Phần 2: HỆ THỐNG CHỦ ĐẠO
GIÚP LÀM CHỦ ĐỜI MÌNH
Chương 14

ẢNH HƯỞNG TUYỆT VỜI:
HỆ THỐNG CHỦ ĐẠO CỦA BẠN
Một trong những điều làm tôi thích thú nhất trong đời sống, đó là có cơ hội khám phá những bí ẩn về thái độ của con người và nhờ đó cống hiến những giải pháp thực sự biến đổi chất lượng của đời sống. Tôi cảm thấy hứng khởi khi tìm hiểu những lý do tiềm ẩn đằng sau những thái độ của người ta, khám phá ra những niềm tin chủ yếu, những câu hỏi, ẩn dụ, tiêu chuẩn và giá trị. Vì điểm mạnh của tôi là có thể tạo ra ngay những kết quả, nên do nhu cầu tôi đã học được cách để xác định những điểm đòn bẩy để tạo điều kiện cho những thay đổi xảy ra. Hằng ngày tôi đóng vai Sherlock Holmes, tìm tòi những chi tiết nhỏ bé nhất để kết thành bài toán trong kinh nghiệm độc đáo của mỗi người - tôi đúng là một thám tử tư chuyên nghiệp đấy! Có những chìa khóa kỳ diệu trong những thái độ của con người!
Đôi khi những chìa khóa này khó nhận ra, cần phải tìm hiểu sâu để khám phá ra chúng. Tuy nhiên, thái độ ứng xử của con người vô cùng đa dạng đấy, nhưng tôi đã tìm ra một điều cho phép tôi thành công, đó là mọi sự rốt cuộc cũng qui về một số khuôn mẫu chung do những yếu tố chủ chốt làm thành. Nếu bạn và tôi nắm được những nguyên tắc tổ chức này, chúng ta sẽ có khả năng không những tạo ảnh hưởng nơi người khác để giúp họ thay đổi một cách tích cực, mà còn hiểu được tại sao họ hành động như thế.
Hiểu được Hệ thống chủ đạo điều khiển mọi thái độ con người là một khoa học đích thực được chi phối bởi những định luật và những hành động và phản ứng có thể đoán trước được.
Chúng ta bị vây bọc triền miên bởi vô số những sự việc xảy ra trong đời sống hằng ngày khiến hầu hết chúng ta không nhận ra mình có một triết lý riêng, cũng không nhận ra được sức mạnh mà triết lý này hướng dẫn cách chúng ta đánh giá ý nghĩa của sự việc chung quanh chúng ta. Phần hai trong sách này giúp bạn điều khiển hệ thống chủ đạo của bạn trong việc đánh giá - sức mạnh điều khiển cách bạn cảm nhận và việc bạn làm trong mọi giây phút của đời sống.
Hiểu được Hệ thống chủ đạo của người khác sẽ cho phép bạn hiểu trực tiếp bản chất của một người, dù người đó là vợ, chồng, con cái, người chủ hay người đối tác kinh doanh của bạn, ngay cả những người bạn gặp hằng ngày. Bạn sẽ thấy thật may phước cho bạn khi có thể biết được động cơ nào đang thúc đẩy tất cả những con người rất có ý nghĩa đối với bạn này - kể cả chính bạn. Nhờ đó, không cần phán đoán ai, bạn có thể trực tiếp nhận ra họ thực sự là người thế nào.
Với trẻ em, chúng ta thường nhớ lại rằng tính đỏng đảnh, khó bảo là do nhu cầu được chiều chuộng hơn là một tâm trạng bướng bỉnh hay hư đốn. Trong đời sống hôn nhân, một điều đặc biệt quan trọng là chúng ta biết nhận ra những căng thẳng của cuộc sống hằng ngày để có thể nâng đỡ lẫn nhau và vun trồng sợi dây hôn nhân đã ràng buộc hai người với nhau. Nếu người bạn đời của bạn cảm thấy bị áp lực công việc đè nặng và bột phát những cơn tức giận hay thất vọng, thì không có nghĩa là cuộc hôn nhân của bạn không còn gì nữa, nhưng là một dấu hệu để bạn thấy mình phải quan tâm hơn và tập trung nâng đỡ người bạn đời mà bạn yêu thương. Cũng thế, chúng ta không thể xét đoán một người chỉ bằng một hai sự kiện riêng lẻ. Con người không phải là những thái độ cư xử của họ.
Bí quyết để hiểu con người là tìm hiểu Hệ thống chủ đạo của họ để bạn có thể trân trọng cách suy nghĩ hệ thống và cá nhân của họ. Mọi người chúng ta đều có một hệ thống hay phương pháp mà chúng ta sử dụng để xác định điều gì có nghĩa đối với chúng ta và chúng ta phải có thái độ nào đối với nó trong mọi tình huống của cuộc đời. Chúng ta phải nhớ rằng mỗi chuyện đều có tầm quan trọng khác nhau đối với mỗi người và mỗi người đánh giá sự việc xảy ra mỗi khác tùy theo hoàn cảnh và viễn tưởng của họ. Chúng ta cần học cách đánh giá sự việc để có những phán đoán tích cực và có những hành động tích cực đi kèm.
Những phán đoán tuyệt vời
tạo những cuộc sống tuyệt vời
Khi tìm hiểu đời sống của những người thành đạt, tôi luôn luôn nhận ra một mẫu số chung này: họ có những phán đoán tuyệt vời. Bạn cứ thử nghĩ đến bất kỳ một người thành đạt trong một lãnh vực nào như kinh doanh, chính trị, pháp luật, nghệ thuật, tình cảm, sức khoẻ, tôn giáo. Điều gì đã đưa họ lên vị trí tột đỉnh? Điều gì đã làm cho luật sư Gerry Spence thắng trong hầu như mọi vụ án mà ông đã bênh vực trong suốt 15 năm qua? Tại sao Bill Cosby đã luôn luôn làm khán giả say mê mỗi khi anh bước lên sân khấu? Điều gì đã làm cho nhạc của Andrew Lloyd hoàn hảo đến mê hồn như vậy?
Tất cả đều qui về một lý do là họ có những đánh giá tuyệt vời trong những lãnh vực chuyên môn của họ. Spence thấu triệt được những ảnh hưởng đối với cảm xúc và quyết định của người ta. Cosby đã bỏ ra nhiều năm phát triển những tiêu chuẩn chủ đạo, những niềm tin và những qui luật về cách dùng mọi sự vật chung quanh để làm người ta cười. Sự thành thạo của Webber trong lĩnh vực nhạc điệu, phối khí, hòa âm và các yếu tố khác đã giúp anh viết ra những bản nhạc làm rung cảm lòng người.
Một trong những nhà quản lý đầu tư hàng đầu trên thế giới là Sir John Templeton, chủ tịch đầu tư thế giới, đã giữ mức kỷ lục suốt 50 năm nay không có đồi thủ. Một số tiền đầu tư 10,000 đô-la vào Quĩ phát triển Templeton lúc ban đầu là năm 1954 thì ngày nay có thể trị giá 2 tỷ 2 đô-la! Nếu bạn muốn ông đích thân làm việc cho dự án đầu tư của bạn, bạn phải đầu tư tối thiểu 10 triệu đô-la tiền mặt; khách hàng lớn nhất của ông đã giao cho ông đầu tư trên 1 tỷ đô-la. Điều gì đã giúp Templeton trở thành một trong số những nhà tư vấn đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử? Khi tôi nêu câu hỏi này với ông, ông không do dự trả lời, "khả năng tôi đánh giá đúng giá trị của một vụ đầu tư".
Giỏi đánh giá sẽ mang lại nhiều của cải
Chúng ta hãy tóm lược 5 yếu tố đánh giá và mô tả vắn tắt từng yếu tố một.
1. Yếu tố thứ nhất chi phối mọi việc đánh giá là trạng thái tri thức và cảm xúc của bạn trong lúc bạn đánh giá. Trong đời sống, có những lúc một ai đó nói điều gì với bạn và làm bạn khóc, trong khi cùng một lời nói đó nói với bạn vào một lúc khác lại làm bạn cười. Tại sao có sự khác biệt ấy? Có thể chỉ đơn giản là do tâm trạng của bạn lúc đó. khi bạn đang trong tâm trạng sợ hãi, dễ tổn thương, thì những tiếng bước chân khe khẽ ngoài cửa sổ của bạn ban đêm sẽ làm bạn cảm thấy hoàn toàn khác với lúc bạn đang vui tươi phấn khởi. Vì vậy, một trong những yếu tố chính để bạn có những đánh giá tốt là bạn làm việc đánh giá này khi mình đang ở trong tâm trạng phấn khởi, tích cực thay vì trong tâm trạng e dè sợ hãi.
2. Yếu tố thứ hai là các câu hỏi chúng ta nêu lên. Các câu hỏi tạo nên hình thức khởi điểm cho việc đánh giá của chúng ta. Bạn nên nhớ rằng, khi phản ứng lại bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời, trí óc của chúng ta đánh giá sự việc đó bằng câu hỏi, "Điều gì đang xảy ra? Ý nghĩa của tình huống này là gì? Nó có nghĩa là đau khổ hay sung sướng? Tôi có thể làm gì để tránh đau khổ, hay để đạt sự vui sướng?" Trong tiến trình đặt câu hỏi này, các câu hỏi quen thuộc của bạn có một vai trò quan trọng.
3. Yếu tố thứ ba là bậc thang giá trị của bạn. Trong cuộc sống, mọi người chúng ta đều biết đánh giá một số cảm xúc nhiều hơn những cảm xúc khác. Mọi người chúng ta đều muốn cảm thấy hạnh phúc, nghĩa là sự thỏa mãn và đều muốn tránh đau khổ. Nhưng kinh nghiệm cuộc đời dạy mỗi người chúng ta một hệ thống đánh giá riêng cho mình trong việc coi cái gì là đau khổ, cái gì là hạnh phúc. Đó chính là nhờ sự hướng dẫn do bậc thang các giá trị của chúng ta. Ví dụ, một số người coi hạnh phúc là cảm giác ổn định, an toàn, trong khi người khác lại coi sự an toàn, ổn định là đau khổ vì điều này làm cho họ không bao giờ cảm nghiệm được sự tự do.
4. Yếu tố thứ tư là các niềm tin của chúng ta. Các niềm tin tổng quát của chúng ta cho chúng ta cảm giác chắc chắn về cách thức chúng ta cảm nghiệm và về những gì chúng ta có thể mong đợi nơi bản thân mình, nơi đời sống và nơi người khác. Ví dụ, một số người tin rằng, "Nếu bạn thương tôi, thì bạn đừng bao giờ nặng lời với tôi". Niềm tin này khiến cho người này đánh giá một lời nói nặng như là một biểu hiện của việc không có tình thương trong mối quan hệ.
5. Yếu tố thứ năm của Hệ thống chủ đạo là kho kinh nghiệm đối chiếu bạn có sẵn trong trí óc của bạn mà bạn có thể đem ra sử dụng. Trong trí óc bạn, bạn đã lưu trữ mọi kinh nghiệm bạn đã có trong cuộc đời, cũng như mọi kinh nghiệm mà bạn đã tưởng tượng ra. Những kinh nghiệm đối chiếu này là nguyên vật liệu mà chúng ta sử dụng để xây dựng các niềm tin và các quyết định của mình. Để xác định một việc có ý nghĩa thế nào với chúng ta, chúng ta phải đối chiếu nó với một cái khác. Ví dụ, hoàn cảnh này tốt hay xấu? Tốt hay xấu so sánh với cái gì? Nó có tốt nếu đem so sánh với trường hợp của người khác không? Nó có xấu khi so sánh với một hoàn cảnh xấu nhất mà bạn đã kinh nghiệm không? Bạn có vô số những kinh nghiệm để đối chiếu trong khi làm bất cứ quyết định nào.
Một ngày, bạn và tôi đều có cơ hội để có những kinh nghiệm đối chiếu nhờ đó chúng ta có thể kiện cường các niềm tin của mình, hoàn thiện hóa các giá trị, hỏi những câu hỏi mới, đi vào những trạng thái thúc đẩy chúng ta tiến tới những hướng mà chúng ta muốn đến và thực sự hình thành những định mệnh tốt đẹp hơn cho chúng ta.
"Người ta khôn ngoan nhiều hay ít
không phải nhờ kinh nghiệm của họ,
mà nhờ khả năng biết đón nhận kinh nghiệm".
-GEORGE BERNARD SHAW
Trắc nghiệm những điều bạn đã học
Để kích thích suy nghĩ của bạn về cách bạn làm cho Hệ thống chủ đạo của bạn hoạt động hiệu quả, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
1. Bạn thích nhất kỹ niệm nào trong đời mình?
2. Nếu bạn có thể chấm dứt nạn nghèo đói của thế giới hôm nay bằng việc giết một người vô tội, liệu bạn có làm không? Tại sao có hay tại sao không?
3. Nếu một hành khách bỏ quên một túi xách trên xe taxi của bạn, liệu bạn có đi tìm chủ của nó để trả lại không? Tại sao có hay tại sao không?
4. Nếu bạn ăn hết 100 con gián thì sẽ được thưởng 1000 đô-la, liệu bạn có ăn không? tại sao có hay tại sao không?
Các câu trả lời của chúng ta sẽ phản ánh Hệ thống chủ đạo của mình. Và mỗi người, tùy theo hệ thống chủ đạo và tùy theo cách đánh giá tình huống khác nhau, sẽ cho những câu trả lời rất khác nhau. Thú vị đấy chứ, phải không bạn?
Tới một lúc nào đó...
Chúng ta đã học năm yếu tố trên đây của Hệ thống chủ đạo, nhưng còn một đề tài chúng ta phải chú ý: chắc chắn chúng ta có thể đánh giá quá đáng. Con người thường thích phân tích sự vật tới kỳ cùng. Thế nhưng, tới một lúc nào đó, chúng ta phải chấm dứt việc đánh giá để bước sang hành động. Ví dụ, có người khi làm một quyết định cực nhỏ cũng phải đánh giá đi đánh giá lại nhiều lần trước khi hành động. Sự quá đáng này làm họ trở nên do dự, e dè và rốt cuộc không đạt đến kết quả nào trong cuộc đời. Nhiều khi quá đắn đo trong các chi tiết nhỏ mọn có thể làm chúng ta cảm thấy ngột ngạt và bất lực.
Tôi sẽ hướng dẫn bạn nhận ra hệ thống đánh giá bạn đang áp dụng là hệ thống nào, giúp bạn thiết lập một hệ thống chủ đạo mới hiệu quả và nhất quán hơn. Bạn đã biết sức mạnh của trạng thái và của các câu hỏi, giờ đây chúng ta bước sang lãnh vực thứ ba của việc đánh giá: đó là các giá trị của đời sống, la bàn riêng của bạn, là đề tài của chương tiếp theo.