Giữa cảnh kẻ mất người đi tan hoang như thế, thì Đoài từ quê mang một trăm tờ xanh làm sính lễ, đòi cưới Sến. Đây là thời của những nếp cũ được mang ra dùng lại, cổ truyền sánh vai hiện đại, những ngôi chùa mái ngói âm dương đi tân trang bằng gạch men bóng lộn của nhà vệ sinh, những lãnh tụ vô thần đi thắp hương các phủ, cho nên Đoài đàng hoàng đi đa thê. Vợ Đoài đích thân phù dâu. Thằng bạn tốt là tôi lại được chọn làm phù rể. Đoài bảo: “Tôi phải cứu đời nàng ông ạ. Một trăm vé nà mua được cái nhà tắm. Tôi trấn tầng một, thằng nào vào ninh tinh tôi giết. Thỉnh thoảng đưa nàng về quê rửa nước mưa cho đi cái năng nhăng đồi trụy bị các ông tiêm vào.” Lại căn gác hủ hóa ấy, người đàn bà dâm đãng ấy. Mùa xuân đang về. Ngọc lan đâm chồi, nhài nảy lộc. Sến ngồi đếm tiền. Là cách tốt nhất để tranh thủ thời gian. Một trăm tờ, một trăm kế hoãn binh. Tờ này nhàu em bĩu môi, tờ kia xê-ri cũ, tờ kia nữa em lật bên này em lật bên kia em giơ lên soi kĩ. Ôi, kiếp lẽ mọn chẳng vội vàng, đời đạo đức lại càng nên đợi! Nhưng làm sao tôi biết nổi, rồi Sến sẽ ừ hay chối. Đầu Sến đã rối tung tim Sến đang thảng thốt vì bao nhiêu mất mát. Những thằng trai tân đã ra đi, một kẻ đáng kính và một kẻ đáng nể cũng biệt tăm, chỉ còn lại Đoài và tôi. Tôi không thể cưới Sến. Vợ tôi ghen thì khóc vụng, nhưng không đem lễ đi hỏi vợ cho chồng. Vả lại, của chìm của nổi chỉ có đôi hoa tai vàng thằng Tân đã vay chưa hoàn, đọ với Đoài thì tôi thua trắng. Em ơi, Marie Sến! Còn gì nữa đâu mà lựa chọn? Có gì hứa hẹn nữa đâu? Những người đàn bà như em ở xứ sở này cuối cùng rồi cũng nhắm mắt đưa chân, một chút chồng hờ một khoảnh chồng chung còn mát mặt hơn đời đơn chiếc. Ở nơi nào đó phụ nữ rủ nhau đi giải phóng phụ nữ. Ở đây phụ nữ rủ nhau đi hôn nhân. Rồi cả em nữa, con chim yêu trời của tôi, con công thích xòe đuôi, rồi cả em cũng sẽ tự nguyện gói cuộc đời sôi động nhất thế kỉ của mình vào hạnh kiểm. Sẽ ăn phải bả đạo đức, là thứ hàng rởm lẽ ra dùng đánh chuột thì bán điêu cho người. Sến đếm tiền xong thì tìm được câu trả lời. Bây giờ em cầm tay vợ Đoài, dẫn ra ban công, dịu dàng thưa chị thưa anh, nhài này ngọc lan này chở cả một tấm tình, mùa xuân năm ngoái ở chợ Bưởi, anh đã thương thì cho em khất lại, đến ngày nhài nở ngọc lan ra hoa… Ôi những cái mẹo đàn bà! Không thể thông minh hơn! Không thể ý nhị hơn! Bụi nhài Đoài đã khéo chọn hôm nào, phải đợi sang hè mới nở. Vô vàn hoa trắng tinh khiết như cô dâu Marie Sến cao giá vô ngần. Còn ngọc lan, tôi đã bảo ngọc lan trồng ban công là hỏng, nhưng Sến bướng nắm bướng nắm và Đoài thì ngu. Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ ngọc lan ấy đơm hoa. Là ngọc lan đã phôi pha. Là Sến. Hai cái hẹn, một vào mùa hè nảy lửa, một vào thiên thu. Cái xa đẩy ra, cái gần vẫy lại, Sến chao đảo thoải mái giữa hứa hẹn và khước từ như vậy rồi bắt người khác phải rượt theo, Đoài làm sao bắt kịp! Ngày ngày Đoài vác đất, lên bồi ban công. Một chú dã tràng, một gã lao nô, một vị hôn phu tấp tểnh. Từng chậu từng chậu đất phù sa sông Hồng đắp vào gốc ngọc lan, đắp vào mối tình dại dột. Như tường nhà tôi, chiếc tháp hai tầng nhỏ bé của Sến cũng đã nghiêng theo sự kiên nhẫn khủng khiếp của Đoài, một lúc nào đó cái ban công với nhài và ngọc lan sẽ ụp xuống, thả bom tình yêu vào nước Mĩ bên cạnh. Là một sự cố chính trị ngoại giao không thể chấp nhận. Ngoài ra, mỗi ngày Đoài tương vào gốc ngọc lan một bãi nước giải. Đích thân hắn đứng ra vạch quần đái. Thật nhiều, thật lâu. Mỗi giọt một hi vọng khai mù. Hắn uống căng một bụng thuốc bổ của thày lang rồi xả lòng thành ra tồ tồ, nước giải của hắn là vi-ta-min nguyên chất. Biết bao quyết tâm rút ruột, bao nhiệt tình và nghị lực, cho một cuộc hôn nhân một nền đạo đức, cho một cái sở cuồng! Lại nói chuyện thằng Hồng vắng nhà đã lâu, ở Viện nghe đồn rằng y sắp được đưa ra xử, phiên tòa có luật sư bào chữa, có nhà báo nước ngoài, là phiên tòa kiểu mẫu. Rồi lại nghe y bị đầu gấu trong trại bẻ gần gẫy chỗ đội nón, tính mạng thế nào còn chưa biết. Rồi lại nghe y thảo chương trình cải cách tuyệt mật cấp nhà nước cho toàn bộ các ngành khoa học nhân văn và sắp tới sẽ ra tranh chức Viện trưởng Viện Lớn. Rồi lại nghe y là điệp chìm, vụ này tung ra để gài bẫy. Mỗi ngày một tin. Đêm giao thừa ngồi ở nhà ông Thân, Hồng là một dissident say rượu đốt pháo cấm. Bây giờ, trong sự vắng mặt rờn rợn, Hồng thành một huyền thoại, từng ném bom vào quảng trường Ba Đình. Chỉ có hai người làm chứng rằng y không ném bom. Người kia thì đã hoàn toàn lặng im. Còn tôi, tôi không biết huyền thoại tốt hơn hay là sự thật. Nhưng không ai tra hỏi tôi. Việc thằng Hồng theo hai người đàn ông lạ mặt mà đi như thể thiếu mọi tương quan, như thể một tai họa thiên nhiên rơi không báo trước vào căn hộ xế bên trái tôi mà thôi, những kẻ khác có thể dùng phần đời may mắn còn lại của mình mà mò mẫm trong sự bất trắc khôn lường và bí hiểm siêu nhiên của định mệnh. Chẳng dựa vào đâu được. Chẳng biết tin vào đâu. Bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, con cái, vợ chồng, những bức tường, những giọt rượu, những con chim…, đều có thể đồng lõa với tai họa. Chỉ còn lại Sến, góc cải lương muôn thuở và bình ổn, chiếc ổ ấm hơi người, ở đó có thể nửa nằm nửa ngồi vừa nhai bánh phồng tôm, uống bia hơi vừa hồi hộp theo dõi phim chưởng trọn bộ và bỗng yêu đời khủng khiếp. Nhưng Sến chỉ có một, mà chúng tôi đều muốn chen vào. Cho nên thằng đến trước, thằng đến sau giẫm bừa lên nhau, thằng đến sau thằng đến trước bước qua xác nhau mà yêu đời. Tôi ngồi lên đầu thằng Đoài khi Hồng xuất hiện, và khi thằng Đủ xuất hiện thì Hồng thượng cẳng lên tôi. Thứ tự diễn ra như thế này: Khi tôi mò lên gác Sến một buổi tối không hẹn thì thấy Đoài vừa xong cái bổn phận khai mù của hắn ở ngoài ban công. Hắn trở vào phòng, quần không cài khuy, thắt lưng để ngỏ. Và bỗng phát khùng, gã cán bộ thoát li giở trò sàm sỡ. Mặc kệ Sến chống đỡ bằng nhài và ngọc lan. Vừa “cho anh xin” vừa dồn Sến vào chân tường. Vừa “một tí thôi vợ anh ơi, bắt anh đợi nàm gì phải tội” vừa giằng chun quần Sến. Tôi hắng giọng: “Sến à! Sến ơi! Có nhà không Sến!” Sến có nhà. Tôi thấy cái chun đã roãng, quần thì sắp rơi, nên xáp vào giữ giúp. Cuối cùng tôi đã có dịp cho Đoài ở đâu đó trong căn gác này biết thế nào là thằng bạn tốt. Còn hắn là cử tọa lí tưởng. Hắn có thể từ chỗ nấp đo bằng mắt chính xác lưỡi tôi dài tổng cộng mười bảy phân và Sến lại sắp nghẹn. Miệng hai đứa đã ướt sũng và cái vũng bên dưới của Sến đã ngập, tôi đã rắp tâm cho thêm Đoài bài học thế nào là đạo đức, thì lại nghe một thằng khác hắng giọng: “Sến à! Sến ơi! Có nhà không Sến!”. Sau bức rèm chụm ở một góc tường, tôi đặt phịch mông lên đầu thằng Đoài. Bên ngoài, Hồng từ huyền thoại trở về hay từ hiện thực bước ra, hôn tay Sến. Tay Sến có mùi Đoài và có mùi tôi, nếu lúc này cảnh sát ập vào khám nghiệm thì cả Đoài và tôi cùng thông qua bàn tay nõn nà của đàn bà mà liên lụy với một phần tử nguy hiểm. Lẽ ra chúng tôi nên bỏ trốn. Nhưng Sến thì đón người hùng như thể chàng từ khán đài bước xuống hay từ chốn nghỉ mát trở về, còn Hồng thầm thì những câu tình tứ có ngữ pháp đầy đủ. Chẳng thấy dấu hiệu gì đe dọa. Không phải sinh mệnh chính trị của chúng tôi treo trên đầu sợi tóc, mà sinh mệnh ái tình. Kia kìa thuốc thơm, rượu chát và pho-mát Sến đã bưng ra. Cho riêng y, chúng tôi được phép chầu rìa. Họ ngồi nâng cốc. Như thể chúng tôi còn lại là một lũ ngốc, cóc hiểu gì về thế sự và tình đời. Thôi thì mẹ kiếp, dissident cũng là người! Cũng lẻn đi mê gái. Kia kìa y lại hôn hai trái tuyết lê của Sến. Dịu dàng chậm rãi, như thể cả buổi tối, cả đêm, cả cuộc đời còn lại Sến thuộc về y. Một tay cầm cốc một tay mân mê. Nhấp một ngụm, nhai một mẩu, rồi lại mút nhũ hoa đỏ thắm. Y cũng không quên hút. Khói thơm ngào ngạt như mây Bồng Lai. Một tiên nữ một gã trẻ trai, liếm láp nhau như mèo thượng giới. Cái đầu bên dưới tôi chuyển từ nóng sang lạnh rồi ngược lại. Như hôm nào, ở hội nghị “Di sản và đổi mới”, tôi lại tìm cách che bớt đường Đoài nhìn về phía Sến, lại lo cho cơn tâm thần của anh cán bộ thoát li hơn lo chặn đứng cái cục ghen nóng bỏng đang bò dần lên bóp cổ tôi… Một phút, hai phút, tôi phải làm một cái gì đấy để tránh đổ máu. Anh hùng phản kháng xứng đáng chết cho lí tưởng hơn là trong một cuộc đánh lộn vì tình. Tôi ấn đầu Đoài xuống, kẹp cổ hắn giữa hai chân. Tôi bịt mồm hắn. Hắn cắn bừa vào tay tôi. Tôi rụt lại. Đoài gầm lên: “Tao giết! Tao giết!”. Vừa tung rèm lao ra thì Hồng bay thẳng vào góc tường như bị ném, rơi xuống lòng Đoài, thượng cẳng lên tôi. Rèm lại kéo về. Chen chúc trong góc hậu trường, chúng tôi hé mắt nhìn ra. Sến đang mê man. Chút xống áo còn lại trên người bị một bàn tay vô hình giật phăng. Mảnh slip chấp chới một vòng như chim mới ra ràng rồi đậu xuống bát hương. Tối nào Sến cũng thắp hương. Ba thẻ đỏ lửa xuyên ba lỗ thủng qua chiếc lá đa nhà chùa bằng tơ tằm ấy, rồi tiếp tục cháy điềm nhiên. Sến được nhấc bổng lên. Phải là một lực sĩ sức vóc phi thường mới nâng nổi một đàn bà vốn nặng cân như Sến lên cao đến thế. Rồi Sến bị dằn ngửa xuống sàn. Người tình vô hình chẳng lãng phí thời gian. Sến đã giật lên từng đợt hối hả đùng đùng. Rú rít, cấu xé, vật lộn. Con mèo mà thằng Hồng nuôi đã thành con hổ lớn. Một khối trắng đồ sộ nồng nỗng điên cuồng. Hồng run. Tôi hết hồn. Còn Đoài khóc lặng lẽ. Khi Sến đã nằm im, Hồng và tôi phải dùng sức lôi hắn ra khỏi chỗ nấp. Khắp người Sến chi chít những nốt chủng to như bóng điện. Chua như cứt mèo. Là chữ kí của thằng Đủ. Tôi hoảng hốt ôm choàng lấy Đoài. Hóa ra hắn nhạy cảm hơn tôi tưởng. Hắn chẳng cần ngửi mùi chua và nhìn những nốt chủng. Hắn đã nhận ra thằng con từ lâu. Đoài tuột khỏi tay tôi, lao ra ban công, dễ dàng nhổ tung bụi nhài, nhưng phải mất một lúc mới bật được gốc ngọc lan. Tôi tưởng như thế là xong, Đoài rồi sẽ hồi tâm, nên quay ra chăm sóc Sến. Sến đã tỉnh, ngồi khóc nức nở, rồi chỉ tay ra cửa, cứ “Đủ ơi! Đủ ơi! Em khổ!” mà hờ. Tôi lạnh sống lưng: nghĩa là cả thằng Đủ cũng đã ra ma và vừa lộn về để si tình. Thì ngoài ban công, Đoài một tay nhài một tay ngọc lan, cầm hai chiếc dù của tình yêu lao xuống. Ngoài cửa, trên bậu cầu thang, vợ Đoài ngồi như tạc vào đêm, ru trong lòng một bọc ni lông lớn. Xác thằng Đủ, như đã nói, gồm nhiều đoạn. Cho vừa với loại áo quan thông thường. Khổng lồ lúc sinh thời, xong một cuộc đời nó lại nhỏ bé trong lòng mẹ. Mọi việc đã xong, cuốn tiểu thuyết của tôi sắp kết thúc, bây giờ tôi mời bạn đọc lên gác Sến nghe một ngàn hai trăm cuộn băng thằng Đủ để lại. Nếu mỗi ngày nghe một cuộn thì chúng ta mất ba năm ba tháng hai tuần. Bạn đọc không có thời giờ chăng? Không thích thú chăng? Thì nghe một đoạn năm phút mà thôi, năm phút là vừa hết một cơn hắt xì hơi, ho, hỉ mũi, ngoáy tai, và ngáp. Ông Thân: “Tất cả chỉ là một cuộc chạy không tải của trái tim. Trái tim chúng ta để lên đầu, trái tim của nàng Mỵ Châu. Từ chỗ cao nhất nó những tưởng điều động nổi cỗ máy còn lại. Nó bùng cháy, nó tuôn trào, nó rạt rào nhiệt huyết, nó gầm rú và hò hét, nó nhấn ga. Là một chiếc động cơ đủ mạnh để đẩy chúng ta một phát lên thiên đường. Nhưng cỗ máy còn lại là cỗ máy bất tòng tâm. Chân tay chúng ta im lìm, đầu chúng ta bất động, hai quả thận thì quả này tưởng quả kia nhậm chức. Chỉ có da là nổi gai ốc, lông trên người rung lên, chúng ta ở đâu thì vẫn nguyên ở đó. Tất cả chỉ là một cuộc chạy suông của chủ nghĩa lãng mạn. Những Suối Mơ không bao giờ chảy ra đến biển. Những rừng thơ không thể cản gió. Những núi vọng không lên đến trời. Trái tim trên đầu chúng ta cứ ầm ĩ nổ hoài, kiêu hãnh vì cô đơn, tự tải chính mình. Da chúng ta lại nổi gai ốc, lông trên người rung lên, mọi bánh xe đều đứng im, ai ở đâu thì vẫn nguyên ở đó.” Thằng Đủ: “Nghe văn nghệ bỏ mẹ. Ông cứ lấy cái Honda mới mua về phải chạy thử số mo trong phòng làm thí dụ là được!” Đủ nói đúng. Chính là bố nó cho tôi biết một trăm chiếc xe máy Nhật chạy hết số chết trong phòng như thế nào. Ngoài ra tôi có thể thêm vào, rằng cứ lấy Sến làm thí dụ: bao nhiêu tình tứ, mà chẳng thằng vào tới nơi. Chẳng thằng nào vào được trong em. Cứ đến cửa thiên đường là hết vé. Những thằng đã ra ma có thể vào đánh lẻ. Những thằng còn làm người đứng ngoài mà làm người.