ tưởng đến Thế tôn, tha thiết như nhớ cha mẹ, và tức tốc tìm đến nơi để đảnh lễ ngài. Thật là một vị vua hiền, xứng đáng được sinh đồng thời Phật. Và đức Phật chúng ta cũng may mắn hơn Khổng phu tử nhiều. Vì trong lúc đó thì bậc thánh ở Trung hoa phải than phiền về ông vua bê bối say mê nàng Nam tử: "Nhà vua trọng sắc hơn trọng đức." Nhưng đối với vua Ba tư nặc ngày xưa, cũng như với Phật tử chúng ta ngày nay, thì đức Phật quả là NGƯỜI ÐẸP CỦA MUÔN ÐỜI VÀ VẠN LOẠI. Do đó có câu: "Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương."
2. Trong bảy lý do vua kể vì sao mà vua kính ngưỡng Phật, thì hết năm lý do liên hệ đến tư cách người đệ tử, là: sống phạm hạnh trọn đời (trên nguyên tắc, không kể ngoại lệ), không cãi lộn, lóng tai chí thành nghe Pháp, nhan sắc vui hòa, và biết tôn kính Thầy (hai quan giữ ngựa kính Phật hơn vua). Ðủ thấy tư cách người theo Phật thực quan trọng, gọi là "nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân".
3. Về chuyện hai quan giữ ngựa. Vua thấy hai bề tôi phạm tội khi quân, dám ngủ quay chân về hướng mình, mà không vội nổi sân đòi chém đầu, lại lần dò tìm hiểu lý do tại sao chúng lại kính Phật hơn mình, trong khi mình là người cầm giữ sinh mạng chúng. Thái độ ấy quả là thái độ của một vị vua có trí.
4. Về điểm cuối cùng, vua ngưỡng mộ Phật vì ngài cùng một "ca líp" với mình. Ðó là kiểu suy tư của một hạng người mà đối với họ, Phật tánh quả có Nam Bắc. Họ sẽ không chịu quy y với một chàng bán củi như Lục tổ Huế Năng khả kính của chúng ta. Có lẽ vì vậy, mà Phật phải giáng sanh vào dòng vua chúa, để độ cho hạng vương giả. Tất cả đều là phương tiện của Bồ tát để độ sanh: khi cần ngồi xe bò thuyết pháp, cứ ngồi xe bò.