Ngày Hội Đền An Dương Vương đã qua rồi, lối mòn lên núi cỏ bắt đầu lan kín. Tuy thế vẫn có một đôi tình nhân ở xa về, đặt những bước chân muộn màng đi vãn cảnh. Anh nói với nàng khi hai người ngồi trên một tảng đá phẳng lì tựa tấm phản màu nâu thẫm:
- Đoạn kết câu chuyện cổ tích ở làng anh người ta kể hay hơn trong sách, em thân yêu ạ. Gió biển thổi lồng lộng, nàng nghe tiếng anh loáng thoáng mơ hồ. Đây là nơi cao nhất đỉnh núi, nàng ngả người nằm dài trên đá mặc cho gió lùa man dại dưới lớp vải mỏng bộ đồ xoa màu hoa cà. Hình như nàng không để ý nghe, anh là kẻ vô tình hơn cả cơn gió. Khép hờ đôi mắt chờ đợi, nàng hỏi pha chút hờn mát:
- Người ta kể ư? Anh của em còn nhớ không? Kể đi nào. Nàng níu anh nằm xuống bên cạnh mình. Mọi khi hai đứa nằm ở tư thế này, bao giờ anh cũng là kẻ chủ động ôm choàng lấy nàng mà siết chặt, tìm cách " xâm lược " nàng, hung hăng như một đứa trẻ háu đói. Hôm nay anh nằm ngay đơ, nét mặt trầm ngâm hơi buồn buồn...
..." Hai cha con An Dương Vương chạy đến chân núi Mộ Dạ thì hết đường. Trời vừa sụp tối, một bên là núi dựng như bức thành màu đen nhức nhối, một bên là biển nổi sóng cồn cào vô tận.Chiếc áo lông thiên nga của Mợ Châu đã bị nàng vặt trụi rắc dọc đường. Con ngựa hồng thân ướt đẫm mồ hôi, trong bóng tối chạng vạng đỏ thẫm màu máu. Một dây tia chớp trên trời cao bỗng sáng bừng lên, xen giữa tiếng sấm nổ liên hồi là lời thần Kim Quy phán sang sảng: " Giặc đang ngồi sau lưng mà nhà ngươi không biết!" Một trận cuồng phong nổi lên.Nhà vua quay đầu lại, dọc lối mòn vô vàn chiếc lông thiên nga bay chấp chới. Trên mình công chúa chỉ còn mảnh yếm che bầu ngực tròn căng, nàng gần như khỏa thân nửa người. An Dương Vương gầm một tiếng chuyển rung trời đất, làm con ngựa kiệt sức đổ sụm xuống: " Mày! Ta không ngờ chính mày là giặc! " Hai cha con đứng bên xác con ngựa nhìn nhau trân trối. Nhà vua rút thanh bảo kiếm giơ lên. Mợ Châu quỳ xuống: " Đến lúc này con mới biết mình có tội với nước với cha. Con đáng chết nhưng xin cha hãy thương lấy đứa cháu trong bụng con đây, nó là giọt máu tình yêu của con với chàng Trọng Thủy." Nhà vua thét lên: " Không! Quân phản trắc! Ta không muốn bị đời sau khinh bỉ như một kẻ đê tiện." Thanh bảo kiếm lướt nhanh hơn chớp mắt. Trời đất tối sầm, mặt biển bỗng yên tĩnh lạ lùng...
Máu nàng Mợ Châu chảy theo dấu chân vua cha hòa vào nước biển. Trên thi thể nàng đứa con trong bụng vẫn ngọ nguậy mãi không nguôi...
Sáng hôm sau, một người tiều phu nhìn thấy xác công chúa, động lòng trắc ẩn đem chôn cất. Ông ta trồng trên mộ một cây chuối để linh hồn hai mẹ con nàng được siêu thoát.Bao giờ cây chuối nở hoa kết trái, ở cõi âm nàng sẽừ sinh con. Ông già tiều phu không biết nàng là ai, tất nhiên ông cũng không biết đêm qua nhà vua đã nhảy xuống biển tự sát và quốc gia đã mất vào tay người phương Bắc. "
Anh ngừng lời kể, nàng nằm im suy ngẫm, chỉ còn tiếng gió biển vẫn thao thiết giữa trời đất. Anh quay sang lay vai người yêu:
- Em ngủ đấy à?
- Không, đoạn kết câu chuyện cổ của làng anh nghe buồn hơn chứ không hay hơn trong sách. Em đã nghe đâu đó về tục lệ trồng cây chuối lên mộ những người đàn bà chửa hoang.
Họ trở về theo lối mòn ngang qua cổng Đền An Dương Vương, trên cành cây gạo già cỗi le lói đỏ những bông hoa đầu tiên báo hiệu cuối mùa xuân. Nàng không dám ngoái lại nhìn ngôi đền cổ kính vì một nổi sợ hãi vô hình cứ bám lấy mình.
-Hồi mới nhận lời yêu anh, ba em giận lắm. Đôi khi em cứ linh cảm mình bất hạnh y như nàng Mợ Châu. Thật là may, ba em không phải là An Dương Vương, ông chỉ là nhà khoa học yêu thương con gái đến mức không muốn cho nó lấy chồng.
- Cũng may, anh không phải là chàng Trọng Thủy, anh chỉ là một gã sinh viên nghèo si tình. Anh cười nhìn nàng bằng đôi mắt trong veo. Có lẽ nàng yêu anh chỉ vì ánh mắt ấy.
Bà ngoại đang đợi đôi tình nhân bên mâm cơm chiều, bà hỏi có vẻ lo ngại:
- Hai đứa bay lên Đền chơi về hử?
- Không phải đi chơi đâu bà ơi, nghề của chúng con là phải tìm hiểu những ngôi Đền bà ạ.Anh trả lời, nàng ngạc nhiên nhìn bà:
- Có phải những người yêu nhau không được lên Đền chơi hở bà?
- Đức Ngài thiêng lắm, thường hay quở những đứa nào dám phạm thượng. Cách đây mấy năm có hai anh chị rủ nhau chui vào trong Đền hú hí, bộ đội tập bắn tận bên kia núi đạn lạc sang tận bên này trúng ngay đầu đứa con gái...
*
Anh sống với bà ngoại từ nhỏ. Bà là người duy nhất còn tin ở Đức Ngài An Dương Vương ở cái thời người ta triệt để bài trừ mê tín dị đoan. Không tin sao được, bao nhiêu bom đạn máy bay Mỹ trút xuống vùng này nhưng nóc Đền không rụng một viên ngói. Bà nghèo nên xin bán anh cho cửa Đền, hơi sổ mũi nóng mình là bà chạy lên van xin Đức Ngài hãy thương lấy cháu. Bà đang có ý định trước khi anh cưới vợ sẽ lên xin chuộc lại đứa cháu mình. Cha mẹ anh đã theo nhau đi biệt tích.Khi biết cầm thuổng gạt lớp đất đào những viên gạch sò, anh mới hiểu vì sao người làng gọi tên mình là thằng Côi. Thằng Côi có mẹ theo trai, cha nó là tên đào ngũ vượt tuyến vào Nam.Ngày xưa bà ngoại nó cũng theo trai mà đẻ ra mẹ nó. Nòi nhà nó không đàng hoàng... Côi đào gạch sò giỏi có tiếng. Bên dưới lớp đất bạc màu ngày xưa là biển, vỏ sò hàng triệu năm kết thành vỉa. Người ta xắn lên làm gạch xây nhà, xây trường học, xây trụ sở, xây nhà hát bằng thứ gạch sò nổi tiếng. Mỗi con sò khi sống hai mảnh vỏ chỉ đủ che thân mình nhưng khi nó chết đi rồi vẫn còn có thể che tổ ấm cho con người. Người làng thích mua gạch sò của thằng Côi, nó khéo tay thuổng, xắn hòn nào cũng vuông thành sắc cạnh, xây tường đều tăm tắp như gạch đúc. Họ gọi nó là thằng Côi Sò, nó sống nhờ sò, lớn lên nhờ sò, đi học nhờ sò. Tiền bán gạch sò nó giao hết cho bà lận vào cạp váy, khi cần ngửa tay xin, bà cho thì lấy, bà không cho thì thôi, không bao giờ dám trái lời. Ai khinh mặc người nó là đứa cháu ngoan của bà, nó là thằng học trò giỏi nhất trường huyện.Cho đến bây giờ sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp Sử, có thể hiểu biết lịch sử nhiều quốc gia, tiểu sử nhiều vị anh hùng nổi tiếng nhưng nguồn gốc gia đình mình thì Côi chỉ biết mù mờ như làn sương dăng trên đỉnh núi...
Ngày xưa bà ngoại đẹp lắm, bà là cô Nhạn tươi trẻ, ngày Hội Đền làm bao chàng trai ngẩn ngơ. Hoẽ ném bã trầu, họ tán tỉnh bằng những câu hát ví hát phường nghe muốn rứt ra từng khúc ruột. Người hy vọng lọt mắt xanh hát lời thanh, người thất vọng hát lời bỡn cợt, thậm chí tục tằn. Làm người con gái đẹp thích thật, lũ con trai tan tác từng đám hội, từng phiên chợ, từng buổi ra đồng. Thế rồi cũng đến lúc Nhạn phải lòng một người, anh Võ Dậu làm phu trại than trên đỉnh núi Thần Vũ. Ban đêm nhớ người yêu, Nhạn nhìn lên đỉnh núi chờ đốm lửa trại lập lòe như một ngôi sao.Anh Dậu nhớ người yêu nhìn về phía trăng mọc, nơi ấy rầm rì tiếng sóng biển. Đôi trai gái chỉ gặp nhau vào phiên chợ Phủ. Nhạn thức thâu đêm dệt vải vì lo không đủ hàng để có cớ đi chợ. Còn anh Dậu lo tắm rửa thật sạch để xuống núi, thứ đồ vật anh yêu nhất có lẽ là chiếc gương soi. Họ gặp nhau chỉ nhìn nhau là đủ,hai người vốn ít lời, yêu nhau rồi thì còn biết nói gì với nhau nữa, lòng dạ mong ngày thành vợ thành chồng. Thế nhưng chỉ một lần bắt gặp ngoài chợ Phủ, ông Tây mắt mèo kiểm lâm liền mê mệt cô Nhạn hàng vải. Ông Tây dâm đãng có tiếng, ông thích đàn bà An Nam chứ không ham đàn bà Mẫu quốc nên ông thuê phu đàn bà trồng thông. Đàn bà yếu hơn đàn ông nhưng đàn bà giúp ông giã cơn nghiện giống cái. Biết bao gia đình khốn khổ vì ông Tây mắt mèo. Người ta đã đặt vè răn đe:
" Đàn bà mà đi trồng thông.
Đố ai không chửa vì ông mắt mèo "
Nhưng với cô Nhạn, ông muốn cưới làm vợ hẳn hoi, theo phong tục An Nam. Ông nhờ quan Phủ dẫn đội lính khố xanh đến nhà ăn hỏi. Cha mẹ cô Nhạn sợ xanh mặt không dám từ chối, cũng không dám thách cưới. Thôi, coi như mất con... Nhạn giãy đảy như đỉa phải vôi, sau một đêm khóc lóc vật vã, bỏ làng trốn lên núi báo tin cho người yêu. Cặp tình nhân thành vợ chồng trên đỉnh núi Thần Vũ cao chót vót lưng trời. Quan Tây mắt mèo tức ói máu mượn luôn quan Phủ đội lính khố xanh leo lên núi bao vây trại than. Những phu than ngơ ngác vì sự lạ, họ nói đôi trai gái có ở đây mấy ngày nhưng hiện giờ trốn đi đâu thì chịu không biết đằng nào để chỉ cho quan lớn bắt. Lệnh truy nã tên Võ Dậu vì tội tham gia hội kín liền được dán khắp chợ quê.
Thực ra sau khi rủ Nhạn trốn lên mạn ngược, anh Dậu không hề tham gia hội kín hội hở. Anh trở thành trùm băng thổ phỉ mãi giáp biên giới nước Lào, chuyên chặn đường đánh cướp những chuyến hàng mậu dịch của các công ty do người Tây làm chủ. Thỉnh thoảng anh lại cải trang thay hình đổi dạng mang thuốc phiện về xuôi đổi lấy muối đem lên. Nghe nói anh được Thần Kim Quy phù hộ độ trì, trong người luôn dắt một cái móng rùa bằng bắp tay, khi gặp nguy biến chỉ cần chìa ra là thoát thân. Hội Đền năm sau đó, ông Tây mắt mèo bị anh đón đường khi vừa phi ngựa ra khỏi trại thông rừng Cấm. Cái móng rùa thật ra là khẩu súng Pặc-hoọc do Tàu chế tạo, bắn một phát tiếng nổ rầm trời. Bộ ngực lông lá của quan Tây vỡ toác bằng cái đấu đong thóc.
Nước nhà độc lập, bà Nhạn dắt con gái trở về quê. Gia đình tan tác vì tù đày, vì đói kém, hai mẹ con dựng lều sinh sống trên nền đất cũ. Người làng chuyền tai nhau, cha con bé Thoa là phường lục lâm thảo khấu bất trị. Bà Nhạn cắn răng chịu đựng. Ai biết cho bà, ông Dậu được giác ngộ cách mạng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ thượng cấp đi công cán từ Thái Lan sang Vân Nam. Thời ấy, nếu không có người quen đem uy tín bảo lãnh hoặc làm chứng thì không ai tin một tên trùm thổ phỉ lại hy sinh thân mình vì đại nghĩa, vì đất nước.
Cô Thoa lớn lên thừa hưởng ở mẹ cái duyên con gái mặn mà nhưng chẳng ai dám ngắm nghía cho con mình. Mười tám tuổi Thoa đẹp như tiên sa, vẻ đẹp chết người chứa đựng nhiều oan trái. Cũng đi cấy dưới bùn sao chân cô trắng nõn tựa ngó sen, cũng lên núi lấy củi nhưng bàn tay thon thả như quanh năm ở nhà dệt vải. Mùa hạ gió Lào khô khốc, mùa đông heo may hun hút không hề ảnh hưởng gì đến gương mặt trắng hồng và cặp môi son cắn chỉ. Thoa đi học bình dân học vụ, rồi Thoa làm cô giáo làng dạy lại cho người khác xóa mù chữ. Mấy lần ham vui cô xin đi dân công hỏa tuyến, người ta không dám cho đi vì nguồn gốc lý lịch bất minh. Bà Nhạn lo buồn cho con gái chỉ biết lên Đền thắp hương xì xụp cầu khấn. Bà ao ước Thoa có chồng con dưới một mái nhà yên ấm.
Miền Bắc hòa bình, Thoa chạy vạy xin đi công nhân nông trường. Cứ một sư đoàn bộ đội miền Nam tập kết lại phải tuyển thêm vài trung đoàn nữ thanh niên xung phong để lập nông trường. Khối cô nhờ hiệp định Jơnev mà khỏi ế chồng và cũng khối anh chờ hai năm nước nhà không thống nhất đành lấy thêm một bà vợ miền Bắc. Thoa gặp được một anh bộ đội tập kết trong hoàn cảnh anh đang chống đối chính sách xây dựng nông trường: " Tụi tôi ra đây không phải để bị đi đày, nghen! Ra đây dưỡng sức để về chọi nhau vơi thằng Diệm. Không cho về thì tôi vượt tuyến, sợ gì. Chết bỏ! " Họ bị kỷ luật vì tội quan hệ nam nữ bất chính và tội nói dối tổ chức. Thoa khai có cha hình như là liệt sĩ, còn anh chàng kia đích thị đã có một đời vợ trong Nam. Côi là đứa con của một mối tình tội lỗi được đem về quê gửi cho bà Nhạn nuôi nấng. Cha anh trong cơn phẫn uất đã bảo với mẹ anh: " Anh phải về trong ấy, nếu em thương anh hãy cùng đi với anh, rồi em sẽ biết, vợ anh nó bỏ đi theo giặc như anh đã báo với tổ chức. Họ ghét anh ngang bứa họ đặt điều đấy thôi." Hai người tìm cách vượt tuyến, lần mò giữa mênh mông đại ngàn Trường Sơn và biệt tích vì một thời chiến tranh tao loạn...
*
Nửa đêm trời trở gió. Bà ngoại thiếp đi một lúc, thức giấc nhức mình, rên nho nhỏ.Bà nằm mơ thấy ông Dậu còn sống, râu tóc bạc trắng trở về quê cùng với Thoa và anh con rể miền Nam tập kết. Ba người không biết lối về nhà rủ nhau đi lên phía Hội Đền tìm bà và thằng Côi... Tiếng đôi trẻ vẫn trò chuyện rì rầm trong bóng tối. Bà bỗng thương thằng cháu vô cùng, tủi thân khóc một mình. Trang lứa với nó đã có người bốn năm mặt con. Ngoài ba mươi tuổi Côi mới đưa người yêu về trình diện.Con bé người Hà Nội có giọng nói trong như tiếng hát đến là hay chuyện.Nó con ông to bà lớn nhưng không chê cháu bà xuất thân nghèo khó. Chúng lấy nhau cũng là sự lạ, khiến bà vui. Sắp xuống lỗ rồi, một đời cơ cực rồi, thế là mãn nguyện...
- Anh à, ngày mai chúng mình ghé thăm chị Nương nhé.
- Để làm gì?
- Ơ, sao lại hỏi em? Gặp lại ngưòi yêu cũ cũng là một mô-típ truyền thống của chuyện cổ tích đấy.
- Anh đã bảo, truyện cổ tích làng anh đoạn kết thường không mang yếu tố có hậu. Thôi ngủ đi em, gà gáy sáng lâu rồi...
- Anh phải hứa đưa em đi thăm chị ấy. Nàng nũng nịu. Nào hứa đi!
- Thì hứa!
Nhưng Côi không thể chợp mắt được nữa...
Hồi ấy Côi thi đậu đại học với số điểm đủ để Được ưu tiên đi học nước ngoài, anh vội báo tin cho Nương, cô bạn gái thân nhất lớp. Giữa hai đứa có một khoảng cách lung linh không thể nói thành lời. Đã nhiều lần mắt họ bất chợt gặp nhau và cả hai cùng bối rối.ánh mắt chứa đựng nhiều dự cảm khi bước vào ngưỡng cửa tình yêu ban đầu. Đó là mùa hè cuối cùng của đời học sinh.Hai đứa rủ nhau lên Đền Thờ An Dương Vương cầu duyên, thả trái bưởi xuống giếng Ngọc rồi leo qua núi ra phía cửa sông Cấm ngồi chờ... Chờ mãi không thấy... trời tối dần... cái hôn đầu tiên... lời tỏ tình đầu tiên...rồi những lời thề thốt đầu tiên có cả núi sông trời biển cùng chứng giám. Trái bưởi tình đầu đã trôi lạc đi hướng nào nên hai đứa dạt theo hai phương trời khác nhau.
Đêm ấy đưa Nương về nhà, Côi được chứng kiến người yêu bị một trận đòn của ông bố vốn là cán bộ văn hóa huyện:
- Tao đã xin cho mày đi học trung cấp Thương nghiệp. Nhờ ơn bác Chủ tịch giúp đỡ không thì chuyến này mày chỉ có đi vác đất đắp đê. Học hành không lo. Yêu đương nhăng nhít. Còn anh Côi, con Nương nhà này không đến lượt anh. Đồ con rơi con rớt! Tôi cấm anh vác mặt đến đây!
Côi bỏ chạy ra cổng nhưng rồi anh quay trở lại lắng nghe. Chỉ có tiếng chửi bới, không hề nghe thấy tiếng Nương khóc.
Chưa bao giờ anh thấy mình bị làm nhục như thế. ý thức về thân phận làm cổ anh đắng ngắt như ngậm phải hoa ngải. Mười ngày sau, Côi nhận được lệnh gọi nhập nhũ. Ông xã đội trưởng giải thích anh không đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài nhưng đủ tiêu chuẩn lên đường đánh Mỹ.Nhiệm vụ của người thanh niên là trên trận tuyến đối diện với quân thù, nơi đó ý chí tuổi trẻ được thử thách. Thống nhất nước nhà tha hồ trở về đi học thành tài. Côi ra đi, không hề thấy sợ chết. Chỉ thấy tiếc công bà nuôi ăn học từng ấy năm. Anh ân hận, biết thế bỏ học ở nhà nuôi bà, giờ đi có chết cũng báo đáp được đôi phần.
Hết chiến tranh, anh trở về, Nương đã thành vợ người ta, thành con dâu ông Chủ tịch huyện. Chuyện Nương lấy chồng là do người lớn sắp xếp. Cô định từ chối, ông bố gắt ầm nhà:
- Tao với bác Chủ tịch là bạn chí cốt từ thời Điện Biên Phủ, từ thời điếu thuốc lào vê ra chia đôi. Mày chê con người ta là mày chê cái tình đời của chúng tao, hử?
- Bố ơi, con không thể lấy người con không yêu.
- Cái thằng Côi không cha không mẹ, đen thùi lùi ấy, mày yêu nó cái gì? Bác chủ tịch xin cho mày học nghề, xin cho mày công việc, về làm dâu nhà ấy mát mẻ tấm thân, bố mẹ còn đươcù thơm lây... Mày không nghe...tao từ...!
Thế là Nương đành nhắm mắt đưa chân. Chồng Nương tốt nghiệp kỹ sư ở Liên Xô hiện đang công tác ngoài Hà Nôĩ.Nương bán hàng ở Công ty Thương nghiệp huyện. Người ngoài trông vào thấy họ là cặp vợ chồng đẹp đôi nhất thời bấy giờ. Côi luôn tìm cách tránh né không dám gặp lại người ấy. Anh không hề oán trách nhưng vết đau mối tình đầu đời hằn sâu như vết dao cứa vào lòng.
Điều đáng buồn là Côi biết Nương sống không có hạnh phúc. Thời sinh viên anh vẫn thấy chồng Nương làm việc ở Viện nghiên cứu gần trường Đại học.Anh ta nổi tiếng là tay cua gái, hiện đang tìm cách đeo đuổi con ông Viện trưởng. Chuyện bỏ vợ quê tìm vợ Hà Nội cũng là mốt thời thượng của những chàng xuất thân ở tỉnh lẻ...
Đôi trai gái bước vào cửa hàng thương nghiệp huyện, Côi bỗng muốn quay lui nhưng nàng không chịu:
- Kìa anh, đã hứa với em rồi mà.
- Anh chẳng hiểu vì sao em cứ bắt anh gặp lại cô ấy.Cứ như là em định khủng bố anh! Côi hơi xẵng giọng.
- Mình cứ gặp chị ấy đã. Em rất muốn chứng kiến cảnh hai người gặp lại nhau. Giọng của nàng dịu dàng nhưng vẻ mặt thật cương quyết.
Nương nhìn thấy Côi, chị hơi bối rối đánh rơi chiếc kéo cắt vải, gương mặt sầu muộn hơi ửng lên:
- Trời... Anh Côi. Anh... mua gì ạ?
- Chào Nương, tôi chỉ ghé qua thăm thôi. Anh nói nhanh rồi quay sang giới thiệu. Đây là phu nhân tương lai của tôi. Anh vỗ nhẹ vai nàng. Em à, chị Nương bạn cũ của anh đấy.
Nương đã lấy lại được bình tĩnh, chị nói rất chân thành:
- Xin chúc mừng hai người. Thế bao giờ anh Côi cho em ăn trầu?
- Sắp rồi chị ạ. Nàng lên tiếng, giọng thánh thót như tiếng chuông reo. Lần này chúng em về đón bà ra Hà Nội. Tháng sau sẽ tổ chức lễ cưới ngoài ấy. Nếu chị ra thăm anh, hân hạnh mời anh chị đến chung vui với chúng em nhá.
Gương mặt Nương bỗng sa sầm, lộ vẻ hốc hác mệt mỏi.Chị đang mang thai đứa con thứ ba, hy vọng nó sẽ là con trai vì hai đứa trước là gái.Anh chồng luôn kiếm cớ đòi ly dị. Mỗi lần anh đưa đơn, Nương đều sẵn sàng ký nhưng hễ hai vợ chồng ra Tòa là hai ông bố xuất hiện để can thiệp. Hai ông rất tâm đầu ý hợp:
- Chúng tôi đều là cán bộ, các đồng chí chớ cho chúng nó cắt đứt, có hại uy tín danh dự của hai gia đình.Chúng tôi vừa là thông gia vừa là đồng chí.
Tòa không xử theo đương sự. Tòa xử theo nguyện vọng của hai ông thông gia. Sau mỗi lần ra Tòa, Nương lại chửa một đứa. Anh chồng quả là người có tài làm lành với vợ...Còn Nương nhiều lúc nghĩ đến con mà đành chấp nhận sống cho qua ngày.
Gặp lại Côi, chị không khỏi bùi ngùi xót xa. Ngày xưa xa xôi...Bây giờ anh đã thuộc về người khác giữa một thời đã khác.
- Em rất mừng cho anh, anh Côi ạ. Biết đến khi nào còn gặp...
Anh có cảm giác hình như Nương không muốn gặp lại mình như thế này, lời nói của chị hoàn toàn có thể hiểu là một lời từ biệt.
Trên đường trở về, Côi buồn rầu nói với nàng:
- Gặp lại người yêu cũ là gặp lại người đã chết. Hình như ông Gor-ky nói thế,phải không em?
Nàng luồn tay vào mái tóc anh âu yếm:
- Em xin lỗi. Em ích kỷ lắm.Bây giờ em mới tin anh là của riêng em. Chồng chị Nương đã có thời đeo đuổi em. Hắn là một tên vô liêm sỉ: Hắn bảo vợ không hề yêu thương hắn, chỉ thương nhớ người tình cũ, nên đẻ ra những đứa con thân xác thì của cha nhưng tâm hồn thì của người khác. Hắn coi đó là tội ngoại tình. Anh đừng giận em nhé, có lúc em cũng ghen với chị ấy. Tại anh thật thà kể cho em nghe làm gì... Ôi, em yêu anh quá!
Đúng là một ngày tệ hại nhất cuộc đời. Buổi trưa, Nương treo biển nghỉ bán ở quày hàng về nhà pha thuốc ngủ vào nước ngọt. Có lẽ do ma quỷ xui khiến, do tiền oan nghiệp chướng đưa đẩy, người mẹ cùng hai con uống hết,rồi đổ xăng khắp nhà. Chờ cho bọn trẻ mê mệt, chị khóa cửa và châm lửa...
Từ xưa đến nay chưa có vụ cháy nào bi thảm hơn. Hội Đền năm sau người ta còn bàn tán chuyện anh chồng, con trai ông Chủ tịch huyện thương vợ con đến mức hóa điên. Và đang đêm có hai người lạ một nam một nữ đến trồng trên mộ người đàn bà đang mang thai một cây chuối vì hôm đưa ma nhà đám quên trồng.
Thế đó, trên mặt đất này ân oán còn nhiều tơ vương lắm.
1993